VĂN MIẾU 
THĂNG-LONG / HÀ-NỘI
*
Liên hệ giữa Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Khoa Cử

***
Phần 3 : Khoa Cử

Nguyễn Thị Chân Quỳnh


Bia Tiến sĩ và giếng Thiên Quang
Xã hội ta xưa đại khái chia làm hai hạng người : quan và dân. Quan là người giúp vua điều khiển guồng máy chính trị để đem lại trật tự, an ninh cho dân. Quan trường do Nho phái xuất thân, cách kén chọn người ra làm quan gọi là Khoa cử gồm hai kỳ thi quan trọng là Thi Hương Thi Hội-Thi Đình.

Trước khi có Khoa cử kẻ sĩ đều do con đường Phật giáo hay Đạo giáo mà được lựa dùng.

Khoa cử bắt nguồn ở Trung quốc, manh nha từ nhà Hán. Nước ta

từ thời Bắc thuộc đã có trường học : Sĩ Nhiếp, Th́ái thú Giao Châu, Tích Quang, Thái thú quận Giao Chỉ, Nhâm Diên, Thái thú quận Cửu Chân đều có mở trường dạy chữ Hán và Kinh Truyện nhưng chỉ ở trình độ thấp để đào tạo những thuộc hạ.

Người Nam muốn học cao phải sang Trung quốc. Nước ta thời ấy đã có những ngưới đỗ Tiến sĩ, làm quan to như Khương Thần Dực làm Thứ sử Ái Châu [Thanh Hóa] có hai người cháu du học Tràng An, đều đỗ Tiến sĩ : Khương Công Phụ đỗ năm 784, Đường Thuận Tông cḥo làm Thứ sử Cát Châu, làm quan đến Gián Nghị Đại phu Đồng Trung thư môn hạ Bình chương sự ; em là Khương Công Phục cũng đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Lang trung bộ Lễ, Bắc bộ Thị lang. Có lẽ vì sĩ tử gốc Việt thành đạt ngày một nhiều nên năm 845 vua Đường hạn chế số người Nam thi khoa Tiến sĩ không được quá 8 người, thi khoa Minh kinh không được quá 10 người [1].

Đến nhà Lý ta mới bắt đầu tổ chức các khoa thi để kén người ra làm quan : "Năm 1075 Lý Nhân Tông hạ chiếu chọn những người giỏi Kinh, học rộng, mở khoa thi đầu tiên ở nước ta, thi Nho học ba trường gọi là thi Tam trường, kén người Minh kinh bác học.

Suốt thời nhà Lý chỉ mở có 7 khoa. Phép thi bấy giờ phỏng theo Trung quốc nhưng còn sơ sài, chưa có cách thức nhất định, chưa phân chia minh bạch Thi Hương với Thi Hội. Dần dần các triều Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn đều cải sửa cho chế độ Khoa cử hoàn hảo hơn.

Khoa cử Việt Nam thọ được 9 thế kỷ, thịnh nhất dưới triều Lê Thánh Tông. và đến năm 1919 thì bị bãi bỏ dưới thời vua Bảo Đại nhà Nguyễn, tức là thời Pháp thuộc.

Khoa cử kén người hỏi về thuật trị nước của đạo Nho, cũng gọi là đạo Khổng[2] trọng Đức hơn trọng Tài. QTG là nơi huấn luyện Nho sĩ phép trị nước theo đạo Khổng.

Văn bài thì toàn viết bằng chữ Hán, chữ Nôm bị khinh rẻ là "nôm na mách qué", chỉ được dùng có vài lần trong các khoa thi :

- Năm 1565 thời Mạc Mậu Hợp, đề mục kỳ đệ tứ khoa Tiến sĩ là một bài phú Nôm, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Khoa cử nước ta ;

- Năm 1789,mùa thu, vua Quang Trung cho tổ chức khoa thi Tuấn sĩ [thi Hương] ở Nghệ An, đây là khoa đầu tiên văn bài viết toàn chữ Nôm tuy đề mục vẫn bằng chữ Hán. Sai Nguyễn Khải Xuyên [tức La-Sơn Phu-Tử Nguyễn Thiếp] làm Đề Điệu [Chủ khảo]. [3]

Nhà Nguyễn lại bỏ chữ Nôm, thi toàn dùng chữ Hán và phải đến thời cải cá́ch [1909] mới có những bài thi viết bằng quốc ngữ, 1 bài địch chữ Pháp, dưới sự ép buộc của Chính phủ Bảo hộ.

Khoa cử, gồm cả Thi Hương và Thi Hội, được tổ chức trung bình 3 năm một lần trừ phi có những ân khoa ăn mừng vua mới lên ngôi, sinh hoàng tử hay sinh nhật của vua v.v... Thời Nguyễn, Thi Hương thường được tổ chức khoảng tháng chín năm trước, Thi Hội tháng ba năm sau. Thi Hương kén Hương Cống / Cử nhân, Thi Hội kén Tiến sĩ.

I- THI HƯƠNG

A - TRƯỜNG THI

Chữ trường có ba nghĩa khác nhau :

a- "Trường" trỏ cái trường xây trên một khu đất có rào xung quanh, bên trong có chỗ cho học trò cắm lều ngồi thi, chỗ ở và chỗ làm việc cho quan trường cùng các nha lại giúp việc. Thí dụ : Trườ̀ng Nam Định.

b- "Trường" trỏ các kỳ thi của mỗi khoa. Thí dụ . Năm 1807 định phép thi Hương 4 trường / 4 kỳ : Trường 1 thi Kinh nghĩa ; Trường 2 thi chiếu, biểu, chế ; Trường 3 thi thơ phú ; Trường 4 thi văn sách.

c- "Trường" trỏ vào tên trường thi Hương của sĩ tử. Vì thi Hương chỉ được tổ chức trung bình 3 năm một lần nên số sĩ tủ quá đông phải chia ra nhiều trương ở rải rác trong nước. Số trường tăng hay giảm tùy thời. Thời Gia Long khoa đầu tiên năm 1807 chỉ có 6 trường : Nghệ An, Thanh Hoa, Kinh Bắc sau gọi là Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam.

Khi Pháp chiếm trường thi Hà Nội, sĩ tử trường Hà phải thi ghé trường Nam Định, chung với sĩ tử trường Nam Định, nên trường thi ấy lấy tên chung là "Trường Hà-Nam".

Học trò bắt buộc phải thi ở trường mà quê hương mình phụ thuộc, vì thế gọi là thi Hương. Nhưng phải là quê ông cha mình. Tiểu sử Nguyễn Du thường chép ̉ông đã "thi đỗ Tam trường" nhưng không ai biết là "tam trường thi Hương hay tam trường thi Hội. Thi Hương có nhiều trường nhưng thi Hội chỉ có một trường thi ở Kinh đô, vì thế gọi là Thi Hội.

Có người viết Nguyễn Du thi ở Sơn Nam, có nghĩa tin là Nguyễn Du thi Hương, nhưng Sơn Nam không phải là quê hương Nguyễn Du mà là quê vợ, Nguyễn Du không có quyền thi ở đấy, nếu cứ thi bừa, khi phát giác sẽ bị nghiêm trừng. Nói Nguyễn Du thi ở trường Nghệ thì còn có lý vì Nguyễn Du người Hà Tĩnh.

Vấn đề đặt ra vì tiểu sử Nguyễn Du chỉ viết ông đỗ Tam trường mà không nói rõ Tam trường thi Hương hay Tam trường thi Hội, cũng không cho biết thi đỗ năm nào. Phần đông cho vì Nguyễn Du chưa có học vị tất nhiên là Tam trường Thi Hương và gọi ngay ông là Sinh đồ [đỗ̉ Tứ trường gọi là Hương Cống. tức Cử nhân thời Nguyễn]. Có người còn gọi ông là " Du" [danh từ Tú tài thay cho Sinh đồ chỉ đến thời Minh Mệnh mới dùng mà Nguyễn Du thì sống thời nhà Lê]. Thật ra Nguyễn Du được hưởng chế độ đặc biệt dành cho con quan đại thần tức là được phép thi nơi cha mình trọng nhậm không cần phải về thi ở trường Thi Hương quê mình. Cha ông là Nguyễn Nghiễm, quê ở Tiên Điền [Nghệ Tĩnh], làm quan đến chức Tể tướng ở Thăng Long nên ông có thể đặc cách được phép thi hương ở Thăng Long không phải về thi ở Trường Nghệ. Nhưng con quan đại thần còn được hưởng chế độ tập ấm, miễn thi Hương, sau khi qua một kỳ sát hạch, đỗ là được thi Hội không cần phải là Hương Cống. Trong bài "Vì sao tôi nghiên cứu Khoa cử", viết năm 2000, tôi đã đặt câu hỏi "Nguyễn Du đỗ Tam trường thi Hương hay thi Hội ?" và đi đến kết luận : "Nguyễn Du vì là con quan đại thần, được tập ấm, miễn thi Hương, chỉ có thể thi Hội ở Thăng Long năm 1781, 17 tuổi". Mấy năm sau tôi mới được đọc trong Tập San Văn Hiến, số "Tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du" [tr. 20], tác giả Lê Xuân Giáo cho biết Cụ Nghè Mai, cháu đời thứ năm của Nguyển Du xác nhận : "Năm 18 tuổi [tuổi ta] tiên sinh [từ quê] trở ra kinh đô dự thi Hội năm Quý Mão [1783] được vào Tam trường, có phân số [điểm] nghĩa là được liệt vào hạng khá, sẽ được bổ dụng".

Trường thi đời Lê so với thời nhà Nguyễn có nhiều chỗ khác nhau nhưng là "đại đồng tiểu dị", những cái chính như nhà Thập đạo, khu học trò cắm lều, chòi canh v.v... đều phải có tuy xếp đặt khác nhau.

- Trường thi thời nhà Lê dưới ngòi bút của Nguyễn Triệu Luật [́Bốn con yêu và hai ông Đồ]:" Đời Lê, ba năm một khoa mới dựng trường thi, nhà tranh rào nứa. Sau mỗi khoa phá đi lấy đất trồng trọt. Đất ấy là đất công, mỗi người chia nhau làm một năm, không ai chịu tro phân, thỉnh thoảng lại phải nghỉ một vụ để thi nên không ai thiết trồng trọt ở khu ấy [...] kém mầu, kém chăm nom, cây cối leo heo, xơ xác, Giữa vụ cây đang vươn lên thì khu ấy lờ mờ in thành một hình vuông, những cây kém mầu cằn cỗi ở giữa một cánh đồng xanh tốt".

Theo Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục, thì chung quanh ngoài trường trồng rào tre dầy, trong chia ra bốn từng, từng trong cùng̀ là nơi ở của các quan Đồng khảo, Phúc khảo và Giám khảo [Nội trường] ; từng giữa là nơi ở của các quan Đề Điệu, Giám thí và những người chấp sự, đều trồng rào dầy ; hai từng bên ngoài là nơi sĩ tử làm bài thi, trong hai từng này chỉ trồng rào thưa. Khu này có hai con đường chạy dọc ngang thành hình chữ thập, chia ra bốn phần [bốn vi], ngay trên điểm hai con đường gập nhau nhau dựng một nhà tranh, nhà Thập đạo, để tiện việc thu quyển của sĩ tử.

- Thời nhà Nguyễn, năm 1845 vua Thiệu Trị bắt xây trường thi Nam Định ở xã Năng Tĩnh, phía Tây tỉnh thành, gồm 21 tòa nhà bằng gạch ngói cho quan trường song chỗ cho học trò thi thì vẫn để đất trống cắm lều. Trường có 7 chòi canh : 4 cái nằm ở 4 góc, 3 cái nằm trong khu học trò thi, chòi chính giữa ở cạnh nhà Thập đạo dành cho quan Giám sát Ngự sử Ngoại trường ngồi canh ngày thi. Ngoài c̀̉ổng trường cũng như trước những cửa thông giữa Nội trường và Ngoại trường đều có lính canh gác ngảy đêm trong suốt thời gian có khoa thi, khoảng 5 tuần kể từ ngày quan tiến trường.

- Chi tiết trường thi thời Nguyễn, đại để chia làm hai phần chính :

1- Khu học trò cắm lều ở ngoài cùng, có hai con đường Nam Bắc, Đông Tây cắt nhau thành hình chữ thập, chia khu đ̣ất thành 4 vi Giáp, Ất, Tả, Hữu, có rào nứa ngăn cách. Giữa chỗ hai con đường gập nhau người ta xây nhà Thập đạo là nơi quan trường họp để ra đề thi và cũng là nơi học trò lấy dấu Nhật trung, cánh quyển [quyển bị tì ố phải đổi quyển mới] hay nộp quyển khi làm xong văn bài.

2- Khu Khảo quan : Phía trong lại chia ra hai khu chính :

a- Nội trường ở trong cùng là chỗ ở và làm việc của các ông Sơ khảo, Phúc khảo, Giảm khảo, Giám sát Ngự sử Nội trường cùng lại viên. Khi có việc cần thương nghị thì họp ở Giám viện.

b- Ngoại trường ở bên ngoài, chỗ giáp với khu học trò cắm lều, dành cho các ông Chánh, Phó Chủ khảo, Phân khảo cùng Giám sát Ngự sử Ngoại trường và lại phòng. Hội đồng họp ở Thí viện.

- Khu Đề tuyển bé nhỏ, nằm lọt ở giữa Ngoại trường và Nội trường, rào kín chỉ chừa một lối thông ra Ngoại trường, là nơi dành cho các ông Đề tuyển cùng lại phòng. Công việc của các ông Đề tuyển là rọc phách [chỗ có tên học trò ở mặt quyển] cất đi trước khi giao quyển thi cho các quan chấm, chấm xong kháp phách mới biết tên tác giả quyển thi ; lập danh sách những người đỗ v.v... Vì chỉ các ông Đề tuyển giữ việc kháp phách mới biết tên tác giả những quyển thi nên người ta cố ý chọn những người ít chữ làm Đề tuyển để không thể sửa bài hộ học trò được. Khu này nghiêm cấm không cho ai bén mảng tới để tránh những chuyện tư túi.


Trường thi Nam Định thời Nguyễn
Họa đồ Trần văn Giáp

 

B - CHUẨN BỊ - ĐIỀU KIỆN

1- Thí sinh trước khi thi Hương phải thi Hạch, có đỗ Hạch mới được dự thi Hương. Thi Hạch đỗ đầu được vinh hạnh gọi lả "Đầu Xứ".

a- Tuổi tác không hạn định. Khoa 1900, trường Nghệ có cụ Đoàn Tử Quang 82 tuổi đỗ Cử nhân thứ 29. Văn bài đáng lấy đỗ Á nguyên [đỗ thứ nhì] hiềm vì quên không viết "Cộng quyển nội" ở cuối quyển thi, phạm trường quy, lẽ ra bị đánh hỏng song nhờ Chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh làm sớ tâu xin nên được đỗ áp bét. Khi dự yến Tân khoa, Đoàn Cử nhân không quên đem phần về cho mẹ lúc ấy 98 tuổi !


Một Thi sinh 60 tuổi ̣đeo ống quyển
Trường Nam Định, Khoa Nhâm Tý (1912)

b- Cấm thi : Những người làm phản, làm giặc, trộm cướp hay làm nghề "xướng ca vô loài" thì con cháu ba đời sau cũng không được đi thi. Đào Duy Từ [1572-1634] vì người cha coi đội nữ nhạc trong cung Lê Anh Tông nên bị đánh hỏng. Đào Duy Từ uất ức mới bỏ vào Nam giúp Chúa Nguyễn, trờ nên đệ nhất công thần nhà Nguyễn.

Thời Pháp thuộc Giáo dân bị coi là phản nghịch, theo Pháp chống lại triều đình, nên lúc đầu cũng không được phép đi thi.

Những người có đại tang không được thi vì có liên quan đến đạo hiếu của Nho giáo. Năm 1819 trường Gia Định có người giấu tang đi thi đỗ tam trường, việc phát giác, bị tội đồ.

Quân nhân : Nhà Trần rất trọng tinh thần thượng võ. Người làng Tức mặc, quê hương của các vua nhà Trần, đặc biệt bị cấm không được học văn nghệ sợ khí lực kém đi, cốt để giữ tinh thần thượng võ, nêu cao gương sáng cho toàn quốc.

Và tất nhiên phụ nữ cũng không được đi thi trừ trường hợp đặc biệt của bà Nguyễn thị Du cải nam trang thi đỗ Trạng nguyên với nhà Mạc ở Cao bằng khoảng đầu thế kỷ XVII [4].

c- Nộp quyển : Những người hội đủ điều kiện được phép nộp quyển tức là một cách ghi tên để đi thi. Trước kỳ thi độ vài ba tuần Thí sinh nộp 3 quyển vở [trù liệu cho 3 kỳ thi đầu] cho quan Đốc học hàng tỉnh. Nếu được vào kỳ Phúc hạch sẽ nộp quyển thứ tư. Mặt quyển phải khai tên họ, quê quán, lý lịch ông cha ba đời v.v...

Năm 1462 định lệ những người đi thi phải cung khai rõ : xã, huyện, tên tuổi, chuyên trị Kinh nào cùng là cước sắc ông cha ba đời. Xã trưởng phải làm giấy bảo kết, chịu trách nhiệm về lý lịch, hạnh kiểm người đi thi. Những người bất hiếu, bất nghĩa, điêu toa, loạn luân v.v... dù giỏi cũng không được phép đi thi.

Ống quyển là cái ống gỗ có nắp ̣để ̣đựng quyển thi khỏi bị tì ố, các nhà Nho trân trọng đeo ở trước ngực, đó là một vinh dự không bao giờ để cho người khác mang hộ như lều chõng.

d- Lểu chõng : Trước khi lên đường Thí sinh phải chuẩn bị lều, chõng, yên [bàn thấp kê trên giường để ngồi mà viết].


Một cái lều
Trường Nam Định (1912)

Phải dự bị một cái tráp trong đựng thức ăn, giấy, nghiên, bút, mực và không quên dao, kéo, dùi đẻ có đủ dụng cụ đóng quyển mới, phòng trường hợp bị cánh quyển tức là phải hủy bỏ quyển cũ vì lỗi lầm hay tỳ vết. Quyển cũ nộp lại phòng còn quyển mới sau khi cung khai tên họ, lý lịch...phải xin lại dấu Giáp phùng ở nhà Thập đạo.

Trường thi có khi ở xa, cá́ch sông qua đò, phải chuẩn bị tiền lộ phí, tiền trọ... tốn kém nên họ hàng, bạn bè hay giúp đỡ "tiền đò" để Thí sinh chi dụng trong suốt thời gian thi dài khoảng 5 tuần.

2 - Khảo quan - Thời Nguyễn : Độ 3 tuần trước ngày thi, triều đình dựa theo số sĩ tử mỗi trường mà cắt cử khảo quan nhiều hay ít. Khảo quan chia ra 2 ban chính :

a- Ban Giám khảo phụ trách việc chấm thi lại chia ra :

Nội trường gồm những người chấm trước tiên, theo thứ tự là các Sơ khảo, Phúc khảo rồi đến Giám khảo ;

Ngoại trường gồm Chánh, Phó Chủ khảo và các Phân khảo.


Lễ Xướng danh , Toàn ban Giám khảo , 
Trường Nam Định, 
Ảnh Salles 27/12/1897

Chủ khảo Cao Xuân Dục
Lễ Xướng danh ,Trường Nam Định, 
Ảnh Salles 27/12/1897

Giảm khảo Cao XuânTiếu, con Cao Xuân Dục
Lễ Xướng danh ,Trường Nam Định, 
Ảnh Salles 27/12/1897

b- Ban Giám sát có trách nhiệm canh phòng, giám thị cả quan trường lẫn học trò, thấy điều gì trái phép phải đàn hặc, nếu không thì chính mình bị tội. Ban này gồm các Giám sát Ngự sử, các viên Thể sát, Mật sát và lính canh.


Giám sát Thân Trọng Koái,
Lễ Xướng danh ,Trường Nam Định, 
Ảnh Salles 27/12/1897

- Giữa Nội trường và Ngoại trường là chỗ ở và làm việc của các Đề tuyển và lại phòng. Hai ông Chánh, Phó Đề Tuyển phụ trách những việc biên chép, rọc phách [cắt phần tên học trò trên mặt quyển, phần ấy gọi là cái phách] cất đi trước khi giao quyển cho quan trường chấm, kháp phách [đem phách trả lại quyển thi để biết tên tác giả], yết bảng v.v... có các lại phòng phụ giúp.

c- Lễ Tiến trường : Các quan Kịnh được cắt cử chấm thi thu xếp lên đường đến tỉnh có trường thi, vào ra mắt quan Tổng đốc đầu tỉnh rồi tức khắc làm lễ Bái vọng [vua] và cử hành lễ Tiến trường : đám rước các quan vào trường thi có đầy đủ chiêng trống, võng lọng, cờ xí... Vào trường thi rồi các quan phải ở luôn trong ấy cho đến khi thi xong mới được ra, khoảng 5 tuần.

Khảo quan ở phòng riêng, cửa khóa trái, hàng ngày có người đưa đồ ăn vào, không được đi lại, trò chuyện với nhau, không được đem mực đen vào trường thi ph̀òng sửa bài giúp học trò.

Cao Bá Quát làm Sơ khảo trường Thừa Thiên năm 1841 cùng Phan Nhạ lấy muội đèn sửa hộ bài cho 24 quyển, vớt được 5 người phạm trường quy. Chủ khảo Bùi Quỹ thấy Quát viết đẹp gọi ra Ngoại trường viết bảng. Nguyễn văn Siêu làm Phân khảo giữ̉ Quát ngủ một đêm ở Ngoại trường. Việc bị Giám sát Hồ Trọng Tuấn đàn ḥặc. Án xử : Quát, Nhạ bị tội tử hình, Siêu phạt trượng và tội đồ, Chủ khảo bị cách chức, Giám khảo bị giáng chức. Vua Thiệu Trị cho là Quát chỉ muốn cứu vớt những thí sinh có tài mà lỡ phạm luật trường quy, lại thương Quát là người tài giỏi, tha án xử trảm, giảm xuống "giảo giam hậu" [cho chết được toàn thây, kể như nhẹ hơn bị chặt đầu] sau lại đổi ra "xuất dương hiệu lực" theo một phái đoàn đi Tân Gia Ba lấy công chuộc tội. Siêu được tha tội đồ [đi đầy]. 5 người thi đỗ phải thi lại cả ba kỳ, quyển đều khá, lại trả về bảng Cử nhân.

3 -Nhật kỳ : Ngày thi do triều đình ấn định tùy theo số học trò và số khảo quan. Kỳ đệ nhất bao giờ cũng dài vì học trò đông, kỳ đệ nhị một số lớn bị loại, thời gian chấm nhanh hơn, kỳ đệ tam còn nhanh ḥơn nữa. Đồn rằng có ông quan chấm thi hết việc, bị giam trong phòng, ngồi buồn phải đánh đáo với người hầu mình.

C - ỨNG THI

1- Lễ Điểm Danh là lễ gọi tên học trò vào trường sáng hôm thi. Từ sáng sớm các ông Ngự sử Giám sát lên chòi canh, các Khảo quan mặc triều phục lên ghế tréo trước cổng mỗi vi để chứng kiến lễ Điểm danh.


Sĩ tử nhập trường
1912 - Trường Nam Định, khoa Nhâm Tý

1912 - Trường thi Nam Định, chòi canh, lều sĩ tử 

Thời Nguyễn, trước ngày thi độ một tuần, quan Đốc học chuyển quyển thi của học trò đến trường thi. Sau lễ Tiến trường ông Đề Tuyển Ngoại trường sai lại phòng biên tên học trò vào sổ, đóng dấu Diện tên thí trường lên mặt quyển thi, ông Đề Tuyển Nội trường phụ trách việc đóng dấu Giáp phùng lên giữa trang 2 và trang 3. Chia đều học trò ra 4 vi bằng cách chép tên học trò lên giấy trộn đều rồi chia ra 4 phần, dán tên lên bảng yết danh để yết trước cổng mỗi vi cho học trò biết ai vào vi nào. Quyển thì đóng hòm riêng, giao cho Ngoại trường để lúc điểm danh phát cho học trò đem vào trường làm bài.

2- Trường quy- Trước một ngày treo bảng Yết danh và bảng Trườngquy. Trường quy là những luật lệ học trò phải tuân theo khi làm văn bài, một phần để phòng ngừa gian lận, một phần để tỏ lòng tôn kính vua và các quan trường. Thí dụ :

- Phạm huý là phải kiêng không viết tên vua, hoàng hậu... gập chữ "Ánh" thì phải tách ra bên tả viết chữ "nhật" bên hữu chữ "ương".

- Khiêm cung là khi làm bài tự xưng mình với quan trường thì viết chữ "sĩ" nhỏ bằng nửa chữ thường và lệch về bên hữu để tỏ ý khiêm tốn.

- Dấu Giáp phùng là con dấu mang những chữ "văn hành công khí" [Cái cân văn là của chung]. Dấu này đóng ở giữa khe trang 2 và trang 3 trước khi phát quyển cho học trò, mục đích để kẻ gian không thể tháo ra đánh tráo những bài làm sẵn từ trước. Chỗ có dấu Giáp phùng phải viết đè lên trên.

- Dấu Nhật Trung là con dấu đóng trong trường thi vào khoảng giữa trưa sau khi đã viết được ít nhất hai dòng rưỡi vảo quyển văn thì đến nhà Thập đạo xin dấu này để chứng tỏ bài làm trong trường. Viết bài gập dấu Nhật trung không được viết đè lên.


Dấu Giáp phùng và dấu Nhật trung
Quyển thi khoa 1913

- Cộng quyển nội là làm bài xong cuối quyển phải ghi rõ số chữ bị xóa hay sửa, móc... trong bài rồi viết "Cộng quyển nội", không được quên. Cũng không được phép sửa chữa quá 10 chữ. Sau khi nộp quyển, lại phòng đóng dấu lên dòng cuối,


1913 - Con dấu của Thí trường ở trang cuối chứng nhận khi nộp quyển

Không tuân theo những luật lệ ấy thì gọi là "phạm trường quy" sẽ bị đánh hỏng dù "văn hay, chữ tốt" như Tú Xương :"Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy !".

3- Đề mục - Sau khi học trò vào trường, cổng trường khóa lại, trừ trường hợp đặc biệt không ai được ra vào nữa. Các quan họp ở nhà Thập đạo để ra đề mục rồi đem yết ở "nhà bảng" mỗi vi, đánh trống báo hiệu cho sĩ tử biết mà đến chép ̣đầu bài vào quyển thi trước khi làm bài.

Mỗi khoa có ba kỳ thi chính hỏi về :

- Kinh nghĩa rút từ các kinh sách ;

- thơ phú, không phải loại thơ thù tạc khi trà dư tửu hậu mà để xét tài ứng đối mẫn tiệp, rất cần những khi ngoại giao, đi sứ Trung quốc để không làm nhục quốc thể, như trường hợp Thám hoa Giang văn Minh [1573-1639] khi cầm đầu phái đoàn đi sứ [1637-1639] sang nhà Minh tuế cống, Minh Sùng Trinh cố tình làm nhục không ngờ bị Giang văn Minh ứng đối rất đanh thép, tài tình khiến vua tôi nhà Minh căm tức đem giết đi [5].

- văn sách hỏi về thuật trị nước.

+ Một thí dụ : Đề thi Khoa Tân Mão, 1891 :

- Trường 1 thi Kinh nghĩa, 7 đề [2/11/1891, tức mồng 1 tháng 10 âm lịch] :

a- "Nhân dữ nghĩa" [Luận ngữ] = nhân và nghĩa.

b- "Lục tam đức" [Kinh Thư] = "lục" là loại thứ 6 trong "cửu trù" tức 9 pháp độ của Cơ Tử nhà Ân trình bầy để trị thiên hạ ; "tam đức" là chính trực, cương khắc và nhu khắc.

c- "Tể tể đa sĩ" [Kinh Thi] = nhan nhản nhiều kẻ sĩ.

d- "Trịnh Bá sử Uyển lai quy Phường" [Kinh Xuân Thu] = Trịnh Bá sai Uyển đến nước Lỗ đổi đất Phường [thuộc đất Trịnh nhưng gần Lỗ] lấy ấp Hứa [thuộc Lỗ nhưng gần Trịnh].

e- "Cố thiên hạ quốc gia khả đắc chi chính giã" [Trung Dung] = cho nên thiên hạ và quốc gia có thể chính đáng mà không sai lệch được.

f- "Tần thệ Việt : nhược hữu nhất cá thần" [Kinh Thư] = nếu có một người bầy tôi giỏi mà vua biết dùng thì có thể gây được nền thịnh trị cho nước.

g- "Dục vi thần tận thân đạo" [Mạnh Tử] = muốn cho người làm tôi biết trọn bổn phận làm tôi.

- Trường 2 thi thơ phú [19-11-1891 tức ngày 18 tháng 10 âm lịch] :

a- "Đình liệu quang thi", thất ngôn, đắc "đình" tự" [Kinh Thi, Tiểu nhã] = bóng ̣đuốc đình liệu, thơ 7 chữ, vần "đình" = Thời xưa có việc quan trọng thì đêm đốt củi để soi sáng, gọi là đình liệu.

b- "Sạ hữu tự quân tử phú" [Luận Ngữ] = trong thuật bắn cũng có lối bắn cho thấy cá́ch cư xử của người quân tử.

- Trường 3 [29/11/1891 tức ngày 28 tháng 10 âm lịch] : 1 đề văn sách rất dài.

- Trường 4 : Phúc hạch lúc đầu chỉ phải làm một bài thơ để so tự dạng với quyển văn xem có đúng cùng một người viết kkhông, về sau phải thi lạị tất cả các đề mục.

Phúc hạch khoa Tân Mão ngày 6/12/1891 tức mồng 6 tháng 11 âm lịch] :

a- Kinh nghĩa : "Sâm hồ ! ngô đạo nhất dĩ quán chi. Tăng Tử viết :"Dụy" [Luận ngữ] = Khổng Tử nói :"Ngươi Sâm [tên của Tăng Tử] kia ơi, đạo của ta chỉ lấy một lý suy ra thìthông suốt được cả". Tăng Tử thưa :"Dạ".

b- Phú : "Long hổ bảng phú...", "đắc nhân" vi vận [chữ ở Vân kỳ loại lãm]. Lục Tuyên công làm Chủ khảo, chọn được bọn Hàn Dũ, Âu Dương Thiềm đều lã những anh tuấn vĩ kiệt trong thiên hạ nên người ta gọi là "Long hổ bảng".

c- Một đạo Văn sách dài. [6]

4- Văn bài: Ngoài Kinh nghĩa, thơ phú, văn sách Thí sinh có khi còn phải thi những môn khác như chiếu, biểu, chế v.v...mỗi môn có một lối làm văn riêng.

a- Kinh nghĩa là giải thích rộng ra những chỗ uẩn súc trong một câu kinh sách mà quan trường chọn làm đầu đề, phải phát minh những ý nghĩa còn nghi hoặc trong sách để làm cho nghĩa Kinh thêm sáng tỏ.

Kinh nghĩa thường được chọn làm kỳ thi đầu tiên để loại bớt ngay từ đầu những người quá kém. Thời nhà Nguyễn mỗi kỳ thi có tới 5, 7 hay 10, 12 đề, học trò được tùy ý lựa chọn :

- Chuyên kinh chỉ cần làm 1 bài Kinh, 1 bài Truyện [trong Đại Học phần Truyện là lời chú giải của Tăng tử].

- Kiêm trị là làm tất cả mọi đề, chỉ những người giỏi mới dám làm Kiêm trị.

Ở Trung quốc, thời xưa kinh nghĩa viết đối nhau hay văn xuôi đều được, từ đời Minh, thế kỷ XV, lối Bát cổ [văn 8 vế/đoạn, ở những đoạn 4, 5, 6, 7đều có 2 vế đối nhau] cũng gọi là văn biền ngẫu, thông dụng nhất trong trường thi.

Năm 1728 Tham tụng Nguyễn Công Hãng [1680-1732] cho lối văn kinh nghĩa trước chỉ rập theo khuôn sáo cũ, nếu dùng lối Bát cổ có thể thu được những người có t̀ài lạ, định đến kỳ kinh nghĩa thi Hương, thi Hội sẽ dùng văn Bát cổ nhưng chưa kịp thi hành đã mất ngôi Tham tụng.

Phạm Đình Hổ, trong Vũ Trung Tùy Bút, nhận định :"Không phải người học quán xuyến cả Kinh Truyện thì không thể hạ bút viết được lối ấy". Tuy nhiên, ở Trung quốc vua nhà Thanh từng phê bình "lối văn Bát cổ không quan thiết gì đến phép trị thế" và ở nước ta cũng có nhiều người không hoan nghênh.

b- Thơ có 2 loại :

- Cổ phong / Cổ thể không có quy tắc nhất định về niêm luật, Có từ trước đời Đường.

- Đường luật / Cận thể cũng gọi là thơ thất ngôn bát cú là loại thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ, đặt ra từ đời Đường,có niêm luật, bố cục nhất ̣định.

- Phú có 2 thể :

Phú cổ thể chia làm 2 loại : thể Ly taothể Văn tuyển.

Phú Đường luật .

- Chiếu là lời vua ban cho thần dân để hiểu biết hiệu lệnh.

- Chế là lời vua ban khen.

- Biểu là lời thần dân dâng lên vua để bầy tỏ điều gì.

Có 2 thể loại :

Cổ thể : văn xuôi, không vần ;

Cận thể / Tứ lục : mỗi câu chia làm 2 phần : trên 4 chữ, dưới 6 chữ hay ngược lại. Có niêm, có đối.

c- Văn sách là môn thi quan trọng nhất của mỗi khoa. Sách có nghĩa là mưu kế, hoạch định. Đề mục thường hỏi về chính trị, quân sự, trách nhiệm của vua quan, phép sử dụng nhân tài, tác dụng của học hành, giáo hóa v.v... Đề mục gồm 2 phần :

- Cổ văn hỏi các điển tích trong kinh sử thời xưa ;

- Kim văn hỏi tình thế đương thời so với đời xưa.

Làm Cổ văn phải thích rộng ra, dẫn chứng gẫy gọn, làm Kim văn bầy tỏ ý kiến, mưu hoạch thực dụng, biện luận dẫn chứng.

Đời Hồng Đức [1470-1497], Lê Thánh Tông, hỏi một cách bao hàm rộng rãi, lấy được nhiều người tài giỏi, học quán xuyến cổ kim. Từ đời Quang Hưng [1578-1599] trở đi chuyên hỏi những câu dài, hiểm hóc. Phải đọc kỹ đầu bài để nhận ra những chỗ hỏi mẹo mà tránh.

Nói chung thì làm bài phải khen cổ nhân và chê hậu nhân :

Đường, Ngu, Tam đại thì khên
Hán, Đường trở xuống thì lèn cho đau.

Thời nhà Nguyễn cũng rập theo khuôn mẫu đời Lê Trung Hưng.

Năm 1832 định lệ ra đề độ 300 chữ thi bài làm phải khoảng 1000 chữ.

5- Kết quả

a- Luật lệ chấm thi :

- Nội trường : Ngày thi ông Đề Tuyển Ngoại trường phải ra nhà Thập đạo ngồi trông cho lại phòng nhận quyển học trò làm văn bài xong đem nộp, bỏ vào hòm, hết giờ niêm phong lại. Những quyển nộp sau khi khóa hòm thì đóng dấu Ngoại hàm vào trang đầu để riêng ở ngoài +không chấm, rồi giao cả cho ông Đề Tuyển Nội trường trông cho lại phòng rọc phách tức là vẽ lên mặt quyển 1 hay 2 vòng tròn to nhỏ khác nhau, 2 bên cạnh viết 2 dòng chữ ngắn giống hệt nhau [thí dụ : Giáp nhất hiệu, hay Kiền lục hiệu...] rồi gấp tờ giấy làm đôi theo chiều dọc, xé lấy nửa có tên họ cất đi ̣để quan trường không thể nhận ra bài do ai viết thì chấm mới công bằng. Nửa xé đi gọi là cái phách đem cất đi, đợi khi chấm xong thì hồi phách / kháp phách tức là đem ráp với nửa còn lại trên mặt quyển, hễ ăn khớp là biết tên người viết.


Cung khai tên tuổi và đường kẻ để rọc phách
Quyển thi khoa 1913

Rọc phách rồi ông Đề Tuyển cho đóng hòm quyển thi chuyển vào Nội trường. Ông Giám khảo phải xét dấu niêm phong hòm trước khi phân phát cho các ông Sơ khảo chấm trước nhất bằng son ta, thứ đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh rồi ông Giám khảo duyệt bằng mực mầu hồng đơn. Tất cả phải đề rõ tên họ, chức tước và số điểm phê rồi ký tên.


1913 - Mặt quyển thi Hội - Cung khai tam đại...
Nguyễn Quảng Tuân dịch.

Các ông Sơ khảo, Phúc khảo chấm thấy quyển ǹào phạm trường quy thì ngừng không chấm nữa, cài vào chỗ ấy mảnh giấy nhỏ ghi tội trạng như phạm húy, khiếm tị v.v...những ông chấm sau xét thấy quả có tội thì chỉ ký tên vào đầu quyển chứ không chấm. Những quyển ấy sau khi hợp phách cũng phải làm sổ đưa ra Ngoại trường để xét ai tội nặng đáng nêu tên lên "bảng con", thường là những tội phạm húy [viết tên vua, tên cung vua...], khiếm đài [gập chữ cỏ liên hệ đến bản thân vua phải đài lên cao một hay hai tầng để tỏ ý kính trọng], bất túc [làm bài bỏ giở]... những quyển kia chỉ bị đánh hỏng. Tên bị nêu lên bảng con là một cái nhục.

Chấm thi chia 4 hạng chính : ưu, bình, thứ, liệt, cũng có khi chia ra nhiều hạng hơn như : thứ thứ, thứ mác [bên chữ thứ có có một nét như hình cái mác, nghĩa là "tạm được"], thứ cộc [mác ngắn, nghĩa là "tầm thường"]. Thời Pháp thuộc mới chấm điểm từ 0 đến 10 hay 20.

- Ngoại trường - Nội trường chấm xong giao cho Đề Tuyển chuyển ra Ngoại trưường. Chánh, Phó Chủ khảo duyệt lại những quyển lấy đỗ bằng son Tầu mầu đỏ tươi ; những quyển bị Nội trường đánh hỏng do các ông Phân khảo xét lại xem có vớt được ai thì trình lên Chủ khảo định đoạt. Nếu có sự bất đồng ý kiến thì họp ở Giám viện để thảo luận.

- Yết bảng từng kỳ - Chấm xong kháp phách, chọn những quyển được vào kỳ sau làm bảng yết danh ở 4 vi và ghi tên vào sổ... Một bọn lại phòng khác mở hòm lấy những quyển trắng của học trò ra soạn : những quyển của người thi hỏng để riêng, những quyển của người được vào kỳ sau chia làm 4 rồi đóng hòm gửi ra Ngoại trường để phát cho học trò vào 4 vi.

Cũng có khi chấm lối quán quyển tức là Thí sinh được dự cả ba kỳ thi rồi mới cộng điểm mà định đoạt lấy đỗ hay đánh hỏng. Thường thì khe khắt hơn, lọai dần từng kỳ, người giỏi văn sách mà kém kinh nghĩa bị loại ngay sau kỳ đầu, không được thi thố tài năng như trường hợp Trần Quý Cáp [1870-1908] giỏi văn sách nhưng hỏng thi Hương mãi, sau vì là Tú Tài Thượng hạng đặc cách được thi Hội, thi Đình không cần phải đỗ Cử nhân, tuy khg đỗ đầu nhưng riêng về văn sách thi Hội đè được ông Hội nguyên, thi Đình đè được ông Đình nguyên [7].

Chép đầu bài quên một chữ, nhầm một chữ cũng bị đánh hỏng.

Chữ đp được thêm điểm, chữ xấu quá có khi bị đánh hỏng. Trong Lê Quý Đôn, Bùi Hạnh Cẩn kể thời Hậu Lê, Dương Sử chữ xấu bị Sơ khảo trường Kinh Bắc đánh hỏng, sau xét lại nên được lấy đỗ đầu.

Gập trường hợp hai Thí sinh đồng sức thì chọn người cao tuổi vì tin rằng tuổi trẻ mà đỗ cao dễ sinh kiêu căng, chỉ biết có mình, không giúp ích gì cho xã hội.

- Giải ngạch là ngạch lấy đỗ của mỗi trường, do triều đình ấn định từ trước, tùy số người dự thi và sự cần dùng của nhà nước. Thí dụ thời Nguyễn, trung bình mỗi trường ̣độ 3000 Thí sinh thì ngạch lấy đỗ khoảng 30 Cử nhân ; thời Lê, từ 10 đến 150. Tuy nhiên, tùy trường hợp đặc biệt, quan trường được phép gia giảm, chẳng hạn Thí sinh quá kém thì lấy bớt đi. Ngược lại, có khi gập ân khoa, vua "gia ơn" lấy thêm người đỗ gọi là thiêm thử. Để phòng trường hợp này, các quan trường lấy người vào Phúc hạch [trường 4] bao giờ cũng lấy thêm vài người trên số giải ngạch.

- Danh hiệu : Thời Lê, trung bình thi Hương gồm 4 kỳ /4 trường. Ba kỳ đầu hỏi kinh nghĩa, thơ phu, văn sách, kỳ 4 gọi là Phúc hạch thoạt đầu chỉ so tự dạng với quyển thi để kiểm tra, sau bắt phải thi lại tất cả các đề mục.

Người thi Hương đỗ cả 4 trường / 4 kỳ gọi là Hương cống, thời Minh Mệnh đổi gọi là Cử nhân. Người đỗ Thủ khoa, đỗ đầu, thi Hương gọi là Hương nguyên hay Giải nguyên, người đỗ thứ nhìÁ nguyên.

Người "đỗ Tam trường", đỗ cả 3 kỳ đầu, gọi là Sinh đồ / Tú tài, nhưng những người đỗ Hương Cống / Cử nhân thì ít thấy ai gọi là "đỗ Tứ trường". Tuy nhiên thi Hội thì người đỗ Trúng cách được vào thi Đình cũng được gọi là "đỗ Tứ trường".

Số người được lấy đỗ Tú tài thay đổi tùy thời, thời Nguyễn nhiều nhất là "nhất Cử tam Tú" nghĩa là lấy đố một ông Cử nhân thì lấy ba ông đỗ Tú tài. Trừ những trường hợp đặc biệt, Tú tài không được thi Hội, không được làm quan nhưng được miễn giao dịch và cũng rất được dân chúng trọng vọng. Những người đỗ Tú tài có quyền thi lại kỳ cho đến khi đỗ Cử nhân, nếu đỗ lại Tú tài thì gọi là Tú Kép, đỗ 3 lần gọi là Tú Mền, 4 lần là Tú Đụp, .. Có người thi đỗ tới 10 lần gọi là Tú Mười.

Thời Nguyễn, sau mỗi khoa thi, ông Chánh Khảo phải làm một bản phúc triình kết quả. Ông Giám sát Ngự sử cũng làm một bản sớ tâu hạch những điều sơ xuất, vi phạm luật lệ xẩy ra trong trường thi, bằng không thì chính mình bị hạch tội nếu việc phát giác.

Chấm xong, có khi triều đình duyệt rồi xếp lại thứ tự người đỗ hay đánh hỏng một vài người đã được lấy đỗ.

b- Lễ Xướng danh là cái lễ long trọng diễn ra ở trường thi, cổng Tiền môn. Những người thi đỗ được lần lượt xướng tên to lên, theo thứ tự từ cao đến thấp.

Ngày Xướng danh cổng trường, ngoài biển Phụng Chỉ Cầu Hiền , Tuyển Hiền Trạch Năng..., kết hoa lá, treo cờ xí, có voi ngựa, trống, pháo... người đi xem đông như kiến.


Cổng Tiền môn trường Nam Định với sự hiện diện của 
Toàn quyền P Doumer và Công sứ Nam Định Lenormand, 
Lễ Xướng danh, 
Ảnh Salles 27-12-1897

Tại cổng Tiền môn, một người lại phòng cầm quyển ghi danh sách những người đỗ đọc cho Truyền lệnh sứ, người này trông ra ngoài, gân cổ xướng thật to tên họ, quê quán người đỗ bắt đầu từ ông Thủ khoa. Bên ngoài lại có một người lính khác cầm loa ngửa mặt lên, hướng về tứ phía gọi thêm một lần nữa cho những người ở xa cũng nghe rõ.


Một người lính bắc loa xướng danh
Cổng Tiền môn trường Nam Định
Ảnh Salles 27-12-1897

 Lễ Xướng danh trường Nam Định (1906)

Các khảo quan mặc triều phục, phân thứ tự cao thấp, ngồi trên ghế tréo ở hai bên con đường đi từ cổng Tiền môn đến nhà Thập đạo.Đầu hàng ghế bên trái là quan Phó Chủ khảo với biển "Phụng chỉ", đối diện là quan Chánh Chủ khảo với lá cờ "Khâm sai".


Phó Chủ khảo với biển Phụng Chỉ đầu dẫy ghế bên trái
Ảnh Salles (1897)

Tân khoa trình diện Khảo quan,
Ảnh Salles 


Lễ Xướng danh Trường Nam Định

Tân khoa nghe gọi tên mình thì ph̉ải "Dạ" thật to rồi tiến đến cổng trường trình diện. Nghe tiếng "Dạ" một người lính múa roi rẽ đám đông, tiến về phía có tiếng "Dạ", dẫn ông Cử mới đến chào Khảo quan, lĩnh mũ áo rồi đi thẳng đến cái rạp trước nhà Thập đạo. Trong rạp trải hai dẫy chiếu cạp điều lên mặt đất. Ông Thủ khoa ngồi chiếu đầu bên dẫy lẻ, ông Á nguyên ngồi đầu hàng chẵn.

Theo Ngô Tất Tố [Lều Chõng], lễ Xướng danh thời Lê long trọng hơn : có hai người quản tượng cưỡi hai con voi già chia nhau đi khắp các phố cầm loa gọi để tìm các ông Tân khoa. Có những ông Tân khoa muốn kéo dài thời gian để được nghe tên mình xướng đi xướng lại nên cố trùng trình ăn cơm uống nước chán chê rồi mới chịu ra trình diện. Vì ông Thủ khoa chưa ra mặt thì chưa gọi đến ông Á nguyên nên có khi mất cả ngày mới gọi đủ tên mấy chục ông. Thời Pháp thuộc nghi thức được giảm mà cũng mất ba tiếng mới gọi xong.

- Yết bảng - Sau lễ Xướng danh, tên các ông Cử mới được yết trên Hổ bảng, vẽ con hổ. Thời Pháp thuộc chỉ có bảng ghi tên nhưng không vẽ vời trang trí cho long trọng.


Yết bảng trường Nam Định, khoa 1897
Ảnh Salles

c - Ân tứ là những phẩm vật vua ban thưởng cho các Tân khoa sau lễ Xướng danh như mũ áo, vải lụa, tiền bạc v.v... Thời Pháp thuộc thì các quan Pháp tặng đồng hồ quả quýt [bỏ túi] vỏ vàng hay bạc, lọ mực hay sách học để đi thi Hội...

- Yến tiệc - Theo Ngô Tắt Tố [Lều Chõng] : Sau khi lĩnh mũ áo các ông Tân khoa được đãi yến "Lộc minh" vua ban, do quan Tổng đốc hàng tỉnh lấy tiền trong kho chi dụng. Yến tiệc này giống như cỗ bình thường, có yến sào, vây cá, bào ngư,long tu..., nhưng trên mặt bát bầy hình long, ly, quy, phụng bằng giấy trang kim. Có thêm bánh bằng bột mầu sặc sỡ.

Theo lệ, cỗ có ba hạng dành cho quan khách, các Khảo quan, các Cống sĩ và các lại phòng. Thời Pháp thuộc. cỗ hạng nhất do Chánh Khảo ngồi với Công sứ đầu tỉnh chứ không phải với Tổng đốc.


Cỗ hạng nhất :Chủ khảo Cao Xuân Dục và Công sứ Lenormand
Yến tiệc, 29/12/1897
Ảnh Salles

Cỗ hạng ba : Tân khoa dự yến, bốn người một cỗ
29/12/1897
Ảnh Salles

Trên bàn tiệc các Tân khoa, mấy món tứ linh còn nguyên không ai động đến, theo lệ mỗi ông Cử mới nhận một món cùng vài ba thứ bánh để gói phần đem về cho gia đình được chung hưởng chút ân huệ vua ban.

Trong bữa tiệc, có hát ả đào giúp vui, ông Thủ khoa và ông Á nguyên cầm chấ́u. Theo lệ, ông Giải nguyên được mời làm một bài thơ kỷ niệm niên nghị viết trên giấy hoa tiên rồi các ông Tân khoa. bạn đồng niên, chép lại làm kỷ niệm.

- Lễ tạ ơn vua. Nếu ở ngay kinh thành thì được diện kiến để lạy tạ, nếu ờ các tỉnh xa thì làm lễ ở Vọng cung hoặc ngay ở Thí viện.


Tân khoa lễ tạ vua ở Vọng cung
28/12/1897

Ngoài ra Tân khoa phải làm lễ tạ ơn các Khảo quan hoặc ở Thí viện hoặc ở Đốc Bộ Đường.


Lễ tạ khảo quan ở dinh Công sứ Lenormand
Ảnh Salles

Lễ Thích điện : Tân khoa còn phải tới VM làm lễ Thích điện tức là lễ cáo với Tiên sư [Khổng Tử].

d- Vinh quy - Tin người đỗ báo về làng, dân làng liển cử người ra gập ông Tân khoa để ấn định ngày vinh quy tức là rước về nguyên quán. Đỗ Cử nhân được hàng tổng rước, đỗ Tú ttài được hàng xã rước.

Ngày vinh quy dân làng họp ở đình để cắt cử phu đi rước, những người trong họ ông Tân khoa đều được miễn dịch. Đám rước có cờ xí, kèn trống, bát bửu [8 món đồ quý như đàn sáo, bầu rượu, túi thơ, lẵng hoa, quạt v.v...] long đình [kiệu có mui] để mũ áo vua ban, che hai lọng vàng, võng ông Tân khoa che một lọng xanh, cuối cùng là chức sắc trong làng.

Dọc đường, dân các làng cùng một tổng đặt hương án đầu làng, che một lọng xanh, trên bầy đồ ngũ sự [bình hương, lọ hoa, đèn, nến, đỉnh]. Khi đám rước đến một làng, ông Tân khoa xuống võng chào hỏi rồi lên võng tiếp tục đi. Dân làng cử đại diện nhập bọn, kèm theo mấy lá cờ và hương án.

Về đến làng ông Tân khoa, pháo lại nổ, hương chức ra đón tận cổng làng đưa về nhà. Tân khoa làm lễ cáo ở từ đường [nhà thờ một họ] rồi ra Văn chỉ, đình, miếu làm lễ.

Họ hàng, bạn hữu, dân làng tấp nập đem quà đến mừng : hoành phi, câu đối, trầu cau, rượu, trà, phảo v.v...

e- Khao vọng - Theo tục lệ, ông Cử mới phải làm tiệc ăn khao, giết trâu, mổ bò, dựng rạp để thết đãi khách khứa, mời gánh hát chèo cho long trọng... Không khao thì làng không thửa nhận đã đỗ đạt. Lễ khao vọng có thể kéo dài mấy ngày.

f- Bổ dụng - Sau lễ khao vọng, nếu không chuẩn bị thi Hội thì ngồi chờ triều đình bổ dụng, bắt đầu từ chức Huấn đạo, Giáo thụ [thất phẩm] dần dần lên Tri huyện, Tri phủ [lục phẩm]...

Tú tài không được thi Hội cũng không được bổ dụng trừ những trường hợp đặc biệt, nhưng cũng được trọng vọng và miễn tạp dịch.
 

II- THI HỘI - THI ĐÌNH

A- THI HỘI

1- Tổ chức :

a- Định kỳ - Lúc đầu nước ta chỉ có thi Thái Học Sinh, mãi đến 1396 thời Hồ Quý Ly mới phân biệt Thi Hội là thi ở kinh đô còn Thi Đình hay Điện thí là thi trong cung điện nhà vua. Có đỗ thi Hội mới được thi Đình. Vì thi Đình chỉ có một bài văn sách, mục đích đề xếp hạng đỗ cao thấp nên thường được coi là kỳ thi cuối cùng của thi Hội, và Thi Hội, Thi Đình thường được gọi chung một tên là Thi Hội.

Thi Hội dành cho những người đã đỗ thi Hương, tổ chức ngay năm sau thi Hương, vào khoảng tháng ba, dài độ một tháng. Năm 1838 Định ḷệ từ ngày tiến trường đến ngày xuất bảng là 18 ngày.

Vì thường được tổ chức vào mùa Xuân nên cũng gọi là Xuân Vi hay Xuân Hội.

b- Trường thi - Nhờ có văn bia Tiến sĩ ta biết đích xác trường thi Hội thời Lê thay đổi địa điểm mấy lần. Khi nhà Mạc chiếm ngôi, vua Lê lui về Thanh Hoa thì mở cảc khoa thi ở Thanh Hoa, tại Hành cung. Sau khi diệt nhà Mạc, vua Lê trở lại Thăng Long, thì Hội các Cống sĩ năm 1595 ở bến Thảo Tân [bờ sông Nhị], năm 1688 tại trường thi giữa bãi sông Nhị.

Thời Lê Trung Hưng số người thi Hội còn rất đông, cách thức xây trường thi Hội không khác trường thi Hương mấy.

Năm 1822 Vua Minh Mệnh mở khoa thi Hội đầu tiên của nhà Nguyễn, dựng trường thi Hội ở phía Nam trong Kinh thành [Huế], chia làm Nội, Ngoại trường và 2 vi Giáp, Ất. Chiếu theo số người thi mà dựng các nhà trong vi, đánh số hiệu, treo thẻ tên Thí sinh. Ngày vào trường, phía ngoài mỗi nhà thi có một võ sĩ đeo gươm đứng canh suốt ngà[8].

2- Thí sinh phải là người đã đỗ Hương cống / Cử nhân hoặc những quan viên không đỗ Hương cống nhưng trình độ như Hương cống và đỗ kỳ sát hạch hàng năm vào tháng giêng ở QTG.

Quan tỉnh phải khai tên những người đi thi để bộ Lễ cấp cho hộ chiếu khi tới Kinh trình bộ Lễ. Hương cống / Cử nhân không muốn thi phải làm giấy cáo.

Trước một ngày, bộ Hộ tư giấy cho các quan hai Ty Thừa, Hiến chuyển báo cho các phủ huyện trong hạt : Những Giám sinh, Nho sinh, Sinh đồ về nhà để tang, tới ngày thi phải đến nha môn phủ mình khai tên để điểm mục, người nào vắng mặt đều xét hỏi, trị tội [để ngăn mồ́i tệ đi thi hộ, làm "gà", đổi quyển].

Năm 1664 Định lệ sĩ nhân vào trường thi Hội phải xét ba lần, chỉ được mặc hai áo đơn, không được mặc áo kép [phòng gian lận, giấu bài làm sẵn trong áo]. Làm trái phải đuổi ra.

Thời Nguyễn, cấm các Học quan Huấn đạo, Giáo thụ từ lục phẩm, các quan viên từ thất phẩm trở lên, các Tri huyện phẩm nào cũng cấ́m, sợ vì luyện thi sao lãng việc công.

1877 Các quan dự thi mà phạm húy thì phạt 90 trượng, giáng ba cấp, đổi đi nơi khác.

3- Khảo quan thi Hội cũng chia ra hai ban Giám khảo và Giám sát nhưng Nội trường và Ngoại trường có khi đổi gọi là Nội Liêm Ngoại liêm.

Tri cống cử là quan chấm thi, thường là các quan Thượng thư.

- Theo bia Tiến sĩ khoa 1442 thì số người dự thi là 450 ngưởi, lấy đỗ 33 người.

Khảo quan gồm có :

Đề điệu [Chủ khảo] Thự tả Bộc xạ Lê văn Linh ;

Giám thí Thị Ngự sử tại Ngự sử ̣̣đài Triệu Thái ;

Tuần xước/sát [dẫn đầu một đội quân vũ trang, voi ngựa đi tuần quanh trường để canh phòng ] ;

Di phong [rọc phách, niêm phong hòm đựng quyển] ;

Thu quyển ;

Đằng lục sao chép quyển văn của Thí sinh ;

2 Đối độc, 1 người đọc, 1 người soát lại, đối chiếu quyển của Đằng lục sao chép cho đúng với quyển văn của Thí sinh trước khi đưa cho quan trường chấm.

Thời Lê Trung Hưng chúa Trịnh có khi làm Đề điệu : khoa 1595 chúa lấy 6 người Hợp cách thi Hội.

4- Đề mục và Văn bài thi Hội cũng tựa như thi Hương, chỉ xin chép ở đây những chỗ khác biệt chính :

Đề mục thường do quan trường chọn trước một ngày rồi đệ trình lên vua. Hôm thi đem niêm yết, cũng có khi đông sĩ tử quá thì sao ra rồi phát cho mỗi người. Khoa 1499 có tới trên 5000 người thi, cho Nghi tào định phép thi, cận thần ra đầu bài rồi in đưa từng lều.

1305 bắt đầu đặt thể lệ thi Thái học sinh :

Kỳ 1 thi ám tả ;

Kỳ 2 Kinh nghĩa ;

Kỳ 3 Chiếu, biểu, chế, thơ phú ;

Kỳ 4 văn sách.

- Khoa 1664 [Khoa mục chí] Định phép thi : Trước một ngày của mỗi kỳ quan Đề điệu xin vua ra đề thi. Đến ngày thi Ngự đề ban xuống, quan Thí trường phải theo phép nhận rõ ấn nhà vua và chỗ niêm phong. Việc phóng đề thi thì dùng các viên án lại, Học sinh, Nho sinh, nha lại các nha môn, chọn những người biết chữ, thông văn lý, kê khai họ tên gửi cho quan Đề điệu. Sáng sớm ngày thi những người ấy phải đến cửa trường đợi khám xét rồi mới cho vào.

Phép thi cải tổ dần dần. Sang thời Nguyễn, Minh Mệnh mới tổ chức khoa thi Hội đầu tiên năm 1822, định phép thi :

Kỳ 1 5 đề Kinh nghĩa ;

Kỳ 2 chiếu, chế, biểu mỗi thứ một bài ;

Kỳ 3 1 bài thơ ngũ ngôn cổ thể, 1 bài phú 8 vần ;

Kỳ 4 Văn sách.

- Khoa cải cách đầu tiên thời Pháp thuộc [1910] :

Kỳ 1 10 đạo Văn sách[9].

gồm 5 Kinh, 2 Truyện, 2 Bắc sử, 1 Nam sử. Làm 6 bài là đủ [2 Kinh, 2 Truyện, 1 Bắc sử, 1 Nam sử]. Làm nhiều hơn hay làm cả cũng được.

Kỳ 2 Văn kim gồm 1 chiếu/dụ, 1 sớ tấu, 1 biểu ;

Kỳ 3 1 luận chữ Nho,

2 luận quốc ngữ, đầu bài vẫn bằng chữ Nho ;

Kỳ 4 10 đạo văn sách gồm 2 bài sử Thái Tây, 2 bài cách trí, 2 bài địa dư nước nhà, 2 bài nhân vật nước nhà, 2 bài thời sự. Làm 6 bài là đủ [2 thời sự, các thứ kia mỗi thứ 1 bài], làm hơn cũng được.

5- Chấm thi : Phép chấm thi thay đổi tùy thời nhưng không ngoài mục đích kén chọn người một cách công bằng, thích đáng. Thời Nguyễn, để tránh gian lận, quyển thi của sĩ nhân viết bằng mực đen, sau khi rọc phách cất đi, quyển thi giao cho quan Đằng lục sao lại bằng son đỏ, lối chữ "Đằng tả" ngay ngắn, rõ ràng. Chép xong đối chiếu với bản mực đen rồi tất cả những người sao chép cùng ký tên, ghi chức tước vào trang đầu cả bản chính lẫn bản sao trước khi giao trả quan Đề tuyển. Ông này cất bản mực đen đi và gửi bản son đỏ vào Nội liêm cho hai quan Giám khảo cùng chấm và cho điểm chung, chấm xong cùng ký tên lên quyển rồi đưa ra Ngoại liêm cho hai quan Chánh, Phó Chủ khảo xét lại, xếp thứ tự cao thấp, ghi số lên mặt quyển rồi giao cho Đề tuyển hợp phách, xong rồi hợp với bản chính chuyển đến khảo quan đệ trình cùng với sớ tâu để vua quyết định.

Chấm thi lúc đầu cũng lấy 4 hạng : ưu, bình, thứ, liệt, sau chia ra tỉ mỉ hơn như bình thứ, thứ cộc v.v..., Thời Pháp thuộc đổi ra phân số : "ưu" được 9-10 phân, "bình" được 7-8 phân...; từ khoa cải cách 1910 mới chấm từ 0 đến 20.

Quan trường chấm thi không phải chỉ xem nội dung và lời văn mà còn phải để ý xem có phạm trường quy không. Thi Hội phạm trường quy bị phạt nặng hơn thi Hương, nhẹ thì đánh hỏng, văn kém quá có thể mất luôn cả chức Cử nhân, nặng thì bị cấm suốt đời không được đi thi, có khi Thầy học cũng bị phạt về tội dậy dỗ kém.

6- Kết quả - Thi Hương đông sĩ tử nên hay dùng lối loại bớt từng kỳ một. Thi Hội ít người hơn nên quan trường thường chấm lối quán quyển nghĩa là sĩ nhân được dự cả 3 hay 4 kỳ thi rồi cộng chung điểm mới quyết định cho đỗ người nào, như thế công bằng hơn.

1721 Đặc chỉ chấm thi Hội :

Kỳ 1 Sơ khảo chấm 10 phần lấy 8 phần, Phúc khảo tùy văn bài lấy đỗ ;

Kỳ 2 Sơ khảo chấm 10 phần chỉ lấy đỗ 5, 6 phần, Phúc khảo tùy văn bài lấy đỗ.

Trước kia thi Hội không có quy chế nhất định. Chúa Trịnh muốn rộng cầu hiền tài, lo quan trường tự ý lấy hay bỏ đến nỗi có sự sơ sót, ra chỉ định rõ phân số ưu to, ưu nhỏ, bình to, bình nhỏ...để lấy hay bỏ trong 2 kỳ đầu, kỳ 3 phải đợi Chúa quyết định.

Người thi đỗ gọi là Trúng cách, có tên yết trên Chính bảng, được dự thi Đình.

Những người không đủ điểm để đỗ nhưng được điểm cao trong s̀́ố những người trượt thì liệt vào hạng Thứ Trúng cách, thời Nguyến gọi là Phó Bảng, có tên trên bảng phụ gọi là Ất bảng. Phó Bảng không được thi Đình.

1852 Từ nay gia ân cho Phó Bảng được thi Đình, nếu xuất sắc cũng được lấy đỗ Tiến sĩ [Tam giáp], Hoàng giáp [Nhị giáp]. Ngược lại, Trúng cách mà Đình đối kém thì giáng làm Phó Bảng.

Quan trường chấm xong làm bản danh sách những người đỗ dâng lên, vua có thể sai triều thần xét lại, thay đổi ít nhiều rồi mới giao lại cho quan trường theo đó yết bảng.

Sau khi yết bảng Trúng cách thì định ngày thi Đình.

Thi Hội không có Xướng danh. Khảo quan mặc triều phục lạy tạ trước hương án rồi lên ghế tréo trước cổng trường chứng kiến lễ yết bảng. Có cờ trống, gươm giáo, hương án che 4 lọng vàng. Một viên Đội hàng tứ phẩm treo bảng ở cổng trường.

Sau đó Khảo quan mời những người Trúng cách ngồi trên hàng ghế ở cổng trường, dặn cách thức vào Đình thí.
 

B- THI ĐÌNH

1- Tổ chức :

Tên "Thi Đình" có từ đời Lý nhưng chưa phải là kỳ thi sắp đặt thứ bậc những người đỗ thi Hội như sau này bởi chưa có sự phân biệt thi Hương, thi Hội với thi Đình. Thi Đình còn được gọi là Đình thí, Điện thí hay Thi Điện vì thi ờ cung điện của vua. Thi Đình thường được coi như kỳ thi cuối cùng của thi Hội nên năm 1856 vua Thiệu Trị nhà Nguyễn mới đổi gọi là Phúc thí.

- Mục đích Thi Đình là để sắp đặt những người đỗ Trúng cách thi Hội theo thứ bậc cao hay thấp chứ ít khi đánh hỏng.

- Thời hạn thi Đình chỉ có một ngày và thường được tổ chức từ 1 đến 5, 6 tháng sau thi Hội. Vì thời Lê không nhất thiết thi Hội vào mùa Xuân, có khi thi vào mùa Thu hay mùa Đông nên thi Đình có thể vào tháng 7, tháng 8 hay tháng giêng năm sau chứ không phải vào tháng tư, tháng sáu như nhà Nguyễn.

Năm 1879 định rõ thời hạn làm bài. Bắt đầu canh một đánh ba hồi trống sưu không, cũng gọi là thu không [= Chập tối quân Hộ thành đi tuần thấy không có kẻ gian lọt vào thành mới ra hiệu đánh chiêng trống để đóng cửa thành] báo hiệu hết hạn nộp bài, hết ba hồi trống kể lả ngoại hàm. Đúng giờ phải ra, chậm sẽ bị kẹt trong cung và bị nghiêm trừng.

Khoa 1847 đặc cách cho sĩ nhân làm bài tới khuya, có người nửa đêm mới xong, ban cho cái bài "Ra cửa", mở khóa đưa về.

Khoa 1877, thi từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

- Nghi thức : Thi Đình là thi ở cung vua, khi ở sân điện, sân rồng, khi ở hai dẫy hành lang Tả Vu, Hữu Vu nối vào chính điện...

Cống sĩ, coi như đã làm quan, phải mặc mũ áo Cử nhân ngồi làm văn.


Cống sĩ mặc mũ áo Cử nhân

Quyển thi, bằng giấy quan lệnh kẻ đỏ cùng nghiên bút thường do của công cấp cho. Được phép viết chữ thảo, không phải viết chữ chân phương.

Quy chế thời Lê Trung Hưng : Chúa đến điện Giảng võ, sau đó vua ngự giá tới, Chúa cùng các bề tôi chầu lạy. Về sau Chúa được miễn lạy.

- Nghi thức thi Đình thời Nguyễn [1856] : Trước một ngày bộ Lễ bầy bàn thi, chiếu ngồi ở hai dẫy hành lang Tả, Hữu điện Khâm Văn, Ngày thi, các Giám thí mặc đại triều, đến sân điện Khâm Văn. Viên Kinh dẫn dẫn Cống sĩ vào sân điện quỳ, ngoảnh mặt hướng Bắc. Những viên Đằng tả đem các bản giấy vàng chia cho người thi, những người này tiếp lấy giơ cao lên trán rồi trả lại cho viên Đằng tả, lạy 5 lạy rồi đến bàn thi, chiếu tên mình làm văn bài.

Các quan Giám thí và các quan dự việc thi đều đến nhà Hữu Vu điện Cần Chính trực hầu một ngày. Sĩ nhân nộp quyển ra hết mới được vào trực.

Hết hồi trống sưu không phải đem quyển thi và bản thảo nộp. Các viên Tuần la, Tuần sát ở lại kiểm soát.

- Khoa cải cách 1916 :

13/7 13 người Trúng cách thi Hội, yết bảng ở Phu Văn Lâu.

30/7 15 giờ các quan bận triều phục, làm lễ bái mạng trước điện Cần Chính rồi đến Nội các chọn đầu bài thi Đình, dâng lên vua.

1/8 Những người Trúng cách mặc áo Cử nhân, thi Đình ở Tả, Hữu Vu điện Cần Chính. Khoảng 18 giờ bắt đầu chấm rồi đem kết quả trình lên vua.

7/8 Truyền lô xong thì yết bảng ở Phu Văn Lâu.

9/8 Ban yến ở bộ Quốc gia Giáo dục. Khoảng 15 giờ các Tân khoa cưỡi ngựa dạo chơi vườn Ngự uyển rồi theo cửa chính cung môn đi xem thành phố.

13/8 Các Tân khoa Tiến sĩ và các Phó Bảng bái yết ở điện Văn Minh.

2- Thí sinh : Phải đỗ Trúng cách thi Hội nhưng thời Nguyễn có khi ít người Trúng cách quá nên vua gia ơn cho cả Phó Bảng củng được phép thi Đình .

Quyển thi và nghiên bút thường do của công phát cho, mặt quyển cũng cung khai lý lịch như thi Hội nhưng phải thêm đỗ thi Hội thứ mấy.

3- Khảo quan :

Chi tiết khoa 1442 là khoa xưa nhất có bia Tiến sĩ, dựng năm 1485, ghi rõ : "Xuân vi, 450 người thi, 33 người Trúng cách được vào Tứ trường. Vua sai chọn ngày vào đối sách tại sân rồng.

2/2 Vua ngự điện Hội Anh, thân ra đề Sách vấn.

3/2 Các quan Độc quyển là :

Nguyễn Trãi, Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự,

Nguyễn Mộng Tuân, Trung thư Sảnh Trung thư Thị lang,

Trần Thuấn Du, Nội mật Viện Tri viện sự,

Nguyễn Tử Tấn, Quốc Tử Giám Bác sĩ

đem quyển dâng đọc rồi đệ vua xem xét, định thứ bậc.

3/3 Xướng danh, yết bảng, ban tước trật, áo mão, yến Quỳnh lâm, cho ngựa trạm đưa về.

4/3 Trạng nguyên Nguyễn Trực dâng biểu tạ ơn.

9/3 Bái yết Thánh thượng để vinh quy.

- Thời Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên ghi đầy đủ chi tiết định phép thi năm 1822 :

1 Giám thí, quan võ, hàng Chánh Nhị phẩm trở lên ;

4 Độc quyển, quan văn hàng Tam phẩm trở lên.

Đều quan văn hàng tứ, ngũ phẩm :

1 Thu quyển [nhận quyển] ;

1 Thu chưởng [giữ quyển] ;

1 Điền bảng [viết bảng] ;

1 Di phong ;

1 Ấn quyển.

Quan văn hàng tam phẩm trở lên :

1 Kinh dẫn Cống sĩ, dùng ty viên bộ Lễ ;

8 Tuần sát, cai đội quân Thị Trung Thị nội ;

4 Tuần la kiêm Hộ bảng, quân vệ quân Thị trung Thị nội ;

4 Chia cấp quyển thi kiêm biên chép, Hành tẩu văn thư phong, dùng ty viên bộ Lễ ;

1 Truyền lô.

4- Đề mục: Thi Đình chỉ có một bài Sách vấn cũng gọi là Vănsách hay Chế sách, hỏi về thuật trị nước lan rộng ra cả đến các vấn đề lý số, thuật phong thủy... thường chia làm hai phần :

- Cổ văn hỏi về Tứ thư, Ngũ Kinh, thuật trị nước của các đế vương Trung quốc thời đại Hoàng kim [Nghiêu, Thuấn] những biến chuyển của các thời đại, tai biến xẩy ra và cách thức ngăn ngừa...

- Kim văn hỏi về thuật trị an của nhà vua [Việt Nam] đang thực hiện và những phương pháp làm cho mước mạnh, dân giầu...

Đầu đề có 2 loại :

- Văn sách đạo đầu bài ngắn, hỏi từng việc, mỗi câu hỏi là một đạo, có thể có tới 10 hay 12 đạo ;

- Văn sách mục đầu đề dài tới mấy chục câu hỏi về một hay nhiều vấn đề.

Đề mục thời nhà Lê không được ghi lại đầy đủ, thường chỉ chép vắn tắt. Thí dụ :

1448 Ngày 23/7 vua ngự điện Tập Hiền, hỏi về lễ nhạc, hình chính.

1502 Thi Đình, văn sách hỏi về kinh Phật. [theo Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục]

Thời Trung hưng, một phần vì các thân sĩ Thanh, Nghệ ít học do lọan ly, lại đố kỵ không muốn cho ai hơn mình nên thường chọn những đầu đề hiểm hóc, tìm điển tích lạ trong những sách ít người đọc đến, đặt những câu hỏi mẹo, vặn vẹo cốt làm sao cho học trò không trả lời được để khoe tài học rộng của mình.

+ Văn bài : Luật lệ làm văn thi Đình là phải chép đầu bài song vì đầu đề văn sách dài nên có khi Cống sĩ được phát cho bản sao, không phải chép lại, có quyển viết thẳng vào bài và có lúc được phép viết chữ thảo.

Phép làm văn bài thi Đình phải bắt đầu bằng "Thần nghe", "Thần đối" vì xưng với vua, khác với thi Hương viết cho quan trường đọc nên xưng "sĩ" như "Đối sĩ văn". Chữ "thần" hay chữ "sĩ" đều phải viết nhỏ bằng một nửa và lệch sang bên hữu, nếu không sẽ phạm trường quy.

Văn thi Đình là lối văn thù phụng, sĩ tử bị bó buộc phải luôn luôn tán tụng công đức, chính sách của nhà vua. Cuối thời Nguyễn lại còn thêm thói xu nịnh cả các quan Đại Pháp.

5- Chấm thi : Quan Tuần la thu xong quyển mở cửa cho Cống sĩ ra, đem quyển thi dán lại, đánh dấu rồi giao cho viên Thái giám nộp vào trong Nội. Các quan coi việc thi đợi chỉ, giao quyển thi ra. Quan Giám thí chuyển cho viên Thu chưởng trình đưa quyển cho quan Duyệt quyển điểm duyệt trước, cho phân điểm rồi giao cho các quan Độc quyển hội đồng xét xong phiến tâu, đợi vua định thứ bậc [Đại Nam Thực Lục Chính Biên, khoa 1856, 1875].

1779 Kỷ Hợi : Chúa Trịnh Sâm mở Thịnh khoa : tháng 10 thi Hương, tháng 11 thi Hội Cống sĩ ở Bãi Cát, lắy 15 người Trúng cách, yết bảng ở Nam cung phủ Chúa. Tháng 12, ra lệnh theo chế độ cũ cho thi Điện ở sân rồng, vua thân ra đề Sách vấn nhưng văn bài không đưa vua duyệt. Hôm sau truyền cho những người Hợp cách đến thi ở phủ Chúa, chấm xong chia ra Giáp, Ất rồi mới đệ đơn xin vua ban sắc lệnh treo bảng vàng ở cửa nhà Thái Học. Thành lệ [10].

Nhưng theo Lịch Triều Tạp Kỷ thì tháng ba năm 1780 mới thi Đình ". Vua ra đề văn sách cho những người trúng thi Hội khoa 1779 ở điện nhà vua, Hôm sau Chúa Tĩnh Vương lại cho thi bài văn sách nữa ở phủ đường, sai Vũ Miên và Phan Lê Phiên duyệt quyển rồi tiến trình [Chúa], cho Lê Huy Trâm, Phạm Nguyễn Du đỗ Nhị giáp, cho bọn Phạm Quý Thích... 16 người đỗ Tam giáp [11].

a- Thứ bậc - Chấm xong xếp từ cao xuống thấp.

1232 Thi Thái học sinh, bắt đầu chia giáp đệ [Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp].

1247 Thi Đại Tỷ, chia Tam Khôi là 3 người đỗ đầu Nhất giáp :

Trạng nguyên tức Đệ Nhất giáp Tiến sĩ, đệ nhất danh ;

Bảng nhãn tức Đệ Nhất giáp Tiến sĩ, đệ nhị danh ;

Thám hoa tức Đệ Nhất giáp Tiến sĩ, Đệ tam danh.

1256 Nhà Trần khuyến học những người ớ các châu xa Kinh thành, đặc biệt lấy đỗ hai Trạng là Kinh Trạng nguyên [đỗ ở Kinh đô] Trại Trạng nguyên [đỗ ở Thanh Hoa, Nghệ An].

Sau Nhất giáp Tiến sĩ đến Nhị giáp Tiến sĩ là :

Hoàng Giáp thường cũng chỉ lấy 1 người nhưng có lúc lấy 2 người hay nhiều hơn.

Sau Nhị giáp Tiến dĩ đến Tam giáp Tiến sĩ tức Tiến sĩ hạng ba, hạng cuối. Số người đỗ nhiều hơn nhưng không nhất định.

.Tuy đỗ thi Đình được gọi là đỗ Tiến sĩ nhưng có khi còn phải vào trình diện để vua xét dung mạo, hoặc vào điện "ứng chế" hay đã vinh quy rồi lại phải về Kinh thi thơ, luận, có hợp cách mới lấy đỗ hẳn, cấp văn bằng. Khi Mạc Đĩnh Chi [1272-1346] đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái Học sinh năm Giáp Thìn [1304] vào ra mắt vua Trần Anh Tông, vua thấy tướng mạo ông xấu xí có y ́không muốn cho ông đỗ Trạng. Ông làm bài phú "Ngọc tỉnh liên" [Hoa sen trong giếng ngọc] ca ngợi nét cao quý của bông sen, tự ví mình với hoa quân tử. Vua đọc xong thuận cho ông đỗ Trạng.

1847 Thi Đình bắt ̣đầu bị đánh hỏng vì trong bài Kim văn của Đặng Huy Trứ có câu "Hữu hại gia miêu" [Làm cho lúa tốt], song Gia Miêu là tên quê hương vua nhà Nguyễn, họ Đặng mắc tội phạm húy, bị đánh hỏng tuột, mất luôn cả danh vị Cử nhân, đuổi về học lại.

b- Ngạch lấy đỗ [Thi Hội - Thi Đình]- Số người lấy đỗ không hạn định trước như thi Hương.

Thời Lê trung bình mỗi khoa có vào khoảng 2000, 3000 người dự thí Hội, lấy đỗ từ 20 đến 40 người. Số người đỗ không căn cứ vào s̀́ố người thi : Khoa 1442 có 450 người thi mà lấy đỗ 33 người, khoa 1640 trên 6000 người thi Hội, lấy đỗ có 22 người.

Thời Nguyễn, số người thi thường không quá 100, 200, số người đỗ không vượt quá vài chục. Không tính được ngạch lấy đỗ vì sử sách chỉ ghi số người đỗ mà không chép số người dự thi trừ vài trường hợp đặc biệt :

1822 tháng ba, khoa đầu thi Hội của nhà Nguyễn. Có 164 người dự thi, lấy đỗ 5 người. Vua Minh Mệnh cho là ít lấy thêm 3 người thành 8 người Trúng cách. Tháng tư thi Đình ở điện Cần Chính, cho Nguyễn Ý đỗ Hoàng giáp, 7 người kia đỗ Tam giáp Tiến sĩ.

1826 Vua trách khảo quan thi Hội chấm nghiệt quá, trên 200 người thi mà chỉ lấy 9 người đỗ mà đều hạng thứ và toàn là người Bắc, bắt lựa thêm 1, 2 người từ Thừa thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong. Quan trưường lấy thêm Phan Thanh Giản thành 10 người.

Quan Duyệt quyển là Hà Quyền và Phan Bá Đạt. Lấy đỗ :

Nhị giáp 2 người là Hoàng Tế Mỹ và Nguyễn Huy Hựu.

Phan Thanh Giản đỗ đầu Tam giáp Tiến sĩ.

c- Danh hiệu :

Trạng nguyên "Trạng" là "bảng", "nguyên" là "đầu", Trạng nguyên chỉ người đỗ đầu bảng.

Bảng nhãn nghĩa là "mắt bảng".

Thám hoa là người đỗ trẻ nhất được cử đi hái các hoa lạ trong những vườn danh tiếng ở kinh đô về bầy trên bàn tiệc yến đầu tiên mừng các Tân khoa.

Hoàng giáp : "Hoàng" là "Hoàng bảng" = bảng vàng, "Hoàng giáp" là người có tên trên bả̉ng vàng, giáp liền với tên các Tiến sĩ.

Tiến sĩ là người được tiến lên vua.

Ông Nghè trỏ ông Tiến sĩ. Có nhiều cách giải thích chữ "Nghè":

- Trong cung điện vua, điện nào cũng có mái ngói chạy dài ra hẳn quá sân để khi mưa nắng che cho các đại thần, mái ấy gọi là Nghè. Các Tiến sĩ vào Đình đối, là những người đã "tiến" lên vua rồi, đứng ỡ đấy nên gọi là ông Nghè [12].

- Thời Lê, Nghè là chỗ làm việc trong điện các, chỉ các Tiến sĩ mới được làm việc ở đấ́y. Thời Nguyễn, dù không đỗ Tiến sĩ mà làm việc ở đấy cũng gọi là ông Nghè [13].

- Những miếu th̀ờ thần thánh, nơi tôn nghiêm cũng gọi là "nghè". Các Tiến sĩ chầu hầu lăng miếu gọi là ông Nghè.

"Nghè Vẹt" là nơi thờ 12 Chúa Trịnh, "nghè" làm bằng gỗ lợp ngói có gian chính và các gian tả hữu gồm 12 gian. Gian chính còn giữ được nhiều cột gỗ lim lớn, mỗi cột nghè có một con giống. "Nghè Vẹt"còn giữ được hai con vẹt bằng gỗ. "Vẹt" là vật linh biểu tượng nhà Trịnh : Nhờ thấy vẹt bay lượn trên thi hài bà mẹ Trịnh Kiểm [bị nhà Mạc giết] mà người nhà mới tìm ra được thi thể [14].

Danh vị và thứ bậc các Tiến sĩ rất quan trọng. Phùng Khắc Khoan đã làm quan to mà còn đi thi để giật danh vị Nhị giáp Tiến sĩ khoa 1580.

6- Kết quả :

a- Lễ Truyền lô - Đỗ thi Đình là đạt ̣đỉnh cao của Khoa mục, danh giá vô cùng cho nên lễ Truyền lô tức Xướng danh được tổ chức hết sức long trọng ở điện đình. "Truyền"là đọc to lên cho mọi người cùng nghe rõ, "" là "chúng", nhiều người. Sau khi quan Truyền lô đọc họ tên, quê quán người thi đỗ, một số vệ sĩ lần lượt nhắc lại để mọi người ở xa cũng nghe thấy.

b- Bảng vàng - Sau lễ Truyền lô, bảng vàng mang tên các Tân khoa Tiến sĩ được đem yết mấy ngày. Thời Lê yết ở ngoài cửa Đông hoa, đình Quảng văn hay ở cửa nhà Thái học [Thăng Long] ; thời Nguyễn ở Phu văn lâu [Huế].

Bảng Chánh Trúng cách, cũng gọi là Long bảng, Bảng rồng, Giáp bảng, Bảng vàng mầu vàng, vẽ rồng, ghi tên những người đỗ Tiến sĩ ;

Ất bảng mang tên các Phó bảng thì mầu đỏ.

c- Bia đá - Cho đến đầu thời Hậu Lê vẫn chưa có bia. Năm 1484 Lê Thánh Tông mới sai Quách Đình Bảo tìm lại tên tuổi Tiến sĩ các khoa trước để dựng bia ngược lại từ khoa 1442 là khoa đầu nhà Hậu Lê để vinh danh các Tiến sĩ. Kể từ khoa 1442 tên các Tiến sĩ được khắc trên bia đá trừ một số khoa vì loạn ly không dựng bia.

Hiện nay Văn Miếu Hà Nội còn giữ được 82 bia, xế́p ở hai bên Giếng Thiên Quang, khu 4.


 Bia Tiến sĩ trước khi dựng lại nhà bia

d - Văn bằng - Sau khi yết bảng, các Tân khoa được cấp văn bằng, được ghi danh vào sổ những người đỗ gọi là Danh tịch.
 
THÔNG CÁO CỦA MAI TỔNG ĐỐC GỬI TÂN KHOA TIẾN SĨ HOÀNG ĐÌNH TÁ CHO VỀ KINH LĨNH BĂNG CẤP

(Sắc chỉ số 10)

Phiên âm
Lãnh Hà-ninh Tổng-đốc, Tân Lộc Nam, Mai...

Vi bằng cấp sự chiếu đắc tỉnh hạt Tân khoa Tiến-sĩ Hoàng Ðình Tá, tiền kinh ân tứ vinh quy nhị cá nguyệt tự giới hạn tiêu, tiếp bệnh khất giả nhất nguyệt lưu quán điều trị, tư bệnh dĩ thuyên, bẩm khất lãnh bằng tựu đạo đẳng ngữ hợp hành bằng cấp, nghi do lục lai kinh, do Lại bộ đường quan Thính hậu sở, hữu đới (đái) tùy giả tùng tam danh, định thính thông hành tu chí cấp giả.

Hữu bằng cấp thuộc tỉnh Tân khoa Tiến-sĩ Hoàng Ðình Tá chuẩn thử.

Thiệu-Trị tam niên, chính nguyệt, thập nhị nhật
Dịch nghĩa
Lãnh Tổng-đốc Hà-ninh (1), tước Tân Lộc Nam, họ Mai

Căn cứ vào cấp sự (2), xét trong tỉnh hạt có Tân khoa Tiến-sĩ Hoàng Ðình Tá, trước đã từng được ân tứ vinh quy (ở quê) hai tháng đã hết hạn, vì tiếp bị ốm xin tạm lưu một tháng ở quê quán để điều trị. Nay bệnh đã khỏi, bẩm xin lên đường lĩnh bằng, những lời trên hợp với lời xin cấp bằng. Nên theo đường bộ về kinh đến "Thính hậu sở" (3) thuộc đường quan bộ Lại, kèm ba người đi theo đều nghe lệnh thông hành cùng đến với người được cấp bằng.

Bằng cấp bên hữu (4) này chuẩn cấp cho Tân khoa Tiến-sĩ của tỉnh : Hoàng Ðình Tá.
 

Ngày 12, tháng giêng, năm Thiệu-Trị thứ ba (1843)


 (1) Hà-ninh : tức Hà-nội và Ninh-bình. Các đời Thiệu-Trị, Tự-Ðức, chức Tổng-đốc Hà-nội kiêm cả tỉnh Ninh-bình, đến thời Tổng-đốc Hoàng Diệu (1883) vẫn thế.

(2) Cấp sự / Cấp sự trung : chức quan phục vụ trong cung đình.

Thời Minh, Thanh ở Trung quốc, Cấp sự trung thuộc Lục khoa.

Ở Việt-Nam, Lục khoa đặt từ thời Lê Nghi Dân, có các chức Ðô Cấp sự trung, trật Chánh Thất phẩm, Chánh Bát phẩm.

Thời Nguyễn là chức Tá nhị cho Ðô sát Ngự sử trong Ðô sát viện, trật Chánh Ngũ phẩm, giữ việc thanh tra hành pháp. Năm Minh-Mệnh 18, đặt Chưởng ấn Cấp sự trung, trật Tòng Tứ phẩm, đưa vào các Bộ, Viện.

(3) Thính Hậu Sở : Nhà chờ đợi quyết định bổ nhiệm của cấp trên.

(4) Bên hữu : tay phải. Vì chữ Hán viết theo hàng dọc từ phải qua trái. Cuối bài, cuối một văn bản nào đó, để ghi chú cho rõ thì viết chữ "Hữu".

(Nguyễn Tiến Ðoàn phiên âm, dịch và chú thích
Vũ Trung ngày 11, tháng XI, 2003)
THÔNG CÁO CỦA BỘ LỄ GỬI TÂN KHOA TIẾN SĨ HOÀNG ĐÌNH CHUYÊN CHO VỀ VINH QUY ĐỒNG THỜI CẤP VĂN BẰNG

(Sắc chỉ số 11)

Phiên âm
Lễ bộ vi khâm cấp văn bằng sự chiếu đắc kim khoa Hội thí Trúng cách Hoàng Ðình Chuyên, khâm hậu Ðiện thí sự thanh. Khâm phụng sắc tứ Ðệ Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân. Tư mông ân tứ vinh quy, triếp thử hợp cấp văn bằng thính hồi Hà-nội tỉnh, Thường-tín phủ, Thanh-trì huyện, Thanh-liệt tổng, Linh-đường xã, Linh-đường thôn nguyên quán.

Ðể tỉnh nhật tiến tương Bộ bằng cụ trình tỉnh quan tri, chiếu trừ khứ hồi ngoại lưu quán nhị cá nguyệt. Hạn tiêu lai kinh do Lại bộ Hậu bổ sở, hữu thử thứ đới (đái) tùy tùng giả ngũ danh, tịnh thính thông hành tu chí khâm cấp giả.

Hữu khâm cấp Ðệ Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân Hoàng Ðình Chuyên chuẩn thử.

Tự-Ðức nhị niên, nhuận tứ nguyệt, nhị thập ngũ nhật
(Văn bản có đóng dấu "Sắc mệnh chi bảo" của vua bằng vàng, truyền đến đời Bảo-Ðại. Cách mạng tháng 8, 1945 Bảo-Ðại giao lại cho phái đoàn chính phủ lâm thời, do Trần Huy Liệu cầm đầu, vào Huế thu nhận. Con triện này để ở Bảo tàng viện Cách mạng Việt-Nam. Hiện nay ít người được xem lại con dấu đó).
Dịch nghĩa
Bộ Lễ đã kính trọng cấp văn bằng xét được sĩ tử Trúng cách thi Hội khoa này là Hoàng Ðình Chuyên kính đợi để vào Ðiện thí, nay việc đã hoàn thành.

Kính theo sắc ban cho Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân.

Nay đội ơn nhà vua ban cho vinh quy, đồng thời cấp văn bằng về nguyên quán thôn Linh-đường, xã Linh-đướng, tổng Thanh-liệt, huyện Thanh-trì, phủ Thường-tín, tỉnh Hà-nội. Về đến tỉnh, ngay ngày đó phải xuất trình đầy đủ văn bằng do Bộ cấp, lên quan tỉnh biết. Chiếu theo lệ, trừ những ngày lưu lại ở quê là hai tháng, khi hết hạn phải trở về kinh đô, do bộ Lại thu xếp ở Hậu bổ sở (nơi chờ bổ ngạch quan - ND).

Chuyến đi này được kèm theo 5 người tùy tùng. Tất cả đều về kinh cùng với người được kính trọng cấp bằng.

Văn bản bên hữu này kính trọng chuẩn cấp cho Ðệ Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân Hoàng Ðình Chuyên.

Ngày 24, tháng 4 nhuận năm Tự-Ðức thứ hai (1849)

(Nguyễn Tiến Ðoàn phiên âm, dịch và chú thích

Vũ Trung ngày 11, tháng XI, 2003)
 7- Ân tứ - Sau khi thi đỗ các Tân khoa được vua ban thưởng rất hậu. Ngay từ đời Trần đã được vua ban xiêm áo, đãi yến, được cưỡi ngựa đi xem vườn Thượng uyển và Kinh thành.

- Xem vườn Thượng uyển / Ngự uyển - Có hai giai thoại về chuyện đi thăm vườn Ngự uyển : Hán Vũ đế [140-187] muốn kén Phò mã, cho phép các Tiến sĩ mới được vào thăm vườn Ngự uyển, Công chúa ở trên lầu cao gieo quả cầu ngũ sắc vào người mình chọn, cũng co thuyết nói là ai bắt trúng quả cầu thì được làm Phò mã.

Giai thoại thứ hai kể các Tân khoa do Lễ bộ Thượng thư hướng dẫn đi thăm Ngự uyển, được phép chọn hái một bông hoa để cho thợ kim hoàn trong cung đánh lại bằng vàng cài mũ bên tai trái. Ông Nghè Nguyễn Quý Tân [1814-1858] chọn hoa dâm bụt cho to, theo Lãng Nhân [15].

Vũ Trọng Khánh lại kể là chọn hoa chuối vì thuở nhỏ Nghè Tân quá nghèo khổ phải ăn củ chuối trừ cơm nên chọn hoa chuối để nhớ thuở hàn vi [16].

8 - Đặc quyền của các Tân khoa - Về tục lệ ban đặc quyền cho các Tân khoa ta còn biết ít nhiều nhờ các bản hương ước khắc ghi trên bia đá như cắt dân đi phu rước vinh quy, cắt đất làm nhà cho Tân khoa...

- Vinh quy - Đám rước vinh quy của ông Nghè tổ chức đại khái cũng như đám rước vinh quy ông Cử, ông Tú, cũng cờ quạt, tàn lọng, chiêng trống, võng ngựa...nhưng long trọng hơn. Thường thì đỗ Tú tài chỉ có làng xã rước, đỗ Cử nhân hàng huyện phải rước, đỗ Tiến sĩ thì hương lý, trai tráng hàng tổng đem đủ nghi lễ cờ quạt, đón từ tỉnh rước về làng. Theo Ngô Tất Tố [Lều Chõng] thời Lê, đỗ Tiến sĩ thì dân phải đem cờ quạt đến tận Kẻ Chợ [Thăng Long] đón rước nhưng từ thời Nguyễn Kẻ Chợ dời vào Thuận Hóa [Huế] người Bắc tới đó xa quá, bắt cả tổng phải đi rước sợ làm phiền dân nên chỉ bắt rước từ tỉnh nhà mà thôi.


Ông Thám hoa cầm cành hoa
(Tranh Oger)

Tiến sĩ vinh quy -Tranh dân gian


Tiến sĩ vinh quy 

Những người trong họ quan Tân khoa được miễn làm phu phen đi rước. Bản hương ước khắc ghi trên bia đá quy định mỗi khi làng có người đỗ đạt phải tùy theo học vị mà cắt dân phu đi rước, ít nhất là 50 người, nhiều đến vài trăm để khiêng kiệu, võng, lọng, bồi ngựa cho Tân khoa và cho cả bố, mẹ, vợ Tân khoa nữa. Lại phải chuẩn bị lễ mừng : câu đối, trướng... lễ vật của hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh không kể của bạn hữu, thân thuộc.

Lúc đầu Tân khoa vinh quy cưỡi ngựa trạm, Phạm Quý Thích cưỡi voi nhưng không rõ tử bao giờ Tân khoa lại ngồi võng :


Võng anh đi trước, võng nàng theo sau.

Ngôi thứ trong đám rước. Thứ bậc trước sau trong đám rước rất quan trọng. Trên nguyên tắc. Thời xưa võng Thầy được đi trước võng cha mẹ vì cha mẹ chỉ có công sinh thành và nuôi dưỡng, Thầy mới có công dậy dỗ, đào tạo cho thành người.

Khoa 1757 Phạm Tiến đỗ, có nhà giầu gả con gái cho, giao hẹn chịu hết phí tổn lúc vinh quy. Khi vinh quy, cô con nhà giầu tranh đi trước, vợ cả thưa vào trong triều, triều đình bắt lỗi ông Nghè, đình việc cất nhắc [17].

- Phải cắt đất làm nhà cho Tân khoa, địa điểm phải được Tân khoa đồng ý hoặc do Tân khoa chọn. Có người chưa đỗ đã đánh tiếng muốn chiếm chỗ này, tranh nhà người khác v.v... nên ta mới có câu :"Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng".

9- Khao vọng - Cũng như thi Hương, Tân khoa về đến làng, kỳ mục và dân làng ra đón tận cổng làng, đưa về nhà. Đến nhà. Tân khoa làm lễ bái tổ rồi ra đình, miếu cúng lễ và cuối cùng, không kém phần quan trọng là khao vọng. Nếu không khao theo tục lệ thì làng không công nhận. Một ông Tiến sĩ vinh quy tất phải ăn khao linh đình hàng 4, 5 ngày là thường. Nhiều người phải đi vay để khao làng xóm nên không thiếu gì những ông Nghè mang công mắc nợ. Từ tệ tục đó mới sinh ra thói nhà giầu "mua rể" và tệ nạn những tên gian manh lừa bịp, mạo nhận thi đỗ nhưng chưa có tiền vinh quy để nhà giầu ham danh hứa chịu hết tổn phí, gả con gạ́i cho nhg đến ngày công bố kết quả kỳ thi thì tên gian manh trốn biệt.

Vua Gia Long biết những tệ tục về khao vọng nên ra sắc chỉ giảm bớt lệ ăn khao. Đại Nam Thực Lục chép :"1804 Khi có người trúng khoa trường hay được ban sắc mệnh, người làng vin tục lệ ấy đòi thết đãi cỗ bàn, ăn uống mấy phen, gọi là "trả nợ miệng". Đền xong khoán lệ của làng thì mất hết gia tài. Từ nay về sau các lễ vui mừng lớn thì cho dùng xôi lợn hoặc nộp 3 quan tiền thay, việc nhỏ thì cho dùng xôi gà hay nộp 1 quan 6 tiền". Song ai cũng biết "Phép vua còn thua lệ làng".

10- Bổ dụng - Luật lệ đời Trần, năm 1305 :

Trạng nguyên bổ Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung chức Nội Thư gia ;

Bảng nhãn Chi hậu bạ thư, sung chức Nội lệnh Thư gia ;

Thám hoa Hiệu thư, được 2 tư [tư cách, tước Công được 24 tư, cửu phẩm 1 tư] [18].

Đời Lê, 1472 Định tư cách các Tiến sĩ :

Trạng nguyên hàm Chánh lục phẩm, 8 tư .

Bảng nhãn hàm Tùng lục phẩm, 7 tư ;

Thám hoa hàm Chánh thất phẩm, 6 tư.

Nhị giáp hàm Tùng thất phẩm, 5 tư ;

Tam giáp hàm Chánh bát phẩm, 4 tư.

Thời Nguyễn : năm 1865 định lại lệ bổ quan Tiến sĩ, Phó bảng :

Trạng nguyên bắt đầu thụ hàm Thị độc ;

Bảng nhãn bắt đầu thụ hàm Thừa chỉ, đợi chỉ kén dùng ;

Thám hoa bắr đầu thụ hàm Trước tác, lập tức bổ ngay Tri phủ ;

Hoàng giáp bắt đầu thụ hàm Tu soạn, đầy một năm cho đi Tri phủ ;

Tam giáp bắt đầu thụ hàm Biên tu, đầy một năm thăng bổ Chủ sự cho đi Thự Tri phủ, lại đầy một năm nữa được thực thụ ;

Phó bảng bắt đầu thụ hàm Kiểm thảo, đầy một năm thăng Tri huyện, Thự Đồng Tri phủ hoặc Thự Đồng Tri lãnh huyện đứng đầu trong tỉnh, lại đầy một năm được thực thụ.

- Thời Pháp thuộc :

1903 Định lệ các Cử nhân, Tú tài muốn làm quan phải qua một kỳ thi tuyển vào trường Hậu bổ, thi các môn Tân học, bài làm bằng quốc ngữ, thi viết và vấn đáp tiếng Pháp [19].

1918 Dụ 498, điều 3 : Chức Tri Huyện bổ những người thi trúng, tốt nghiệp Cao đẳng Pháp chánh Đông Dương hay Cử nhân Luật một trường Đại học Pháp. Phải qua ít ra 3 năm làm Tham biện trong một sở Hành chánh ở Đông Dương. Phải có giấy hạnh kiểm tốt.

Nha lại có 7 hạng : 5 hạng dưới gọi là Thừa phái, 2 hạng trên là Thông phán hạng nhất hay nhì. Thừa phái 5 hạng tuyển bằng thi Thi Hương phải qua Nhất, Nhị trường hay có bằng Tiểu học Pháp-Việt, đã qua 3 năm trong một trường Trung học [20].

1919 Theo quy thức của Toàn quyền A. Sarraut, bộ Học tư cho các tỉnh Trung kỳ bãi hết các viên Giáo, Huấn chỉ biết chữ Nho hay quốc ngữ, không đủ tư cách làm thầy giáo nữa. Mỗi người sẽ được thăng hai trật và 6 tháng lương. Ai tình nguyện đủ sức dậy học trò đỗ Tiểu học được thì cho ở lại, nếu sau xét ra không được thì bị triệt về, mất hết quyền lợi tức là không được thăng trật và cấp bổng như trên [21].

o O o

Kể từ nhà Lý khai khoa năm 1075 đến nhà Nguyễn bãi Khoa cử năm 1919, nước ta đã tổ chức được :

- Thi Hương : thời xưa không chép rõ, riêng thời Nguyễn có 47 khoa, lấy đỗ 5190 Cử nhân ;

- Thi Hội : trước nhà Nguyễn có 149 Đại khoa, lấy đỗ 2413 Tiến sĩ ; thời nhà Nguyễn có 39 Đại khoa, lấy đỗ 557 Tiến sĩ.

Tổng cộng là : 188 Đại khoa, lấy đỗ 2970 Tiến sĩ [22].

Riêng ở nước ta Khoa cử đã thọ gần 9 thế kỷ tất nhiên cũng phải có những ưu điểm thích đáng mới được trọng dụng lâu như thế. Đạo trị nước của Khổng giáo khá thực tế và có nhân đạo, xây dựng một xã hội nền nếp, có quy củ, quý trọng người có nhân cách hơn người tài cao mà phẩm hạnh không ra gì, tin tưởng lễ giáo hơn luật pháp vì luật pháp chỉ trừng phạt mà không dạy dỗ, kẻ có tội vẫn tái phạm, còn dạy dân hiểu lễ nghĩa, biết phân biệt phải trái, để tự mình ngăn ngừa tội ác ngay từ khi nẩy mầm mới là thượng sách. Khuyết điểm bị chỉ trích nhiều nhất là quá tôn quân quyền.

1- Mục đích của Khoa cử là kén chọn người đức hạnh và tài giỏi ra làm quan, giúp vua trị nước, mưu đồ "quốc kế dân sinh" vì dân vì vì nước , ngoài vòng cương tỏa của danh lợi. Trong bài ký bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất [1442] Thân Nhân Trung [1419-1499] viết :"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp".

Phan Huy Chú [1762-1840] trong Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí, cũng viết :"Xem việc thi cử hay hay dở thì biết nước thịnh hay suy. Thời thịnh của Khoa cử là thời kẻ sĩ chỉ coi đó là phương tiện tiến thân, tạo cơ hội cho mình đem tài trí ra gánh vác việc nước, đạo đức là cái chính, văn chương là thứ yếu".

Để khuyến khích con em chăm học, ngày Tết Trung thu của trê em cha mẹ thường bầy cỗ thưởng trăng và không bao giờ quên Ông Tiến sĩ giây trên bàn cỗ.


ông Tiến sĩ giấy

2- Công hay tội ? Sau khi nước ta liên tiếp bị quân Pháp đánh bại một cách quá dễ dàng từ Nam ra Bắc, cuối cùng là mất chủ quyền, những người có tâm huyết tìm hiểu nguyên do và đi đến kết luận là lỗi tại chế độ Khoa cử đã đào tạo ra những ông quan chỉ biết "ngâm thơ vịnh nguyệt" nhưng trên thực tế tỏ ra đã tham nhũng lại bất tài. Hán học lúc đó đã suy, châu Âu lại phú cường, không thể đem "Đức" ra luận bàn với tầu chiến tối tân của họ, đem "nhân nghĩa" ra chọi với súng ống của họ. Tuy nhiên, sự chống cự hầu như tuyệt vọng của Phan Thanh Giản [1796-1867], Hoàng Diệu [1832-1882], Phan Đình Phùng [1844-1895]... đã cho thấy Hán học không phải chỉ đào tạo ra toàn những ông quan bất tài chỉ biết "vinh thân phì gia", và giới "trí thức phong kiến" cũng không thiếu gì kẻ sĩ có bản lĩnh, có liêm sỉ, dẫu thua thà chết không chịu nhục. Người Pháp tuy đắc thắng nhưng cũng phải nhìn nhận và tỏ ra kính trọng những ông quan "uy vũ bắt năng khuất". Paul Doumer, trong Hồi ký L' Indo-Chine française [Souvenirs],khi viết về Nguyễn Thân và Nguyễn Trọng Hiệp đều khen cả hai. Nguyễn Thân là cộng tác viên đắc lực của Pháp trong công cuộc "bình định" nước Nam, P Doumer rất khen ngợi nhưng là với giọng kẻ cả của một quan Thầy khen thuộc hạ, khác hẳn thái độ đối với Nguyễn Trọng Hiệp kể cả những khi Nguyễn Trọng Hiệp tỏ ra "cứng đầu" không chịu khuất phục trước sự uy hiếp của các quan thực dân. P. Doumer biết vai trò khó khăn của Nguyễn Trọng Hiệp, quan Đại thần của một nước đả̃ mất chủ quyền, phải khôn khéo đương đầu với những yêu sách ngày một nhiều của các quan "Bảo hộ" .Paul Doumer luôn tỏ ra thông cảm và kính trọng Nguyễn Trọng Hiệp, đối xử ngang hàng chứ không trịch thượng.

Hán học suy - Vài nguyên nhân chính :

a- Cái học từ chương - Các sử gia thường khen cái học phong thời Lý, Trần hùng mạnh, quán triệt tất cả, trọng khái quát, không câu nệ. Khoa cử thịnh nhất dưới triều Lê Thánh Tông, từ Lê Trung hưng đến nhà Nguyễn chuyển dần sang cái học từ chương, chỉ chuộng lối văn thù tạc mà không quan tâm đến đạo học mới trở thành hư văn, bị chê là viển vông, ít thực dụng, đào tạo ra những ông quan cầm vận mệnh nước mà chỉ biết đắc ý với những điển tích viện dẫn hiếm lạ, những câu đối chọi vụn vặt, thi cử thì đặt những câu hỏi mẹo ngoắt ngoéo, để khoe cái học rộng nhưng hoàn toàn bất lực trước quân viễn chinh Pháp, gây nên cái họa vong quốc.

Học trò làm văn bài chỉ được giải thích, bàn rộng những lời của tiên hiền, không    được đưa ra những ý kiến riêng. Mục đích vốn là để thống nhất tư tưởng quan liêu, lấy kinh sách làm cơ sở, suy luận phải theo một khuôn đã vạch sẵn, ý kiến riêng chỉ có hại và bị phỉ báng như Ngô Thì Sĩ đã chê Hồ Quý Ly dám đặt KT ngồi bên trong VM chỗ chính giữs phải nhường cho Chu Công mặc dầu chính KT đã nhìn hận "Ngô tòng Chu’. Vì quá khiêm tốn, cho chỉ bậc thánh mới đáng viết sách và những gì đáng viết đều đã có trong kinh sách.

Người "giỏi" thời xưa là người sáng dạ, học đâu nhớ đấy, thành ra lẫn lộn trí nhớ với trí tuệ. Óc phê phán bị tê liệt, không dám có sáng kiến, không phát huy được ý kiến riêng mới mẻ.

b- Trọng văn khinh võ - Ta có những câu thơ hay thành ngữ thâu tóm rất rõ cái quan niệm khinh thường các quân nhân ai cũng biết như "vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu", "có khoẻ mà chẳng có khôn" hay :

Văn thời tử phẩm đã sang,

Võ thời nhất phẩm còn mang gươm hầu.

Các võ quan thường bị khinh là dốt nát, cậy có sức khỏe lấn át kẻ khác chứ nhà Nho chỉ "đấu khẩu không thèm đấu chân tay", coi các võ quan là hạng chỉ để các mưu thần sai khiến, điều khiển.

Ưa hòa bình, việc dụng binh trong nước coi là bất thường, quân sĩ ít thao luyện. Song muốn bảo vệ nước mà trong tay không có binh hùng, tướng mạnh thì hi vọng thắng bằng "lể nghĩa" chỉ có thể may ra tìm thấy trong sách.

3- Phong trào cải cách - Tiền nhân ta ngày trước thần phục văn minh Trung quốc bao nhiêu thì bấy giờ mới suy xét lại, đặc biệt kết tội Khoa cử. Phan Bội Châu ôm bầu nhiệt huyết, quyết tâm không thèm đi thi nhưng khám phá ra không có học vị thì nói chẳng ai nghe, đành phải đi thi và đỗ Thủ khoa trường Nghệ An năm Canh Tý [1900], có mảnh bằng Cử nhân trong tay rồi thì hô hào mới được quần chúng răm rắp nghe theo. Quá phẫn uất trước cái nhục vong quốc, Phan Bội Châu đã phỉ báng Khoa củ không tiếc lời trong Việt Nam Quốc Sử Khảo :"Trung quốc bỏ Khoa cử từ năm Canh Tý [1900], Triều Tiên bỏ từ năm Giáp Ngọ [1894], đó là một việc nhơ nhớp duy chỉ nước ta còn có mà thôi... Cái mà muôn người khạc nhổ ra thì ta lại nhặt lấy mà nuốt ực vào". Tuy cụ Phan phỉ báng Khoa cử không tiếc lời nhưng thật ra là chưa cạn lời : chê là chê Khoa cử thời suy chứ không phải chê KC nói chung. KC dùng đạo Khổng để kén người mà cụ Phan lại rất trọng Khổng giáo, Cuốn Khổng Học Đâng cúa cụ vạch cho ta thấy cái tinh hoa của Khổng học, diễn giải những phần cốt yếu trong Tứ thư, đính chính những chỗ chú giải sai lầm của người đi trước.... Trong "Phàm lệ" Phan Bội Châu nói rõ :"Mục đích [viết Khổng Học Đăng] là cốt phù trì nhân đạo, phát huy chân lý để duy trì nhân tâm, bởi nhân tâm còn xấu thời thế đạo chẳng bao giờ tốt... Tác giả muốn cho người ta biết học cũ vẫn không phải trần hủ mà học mới vẫn không phải phù hoa... Tác giả nói học cũ là nói cái chân triết lý của Á châu từ thuở xưa, nọ́i học mới là chỉ nói khoa học tối tân thiệt có ích với nhân sinh của thế giới bây giờ."

Khoa cử mà không dùng đến Khổng giáo thì không phải là Khoa cử nữa, chẳng khác gì bất cứ một kỳ thi nào được tổ chức ngày nay ở khắp nơi ̣để kén chọn người. Cụ Phan chê là chê chế độ Khoa cử thời suy, sĩ nhân chỉ ham danh lợi mà kh̀ông màng tới đạo hạnh.

Trung quốc tự cao tự đại coi mình là văn minh nhất, còn tất cả các nước đều là "man di mọi rợ". Chúng ta thần phục Trung quốc. cũng tự coi mình là có văn hóa cao, chỉ thua có Thiên triều mà thôi nên thua người Pháp mà vẫn còn mong Thiên triễu cứu ứng. Có biết đâu chính Thiên triều cũng đang khốn đốn với các "rợ Tây phương". Thiên triều hạ bệ Khoa củ thì ta cũng đổ lỗi cho Khoa cử.

Khoa cử, cũng như bất cứ một học thuyết nào, hay hay dở là do người áp dụng nó. Chính Khổng Tử đã dạy :"Thuật nhi bất tác"nghĩa là không lập ra một học thuyết nào hoàn toàn mới nhưng tiếp tục phát triển cái cổ để cải tiến, hoàn thiện nó, biến hóa, thay đổi cho hợp thời.

Đổ tội chế độ Khoa cử đã đưa nước ta đến chỗ vong quốc là bất công bởi KC dùng Khổng giáo để kén người ra gánh vác việc nước. Đạo Khổng nhờ KC mà được phổ biến rộng rã̉i nhưng KC càng thịnh hành thì càng xa dần "Chính đạo", chất lượmg sa sút, mất dần chân tưởng, lỗi tại KC hay tại người áp dụng nó ? Huống hồ những nước láng giềng của ta như Miên, Lào có dùng KC đâu mà cũng bị Pháp đô hộ ? Phi Luật Tân bị Tây Ban Nha chiếm., Tích Lan bị Bồ Đào Nha rồi Hà Lan, Miến Điện, In-đô-nê-xia, Ấn độ bị người Hà Lan, người Anh khống chế... họ có dùng Khoa cử đâu mà cũng bị Tây phương khuất phục ?

CHÚ THÍCH PHẦN BA

[1] - Lê Tắc: An nam Chí Lược, tr 251.

[2] - Nho giáo, Khổng giáo. Xem Phần 1, chú thích 2.

[3] - Hoàng Xuân Hãn: La-Sơn Phu Tử, tr 135.

[4] - Nguyễn Thị Chân Quỳnh: "Bà Nguyễn thị Du, vị nữ Trạng nguyên độc nhất của ta sinh năm nào ?", "Lối Xưa Xe Ngựa...", tập I.

[5] - Xem Phần Một, tr 17-18.

[6] - Nguyễn Tường Phượng: Tri Tân, số 79, 7 Janv. 1943, tr 10

[7] - Lãng nhân: Giai thoại làng nho toàn tập, tr 662.

[8] - Đại Nam Thực Lục ,VI, tr 33-4.

[9] - Có lẽ Quốc Triều Đăng Khoa Lục, tr 250, đã chép sai, phải là "10 đề Kinh nghĩa" mới hợp lý.

[10] - Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, XIX, tr 66.

[11] - Lịch Triều Tạp Kỷ, II, 197.

[12] - Bút nghiên, tr 216, 239.

[13] - Khai Trí Tién Đức, tr 50.

[14] - Những Thắng tích của xứ Thanh, tr 64-66.

[15] - Lãng Nhân, tr 275.

[16] - Vũ Ngọc Khánh, Giai thoại các vị Đại khoa Việt Nam, tr 56, 358-60,

[17] - Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tùy Bút, tr 110.

[18] - "Tư" : xét công trạng các quan, theo tư cách chia ra nhiều "tư" , bạch đinh và vệ sĩ không có "tư". Nước ta, triều Lê, các quan có 24 tư. Cao nhất là Quốc công, 24 tư. [Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tr 5, 42].

[19] Đặng Hữu Thụ, Làng Hành ̀Thiện và các nhà Nho làng HànhThiện, tr 256-262.

[20] - Nam Phong số 19, 1/11919, tr 1-16.

[21] - Nam Phong số 21, 3/1919, tr 242.

[22] Theo Trần văn Giáp và sửa theo Cao Xuân Dục,


[ Trang trước ]   /   [ Trang sau ]