[ Trở về ]
Khảo chứng nội dung văn bản một thi tập bị công bố muộn

Trần Xuân An

"Thi tập Nguyễn Văn Tường (1824-1886)", còn có tên gọi là "Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập", vì những chướng ngại do hoàn cảnh lịch sử, nên bị công bố muộn. Cùng với các tập châu bản về Nguyễn Văn Tường, "Thi tập Nguyễn Văn Tường (1824-1886)" được xem như tộc bảo, trang trọng đặt ở ban thờ, và theo những người thân lớn tuổi, nghe đâu cũng chỉ được công bố một số bài, hay có đề cập đến trong nội bộ hậu duệ, những người quen biết, vào các dịp giỗ kị, trước 1975. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, không lâu sau ngày Thống nhất 30-4-1975, Thi tập được một nhóm giảng viên, sinh viên Khoa Sử, Đại học Sư phạm Huế trong các lần đi "điền dã", đã sưu tầm được (tại số nhà 12 Hàn Thuyên, Thành Nội, Huế). Thế mà mãi đến ngày 20-6-1996, nó mới được công bố với bản dịch dở dang tại Hội nghị khoa học "Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường (1824-1886)", do ĐHSP.TP.HCM. tổ chức, với nhiệt tình của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc (viết về châu bản, thay lời giới thiệu) và dịch giả Trần Đại Vinh (giới thiệu châu bản, Thi tập, phiên dịch khoảng 40 bài) cùng sự góp phần phiên dịch của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (giới thiệu Thi tập, phiên dịch khoảng trên 5 bài, một số trích đoạn). Do đó, khi biên soạn Thi tập này (chủ yếu được Nguyễn Văn Tường sáng tác trong thời gian khoảng từ 1868 đến 1878), với sự trợ giúp về việc phiên âm, dịch nghĩa của nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan (21 bài còn lại), sự hiệu đính của nhà nghiên cứu Ngô Thời Đôn (về các bản dịch), tôi đã cẩn trọng chuyển lại thơ từ các bản dịch nghĩa, nhất là tốn nhiều công phu cho việc chú thích, khảo chứng nội dung văn bản; đồng thời tự tôi cũng phải sưu tầm thêm ở nhiều sách vở khác (của Phan Trần Chúc, Trần Văn Giàu, Hồ Sĩ Vọng - Lê Quang Thái, Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, Lương An...) một số bài thơ, câu đối của Nguyễn Văn Tường để khảo chứng, đồng thời để làm căn cứ khảo chứng, và cụ thể là để làm sáng tỏ thêm những năm tháng chưa thể hiện ở Thi tập, đặc biệt là trong và sau thời điểm Kinh đô Huế quật khởi, bị thất thủ (05-7-1885). Về quãng thời gian này, để góp phần làm rõ, cuốn sách đã được tập hợp thêm hai bài khảo luận sử học của GS. Đoàn Quang Hưng, PGS.TS. Võ Xuân Đàn với các chú thích của tôi -- người biên khảo (Trần Xuân An) -- nhằm làm rõ hoặc phản biện cần thiết (cũng như ở cuối 3 bài viết của 3 tác giả kể trên); và chính tôi đã viết gần 10 trang khảo đính các dị bản bài "Giải triều...", cả một khảo luận sử học khoảng 50 trang sách để khảo chứng và để làm cơ sở cảm thụ bài thơ ấy: "Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh đô quật khởi (05-7-1885)". Tuy vậy, nói chung, những tư liệu căn bản để đối chứng với Thi tập và phần sáng tác ngoài Thi tập vẫn là "Đại Nam thực lục chính biên" (các kỉ IV,V,VI), "Đại Nam nhất thống chí", "Đại Nam liệt truyện", "Quốc triều hương khoa lục", "Tự Đức thánh chế văn"... cùng những sách sử khác có liên quan, kể cả những tư liệu của người Pháp đã được công bố trong "Tập san Những người bạn cố đô Huế" (Bulletin des amis du vieux Hué), hoặc mới được công bố trong sách nghiên cứu của Yoshiharu Tsuboi (1982)... Trong đó, "Đại Nam thực lục chính biên" (các kỉ IV,V,VI) vẫn là chuẩn cứ. Cố nhiên là các tư liệu gốc của Quốc sử quán triều Nguyễn phải được xới lật theo quan điểm dân tộc, khoa học nhất. Thơ của nhà nho, tán tương quân thứ, phó sứ phái bộ, thượng thư, phụ chính, tù nhân bị giặc Pháp lưu đày biệt xứ Nguyễn Văn Tường gắn liền với các giai đoạn trong hành trạng của ông (*). Công việc khảo chứng này sẽ được đọc thấy ở các chú giải cuối mỗi bài thơ của Nguyễn Văn Tường (1824-1886) trong cuốn sách "Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) - Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng", do tôi biên khảo, được công bố từ năm 2000 (bản in vi tính), đặc biệt là từ 2005 (bản đã sửa chữa, bổ sung, gồm cả nguyên tác chữ Hán) trên mạng liên thông toàn cầu, và vừa mới được xuất bản chính thức dưới dạng in giấy tại Nxb. Thanh Niên, 6-2008. Chính qua việc khảo chứng nội dung văn bản với ý thức về tính khoa học và tính nghiêm cẩn, tôi khẳng quyết, tính xác thực của "Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập" là rất hiển nhiên. Các di cảo văn xuôi được sưu tập cũng phải được khảo chứng, chọn lọc với chuẩn cứ là "Đại Nam thực lục chính biên" (các kỉ IV,V,VI) theo quan điểm dân tộc, khoa học như vậy (**). Trong "Lời thưa đầu sách" (TXA.), ý tưởng này đã được phân tích, diễn giải và xoáy sâu.
 
 

Trần Xuân An

30 & 31-7 HB8 (2008)

 
 

------------------------

Chú thích:

(*)Thơ của nhà nho, xin nhấn mạnh, để hiểu quan niệm sáng tác của Nguyễn Văn Tường và những tác giả trung đại, cận đại, thường là khác với quan niệm sáng tác của các nhà thơ chuyên nghiệp hiện đại. Trong chừng mức nhất định, nhìn chung, có thể nói, nếu phần lớn thi sĩ chuyên nghiệp hiện đại mở rộng "biên giới" thơ trữ tình sang lĩnh vực hư cấu, hư cấu cả hình tượng cái tôi trữ tình, để viết thay cho nhiều người trong nhiều cảnh đời khác nhau, và không ngần ngại thể hiện "cái tôi" đa dạng, nhằm phản ánh hiện thực, thì hầu hết các nhà nho thi sĩ thường dùng thơ ca để thể hiện cái chí, cái tình và sự việc, cảnh ngộ chính mình đã nếm trải, những người chính mình đã gặp gỡ, tặng thơ, hoạ thơ -- đặc biệt là hai loại thơ "kí", "hoạ" này --, nhưng lại giấu kín "cái tôi" một cách phải phép. Do đó, việc khảo chứng giữa tiểu sử và thơ ca của nhà nho thi sĩ dễ cho ta thấy sự trùng khớp giữa người thơ và thơ). Toàn bộ di cảo thơ, gồm cả câu đối, của Nguyễn Văn Tường, không bỏ sót một câu chữ nào, đã được đưa vào cuốn sách "Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng" (Trần Xuân An biên soạn và khảo cứu, Nxb. Thanh Niên, 2008).

(**)Trần Đại Vinh, bài viết "Di cảo Nguyễn Văn Tường", trong cuốn "Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn" do Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Sở Khoa học, Công nghệ & Môi trường Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xuất bản, 7-2002, tr. 592-594; và các chú thích phản biện của Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/dicao-nvt_trandaivinh.htm
 

TXA.

Địa chỉ:
Trần Xuân An
71B Phạm Văn Hai
Phường 3, Tân Bình, TP.HCM.

ĐT.: (08) 8453955 & 0908 803 908