Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]         [ Tác giả ]

Ấn tượng đậm nhất về một nửa cõi tình thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
- Phần 2 -
Trần Xuân An
 
Ảnh chân dung nhà thơ 
Lâm Thị Mỹ Dạ (thời trẻ)
bìa tuyển thơ tình (2008)
Lẽ nào hạnh phúc chợt đến rồi ra đi, đối với một người thơ nữ ngay từ thuở còn trẻ đã trăn trở, day dứt đến mức xé lòng về khát vọng hoàn thiện phẩm chất bên trong của chính mình, và âu lo đến mức trở thành lo sợ về tình nghĩa thuỷ chung cũng như lòng hiếu đạo, khi nghĩ ngợi về chàng trai mình yêu dấu, người sẽ là người trăm năm của mình, là đứa con rể hiếu thảo với mẹ vợ? Thật là vô lí khi tác giả của những câu thơ ở tuổi hai mươi, "Hãy chỉ cho em cái kém / Để em nên người tốt lành / Hãy chỉ cho em cái xấu / Để em chăm chút đời anh", lại phải một mình đối mặt với chính mình trong niềm cô đơn và đơn độc trong một gia đình trông rất đầm ấm, hạnh phúc -- một gia đình hiện diện đầy đủ chồng con và mẹ già như mơ ước thuở nào!
Vì vậy, thoạt đầu, tôi phân vân tự hỏi, cái cô đơncái đơn độc trong nửa sau tuyển thơ tình yêu đương "Chỉ riêng mình em thấy"(*) có phải chỉ là một cảm thức về phận người nói chung, theo một nhãn quan triết học nào đó, hay thực sự đó là bi kịch trong đời sống tình cảm cụ thể? Nhưng rồi,tôi nhận ra, cái cô đơncái đơn độc trong thơ Huy Cận ngày xưa, "Tôi đâu biết thịt xương là sông núi / Chia biệt người thành từng xứ cô đơn", hầu như không vương vấn gì nhiều trong cõi tình thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Quan niệm về con người và cõi thế gian thời "Lửa thiêng" nay đã cũ rồi: Những linh hồn cô đơn và đơn độc chỉ có thể chan hoà, cảm thông nhau khi tấm thân cát bụi không còn đáng kể!
Tôi cũng nghĩ cảm thức cô đơn và cô độc ở thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ có thể chỉ là một thứ di truyền tinh thần từ người mẹ lẻ loi suốt đời của người thơ. Nhưng cũng chỉ mơ hồ.
Chắc hẳn cô đơn và cô độc ở người thơ này thật hơn, con người hơn (thực tiễn hơn, nhân bản hơn). Điều này có thể đọc thấy không chỉ ở một bài, mà cả vài chục bài trong tuyển thơ trọn vẹn là 45 bài, kể cả mảng thơ thuộc nửa đầu của tuyển.

 

Trong chiến tranh, người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết nhiều về những cuộc chia tay và nỗi lẻ loi của bao cô gái chờ người yêu, bao người vợ chờ chồng trở về từ chiến trường: "Vầng trăng", "Tiễn anh bên đầm sen", "Những ngày không anh", "Hương cau"...
 

"Ai mong chồng bằng cô gái trong ca dao / Sớm đứng trông xuôi / Trưa ra ngó ngược / Mấy nghìn năm qua / Ai đếm được những cuộc chia ly trong lòng đất nước / Đất nước của vô vàn những cuộc chia ly" ("Cô gái trong ca dao", Lệ Thuỷ, 1975).
 

Đó là nỗi chờ chồng của người phụ nữ Việt Nam qua nghìn năm vận nước chiến chinh, đó cũng nỗi niềm của chính người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong những ngày sắp thống nhất. Nhưng không có nỗi cô đơn và đơn thân của ốc đảo trong thơ chị:
 

"Những ngày vắng xa / Trong giấc mơ em / Giọng nói anh chập chờn lửa cháy / Anh ngã xuống rồi anh đứng dậy / ... / Nhưng em tin anh không chết bao giờ" ("Cô gái trong ca dao", Lệ Thuỷ, 1975).
 

Con người có thể lẻ loi, thậm chí phải sống xa làng mạc, bà con, rơi vào tình huống đơn thân, đau đáu nỗi nhớ con người và xã hội loài người như trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long, nhưng con người cũng có thể không cô đơn, vì còn có quê nhà, có người thân để nhớ về. Trong những năm tháng chiến tranh, xa chồng, thơ người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn ấm áp nỗi nhớ.
 

Nhưng chiến tranh qua rồi...
 

Không lâu sau khi đất nước được hoà bình, bài "Tạ từ" lại xuất hiện như một chia lìa nghĩa tình và đời sống vợ chồng của người thơ. Tôi muốn xem bài "Tạ từ" này như một ranh giới giữa hai nửa cõi thơ của chị.
 

"Thôi xin từ tạ một người / Đã ca hát, đã khóc cười cùng ta (tôi) / Thôi xin từ tạ một đời / Đã cay đắng, đã ngọt bùi, đã chia... // Tạ từ như đám mây kia / Tan vào trời rộng xa lìa không gian / Tiếng ngân dứt sợi tơ đàn / Bóng cây nghiêng bóng thời gian -- tạ từ // Cỏ xanh lìa cỏ vàng mơ / Người thơ từ tạ hồn thơ ngọt ngào / Nụ tầm xuân vắng ca dao / Ngọn đèn từ tạ ánh sao xa vời // Bàn tay che ấm khoảng đời / Ngón đan ngón úp đã rời bàn tay / Cái rủi từ tạ cái may / Lời ru từ tạ vơi đầy vành nôi // Cúi đầu xin tạ từ thôi / Con đường hai ngã chia đôi -- tạ từ..." (Tạ từ).
 

Đây là một cuộc chia tay nhưng không dứt được ân nghĩa cũ, chia tay trong nỗi ngậm ngùi, nuối tiếc, thậm chí Lâm Thị Mỹ Dạ còn thấy rõ là chia tay một cách vô lí. Có gì vô lí hơn "Người thơ từ tạ hồn thơ ngọt ngào / Nụ tầm xuân vắng ca dao"! Cỏ vàng mơ không phải là cỏ chớm úa, mà là cỏ đứng mơ trong màu vàng nắng. Sao lại chia tay với giấc mộng mơ màu nắng ấy! Ngọn đèn đọc sách và ánh sao thả hồn rong ruổi vẫn cần thiết cho nhau, sao lại chia tay! Toàn là những gì vô lí trong cuộc chia tay này!Và tuy nhận về mình phần rủi, anh ấy là phần may, chị cũng đành "Cúi đầu xin tạ từ thôi / Con đường hai ngã chia đôi -- tạ từ..." ! Người thơ nhân hậu và cao thượng? Có lẽ vậy. Và còn gì đó nữa, khiến chị phải "cúi đầu xin tạ từ thôi", không còn niềm kiêu hãnh như trong "Lời muốn nói..." ở đầu tuyển thơ này.
 

Phải chăng cuộc li thân này khởi từ nguyên nhân đã trở thành nỗi niềm và nghĩ ngợi, chị giãi bày qua "Cây mận của em" (1987)?
 

"Cô ấy là cây mận của anh... / ... // Em chẳng là cây mận của ai / Em là cây mận của em / Bám rễ vào đất đai thẳm sâu là nỗi buồn / Và trời xanh là lòng kiêu hãnh".
 

Cô đơn và đơn độc không còn là một cảm thức, một dự cảm, mà đã là một thực trạng bi thiết. Bài "Một quỳnh một ta", thể bốn chữ, phảng phất nhịp điệu hơi ngạo nghễ với chính mình trong nỗi cô đơn, đơn thân khốc liệt. Sen là loài hoa quân tử, ai cũng biết, nhưng lần đầu tiên tôi đọc thấy cách so sánh người quân tử với hoa quỳnh. Chị tâm sự với hoa quỳnh quân tử đơn độc của chị, có trách gì ai đâu, nhưng cơ hồ đâu đây vẫn phảng phất ý nghĩ sao ai đó không giàu lòng tha thứ như một đấng quân tử? Điều này không thật rõ, chỉ rõ là chị cũng ước ao mình được một khắc hoá thân làm loài hoa quỳnh đơn độc nở, để đơn độc được là bạn bè của đơn độc!
 

Nỗi cô đơn và đơn độc đẩy chị về hoài niệm tuổi thơ với trò chơi ném thia lia trên mặt ao: mảnh đá dẹp hay mảnh ngói vỡ lướt như nhảy trên mặt nước và nước toé lên như đôi cánh chim: "Ước gì cầm được cô đơn / Ném thia lia để hoá buồn thành vui". Người thơ kêu cứu tuổi thơ của mình để tích cực hơn, bản lĩnh hơn. Nhưng đâu phải lúc nào cũng được thế, bởi cô đơn và đơn thân như một khối đá đè nặng trong tim. Tôi chợt nhớ một nhà văn đã viết: "Người ta có thể sống trong cô độc, nhưng cô đơn thì chết được".
 

"Từ lâu rồi / Em không còn là của anh / Em vùi chôn tuổi trẻ của mình / Trên tháng ngày khô cứng / Đôi khi giật mình / Xót một cơn mưa đã chết" (Nụ tầm xuân đã khác, 1990).
 

Hoài niệm tuổi thơ không cứu được chị. Hình ảnh tuổi trẻ của chị cũng đã tự chết. Hiện tại của chị cũng đang chết dần và chết im lìm, sau khi chị nhận ra, chính chị đã đi lạc vào đời người trăm năm một cách lạc lõng, cho dù chị vẫn một mực khẩn thiết và kiêu hãnh tự bảo mình chính là giọt sương trong vắt bị rơi vỡ, là trái tim pha lê dưới mắt nhìn già nua, bàn tay cằn cỗi:
 

"Em chết trong nỗi buồn / Chết như từng giọt sương / Rơi không thành tiếng // Trái tim em còn trẻ dại / Trắng trong / Ai cất giùm em / Cái nhìn già nua / Bàn tay cằn cỗi" ("Tặng nỗi buồn riêng", Huế, 1987).
 

Chị cũng tự vấn và biết chắc rằng trái tim chị vẫn trong trắng, cho dù rơi vào tình huống nào đi nữa:
 

"Em không còn là em / Ai đánh mất em? / Hay chính em đánh mất? / Nào phải chi mình xấu xa / Trái tim em trong trắng / Ai nhận ra?" ("Tặng nỗi buồn riêng", Huế, 1987).
 

Cô đơn, đơn độc và li thân. Người thơ trở thành người độc thân bi thảm và thách đố giữa đời. Phải chăng vì thế, lần đầu tiên trong thơ chị xuất hiện bóng dáng ẩn dụ về người đàn ông cuồng nhiệt:
 

"Bất ngờ / Tôi chìm trong mưa / Mưa Sài Gòn / Lời tỏ tình cuồng nhiệt / Ào ào chảy / Cuộn trôi như thác // Trời nặng trĩu / Lồng ngực đàn ông / Vỡ oà / Yêu / Yêu / Yêu ... " (Mưa Sài Gòn).
 

Để rồi sau thoáng cảm xúc bung ra, người thơ lại tỉnh táo nhận thức thực tại của chính mình, với niềm nuối tiếc vô vọng: "Tôi thiếu phụ không làm sao trôi được / Chợt tiếc thời thiếu nữ chẳng gặp mưa" (Mưa Sài Gòn). Thế thì còn biết trách ai nữa? Bao truy vấn, biện minh, đều trôi theo cơn mưa ào ạt, khi một lần người thơ tự thú?
 

Có phải người thơ tự thú không, hay đó chỉ là một lần vướng vào "sứ mệnh thi ca" nhà thơ không được đứng cao hơn người đọc của mình? Trong chiến tranh, phải "ba cùng"; trong hoà bình, mở cửa đất nước, kinh tế có vẻ trỗi dậy, các thói tật bản năng sống dậy, thì cũng phải "ba cùng"?
 

Khi tuổi đã chớm vào thu, người thơ hình như đã bỏ lại "Em sợ", "Anh đừng khen em", "Anh có tốt không?" thuở nào để bắt đầu biết đến cái đẹp hình thể, gương mặt:
 

"Hãy để cho trí tưởng tượng em
Bay như lá xuống mặt anh kỳ diệu
Khuôn mặt đẹp làm thánh thần gục ngã
Nét mơ màng như một gã lãng du"
(Người tình hư ảo, 1992)
Nhưng đó cũng chỉ là giấc mộng trong giông bão, khi ngồi chờ một chuyến tàu để ra Vịnh Hạ Long. Mộng tưởng vượt thoát thực tại chỉ là một biến thái của nỗi cô đơn và đơn thân có thật. Thậm chí, còn có khi, người thơ còn muốn đánh bạn với biển (tỏ tình với đại dương nước mắt muôn đời?), để rồi bị biển cười vang, khiến người thơ không thể kìm chế, muốn gieo vào lòng biển một vết thương. Cuối cùng, trước mắt là "Sóng trắng xoá vỗ vào bờ nhè nhẹ: / -- Ta mặn lắm rồi người không hiểu ta sao?" (Với biển).
Một điều nữa, tôi nghĩ người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hẳn phải cảm ơn nhiều lắm thời tuổi trẻ với những lời gia huấn chị đã được bú mớm từ tấm bé. Bởi lẽ, chị lại vững vàng là chính mình trong hơn mười năm gần đây nhất, từ độ chị gặp một bất hạnh trong gia đình (gia đình may thay chưa tan vỡ): bạo bệnh của người trăm năm.
"Cuộc đời em đơn thân đến nỗi... / Chưa bao giờ em tựa vào anh / Và vì thế em âm thầm sống / Tựa vào chính mình trĩu nặng, đớn đau // Bao lời tiếng lấm lem bùn đất / Bao đêm trắng tơ giăng chóng mặt / Em tựa vào em – đơn độc quen rồi / Em tựa vào em -- gắng vững giữa đời // ... Em quằn mình như rễ giữa đất im // ... / Bàn tay nâng em thành bảo mẫu / Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười / Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng / Giữa tháng ngày trĩu nặng / Em đứng thẳng người / Cho anh tựa vào em" (Cho anh tựa vào em, 1999).
Người trăm năm của người thơ thuở còn khoẻ mạnh, còn là người chồng chưa cưới, đã khiến chị đã tự hào "chỉ riêng mình em thấy" vầng trăng thơ ca trong tấm bánh sinh nhật anh mang tới nhưng không thể ngồi lại chung vui, nay đã thành bệnh nhân kinh niên, mãn tính cần đến bàn tay "bảo mẫu" của chị. Bây giờ, anh ấy có buồn không, có giận chính anh không, khi hiểu ra người trăm năm của anh chưa bao giờ tựa vào anh cả... Vầng trăng thật đã là điểm tựa bồng bềnh của các phi công vũ trụ, còn vầng trăng thơ ca? Thật ra, có ai tựa được vào vầng trăng thơ ca, ngay cả anh ấy!

 

Nhưng có lẽ nào tôi lại cảm bình thơ một cách xa xăm đến vậy, trong khi nỗi đơn thân, sự đơn độc của chị cùng bệnh tật của anh trong đời thật và trong thơ là một -- đồng nhất giữa sự thật thường ngày với thơ ca!
 

"Cho anh tựa vào em", kiêu hãnh và bản lĩnh đấy! Mới nghe thì giận, nhưng ngẫm lại, bỗng thương quá đỗi. Bản lĩnh, cần thiết biết bao, nhưng khi kiêu hãnh bảo rằng, "cho anh tựa vào em", hình như chị còn hờn dỗi, chưa nguôi vết thương bi kịch gia đình một thời li thân, thời đã khiến chị bật ra tiếng khóc khô lạnh, ráo hoảnh mà đau đớn tột cùng: "Tạ từ"...
 

Dẫu thế, đó cũng là một cung bậc, sắc thái của tình yêu đương, nghĩa vợ chồng chứ sao!
 

Nửa sau tuyển thơ yêu đương "Chỉ riêng mình em thấy" là một nửa cõi thơ tình của Lâm Thị Mỹ Dạ. Ngôn ngữ thơ cũng khác dần với trước đó. Phần nhiều là những bài thơ tự do không êm đềm. Đó là cách biểu đạt phù hợp với tâm trạng và suy tưởng nghiêng về triết lí, lí lẽ của trái tim. Trong đó nổi bật, bao trùm là cảm thức, nỗi niềm cô đơn và đơn độc cùng những biến thái của chúng trong đời sống nội tâm của người thơ. Lúc này, nội dung thơ tình yêu đương của chị cố nhiên đã khác với thơ tình thương mến thời còn là một cô gái trẻ với nhiều mơ mộng (như vầng trăng là nơi hẹn hò, buổi tiễn ai đó lên đường thơm ngát hương sen), cũng khác với với thời trước người chồng sắp cưới, điều quan tâm đến đau đáu là phẩm chất bên trong của mình và của người mình yêu, cho dù có khi cũng nồng cháy cảm xúc đến độ những câu thơ tình yêu, hạnh phúc trong trẻo đã phải trốn chạy, trở thành lửa cháy ngọt ngào, cuống quýt. Tất nhiên là vậy. Tình yêu tuổi chớm thu, hồi quang mùa xuân, lại là biến thái của một bi kịch gia đình, bi kịch nội tâm, tình yêu ấy như bung nở mãnh liệt, nhưng bị chính chị vội vã đang tay bóp nát trong trí tưởng. Đó là tình yêu đau đớn, cơ hồ là cơn giẫy giụa của cảm xúc, của một tâm thế muốn thách thức cuộc đời, nhưng rồi tự đầu hàng với trước áp lực chính đáng, cần thiết của đạo lí trong sâu thẳm vô thức và thường trực nơi ý thức của chính mình. Phải chăng khát vọng và âu lo hoàn thiện phẩm chất bên trong đã nhiều lần trỗi dậy để cứu chị khỏi những cơn bùng nổ bản năng sống, ngỡ rằng chỉ có thể chống lại cái chết dần bởi cô đơn, đơn độc bằng tất cả tình yêu đương với "người tình hư ảo", dù chỉ là bùng nổ trong mộng tưởng. Trước cái đẹp đồng nhất với cái tốt trong hồn mình, đó là sự đầu hàng của cái xấu, cái kém, những gì chị muốn Thơ Ca vạch ra cho chị thuở nào (Anh đừng khen em, 1970).
 

Cùng với ý thức về sự yên tĩnh của tâm hồn, "Tất cả lại trở về im lặng / Nỗi im lặng của trăng non và lá xanh" (Không đề), hạnh phúc muôn đời vẫn là trái tim chung thuỷ đã trao cho nhau: "Mai kia tóc trắng mây trời / Tuổi anh sâu nặng một đời trong em" (Tuổi anh).

Trần Xuân An
Khởi viết từ 14:11, ngày 23-6 HB9 (2009);
viết xong lúc 18:29, cùng ngày,
tại TP.HCM..
( Đọc văn chương và cảm nghĩ )
http://www.tranxuanan-poet.net/danh-muc-tac-pham-txa/tieu-luan-4
________________________
(*) Nxb. Hội Nhà văn, 12-2008.
 
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, 26-6 HB9 (2009)
(TXA. nhiếp ảnh)
H.2: Trần Xuân An (trái) & chị Lâm Thị Mỹ Dạ (phải), 26-6 HB9 (2009)
(Chị Kim Liên đến chơi và bấm máy ảnh giúp)

Phụ lục : Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ