Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [   Tác giả  ]

Băng võ sĩ ở chùa Jofukuji
 

Shiba Ryotaro
 

Phạm Vũ Thịnh dịch
 

- 1 -

Có người võ sĩ thích gây náo động. Bấy giờ là mùa thu Genji nguyên niên (1864), sau biến cố ở cửa Hamaguri của Hoàng thành (lãng sĩ Cần Vương từ phiên trấn Choshu quấy phá rồi thua chạy), đội cảnh bị Shinsengumi [1] đi tuần trong kinh đô, hễ thấy võ sĩ nào có vẻ là phiên sĩ Choshu thì chém chết như chém củ cải hay chém cây gai gì đấy. Góc phía tây kinh thành có khu Nishijin gần chùa Jofukuji (Tịnh Phúc tự) chen chúc san sát hàng dãy nhà phố, vách tường sơn đỏ, cửa sổ có chấn song dọc, khung cửa mắt cáo theo kiểu nhà kinh đô, chằng chịt những lối đi hẹp chỉ chừng 2 mét rưỡi. Phó tướng của đội Shinsengumi là Hijikata Toshizo dẫn theo ba đội viên đi tuần trong khu phố ấy, thình lình phía trên đầu nghe "Đoàng" một tiếng vang động như nổ tung cả nóc nhà. Ba đội viên hốt hoảng nhảy vào nấp dưới mái hiên. Chỉ còn Hijikata đứng một mình giữa lối đi, ngửa mặt lên nhìn.

-"Tiếng súng nổ đấy rồi!"

Anh nhìn chăm chú vào cửa sổ tầng trên. Có làn khói mỏng uốn éo toả ra từ song cửa ấy.

Kéo bật khung cửa trước ra, Hijikata cứ mang nguyên giày nhảy mấy bậc thang, lên ngay tầng trên. Thấy có một người võ sĩ đang ngồi trước mâm cơm, tay bình thản và cơm. Áo vải nhuộm Satsuma, quần cộc Kogura, tóc cạo sạch từ trán ra sau chỉ chừa một chỏm tóc búi lại trên đầu. Trang phục điển hình của võ sĩ phiên trấn Satsuma đấy. Anh ta ngồi yên, chắc chắn là đã biết có người chạy lên rồi, nhưng vẫn không buồn quay lại. Trước mặt anh ta có vật lạ treo lủng lẳng bằng một sợi dây thòng từ trên trần xuống. Một khẩu súng!

-"Có phải anh vừa bắn súng đấy không?". Hijikata hỏi.

-"Có bắn đâu! Tự nó nổ đấy".

-"Tôi là Hijikata Toshizo thuộc đội Shinsengumi, lãng sĩ (võ sĩ không có chủ tướng) dưới quyền ngài Cận vệ Trung tướng phiên trấn Aizu (Matsudaira Katamori, Lãnh Chúa Aizu). Do nhiệm vụ cảnh bị đô thành mà hỏi: xin cho biết danh tính, sở thuộc phiên trấn nào?".

-"Ồ!...". Người đàn ông lúc đó mới quay đầu lại, rồi nói với giọng thổ âm Satsuma vừa nhanh vừa khó nghe: -"Hoá ra ngài Hijikata chính là anh đây à! Thật là danh tiếng lừng lẫy! Tôi đây là gia thần của ngài Shimazu Shuri Taifu (Shimazu Tadayoshi), Hầu tước xứ Satsuma, tên tôi là Kimotsuki Matasuke. Từ nay, xin chiếu cố cho".

Hijikata nghe xưng là phiên sĩ Satsuma thì đổi thái độ. Phiên trấn Satsuma vốn khó khăn. Vả lại, đang có quan hệ thân thiện với phiên trấn Aizu (bảo trợ cho Shinsengumi), đang là đồng minh dưới danh nghĩa không mấy rõ ràng là liên minh Aizu-Satsuma hiệp lực đánh đuổi bọn phiên trấn Choshu ra khỏi kinh đô; mới đây, dội lửa vãi đạn vào bọn Choshu làm loạn ở cửa Hamaguri của Hoàng thành, đuổi chúng chạy tan nát, đã là công của hai phiên trấn Aizu và Satsuma. Ngay cả Phủ Chúa (Mạc Phủ Tokugawa) còn phải dè dặt dò chừng động hướng của phiên trấn Satsuma này, như thể e dè sờ tay vào mụn nhọt mưng mủ. Cho nên Hijikata tạm thời cũng phải kiêng nể mà tránh chuyện lôi thôi với phiên trấn Satsuma.

-"Nhưng mà, vì sao lại cho súng nổ thế?"

-"Có gì đâu, chỉ thử mình gan dạ đến đâu đó thôi". Matasuke vừa nhìn khẩu súng treo lủng lẳng, vừa đáp. Dây treo súng đã được gia giảm sao cho mũi súng chĩa vào khoảng ngực của anh ta.

Theo lời Matasuke thì có vẻ ở phiên trấn Satsuma, trò thử thách gan dạ quái quỷ này đang thịnh hành. Cả đám người ngồi vòng tròn, súng treo lủng lẳng từ trên trần nhà xuống, đốt dây dẫn lửa, rồi cho súng quay vòng vòng, lửa bén lên theo dây, châm vào thuốc súng phát xạ ở cuối nòng thì súng nổ. Ai rủi thì bị trúng đạn, có khi mất mạng.

-"Một mình ngồi thử chơi ấy mà".

-"...... À ra thế!".

Đến như Hijikata cũng phải lộ vẻ ngán ngẩm mà khuyên:

-"Ngay bên Hoàng thành mà nổ súng như thế thì cho dù là thử thách gan dạ đi nữa cũng không nên. Từ nay xin đừng làm như thế nữa".

-"Vâng, phải dẹp thôi".

Matasuke nói thế, rồi lại khom lưng và cơm tiếp.

Cuối cùng, Kimotsuki Matasuke trả tiền thuê cho chủ nhà rồi ra đi. Tất nhiên là anh ta đã thuê căn phòng trên tầng hai ấy để trêu chọc bọn Shinsengumi đó thôi. Chứ binh doanh của Matasuke ở ngay trước mặt xóm đó, chính là chùa Jofukuji thuộc tông Jodo (Tịnh độ).

Nguyên là trong thời kỳ hưng thịnh trước đây của Phủ Chúa Tokugawa, nhà Chúa lo ngại việc các Lãnh Chúa chư hầu tiếp xúc với triều đình Thiên hoàng ở Kyoto, nên không những cấm chỉ việc các Lãnh Chúa đặt dinh cơ ở kinh đô, mà cấm ngay cả các Lãnh Chúa không được ghé vào kinh đô nữa kia. Thế nhưng, bây giờ thì khác rồi. Phiên trấn Aizu chính thức được giao cho trách nhiệm trấn thủ cảnh bị Kyoto nên đã cử đại binh lên trú đóng đã đành, mà cả các phiên trấn giàu mạnh khác, được phân chia công tác bảo vệ các khu vực Hoàng thành, như phiên trấn Satsuma, Tosa, Bizen, Awa, Higo, Sendai, Inaba, cũng dùng cách này cách khác mở rộng dinh cơ riêng, cho rất đông quân sĩ của mình trú đóng ở kinh đô.

Phiên trấn Satsuma thì từ xưa đã có dinh cơ ở Nishiki-koji (hiện nay là khu phía sau tiệm bách hoá Daimaru ở Kyoto), nhưng không đủ sức chứa, nên đã lập thêm dinh phiên trấn ở Nihonmatsu (hiện nay là khoảng Đại học Doshisha), rồi mua thêm đất ở khu chùa Shogo-in; không chỉ có thế, mà còn mua vài ba vạn mét vuông đất ở Komatsuhara và chân núi Kinugasa-yama để xây cả kho đạn và bãi tập lính nữa. Nghe đâu rằng chính kho đạn này đã giúp quân Satsuma thắng lớn trong trận Toba-Fushimi về sau này. Vẫn còn cho là chưa đủ dinh cơ, phiên trấn Satsuma còn mua lại nhà thị dân ở phía dưới khu Takoyakushi của chùa Higashinoto-in để phiên sĩ trú đóng nữa. Căn nhà này được biết tiếng vì có tay thích khách nổi danh của phiên trấn Satsuma là "Sát thủ Shinbee" ở đấy. Thế mà vẫn chưa đủ, nên đã thuê cả phương trượng và nhà khách của chùa Jofukuji ở Nishijin này nữa. Chùa này trở thành cư xá của khoảng 20 người phiên sĩ cấp thấp của phiên trấn Satsuma, toàn là người trẻ tuổi, và loạn bạo khác thường. Đến nỗi dần dần người ta gọi lén bọn này là "băng Jofukuji". Trong bọn, người loạn bạo nhất chính là Kimotsuki Matasuke. Cằm dài, khuôn mặt như quả bầu dài.

-"Mới doạ được bọn Shinsengumi đây". Matasuke vừa ngồi xuống vừa cười tủm tỉm. -"Mà doạ bằng trò thử súng đấy, nếu rủi ro thì chính ta cũng bỏ mạng ở đấy rồi".

-"Thế thì thú vị quá! Còn tớ thì cũng vừa đứng đái ở bản doanh Kurodani đây".

Có người đáp lại như thế. Kurodani là nơi có chùa Konkai Komyoji cũng thuộc tông Jodo (Tịnh độ), là bản doanh của quân phiên trấn Aizu. Dạo này, "băng Jofukuji" của phiên trấn Satsuma cứ đến cổng chùa Konkai Komyoji chọc phá sinh ẩu đả hầu như là thói quen hằng ngày. Bọn này mặc áo tay ống, quần cộc theo lối binh lính mạt hạng, đến trước cổng chùa, khua đao kiếm mà cao giọng réo:

-"Ê, bọn Aizu kia!"

Bọn lính Aizu tụ tập nơi cổng trợn mắt, nghiến răng. Đám Satsuma mắng chửi. Bọn Aizu cũng mắng chửi lại không chịu kém. Có điều cả hai bên đều chửi bằng giọng thổ âm địa phương quá nặng, nên chẳng bên nào hiểu bên kia nói gì.

Mới hôm trước đây, quan Ngoại giao ở kinh đô của phiên trấn Aizu là Tojima Kibee đã mời người trong Sở Điều hợp của phiên trấn Satsuma đến quán ăn ở Sanbonmatsu mà than phiền về hành vi thô bạo của "băng Jofukuji":

-"Nếu quý phiên không giáo huấn thì rồi sẽ sinh chuyện lớn đấy".

Cách nói và chữ dùng có phần văn vẻ lễ nghĩa để có thể hiểu được nhau, không đến nỗi gây trục trặc vì thổ ngữ. Nhưng cũng vì thế mà nghe có phần khô khan, phía Satsuma cảm thấy như bị trách mắng doạ dẫm, nên cũng không vui gì. Họ đáp: sẽ huấn thị thuộc hạ. Rồi hôm qua, đã có hai quan Kiểm sát từ dinh phiên trấn ở Kyoto đến thuyết phục "băng Jofukuji". Tất nhiên, cũng chỉ là hình thức thôi. Lúc đó, cùng đi với các quan Kiểm sát còn có Takasaki Sataro (sau này là Nam tước Masakaze) của Sở Điều hợp, và nhà Binh học Ijichi Masaharu (sau này là Bá tước, Tham mưu của đội quân tiên phong theo đường Tosando thảo phạt Mạc Phủ) đã khuyên:

-"Phiên trấn Aizu thì sau này sẽ ra sao chưa biết, nhưng hiện nay nếu không thoả hiệp với họ thì không tốt cho xứ ta".

Lời nói ấy đã khiến chàng trai trẻ Kimotsuki Matasuke bực tức. Sau này, anh ta bảo đồng bọn rằng:

-"Cái gì mà không tốt cho xứ ta! Phải diệt ngay bọn Aizu ấy mới đúng chứ!"

Vì thế mới xảy ra chuyện Kimotsuki Matasuke canh chừng giờ bọn Shinsengumi đi tuần qua phố Jofukuji để nổ súng trêu chọc. Chẳng hiểu Kimotsuki Matasuke cứ bày ra những trò trêu chọc như thế là do bản tính ưa quậy phá, hay là từ một loại tư tưởng chính trị của anh ta. Chỉ biết rằng, tuy là người Satsuma nhưng anh ta theo chủ nghĩa Cần Vương quá khích kiểu phiên trấn Choshu, rất đồng tình với đám phiên sĩ Choshu bị quân Mạc Phủ và quân Aizu đánh bại ở cửa Hamaguri của Hoàng thành, bị coi như bọn phiến loạn đối với triều đình. Thế nên anh ta không chịu được chuyện các quan lớn trong phiên trấn nhà lại căm ghét phiên trấn Choshu đến nỗi bắt tay thoả hiệp với phiên trấn Aizu đáng lẽ phải là kẻ địch mới đúng. Vì thế, anh ta hễ gặp bọn phiên sĩ Aizu hay đội Shinsengumi là gây chuyện để tạo xích mích chia rẽ liên minh hai phiên trấn Satsuma và Aizu.

- 2 -

Chuyện xích mích Kimotsuki Matasuke gây ra càng ngày càng lớn thêm lên. Có lẽ gây chuyện không lớn bằng lần trước thì thương tổn đến lòng tự hào của anh ta. Phiên trấn Satsuma đảm nhận việc canh giữ cửa Inui, một trong chín cửa vào Hoàng thành. Vài ngày sau đó, Matasuke ở trong đồn canh cửa này khoảng chiều tối. Chợt thấy trên đường ngoài cửa có dáng bốn đội viên Shinsengumi mặc áo khoác đồng phục của đội, đi tuần qua. Matasuke vụt chạy ra, bước theo sau. Họ đi về hướng bắc, rẽ qua góc phía đông nhà Cận vệ, ra phố Imadegawa. Phía bên phải là hào nước của nhà Cận vệ, phía trái có một dãy cổng nhà các quan trong triều, như Fujitani, Reizei, Yamashina. Chẳng có ai khác trên đường. Matasuke thình lình vọt lên trước mặt bọn Shinsengumi, nhìn thẳng vào mặt bọn kia mà nói:

-"Ta là người phiên trấn Choshu đây!"

với giọng thổ âm Satsuma đặc sệt. Rồi lạch bạch chạy về hướng đông của phố Imadegawa. Bốn đội viên Shinsengumi tuốt kiếm rượt theo. Dần dần có người chạy trước, người chạy sau. Đến lúc người đầu tiên chạy đến xóm chùa, Matasuke đột ngột đứng lại, tấn chân trước chân sau, thân trên nghiêng qua bên phải, cầm vỏ kiếm màu chu sa chĩa mũi kiếm lên trời đêm. Đó là cử chỉ khiêu khích đối thủ, doạ sắp sửa rút kiếm ra chém đây. Đội viên Shinsengumi gầm lên, chém tới. Matasuke trầm mình xuống, lúc lưỡi kiếm địch gần chạm đến lưng thì kiếm anh tung vọt lên, chém trúng hông trái của địch. Người đội viên ngã xuống đất, lăn tròn. Matasuke biến mất trước khi ba người kia chạy đến.

Cuối cùng, về lại đồn canh, có ai hỏi thì Matasuke bảo:

-"Có gì đâu, đã trả thù cho Sagara đó thôi".

Cả bọn làm thinh. Tên hai anh em Sagara Jusuke, Shinhachiro đang là lời cấm ở phiên trấn Satsuma. Hai anh em này đã sớm tham gia vào đám chí sĩ phiên trấn Choshu, rao giảng thuyết Cần Vương quá khích theo lối Choshu, đến lúc phiên trấn Choshu bị đuổi khỏi giới chính trị ở kinh đô, quân sĩ phải chạy về xứ, thì hai anh em bỏ phiên trấn nhà là Satsuma, chạy theo về Choshu, rồi tham gia đội lãng sĩ Choshu trở lên kinh đô khuấy động ở cửa Hamaguri. Thất bại, định chạy trốn đến Tanba, nhưng khi cùng phiên sĩ Choshu là Umemoto Kennosuke chạy đến làng Katagihara phía tây kinh đô gần dốc Oinosaka thì bị bọn Shinsengumi và quân sĩ phiên trấn Kohama phát giác, tử chiến một trận ở ngả tư Fuda-no-tsuji, chém chết 6 người, chém bị thương hơn 20 người, rồi bị giết. Địch băm vằm thi thể hai anh em, bỏ xác phơi trên đường mà rút đi. Nông dân trong vùng thương hại mới mang xác đi chôn trên đồi ngay đêm đó. Ngày hôm sau, tin báo về đến dinh phiên trấn Satsuma. Nhưng phiên trấn Satsuma không thừa nhận.

-"Có lẽ thông tin sai lạc rồi, chứ phiên trấn này không có người nào tên họ như thế cả".

Đương thời, chuyện có người của Satsuma bỏ đi theo quân Choshu đột nhập vào kinh đô bị gọi là "bọn giặc Choshu", thì không tốt cho vị thế của phiên trấn Satsuma đối với triều đình. Nói chuyện dài dòng thêm một chút thì ngay cả sau Duy Tân, người Satsuma trên mặt chính thức cũng không nhìn nhận hai anh em Sagara này. Chỉ có người Choshu trong chính phủ Duy Tân mới bôn ba vận động cho mộ của hai anh em này được công nhận là "phần mộ được chính quyền chăm sóc". Hiện nay thì được thị dân bảo trì cho.

Nghe đâu Matasuke là anh em họ gì đấy với hai anh em nhà Sagara này. Thế nên, Matasuke ngày thường đã ngông cuồng rồi, mỗi khi nhớ đến hai người anh em họ bị ngay cả phiên trấn nhà rẻ rúng, thì lại điên tiết lên nữa.

Hành vi của "băng Jofukuji" của phiên trấn Satsuma đã trở thành đề tài nghị luận trong đội Shinsengumi. Chủ tướng Kondo Isami bảo:

-"Làm tổn thương uy tín của đội đấy".

Thế nhưng trên lập trường của phiên trấn Aizu và cả Mạc Phủ nữa, thì không thể ra mặt mà thách thức phiên trấn Satsuma được. Cần phải tìm cách nào khéo léo mới được.

Phó tướng Hijikata Toshizo vừa hình dung lại khuôn mặt của Kimotsuki Matasuke vừa nói: -"Có tên này kỳ lạ lắm". Anh đánh hơi thấy vụ đội viên Shinsengumi bị chém trên đường trong xóm chùa hôm trước, theo lời kể về diện mạo kẻ địch, thì có lẽ đúng là tên này rồi. -"Tên mặt dài như trái bầu đấy".

-"Vậy thì hãy âm thầm mà chém tên mặt dài như trái bầu ấy đi".

-"Tất nhiên, chém cho thật âm thầm thì khó. Nhưng chém quách tên ấy đi thì không chừng bọn vô lại ở chùa Jofukuji sẽ yên hẳn đi cho. Tên hắn là Kimotsuki Matasuke đấy".

Kindo đưa một ngón tay lên:

-"Làm được không nào?"

-"Được chứ. Nếu quả thật thủ phạm vụ xóm chùa là tên ấy, thì trong đội ta, chắc chỉ có hai, ba người có thể chém được hắn mà thôi".

Ban Giám sát của đội Shinsengumi mới nhờ Sở Chưởng quản khu phố cho mượn vài người theo dõi hành tung của Matasuke. Những người này bắt đầu lảng vảng quanh vùng chùa Jofukuji. Đám tay sai kiểu này của Sở Chưởng quản khu phố thì, khác với Edo [2] là chỗ mà uy thế của Mạc Phủ còn mạnh, ở Kyoto này chỉ làm việc qua loa cho có mà thôi. Mùa thu năm trước đây, một người trong đám này là Akashi Monkichi ở khu phố Takakura Oshikoji có tài theo dõi do thám đến nỗi người ta đặt cho hỗn danh là "Mashira no Monkichi" (Con khỉ Monkichi), đã bị bọn Tanaka Shinbee của phiên trấn Satsuma tuyên án Tenchu (thiên tru, thừa lệnh trời tru diệt) mà thắt cổ giết chết ở bãi sông Sanjo. Từ đấy, sĩ khí của đám này suy sụp, hễ đi ngang qua trước cổng dinh các phiên trấn Satsuma, Choshu hay Tosa là nín thở, rảo bước thật nhanh.

Lảng vảng do thám qua ngày thứ hai, một tên trong đám đã bị "băng Jofukuji" tóm được. Chẳng đợi tra khảo, hắn đã khai ra ngay là do Shinsengumi nhờ.

-"Tha cho nó, để làm chứng nhân sau này".

Matasuke biết được rõ ràng là mình bị theo dõi, bắt đầu cảm thấy hành động của mình từ trước đến nay không chỉ là trêu chọc đùa bỡn, mà có thể xem là loại hoạt động của chí sĩ Cần Vương. Lúc đầu chỉ do tính ưa quậy phá, sau đó đã có lý lẽ ghép vào. Matasuke lại càng vững tin rằng: để quán triệt chủ trương Cần Vương Nhương Di (phò vua đánh đuổi kẻ man di mọi rợ Tây phương), cần phải làm sao cho phiên trấn nhà ly phản phiên trấn Aizu mới được. Từ đấy, anh ta thấy rõ ràng có lý lẽ và chính nghĩa trong sứ mệnh tự mình khởi đầu chuyện cắt đứt dây thân hữu giữa hai phiên trấn.

Thời bấy giờ, dinh cơ của các phiên trấn thì có trị ngoại pháp quyền đối với cả Mạc Phủ nữa. Nhân viên của Mạc Phủ không được đặt chân vào bên trong.

-"Nhân viên do thám của Mạc Phủ đã xâm nhập dinh phiên trấn rồi!"

Tin báo này khiến cả bọn "băng Jofukuji" tức giận. Có người nói:

-"Phải xông vào chém bọn Mibu (Shinsengumi) đi!"

Matasuke can:

-"Khi nào ta bị giết, lúc đó hãy báo cho đám quan già ở Nishiki-koji ấy biết, rồi nhân danh phiên trấn mà xông vào chém chúng. Có gì đâu, chỉ cần kéo chừng năm cỗ trọng pháo theo, thì bọn lãng sĩ Mibu có mấy trăm người đi nữa cũng thành tro bụi ngay thôi. Làm thế thì phiên trấn Aizu sẽ nổi giận, Mạc Phủ sẽ nổi giận, và phiên trấn nhà sẽ đứng lên, bắt tay với phiên trấn Choshu mà thay đổi thời thế".

Ngay sau đó, có một vụ khác tuy không liên quan trực tiếp đến vụ này, đã xảy ra trong khuôn viên đền Tenma ở khu Kitano, có cả Matasuke "ra trận" nữa. Trước lăng trong đền Tenma có tượng cặp sư tử đực cái thật to bằng đá cỡ một trượng 4 thước (chừng 4.4 mét). Hai năm trước đây, khi thanh thế của phiên trấn Choshu ở kinh đô còn mạnh như mặt trời mới mọc, Lãnh Chúa Mori Daizen Taifu (Mori Takachika/Yoshichika) đã hiến tặng cặp sư tử đá này, trở thành danh vật mới của kinh đô. Đế tượng có khắc đề từ của nhà bác học văn chương là quan Hàn lâm đầu triều Takatsuji, nên sau khi phiên trấn Choshu bị thất sủng, suy sụp thanh thế đi nữa, người ta cũng vẫn đến tham bái đông đảo, không suy giảm chút nào. Có người còn cao giọng đọc câu văn khắc trên đá ấy:

"Túc túc lăng tiền, song sư hộ vệ, thiếp nhĩ tuần phục, cảm thế bất sính"

(trước lăng, cặp sư tử thuần phục nghe lời, dũng cảm không buông tuồng, nghiêm túc hộ vệ cho kinh đô)

Tất nhiên, sư tử này chỉ vào phiên trấn Choshu, câu văn ca tụng vẻ uy dũng và tinh thần nghiêm túc của quân sĩ phiên trấn Choshu hộ vệ cho kinh thành. Điều này khiến cho bọn phiên sĩ Aizu ở bản doanh Kurodani không bằng lòng. Có lần, một số võ sĩ Aizu đã cầm roi đánh vào cặp sư tử đá mà mắng:

-"Sư tử Choshu, chúng mày còn chưa chạy cho khuất mắt đi à?"

rồi còn chèo kéo hăm doạ người giữ đền rằng:

-"Nếu không bỏ đi thì chính tay bọn ta sẽ dẹp đi đấy!"

Người giữ đền không thưa chuyện lên Sở Chưởng quản đền chùa, mà lại đi kể lể với bọn phiên sĩ Satsuma ở chùa Jofukuji, xin bảo vệ cho cặp sư tử ấy.

-"Được rồi".

Matasuke chọn lấy mười người đồng đội, xách kiếm gỗ, mang mặt nạ Hộ pháp mũi dài (vì thế mới có sự kiện được gọi là vụ náo động "Hộ pháp mũi dài ở Kitano"), mỗi ngày ra nấp dưới bóng tháp Imiaki bên cạnh cổng tam quan bằng đá phía nam của đền, để chờ bọn Aizu. Tuy nhiên, nhân số thì có hôm nhiều có hôm ít tùy theo phiên trực cảnh bị hay phải đi tập trận. Đến hôm thứ ba thì chỉ có một mình Matasuke nấp dưới bóng tháp mà thôi.

Mưa lâm râm. Mặt nạ ướt, nước sơn nhoà lên mặt khiến Matasuke phải ngậm chặt miệng. Trời tối dần. Đúng lúc một đám bảy phiên sĩ Aizu cầm đèn lồng soi rọi trên đường, bước tới hớn hở như đã chờ cho trời tối nhanh để mò đến. Tụ tập nhau bên cặp sư tử đá, họ giăng dây thừng, đặt đòn bẩy, rồi huyên náo bắt đầu kéo đổ tượng sư tử.

Matasuke là người nhanh nhẹn như loài chuột đồng. Vun vút nhảy lại gần, anh tung kiếm gỗ dọc ngang, trong thoáng chốc đã đánh dập cẳng chân ba người kéo dây thừng.

-"Kẻ địch đấy!"

Bọn người đang giữ đòn bẫy phía sau tượng nhào ra trước, thì Matasuke đã vọt chạy khỏi đường, trốn vào đám cây rậm mà hét:

-"Quân giặc Aizu kia! Trên đất nhà vua mà bây dám phá hoại Thần Phật như thế là thế nào? Bây thù ghét bọn Choshu đến thế sao?".

-"Mày là thứ gì đấy?"

-"Thần Hộ pháp giữ đền đây. Ta cùng nhiều thuộc hạ đến đây, đã bao vây bọn bây lại rồi".

Nghe giọng nói thì rõ là thổ âm Satsuma rồi. Cho dù có mang mặt nạ cũng lộ ra thôi.

Bọn Aizu đồng loạt tuốt kiếm nhào vào. Nhưng trời tối mịt, càng đông người càng bị thiệt hại nặng. Matasuke nhảy nhót nhanh nhẹn, vung kiếm gỗ chém đập tơi bời. Càng lúc càng có nhiều người bị thương. Rồi mưa trút xuống ào ào. Theo sổ ghi chép của đền Tenma thì đêm đó, cả bầu trời thình lình sáng rực lên, sấm sét nổ long trời như đánh tét xuống trục quả đất. Cây tuyết tùng gần đấy bị sét đánh tét ra làm đôi, bật khói trắng. Cả bọn Aizu lẫn Matasuke đều kinh hoảng. Có lẽ nghĩ là Thần Phật trách phạt đấy. Ai cũng đã nghe đồn đền Tenma này hay xảy ra chuyện quái đản kiểu ấy. Nên cả hai bên đều nhướng mắt, phóng chạy về trước lăng, nằm mọp xuống nền đất. Cả bọn cao giọng khấn vái tạ lỗi với Thần Phật một hồi, rồi chợt nhận ra có một bộ mặt Hộ pháp mũi dài lẫn lộn trong đám, nên giật thót người, nhảy vọt ra đường chạy trốn.

Ngày hôm sau, "chuyện quái đản giờ Dậu ở đền Tenma" này đã được đồn đại tràn lan khắp Kyoto. Đồng thời, lời đồn rằng Hộ pháp mũi dài ấy là Matasuke, cũng đã đến tai Shinsengumi. Những tay sai do thám chưa bị lộ của Sở Chưởng quản khu phố tiếp tục canh chừng quanh chùa Jofukuji cũng đã nhận ra hình dạng Matasuke vào sáng hôm sau. Đáng chú ý là mặt mày, hai tay, và áo quần anh ta lúc đó nhuộm đỏ loét bằng thứ gì chẳng rõ. Khuôn mặt thì đúng là trái bầu dài màu đỏ rồi. Hijikata nhận xét:

-"Thế thì kẻ mang mặt nạ Hộ pháp mũi dài ấy chính là anh ta rồi".

Chừng mười ngày sau đó, trong lúc Hijikata đang ngồi uống rượu với vài đội viên ở quán ăn khu Gion Shimokawara thì nghe nói có người muốn gặp đang chờ ở tầng dưới. Hijikata bước xuống thì thấy một người tay sai do thám của Sở Chưởng quản khu phố. Người ấy hạ giọng mách là có Matasuke đang ở quán trà Niken bên nách cổng nam của đền Gion.

- 3 -

Ở quán trà Niken, Matasuke đang ngồi ăn đậu hũ nướng phết tương, vừa ngắm đường phố bên ngoài qua tấm màn bảng hiệu của quán. Có hai xiên đậu hũ trên mâm, là thứ danh vật của vùng Gion này, từng được đưa vào câu hát "hai xiên thật mềm mời anh xơi".

-"Ồ, anh Matasuke! Lại gặp nhau nữa rồi".

Hijikata bước vào, nói lớn. Áo choàng đen, quần cộc bằng lĩnh Sendai, tóc rậm búi gọn lộ chỏm tóc lớn. Nhìn trang phục ấy, người ta ngỡ là phiên sĩ cao cấp nào đấy, nhưng sao lại mang một thanh kiếm sắt to lớn, núm tròn nơi chuôi kiếm đã rỉ sét, vỏ kiếm đã sờn tróc. Mà kiếm lại dài, có đến 2 thước 8 tấc (chừng 85 cm), thanh kiếm do tay thợ danh tiếng Izumi Kentei chế tạo này, nghe đâu đã chém chết vài chục người ở kinh đô rồi, đến nỗi lưỡi kiếm sét rỉ vì máu.

Hijikata ngồi xuống cạnh bàn thấp trên chiếu:

-"Tôi có chuyện nhờ đây. Chuyện hệ trọng đến tính mạng đấy, anh có nghe cho không?"

-"Cũng tùy câu chuyện thôi".

Matasuke đáp, vừa nhai, vừa gỡ đậu hũ trong xiên ra.

-"Chuyện là muốn anh Matasuke ngừng hẳn hành vi quấy phá kia đi. Làm thế mãi thì hại đến quý phiên đấy".

-"Nghĩa là thế nào?"

-"Phía chúng tôi cũng đã có đội viên bị chém rồi. Hôm trước đây, ở đền Tenma vùng Kitano, phiên sĩ Aizu cũng đã bị quấy phá đấy. Đã rõ ràng là anh quấy phá đấy chứ ai! Không, biện giải lôi thôi thì chẳng phải là võ sĩ. Vậy chứ mục đích anh làm thế là để làm gì?"

Vốn là người hiếm khi lộ vẻ tươi cười, lúc này Hijikata vừa nói vừa tủm tỉm cười trông thật đáng sợ. Ngay cả người ngông cuồng đến như Matasuke cũng chẳng lẽ lại nói thật là: để gây xích mích chia rẽ hai phiên trấn Satsuma và Aizu. Nên Matasuke chỉ nói:

-"Có mục đích gì đâu!"

-"Thế thì, cứ cho là do mệnh lệnh của ngài Shimazu Shuri Taifu, Lãnh Chúa xứ Satsuma, là được chứ gì?"

-"Không phải!"

-"Nếu thế thì, do chính anh tự ý làm đấy à? Xin trả lời cho! Mà thôi, khỏi phải trả lời ngay đây làm gì. Xin mời đi theo tôi!"

Hijikata đứng bật dậy. Matasuke đoán là anh ta định chém mình ở ngoài đường đây. Chết thử xem sao! Matasuke là người đã buộc dây treo súng cho nổ để thử gan dạ của mình đấy. Đã kinh qua chuyện tập luyện xem mạng sống của mình cũng dễ dàng vất bỏ được như miếng bánh bao ăn dở. Có thể nói là võ sĩ xứ Satsuma trước Duy Tân, ai cũng ít nhiều là quái nhân cả. "Băng Jofukuji" đã tụ tập lại những tay cực đoan nhất của phiên trấn Satsuma, mà trong số đó, Matasuke lại là tay đặc biệt cực đoan nữa.

-"Muốn gây chuyện đấy à?"

Matasuke nói, mắt sáng lên như trẻ con sắp được chơi đùa, bỏ guốc ra sẵn sàng. Nhìn cặp mắt hớn hở ngây thơ ấy, đến kẻ quen giết người như Hijikata cũng đâm chột dạ mà nghĩ: tên này thật chẳng coi tính mạng ra gì cả! Chắc đầu óc hắn điên khùng rồi sao chứ! Nghe đồn rằng dân Satsuma có lắm người điên cuồng như thế, nếu tên Matasuke này mà là thứ bình thường ở Satsuma thì quả là lời đồn ấy không sai!.

-"Nhưng mà, có chết thì cũng phải để lại chút gì chứ. Chủ quán đâu?".

Matasuke gọi chủ quán trà Niken ra, móc túi lấy một mảnh giấy trao cho, bảo:

-"Đưa đến dinh phiên trấn Satsuma cho ta!"

Có vẻ anh ta đã viết sẵn thư, lúc nào cũng thủ sẵn trong túi ấy rồi. Hijikata nhanh tay chộp lấy lá thư ấy, thấy viết rằng: "Lãng sĩ Mibu là Kondo Isami thuộc quyền phiên trấn Aizu, đã dụ tôi đi". Đọc xong, Hijikata vội vàng nói:

-"Thôi, để lần sau sẽ tính".

rồi ra khỏi quán, bước đi.

Lợi dụng thế mạnh trong vị thế chính trị của phiên trấn Satsuma đến mức như thế thì không ai bằng Kimotsuki Matasuke! Chọc giận phiên trấn Satsuma thì không khéo mà tình thế trong thiên hạ chuyển ngược mất!

Matasuke cũng ra khỏi quán, đi theo Hijikata. Xuống con dốc thoai thoải về phía tây thì ra đường cái Daibutsu. Có vài đội viên Shinsengumi đang đứng đợi Hijikata phía trước. Matasuke nhổ nước miếng. Bọn đội viên Shinsengumi nổi giận. Nhưng Hijikata đưa tay cản họ lại. Chỉ hạ giọng, nói sau lưng Matasuke: -"Coi chừng đấy!". Giọng nói có vẻ căm giận. Ai cũng biết Hijikata thù dai. Hẳn là anh ta nghĩ chuyện sẽ tìm cách khôn khéo để chắc chắn giết được Matasuke sau này.

Từ đó, Matasuke bắt đầu vênh mặt bước đi ngang tàng trên đường phố kinh đô. Thời bấy giờ, nghe đến đội Shinsengumi thì không chỉ phiên sĩ hay lãng sĩ của các phiên trấn, mà ngay cả gia thần của Mạc Phủ cũng khiếp sợ; cỡ bọn lãng sĩ hễ thấy bóng dáng đội Shinsengumi đi tuần từ xa là đã chạy biến vào trốn từ hẻm này qua hẻm khác. Vậy mà ở chốn kinh đô này, đội Shinsengumi chỉ ngán có một người, không biết phải xử trí ra sao, đó là Kimotsuki Matasuke.

Khoảng Keio nguyên niên (1865), Saigo Kichinosuke, sau này là Takamori, đã bảo Kimotsuki Matasuke:

-"Ta nghe Akitsuki Teijiro, phiên sĩ Aizu nói: đến cả bọn lãng sĩ Shinsengumi cũng phải ngán anh Matasuke. Hỏi anh có phải là người điên không đấy".

-"Thế ngài Saigo đã trả lời như thế nào?"

-"Ta đáp rằng: chẳng phải chỉ mình Matasuke, mà phiên trấn Satsuma là tập đoàn của những kẻ điên cuồng như thế đấy!".

Saigo là người giỏi đối xử với đám thuộc hạ trẻ tuổi.

Nghe thế, Matasuke cho là ngay cả phiên trấn nhà cũng công nhận mình là đứa ngông cuồng, nên lại càng ngông nghênh hơn nữa trên đường phố kinh đô. Có người đồng liêu nào hỏi bí quyết, thì anh ta chỉ có câu trả lời duy nhất:

-"Ờ thì, cứ ưỡn ngực ra mà nói: đây, cứ chém đi xem! thì ngược lại, chẳng ai dám chém cả".

Matasuke không phải đi kiếm chuyện đánh nhau, mà chính là đi kiếm cái chết. Ngay cả đội viên Shinsengumi, hễ thấy Matasuke bước đến là bảo nhau: -"Thằng điên đến đấy!", rồi nhăn mày mà đổi sang đường khác. Trở nên nổi tiếng đến mức Matasuke thì không thể âm thầm mà giết đi được. Khi Matasuke đi một mình đã đành, thường thường Matasuke đi chung thành đội ngũ với đám "băng Jofukuji" ấy, vậy mà Shinsengumi cũng phải tránh. Riết rồi thị dân trong kinh đô vốn ghét bọn Shinsengumi, cho rằng "băng Jofukuji" đối kháng với Shinsengumi, mà trông thái độ của bọn Shinsengumi có vẻ sợ hãi, nên càng ngày càng nhiều người chê cười ngấm ngầm. Chuyện người ta chê cười ấy đến tai Hijikata. Đã định bụng là sẽ có ngày phải thanh toán, nhưng đã nặn óc thông tuệ của mình rồi mà Hijikata vẫn chưa nghĩ ra được diệu kế nào.

Ngày 23 tháng Giêng năm Keio thứ hai (1866), Matasuke đi đến dinh phiên trấn ở Nishiki-koji để lãnh hàng thì thấy tình trạng trong dinh có vẻ khác thường. Số quân canh gác tăng rất nhiều, mà ai cũng có vẻ căng thẳng, không nói gì với nhau dù chỉ một lời. Anh mới hỏi thì được bạn cho biết:

-"Chẳng hiểu sự tình ra sao, nhưng có khách quan trọng đến viếng, nên được lệnh nghiêm ngặt là không cho bất cứ người nào của phiên trấn khác hay dân chúng vào trong dinh này cả đấy".

Matasuke lãnh hàng xong, bước vào nhà cầu thì thấy có người đàn ông to con vào đấy trước rồi. Sau này hỏi bạn thì biết đó là Sakamoto Ryoma, phiên sĩ Tosa. Ngoài ra, còn thấy một người thấp bé nữa. Người này thì Matasuke biết mặt. Đó là Katsura Kogoro của phiên trấn Choshu. Có vẻ là từ xứ mình tiềm nhập vào kinh đô. Matasuke đâu biết hôm ấy là ngày mật ước thành lập liên minh Satsuma-Choshu-Tosa. Nơi hội họp bí mật là phòng trong cùng của dinh phiên trấn. Đại biểu của phía Satsuma là Saigo Kichinosuke, Okubo Toshimichi, Komatsu Tatewaki. Đại biểu của phiên trấn Choshu thì có Katsura Kogoro, Shinagawa Yajiro và vài người nữa. Trung gian môi giới cho liên minh bí mật này là Sakamoto Ryoma, phiên sĩ Tosa, trưởng đội Kaientai, đã dùng tàu chạy máy hơi nước đưa họ vào vùng Kyoto-Osaka này.

Người xứ Choshu vốn ghét người xứ Satsuma. Phiên trấn Satsuma đã bắt tay phiên trấn Aizu đánh đuổi Choshu ra khỏi chính trường Kyoto, biến họ thành đám giặc đối với triều đình, đến nỗi Choshu đã bị Mạc Phủ hai lần phái binh đến thảo phạt; chuyện bất hạnh ấy cũng do "bọn giặc Satsuma" này bày ra, cho nên lòng căm thù của phiên trấn Choshu đối với phiên trấn Satsuma còn sâu đậm hơn đối với Mạc Phủ nữa. Thế mà, qua nhiều khúc quanh quẹo bất ngờ, hai phiên trấn này lại bí mật bắt tay nhau, cùng thệ ước thành đồng minh lên công về thủ mà chống lại Mạc Phủ! Chính vào giây phút này, phiên trấn Satsuma dứt bỏ phiên trấn Aizu từ trước đến nay đã cùng liên kết trong phe phò Mạc Phủ. Nhưng phiên trấn Aizu không được gián điệp mật báo gì về việc kết hợp liên minh Satsuma-Choshu này, nên hoàn toàn không biết là mình bị đồng minh bỏ rơi.

Cục diện chính trị đã chuyển đổi thình lình. Có lẽ ngẫm nghĩ về ảnh hưởng của sự biến đổi này mà Saigo đã khuyên khi gặp Matasuke trên hành lang trong dinh phiên trấn:

-"Anh Matasuke từ hôm nay đừng ra phố nữa nhé!"

Chỉ nói thế thôi. Bởi nếu lỡ chuyện liên minh Satsuma-Choshu lộ ra thì Shinsengumi sẽ chẳng còn ngần ngại gì mà không chém chết Matasuke ngay.

Thế nhưng, Matasuke không hiểu ý Saigo. Mà cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì chuyện liên minh bí mật này thì chẳng những bọn phiên sĩ không biết đã đành, mà ngay cả Lãnh Chúa Satsuma và cha đẻ là Hisamitsu cũng chẳng được biết nữa là. Vì vậy, ngoài mặt thì phiên trấn Satsuma vẫn tiếp tục giữ quan hệ thân hữu với phiên trấn Aizu. Và bí mật này, Mạc Phủ cũng không biết trong suốt sáu tháng. Đến khoảng tháng 9, Mạc Phủ và phiên trấn Aizu mới bắt đầu nghi ngờ. Đến lúc ấy thì chuyện liên minh bí mật này đã trở thành thường thức trong đám lãng sĩ, chí sĩ Cần Vương ở Kyoto rồi. Tham mưu của đội Shinsengumi là Ito Kashitaro đã dẫn một số đông đồng chí chạy sang phe Cần Vương, là cũng do ảnh hưởng của liên minh Satsuma-Choshu. Nhóm Ito Kashitaro đã được phiên trấn Satsuma bảo trợ. Phiên trấn Satsuma đường hoàng ra mặt bao che cho nhóm này lập ra một đội võ trang mới gọi là Goryo Eji ("Guards of Emperor's tomb", đội bảo vệ lăng Thiên hoàng), và cấp lương bổng, tiền thưởng cho nữa.

Thời thế đã biến đổi đến mức như thế. Hijikata nghĩ: thế này thì chẳng cần phải do dự gì nữa (trong chuyện giết Matasuke). Vậy mà mặc dù đã có lời khuyên ngầm của Saigo hôm ấy, phía Matasuke thì vẫn không hay biết chuyện Satsuma-Choshu bí mật kết đồng minh, phiên trấn Satsuma lạnh nhạt bỏ rơi phiên trấn Aizu, nên vẫn còn kéo đồng bọn trong "băng Jofukuji" qua bản doanh Kurodani của phiên trấn Aizu mà trêu chọc, và trong thành phố thì ra mặt đối kháng với đội Shinsengumi.

Tháng 12 năm Keio thứ hai (1866), một đêm nọ, trên đường từ chùa Jofukuji đến dinh phiên trấn ở Nishiki-koji, khi Matasuke đi trên cầu Ichijo-modori, rẽ sang hướng đông thì có bốn đội viên Shinsengumi đi tuần từ phía đông bước lên cầu. Đó là O-ishi Kumajiro, Nakamura Kojiro, Horiuchi Jingo, và Someda Juro. O-ishi Kumajiro dừng chân trên cầu, nói:

-"Ồ, ngài Matasuke đấy à!"

Đã nghe phó tướng Hijikata kể về Matasuke, anh ta mừng thầm là chẳng có ai khác qua lại gần đấy cả. Có làm ra vẻ có người vô tình đi ngang qua mà chém chết Matasuke rồi bỏ xác lại đây cũng chẳng ai biết là do Shinsengumi hạ thủ.

Phía Matasuke cũng chợt để ý là thái độ của bọn Shinsengumi này ngay từ đầu đã có gì khác lạ rồi. Lập tức anh ta nghĩ: chắc phải bỏ mạng lại đây thôi. Anh ta nhanh trí bỏ guốc gỗ ra, đi chân trần. Mặt đường lạnh ngắt.

-"Muốn đánh nhau à?"

-"Được thôi!"

O-ishi tuốt kiếm chém ngay. Matasuke nhảy lùi vừa kịp. Rồi không biết tính toán ra sao mà cuống cuồng chạy trốn. Bốn đội viên đuổi theo. Matasuke chạy đến phía tây khu Horikawa thì đột ngột đổi ngược hướng, chạy trở lại cầu Ichijo-modori, rẽ qua hướng đông, chạy ngay đến trước cổng dinh phiên trấn Geishu gần đấy mà gọi lớn:

-"Các quan Geishu, các quan Geishu! Trên đường đang có cảnh hấp dẫn đây, ra mà xem!"

Đám người Geishu, từ tên bộ tốt canh cổng cho đến 4, 5 người phiên sĩ, từ trong chạy ngay ra trước cổng. Lúc đó, Matasuke đã bị O-ishi chém sướt trán, máu phun vọt ra. Matasuke vừa lính quýnh chạy vừa hét về phía đám phiên sĩ Geishu:

-"Tôi là Kimotsuki Matasuke, gia thần của ngài Shimazu Shuri Taifu. Bọn Shinsengumi này hận thù phiên trấn Satsuma một cách vô lý, định giết chúng tôi để báo thù đây. Xin xem cho kỹ. Tôi chết đi thì xin thông báo đến phiên trấn Satsuma giúp cho!"

Matasuke thật chu đáo! Hét xong thì bắt đầu phản công mãnh liệt.

Horiuchi và Someda từ hai phía trái phải đồng thời chém tới, Matasuke trầm mình xuống tránh, rồi bật dậy, đâm kiếm xuyên vào bụng Someda. Màng tang bị lưỡi kiếm của Horiuchi chém ngang, phụt máu, Matasuke nhảy lùi lại, tấn kiếm theo thế Bát song [3] đặc trưng của phái kiếm Shigen, hét lên như khỉ thét rồi xông ào tới chém địch. Horiuchi hốt hoảng, mũi kiếm có chút dao động lưỡng lự, thì lưỡi kiếm của Matasuke đã giáng xuống chém tét đầu, nhưng chân Horiuchi vẫn cứ thế chạy tuốt đến trụ phía đông của cầu Ichijo-modori mới ngã ngược lại.

Số phiên sĩ Geishu tụ tập trước cổng dinh đã tăng lên nhiều. Phía trước Matasuke, O-ishi và Nakamura cũng không lùi bước. O-ishi hất hàm ra hiệu cho Nakamura vòng ra phía sau lưng Matasuke. Nakamura xông lên, đánh bật kiếm Matasuke rồi nhảy lướt ra sau lưng Matasuke. Nhân cơ hội đó, O-ishi xáp lại gần, tấn kiếm ở đoạn giữa, cổ tay bên phải hơi mở ra theo thói quen, rồi nhanh nhẹn lướt tới. Matasuke vươn hai tay nắm kiếm chếch lên, chĩa mũi kiếm lên trời.

Nakamura từ sau lưng Matasuke chém sả chéo xuống, nhưng Matasuke cứ xông thẳng tới phía O-ishi. Lưỡi kiếm của Nakamura chém trúng lưng, nhưng Matasuke vẫn không ngừng xông lên. O-ishi nhảy lùi lại. Matasuke càng xông tới, O-ishi càng nhảy lùi lại để tránh. Lưỡi kiếm của Nakamura lại chém phập vào sau đầu Matasuke. Matasuke chúi nhũi tới trước. Đầu Matasuke trờ tới bị O-ishi vận hết sức đâm xuyên vào. Lưỡi kiếm chạm xương, trợt ngang. Matasuke chới với như bơi trong không khí, rồi ngã xuống mặt đường trước cổng dinh Geishu. O-ishi chạy ngay lại, nắm chuôi kiếm chĩa mũi xuống, đâm xuyên từ lưng tới ngực Matasuke. Matasuke co tay co chân lại, tắt thở.

Lập tức, người của phiên trấn Geishu thông báo cho dinh phiên trấn Satsuma.

-"Chết rồi à?"

Saigo cho sứ giả là Nakamura Hanjiro (Kirino Yoshiaki) sang kháng nghị ở phiên trấn Aizu và đội Shinsengumi. Shinsengumi cự lại, còn phiên trấn Aizu thì gửi cao quan sang ai điếu. Nhưng phiên trấn Aizu cũng đã lạnh nhạt với phiên trấn Satsuma rồi, nên chỉ nói lời ai điếu xong là quay về ngay. Chỉ là cái chết đơn giản như thế thôi.

Vào thời bấy giờ, có rất nhiều người đã nổi cơn điên cuồng mà chết một cách vô nghĩa. Cái chết của Kimotsuki Matasuke có thể nói là một điển hình như thế.

Sau đó không bao lâu, phiên trấn Satsuma chính thức đoạn giao với phiên trấn Aizu, rồi một năm sau, đã đánh nhau ở trận Toba-Fushimi.

Những cái chết vô danh vô giá-trị như của Kimotsuki Matasuke đã là thứ củi khô góp phần nung đốt cho thời kỳ khói lửa hỗn loạn ấy.

Sau cuộc Duy Tân, Matasuke được phong phẩm hàm gì đấy.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 10-2008
Chú thích:

[1] Shinsengumi : là đội võ trang cảnh bị Kyoto, do Mạc Phủ chiêu mộ các võ sĩ mất chủ tướng (lãng sĩ, ronin) mà lập ra để truy lùng tiêu diệt các chí sĩ Cần Vương mượn cớ đánh đuổi người ngoại quốc để mưu đồ đánh đổ Mạc Phủ, thực tế là đã khuấy động kinh đô Kyoto.

[2] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo.

[3] Bát song : Hasso, thế tấn giương kiếm lên trên vai, lưỡi kiếm hơi nghiêng vào trong, làm thành một nửa chữ Bát. Tấn bên vai phải, vai trái, thành hai (Song) nửa của chữ Bát.

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Satsuma Jofukuji-tou" của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ nhất trong tập truyện "Armstrong-hou" (Đại bác Armstrong), bản bỏ túi, do nhà Kodansha Bunko tái bản lần thứ 30 tháng 12 năm 2000.