Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh 
qua góc nhìn văn phủ - võ trị 
Đỗ Kim Trường [1]
Quốc sử ghi chép ở mỗi triều đại phong kiến Việt Nam ngoài các anh hùng dân tộc, anh hùng mở cõi, danh nhân văn hóa còn có nhiều nhân vật nổi bật về văn phủ - võ trị. Một trong số đó là Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh.

1. Sơ lược về thân thế Nguyễn Cư Trinh

Nguyễn Cư Trinh sinh năm Bính Thân (1716), con út của danh sĩ Nguyễn Đăng Đệ, tự Lã Nghi, hiệu Đạm Am. Tổ tiên nguyên họ Trịnh, người huyện Thiên Lộc, Nghệ An. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông tổ sáu đời là Trịnh Cam người xã Phù Lưu Tràng, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An, làm Thượng thư bộ Binh đời Lê, tránh vào Thuận Hóa, đến đời Đăng Đệ mới đổi sang họ Nguyễn.[2] Về sau, con cháu được nhập tịch ở xã An Hòa, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế nay).

Cư Trinh lúc nhỏ nổi tiếng thông minh học giỏi, 11 tuổi đã biết làm văn.[3] Khoa thi năm Canh Thân (1740) [4] đỗ Hương tiến (Cử nhân), được bổ làm Tri phủ Triệu Phong. Sau thăng Văn chức.

Canh Ngọ (năm 1750), triều đình cử ông làm Tuần phủ Quảng Ngãi,[5] tước Nghi Biểu hầu. Ông dẹp được cuộc nổi dậy của những người dân tộc Hré ở Đá Vách. Năm sau, Tân Mùi (1751) Nguyễn Cư Trinh dâng sớ tấu trình thực trạng đời sống nhân dân và bốn điều trần về tệ quan lại, lậu đinh. Sớ dâng lên chúa không trả lời.

Hai năm sau, tức Quý Dậu (1753), ông được chúa Nguyễn triệu về, đổi làm Ký lục dinh Bố Chính. Cũng năm này, Chân Lạp ức hiếp người Côn Man (người Chăm ở Chân Lạp), Nguyễn Cư Trinh được cử làm Tham mưu cùng Thống suất Thiện Chính điều khiển quân năm dinh: Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ đi đánh Chân Lạp. Tháng 6 năm 1754, ông xuất quân chinh phạt. Vua Chân Lạp Nặc Nguyên bỏ kinh đô trốn chạy. Ất Hợi (năm 1755), ông đưa 5000 người Côn Man về đóng ở chân núi Bà Đen (Tây Ninh nay). Sau đó cùng Trương Phước Du trở lại đánh Cầu Nam, Nam Vang. Bính Tý (1756), Nặc Nguyên xin hiến hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công). Nguyễn Cư Trinh tâu hộ, chúa Nguyễn chấp thuận đồng thời cho nhập hai phủ mới vào châu Định Viễn và giao ông phụ trách.

Đến Đinh Sửu (năm 1757), Nặc Tôn được chúa Nguyễn hỗ trợ quân sự giành lại ngôi vua nên đã dâng đất Tầm Phong Long, vùng đất giữa hai sông Tiền và sông Hậu, gồm khu vực Châu Đốc, Tân Châu (thuộc tỉnh An Giang) đến Sa Đéc (thuộc Đồng Tháp). Để xác lập, mở mang và bảo vệ chủ quyền trên vùng đất mới, Nguyễn Cư Trinh tâu xin dời trị sở dinh Long Hồ, đến xứ Tầm Bào (thành phố Vĩnh Long nay) và đặt ba đạo Đông Khẩu (Sa Đéc), Tân Châu (sông Tiền), Châu Đốc (sông Hậu)

Năm Ất Dậu (1765), ông được triệu về thăng Lại bộ kiêm Tào vận sứ [6]. Đến Đinh Hợi (năm 1767), ông mất, hưởng dương 51 tuổi. Chúa Nguyễn Phúc Thuần truy phong Tá lý công thần, Đặc tiến Trụ quốc kim tử Vinh lộc đại phu Chính trị thượng khanh Tham nghị. Minh Mạng năm thứ 20 (1839), tặng Khai quốc công thần, Vinh lộc đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Thương thư bộ Lại, tước Văn Minh hầu, cho tòng tự tại Thái Miếu.[7]

Là người giỏi thơ văn, sinh thời ông sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị và được nhân dân truyền tụng như truyện Sãi Vãi, Đạm Am thi tập, Quảng Ngãi thập nhị cảnh, họa thơ Hà Tiên thập vịnh, ...

2. Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh, văn phủ - võ trị

Văn () có nhiều nghĩa, ở đây để chỉ việc dùng văn chương chữ nghĩa, tức là việc của người trí thức thời phong kiến. Phủ () với nghĩa phủ dụ, là vỗ về, khuyên bảo (những người bề dưới). Văn phủ (文撫) chỉ người dùng văn chương để vỗ về, khuyên bảo hoặc nhằm làm một việc nào đó. () nghĩa kết hợp chỉ võ trang, quân sự. Trị () với nghĩa cai trị (trị an, trị quốc), yên ổn, thái bình. Võ trị (武治) chỉ việc dùng quân sự để trị quốc an dân. [8] Dấu gạch nối (-) chỉ mối tương quan giữa hai nội dung trên. Văn phủ - võ trị (文撫武治) trong bài hiểu là người dùng văn chương để thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ hoạt động quân sự và dùng quân sự phối hợp văn chương trị quốc an dân.

Về văn phủ, khảo cứu các bộ quốc sử triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện , Đại Nam nhất thống chíGia Định thành thông chíĐại Việt sử ký tục biên của triều Tây Sơn cho thấy Nguyễn Cư Trinh nổi bật với việc dùng văn chương để thực thi trách nhiệm của mình. Vấn đề này được ghi nhận từ sau khi ông cử làm/vào Văn chức.

Thực lục viết: "Tân dậu, năm thứ 3 [1741]... Lấy Nguyễn Cư Trinh làm văn chức." [9]

Liệt truyện ghi: "Ông đỗ Hương cống (tức cử nhân) khoa Canh Thân (1740), làm Tri phủ Triệu Phong, rồi thăng Văn chức, ..." [10]

Trước nay, một số tác giả dựa vào ghi chép của Thực lụcLiệt truyện nên cho/viết rằng Nguyễn Cư Trinh được phong Văn chức theo nghĩa một chức quan. Tuy nhiên, Văn chức còn là tên gọi cơ quan của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tương đương với Hàn lâm viện của triều Lê. [11] Để xác thực vấn đề này, kiểm chứng quốc sử năm Giáp Tý (1744), sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương ở phủ chính Phú Xuân, Thực lục ghi: "Đổi văn chức làm Hàn lâm viện"[12] Như vậy, Văn chức là tiền thân của Hàn lâm viện thời Võ vương vừa là chức quan lúc bấy giờ. Người làm ở Văn chức được gọi theo tên cơ quan.

Văn phủ ở Nguyễn Cư Trinh trước hết được biểu hiện qua việc soạn văn thư giúp chúa Nguyễn. Liệt truyện chép: "Năm Giáp Tý (1744), mùa hạ, Thế Tông vừa lên ngôi chúa, điển chương pháp độ đều do Đăng Thịnh kiến lập rõ ràng, còn văn thư từ lệnh do Cư Trinh soạn thảo. Trinh là người khảng khái, có mưu lược, liệu sự biết phán đoán thường hợp cơ nghi." [13]Có mưu lược, liệu sự biết phán đoán là đức tính của người cẩn trọng, mà cẩn trọng là một thuộc tính của người "biết" văn chương, chữ nghĩa nhằm làm một việc nào đó, tức trong nội hàm của văn phủ.

Cùng với soạn văn thư từ lệnh, văn phủ ở Nghi Biểu hầu thể hiện qua việc dùng văn chương để vỗ về, khuyên bảo, dẹp "mọi" Đá Vách. Năm Canh Ngọ (1750), Quảng Ngãi có man Thạch Bích thường quấy rối, quan quân dẹp mãi không yên. Xứ Quảng nói riêng Trung bộ nói chung thời bấy giờ, qua một nghiên cứu của mình Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: "Cái nghèo miền Trung là một hậu quả chính trị - kinh tế - xã hội của một nền quân chủ trọng nông bức thương suy tàn, ..." [14] Sự nổi dậy của người Hré như sử nêu chính là hệ quả tất yếu từ các chính sách cai trị của chính quyền đương thời. Vì vậy không dễ khuất phục được, nên "quan quân dẹp mãi không yên". Biết ông là người có mưu lược, chúa phong làm Tuần phủ, với sắc dụ: "Thuộc lại gian tham ngươi phải xét trị; cường hào lấn cướp ngươi phải ngăn trừ; án giam không quyết ngươi phải xét cho ra lẽ; hộ khẩu không đông ngươi phải phải làm cho phồn thịnh; nhân dân ương ngạnh ngươi phải giáo hóa; kẻ gian trộm cắp ngươi phải bắt vào khuôn phép. Nhất thiết tình trạng của quân, nỗi khổ của dân, cho ngươi được tùy nghi làm việc, chỉ cần thành công, chớ có sợ nhọc." [15] Xét đoạn văn trên cho thấy, chúa Nguyễn rất tin tưởng vào đức văn phủ ở ông, bởi lẽ những công việc chúa giao trong lời dụ bao hàm các trách vụ của lục bộ: "Thuộc lại gian tham" (Bộ Lại), "án giam, kẻ gian trộm cắp" (Bộ Hình), "hộ khẩu" (Bộ Hộ), "giáo hóa" (Bộ Lễ), "tình trạng của quân" (Bộ Binh và Bộ Công), nhất là câu "cho ngươi được tùy nghi làm việc" đã xác tín vấn đề.

Ở góc độ nghệ thuật quân sự xưa, cổ nhân từng quan niệm "dụng trí hơn động binh", tức trong binh pháp không cần đánh mà kẻ địch khuất phục mới sáng suốt và thượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch. Xem quốc sử, năm Đinh Mùi (1427), quân Minh cố thủ trong thành Đông Quan đưa thư xin giảng hòa. Tướng sĩ ta do hận kẻ thù tàn ngược, đa số xin vua giết giặc, duy chỉ có Hành khiển Nguyễn Trãi "dụng trí" dâng kế hạ thành, việc này Toàn thư chép: "Chớ vì một góc đất nhỏ nhoi mà bao phen làm nhọc quân đi muôn dặm. Giả sử dùng tới số quân như lần đánh ban đầu, có được 6, 7, 8 viên đại tướng ... như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được. Nhưng dẫu có đánh được cũng không thể nào giữ được". [...] Nên Trãi biết rất rõ chỗ mạnh chỗ yếu của giặc, mới chủ trương hòa nghị..."[16] Ý kiến của ông được vua Lê chấp thuận. Sau đó, tướng sĩ giặc Minh "đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt [...] Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình." [17]. Tài văn phủ của Nguyễn Trãi là bài học lịch sử quý báu, vì vậy để phủ biên (撫 邊) man Thạch Bích theo sắc dụ, Nguyễn Cư Trinh viết truyện Sãi Vãi. Đây là tập nói sử bằng chữ Nôm, gồm 680 câu, thể văn biền ngẫu, nói chuyện xưa, dẫn nhiều sử liệu Trung Quốc, nêu những bài học về lý tưởng, về phép đối nhân xử thế. Lý tưởng xuyên suốt xoay quanh các tiêu chí tu, tề, trị, bình để phấn khích tướng sĩ, phát triển và củng cố vùng đất phương Nam lúc đó còn thưa thớt.[18]

Truyện Sãi Vãi "vạch rõ những khối óc mê tín dị đoan, cùng sự sa đọa của một số sư sãi đồi trụy mà nhân dân vẫn còn mê muội tin theo. Đồng thời nội dung của sách còn có ý khuyên răn quan quân và kích thích tướng sĩ trên đường dẹp loạn."[19] Nhờ đó góp phần dẹp được cuộc nổi dậy của Thạch Bích, như Liệt truyện đã ghi: "Trinh bèn viết truyện Sãi vãi bằng quốc âm đặt làm lời vấn đáp để khuyên bảo. Rồi tiến quân, giặc Man lẫn trốn, tan tác. Trinh sợ ta đem quân về, chúng lại tụ họp, bèn chiếm đóng chỗ sào huyệt địch lập trại lũy, lập đồn điền, đặt điếm canh, giả vờ làm kế ở lâu. Giặc Man sợ, đến cửa quân xin hàng. Trinh vỗ về, yên ủi, cho chúng về, rồi kéo quân rút lui. Tin thắng trận đến tai chúa, chúa ban khen." [20]

Cùng với truyện Sãi Vãi, Nguyễn Cư Trinh còn trước tác Đạm Am thi tập với những bài thơ Kiếm, Đề tùng lãm, ... Đặc biệt bài Dạ ẩm được xem là một thiên tâm sự, hé mở nỗi niềm riêng của ông, với những câu như: "Tinh nhân hà khổ độc hành ngâm, Kế quỹ lưu bằng thả đối châm ... Thị phi cửu náo văn lôi nhĩ, Ly loạn nga văn túy nguyệt tâm, Hà tất sơn trung ninh nhiên hảo, Phù sinh thiên nhật kỷ phân âm" [21]. Khi làm Tuần phủ Quảng Ngãi, ông sáng tác Quảng Ngãi thập nhị cảnh, ca ngợi mười hai cảnh đẹp xứ Quảng. Trong đó, núi Thiên Ấn gối lên sông Trà Khúc qua ngòi bút của ông là cảnh trí đẹp nhất với mỹ danh Thiên Ấn niêm hà (Ấn trời đóng trên sông). Ngày nay, Thiên Ấn - Trà Khúc được đánh giá là đệ nhất thắng cảnh, hợp thành cặp biểu tượng sơn thủy thiêng liêng trong tâm thức người dân Quảng Ngãi và đã đi vào thơ ca: "Bao giờ Thiên Ấn hết tranh. Sông Trà hết nước, anh đành xa em."[22]

Một góc độ khác, Nguyễn Cư Trinh khi trông coi châu Định Viễn đã cùng Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ xướng họa thơ văn ngợi ca xứ tiên trên sông (tức Hà Tiên), làm nên Hà Tiên thập vịnh nổi tiếng, cùng Tao đàn Chiêu anh các mà ông là một thành viên. Hà Tiên thập vịnh khắc in năm 1737, gồm 320 bài thơ viết về mười cảnh đẹp của Hà Tiên do Chủ soái Tao đàn Mạc Thiên Tứ xướng, 6 tác giả Việt và 25 tác giả người Hoa họa vần. Sau này, Nguyễn Cư Trinh vào Hà Tiên họa thêm 10 bài nữa. Thành tựu văn học của Tao đàn nói chung trong đó có Hà Tiên thập vịnh, ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển của văn học Nam bộ sau này. [23]

Cũng trong nội hàm văn phủ, năm Tân Mùi (1751), Thực lục ghi: "Mùa đông, tháng 10, Nguyễn Cư Trinh dâng thư nói về tình trạng đau khổ của dân gian. Ông quan niệm rằng "Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước không yên. Ngày thường chẳng dùng ơn huệ mà cố kết lòng dân, tới khi có việc thì nương tựa vào đâu? [...] Nay có ba việc sinh tệ cho dân là nuôi lính, nuôi voi và nộp tiền án. Ngoài ra còn nhiều sự nhũng phí khác kể không xiết được". Lại có trình bày bốn thói tệ nữa là: 1. Phủ huyện là chức trị dân mà gần đây không giao trách nhiệm làm việc, chỉ cho khám hỏi kiện tụng ...2. Từ trước đến nay, phủ huyện chỉ trông vào sự bắt bớ tra hỏi mà kiếm lộc, khiến của dân càng hao, tục dân càng bạc ... 3. Dân lậu có hai hạng, có hạng trốn thuế mà đi lang thang, có hạng vì cơ hàn thiết thân mà xiêu dạt nơi khác. Nay không chia đẳng hạng, hết thảy bắt vào sổ để thu thuế thì chúng tất sợ hãi xiêu tán, lẩn lút nơi rừng rú, xã dân lại phải bồi thường thì họ chịu sao nổi. ... 4. Dân nên để cho tĩnh, không nên làm cho động, vì động thì dễ loạn, tĩnh thì dễ trị Nay sai người đi săn bắn ở núi rừng, tìm gà đòi ngựa, bọn ấy không theo được ý tốt của bề trên mà quấy rối dân địa phương, rồi bọn giả mạo đến đâu làm náo nhiệt ở đấy, mọi người đều ta thán ..." [24] Trên cơ sở đó, ông đề xuất chúa Nguyễn 4 điều: "1. Xin từ nay trở đi, các thứ thuế ruộng và thuế sai dự, hết thảy giao cho tri huyện biên thu rồi chuyển nộp cho quan Quảng Nam, để bớt phiền nhiễu ... 2. Nay xin định cấp cho thưởng bổng và lấy liêm tham siêng lười mà thăng hay truất ... 3. Xin xét những dân lậu còn có cách sinh nhai thì thu thuế như lệ thường, còn người nào đói rét khốn cùng thì cho miễn và tùy phương vỗ nuôi, để cứu sống dân nghèo ... 4. Xin từ nay người được sai phải có giấy tờ trình quan địa phương xét thực, kẻ nào nhiễu dân thì xét trị, ngõ hầu lòng dân được yên tĩnh, khỏi hoang mang." [25] Những kiến nghị của ông rất đáng trân trọng và xứng đáng với nhận định: "Tờ sớ này trình bày đại để muốn đổi cái tệ nhiều lại viên làm nhiễu dân, lời rất kích thiết; cũng thấy được Trinh là người có tài sửa sang cứu chữa."[26]Tuy vậy, giữa thế kỷ XVIII, ở Đàng Trong chúa Nguyễn Phúc Khoát sau khi xưng vương, cải đổi phong tục, tổ chức lại hành chính, đã cùng các quan lại tiêu pha rất xa xỉ. Họ xem bạc vàng như đất. [27] Đương thời thuế khóa chỉ tăng mà không giảm để thỏa mãn các nhu cầu xa hoa của triều đình. Thậm chí, nhân dân nghèo không nộp đủ thuế còn bị truy thu, "năm 1741, triều đình đòi số thuế chưa đóng của các năm từ 1738 đến 1740; năm 1765, triều đình tiếp tục đòi số thuế chưa đóng trong vòng mười năm qua." [28] Vì vậy sớ dâng lên chúa không trả lời.

Giảm phiền nhiễu về thuế khóa, đánh giá quan lại mà thưởng bổng hay thăng truất, rà soát dân đinh để tránh lậu thuế, miễn giảm cho người nghèo khó, cấp giấy công lệnh cho người thừa hành để ngăn ngừa mạo danh và trị tội kẻ nhũng nhiễu là minh chứng việc "biết" văn chương chữ nghĩa, tức văn phủ của người trí thức thời phong kiến. Ngày nay, sau gần ba trăm năm, đọc lại những đề xuất của Nguyễn Cư Trinh cho thấy vẫn còn nguyên giá trị và xét bối cảnh chính sự Đàng Trong lúc bấy giờ, qua vấn đề đã nêu, chứng thực ông "là người khảng khái" (Liệt truyện), hết lòng vì dân vì nước. Đó cũng là nội hàm của người "biết" văn phủ vậy.

Lại thấy Thực lục chép: "Quý dậu, năm thứ 15 [1753]. Mùa xuân, tháng 3, lấy Nguyễn Cư Trinh làm Ký lục dinh Bố Chính. Bấy giờ hoàng tử nhà Lê là Duy Mật giận họ Trịnh lấn tiếm, họp quân đóng giữ thành Trình Quang thuộc Trấn Ninh, mưu diệt họ Trịnh. Trịnh Doanh sai quân các đạo đi đánh, không được, muốn mượn đường ở ta, đưa thư xin theo đường Trấn Ninh (thuộc Quảng Bình) để tiến đánh. Chúa sai Cư Trinh làm thư khước từ. Doanh bèn thôi." [29] Hiện không đủ tư liệu để biết nội dung thư khước từ của Nghi Biểu hầu như thế nào nhưng trong binh pháp xưa có câu "Giả đồ phạt Quắc",mượn điển cố Tấn Hiến công theo lời Tuân Tức mang vàng ngọc hối lộ nước Ngu mượn đường để đánh nước Quắc, thực chất sau khi Tấn đánh tan nước Quắc sẽ đem quân thôn tính cả nước Ngu. Ý nghĩa câu trên chỉ sự lợi dụng hòa hoãn để quay lại tấn công địch. Là bậc văn phủ, Nguyễn Cư Trinh hiểu kế sách này của chúa Trịnh, đồng thời xét kết quả vụ việc và tính cách chúa Trịnh Doanh: "Ông tài gồm văn võ, có tiếng hay thơ [...] Thời ông cầm quyền, trong nước nhiều biến loạn, ông phải nhọc lòng xếp đặt lại mọi việc, ..." [30], người có "tài gồm văn võ", biết "xếp đặt" việc nước tất không thể tầm thường, thế mà Nguyễn Cư Trinh đã sử dụng văn tài của mình khước từ lời đề nghị, khiến chúa Trịnh "bèn thôi", thiết nghĩ giá trị văn phủ ấy thật không nhỏ.

Như vậy, sau khi được thăng Văn chức, Nguyễn Cư Trinh đã sử dụng văn tài của mình giúp chúa Nguyễn soạn văn thư từ lệnh, viết truyện Sãi Vãi góp phần dẹp được cuộc nổi dậy của Thạch Bích, trước tác Đạm Am thi tập, Quảng Ngãi thập nhị cảnh, họa Hà Tiên thập vịnh qua đó bày tỏ triết lý nhân sinh, ngợi ca cảnh đẹp quê hương đất nước. Đặc biệt, việc dâng thư nói về các nỗi khổ của nhân dân và đề xuất 4 điều chứng tỏ ông là người "khảng khái", cùng với sự khéo léo từ chối thư mượn đường của chúa Trịnh thể hiện ông là người "có mưu lược, liệu sự biết phán đoán" như các thư tịch cổ đã ghi. Tất cả các vấn đề trên tạo nên giá trị văn phủ ở Nghi Biểu hầu.

Về võ trị, trước hết là việc dẹp cuộc nổi dậy mà sử cũ gọi là "mọi Đá Vách" hay "man Thạch Bích". Như trên đã nêu, năm Canh Ngọ (1750), những người dân tộc Hré ở Quảng Ngãi do không chịu nổi sưu cao thuế nặng đã suy tôn Thạch Bích làm thủ lĩnh, lợi dụng địa thế hiểm trở nổi dậy chống lại quan quân chúa Nguyễn. Nhất thống chí cho biết về núi Đá Vách như sau: "Ở phía Tây huyện Nghĩa Hành. Núi cao chót vót, cỏ cây rậm rạp, chưa bị đốn chặt. Buổi sớm khói mây ngưng sắc tía, buổi chiều hang hốc ngậm màu son. Bóng tà dương chiếu xuống, thì đá núi đều dợn sáng như sao [...] Dưới núi có đường tắt rất hẹp, phía Tây thông đến các làng man Minh Long, Tử Tuyền rất hiểm trở, giặc man thường theo đường ấy kéo xuống cướp bóc." [31] Chúa Nguyễn nhiều lần sai quân tiễu phạt nhưng không dẹp được. Biết ông là người "võ trị" chúa phong làm Tuần phủ Quảng Ngãi. Sau khi bình định được cuộc nổi dậy, để ổn định an ninh biên giới kết hợp chính sách kinh tế, ông cho lập đồn binh canh phòng và mở đồn điền. Vấn đề này các sử quan triều Nguyễn đã ghi: "Giặc Man ở châu Thạch bích tỉnh Quảng Ngãi thường quấy rối biên thùy. Khi mới trung hưng đắp một dải lũy và đặt đồn binh sai lính ở 6 cơ thuộc tỉnh ấy đến đóng đồn.[...] Lại chia làm 27 lân, mỗi lân lập một đồn cố sức để phòng giữ." [32] Nhờ đó, "Người Hré thấy thế đều ra đầu hàng, yên phận làm ăn." [33]Võ công này, ông được chúa ban khen.

Cũng lúc bấy giờ, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thường ức hiếp người Côn Man (tức người Chăm Thuận Thành xiêu dạt sang đất Chân Lạp), Chúa Nguyễn họp bàn việc chinh phạt. Năm Quý Dậu (1753), Nguyễn Cư Trinh được bổ Ký lục dinh Bố Chính. Mùa đông, tháng 11, chúa Nguyễn cử Cai đội Thiện Chính làm Thống suất, Cư Trinh làm Tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ tiến đánh Chân Lạp. Để đảm bảo thắng lợi, quân ngũ dinh đóng ở vùng Bến Nghé, dựng doanh trại tại dinh Đồn (chợ Điều Khiển), tuyển quân, tích trữ lương thực. [34]

Tháng 6, năm Giáp Tuất (1754), Thống suất Thiện Chính tiến quân theo đường Mỹ Tho, Tham mưu Cư Trinh theo sông Bát Đông tiến đánh Chân Lạp, chiếm được bốn phủ Lôi Lạp, Tầm Bôn, Cầu Nam và Nam Vang. Nặc Nguyên trốn chạy đến đất Tầm Phong Thâu. Để cắt đường cầu viện của vua Chân Lạp với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời tăng thêm lực lượng, Nguyễn Cư Trinh chiêu dụ người Côn Man nhằm gây thanh thế. Theo lệnh ông, người Côn Man đóng quân giữ Kha Khâm. Sau chiến thắng, quân Cư Trinh theo đường cũ rút về Gia Định. Quân Thiện Chính về Mỹ Tho, dân Côn Man đi theo, đến đất Vô Tà Ân bị Chân Lạp đánh úp (năm 1755). Thiện Chính bị chằm rừng ngăn trở không ứng cứu được. Nguyễn Cư Trinh mang năm đội tùy binh đến cứu, đưa được 5000 người về chân núi Bà Đen (Tây Ninh). Sau đó, ông và Cai đội Trương Phước Du được chúa Nguyễn sai dùng người Côn Man làm hướng đạo, tổ chức phản công. Nặc Nguyên phải hàng và dâng hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp như trên đã nêu. Lúc đầu chúa Nguyễn không thuận, ông tấu trình lợi ích vụ việc, chúa mới y cho. [35] Trong hai lần chinh phạt Chân Lạp đều có sự góp sức của người Côn Man theo kế sách "dĩ man công man" của Nguyễn Cư Trinh. Điều đó thể hiện võ trị của ông.

Từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, nội bộ triều chính Chân Lạp diễn ra sự tranh chấp quyền lực giữa hai phái thân Xiêm và thân Việt. Càng về sau, phái thân Việt vượt hẳn phái đối lập trong việc gây ảnh hưởng chính trị ở nơi đây, như có ý kiến đã nhận định: "Trong suốt khoảng thời gian này, từ đời vua Nặc Thu (năm 1675) cho đến đời vua Nặc Tôn (năm 1758), triều chính Chân Lạp luôn ở trong tình trạng mâu thuẫn nội bộ với sự tranh giành ngôi vị, sự phân chia thành nhiều phái khác nhau, trong đó điển hình là hai nhóm: một nhóm dựa vào Xiêm La, một nhóm dựa vào Đàng Trong để đạt được mục đích của mình. Một thực tế lịch sử diễn ra là nếu như trước thế kỷ XVII, Xiêm La là yếu tố bên ngoài chủ đạo tác động đến chính trường Chân Lạp thì đến thế kỷ XVII - XVIII, Đàng Trong đã từng bước dần thay thế vị trí đó của Xiêm La. Vị trí độc tôn của Xiêm La đối với Chân Lạp đã dần dần mất đi. Đến đầu thế kỷ XVIII, hầu hết các triều vua Chân Lạp đều có mối quan hệ mật thiết với Đàng Trong. Đàng Trong trở thành lực lượng chính chi phối đến triều chính Chân Lạp bởi phần lớn những lần lên ngôi của các vua Chân Lạp đều cần đến sự giúp sức của Đàng Trong." [36] Một trong những sự kiện minh chứng vấn đề là việc hỗ trợ quân sự năm 1757 của chúa Nguyễn cho Chân Lạp. Thực lục cho biết, năm Đinh Sửu (1757), vua Chân Lạp Nặc Nguyên chết. Chú họ là Nặc Nhuận tạm coi việc nước. Nhuận bị con rể là Nặc Hinh giết để cướp ngôi. Con Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu, Mạc Thiên Tứ cấp báo, chúa Nguyễn sai Trương Phước Du tiến đánh, Nặc Hinh bị giết. Nặc Tôn được Võ vương phong làm vua Chân Lạp, đã cắt đất Tầm Phong Long dâng để tạ ơn. [37] Đến đây công cuộc mở đất Tây Nam bộ xem như đã hoàn thành. Để xác lập chủ quyền và khai thác vùng đất mới, Nguyễn Cư Trinh "tâu xin dời doanh Long Hồ đến xứ Tầm Bào. Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, đều đem lính doanh Long Hồ đến trấn áp. Cõi Nam mở đất đến đây rất rộng, đều là công Cư Trinh." [38]Đất Gia Định đường sông nhiều ngả, các thuyền đi lại thường va chạm, sinh kiện tụng. Ông quy định, mọi thuyền phải đi bên tay phải cho thuận lái chèo, những thuyền đi gần nhau phải hô"bát", thuyền vê bến đỗ hay gặp sự cố hô "cạy".[39]Lại thêm, thuyền cướp thường tụ chỗ vắng, rình thuyền buôn đi qua để cướp bóc, người buôn rất khổ. Trinh hạ lệnh cho các hạt: phàm thuyền lớn nhỏ, đều phải khắc tên họ quê quán chủ thuyền ở đâu, được quan sở tại làm sổ thuyền để tiện tra xét. Từ đây, kẻ gian không ẩn nấp vào đâu được, trộm cướp phải im hơi."[40] Dời trị sở dinh Long Hồ đến Tầm Bào là vị trí đắc địa, đặt "tam đạo" trấn giữ biên cương, quy định đi lại trên sông, lập bảng "đăng kiểm thủy lộ" trừ nạn thảo khấu là những cứ liệu và xứng đáng với Liệt truyện ghi "đều là công Cư Trinh" cho võ trị của ông.

Người võ trị tất không sợ uy vũ như Mạnh Tử nói trong chương Đằng Văn Công hạ: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thị chi vị đại trượng phu" (富贵不能淫,贫贱不能移,威武不能屈,此之谓大丈夫). Nghĩa là: "Giàu có không thể làm nhiễu loạn tâm trí ta, nghèo hèn không thể chuyển dời ý chí ta, uy hiếp không thể trấn áp khí tiết của ta, đó mới chính là bậc trượng phu đỉnh thiên lập địa."[41] "Uy vũ bất năng khuất" ở Nguyễn Cư Trinh thể hiện qua việc sau. Năm Ất Dậu (1765), tháng 6, ông được triệu về thăng Lại bộ kiêm Tào vận sứ. Lúc bấy giờ, Trương Phúc Loan cậy mình lập chúa Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi và có hai con đều lấy công chúa nên thâu tóm mọi quyền hành để tư lợi. Thực lục chép: "Thăng Trương Phúc Loan làm quốc phó, giữ bộ Hộ, quản cơ tượng, kiêm Tàu vụ, cho thu thuế sản vật nguồn vàng Thu Bồn và các nguồn Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân làm ngụ lộc. Loan sai người riêng trưng thu. Hằng năm được số vàng vô số mà nộp thuế cho nhà nước chỉ 1 - 2 phần 10. Các thứ thuế nguồn về ngà voi, sáp ong, mật ong, mỗi năm thu bạc đến hơn 200 lạng. Của báu chất như núi [...] Cả nhà Loan sang yêu quyền thế, át cả trong ngoài. Lại đem bè đảng là bọn Thái Sinh chia giữ những bến trọng yếu. Loan ngày càng buông tuồng, người ta gọi là Trương Tần Cối." [42]Quan Quốc phó quyền hành lệch nước, tham lạm của công, tạo bè kết phái lũng đoạn chính trị nên đương thời xem như gian thần nhà Tống (Tần Cối), kẻ bị bêu danh lấn át bề trên, hãm hại trung lương. Cũng do đó, Loan thường triệu các quan đến tư dinh để bàn việc. Duy Nghi Biểu hầu là dám phản đối. Liệt truyện viết: "Cư Trinh nghiêm nét mặt nói: "Bàn viêc ở công triều chế độ đã định từ lâu. Phúc Loan sao dám vô lễ như thế! Chực chuyên quyền à? Loạn thiên hạ, tất là người này!" Các quan đều không dám đi. Phúc Loan căm giận lắm nhưng vẫn kính sợ không dám làm hại." [43] Dám kháng lệnh và mắng Quốc phó như ông xét trong sử Việt không có mấy người, xem ra cũng là võ trị vậy.

Tuy nhiên, con người là một thực thể xã hội, tức có mặt tích cực và hạn chế. Nếu ở Nguyễn Cư Trinh qua các cứ liệu như trên cho thấy ông là bậc văn phủ - võ trị thì cũng có một chi tiết được ghi trong quốc sử không khỏi bị hậu thế chê bai. Thực lục cho biết về việc này: "Ất hợi, năm thứ 17 [1755], mùa xuân, thống suất Thiện Chính đem quân về đồn Mỹ Tho trước, ra lệnh cho người Côn Man bỏ Kha Khâm đem bộ lạc và xe cộ đến đóng ở Bình Thanh. Đi đến Vô Tà Ơn [...] bị quân Chân Lạp hơn vạn người đuổi theo đánh úp. Người Côn Man bí thế, xếp xe lại làm lũy để chống giữ và cáo cấp. Thiện Chính bị chằm rừng ngăn trở không ứng cứu được. Cư Trinh tức thì đem năm đội tùy binh đến cứu. Quân Chân Lạp phải rút lui. [Trinh] bèn hộ vệ hơn 5000 trai gái Côn Man về đóng ở chân núi Bà Đinh, rồi tâu hặc Thiện Chính về tội bỏ lỡ cơ hội và bỏ rơi dân mới quy phụ. Chúa giận, triệu Thiện Chính về, giáng xuống làm Cai đội."[44]Rõ ràng Thiện Chính bị "chằm rừng ngăn trở không ứng cứu được" chứ không phải như Cư Trinh tâu "bỏ lỡ cơ hội và bỏ rơi dân mới quy phụ", lại còn "hặc tâu" đến nổi Thiện Chính bị giáng cấp. Việc này dù được biện minh dưới góc độ nào thì hành xử trên của ông cũng đáng chê trách. [45]

Như vậy, bằng các việc dẹp được cuộc nổi dậy của man Thạch Bích, lập đồn binh canh phòng, dùng người Côn Man hỗ trợ cuộc chinh phạt Chân Lạp qua đó mở rộng lãnh thổ phía Nam, dời dinh Long Hồ đến Tầm Bào, đặt các đạo để xác lập chủ quyền trên vùng đất mới, quy định việc đăng kiểm thủy đạo dẹp nạn trộm cướp trên sông và "uy vũ bất năng khuất" đối với quyền thần Trương Phúc Loan là những xác tín cho phẩm chất võ trị ở Nguyễn Cư Trinh.

Đức văn phủ, tài võ trị tạo nên ở ông một nhân cách lớn của bậc văn võ song toàn theo chuẩn mực phong kiến. Chính giá trị ấy được các chúa và vua nhà Nguyễn quý trọng nên khi qua đời Định vương đã truy tặng các mỹ từ "Tá lý công thần, Đặc tiến Trụ quốc kim tử Vinh lộc đại phu Chính trị thượng khanh". Đến năm 1839, vua Minh Mạng vinh thăng đến thứ bậc hàng đầu "Khai quốc công thần, Vinh lộc đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ" và cho tòng tự tại Thái Miếu.[46]

Hiện nay, lăng mộ của ông nằm giữa vùng đồi núi, cảnh trí đẹp, mộ nằm theo hướng Tây Nam, hình chữ nhật, lăng dài 14,60m; rộng 12,8m, cao 1,65m. Mộ Nguyễn Cư Trinh được chôn cùng hai bà vợ (mộ tam táng), mộ hình chữ nhật, dài 2,90m, rộng 2,30m.
Khu mộ Nguyễn Cư Trinh toạ lạc tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế và đã được Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định số 05/1999/QĐ/BVHTT ngày 12-02-1999. Tên của ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Việt Nam. [47] Điều này chứng tỏ, lịch sử đã công bằng với ông.


Mộ Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh
Xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. 
(nguồn: Di tích lịch sử - Văn hóa lễ hội – Danh nhân Việt Nam) 


Từ đường  họ Nguyễn Đăng – An Hòa, Thừa Thiên Huế
(nguồn: Di tích lịch sử - Văn hóa lễ hội – Danh nhân Việt Nam) 


 


3. Thay lời kết

Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là một nhân vật lịch sử, người con xứ Huế. Sự nghiệp của ông "mang tính đa diện về chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, văn học và để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc." [48]

Khi đánh giá nhân vật lịch sử cần tuân thủ nguyên tắc: "đặt nhân vật đó vào bối cảnh lịch sử cụ thể với tất cả mối quan hệ phức tạp của hoàn cảnh gia đình, văn hóa, xã hội, điều kiện hoạt động và nhất là yêu cầu phát triển của đất nước trong xu thế chung của thời đại và của khu vực, để phân tích và nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và thỏa đáng về mặt công lao, cống hiến, mặt tích cực cũng như mặt hạn chế và tiêu cực." [49] Từ nguyên tắc đó, qua các cứ liệu đã nêu cho thấy Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là một trong những nhân vật lịch sử lớn thời các chúa Nguyễn. Ở ông nổi bật hai phẩm chất văn phủ - võ trị. Hai giá trị này thể hiện ở các hoạt động cụ thể nhưng có mối quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ tích cực cho nhau giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với đất nước. Trong đó nổi bật nhất là việc dùng văn tài ổn định chính trị, mưu cầu lợi ích cho dân, ngăn chặn ý đồ của chúa Trịnh, lưu lại cho đời sau những trước tác có giá trị văn chương. Cùng với đó là thuật võ trị qua việc "bình man" (dẹp mọi Đá Vách), "dĩ man công man" (đánh Chân Lạp), mở rộng, xác lập chủ quyền và ổn định trị an vùng đất Nam bộ. Văn phủ - võ trị ấy không chỉ lưu danh cùng hậu thế mà còn được ghi tạc ở quốc sử, xứng đáng với những dòng ghi chép trân trọng của Sử quan triều Nguyễn về những huân nghiệp của ông: "Cư Trinh là người có tài mưu lược, khéo quyết đoán. Những việc ông tâu bày phần nhiều là lời trung, bàn phải. Khi coi việc quân ở cõi Nam, mở đất đai, giữ yên ngoài biên, huân nghiệp hơn người. Ông lại giỏi văn, trội thơ, có tập Đạm am lưu hành ở đời." [50]

Mỗi hội thảo khoa học là một dịp công bố những thành tựu nghiên cứu mới về vấn đề/nhân vật lịch sử. Qua đó làm sáng tỏ các góc khuất lịch sử đồng thời phủ chính sai sót/nhầm lẫn trong thư tịch cổ, giúp phục dựng lại quá khứ chính xác hơn. Trong ý nghĩa đó, qua góc nhìn văn phủ - võ trị ở Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh cho thấy còn một số vấn đề cần tiếp tục được làm sáng tỏ:

1. Khi Nguyễn Cư Trinh được bổ làm Tuần phủ Quảng Ngãi, Thực lục chép "Canh ngọ, năm thứ 12 [1750], mùa xuân, tháng 2, sai Nguyễn Cư Trinh làm tuần phủ Quảng Ngãi (bấy giờ gọi là Nghi Biểu hầu)"[51]. Nhất thống chí ghi: "Xưa Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tuần phủ Quảng Ngãi. "[52] Liệt truyện (đã dẫn ở trên) chép "tước Văn Minh hầu". Như vậy qua ba tài liệu trên, nêu ba tước hầu của ông khác nhau: Nghi Biểu hầu (lúc còn sinh tiền), Tân Minh hầu (không rõ thời gian, bởi vì có thể gọi tước này khi ông còn sống và đang làm Tuần phủ Quảng Ngãi, cũng có thể dùng tước được phong sau khi ông đã mất để chỉ việc làm lúc còn tại thế) và Văn Minh hầu (sau khi qua đời). Cần xác định tước Tân Minh hầuNhất thống chí ghi có chính xác không? Nếu đúng, thì thời điểm ông được phong tước hầu này là khi nào?

2. Truyện Sãi Vãi nhóm tác giả Nguyễn Đăng Mạnh-Bùi Duy Tân-Nguyễn Như Ý cho biết có 680 câu. Tầm nguyên từ điển lại chép về tác phẩm này như sau: "Tên một tập văn của Nguyễn Cư Trinh, viết theo thể phú, ghi lại cuộc đàm thoại giữa ông Sãi và bà Vãi, dùng hết sức nhiều điển tích, đem những việc hay dở đời xưa để nêu gương cho người đương thời. Ông Sãi tỏ ra là một người học thức uyên bác, am hiểu đạo Thánh hiền, lý luận xác đáng. Sãi Vãi câu dài câu ngắn không chừng, phỏng 340 câu cả thảy." [53] Qua hai tư liệu đã dẫn có sự khác nhau về số câu. Vậy chính xác truyện Sãi Vãi680 hay 340 câu. Xin các nhà khoa học bổ cứu.

3. Cửu đỉnh ở Huế nói chung, Di/Dị/Dụ đỉnh chạm hình núi Thiên Ấn nói riêng được Nhất thống chí chép như sau: "Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), có khắc hình núi này vào Di đỉnh." [54] Tra cứu Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thấy ghi: Tháng 12 năm Ất mùi Minh Mạng thứ 16 ngày giờ tốt khởi công, đến tháng 12 năm thứ 17 là qua 1 năm thì hoàn thành." [55] Bài "Cửu đỉnh qua mộc bản triều Nguyễn", của Nhật Phương-Bùi Mai [56] cho biết Dụ đỉnh (Khâm định gọi Dị đỉnh - ĐKT) khắc các hình Sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, ... không có hình núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi). Như vậy, Cửu đỉnh (trong đó có Di/Dị/Dụ đỉnh được đúc năn nào? 1830 hay 1835? và có hay không hình núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi) được chạm trên Di/ Dị/ Dụ đỉnh?

Tổ chức hội thảo khoa học để xác định các vấn đề trên, qua đó vinh danh những công lao của ông nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa có liên quan là việc làm cần thiết. Đồng thời, trên các vùng đất xưa do ông lập: xứ Tầm Bào, Đông Khẩu, Tân Châu và Châu Đốc đạo nên có tên đường, trường học, đơn vị hành chính hay bia tưởng niệm mang tên ông là những điều hậu thế cần làm. Bởi đó là sự tri ân đối với tiền nhân, những nhân vật đã được lịch sử trân trọng qua văn phủ - võ trị và Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là trường hợp xứng đáng như vậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bửu Kế - Vĩnh Cao (2002) Tầm nguyên từ điển, Nxb Thuận Hóa.

2. Đào Duy Anh (2014), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn học.

3. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789) (2012), Nxb Hồng Bàng - Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây.

4. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay số 466, tháng 12 năm 2015.

5. Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nhã Nam và Nxb Thế giới.

6. Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam (2015), Nxb Hồng Đức - Tạp chí Xưa&Nay.

7. Nguyễn Đăng Mạnh-Bùi Duy Tân-Nguyễn Như Ý (Đồng chủ biên) (2004), Từ điển tác giả tác phẩm văn học Việt Nam dùng trong nhà trường, Nxb Đại học sư phạm.

8. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (2013), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin.

9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Tập 1-2, Nxb Thuận Hóa.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.

11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Nxb Giáo dục.

12. Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập VIII, Nxb Thuận Hóa.

13. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, Tập III, Nxb Thuận Hóa.

14. TS. Phạm Văn Hảo (chủ biên) (2004), Sổ tay từ ngữ lịch sử (quan chế), Nxb Khoa học xã hội.

15. TS. Đỗ Quỳnh Nga (2013), Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn, Nxb Chính trị quốc gia.

16. Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Khánh, Trần Thúy Anh, Trần Phương Anh, Phan Quang Anh (2015), Văn hóa Việt Nam: Những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb Văn học.

17. Trịnh Hoài Đức (2006), Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai

18. Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Hồng Đức - Tạp chí Xưa&Nay.

19. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa&Nay, số 466, tháng 12 năm 2015.

20. Viện ngôn ngữ học (1994), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học - Nxb Giáo dục

21. Các trang điện tử:

- Báo Giác ngộ online, http://giacngo.vn/vanhoa/dulich/2013/09/25/3A464B/

- Di tích lịch sử - Văn hóa lễ hội Danh nhân Việt Nam, Mộ Nguyễn Cư Trinh. http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/MO-NGUYEN-CU-TRINH-a457.html

- Bách khoa tri thức,
http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2629-1528-633722978204311250/
Manh-Tu/Phu-quy-bat-nang-dam-ban-tien-bat-nang-di.htm

Chú thích

[1] - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, email: kimtruong.do@gmail.com. Sđt: 01254701099.

[2] - Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789) (2012), Nxb Hồng Bàng - Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, tr 193.

[3] - Nguyễn Đăng Mạnh-Bùi Duy Tân-Nguyễn Như Ý (Đồng chủ biên)(2004), Từ điển tác giả tác phẩm văn học Việt Nam dùng trong nhà trường, Nxb Đại học sư phạm, tr 358. Đại Việt sử ký tục biên có ghi: "Cư Trinh ít tuổi giỏi văn". Xem: Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789)(2012), Sđd, tr 193. Tầm nguyên từ điển cũng viết: "Nguyễn Cư Trinh thông minh sớm, nổi tiếng văn chương một thời". Xem: Bửu Kế-Vĩnh Cao(2002) Sđd, Nxb Thuận Hóa, tr 656.

[4] - Năm 1740 là năm Canh Thân không phải Canh Thìn như có sách viết. Xem Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam (2015), Nxb Hồng Đức - Tạp chí Xưa&Nay, tr 46.

[5] - Đại Việt sử ký tục biên có ghi: "... đến đây [tức năm Giáp Tý 1744 - ĐKT] thăng Tuần phủ". Xem: Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789)(2012), Sđd, tr 193.

[6] - Chức quan thuộc Tào chính ty, trông coi việc vận tải đời Nguyễn.

[7] - Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, tr 114.

[8] - Xem: Viện ngôn ngữ học (1994), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học - Nxb Giáo dục. Văn (tr 1061), Phủ (tr 761), (tr 1079), Trị (tr 999).

[9] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Nxb Giáo dục, tr 150.

[10] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Tập 1-2, Sđd, tr 111.

[11] - Xem: TS. Phạm Văn Hảo (chủ biên) (2004), Sổ tay từ ngữ lịch sử (quan chế), Nxb Khoa học xã hội, tr 296.

[12] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 153.

[13] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr 111.

[14] - Trần Quốc Vượng, Đất Quảng - cái nhìn địa lý văn hóa và lịch sử. Trong: Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Khánh, Trần Thúy Anh, Trần Phương Anh, Phan Quang Anh (2015), Văn hóa Việt Nam: Những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb Văn học, tr 383.

[15] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 155.

[16] - Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr 299.

[17] - Xem: Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr 299.

[18] - Xem: Nguyễn Đăng Mạnh-Bùi Duy Tân-Nguyễn Như Ý (Đồng chủ biên) (2004), Sđd, tr 359 - 360.

[19] - Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (2013), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, tr 702.

[20] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr 111.

[21] - Dịch nghĩa: "Người tỉnh sao lại khổ về nỗi ngâm vịnh một mình, Giữ bạn lại, bóng kề bóng, rót rượu tăm cho nhau ... Tiếng thị phi náo nhiệt vẫn vẳng bên tai như sấm, Trong ly loạn, bỗng quên lòng đắm bóng trăng soi, Việc gì phải ở trong rừng và ngủ kỹ, Nghìn ngày ở cõi phù sinh đáng mấy phân âm." Xem: Nguyễn Đăng Mạnh-Bùi Duy Tân-Nguyễn Như Ý (Đồng chủ biên) (2004), Sđd, tr 359.

[22] - Xem: Báo Giác ngộ online, Thiên Ấn Niêm Hà - Đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi, http://giacngo.vn/vanhoa/dulich/2013/09/25/3A464B/ Truy cập ngày 27-12-2015.

[23] - Xem: Nguyễn Đăng Mạnh-Bùi Duy Tân-Nguyễn Như Ý (Đồng chủ biên) (2004), Sđd, tr 255 - 257.

[24] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 156.

[25] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 156 - 157.

[26] - Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789)(2012), Sđd, tr 193.

[27] - Xem: Đào Duy Anh (2014), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn học, tr 372 - 373.

[28] - Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nhã Nam và Nxb Thế giới, tr 364.

[29] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 157.

[30] - Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (2013), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd, tr 1441.

[31] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Sđd, tr 405.

[32] - Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, Tập III, Nxb Thuận Hóa, tr 241.

[33] - Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (2013), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd, tr 702.

[34] - Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 158.

[35] - Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 163 - 165; Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr 113 và Trịnh Hoài Đức (2006), Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr 113 - 114.

[36] - Xem: TS. Đỗ Quỳnh Nga (2013), Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn, Nxb Chính trị quốc gia, tr 61.

[37] - Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 166.

[38] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr 113 - 114.

[39] - Xem: Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789)(2012), Sđd, tr 278.

[40] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr 113 - 114.

[41] - Xem: Bách khoa tri thức, http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2629-1528-633722978204311250/
Manh-Tu/Phu-quy-bat-nang-dam-ban-tien-bat-nang-di.htm Truy cập ngày 27-12-2015.

[42] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 170.

[43] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr 114.

[44] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 164.

[45] - Về vấn đề này Đại Việt sử ký tục biên cũng chép tương tự và cho biết một chi tiết như sau: "Lúc ấy Thiện Chính hầu đã dâng thư nói Nguyễn Cư Trinh tự tiện hành động. Chúa Thế Tông (Hiếu Vũ hoàng đế) giận, triệu về tra hỏi, bãi chức Thống suất của Thiện Chính hầu nhưng vẫn cho làm Cai đội." Xem: Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789)(2012), Sđd, tr 236.

[46] - Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr 114.

[47] - Di tích lịch sử - Văn hóa lễ hội - Danh nhân Việt Nam, Mộ Nguyễn Cư Trinh. Xem: http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/MO-NGUYEN-CU-TRINH-a457.html Truy cập ngày 29-12-2015.

[48] - Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Thư mời viết tham luận Hội thảo khoa học Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767): Quê hương, thời đại, sự nghiệp.

[49] - GS. Phan Huy Lê (2013), Phan Thanh Giản (1796 - 1867) con người, sự nghiệp và bi kịch cuối đời. Trong: Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay, tr 289 - 290.

[50] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr 114.

[51] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr 155.

[52] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tr 401.

[53] - Bửu Kế - Vĩnh Cao (2002), Tầm nguyên từ điển, Nxb Thuận Hóa, tr 669.

[54] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Sđd, tr 401.

[55] - Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập VIII, Nxb Thuận Hóa, tr 318.

[56] - Tạp chí Xưa & Nay số 466, tháng 12 năm 2015, tr 49