Laiquangnam giới thiệu
Cẩm Sắt
錦 瑟

Lý Thương Ẩn, 李商隠
Nguyễn Du, Việt Nam
qua bài Cẩm Sắt

Phần B  

Phần A
Phần B
Phần C
Phần này gồm 8 phần nhỏ.

I. Phần này laiquangnam bắt tay vào phân tích tâm trạng nàng Kiều vào khúc đàn cuối, bởi sau khi Kim Trọng và Vương Thuý Kiều biết thế nào là "ôm ấp thật sự" liệu nàng Kiều có còn muốn đi tu không?.(1). Ta chưa hiểu Kiều ngổn ngang tâm sự đến mức nào cho dù thời trung học, anh em mình cũng đã học Kiều hơi kỹ để vượt ải Trung học đệ nhất cấp và tú tài I. Ai tài hoa xin làm ơn viết đoạn " bi kịch nội tâm này " gởi cho laiquangnam đọc với. 

"Nỗi lòng biết tỏ cùng ai, Khúc đau đứt ruột ám hoài tim ta ..." ( Lẫy Kiều )

Cẩm sắt tại phần một, bạn đã đọc và đã được một chút thư giãn vì lối dẫn giải rất ư là tài tử và một bản dịch thất ngôn rất là tào lao của laiquangnam. Tại sao bạn lại không để lại lời mắng hắn? Hắn đáng bị mắng bởi các từ công cụ rất quan trọng nhưng lại không phải là từ mượt mà dành cho thi ca tỉ như "vô đoan, thử, thì." Vô đoan là bỗng nhiên, khi không, nay không thấy xuất hiện trong bản dịch sang thơ Quốc âm của hắn. Đó là các từ rất quan trọng, từ khoá, hay mắt thơ. Chính từ "vô đoan, thử, thì " này sẽ giúp Bạn Hiền hiểu đoạn Kim Kiều tái hợp vô cùng xuất sắc của Nguyễn Du sau này.

Laiquangnam cho rằng đoạn Kim Kiều tái hợp, trong khúc đàn cuối mà tiên sinh Nguyễn Du mô tả, đó là một đoạn có diễn biến nội tâm rất xuất sắc của Kiều.

"Xin lỗi Tiên sinh, con không đủ đẳng cấp để khen Tiên sinh, nhưng mà con không nói ra thì các thế hệ em con sẽ không quan tâm tìm đọc 200 câu thơ cuối trong Đoạn Trường Tân Thanh (Kiều) từ câu 3007 đến câu 3234 của Người". **

Dòng Thơ Đường của Lý Thương Ẩn thuộc loại "cao cấp " bởi vì ông đã thi ba lần mới đậu tiến sĩ. Lý Thương Ẩn thuộc về cả hai trường phái Nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật. Đó là là hai trường phái đối kháng nhau. Phái Lý coi ông như con, họ đã dẫn dắt ông lúc ông chưa có gì và Phái Ngưu lúc này ông đã lận lưng được cái bằng tiến sĩ do sự giúp đỡ của phái Lý, và ông về làm rể phái này, ông thân cư thê từ đây. Đó là chuyện của văn học sử.

Lý Thương Ẩn sau khi đậu tiến sĩ ông còn theo học lớp " hậu tiến sĩ"; lớp này dạy cách cho người theo học viết biểu và tấu. Kiến văn của những người này vô cùng thâm hậu. Thâm hậu để đá giò lái nhau, bởi lính tôi viết bài biểu mà các quan anh "đếch hiểu " thế không là thú sao. Tàu mà xỏ lá thì hết biết. Ông là người phụ trách viết biểu tấu chuyên nghiệp, báo tâu về triều đình hay dâng lên quan tướng quốc, thế nên ngôn từ của ông dùng nhiều điển từ và điển tích.

Gia Long bổ nhiệm Nguyễn Du vào chức quan văn thuộc bộ Lễ, Lý Thương Ẩn là người tốt nhất mà Nguyễn Du có thể học tập ngôn từ cùng cách viết. Nguyễn Du đã biết cách để đi ngang về tắt, chính vì thế mà Gia Long thăng chức cho tiên sinh vù vù. Lý do nào để Nguyễn Du xử dụng đến hai lần thơ của Lý Thương Ẩn, một ngoại lệ trong Kiều. Lần thứ nhất cho chàng Thúc sinh dùng câu " con tằm đến thác vẫn còn vương tơ " bài Vô Đề IV, và lần này Kiều nắn gân Kim Trọng, một viên tân quan - không chừng Kim Trọng đã có tiến sĩ -  với bài Cẩm Sắt rất khó chịu.

Lý Thương Ẩn thường viết thơ thất ngôn bát cú đa sắc, đầy ẩn dụ, cả dòng vô đề và dòng hữu đề nên khiến cho quý vị dịch thơ " đôi khi ú ớ ". Bạn thử vào Google search sẽ thấy rât hiếm người dịch bài này. Đa phần các bản dịch đều là dân viết biên khảo hay sách giáo khoa nên buộc họ họ phải đối mặt với bài này để có mà dạy cho sinh viên mình. Lý ra người dịch hay giới thiệu phải dẫn ra cho được tại sao Nguyễn Du lại cố tình cho nàng Kiều đánh đàn vào lúc tái hợp Kim Kiều để làm giàu cho văn học nước nhà; thế mà Họ lại né bằng cách thay vì làm như thế, họ lại đội Hán thái quá, họ cho chúng ta đọc một bài văn học sử thời Tàn Đường và tiểu sử của Lý Thương Ẩn cùng với chi tiết đại bịa về cây đàn Sắt* quý giá, Cẩm sắt. Sắt này tiếng Tàu. Sắt là một loại đàn của Tàu. Sắt Việt ngữ là thứ kim loại, Tàu viết là thiết. Họ viết lời dẫn miên man chiếm đến 70-80 % bài viết, qua Google search bạn đọc thử, phí giờ. Bạn thử tưởng tượng 50 dây, mỗi hai dây có khoảng cách một cm thì đã có 49 khoảng có nghĩa là 49 cm cộng với hai biên cho 5 cm nữa vị chi cây đàn rộng hơn nữa mét. Ngày xưa kỹ thuật đúc sắt thô sơ, cây đàn như thế có thể nặng đến mức cả anh và tôi cùng hè nhau bưng chưa chắc nhắc nổi, thế nên lời bàn rằng sách này sách kia rõ ràng đại xạo. Ba Tàu là chúa xạo về điển tích, xạo vừa vừa để cho người đọc còn thở, còn tin chớ xạo quá ai chịu cho nỗi. Đàn Sắt 50 dây chỉ là một khái niệm ẩn dụ. Thôi bỏ qua chuyện bịa nầy đi .

Quay lại câu đầu, Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền, Đàn sắt (cẩm sắt) bỗng nhiên lại có đến 50 dây. Đó là chuyện bất thường, vô đoan là vậy, như mình đây, nàng Kiều, sao lại có quá nhiều cuộc tình đến như vậy. Sướng ích gì. "Tư ếch" Kim Trọng phải hiểu rằng Nàng Kiều " bỗng dưng" lại biết và đã sex với biết bao nhiêu người đàn ông, lý ra chỉ mỗi Kim Trọng như dự tính mà thôi. Xưa nay anh Kim Trọng thuộc dạng "tư ếch đi Saigon" nên anh làm sao hiểu được nàng Kiều đã ẩn dụ như thế nào. Đó là nét độc đáo khi mà Nguyễn Du dùng điển từ, viết lại theo ý mình cả 4 câu giữa của một bài thất ngôn bát cú của người ta. Xưa nay tiên sinh chưa từng với ai như thế bao giờ.

Nguyễn Du thừa biết hai câu cuối của bài thất ngôn bát cú luôn là hai câu hay nhất. Với các cao thủ thì không phải là các câu "chơi chữ " ở các cặp (3,4 ) và (5,6 ) là mắt thơ, bởi đây là đoạn gia công cần thời gian, trong khi hai câu cuối thì thuộc về thi tài, công phu là của nghệ nhân (Đỗ Phủ), câu kết là của người nghệ sĩ (Lý Bạch). Cũng như dòng tứ tuyệt hay tuyệt cú, câu thơ hay nhất luôn là câu cuối cùng, đây là câu tự nhiên để tiếng lòng "thoát ra " và mang tinh nhân loại, càng có tính nhân loại càng "xuất sắc ". Tính nhân loại là tính người được mọi người chia sẻ và đồng tình. Tiên sinh dùng thủ thuật "mình không nói ra nhưng bài thơ nguyên tác đã nói ra dùm mình". Người đọc thơ mình phải hiểu "ý mình muốn nói gì ". Hóm hỉnh và dễ yêu. Ở hạng " thấp thủ" thì dòng thất ngôn bát cú được dùng trong việc "xướng hoạ thơ Đường vào ngày Nguyên Tiêu", các "cụ" cố rót công phu vào hai cặp (3,4) và ( 5,6), tôi tạm gọi là "dòng thơ ĐườngThạch Chè Hiển Khánh" mà bản doanh trước 75 nằm ở cuối đường Phan Đình Phùng của SG xưa. Hiển Khánh bán thạch chè. Thơ Đường của tôi, Hiển Khánh, công phu như thế thì thạch chè của tôi càng công phu hơn. Tại Việt Nam hiện nay sau 75, có hội thơ Đường UNESCO mà hội viên đa phần là các "thầy hưu trí". Thơ Đường thất ngôn bát cú ngày nay được các giới kinh doanh quảng cáo chuộng (giáo sư NHQ đã có nhận xét như thế) và dùng thơ Đường để tặng cho nhau, đó là cách chửi của thế kỷ 21 mà ta đã thấy trên mạng internet. Dĩ nhiên ta phải trừ dòng thơ Đường cổ của tiền nhân ta hay của những người làm công tác văn học, dịch thuật buộc họ phải làm.

Nguyễn Du nào có nhắc 2 câu đầu,

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên .

và hai câu cuối đâu

Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.

nhưng bạn đã đọc của tôi (Nguyễn Du ) đến 3000 câu thì làm ơn phải hiểu rằng tôi biết bạn đã đọc toàn văn của Lý Thương Ẩn rồi. Nguyễn Du tiên sinh đã khéo đến mức nào, tiên sinh không nói hết ra nhưng nếu ta không hiểu nó tồn tại thì ắt ta không đến đích. Ví dụ dấu không, tuy không viết ra như sắc huyền ...nhưng ai cũng hiểu rằng nó tồn tại. Vậy mà Đoạn Trường Tân Thanh (Kiều) tại hai câu cuối Nguyễn Du viết như vầy :

Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh "

Nghe như thiệt, còn lâu! ,
Thật ra là ....
==> Lời quê góp chặt dị thanh .
Mua vui ? Thức trắng tàn canh, Sói đầu!.

Hiểu được người xưa có khi sói đầu, ở đó mà "lời quê " như các Vòi Hán dùng nó để tranh luận cùng chúng ta rằng chính Nguyễn Du đã thừa nhận như thế mà để dìm văn học của dân Đại Việt xuống.

Vì sao lại sói đầu?
=>
Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình!
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ-Quyên?
Trong sao châu rõ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông. ( Kiều)

Từ 4 câu Nguyên tác của Lý Thương Ẩn .

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên (Lý Thương Ẩn)

Laiquangnam đã mượn lời giảng của giáo sư ĐH Vĩnh Sinh trong phần I để giảng lại ý niệm "tan và tụ"," hết và còn", cái đó mới chỉ là "gãi gãi " sơ sơ cho đỡ ngứa mà thôi. Bạn hiền có khi nào bạn để ý tiên sinh Nguyễn Du dùng ngôn ngữ Việt như thế nào? Thử đọc lại lần nữa đi, tiếng Việt coi vậy mà không phải vậy. 

II. ĐIỂN TÍCH TRUYỆN KIỀU, NXB Ðồng Tháp lược ghi :

"Qua lời yêu cầu tha thiết của Kim Trọng và "hai thân cũng quyết theo một bài"... Kiều đành phải chấp thuận, và cả hai làm lễ động phòng. Nhưng rồi cũng trong đêm động phòng "bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa", Kiều lại tủi thẹn, than thở phận mình, khiến chàng Kim phải an ủi "lọ là chăn gối mới ra sắt cầm", nên chuyển sang xin Kiều cho mình thưởng thức ngón đàn ngày xưa. Kiều vâng lời "phím đàn dìu dặt tay tiên" với:

Khúc đâu đầm ấm dương hoà,
ẤY là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
ẤY hồn Thục Ðế hay mình Ðỗ quyên?
Trong sao châu rỏ duềnh quyên?
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông"

(câu 3199 đến 3204) * (THEO ĐIỂN TÍCH TRUYỆN Kiều, NXB Ðồng Tháp)

Câu "Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh?"

Ấy là ai?, là tôi "tôi / I" hay Ấy là You, là ...là; You ngày nay nên được chấp nhận trong ngôn ngữ Việt bởi You là một từ mà Việt ngữ đang cần. Việt ngữ chúng ta ngôi thứ hai phức tạp quá. You là xong chuyện. Khỏi anh tôi, bạn tôi, cô chị phiền quá!. Hồ Điệp? hay là Trang Sinh?, Kim Trọng à! You phải xác định You là Hồ Điệp thảnh thơi chập chờn hạnh phúc hay You là Trang Sinh, mà Trang Sinh vào thời điểm nào mới được, hay chỉ là anh Trang Sinh đang nằm mơ lúc vào tản sáng mà thôi. Nguyễn Du viết " đơn giản như là đang giỡn". "Ông Già" Nguyễn Du rất hóm hỉnh. KimTrọng chàng ơi, chàng có hiểu rằng "Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp". "Hiểu mộng" đấy nhé. Hiểu là buổi sáng sớm, lúc này thời gian ngắn lắm đấy, lúc này đã tàn giấc ngủ rồi. "Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp". Hiểu Việt ngữ là biết rõ "mộng" ấy thực sự là gì, Mộng "mêhồđiệp". Thật ra Trang Sinh đang ghen và tiếc nuối do tuổi đời chênh lệch, vợ mình đẹp quá mà, trẻ quá mà. Chết phí. Nên nghĩ ông đã viết câu chuyện huyền thoại. Giấc Mộng là điều quỷ ám vào tâm mình khiến mình trằn trọc không sao ngủ được. Câu Kiều này "Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh?" là như thế. Người xưa thật kinh. Không nói ra, tuy anh là tân quan tiến sĩ Kim Trọng, anh phải hiểu là như thế không khác được.

Rồi đến câu Việt ngữ, "Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ-Quyên?", Ấy hồn .... , ấy tính từ chỉ định, hay Ấy là you. Ấy hồn là you,hay là hồn ai?, Và mình là tôi, hay là "mình ", mình là chính you. Mới từng ấy đã đủ điên rồi. Kim Trọng chắc điếc quá. Đã nói Kim Trọng thuộc dạng "tư ếch đi Saigon" nên ta thông cảm cho anh, đâu sao. Nàng Kiều sau 15 năm bầm dập nay đã cáo lắm rồi . Nàng Kiều chơi luôn Ấy hồn Thục Đế ? hay mình Đỗ-Quyên?. Hồn Thục Đế ? hay mình Đỗ-Quyên, rất kỳ. Hồn và mình là hai phần của thân xác không chừng. Gác lại.
 
Câu chuyện Thục Đế

Câu chuyện Tàu, Đỗ Quyên-Đỗ Vũ

Đỗ Vũ là vua nước Thục. Miết Linh là quan tướng quốc Thục, y có người vợ rất đẹp. Nhà vua bị người đàn bà đẹp hớp hồn, bà đẹp không những vì đẹp trời cho khuôn mặt mà còn do vì son phấn y trang, ngôn ngữ cũng như cách giao tế. Đàn bà đep đã có chồng xưa nay mới hút hồn đàn ông trồng trộng tuổi như Thục đế. Gái mới lớn chỉ có ngoại hình là đẹp thôi còn các nét kia đều khó hấp dẫn mấy cụ này. Mấy gã già dịch mới mơ gái dưới 20 chênh tuổi với mình, dạng mê gái chứ không phải là dạng chiêm ngưỡng nhan sắc người phụ nữ như đám có quyền hành kia. Đỗ Vũ là tay sành điệu, ông có tam cung lục viện gái trinh thiếu gì. Vua Tàu mà. Chắc chắn tam cung lục viện thiếu "dạng" quý bà như vợ Miết Linh. Cơ hội đến, nước Thục bị lũ lụt, Đỗ Vũ giao cho tướng quốc Miết Linh đi giải quyết. Ở nhà, ông vua này cù riết cũng thắng lợi. Miết Linh xong việc, về nghe thuật lại chuyên nhà, nổi ghen đòi giết vua với binh quyền đang có trong tay. Bà Vợ nghe rét quá, bà khuyên ông hãy từ từ coi chừng bị tru di tam tộc. Miết Linh cho phải. Bà khuyên hãy giả đò không nghe, không biết, không thấy. Và đừng nổi điên để rách việc, mọi sự bà sẽ tính. Bây giờ đã lỡ. Rằng tôi chút phận đàn bà. Bà nói cho đỡ quê. Ông có muốn như xưa e cũng không được, vả lại ông cần ôm tôi lúc nào mà chả được. Miết Linh mềm lòng. Bà Vợ đem hết tài "hèn" thổi vào vua, thuyết phục Đỗ Vũ hãy truyền ngôi báu cho Miết Linh thì y sẽ làm thinh và danh dự nhà vua được bảo toàn. Điều cần là thiếp muốn luôn được hầu hạ Bệ Hạ, trọn đời phục vụ và chăm sóc ngài. Mờ mắt, khi Miết Linh thề giữ kín và cấp đủ các quyền lợi cho hai người. OK. Vua dẫn vợ người ta vào rừng từ nay yên tâm hú hí. Nhà vua nói trớ với quần thần rằng ông muốn tu thiền, bởi đời người ngắn ngủi quá. Nay ông mới ngộ được điều như thế. Nước của tiên nhân! Các quan nài nỉ, kệ mẹ nó, nhà vua nghĩ. Ông phải sướng trước cái đã. Miết Linh tuy mất vợ nhưng được ngôi báu và có được cả tam cung lục viện. Vợ Miết Linh là người hớp hồn Vọng Đế nhưng không hớp hồn Miết Linh. Sợ cây kim trong bọc, sợ nhà vua sẽ đổi ý, sinh loạn, bởi các trung thần sẽ tìm đến thăm, xúi dại. Miết linh vội cắt bỏ lời cam kết. Nhà vua đói và chết. Thục Đế lúc lâm chung ngộ ra điều khôn dại, hồn không thoát. Không biết trời xui đất khiến gì mà sau khi lụt dứt, có loài chim kêu "kì quấc!, kì quấc!" xuất hiện nhiều trong các bụi rậm tại các vùng lấp xấp nước, họ bèn gọi loài chim mới này là Đỗ Quyên, tên tục của Thục Đế, cho rằng ứng với tiếng kêu thương nhớ nước của ông. Đúng là Thục Đế " sướng con ....mù con mắt". Thật ra, ông nghĩ mình dại khờ khi đổi chác cùng Miết Linh nên ông kêu "kỳ quá! kỳ quá!" chứ Kỳ Quấc cái cóc xì gì. Kim Trọng chàng ơi, hồn chàng đang ở đâu? trước hay sau khi được sex với vợ người. Đó mới là phần Việt ngữ bề nổi và bề chìm là câu nguyên tác "Vọng đế xuân tâm thác Đỗ Quyên ". Xuân tâm là sức xuân hừng hực trong lòng Vọng Đế. "thác" là gởi vào, Việt ngữ có từ ký thác. Gởi vào "Đỗ Quyên " . ==> hay mình Đỗ-Quyên. Khó trả lời vô cùng cho Kim Trọng và cho cả người đọc. Đọc đoạn Kiều bạn đọc cho kỹ , "ấy mình Thục Đế hay là Đỗ Quyên", thì bạn thử đoán xem KimTrọng lúc nghe tiếng đàn thì muốn mình rơi vào thời điểm nào?. Thục Đế lúc mà Miết Linh dẫn lính đi trị thuỷ hay là lúc trắng tay như Đỗ Quyên. Nguyễn Du chữ nghĩa ác thiệt. Tách hẳn Thục đế và Đỗ Quyên làm hai nhân vật với sự khoái lạc thân xác khác nhau.

Tôi đọc trên mạng câu này "Trong vòng năm phút mà người thao thao bất tuyệt lý giải về một vấn đề cho ai đó hiểu mà người nghe này vẫn không hiểu thì chính y cũng đếch hiểu vấn đề mà chính y đã nói ".Tôi nghĩ rằng mình cũng " đếch hiểu " tiền nhân ta có ý kiến sâu sắc đến đâu khi mà tiên sinh cho Kiều gảy đoạn nhạc này. Chúa ơi !. Nàng Kiều nay không còn là Vương Thuý Kiều lúc 16 tuổi nữa bạn nhé. Kiến văn lời nói đã đỉnh đạt lắm rồi, cái nào cần nói thì đã nói, cái nào không cần nói thì chính chàng Kim Trọng phải hiểu lấy. Bạn đọc lại từ câu Kiều thứ 3007 đến câu 3234. Bạn sẽ thấy diễn tiến tâm lý cực kỳ phức tạp giữa nhân vật chính là nàng Kiều và các nhân vật phụ những kẻ đã yêu nàng.

Bạn đọc kỹ đi, tôi mách bạn hai câu cuối, nói gì ? thông điệp gì ?

Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.

Câu 7-Thử tình khả đãi thành truy ức. Đãi là đợi. Tạm dịch nghĩa như sau Tình ư? , thì hãy đợi chút để ta cố nhớ xem nó đã thành ký ức chưa?

Câu 8-Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên’,võng là chán nản, Tạm dịch nghĩa như sau, thì ra chuyện như thế, ngay lúc này đây nó chỉ để lại trong cho ta sự chán nản mà thôi .

Tại sao lại chán nản (võng) .Thì ra tình yêu giữa lứa đôi chỉ là các cuộc đuổi bắt. Cái mình muốn thì nó không đến với mình, cái mình "muốn xù" thì nó cứ " a đầu vào " phát bực.

© Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên

=> Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung mỗi khi truy về ký ức thời dĩ vãng & cho đến bây giờ chỉ còn lại trong ta chỉ là nỗi đau thương.

Ý thơ hết sẩy! Đấy bạn thấy đấy, thì Lý Thương Ẩn đã nói rõ như thế rồi.

© 7- câu 7- 此情可待成追憶,
Thử tình khả đãi thành truy ức
=> Đợi Tình xưa, khuất vơi vơi ,

© 8-Câu 8-  只是當時已惘然。
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
Dịch trần trụi, Bây giờ cố nhớ, chán ơi nản à!
Hoặc là , ==> Lúc này tính sổ, "đứng ngồi ...nản chi ".

=> Đợi Tình xưa, khuất vơi vơi / ( tình đang ở bờ kia, là nghĩa thật của từ "Thử tình", thử là bờ bên kia, đối với thử là "bỉ " bờ bên này). Đó bạn thấy sự quan trọng của chữ "Thử" chưa.

Bây chừ cố nhớ, tình chơi sát mình./ (Chỉ thị: đương thời, là bờ nên này, ứng vào chính tôi lúc này.) Lần nữa sự quan trọng của chữ "Thì".

Có lẽ Vương Thuý Kiều mà nói được tiếng Quảng Nam hay tiếng Huế thì Kiều sẽ nói liền "Mụ nội nó!",

=> Nhắc chi dĩ vãng tình đau đáu,
Nhức nhối làm sao lúc đứng ngồi

Tôi hỏi nhỏ bạn hiền, có bao nhiêu người đàn ông đã qua đêm với nàng? Cảm giác nàng ra sao? Ai là người khiến nàng yêu thương nhất? Thúc Sinh chăng? Người mà nàng từng mơ được làm bé, hay một anh chàng Từ Hải lực sĩ " râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao?", rồi cái thằng tiểu quan sức chèo đò bền dai thì sao?, rồi cái thằng phải gió Mã giám sinh thì sao? Cái thằng tiểu quan cũng kinh lắm bởi lúc này Hồ tôn Hiến đã chuốc rượu cho nàng say rồi. Biết đâu khi nàng Kiều ôm thằng chèo đò này trong cơn say lại không nghĩ rằng mình đang ôm Từ Hải hay Hồ Tôn Hiến không chừng. Không thấy Nguyễn Du nói. Laiquangnam không là nhà tâm lý học về người phụ nữ nên không rõ. Tuy nhiên hai câu cuối không xuất hiện trong Đoạn Trường Tân Thanh (Kiều) cũng nói lên được tại sao nàng quyết chí đi tu.

Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên

==> Đợi đi, đến lúc tình lui đã ..,
Lần đốt bây giờ, chán quá cơ.

Hay
Đợi Tình xưa khuất vơi vơi ,
Bây giờ nhớ lại nản ơi nản à ...

Ta thương Kiều ngỗn ngang tâm sự cho dù đọc trong Đoạn Trường Tân Thanh ( Kiều ) cũng chăm lắm. "Bạn tự tra cứu nhé" rồi biết đâu đấy bạn sẽ viết bài về đoạn " bi kịch nội tâm này "

"Nỗi lòng biết tỏ cùng ai,
Khúc đau đứt ruột ám hoài tim ta ..." ( Lẫy Kiều )
 

III. Đọc lại : Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn.

Bây giờ mời bạn đọc một bài giới thiệu về bài thơ của Lý Thương Ẩn trong một tinh thần nghiêm túc hơn. Bản dịch sang thơ Quốc Âm ở phần I tào lao, bạn làm ơn quên nó đi. Tôi làm thế bởi vì Nguyễn Du nhà mình một khi đã chọn thơ ai để làm điểm tựa thì ông này phải tài hoa hay cao tay lắm, không như ai đó cho rằng Nguyễn Du dịch thơ Đường. Một phát biểu vừa ấu trĩ vừa là "kẻ đốt đền" trong văn học.

Hy vọng với bản dịch này sẽ gợi hứng các bạn phần nào trong việc bắt tay vào phân tích tâm trạng nàng Kiều vào khúc đàn sau cùng này. Sau khi Kim Trọng và Vương Thuý Kiều biết thế nào là "ôm ấp thật sự "đối tượng mà mình yêu trong bấy lâu nay .Và nàng Kiều các bước kế tiếp của nàng là gì, đi tu?...

1-Nguyên tác

錦瑟
錦瑟無端五十弦,
一弦一柱思華年。
莊生曉夢迷蝴蝶,
望帝春心託杜鵑。
滄海月明珠有淚,
藍田日暖玉生煙。
此情可待成追憶,
只是當時已惘然。

2-Phiên âm

Cẩm sắt.
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.

3-Từ khoá trong bài này

3.1-Thơ của Lý Thương Ẩn, người có sức học hậu tiến sĩ, hậu tiến sĩ bởi ông dù đã đỗ tiến sĩ ông vẫn còn bỏ công sức ra học lối hành văn tại triều đình để viết "biểu ", tờ trình, kiến nghị, tỏ thái độ cho các "chef/boss " của ông vốn là các quan đầu tỉnh, vì vậy thơ ông đẻo gọt và chữ nghĩa "rối rấm khiến mình rất dễ lạc đường". Cách đẽo gọt chữ của Đỗ Phủ không sao bằng ông được cho dù Đỗ Phủ gáy "chọn chữ phải độc, cả một đời" thật nhiều. Nguyễn Du quan tâm đến Lý Thương Ẩn bởi chức vụ tại triều đình Huế của tiên sinh có lẽ gần gần như thế; điển hình là vai trò của Nguyễn Du trong việc tiếp các đoàn của vương quốc Tàu. Chính vì vậy mà ta thấy Nguyễn Du đọc và am hiểu thơ của Lý Thương Ẩn sâu sắc "khác thường ‘ và tiên sinh phải "chẻ chữ nghĩa lại" như ta thấy ở bài trước (link cùng tên) khi laiquangnam đề cập bài này trong đoạn Kiều, nay thì cũng không mấy lạ lẫm nữa. Tài hoa tìm tài hoa là vậy.

Để tránh hiểu cố tật của nhiều người Việt trẻ ít Hán, đọc Việt ngữ gặp thuật ngữ là lập tức đoán mò, họ có thể hiểu thuật ngữ "thương hải "/ thương hại, hay thương hải là biển xanh như xưa nay sách vở đã ghi như thế. Họ được giảng trong lớp " thương hải biến vi tang điền "/biển xanh biến thành ruộng dâu’ , nghe qua cũng có cái lý của nó. Thật ra biển xanh là biển có sức sống, nó phải chuyển hoá từ giai đoạn sống khoẻ sang giai đoạn biển chết, biển thương, biển có màu sắc tối tăm rồi mới thành ruộng dâu được, đâu thể đốt giai đoạn. Tuy nhiên trong Việt ngữ biển xanh thành ruộng dâu thì quá đúng bởi người Việt có thể chưa dùng khái niệm màu thương bao giờ. Tuy nhiên theo điều đã dẫn, thì thươnghải (viết liền) là từ đối với lamđiền (viết liền ), cả hai đều là màu sắc của đất trời chuyển hoá theo thời gian. Từ màu sáng (bừng sức sống) là lamđiền rồi chuyển dần sang màu chết (tàn tạ, buồn bã thê lương ), thươnghải.

Ngoài ra, điểm đặc biệt mà ta có thể nhận ra là bên cạnh các từ đầy chất bác học của Lý Thương Ẩn như trên, ông còn dùng các từ nối như vô đoan, thử, và chỉ thị khiến bài thơ này kéo người đọc thơ ông phải sa đà vào " lý và sự".

3.2-Vô đoan là bỗng nhiên, tiếng kêu kinh ngạc lẫn chút đau buồn khi hoài niệm, khi "chợt nhớ". Ta có thể dịch là "ô hay", "chu choa" vv và vv; laiquangnam không bao giờ nghĩ có từ "trang trọng" và từ "nhà quê" trong thi ca bất luận là thể thơ nào cho dù dùng nó trong việc dịch thơ Đường như là trò "vui thôi mà". Ngôn ngữ vốn bình đẳng, ăn hay thua là do người dùng và tâm trạng của người nghe họ có thấy " đã "không mà thôi.

3.3-Thử là bờ bên kia, mé bên kia, mé bên tê, mé bên ấy, có nghĩa là không phải phía bên đây, chỗ mà mình đang đề cập. "Thử" là từ đối với "bỉ", bỉ là bờ bên này, bờ bên ni, bờ bên đây.
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên

Thử là phía bên kia, mé bên nớ, mé bên tê .
Thử đối bỉ phía bên đây, phía bên này, mé bên ni

Laiquangnam dùng âm sắc chung của Trung eo, dân hai bên chân đèo Hải Vân, Huế & Quảng thì cũng thấy không tệ
==> Bên nớ đợi tan thành ký ức ...
Bên ni lần đốt chán, chu choa! .

Bên nớ là không gian kỷ niệm các mối tình xưa thời mình còn trẻ " dung dăng dung dẻ ", thuở còn "ngơm"/ngon cơm.

Bên ni là không gian thực tại, tình nay tính ra chẳng còn chút gì vướng lại, nhớ càng thêm buồn, thêm nản mà thôi. Chu choa là buồn.

Khó có một từ cùng ngữ nghĩa như "chu choa" của hai sắc dân này nói về một miền khác. Chu choa là âm tình cảm rất thật, từ con tim bật ngay ra đầu môi, khác với các từ khác, từ tim phải lên đầu rồi mới bật ra cửa miệng. Chu choa ơi là "trời đất ơi" trong nam, từa tựa như thế.

3.4 Xét hai câu 5,6 trong cặp đối

滄海月明珠有淚,
藍田日暖玉生煙。
Thương hải //nguyệt minh// châu hữu lệ
Lam điền// nhật noãn //ngọc sinh yên

Lý Thương Ẩn dàn trận thơ thất ngôn bát cú luật thi đối nhau chan chát .

Ta thấy gì ?
"Thương hải" đối chan chát với "lam điền"
Thương đối với lam, điền đối với hải.

Do lam điền dễ hiểu, ta xét " Màu nắng lamđiền" trước. Lam là màu gì ?

Ta dễ sụp lỗ chân trâu tại đây do vì trong đời sống hàng ngày ta đã vốn đã quen, lam là màu xám nhạt của khói, qua câu hát nay vẫn còn đọng lại trong ký ức Người Việt hải ngoại, " khói lam buồn như muốn nhuộm thời gian", bài "Chiều làng em, Trúc Phương". Màu khói lam từ bếp nhà ai và Lam còn là màu ngọc thạch. Cả hai đều không đúng theo Lý Thương Ẩn, Nguyễn Du và Hàn Mạc Tử (Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, bài Ở Đây Thôn Vỹ Giạ). Lam có nhiều sắc độ do sự pha trộn giữa hai màu xanh lá của ruộng lúa với màu xanh da trời trong một ngày quang đãng. Do lam là sự pha sắc giữa hai màu này dưới tác động chói chan của ánh sáng mặt trời nên ta có giải màu kéo từ màu xanh lá cây của ngọc đến màu da trời nhàn nhạt. Sắc đậm ở hai bờ biên của lam là màu đồng rỉ và màu xanh bầu trời. Khi nào ta có màu lam, khi màu "chạm vào vòm lá"

Lý Thương Ẩn giúp ta hình dung qua câu này

藍田日暖玉生煙
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên

Vậy màu lam (trong lam điền) chỉ xuất hiện khi mà trong bầu trời thoả cho ba điều kiện,
một là,-màu ánh sáng trắng ban ngày chói chan
hai là, -màu bầu trời xanh quang đãng
ba là, - màu ruộng lúa (điền) hay màu xanh của cỏ cây tươi tốt

Phải có sự phối hợp ba màu lại với nhau ta mới có màu lam trong thơ Hàn Mạc Tử, trong Kiều và đúng hơn là màu lam điền trong Cẩm Sắt, thơ Lý Thương Ẩn. Và đặc biệt Nguyễn Du dùng hình ảnh lamđiền để chỉ một ngày tươi sáng mà lòng người trong cuộc cảm thấy hạnh phúc đã theo về với mình, có những lúc tưởng chừng như rằng cuộc tình đã chết. Lam điền chỉ đơn giản như vậy, người Tàu khéo bịa thêm địa danh, biến lam điền từ của Lý thương Ẩn sang một địa danh cà chớn nào đó trên đất nước của họ, một số người Việt vốn quen đội Hán đã tin theo lời chú thích từ sách Hán . Vì "lam" chỉ màu lam, chắc chắn "thương/, 滄" phải là một màu. Vậy màu thương là màu gì ?.Thương còn một nghĩa là lạnh, ngoài từ thương là thứ tình cảm của loài người. Khi nào biển lạnh? Biển "lạnh" khi mà mặt trời tắt nắng, nắng ấm trên đại dương lúc này không còn, màu biển cả có màu màu lạnh lẽo âm u . Thương, 滄, là màu của biển cả khi trời tắt nắng, một màu tôi tối, am ám. Như thế câu "thương hải biến vi tang điền" cũng nên hiểu nghĩa là từ khi biển mang sắc thái chết chóc tàn tạ, một khi biển xanh không còn sức sống nữa thì nó biến sang ruộng dâu. Biển tàn ruộng mọc là vậy . Do lamđiền chỉ sự vui tươi, thời điểm ban mai đầy sức sống, từ đó ta suy ngược lại thươnghải, và thươnghải phải là màu vào thời điểm buổi chiều (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ), u tối đầy vẻ bịnh hoạn âm u. Ai đó viết còn khiến ta nghi ngờ, nhưng với Lý Thương Ẩn người có bằng hậu tiến sĩ này thì ta tin ông rất chắc tay trong việc chơi chữ. Ông cao tay về việc dùng chữ nghĩa hơn Đỗ Phủ nhiều. Chính vì thế mà khi Kim Kiều tái ngộ Nguyễn Du tiên sinh đã bỏ từ "thương hải" u tối này. Nguyễn Du không hề cho thương hải là màu biển xanh bao giờ, chỉ có "các thầy ta’ chú đại như thế mà thôi .

4-Bản dịch sang thơ Quốc Âm

Hai câu cuối là hai câu mà Nguyễn Du không nhắc đến trong đoạn Kim Kiều tái hợp, nhưng nó bàng bạc đâu đó trong lòng Kiều một tâm trạng như vầy .
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
==>
Thể đã tình kía thành ký ức,
Giờ chừ tính sổ _ nản tổ cha!

Này này đừng nói, "Kiều mà có giọng nói Quảng Nam hả?, khi nào vậy ? hả laiquangnam". Đã nói, làm thơ cho người là để khoe sự tài giỏi của mình, làm thơ cho mình, cho bè bạn thân thiết đọc để cùng cười lại là một tấm lòng cùng "hỉ & xả".

Hy vọng rằng cái anh chàng Kim Trọng "khù khờ và chậm tiêu "này không sao đọc nổi những gì đang len vào tâm hồn cô, trừ Bạn Hiền hoạ may khi được laiquangnam nhắc lại hai câu cuối của bài Cầm Gấm của LýThương Ẩn. Đó là mục đích khi laiquangnam bỏ công viết bài thơ đường cát đường phèn này. Sướng ích gì mà giới thiệu thơ Tàu Hán vào lúc này khi mà lòng người Việt đang giận sôi gan với bọn " Tàu lạ".

Nhớ lời hịch của đức Thánh Trần Hưng Đạo mà buồn cho thế hệ mình. Bạn Hiền thì sao ?

Xin mời đọc bản dịch sang thơ Quốc Âm

4.1-Lục bát
Sắt/c Cầm năm chục dây tơ
Mỗi dây một trụ, nhớ khờ tuổi hoa ,
Trang Sinh mộng, bướm là ta
Hồn xuân Thục Đế nhập nhà Đỗ Quyên
Ngọc tươm hơi, nắng lamđiền
Trắng trăng thươnghải khói viền châu cơi
Đợi Tình xưa khuất vơi vơi,
Bây giờ lần đốt nản ơi nản à ...
DaoTran&laiquangnam .

4.2-Luật thi
Ơ sao, cẩm sắt năm mươi dây!
Một trụ, một tơ, thuở trẻ này!
Mộng sớm, Trang sinh mơ hoá bướm,
Lòng xuân Vọng đế, Đỗ Quyên đày.
Sáng trăng thươnghải, châu hàm lệ Nắng ấm lamđiền, ngọc khói bay
Phía ấy, tình xưa thành ký ức
Bờ này, lần đốt nản chan cay!
DaoTran&laiquangnam .

Việt ngữ nay còn từ hàm chứa, hàm/=chứa. Trong lòng với người Việt yêu thơ luôn tồn tại hai nhịp, nhịp thấy và nhịp nghe, tai và mắt. Tai, tuỳ người đọc thơ mà âm sắc giọng quê hương làm cho âm mang một vẻ lung linh, mơ hồ, tuồng như đâu đó t/c? ,g/ không g? ,l/n? , dấu sắc/ huyền /nặng / không dấu, nghe rất "tình cảm", ví dụ cặp đầy/đày, nhà/nhoà ( nhà qua âm Quảng Nam rất nặng nghe như thành nhoà).

Xin hãy đọc lại Kiều đoạn này để hiểu nội lực "lược" thơ Tàu của tiền nhân ta, nhìn sơ qua là biết con ruồi bay qua trước mặt mình là ruồi đực hay ruồi cái rồi, xừ Tàu nào làm thơ hay, xừ Tàu nào làm thơ dở, không như lớp sau hiện nay bạ đâu cũng dịch, hể thấy Đường là xáp vào cho dù dở ẹc. Khác nhau giữa thi hào và "thi sỡi" là vậy, tuy cùng là họ "thi" cả, vậy mà. Dễ sợ và đáng tự hào thay khi nghĩ về Nguyễn Du.

IV. Kẻ đốt đền

Bạn đã đọc bài thơ Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn nói gì rồi. Đã tạm chia sẻ cùng laiquangnam nội lực của tiền nhân ta rồi, vậy mà cách đây hơn 60 năm, Lê Văn Hoè nổi đình đám qua tác phẩm có tên là "Truyện Kiều Chú Giải", đã được trong nước tái bản với lời giới thiệu trang trọng. Không biết ông đã ăn thứ gì mà đã viết về Nguyễn Du như sau "Có lẽ vì mượn tứ của thơ Đường,nên văn-lý (Nguyễn Du) mơ hồ, viễn vông khó hiểu ." tại trang 715 khi ông bình giảng sáu câu sau.

Câu 3199: Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu rỏ duềnh quyên
Câu 3204: Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông... ( Kiều).

Lê văn Hoè viết như vầy tại các trang 712, 713, 714, 715 , laiquangnam lược tóm tắt rất ngắn gọn bởi ông bình không có gì xuất sắc, bình thì ít mà ông kéo dãn thì nhiều: "Tác giả (Lý Thương Ẩn) cụ thể hoá sức ấm của tiếng đàn, Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên (Lý Thương Ẩn) , ví như hạt ngọc Lam Điền mới đông. Núi Lam Điền ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây nước Tần là nơi sản xuất nhiều ngọc quý gọi là ngọc lam. Tính chất của tiếng đàn . Tiếng đàn trong và ấm tức tiếng đàn nhẹ nhàng và có dư âm.. Tiếng đàn trong người ta cho là của người nhàn nhã thanh tao. "Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông" ( Kiều) , tiếng đàn ấm là người ta thường cho là tiếng đàn của người có hậu tức là người có tương lai tốt đẹp.

Đoạn văn tả đờn này hình như tác giả đã dịch thoát ý ở bài thơ Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn đơi Đường trong đó có các câu

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên

Nghĩa là ông Trang Chu buổi sáng còn mơ mình hoá bướm. Vua Vọng đế gởi lòng thương tiếc thì xuân vào chim Đỗ Quyên; bể rộng trăng sáng coi như ngọc hạt châu có nước mắt; núi lam điền mặt trời nắng ấm, ngọc như lên hơi.

Có lẽ vì mượn tứ của thơ Đường, nên văn-lý (Nguyễn Du) mơ hồ, viễn vông khó hiểu."

Nếu bạn là GIÁO SƯ, Bạn cho ông Lê văn Hoè bao nhiêu điểm khi Lê văn Hoè cho rằng Nguyễn Du không am hiểu thơ của Lý Thương Ẩn với câu" Có lẽ vì mượn tứ của thơ Đường, nên văn-lý (Nguyễn Du) mơ hồ, viễn vông khó hiểu ."

V. Google search giùm bạn

Vài Bản dịch sang thơ Quốc Âm khác

Bản dịch của giáo sư Trần Trọng San--
Cây đàn năm chục đường dây,
Mỗi dây mỗi trụ, nhớ ngày còn xanh.
Mơ màng giấc bướm Trang-sinh;
Lòng xuân Vọng-đế, đỗ-quyên gửi vào.
Biển xanh trăng chiếu lệ châu;
Ngọc phơi nắng ấm, khói cao Lam-Điền.
Tình này đợi nhớ nên niềm,
Thế nhưng đã ngậm ngùi duyên bấy giờ.

--Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu--
Ông Dịch giả này đã từng chê cụ Trần Trọng Kim không hiểu gì hết ý thơ trong nhiều bài dịch thơ Đường của cụ Trần, bài này Lê Nguyễn Lưu dịch như sau :

Đàn gấm gồm năm chục sợi liền,
Mỗi dây mỗi trụ nhớ hoa niên.
Trang sinh mộng sớm ngờ thân bướm,
Vọng đế lòng xuân gửi tiếng quyên.
Trăng sáng lệ đàn châu Đại Hải,
Nắng xông ngọc bốc khói Lam Điền.
Tình xưa hãy để thành lưu niệm,
Một thủa yêu đương luống hão huyền !
Lê Nguyễn Lưu

Vậy khi ông dịch câu
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
==> Trăng sáng lệ đàn châu Đại Hải,

thì ai chê ông, rằng laiquangnam hỏi ông đã hiểu từ thương hải như thế nào? và lam điền như thế nào?. "Lối" thường là một thuộc tính của vài người tự cho mình là nhất khi có một hai tác phẩm được xuất bản. Ông bớt chút chê người xưa được không ?

VI. Làm tài lanh

Vài chú thích thêm đọc cho biết

1) Cẩm sắt: 錦 瑟.Tên một loại đàn cổ. Đàn vẽ hoa văn đẹp như gấm gọi là cẩm sắt ."Sắt " là một từ Tàu đừng lầm với từ Việt cùng âm .Sắt là một loại đàn có 25 dây vậy thôi. Sắt trong Việt ngữ, sắt là một loại kim loại , Tàu gọi thứ kim loại này là thiết.ký tự khác chữ này ,nhiều nét hơn. Đàn của Lý Thương Ẩn có đến 50 dây ,nghĩa là gấp đôi bình thường.

2) Trang sinh – hồ điệp:

Trang Sinh là cách gọi khác của Trang Tử. Nhà thiết kế tư tưởng Lão Trang, người Việt mình rất lậm về nhân sinh quan của ông này. Trang Tử nằm mộng thấy mình hóa bướm (hồ điệp) được bay nhởn nhơ vô tư lự, giật mình tỉnh dậy, ông tự hỏi không biết mình là bướm hay bướm là mình. Riêng trong câu chuyện giả chết thử vợ của ông được giới " vợ bỏ " nhiệt tình ủng hộ. Sự thật là ông tiếc của trời. Ông ghen với người vợ trẻ của mình sau khi ông chết. Ông là ông vua ích kỷ, bởi một thi sĩ xứ tôi đã viết . "Của trời trăng gió kho vô tận, cầm hạc tiêu dao .... " Chết rồi còn ôm được đâu mà giữ hả ông?

3) Vọng đế - Đỗ quyên:

-Vọng đế có tên là Đỗ Vũ, là vua nước Thục nên còn gọi là Thục đế. - Đỗ quyên: còn gọi là chim Từ qui hay Đỗ Vũ.

Nhiều người đồng hoá Đỗ quyên (Tàu) là con chim cuốc vì có tiếng kêu "quốc quốc (Việt ). Chim " quốc quốc " là chim quốc quốc, một loại chim đặc thù của Việt Nam. Có nơi gọi đỗ quyên Tàu là con chim tu hú của Việt Nam ta.

Chim Quốc của Việt Nam khác với Đổ Quyên của Tàu vì mỗi phong thổ mỗi vùng địa dư có một giống chim mang có các đặc tính khác nhau, khác về màu lông lẫn tiếng kêu. Sự đồng hoá chỉ làm cho chúng ta vọng Hán và đội Hán thêm chi cho nặng đầu, ví dụ hoa gạo là hoa đặc trưng của người Việt miền bắc mắc mớ gì thay nó bằng từ mộc miên. Cần dứt khoát trả từ "đỗ quyên" là một loại chim Tàu về cho Tàu và Quốc Quốc là một loại chim đặc thù hoàn toàn của Việt Nam.

Chim quốc của ta là một loài chim luôn luôn nhớ nước và luôn tự vấn tại sao nước non này lại ra nông nỗi thế này. Mỗi con chim quốc hiện nay là hiện thân, là một kiếp khác của người Việt nào đó, khi mà trong đời sống làm người, họ đã không làm gì cho đất nước mình, để cháu con họ có thể ngảnh mặt nhìn trời như các dân tộc khác. Chim Quốc của ta không nên gắn nó với loài chim sến Đổ Quyên của Tàu , vì ham vợ thuộc hạ mà tiêu đời.

Chim quốc của ta là là loài chim gắn chặt vào bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mõi miệng cái gia gia

Học trò người Quảng Nam đọc quốc nghe như quốc /quấc / quất , và gia gia /da da thành ra câu như sau : 

Quất! quất! là gì?

Thơ Việt đọc, nghe và thấy với ba tâm trạng khác nhau
==> Nhớ nước đau lòng!, con, quất! quất!
(quất! quất! vừa là động từ vừa tiếng gió của làn roi vọt )

Roi cần phải đánh vào thân thể thằng con trai hư đốn chỉ biết ăn và nhậu, nước mất đến nơi, văn hoá bị ô nhiễm ngập tới lỗ mũi, vậy mà nhậu với nhẹt, than đời là bề khổ, đời người có bao nhiêu mà phải lo, lo chi cho mệt, có lo cũng không giải quyết được chuyện gì, người ta họ giỏi bằng trời còn không ăn thua huống gì mình, người cha cầm roi đọc cho con nghe Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo rồi khóc.

Da! Da! là gì ?

Thương nhà mỏi miệng, cái, da! da!

Da da là tiếng kêu đau của người bị đánh.

Tại sao phải có tiếng roi vọt ngọn đòn mỗi khi người Việt nghĩ về nước nhà. Đau!

Da da, đó còn là tiếng kêu khi người con gái bị mẹ tát vào mặt, tối ngày chỉ biết lo ăn và lo diện, lo cho đẹp, xem thân thể của mẹ cha cho là của trời cho mang thân đi làm món quà trao đổi cho bọn chệch Phương Bắc, suốt đời chỉ mơ nghĩ đến Hán. Bánh đúc trao đi bánh chì trao lại, uổng công mang nặng 9 tháng 10 ngày, trao ‘hán" nọ đặng "hán" kia là lối sống của bọn chúng mày sao? . Người Quảng Nam quê tôi đọc "hán" nào cũng là "háng" cả.

Da ! da!, lớn lên là chân dài, cởi đồ cho bạn Tàu săm soi rồi đánh cho đau hơn.

Ô nhục, hèn gì hơn 200 năm trước, bà Huyện Thanh Quan chạnh buồn khi đi ngang qua Đèo Ngang, bây giờ gần gần Vũng Án, Nghệ An không chừng,

Dừng chân đứng lại trời non nước.
Một mãnh tình riêng ta với ta.

Gần Hán và ôm Hán thì ráng chịu chứ than thở mùi Hán nỗi gì.

4) Lam Điền: Tên một huyện vùng núi ở tỉnh Thiểm Tây.
Nơi đây có núi Ngọc Sơn, có nhiều ngọc quí. Nhảm nhí, sách Sưu thần ký, đại bịa.

5) Khả đãi (可 待) : Khả : Phải nên, đáng để, có thể, có lẽ, hình như...Đãi : đợi. Khả đãi: có thể đợi, đáng đợi., khả là có thể ....

6) Đương thì (當 時): Đang lúc ấy, đang thuở ấy.

10) Võng (惘): Chán nản phiền muộn, thất chí. "võng nhiên" có thể hiểu là trạng thái chán nản.

Theo tài liệu của giáo sư đại học Vĩnh Sính thì dịch "Võng nhiên" với nghĩa: không có gì, không biết gì cả, ngơ ngác như mất hồn, phôi pha (?)

Bạn Hiền hãy lên internet, dư thì giờ thì bạn đọc chơi qua Google search " cẩm sắt", Lý Thương Ẩn, dạo chơi cho biết .

Đọc toàn văn đoạn Kim Kiều tái ngộ. Bạn nghĩ đi rằng ai đã " đã hơn ai .
 

VII.

Đoạn này là laiquangnam đoc dùm bạn những gì mà laiquangnam đã thấy trên mạng internet.

Đôi lời bàn thêm về bài thơ "Cẩm sắt"

"Bài thơ này khá đặc biệt vì "Nhiều nhà phê bình đã cho thơ của Lý Thương Ản có phong cách lãng mạn, cấu tứ kỳ công, tình ý sâu kín, sử dụng chuẩn mực nhiều điển tích giàu hình tượng và nhiều ẩn dụ khó giải mã. Điển hình là bài thơ "Cẩm sắt". Bài này được cho là bài thơ hay nhất và khó hiểu nhất của ông. Bởi vậy , Vương Sĩ Trinh -nhà phê bình đời Thanh- đã đưa ra nhận xét: "Nhất biến cẩm sắt giải nhân nan"(Bài thơ cẩm sắt hiểu sao đây?). Đồng thời trong Vi lô thi thoại, nhà phê bình Ngô Kiều cũng đã có ý kiến: "Con đường ý tứ của Lý Thương Ẩn đã thâm sâu ảo diệu mà ông còn đặt lời để chẳng ai còn biết được ý ông. Bởi thế thơ ông đến nay đã 700 năm mà vẫn ít người biết đến".

Những lời nhận xét trên thật xác đáng. Mặc dù nhiều người thuộc lòng các điển tích và các từ ông đã sử dụng nhưng để hiểu chính xác dụng ý của ông thì không ai dám tin chắc.Tự thân của nó khiến cho nhiều người đã giảng nghĩa khác nhau .

Thật vậy, mới khởi đầu vào câu thơ thứ nhất đã gặp khó khăn ở "vô đoan", có người đã dịch: cẩm sắt là một thứ đàn không có đầu, trên có 50 dây (Ông Trần Trọng San). Một số người khác lại dịch với nghĩa "không hiểu vì sao, do đâu, không rõ manh mối (Các ông: Huỳnh Minh Đức, Ngô Văn Phú, Phùng Hoài Ngọc. v.v...).

Tiếp đến hiểu mộng cũng thế. Có người dịch là mộng sớm, giấc mộng buổi sớm (Trần Trọng San, Vĩnh Sính...). có người hiểu hoặc dịch là "Tỉnh mộng" (Đào Duy Anh, Huỳnh Minh Đức...).

Đến hai câu kết:

"Thử tình khả đãi thành truy ức.
Chỉ thị đương thì dĩ võng nhiên"

Giáo sư ĐHSP SG Trần Trọng San dịch xuôi

Mối tình đẹp đẽ thời hoa niên ngày nay không tìm được nữa. Ta hãy để cho tình ấy thành ra kỷ niệm êm đềm. Nhưng tiếc thay thuở xưa, tình ấy đã là một mối tình tuyệt vọng làm ta đau khổ chán chường.

Và ông đã dịch thơ:
Tình này hãy đợi nên niềm nhớ
Tiếc đã xưa kia lỗi ước nguyền.

Ông Huỳnh Minh Đức (dịch giả Trung Quốc triết học sử, dạy Hán văn trường ĐHVKSG khoảng 72,75 ) đã dịch xuôi
Tình này đã sớm trở thành nhớ nhung về dĩ vãng
Cho đến bây giờ thì chỉ còn lại nỗi đau thương.

Dịch thơ:
Tình này sớm tạo niềm nhung nhớ
Là buổi đầu tiên chút nỗi niềm

Ông Nguyễn Văn Xung (dạy văn đại học): Cũng hiểu theo ý trên và đã dịch thành thơ:
Tình ta còn nhớ những ngày
Riêng nay lòng đã nguôi khuây lòng sầu

Ông Ngô Văn Phú (dịch giả 300 bài thơ Đường):
Tình ấy nên dằng dai nhớ mãi
Hay chỉ là nỗi lòng vu vơ trong thoáng chốc

Dịch thơ:

Dằng dai tình ấy nên đeo đuổi
Hay cõi mơ hồ nhớ phút giây

Ông Phùng Hoài Ngọc (tác giả Thi ca từ Trung Hoa, dạy Trung văn đại học Cần thơ sau 75 ):
Tình này dằng dai ghi nhớ mãi
Hay chỉ là nỗi lòng gắt gay trong thoáng chốc
v.v...........

Còn rất nhiều tác giả có cách dịch khác nữa mà chúng tôi không thể nêu ra hết trong khuôn khổ nhỏ hẹp của bài này. Tuy nhiên chỉ vài ví dụ trên ta cũng thấy sự ẩn diệu khó giải mã của bài thơ – và đố ai dám cho mình hiểu chính xác hoàn toàn như đã nói ở trên. Chúng tôi là những kẻ hậu sinh có may mắn được học hỏi các lời diễn giải của các bậc dịch giả đi trước nhưng vẫn thấy băn khoăn về ý nguyên tác của nó." 

VIII. Liệu nàng Kiều có đi tu không? (1)

Nàng không đi tu, mời bạn đọc lại câu "Sư đà hái thuốc phương xa " bài "Tầm ẩn giả bất ngộ" của Giả Đảo tại chính trang mạng này.

 

Cám ơn sự cộng tác của Daotran.
Ngày đầu đông tại nam California.

Laiquangnam.

____

** Truyện Kiều