- 1 -

Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây hồ.

Lâu nay, hầu hết mọi người đều đinh ninh rằng đấy là một bài ca dao do dân chúng ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội sáng tác và truyền khẩu tự đời nảo đời nao. Bài lục bát ấy đã được đưa vào các công trình sưu tập "văn chương bình dân", gồm nhiều dị bản. Sách giáo khoa trung học lẫn giáo trình đại học cũng chọn bài lục bát ấy làm khúc ca dao tiêu biểu để giảng bình về cảm hứng thiên nhiên của quần chúng nhân dân "có tính chất là những niềm vui, niềm tự hào, những cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp của giang sơn đất nước thân yêu" (Giáo trình Văn học dân gian, tập II, NXB Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973, tr.375) và được thể hiện "như một bài Đường thi tuyệt tác" (Giáo trình Văn học dân gian, tập I, phần 2, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1976, tr. 22). Một bộ văn học sử thuộc loại hàn lâm và quan phương như Lịch sử văn học Việt Nam được biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp bởi Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Tập I, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội,1980, tr. 167) xếp bài lục bát ấy vào chương "Văn học dân gian trong thời kỳ Đại Việt - từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX".

     Hoàng Đạo Thúy viết sách Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (Hội Văn nghệ Hà Nội, 1969) từng giãi bày ấn tượng: "Những buổi sớm tinh sương mùa đông, khách dạn sương đi trên đường Thanh Niên không thấy trời, không nhìn rõ mặt nước, trên đầu cành lá rũ nặng giọt, bên trái lung linh ánh trăng úa hạ huyền; lúc ấy lòng lâng lâng, không ngâm mà cũng như ngâm câu thơ cổ: Phất phơ ngọn trúc trăng tà... Gà xóm bên hồ đã gáy, chuông hồi đã đổ dồn, đồng bào Bưởi đã dậy giã dó từ lâu. Mặt trời mới hé trên đê Yên Phụ mở ra một tấm gương phẳng lặng rắc phấn hồng...". Đoạn văn này được Đỗ Bình Trị trích dẫn trong tài liệu Giảng văn của Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm I Hà Nội (1982) rồi cước chú: "Cụ Hoàng Đạo Thúy gọi đây là câu thơ cổ chắc không phải không có lý do. Bài ca dao này có yếu tố thơ, yếu tố bác học rất rõ".

     Quả thật, khối người ngạc nhiên khi biết bài lục bát đang xét vốn là một áng thơ của một nhân vật tên tuổi: Dương Khuê (1839 - 1902). Bài thơ chưa cổ lắm vì được chí sĩ họ Dương chấp bút khoảng cuối đời, tức đầu thế kỷ XX, với nguyên đề: Hà Nội tức cảnh.

- 2 -

     Dựa theo Dương gia phả ký của dòng họ, tham khảo thêm Luận đề về Dương Khuê của Nguyễn Duy Diễn (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1960), tiến sĩ Dương Thiệu Tống đã chép lại nguyên văn bài thơ Hà Nội tức cảnh trong thiên khảo luận Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm (NXB Văn Học, Hà Nội, 1995) kèm nhận xét về câu lục mở đầu: "Có người đã sửa đổi câu thơ này là Gió đưa cành trúc la đà, nhưng có lẽ là sai vì làm mất đi ý nghĩa ẩn dụ của toàn câu mà chỉ có ý nghĩa tả cảnh mà thôi".

     Người sửa đổi câu thơ cũng là một nhân vật nổi tiếng: Phạm Quỳnh (1892 - 1945). Song, cây bút họ Phạm không cố ý "biên tập" thơ tiền nhân. Ông chỉ mượn nửa bài thơ cũ, thêm bớt đôi chỗ, nhằm "tức cảnh" khác:

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

     Không còn phong cảnh Hà thành, mà rõ ràng là phong cảnh Huế. Bấy giờ là tháng 4-1918, lần đầu Phạm Quỳnh được ghé chốn Thần Kinh và sau đó thực hiện liền bút ký Mười ngày ở Huế để kịp đăng trên tạp chí Nam Phong (NXB Văn Học in lại thành sách, Hà Nội, 2001). Dưới cặp lục bát "tân trang" kia, Phạm Quỳnh viết thêm: "Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca".

     Tương tự trường hợp Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê, đôi câu lục bát của Phạm Quỳnh chẳng mấy chốc đã hòa vào "kho tàng văn học dân gian quý giá". Mức độ phổ biến trở nên sâu rộng, một phần nhờ thiên hạ đua nhau... tranh luận quanh một địa danh. Tập I Ca dao xứ Huế bình giải do Ưng Luận soạn thảo (Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên - Huế, 1991) phản ánh: "Không ngờ hai câu này đã gây nên nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi, vì chùa Thiên Mụ ở Huế mà huyện Thọ Xương ở Hà Nội".

     Ở Hà Nội, huyện Thọ Xương thuở xưa kéo dài từ khu vực Nhà Thờ Lớn ra tới Đồn Thủy, tương đương hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng hiện nay. Còn ở Huế chẳng có làng nào tên Thọ Xương đối ngạn chùa Thiên Mụ qua sông Hương như Phạm Quỳnh nhầm tưởng. Thế nhưng, địa bàn đó có ngọn đồi từng mang tên Thọ Xương. Đó là đồi Long Thọ ở làng Nguyệt Biều, nay thuộc phường Thuỷ Biều, thành phố Huế.

Đồi gò kia, theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, hồi trước được gọi "Thọ Khương Thượng Khố", đầu niên hiệu Gia Long (Nhâm Tuất 1802) đổi thành "Thọ Xương", đến năm Minh Mạng thứ V (Giáp Thân 1824) lại cải tên là "Long Thọ Cương" tức đồi Long Thọ. Bởi vậy, canh gà Thọ Xương hay Thọ Khương đều phù hợp. Giống như tiếng chuông Thiên Mụ hay Linh Mụ chẳng khác gì nhau. Chỉ xin thêm rằng nếu dùng "Thọ Khương" thì không những trỏ đồi Long Thọ mà còn trỏ một vạn đò cùng xóm chài ngụ cư tại làng Lương Quán, kế cận làng Nguyệt Biều.

- 3 -

Phải chăng bài ca xứ Huế ấy "trụi lụi" hai dòng như nhiều sách báo bấy lâu vẫn thường in?

Không. Trên tiến trình folklore hóa, cặp lục bát mà Phạm Quỳnh cải biên từ thơ Dương Khuê lại được dân chúng cố đô tiếp tục phát triển đầy sáng tạo.

Năm 1987, sau thời gian dài tổ chức sưu tầm điền dã, khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Huế đã tuyển chọn và ấn hành cuốn Văn học dân gian Bình Trị Thiên. Bài ca đang xét được ghi nhận đầy đủ như sau:

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay?

Thật tuyệt! Nghe "rất Huế". Nhưng dân gian vùng Huế mấy khi nói hoặc hát hò Biết đâu... Ghi cho đúng phương ngữ, phải Biết mô... mới y sì Huế rặt. Câu thứ tư lắm khi còn nghe:

Mần răng tâm sự đôi đường đắng cay?

Nguyên bài thơ Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê có thể chất chứa nghĩa ẩn dụ nào đấy như Dương Thiệu Tống (sđd) phân tích. Song, trong thực tế, bài thơ đã được quần chúng "vô tư" đón nhận hệt một tác phẩm văn nghệ dân gian. Ấy là bài ca dao vận dụng thuần túy thể "phú", bút pháp hoàn toàn tả cảnh theo phong cách hội họa thủy mặc tinh tế. Dĩ nhiên, đằng sau cảnh luôn thấp thoáng tình. Còn bài ca dao Phú Xuân - Thuận Hóa kết hợp "phú" với "hứng", tả cảnh đồng thời bày tỏ tình rõ nét, thực chất mượn cảnh vật cốt gửi gắm nỗi niềm riêng chung.

Mỗi bài ca dao tự thân đã là một tác phẩm hoàn chỉnh, lấp lánh vẻ đẹp riêng, dù khởi phát cùng bản gốc. Mỗi bài một vẻ, mười phân vẹn mười, khó bề lẫn lộn.

___________________________________