Hoa nghệ 
(Safuran, 1914)

Nguyên tác: Mori Ôgai

Dịch: Nguyễn Nam Trân

Bài viết dưới đây giống như một tùy bút tuy khởi đi từ một chi tiết bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày nhưng đã cho phép Mori Ôgai có dịp bày tỏ nhân sinh quan của mình. Tác phẩm đã được đưa vào chương trình giáo khoa bậc cao trung (lớp 10 đến lớp 12) Nhật Bản môn quốc văn lần đầu tiên năm 1963.

Hoa nghệ

Chỉ nghe đến tên mà chưa thấy mặt là chuyện thường tình và nó không chỉ giới hạn trong thế giới của con người thôi đâu. Nói chung, mọi vật trên đời đều như thế cả.

Từ nhỏ tôi vẫn được xem là đứa trẻ ham đọc sách. Thời tôi mới ra đời, các loại tạp chí dành cho thiếu niên cũng như các cuốn truyện cổ tích kiểu của anh Iwaya Sazanami [1] đều chưa xuất hiện. Tôi chỉ có mấy quyển sách của bà nội tôi [2] như Hyakunin Isshu [3] mà bà đã mang theo lúc về nhà chồng, những bản tuồng người nộm Jôruri - kỷ niệm thời gian ông nội tôi [4] đua đòi học lối kể truyện theo phái Gidayuu [5] - cũng như một số bản tuồng Nô kèm theo tranh vẽ. Tôi dùng hết thời gian của mình để đọc những thứ đó chứ không đi ra bên ngoài thả diều hay bung vụ. Hầu như tôi chẳng có dịp tiếp xúc bọn trẻ con hàng xóm để có thể tìm hiểu tâm tình của nhau. Cứ thế, tôi càng ngày càng đắm mình trong sách vở và trở thành một món đồ bụi bám, trí nhớ chứa đầy những cái tên. Điều đó đã khiến tôi không biết cái gì cho thật đến nơi đến chốn cả vì chỉ nghe đến tên một vật nào đó mà chưa hề nhìn nó tận mắt. Những vật tôi mới nghe đến tên thì vô vàn, trong số đó có cả nhiều loài thực vật.

Cha tôi [6] – như theo cách người ta hay gọi - là một y sĩ "Lan học". Vì cha tôi có dặn là ông sẽ dạy cho tiếng Hòa Lan nên tôi bắt đầu tìm đến với nó từ rất sớm [7]. Tôi học tiếng ấy qua bộ Bunten (Văn Điển) [8]. Sách này gồm hai cuốn. Cuốn thứ nhất giải nghĩa từ ngữ còn cuốn thứ hai phân tích câu văn. Để đọc cho thông suốt, tôi thường dùng từ điển. Đó là hai tập sách dày cộm do Nhật Bản in, có chữ Hòa Lan lẫn chữ Nhật đối dịch song song. Trong lúc lật qua lật lại tra cứu, đến chữ Safuran, tôi bỗng khựng lại vì thấy có gì không ổn. Thời đó, về từ điển thực vật, chỉ mới có quyển Shokugaku Kaigen (Thực học khải nguyên) [9] mà thôi , trong đó người ta dịch theo âm và chép lại bằng những chữ Hán nào ăn khớp được với những âm ấy. Những chữ đó, ngay bây giờ tôi vẫn cỏn nhớ cách viết. Trong ba chữ Hán biểu âm Safuran thì chữ đầu tiên không có trong bộ chữ in. Họ phải phân nó ra làm hai phần để giải thích. Đó là chữ Tự 自đặt ngay sau ba chấm thủy. Sau nó đến chữ Phu夫 và cuối cùng là chữ Lam藍.

-Bố ơi, có giống cỏ tên là Safuran nhưng nó ra thế nào hở bố?

-Đó là loại cây thân thảo người ta lấy hoa ép khô để nhuộm màu. Con muốn xem không?

Bố tôi bèn mở ngăn tủ thuốc lấy ra một vật khô se và đã thẩm màu đưa tôi xem. Chắc bố tôi cũng chưa hề nhìn thấy cánh hoa này khi nó hãy còn tươi. Vật mà tôi nghe tiếng và nay được nhìn tận mắt cũng chẳng qua là thứ cỏ khô mà thôi nhưng đó là cơ hội đầu tiên tôi nhìn thấy hoa nghệ (Safuran).


Củ nghệ và bột nghệ (safuran)

Chuyện sau đây xảy ra hai, ba năm trước. Khi xe hỏa đến ga Ueno, tôi gọi xe kéo đưa mình về nhà ở dốc Dangozaka [10]. Giữa đường, tới quãng đền Tôshôguu 
[11] trong ánh nắng chiều chập choạng của xóm Hanazono, dưới mấy bậc thang bằng đá và trên một tấm cói bên đường, tôi thấy người nào đó đang bày bán mấy cái củ một loại cây thân thảo. Phần trên thân củ có đơm những đóa hoa tím biêng biếc. Từ hồi còn là một cậu bé con cho đến lứa tuổi trung niên, sự hiểu biết của tôi về Safuran chẳng tiến bộ được bao nhiêu nhưng ít nhất tôi cũng từng được dịp thấy nó qua tranh vẽ trong sách nên đã nghĩ thầm: "Ôi chao, đúng là Safuran đây rồi!". Có thể là tự hồi nào đó, ở Tokyo người đã bắt đầu chơi Safuran như một loại hoa kiểng. Dù sao, đây cũng là lần đầu tiên tôi mới biết rằng có những kẻ sinh sống bằng nghề bán Safuran.

Chuyến lữ hành lần đó của tôi không biết là để đi đâu nhưng chỉ nhớ buổi sáng khi rời nhà trọ thì trời đang phủ đầy sương. Mùa này, trừ các loại hoa trồng trong phòng được sưởi ấm, không có giống nào còn có thể mọc được. Cả hoa sơn trà lẫn hoa trà [12] cũng vậy.

Safuran vốn có nhiều loại. Tôi quên mất không biết đã đọc được điều này ở đâu. Tuy nhiên, Safuran mà tôi có dịp thấy là loại đơm bông hết sức trễ. Nhưng trễ tràng hơn cả là cơ hội tôi được tiếp xúc với nó. Chứ ngược lại, cũng có thể xem Safuran là giống hoa nở sớm nhất. Sớm hơn cả thủy tiên, sớm hơn cả hyacinth (dạ hương lan) nữa.


Cánh đồng hoa nghệ (safuran)

Tháng 12 năm ngoái, trong một tiệm bán hoa ở Shiroyama-shita, tôi thấy người ta bày hai, ba mươi củ Safuran đã khô với biển giá 20 tiền (sen) mỗi củ, phía trên hoa đã đâm chồi. Đang tản bộ, tôi bèn dừng bước, ghé vào mua lấy hai củ đem về. Lần đó tôi mới có trong tay củ Safuran cho riêng mình. Mới thử hỏi thăm ông già trong tiệm:

-Ông ơi, nếu đem mấy củ này cắm xuống đất, liệu nó có ra hoa nữa không?

-Vâng, có chứ. Loại này mạnh lắm. Sang năm là ông sẽ có thêm mươi củ đấy.

-Vậy à?

Mua về xong, tôi lấy ít đất trong vườn cho vào cái thố và chôn mấy củ ấy xuống. Tôi đặt thố trong thư trai. Hai ba hôm sau, hoa héo cả. Sau đó bụi bặm trong phòng phủ lên mặt thố như rác rưởi thường đọng trong ống tay áo kimono của người ta [13] vì phải nói là có một thời gian, tôi không ngó ngàng gì đến nó.

Thế rồi từ tháng giêng năm nay, tôi thấy trên mặt chậu bắt đầu nhú ra những chiếc lá giống như những sợi tơ xanh. Tôi nào có tưới nước đâu mà những chiếc lá xanh kia vẫn đâm ra thành chùm và tràn trề nhựa sống. Cái sức mạnh của mấy củ Safuran này thật là kinh dị. Nó đã thắng được những điều kiện bất lợi để sống còn và vươn lên. Nếu đúng như lời tiên đoán của ông già ở tiệm bán hoa, dần dần rồi chắc củ của nó cũng sẽ mọc thêm nhiều.

Bên ngoài cửa kính ngôi nhà, bao nhiêu đóa hoa phúc thọ thảo (fukujusô, pheasant’s eyes) không quản sương tuyết, đã nở ra vàng ối. Dạ hương lan (hyacinth) lẫn hoa bối mẫu (baimo, Fritillaria verticillata var. Thumbergii) cũng bắt đầu đâm qua mặt đất để nhú lên những cái mầm xanh. Còn trong thư trai của tôi thì cái thố đất trồng Safuran vẫn xanh um.

Tuy là trên mặt thố đất có một lớp bụi bặm giống như rác rưởi phủ lên nhưng khi nhìn thấy màu xanh của khóm lá, một người chủ nhà dẫu vô tình đi nữa cũng phải nghĩ đến việc đôi khi phải tưới cho cây ít nước. Có phải tôi làm như thế vì lý do ích kỷ (Egoismus) [14] nghĩa là muốn được nhìn ngắm cho vui mắt hay không. Hoặc giả là với một mục đích không chút riêng tư và điều đó vốn đến từ tình yêu ngoại vật (Altruismus) [15]? Tôi không tài nào hiểu về những động cơ đã tạo ra hành động nơi con người nếu đem so sánh với sự bình dị của những chiếc lá Safuran đang đan qua đan lại để vươn lên kia. Nói đúng ra, tôi không hề muốn "làm một con nhái đi liếm nhựa cây và dùng nó để rửa sạch ruột gan mình" [16]. Giờ đây nếu tôi đem nước tưới cây thì cũng như muốn xen vào công chuyện người khác và quấy rầy họ. Nhúng tay vào đó là làm một hành động độc thiện, nhằm nắm phần phải cho mình. Là tàn nhẫn. Là lạnh lùng. Người đời sẽ đánh giá như vậy. Nếu nghĩ đến tai tiếng có thể xảy ra, tốt hơn mình không nên động thủ.

Đây là câu chuyện giữa mấy củ Safuran và cá nhân tôi. Nếu quí vị đọc bài này thì biết ngay kiến thức của tôi về Safuran thật ít ỏi và kém cỏi! Thế nhưng đối với bất cứ một vật xa lạ nào, dù chỉ chạm phớt vào nhau đi nữa, cũng khó lòng nói là giữa Safuran và tôi không có tiếp điểm nào. Ý nghĩa luân lý của câu chuyện chỉ có bấy nhiêu.

Trong vũ trụ này, cho đến ngày nay, Safuran đã sống cuộc đời của Safuran. Tôi từng tồn tại như tôi đang tồn tại. Từ rày về sau, Safuran vẫn sống cuộc đời của nó và tôi có lẽ cũng sẽ tiếp tục sống cuộc đời của tôi thôi.

(Để tặng chị Odake Kazue) [17].

MORI ÔGAI
 
 

Chú thích:

[1] -  Iwaya Sazanami (1870-1933), một người đồng thời đại với Mori Ôgai và là nhà văn viết truyện đời xưa và truyện nhi đồng sớm nhất ở Nhật.

[2] -  Bà Mori Kiyoko (Seiko) (1819-1906), xuất thân từ gia đình Kijima tỉnh Yamaguchi.

[3] -  Tức "Bách nhân nhất thủ", thi tuyển 100 bài Waka danh tiếng của 100 nhà thơ thời Heian -mỗi người 1 bài - do thi hào Fujiwara Teika chọn lọc. Xem bản dịch toàn văn của NNT trên mạng.

[4] -  Ông Mori Gensen (? - 1861) sau đổi tên là Hakusen, thày thuốc cho phiên chủ phiên Tsuwano, tỉnh Shimane.

[5] -  Lối kể truyện kèm theo tiếng đàn samisen, trên sân khấu múa rối Jôruri, tương truyền bắt nguồn vào năm 1684 ở Ôsaka với nghệ sĩ Takemoto Gidayuu.

[6] - Ông Mori Seitai (1836-1896), người gốc Suwa tỉnh Yamaguchi bây giờ, vào ở rễ trong gia đình Mori sau khi cưới bà Mineko, mẹ của Ôgai. Lan học tức là học vấn Tây phương qua tiếng Hòa Lan.

[7] -  Ôgai học tiếng Hòa Lan từ năm lên 8.

[8] -  Safuran - tức Saffran trong tiếng Hòa Lan - có nghĩa là nghệ, một loại cây cỏ, bên dưới có củ, ruột màu vàng, hương thơm hắc, có thể dùng làm gia vị, thuốc nhuộm hay thuốc chữa bệnh.

[9] -  "Thực học khải nguyên" (Sách nhập môn về cách trồng trọt) gồm 3 quyển do Utagawa Yôan soạn ra vào năm 1834.

[10] -  Tên địa điểm nơi Ôgai sinh sống trong khu Bunkyô, nội thành Tokyo.
 

[11] -  Tức Đông Chiếu Cung ở Ueno (Ueno Tôshôguu), không phải đền thờ Tokugawa Ieyasu cùng tên ở Nikkô (Nikkô Tôshôguu).

[12] -  Hai loại cây thuộc họ tsubaki, nở những đóa hoa nhỏ và trắng vào dịp cuối thu.

[13] -  Ông tay áo thụng của kimono thường được khâu dính giuống như cái túi đựng đồ như ví tiền, khăn tay vv... nên hay có rác.

[14] -  Tiếng Đức trong nguyên văn.

[15] -  Tiếng Đức trong nguyên văn.

[16] -  Có thể đến từ một thành ngữ Nhật Bản ý nói "dùng một câu chuyện không liên quan gì đến mình để bày tỏ nỗi lòng một cách gián tiếp".

[17] -  Bà Odake Kazue là một nữ biên tập viên của tạp chí Bankôka (1893-1966) nơi đăng tải Safuran. Bankôka (Ban hồng hoa) cũng là tên chữ Hán của Safuran.
 
 

Thư mục tham khảo:

1) Mori Ôgai, Safuran (Hoa Nghệ, 1914) , trong Takasebune, Saigo no ikku hoka (Tuyển tập những bài văn của Ôgai được đưa vào sách giáo khoa: Thuyền Giải Tù, Câu Nói Cuối và những truyện khác) (2017) do Chikuma Shôbô, Tôkyô xuất bản. Nguyên tác Nhật ngữ.

2) Hình ảnh mượn từ Internet.