01


MÃ LAI


Hồi lên trung học, tôi đã mê truyện của Bình nguyên Lộc trong sách giáo khoa, hễ có tờ báo Hương Quê là lật kiếm truyện của ổng coi trước. Tới tú tài 2 thấy Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam của ổng quảng cáo rần trời trên bán nguyệt san Thời Nay, vậy mà hơn bốn chục năm sau mới có dịp coi kỹ.

Đại khái cuốn sách gồm 3 ý như sau:

  1. người Việt với người “Khả lá vàng” thuộc về “chủng Mã Lai” có sọ ngắn, tiếng Việt có 40% từ ngữ giống tiếng “Khả lá vàng”,
  2. người Việt với người Mã Lai thuộc về “chủng Mã Lai” có sọ ngắn, tiếng Việt có 40% từ ngữ giống tiếng Mã Lai,
  3. vậy người Việt gồm hai đám người “Mã Lai” gộp lại.

Phần đầu của loạt bài này, sẽ dành cho việc “update” 3 ý đó và mấy ý khác theo những hiểu biết thời nay, mong đáp lại phần nào công sức của tác giả đã bỏ ra để viết cuốn sách và công sức của những ai đã bỏ ra để chép lại cuốn sách.

Dưới đây, nguyên văn trích dẫn là chữ màu tím.

CHỈ SỐ SỌ

A) Chỉ có cái sọ mới giúp ta phân biệt chủng này với chủng khác.

B) Cái sọ của các chủng qua 7, 8 ngàn năm không hề thay đổi.

C) Nếu có lai với chủng khác, mà lai một lần hay cứ lai đi lai lại mãi, khoa chủng tộc học cũng biết được vì hai yếu tố chủng tộc cứ tồn tại mãi trong những cái sọ ấy.

...Theo khoa chủng tộc học (anthropologie physique) thì khi hai cái sọ khác nhau từ hai đơn vị sấp lên, thì phải xem đó là hai chủng khác nhau, và nếu hai cái sọ ấy bị ràng buộc với nhau bằng vài tánh cách khác thì phải xem một cái sọ trong đó là một phụ chủng của cái sọ kia, vì thế mà khi nói đến chủng Mông-gô-lích là nói một điều vô nghĩa đối với khoa học vì khoa học phân biệt đến bốn chủng Mông-gô- lích khác nhau:

A. Bắc Mông-gô-lích của người Mông Cổ

B. Trung Mông-gô-lích của người Hoa Bắc

C. Nam Mông-gô-lích của người Hoa Nam

Một phụ chủng thứ tư ra sao, và tên gì, chúng ta sẽ biết...

...Ta đã thấy rằng sọ Hoa Bắc khác sọ Hoa Nam về chỉ số...Sọ Hoa Bắc có tánh cách mesocephale (tức sọ tròn) còn sọ Hoa Nam thì có tánh cách brachycephale... tức hơi tròn...Trong khi đó thì sọ Việt và sọ Mã Lai mang tánh cách brachycephale... Thật thế, cái sọ của người Hoa Nam gần cái sọ của người Việt Nam mà xa cái sọ của người Hoa Bắc...

...Các thứ dân ở Đông nam Á đều đã được đo sọ và chỉ số sọ của họ khác xa chỉ số sọ của chủng Nam Mông-gô-lích là chủng của người Hoa Nam...

...Chỉ số sọ của chủng Nam Mông-gô-lích là 79.14 (chỉ số trung bình) tức cao hơn Trung Mông-gô-lích 2.58 đơn vị...

...Tất cả những dân tộc gốc Mã Lai đều có chỉ số sọ trên 80, trừ Nhựt, Mường.... Chỉ số sọ Trung Hoa luôn luôn dưới 80. Chỉ số sọ Nhựt... thì thấp nhứt trong đám Mã Lai Bách Việt...

“Chỉ số sọ” (cephalicindex, viết tắt “CE”) là bề rộng nhứt của một cái sọ chia cho bề dài nhứt, nhân với 100; theo đó có 3 kiểu sọ:


đàn bà

đàn ông

loại sọ

nghĩa là

<75

<75.9

dolichocephalic

sọ dài

75 – 83

76 – 81

mesaticephalic

sọ vừa

>83

>81.1

brachycephalic

sọ ngắn

CE không phải là một cái gì bất biến, không hẳn tôi có sọ ngắn thì thằng cháu đời thứ 10 của tôi cũng phải có sọ ngắn, thí dụ như vậy. Số đo sọ của gần 18 ngàn người gốc Âu ở Mỹ trong những năm 1908-1910 cho thấy cái sọ khi mẹ của họ đẻ ra họ trước khi tới Mỹ thì khác với cái sọ khi mẹ của họ đẻ ra họ sau khi tới Mỹ (hình 1), theo Clarence Gravlee et al [1] [2]. Nghĩa là CE sẽ đổi khác từ đời này qua đời nọ nếu người ta đổi nơi ở từ vùng này qua vùng nọ.

(foreign born = đẻ trước khi người mẹ tới Mỹ, US born = đẻ sau khi người mẹ tới Mỹ)

Hình 1

Hình 2 cho thấy CE của người ta trên khắp thế giới.

Hình 2

Trong hình 2, ta thấy kiểu sọ nào cũng có ở bất cứ vùng nào, thí dụ:

  • sọ vừa (CE=79-81) không những có ở Trung Quốc và Đông nam Á mà còn có ở khắp Bắc Mỹ và Nam Mỹ,
  • sọ ngắn (CE=82-84), không những có ở Đông nam Á mà còn có ở phần lớn châu Âu, phía bắc châu Á và một phần châu Mỹ.

Như vậy số liệu CE không đủ để giúp ta phân biệt một nhóm người có sọ ngắn ở vùng này, một nhóm người có sọ vừa ở vùng kia và một nhóm người có sọ dài ở vùng nọ - gọi theo Bình nguyên Lộc là 3 “chủng”.

Trái lại, số liệu “gene” có thể giúp phân biệt những nhóm người khác nhau từ vùng này qua vùng nọ.

Noah A. Rosenberg et al [3] khảo sát 377 cái “autosomal microsatellite loci” trên 1056 người, xếp những ai giống nhau vô một cụm, thì thấy họ xếp thành 5 cụm trùng với 5 vùng (hình 3, K=5): châu Phi (màu cam), châu Âu - Trung Đông- Trung/Nam Á (màu xanh lục), Đông Á (màu hồng), Ocenia (màu xanh lục) và châu Mỹ (màu tím).

Hình 3

Luciana Bastos-Rodrigues et al [4] khảo sát 40 cái “indel” trên 1064 người, xếp những ai giống nhau vô một cụm, thì cũng thấy họ xếp thành 5 cụm trùng với 5 vùng: châu Phi, châu Âu - Trung Đông - Trung Á, Đông Á, Ocenia và châu Mỹ (hình 4).

Hình 4

Jun Z. Li et al [5] khảo sát hơn 650 ngàn cái “single nucleotide polymorphism” trên 1064 người ở 51 nhóm trên khắp thế giới, xếp những ai giống nhau vô một cụm, thì thấy họ xếp thành 7 cụm trùng với 7 vùng (hình 5): châu Phi (màu đỏ), Trung Đông (màu nâu), châu Âu (màu xanh lục), Trung Á (màu xanh lam), Đông Á (màu cam), Ocenia (màu chàm) và châu Mỹ (màu tím).

Hình 5

Kết quả khảo sát 120 cái “polymorphism” trên 42 nhóm người cho thấy họ xếp thành 6 cụm trùng với 6 vùng: châu Phi, châu Âu - Tây Nam Á, Đông Á - Eskimo, châu Mỹ, Đông nam Á, châu Úc (hình 6, cột “population”), trích L. Luca Cavalli-Sforza [6].

Hình 6

Tóm lại, phải có dữ liệu “gene” của hàng ngàn người thì mới đủ để phân biệt những nhóm người khác nhau từ vùng này qua vùng nọ, những nhóm người đó gọi là “chủng” hay chưa thì còn phải xem kỹ hơn nữa, chứ nếu dựa theo mỗi cái CE mà đặt ra “chủng” này “chủng” nọ thì sẽ đi xa sự thực.

“CHỦNG CỰC BẮC MÃ LAI”

Chúng ta đã thấy... hễ khi chỉ số sọ khác nhau trên hai đơn vị là khoa chủng tộc học xem là một chủng khác rồi, hay nói cho thật đúng xem là một phụ chủng...

Danh xưng chủng “cực nam Mông-gô-lích”... do chúng tôi đặt ra, căn cứ theo luật trên đây.

...Chỉ số sọ của ta y hệt như chỉ số sọ của Mã Lai, nhưng chúng tôi lại cho ta là một phụ chủng Mông-gô-lích chứ không nói là chủng Mã Lai, vì tóc ta đã thẳng, tức có một yếu tố ràng buộc ta với chủng nam Mông-gô-lích.

...vì thế mà sau khi đối chiếu sọ người Hoa Nam với sọ người Việt Nam, chúng tôi mới đặt tên cho chủng của ta như trên... chớ đáng lý gì phải gọi là “cực bắc Mã Lai”...

Nói đại khái, “chủng” là một nhóm người có những đặc điểm sinh học (biology) như nhau và ở một vùng như nhau, chủng nào ra chủng nấy. Joseph Deniker [7] năm 1900 đã chia người ta ra 29 “chủng” thí dụ:

sinh học

 

vùng

số

tóc sáng, thẳng / dợn sóng, mắt xanh

da hồng, tóc sáng

tóc đỏ lợt, dợn sóng, lớn con, sọ dài

Bắc Âu

16

tóc vàng hoe, thẳng, nhỏ con, sọ ngắn

Đông Âu

17

tóc sậm, thẳng / dợn sóng, mắt đen

da nâu lợt, mình nhiều lông, mũi tẹt, sóng mũi lõm, sọ dài

Ainu (Nhựt)

18

da vàng, mình ít lông

mũi cao, sóng mũi lồi, lớn con, mặt hinh trứng, sọ ngắn / vừa

Polynesian

19

nhỏ con, mũi tẹt, sóng mũi lõm, gò má cao, mặt hình thoi, sọ dài

Indonesian

20

nhỏ con, mũi cao, sóng mũi thẳng / lõm, sọ vừa / dài

Nam Mỹ

21

Vậy những nhóm người ở hình 3, 4, 5, 6 gọi là “chủng” được chưa?

Giả sử ta làm một cái thí nghiệm là lấy ngẫu nhiên vài người Hán ở vùng Đông Á và vài người Anh ở vùng châu Âu - Trung Đông - Trung Á, đem “indel” của họ so với nhau, thì kết quả sẽ ra sao: người nào khác người nào? Tất nhiên, ta cho rằng kết quả cũng sẽ lặp lại như hình 4: người Hán khác người Anh hơn là người Hán khác người Hán, tức là khác biệt (variation) giữa nhóm Anh với nhóm Hán thì lớn hơn khác biệt giữa người này với người kia trong cả hai nhóm.

Nhưng thực ra không phải vậy.

Bảng 1. Bảng phân tích “variation”, theo Rosenberg et al [3] và Bastos-Rodrigues et al [4].

 

số vùng

số nhóm trong vùng

Bastos-Rodrigues et al [4]

Rosenberg et al [3]

 

“variation” (%)

“variation” (%)

 

giữa người trong nhóm

giữa nhóm trong vùng

giữa vùng

giữa người trong nhóm

giữa nhóm trong vùng

giữa vùng

thế giới

1

52

87.2

12.8

 

94.6

5.4

 

thế giới

7

52

85.7

2.3

12.1

94.1

2.4

3.6

Phi

1

7

95.3

4.7

 

96.9

3.1

 

Á-Âu

1

21

97.7

2.3

 

98.5

1.5

 

Á-Âu

3

21

97.4

1.4

1.2

98.3

1.2

0.5

Âu

1

8

99.0

1.0

 

99.3

0.7

 

Trung Đông

1

4

98.5

1.5

 

98.7

1.3

 

Trung/Nam Á

1

9

98.3

1.7

 

98.6

1.4

 

Đông Á

1

18

98.7

1.4

 

98.7

1.3

 

Ocenia

1

2

93.9

6.1

 

93.6

6.4

 

Mỹ

1

5

88.5

11.5

 

88.4

11.6

 

Bảng 1 cho thấy:

  • khác biệt giữa nhóm này với nhóm kia thì nhỏ hơn so với khác biệt giữa người này với người kia, nghĩa là: chưa chắc người Hán khác người Việt hơn là người Hán khác người Hán, mà có khi ngược lại, người Hán giống người Việt hơn là người Hán giống người Hán.
  • khác biệt giữa vùng này với vùng kia thì cũng nhỏ hơn so với khác biệt giữa người này với người kia, nghĩa là: chưa chắc người Đông Á khác người Âu hơn là người Đông Á khác người Đông Á, mà có khi ngược lại, người Đông Á giống người Âu hơn là người Đông Á giống người Đông Á.

Bảng 2. Bảng phân tích “variation”, trích John Relethford [8].

dữ liệu

số vùng

“variation” (%)

giữa vùng

giữa nhóm trong vùng

giữa người trong nhóm

loại máu (blood polymorphism)

7

6.3

8.3

85.4

microsatellite DNA

5

10.0

5.5

84.5

RFLP, 79 vị trí

4

11.7

3.9

84.5

Y chromosome

3

7.8

5.1

87.1

số đo sọ

6

14.6

6.7

78.8

màu da

5

87.9

3.2

8.9

Bảng 2 cho thấy:

  • nếu tính màu da thôi, người Đông Á khác người Âu hơn là người Đông Á khác người Đông Á.
  • không tính màu da, khác biệt giữa nhóm này với nhóm kia thì nhỏ hơn so với khác biệt giữa người này với người kia, nghĩa là: không tính màu da, chưa chắc người Hán khác người Việt hơn là người Hán khác người Hán, mà có khi ngược lại, người Hán giống người Việt hơn là người Hán giống người Hán.
  • không tính màu da, khác biệt giữa vùng này với vùng kia thì cũng nhỏ hơn so với khác biệt giữa người này với người kia, nghĩa là: không tính màu da, chưa chắc người Đông Á khác người Âu hơn là người Đông Á khác người Đông Á, mà có khi ngược lại, người Đông Á giống người Âu hơn là người Đông Á giống người Đông Á.
“Chưa chắc” cỡ nào thì D. J. Witherspoon et al [9] cho biết như trong hình 7.
Hình 7

Gọi w là % số lần thí nghiệm mà kết quả là hai người khác vùng thì giống nhau hơn hai người cùng vùng (đường liền màu đỏ trong hình 7), ta thấy w thay đổi theo số vùng và số “loci” khảo sát (“loci” là những vị trí trên “chromosome”):

  • Hình 7A (khảo sát 3 vùng): w giảm từ 30% xuống 10% khi số “loci” tăng từ 10 lên 175,
  • Hình 7C (khảo sát 3 vùng): w giảm từ 30% xuống 0% khi số “loci” tăng từ 10 lên 1,000 - 10,000.
  • Hình 7D (khảo sát 8 vùng): w giảm từ 30% xuống chừng 3% khi số “loci” tăng từ 10 lên 1,000 - 10,000.
  • Hình 7D cho thấy nếu khảo sát hơn 3 vùng thì dù có dữ liệu của thật nhiều “loci”, w cũng không bao giờ bằng 0, nghĩa là ta không bao giờ chắc rằng hai người khác vùng thì khác nhau hơn hai người cùng vùng.

Vậy, dù ta biết nhiều đến đâu đi nữa, ta cũng không bao giờ biết đủ để tin rằng những nhóm người khác vùng thì khác nhau 100% để có thể gọi họ là “chủng” này “chủng” nọ.

R. C. Lewontin [10] tóm lại như sau:

Loài người nói chung, từ kẻ này qua kẻ kia, có “khác biệt gene” (genetic variation, viết tắt “GV”) rất lớn: cứ 2 người lạ thì khác chừng 3 tỉ cái “biến thể DNA” (DNA variants).

Phần lớn GV, chừng 85%, là khác biệt giữa những người cùng một nhóm dân ở cùng một xứ nói cùng một thứ tiếng, thí dụ giữa những người Nhựt với nhau. Mỗi nhóm dân có một GV lớn nhỏ tùy theo nhóm đó bao nhiêu người và trong đó có bao nhiêu người di cư từ nhóm khác qua... Trong 15% GV còn lại, từ một phần tư tới một nửa là khác biệt giữa những nhóm dân trong một “chủng”, thí dụ giữa nhóm Nhựt với nhóm Hàn. Chừng 6-10% còn lại là khác biệt giữa những “chủng” ở những vùng khác nhau mà có thể phân biệt theo màu da, sợi tóc hay cái mũi. Vì sao trong 15% GV còn lại không biết đích xác bao nhiêu là khác biệt giữa những nhóm dân trong một chủng và bao nhiêu là khác biệt giữa những chủng? Đó là vì những nhà nhân-chủng-học di-truyền-học chẳng có “chuẩn” nào để xếp nhóm nào vô chủng nào hết: có khi họ cần 3 chủng là đủ, có khi họ cần 30 chủng mới đủ.

Một ít “đặc điểm di truyền” (genetic traits) như màu da, sợi tóc, cái mũi, lọai máu Rh – chưa biết cái nào do gene nào tạo ra – thì thay đổi hàng loạt, nên nhiều nhóm dân có nước da rất sậm cũng có tóc đen xoắn, mũi tẹt và đông người mang loại máu Ro. Nhưng dữ liệu khảo sát cho thấy rằng dù tính luôn một loạt những đặc điểm đó thì người châu Âu với người châu Âu cũng không giống nhau hơn người châu Âu với người châu Phi; riêng nhóm thổ dân châu Úc là dường như không giống ai.

Khác biệt giữa nhóm này với nhóm kia thì càng ngày càng giảm vì từ xưa tới nay, nay còn hơn xưa, người ta vẫn đều đều di cư từ nhóm này qua nhóm kia và người nhóm này vẫn đều đều lấy người nhóm kia làm vợ làm chồng. Cho nên, một kẻ tự cho mình thuộc về một “chủng” nào đó, theo đặc điểm hình dạng, hoặc được kẻ khác gán cho như vậy, thì có khi là con cháu của nhiều nhóm pha trộn hổng chừng.

Sẵn đây nói thêm, bạn biết 3 tỉ cái “DNA variant” làm cho hai người Việt không-có-bà-con khác nhau cái gì không? Khác nhiều lắm. Bạn có bao giờ thấy hai người Việt nào không-có-bà-con mà giống nhau cái mặt hay không? Gần như là không bao giờ. Bạn có bao giờ thấy hai người Việt nào không-có-bà-con mà giống nhau vân ngón tay hay không? Cũng gần như là không bao giờ. Ngay cả cái sọ cũng vậy. Xem lại bảng 2, chưa chắc hai người Việt nào không-có-bà-con mà giống nhau kiểu sọ.

Tại sao hiện trong xã hội Việt Nam ngày nay còn nhiều người tóc dợn sóng? Là vì họ là Mã Lai Lạc Việt không hề lai Tàu bao giờ cả...

Không phải vậy. Tóc dợn sóng hay tóc thẳng, bấy nhiêu đó không đủ để phân biệt nhóm người nào với nhóm người nào hết. Một người Việt có tóc dợn sóng và một người Việt có tóc thẳng, bởi vì hai người khác nhau 3 tỉ cái “DNA variant”, vậy thôi.

Trong một bàn tiệc 12 người, đặt một người Quảng Đông và một người Mân [Phước Kiến] ngồi chung với 10 người Việt Nam, cả 12 đều cao và bé hay gầy bằng nhau, ăn mặc giống nhau và đều làm thinh cả, chúng tôi sẽ chỉ đúng người Hoa gốc Tây Âu, người Hoa gốc Mân không thể sai chạy.

Nếu đúng vậy thì ta phục sát đất, song le, e rằng chuyện đó không ai làm được.

Ba anh chàng dưới đây (hình 8) là người Hán. Bạn thấy người Việt nào có cái mặt giống họ không? Thiếu gì. Vì sao? Vì như trên đã nói, chưa chắc người Hán khác người Việt hơn là người Hán khác người Hán, mà có khi ngược lại, người Hán giống người Việt hơn là người Hán giống người Hán.

(từ trái qua phải: Lý Tiểu Long, Địch Long, Tần Hán)

Hình 8

Tóm lại, nói rằng bạn và tôi, hai gã người Việt không-có-bà-con, thuộc về một cái “chủng” kêu bằng “cực bắc Mã Lai” hay gì gì đi nữa cũng không có nghĩa gì hết, bởi vì, xin nhắc lại, tôi với bạn khác nhau 3 tỉ cái “DNA variant”.

“MÃ LAI ĐỢT I”

...Cách đây lối 5000 năm, chủng Anh-Đô-Nê-Diêng, tức cổ Mã Lai, từ đâu không biết, và không biết vì lẽ gì, di cư đến Triều Tiên, đến Nhựt Bổn, đến Đài Loan, đến Cổ Việt và đến đảo Célèbes ở Nam Dương. Đồng thời họ cũng di cư sang Đông Ấn Độ rồi từ Đông Ấn Độ họ đi sang Đông Dương… Sọ của bọn cổ Mã Lai này cho thấy rằng họ có lai giống với một vài nhóm Mông Cổ...

Cách đây lối 2500 năm chủng cổ Mã Lai từ cực nam Hoa Nam đi thẳng xuống bán đảo Mã Lai Á, rồi từ đó sang Nam Dương quần đảo và từ Nam Dương sang Madagascar và Phi Luật Tân… Sọ của bọn sau, thuần chủng cổ Mã Lai, không có lai giống với nhóm Mông Cổ nào hết...

…bọn trước được đặt tên là Austro-asiatiques để phân biệt với bọn sau…

…tên bọn sau là Austronésiens…

...Trước khi làm chủ toàn cõi nước Tàu, chủng Cổ Mã Lai phát tích từ Tây Tạng chớ không phải phát tích tại nước Tàu, nói rõ hơn là phát tích tại chơn cao nguyên Tây Tạng.

... cả hai đợt di cư đều có ghé và có định cư tại Cổ Việt Nam…tổ tiên ta là hai ba đợt Mã Lai nhập lại với nhau…

Austroasiatic và Austronesian không phải tên của “bọn” nào mà là hai “ngữ hệ” (language family); Austroasiatic gồm 196 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt và tiếng Mường thuộc nhóm Vietic (hình 9).


Hình 9

Austronesian gồm 1257 thứ tiếng, trong đó có tiếng Mã Lai và tiếng Chàm thuộc nhóm Western Malayo-Polynesian (hình 10).


Hình 10

Thôi cứ coi “bọn Mã Lai đợt I” nói một thứ tiếng Austroasiatic và “bọn Mã Lai đợt II” nói một thứ tiếng Austronesian. Vậy chứng cớ của “bọn Mã Lai đợt I” là gì?

Tác giả cho đó là nhóm người kêu bằng “Khả lá vàng” bên kia biên giới Lào-Việt:

... họ sống lang thang, che chòi bằng nhành cây mà ở tạm nơi nào đó, đến chừng lá các nhánh cây vàng úa thì họ bỏ chòi mà đi...

Người “Khả lá vàng” nói tiếng Việt cổ sơ ... theo thứ bực tiến bộ ngôn ngữ thì như sau: (1) Việt, (2) Mường, (3) Khả văn minh, (4) Khả lá vàng...

...ông Fraisse không có đo sọ của họ và khẳng định của ông chỉ dựa vào việc quan sát sọ mà thôi. Ông bảo rằng sọ của người “Khả lá vàng” có tính cách brachycephalic, tức tính cách của sọ Mã Lai...

Họ không bao giờ tự xưng là “Khả” đâu. Mà họ tự xưng là “Alak”.

Ta xét một biểu đối chiếu danh từ “Khả” xem sao:

Chó = acho

Cá = aka

Vậy thì “Alak” hẳn phải là Lạc. Đích thị họ là Lạc Việt...

...Chúng tôi đã cho thấy rằng danh từ của các thứ dân ở Kontum và Pleiku như Ba-na, Sơ-đăng, là danh từ Việt cổ nhưng bị pha rất nhiều tiếng Miên...

...người Khả và người Sơ-đăng ở Kontum nói chuyện với nhau được...

Bảng 3. Những nhóm kêu bằng “Lá vàng” ở vùng Thái-Lào-Việt.

nơi ở

tên chánh thức

tên gọi

tiếng nói

Thái

Mlabri [11]

Phi Tong Luang

Khmuic

Lào

Mlabri

Kha Tong Luang

Khmuic

 

Aheu

Kha Tong Luang

Vietic

 

Mày

Kha Tong Luang

Vietic

Việt

Chứt

Xá lá vàng

Vietic

 

La-hu

Xá lá vàng

Tibeto-Burman

“Khả lá vàng” rõ ràng không phải Alak, một nhóm nói tiếng Bahnaric bên Lào (cũng như hai nhóm Ba-naSơ-đăng bên Việt Nam), 

mà dường như là những nhóm nói tiếng Vietic gồm có Arem, Maleng, Mày, Rục, Sáchgọi chung là Chứt.

Gạt qua bên cái chuyện tầm phào là người Chứt với người Việt có CE giống nhau hay khác, ta biết rằng tiếng Việt cũng là một thứ tiếng Vietic nên tất nhiên có nhiều từ ngữ giống tiếng Chứt; ngược dòng thời gian về lối ba ngàn năm trước tổ tiên của người Việt và người Chứt nói một thứ tiếng kêu bằng “proto-Vietic” coi như cái gốc của tiếng Việt và tiếng Chứt bây giờ, thí dụ [*ʔa-lɔːʔ] là gốc của lúa trong tiếng Việt và [alɔː] trong tiếng Chứt (bảng 4).

(Vietic còn mấy thứ tiếng nữa chớ không phải tiếng Việt và tiếng Chứt mà thôi, xem thêm phần 4.)

Bảng 4. Một số từ ngữ gốc proto-Vietic.


nghĩa (gloss)

Việt

Chứt

Mường

Proto-Vietic

one

một

mʊːc / môːc

mo:t

*moːc

two

hai

ha:l

hal

*haːr

three

ba

pa:

pa:

*paː

four

bốn

po:n

po:n

*poːnʔ

five

năm

dam

dam

*ɗam

paddy rice

lúa

alɑːʔ / alɔː

lɔː

*ʔa-lɔːʔ

husked rice

gạo

rəkóː / ŋkɔːʔ / təkoː

kaːw

*r-koːʔ

cooked rice

cơm

kəːm

kəːm

*kəːm

glutinous rice

nếp

deːp

deːp

*ɗeːp

rice husk

trấu

itʰiɛp / kəlaːp

raːp / tʰaːp

*k-luːʔ

bird

chim

ciːm

ciːm

*-ciːm / *ʔoːʔ

fish

akaː / akæːʔ

kaː

*ʔa-kaːʔ

dog

chó

acɑːʔ / acɔː

cɔː

*ʔa-cɔːʔ

buffalo

trâu

tariɛk / kluː / tluː

kluː / tluː

*c-luː

eat

ăn

ʔan

-

*?an

drink

uống

ɲùːʔ / ɲṵ́ː

ʔɔːŋ

*ɲuːʔ / *ʔɔːŋʔ

river

sông

jûːŋ

kʰoːŋ

*k-roːŋ

water

nước

daːk

daːk

*ɗaːk

flower

bông

pə̀al

poːŋ

*baːr / *poːŋ

fruit

trái

pəliː

tlaːj

pleːʔ / tleːʔ

leaf

la:

la:

*s-laːʔ

tree

cây

kəj

kəl

*gəl / *kəl 

cloud

mây

məl

maə / mən

*k-məl

rain

mưa

kumə̀a / kumᵊaː

mɨa

*k-maː

moon

trăng

pulᵊaːn

klaŋ

*b-laŋ / *p-lɔːŋ

star

sao

kumiːɲ

kʰaːw

*k-raːw / *k-ɓeː

he

hắn

-

-

*hanʔ

who

ai

-

ʔaːj

*ʔeː

Tóm lại:

  • nhóm người kêu bằng “Khả lá vàng” là người Chứt, không phải người Việt,
  • họ nói tiếng Chứt, có nhiều từ ngữ nghe giống tiếng Việt, nhưng không phải tiếng Việt, cũng không phải là “tiếng Việt cổ” từ đó “tiến lên” thành tiếng Việt.

Nhân tiện, gốc của Austroasiatic, từ đó tách ra Vietic, thì không phải ở tuốt đâu trên Himalaya mà cách Saigon có vài trăm cây số thôi (hình 11), theo Soren Wichmann [12].

Hình 11

“MÃ LAI ĐỢT II”

Còn chứng cớ của “bọn Mã Lai đợt II” là gì?

Đó là 175 trường hợp từ ngữ tiếng Việt được cho rằng giống tiếng Mã Lai, dưới đây nêu vài thí dụ:

...danh từ tangga là cái thang, cái nhà sàn ... là danh từ riêng của Mã Lai đợt II, danh từ của Mã Lai đợt I đã bị đánh mất rồi, hoặc ta không bao giờ có...

...danh từ đam của đợt I nay chỉ còn có vài tỉnh miền Trung là nói thôi còn cua... của đợt II tức Nam Dương, được toàn quốc ta dùng...

... Trong văn chương và ca dao ta, ta chỉ nói chơn mà không nói cẳng... Trong khi đó thì đợt II, Chàm và Nam Dương nói cẳng trời thay vì chơn trời... Còn giò là danh từ của thổ trước Mê-la-nê nên lại còn bị khinh rẻ hơn, thường dùng để chỉ chơn thú vật...

...hari (Mã Lai) biến thành ... trời...

 ...Có lẽ ta mượn tĩnh từ tarang để biến thành trắng, chớ tĩnh từ của đợt I thì là so...

...Thí dụ danh từ đỗ của ta mà ai cũng bảo là do Hán Việt đậu mà ra. Không có bằng chứng nào như thế hết mà còn có bằng chứng trái lại ... rằng cổ Mã Lai cho vay, Trung Hoa là con nợ...

...Danh từ cửa chắc chắn chỉ xuất hiện sau năm 1792, tức chỉ mới đây thôi... Sự thật thì cửa là tiếng Mã Lai kuala...

Rất tiếc không phải vậy.

Bảng 5. Những từ ngữ cho là “Mã Lai” nhưng thực ra có gốc proto-Vietic.

nghĩa (gloss)

Việt

Chứt

Mường

Proto-Vietic

stair

thang

latə̀a

maːn

*-ciːŋʔ / *k-maːn / *kr-ɟaːŋʔ/ *l-daːʔ

crab

đam

katəːm / katʌːm

-

*k-taːm

 

cua

-

kua

*kua

leg

cẳng

-

kaŋ

*kaŋʰ

giò

-

-

*-ɟɔː

chân

ciːŋ / cìɲ

cən

*ɟiːŋ / *ciɲ

sky

trời

pləːj / tləːj

pləːj / ʈəːj

*b-ləːj

white

trắng

-

-

*k-laŋʔ / *k-raːŋ

-

pəloɔ̀k / təkaːl

lɔːk

*t-kaːl / *t-lɔːk

bean

đỗ

doːʔ

daw

*duh / *duːʔ

door

cửa

-

kɨa

*kɨah

-

taməh

-

*t-məh

Chúng tôi đã chứng minh rằng Khả Lá Vàng là Việt tối cổ thì chúng tôi phải tin rằng Việt xưa cũng nói ai, thay vì tôi. Thật thế, ngày nay ta nói tôi, taotôi, tao chỉ là biến thể của ta, ta chỉ là kita của Mã Lai đợt II... Thế thì đại danh từ ngôi thứ nhứt của ta ở đâu? Nó phải là ai của Khả Lá Vàng và của Mạ, tức của nhiều nhóm Mã Lai đợt I, chứ không riêng gì của nước ta...

Có 2 đại danh từ ngôi thứ nhứt trong tiếng Việt (bảng 6):

  • tớ: gốc proto-Vietic,
  • tôi: không phải Vietic cũng chẳng phải Mã Lai, mà mượn của Katuic.

Trong khi đó, đại danh từ ngôi thứ nhứt trong proto-Bahnaric là [*ʔaj] hoặc [*ʔɨɲ] nhưng đó không phải tiếng Việt.

...Chữ bạn của ta, ai cũng cho là bạn hoặc bằng của Hán Việt mà ra, nhưng bác sĩ Reynaud lại bảo rằng ngữ căn m'bang của Mã Lai tràn ngập Đông Nam Á và có nghĩa là bầy, bọn, nhóm...

Bảng 6. Vài từ ngữ mượn của những thứ tiếng cùng ngữ hệ Austroasiatic.

nghĩa (gloss)

Việt

Chứt

Proto-Vietic

Proto-Katuic

Proto-Bahnaric

Mon-Khmer

I

tôi

-

-

*kɨɨ / *kəw / *ʔŋkɔʔ

*ʔaj / *ʔɨɲ

 

tớ

hoː 

*soː

-

-

 

you

mày, bây

-

-

*maj

*maj

 

old

già

-

-

-

*kraʔ

 

-

kamɐ̀k

*k-mək

-

-

 

gold

vàng

-

-

*ʄɛɛŋ

*jeːŋ

 

star

tua

-

-

*bntuor

*ptɔːr / *s(n)lɔŋ / *smaɲ

 

sweat

mồ hôi

pahuː

-

*bahoor

*brhaːl / *phoːr

 

nɨ̀k

*-nək

-

-

 

flame

lửa

-

-

-

*plaː

 

friend

bạn

pà̰ːn

-

*gnaa

*gjiəŋ / *ɟiəŋ

*cbaal / *cbal

bồ

-

-

-

-

*b[oo]ʔ

... đáng lý gì phải nói Việt ngữ tách khỏi Mã Lai ngữ đợt II không lâu lắm và riêng chúng tôi sẽ có bằng chứng là tới thế kỷ 17 ta vẫn còn dùng Mã Lai ngữ chưa biến dạng...

Nhưng ta được biết tiếng Việt [ở Đà Nẵng?] hồi thế kỷ 18 phần lớn đều có gốc proto-Vietic (bảng 7).

Bảng 7. Vài từ ngữ tiếng Việt hồi thế kỷ 18, trích John Barrow [13].

nghĩa (gloss)

Việt nay

Việt thế kỷ 18

gốc

earth

địa

dia

Sinitic

air

trời

bloei

Vietic

fire

hỏa

whoa

Sinitic

sea

bể

bae

Vietic

river

giang

jeang

Sinitic

mountain

núi

noui

Tai-Kadai*

sun

mặt trời**

mat bloei

Vietic

moon

trăng

blang

Vietic

star

sao

sao

Vietic

cloud

mây

moo

Vietic

thunder

sấm

sang

Vietic

lightning

chớp

choap

Vietic

wind

gió

jeo

Vietic

day

ngày

ngai

Vietic

night

đêm

teng

Vietic

house

nhà

da

Vietic

door

cửa

pan

Bahnaric

heaven

thiên

tien

Sinitic

east

đông

doo

Sinitic

west

tây

tai

Sinitic

south

nam

nang

Sinitic

north

bắc

pak

Sinitic

man

ông

ou

Vietic

woman

ba

Tai-Kadai*

stone

đá

ta

Vietic

gold

vàng

whang

Katuic/Bahnaric

one

một

mot

Vietic

two

hai

hai

Vietic

three

tam

teng

Sinitic

four

bốn

bon

Vietic

five

năm

lang

Vietic

six

lục

lak

Sinitic

seven

bảy

bai

Vietic

eight

tám

tang

Vietic

nine

chín

chin

Vietic

ten

thập

taap

Sinitic

I

tôi

tooi

Katuic

thou

bây

bay

Katuic/Bahnaric

he

no

Katuic?

* Ilya Peiros [14]

** đúng ra là “mắt trời”.

Bảng 7 chẳng cho thấy từ ngữ Việt nào gốc Mã Lai hết.

Võ Trung Định [15] cho biết ni, , nớ là 3 từ ngữ gốc Mã Lai (bảng 8).

Bảng 8. Vài từ ngữ tiếng Việt giống tiếng Mã Lai.

nghĩa (gloss)

Austroasiatic

Austronesian

Việt

Proto-Vietic

Mon-Khmer

Proto-Malayo-Polynesian

this

ni = này, nè

-

*ni?

*i-ni

that

tê = ấy

-

*t1iiʔ

*i-di

nớ = ấy

-

-

*i-na

moon

trăng

*b-laŋ / *p-lɔːŋ

 

*bulan

eye

mắt

*mat

 

*mata

Lý do có từ ngữ tiếng Việt giống tiếng Mã Lai, không phải vì người Việt là người Mã Lai, mà ắt vì:

  • Austroasiatic và Austronesian đều là hai nhánh của một nhóm lớn hơn (superfamily) kêu bằng “Austric”, theo John D. Bengtson et al [16] và Laurence A. Reid [17] [18],
  • Austroasiatic là một nhánh của Austronesian kêu bằng “Malayo-Polynesian” bị “biến dạng” (reflexified), theo George van Driem [19].

ĐÔNG SƠN

Chúng tôi đã chứng minh rằng đợt I, đợt Hùng Vương, cũng đã tự lực biết chế tạo trống đồng pha trước khi đợt sau tới...

...Trống thau ... Người ngoại quốc đưa tới chăng? Cũng không, vì ngoại quốc văn minh có tiếp xúc với Hùng Vương thuở đó chỉ có thể là người Tàu, mà người Tàu thì không có chế tạo trống thau...

Trống đồng Đông Sơn có khắp một vùng từ nam Trung Quốc qua đất liền Đông nam Á xuống tới Indonesia, theo Keiji Imamura [20]. Nghe nói ở Việt Nam đồng đã được khai thác từ thời xưa ở Lai Châu và ở đó cũng có di tích trống đồng nhưng thiếc thì mới khai thác ở Cao Bằng từ cuối thế kỷ XVIII, nên ta tự hỏi không biết người thời Đông Sơn lấy thiếc ở đâu ra trộn với đồng để có đồng điếu (bronze) dùng làm trống đồng?

Trong khi đó nơi có nhiều thiếc mà người xưa ở châu Á đã từng khai thác chính là một vùng chạy dài từ Vân Nam (Trung Quốc) ngang qua Thái xuống tới Malaysia; vậy phải chăng Vân Nam là nơi cung cấp nguyên liệu cho đồ đồng Đông Sơn?

Bronze drums, for instance, seem to have spread from Yunnan into Southeast Asia, because those unearthed in Yunnan were dated earlier than their Southeast Asian counterparts. Constituent analysis of these materials suggests that their metal was mined in Yunnan. Other archaeological findings such as beads and collard disc-rings support the ancient connections between these two areas, which are symbolized by the spread of bronze drums.

hay Thái Lan là nơi trước hết biết làm đồ đồng bởi vì ở đó vừa có nhiều đồng vừa có nhiều thiếc, theo Vincent C. Pigott et al [21]?

Ngoài ra, Joyce C. White et al [22] cho rằng cái kỹ thuật luyện đồng trong vùng thì đã hoàn chỉnh nhưng lại không có dấu vết gì cho thấy trước đó người trong vùng đã từng mầy mò làm thử, nên cái kỹ thuật đó ắt là của người ở nơi khác đem đến:

Because the evidence for the earliest bronze metallurgy in the region indicates that it appeared fully-developed, and no signs of an experimental period have been found, the scholarly consensus, despite occasional flashes of discussion, is that metallurgy—the system of manufacturing, distributing, and using metals and metal objects—was derived from elsewhere.

Đó là những người xưa mà di cốt còn để lại ở những cái “nghĩa địa” kêu bằng “Seima-Turbino phenomenon” tuốt trên miệt Siberia (hình 12).

Hình 12

Từ nơi đó, lối năm 2000 BC, họ đưa nghề luyện đồng qua “hành lang Cam Túc” (Gansu corridor) ngang Vân Nam xuống Thái Lan (hình 13).

Hình 13

For the purposes of developing a transmission model consistent with the technological and chronological evidence, we therefore hypothesize that metalworkers trained in the Seima–Turbino metallurgical system traveled along this western route c. 2000 BC, bypassing the Huanghe Central Plain. This model sees extremely rapid dispersal of metalworkers with Seima–Turbino training, not only to the west from the Altai to Finland, as has long been recognized, but to the south as well. These metalworkers presumably actively sought metal resources, so metal-rich Southeast Asia would be attractive. As their social ethos apparently facilitated long distance travel and their assimilation with other societies, they presumably trained locals in the fundamentals of their technology, and those locals may have carried it forward and possibly further afield.

The proposed route of communication from upper Eurasia to Yunnan along the eastern edge of the Himalayas, of great time depth, and bypassing the Huanghe Central Plain, is not a new idea. Watson (...) made similar observations more than 30 years ago. He also pointed out the similarities of the Hiamenko and Huanghe socketed axes to inner Asian and Siberian prototypes (...), and was impressed with the earlier presence of lost wax casting outside of the Huanghe Central Plain.

Although the rapidity and directness of the technological transmission from southern Siberia to the middle Mekong Basin may at first glance seem astonishing, the remarkable similarity of the early Southeast Asian metals to the Seima–Turbino technology and artifact repertoire argues that transmission was indeed both rapid and direct. The core Seima–Turbino and southern Siberian technological, and many typological, elements are all present—hollow-core casting of socketed implements in a single process, the artifact repertoire of deep-socketed adze–axes, socketed spear points with midrib, bangles, fishhooks and arrow heads, preference for tin–bronze with minimal post-casting treatment, bivalve molds with suspended cores, and lost wax casting. Not found are Seima–Turbino decorative elements and certain kinds of knives, but these aspects may have been filtered out (selected against) in Gansu, where many are also missing.

Charles Higham et al [23] thì cho rằng nghề luyện đồng truyền từ Bắc Á sang Đông Á rồi từ đây mới xuống nam Trung Quốc và Việt Nam (mũi tên màu đỏ trong hình 14).

...Results from other Neolithic sites, such as An Son in southern Vietnam, confirms initial occupation during the early second millennium BC, ending in about 1000 BC.

It was during the course of this Neolithic settlement of Southeast Asia that the Xia, Shang and Yangtze valley civilisations developed. Their bronze founders, under an original stimulus from the Qijia and Longshan cultures, experimented with new techniques such as piece-mould casting to produce festive and ritual items destined for the court elite. White and Hamilton (...) have difficulty in identifying how such a sophisticated and complex casting technology could have influenced the simpler Southeast Asian industry. Yet the Shang founders also cast tools, such as socketed axes, which did not find their way into royal graves. These court societies extended their exchange orbits into Neolithic Southeast Asia. In northern Vietnam, jade yazhang blades and ge axe halberds have been found in Neolithic Phung Nguyen culture burials. Again ... Shang and early Zhou bronzes reached southern Chinese sites. In return, the Shang leaders valued southern cowries and turtle shell, the latter to assist in divination rituals. It is suggested that it was within this proven context of contact and exchange that the knowledge of bronze founding reached southern China and further south.

Hình 14

Nói thêm, đám người Đông Á đó ắt cũng biết chế ra thứ nỏ bắn một lúc nhiều mũi tên (repeating crossbowđược cho là “nỏ thần” của An Dương Vương Thục Phán, theo truyền thuyết, mà di tích của những cái lẫy nỏ bằng đồng vẫn còn ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) xưa 2300 năm và ở Cổ Loa (Hà Nội). (Nếu bạn muốn tự tay làm một cái “nỏ thần” cho biết thì vô đây.)

Tóm lại, cái trống đồng nói lên điều gì? Nói rằng, dường như có những nhóm ở Đông Á lối 4000 năm trước đã xuống Đông nam Á góp “gene” tạo nên người Việt và người Thái bây giờ.

Nhân tiện, ở Phú Thọ có di tích văn hóa Phùng Nguyên của những người biết làm đồ gốmchôn người chếtchăn nuôi, làm nhà ở, trồng trọtbiết xài đồ ngọc (jade), và, lạ thay, có cả những cái “chương” (zhang) vốn là một trong 6 món đồ lễ của người Tàu xưa:

… Khi khai quật các di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên (từ 2000 đến 1500 năm trước công nguyên) các nhà sử học đã thu thập được những hiện vật rất lạ, lúc đầu chưa biết chúng là gì và nguồn gốc chúng từ đâu. Gần đây các nhà sử học Trung Quốc đã tiến hành khai quật các di chỉ thuộc thời Ân-Thương, họ cũng thu được những hiện vật được gọi tên là “nha chương”. Khi đưa các “nha chương” do chúng ta khai quật ở di chỉ Phùng Nguyên và so sánh với các nha chương tìm thấy ở Trung Quốc thì giống hệt nhau. Dùng phương pháp các-bon phóng xạ để kiểm tra niên đại các hiện vật được khai quật ở hai địa điểm khác nhau, cách xa nhau hàng ngàn cây số thì thấy chúng có cùng niên đại với nhau…

Những thứ đó

… có hình vừa như một thanh kiếm vừa như một lưỡi qua đá, gồm hai phần: đốc ngắn, lưỡi dài, được ngăn bằng mấu ngang như chắn tay kiếm vậy. Mũi nha chương không nhọn mà mài cong vát lệch. Theo sử cũ giải thích thì nha chương hay chương là một lễ khí chứ không phải là công cụ hay vũ khí bình thường... Nha chương phân bố rất rộng, ngoài Trung Quốc cổ đại thì phía tây đến gần giáp Trung Á, phía đông đến Triều Tiên, Nhật Bản, phía bắc đến vùng Nội Mông và phía nam đến miền bắc Việt Nam. Hiện tại, nha chương mới chỉ phát hiện được 2 tiêu bản ở địa điểm Phùng Nguyên và 6 tiêu bản ở xóm Rền, đều thuộc tỉnh Phú Thọ…

Phú Thọ ở kế bên Sơn La là nơi ngày nay tìm ra nguồn nephrite [để làm đồ ngọc], mà di tích đồ ngọc cũng có ở Sơn La, và nghe nói ở Hải Phòng có cả di tích của một cái “công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá có quy mô rất lớn” vậy đồ ngọc Phùng Nguyên hẳn là làm ra tại chỗ. Nhưng ta lưu ý rằng đồ ngọc, kể cả “chương”, cũng có ở những di tích thời neolithic (đá mới) bên xứ Tàu còn xưa hơn Phùng Nguyên, thí dụ Hemudu (5000 BC - 4500 BC), Majiabang (5000 BC - 3000 BC), Liangzhu (3400 BC - 2250 BC). Người thời Phùng Nguyên để lại di cốt ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), xóm Rền (Phú Thọ), Đình Tràng (Hà Nội), Nghĩa Lập (Vĩnh Phúc), Mán Bạc (Ninh Bình).

Nói thêm, chính ở Mán Bạc mà lần đầu tiên ta biết những người xưa dù suốt ngày bận bịu mò cá bắt thú, không có một cái muỗng, cũng có tình thương dành cho một đứa nhỏ bị liệt nửa người dưới, chăm sóc cho nó sống tới 10 tuổi và khi nó chết chôn cất nó đàng hoàng. (Bịnh của đứa nhỏ bây giờ kêu bằng Klippel-Feilsyndrome, bạn coi thêm câu chuyện ở đây, nếu muốn.)

Trình Năng Chung [24] cho rằng:

...Dầu sao, sự có mặt của những chiếc rìu bôn hình thang loại nhỏ ở Đại Hoa Thạch và đồ gốm có hoa văn khắc vạch chìm kết hợp chấm dải điểm kiểu Phùng Nguyên ở Đại Đôn Tử cũng cho ta thấy giữa văn hoá Phùng Nguyên và miền đất Vân Nam có mối quan hệ nào đó.

Diệp Kính Hoa [25] thì cho rằng những cái “chương” tìm thấy ở những di tích kiểu Phùng Nguyên ắt là được đem từ bên ngoài đến đồng bằng sông Hồng theo hướng tây bắc - đông nam:

...The zhangs found at the sites probably belong to a group of families who went from the North West to the South East to invade the delta.

Q. Zhang et al [26] cho rằng ở đồng bằng sông Dương Tử (Trung Quốc) đã có 5 lần nước biển dâng làm sụp đổ 4 nền văn hóa lần lượt là Majiabang, Songze, Liangzhu và Maqiao (5 thanh màu xám a, b, c, d, e trong hình 15).

Hình 15

Như vậy, một nhóm người ở Maqiao cách nay 3000 năm di cư xuống Bắc Việt, để lại di tích Phùng Nguyên và góp “gene” tạo nên người Việt, đó chẳng phải là chuyện không thể xảy ra.

LÀNG CƯỜM

Trong việc khảo về tiền sử ở Việt Nam, các nhà bác học đã tìm thấy chứng tích chủng cổ Mã Lai sống chung với chủng Mê-la-nê và chủng Négrito ở nhiều hang động, nhứt là Làng Cườm (cổ 5 ngàn năm)...

... hang Làng Cườm cho thấy trong sáu cái sọ Mã Lai chỉ có một cái là có lai với Mông-gô-lích còn năm cái khác thì thuần chủng Mã Lai...

Thực ra, theo Fabrice Demeter [27], có 3 kiểu sọ ở những di tích Đông Á và Đông nam Á (bảng 9) nhưng chẳng phải sọ Mã Lai hay Mông Cổ gì hết.

Bảng 9. Ba kiểu sọ xưa ở Đông Á và Đông nam Á.

kiểu sọ

mẫu sọ

nơi

date (BP)

C1

Samrong Sen

Miên

1200

C1

Đông Thước, Thanh Hóa, Bình Gia

Việt

neolithic

C3

Jinchuan

Trung Quốc

neolithic

C2

Tam Nang An

Lào

neolithic

C2

Tam Pong

Lào

5380±60

C1, C2

Ban Kao

Thái

6000

C1, C2

Làng Cườm

Việt

6440±50

C1

Wadjak

Indonesia

7000

C1

Bình Gia

Việt

7470±50

C1

Cầu Giát

Việt

7250±50

C2

Mái đá Điều

Việt

8200±70

C1

Mái đá Nước

Việt

8200±70

C1

Đồng Căn

Việt

11600±90

C2

Tam Hang

Lào

15740±80

C1, C2

Minatogawa

Nhựt

18250±650

C1, C2

Upper Cave

Trung Quốc

33000

C3

Zhiyang

Trung Quốc

37400±3000

C1

Liujang

Trung Quốc

67500±5000

Không tính kiểu sọ C3 chỉ có bên Trung Quốc, hai kiểu sọ C1 và C2 đều có khắp Đông Á và Đông nam Á, riêng ở Làng Cườm C1 và C2 còn chung chỗ. Suy ra ở cái vùng bao la đó hơn 60 ngàn năm qua có hai nhóm người:

  1. nhóm C1 gốc ở Liujang (Quảng Tây, Trung Quốc) hơn 60 ngàn năm trước, di cư lên Nhựt và xuống Đông nam Á, cho tới gần đây (năm 1200) vẫn còn sống.
  2. nhóm C2 gốc ở Tam Hang (Lào) hơn 30 ngàn năm trước, di cư sang Việt Nam và lên tới Upper Cave (Bắc Kinh, Trung Quốc).

Hai nhóm đó từng ở chung với nhau như chứng cớ ở Làng Cườm và Ban Kao cho thấy; tiếc là không có so sánh hai kiểu sọ C1 và C2 với sọ của người Việt và người Thái ngày nay, nên không biết có phải người Việt và người Thái ngày nay là dòng dõi của riêng nhóm nào, hay của cả hai nhóm gộp lại.

NGƯỜI VIỆT “THUẦN KHIẾT”

...Xin nhắc lại rằng khoa khảo tiền sử cho biết rằng cách đây 2500 năm chủng cổ Mã Lai đợt II đã từ Hoa Nam di cư đến Cổ Việt thì thuần chủng Mã Lai không có ... lai Tàu.

Còn xưa hơn, cách đây 5000 năm bọn cổ Mã Lai đợt I di cư đến Cổ Việt thì lại có lai với một chủng Mông-gô-lích ... nhưng chúng ta ... quả quyết rằng chỉ lai với Mông Cổ mà thôi...

...Chủng Mông-gô-lích chỉ đưa được vào chủng Mã Lai Việt có một yếu tố độc nhứt mà thôi, đó là tánh cách “thẳng” của tóc chớ còn màu da thì hoàn toàn không...

...tánh cách thẳng của tóc chỉ là dấu hiệu bề ngoài, chỉ số sọ, tánh cách brachycéphale và máu mới là yếu tố chánh, mà máu và sọ của ta là sọ và máu của Mã Lai.

...Nhưng sau Mã Viện thì đành phải chịu hợp chủng ... thật ra, nó chỉ là cuộc hợp chủng thứ nhứt giữa người Trung Hoa và tổ tiên trực tiếp của ta là người Lạc Việt ... không hề đưa yếu tố Hoa vào chủng Việt một cách đáng kể...

Eran Elhaik et al [28] khảo sát số liệu của hơn 100 ngàn cái “single nucleotide polymorphism” gọi là “ancestral informative markers” ở nhiều nhóm người, thì được kết quả như hình 16, trong đó mỗi người là một đường thẳng đứng gồm vài đoạn có màu khác nhau dài ngắn khác nhau tương ứng với lượng gene của 9 “nhóm tổ” (ancestral population) góp vô nhiều hay ít.

Hình 16

Ta thấy nhóm Kinh (Việt) mang “gene” của 2 “nhóm tổ” là Bắc Á (màu nâu) và Ấn (màu xanh lam) với tỷ lệ chừng 60/40.

Jinchuan Xing et al [29] khảo sát dữ liệu gần 250 ngàn cái “single nucleotide polymorphism” trên 850 người ở 40 nhóm người và cho kết quả như hình 17.

Hình 17

Ta thấy nhóm Việt mang “gene” của 2 nhóm Đông nam Á (màu nâu) và Bắc Á (màu xanh lam lợt) với tỷ lệ chừng 70/27, còn lại là của Ấn (màu xanh lục đậm).

Đàng khác, những biến thể không-đo-được ở răng (non-metric dental variants) thì không đổi từ đời này sang đời nọ (influenced by hereditary factors), theo Carrie Springs Pacelli et al [30]. Hirofumi Matsumura et al [31] khảo sát dữ liệu 21 đặc điểm không-đo-được ở răng (non-metric dental traits) của 7247 mẫu sọ của 58 nhóm người xưa và nay thì được kết quả như hình 18.

Hình 18

Hình 18 cho thấy 2 kiểu răng khác nhau:

  1. “Sinodont”, trong đó có nhóm Việt thời đồ đồng (Mán Bạc, Đông Sơn),
  2. “Sundadont”, trong đó có nhóm Việt thời đồ đá (Early Vietnam and Laos),

và một kiểu răng “lừng chừng” không phải Sinodont cũng không phải Sundadont, trong đó có nhóm Việt thời đồ sắt và nhóm Việt thời nay.

Hình 18 cũng cho thấy 3 nhóm thời đồ đồng ở Trung Quốc (Anyang, Jundushan và Jiangnan) thì có cùng kiểu răng Sinodont với 2 nhóm thời đồ đồng ở Việt Nam (Mán Bạc, Đông Sơn).

Từ đó suy ra một câu chuyện với hai hồi:

  1. những nhóm thời đồ đồng ở đông nam Trung quốc, thí dụ Anyang (Thương Ân, 1500 BCE), Jiangnan (Đông Châu, 770 BCE), Jundushan (Xuân Thu, 500 BCE), đã di cư sang bắc Việt Nam rồi trở thành những nhóm Mán Bạc, Đông Sơn.
  2. những nhóm Mán Bạc, Đông Sơn đã pha trộnvới những nhóm bản xứ, thí dụ Mái đá Nước, rồi trở thành nhóm Việt thời đồ sắt (An Sơn) và nhóm Việt thời nay.

It is clear that Southeast Asian genetic heterogeneity can more parsimoniously be seen as a result of differential genetic input from East/Northeast Asian population flows into the region on the back of agriculturally driven demic expansion. Moreover, this study clearly shows a great deal of shared genetic heritage, assessed by way of nonmetric dental traits, between East Asian and Southeast Asian populations.

Yukio Dodo [32] khảo sát dữ liệu 22 đặc điểm không-đo-được (non-metric traits) trên sọ của những nhóm người xưa và nay, thì được kết quả như hình 19, theo đó nhóm Mán Bạc có kiểu sọ giống với nhóm Weidun (Trung Quốc) và những nhóm Đông nam Á ngày nay.  

Hình 19

KẾT LUẬN

Ở trên, ta đã “update” mấy ý chánh trong giả thuyết “nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” theo những hiểu biết thời nay, và đi tới kết luận như sau:

  1. không có “chủng Mã Lai” nào hết.
  2. nhóm Việt thời nay là pha trộn giữa vài nhóm, trong đó  2 nhóm góp vô nhiều “gene” hơn hết là:
  • một nhóm ở Đông bắc Á thời đồ đồng,
  • một nhóm bản xứ, có thể là gốc Ấn (hình 16), có thể là gốc Đông nam Á (hình 17). 
NOTES:

[1] Heredity, Environment, and Cranial Form: A Reanalysis of Boas’s Immigrant Data
[2] Boas’s Changes in Bodily Form: The Immigrant Study, Cranial Plasticity, and Boas’s Physical Anthropology
[3] Genetic Structure of Human Populations
[4] The Genetic Structure of Human Populations Studied Through Short Insertion-Deletion Polymorphisms
[5] Worldwide Human Relationships Inferred from Genome-Wide Patterns of Variation
[6] Genes, peoples, and languages
[7] The Races of Man - An Outline of Anthropology and Ethnography
[8] Apportionment of Global Human Genetic Diversity Based on Craniometrics and Skin Color
[9] Genetic Similarities Within and Between Human Populations
[10] Confusions About Human Races
[11] Genetic evidence supports linguistic affinity of Mlabri - a hunter-gatherer group in Thailand
[12] Homelands of the world’s language families: A quantitative approach
[13] A voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793
[14] Zhuang-Tai etymology
[15] Thử đi tìm nguồn gốc của một số phương ngữ Trung bộ
[16] Ainu and Austric: Evidence of Genetic Relationship
[17] Morphological Evidence for Austric
[18] New languistic evidence for the Austric hypothesis
[19] Four Austric theories
[20] The distribution of bronze drums of the Heger I and pre-I types: temporal changes and historical background
[21] On the origins of metallurgy in prehistoric Southeast Asia: the view from Thailand
[22] The Transmission of Early Bronze Technology to Thailand: New Perspectives
[23] Cutting a Gordian Knot: the Bronze Age of Southeast Asia: origins, timing and impact
[24] Mối quan hệ văn hóa giai đoạn hậu kỳ đá mới giữa bắc Việt Nam và nam Trung Quốc
[25] New Findings on Zhang in the Phung Nguyen Culture
[26] Environmental change and its impacts on human settlement in the Yangtze Delta, P.R. China
[27] New perspectives on the peopling of Southeast and East Asia during the late upper Pleistocene
[28] Geographic population structure analysis of worldwide human populations infers their biogeographical origins
[29] Toward a more Uniform Sampling of Human Genetic Diversity: A Survey of Worldwide Populations by High-density Genotyping
[30] Evaluation of dental non-metric traits in a medieval population from Ibiza (Spain)
[31] Demographic Transitions and Migration in Prehistoric East/Southeast Asia Through the Lens of Nonmetric Dental Traits
[32] Qualitative Cranio-Morphology at Man Bac

 

05-Jul-2015
Đ.N.Giao
Commentaires
Anonyme
Commenter
Annuler
Vous n'êtes pas autorisé à ajouter des commentaires.