Hàn
Mạc Tử, họ tên Nguyễn Trọng Trí (1912-1940), trải qua các
trường tại 3 địa
phương lần lượt theo thứ tự thời gian: Quảng Ngãi (1924-1926),
Quy Nhơn (1926-1928), Huế (1928-1930).
Trần Thanh Mại ghi nhận trong
cuốn Hàn Mạc Tử (ấn hành lần đầu bởi NXB Võ Doãn
Mai, Sài Gòn, 1942, nhưng in tại nhà in Rạng Đông ở Hà Nội;
NXB Tân Việt ở Sài Gòn tái bản nhiều lần với nhan đề
Hàn
Mạc Tử 1912-1940 thân thế và thi văn; ở đây trích dẫn
từ bản in lần 4 bởi Tân Việt vào năm 1964): ''Lần đầu
tiên Nguyễn Trọng Trí cắp sách đến trường là tại Quảng
Ngãi."
Nguyễn Bá Tín còn kể chi tiết
hơn qua hồi kí Hàn Mạc Tử anh tôi (NXB TP.HCM, 1991):
"Chúng tôi rời Đồng Hới năm 1921, theo cha vào Qui Nhơn, trở
ra Bồng Sơn, lại trở về Qui Nhơn, và đến năm 1924, thì
đổi ra Sa Kì, một sở Thương Chánh lớn, cách thị xã Quảng
Ngãi 12 cây số [thực địa hơn 20km] [1].
Trong thời gian gia đình chúng tôi hay đổi dời dọc theo các
cửa biển, việc học hành của chúng tôi đã bị gián đoạn.
Về Quảng Ngãi mới vào học trường công lập, anh Trí học
lớp ba, tôi học lớp tư [tương đương lớp 4 hiện nay]."
Tưởng nên điểm qua cơ cấu
lớp trường hồi ấy để bạn đọc tiện theo dõi. Theo
sách Khoa cử và giáo dục Việt Nam (NXB Văn Hóa Thông
Tin, Hà Nội, 1993), Nguyễn Q. Thắng ghi nhận: từ đạo dụ
ngày 31/5/1906, chính phủ bảo hộ Pháp và triều đình Huế
ấn định chế độ giáo dục mới với các bậc khởi điểm
như sau. Bậc sơ học hoặc ấu học (école élémentaire) gồm
lớp đồng ấu tức lớp năm (cour enfantin - tương đương lớp
1 bây giờ), rồi lớp dự bị tức lớp tư (cour préparatoir
- lớp 2), tiếp theo là lớp sơ đẳng tức lớp ba (cour élémentaire).
Cuối lớp ba, học sinh thi lấy bằng sơ học yếu lược (primaire
élémentaire). Nếu đỗ, sẽ được học lên bậc tiểu học
gồm 3 lớp: lớp nhì năm thứ nhất (cour moyen 1ère année),
lớp nhì năm thứ hai (cour moyen 2è année) và lớp nhất (cour
supérieur). Hết lớp nhất, học sinh thi lấy bằng yếu lược,
còn gọi là Pháp Việt sơ học văn bằng (certificat d'études
primaire franco-indigène). Hệ thống ấy được áp dụng trên
toàn cõi Đông Dương đến năm 1945. Vậy thuở nọ, từ lớp
1 đến lớp 5 gồm 6 lớp, chứ không phải 5 lớp như bây giờ.
Qua hồi kí Hàn Mạc Tử
anh tôi (sđd), Nguyễn Bá Tín cho biết: "Sau khi cha tôi mất
đi, tháng 7/1926, gia đình tôi dọn về Quy Nhơn ở với anh
Mộng Châu. Hai chúng tôi cùng vào học trường trung học Quy
Nhơn [2].
Đến lớp nhất [tương đương lớp 5 hiện nay], anh Trí ra
Huế học Pellerin."
Như thế, hai niên khóa 1924-1925
và 1925-1926, thi sĩ tương lai đang học lớp ba và lớp nhì
năm thứ nhất tại trường tiểu học công lập thị xã Quảng
Ngãi [3].
Còn trước đó, hai anh em Trí với Tín học ở đâu mà gián
đoạn?
Sáng thứ bảy 11/11/2000, đúng
ngày tưởng niệm 60 năm mất Hàn Mạc Tử, tôi trực tiếp
nêu câu hỏi trên với Nguyễn Bá Tín tại Sài Gòn. Ông Tín
cười:
- Chúng tôi học vỡ lòng ở
nhà. Cha tôi dạy. Từ năm 1921 đến 1924, tại Quy Nhơn, hai
anh em tôi theo học lớp dạy tư của thầy Chariles, một tu
sĩ hoàn tục, tư thất nằm góc đường Gia Long - Khải Định[nay
là giao lộ Trần Hưng Đạo - Lê Lợi]. Anh Trí với tôi chính
thức học trường công là tại Quảng Ngãi. Ngày nay, học
trò 12 tuổi đã lên lớp 7. Còn hồi đó, anh Trí 12 tuổi học
lớp 3 chưa phải lớn lắm đâu. Trong lớp có khối anh "già"
hơn. Tôi còn nhớ thầy dạy anh Trí lớp 3 ở Quảng Ngãi:
thầy trợ Giác. Thầy dữ lắm, từng dùng thước kẻ đánh
anh Trí sưng vù mấy ngón tay vì tội nghịch ngợm. Nhiều người
không biết rằng thời học sinh, anh Trí hoang nghịch thuộc
loại...thượng thặng!
HỌC TRƯỜNG
PELLERIN Ở HUẾ, HÀN TRỌ NHÀ NÀO?
Vậy Nguyễn Trọng Trí thi sơ
học yếu lược ở Quảng Ngãi thế nào? Nguyễn Bá Tín không
nhớ. Sau khi thân phụ Nguyễn Văn Toản mất vào tháng 7/1926,
gia đình chuyển về Bình Định, anh em ông cùng học Collège
de Quinhon. Một bạn thân của Nguyễn Trọng Trí là Bùi Tuân
(1913-1966) ghi nhận trong bản thảo Bùi Tuân – Hàn Mạc
Tử một tình bạn thanh cao (Tủ sách Bùi gia, Lái Thiêu,
2010): "Trí theo mẹ vào Quy Nhơn và học tại đây hai năm nhưng
vẫn không sao giựt được mảnh bằng tiểu học." Vậy thì
trong hai niên khóa 1926-1927 và 1927-1928, ở Quy Nhơn, Nguyễn
Trọng Trí học lớp nhì năm thứ hai và lớp nhất.
Mùa hè năm Mậu Thìn 1928, anh
Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân bàn với mẹ cho em Trí ra Huế học
trường Pellerin. Hồi ký của Bùi Tuân ghi nhận: "Nguyễn Trọng
Trí vào lớp nhất niên B trường Pellerin ngày 5/9/1928. Cuối
năm học 1928-1929, chàng không được lên lớp, có lẽ vì chưa
có bằng tiểu học. Mùa tựu trường tháng 9/1929, Trí học
lại lớp nhất niên B. Cuối niên học ấy, tháng 6/1930, Trí
thi đậu bằng tiểu học. Ở cột chú về thi cử, hạnh kiểm
và học lực của học sinh trong quyển sổ cái của nhà trường,
ở ô ngang với tên Nguyễn Trọng Trí, có ghi nhanh một hàng
chữ viết mực đen: "Certifié en 1930. Conduite bonne. Travail satisfaisant."
(Đậu bằng tiểu học năm 1930. Hạnh kiểm tốt. Học chăm.)"
Là ngôi trường tư thục do các
tu sĩ dòng La Salle mở ở Huế từ năm 1904, trường Pellerin
về sau được gọi trường Bình Linh và hiện nay là Học viện
Âm nhạc Huế, tọa lạc ở số 1 đường Lê Lợi, TP Huế,
ngay đầu cầu ga tàu lửa. Trường Pellerin là một cơ sở
giáo dục nghiêm túc, đạt chất lượng tốt, nổi tiếng một
thời không chỉ ở Huế mà cả khu vực miền Trung. Soạn sách
Khoa
cử và giáo dục Việt Nam (sđd), Nguyễn Q. Thắng xác định:
"Hai trường Công giáo lớn và có bề thế ở Việt Nam trước
năm 1975 là trường Pellerin ở Huế và trường Tabert ở Sài
Gòn cũng dạy đến bậc Tú tài."
Bên cạnh các dãy lớp học,
trường Pellerin có kí túc xá đầy đủ tiện nghi để phục
vụ học sinh tỉnh xa về. Nguyễn Bá Tín viết trong hồi ký
Hàn
Mạc Tử trong riêng tư (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1994):
"Những năm còn học Pellerin Huế, anh ở Bến Ngự, trọ nhà
cụ nghè Tuần."
Ông nghè Tuần có họ tên Phan
Thiện Tuần, con của Phan Văn Khuyên – một trong ba cự phú
xứ Huế một thời được thành ngữ dân gian truyền khẩu:
Lúa
ông Khuyên, tiền quản Lạc, bạc Bồ-ghè [4].
Vợ Phan Thiện Tuần là Phạm Thị Mỹ. Nhà ông bà nghè Tuần
không ở Bến Ngự, mà ở Phường Đúc, gần giáo đường
Trường An, còn gọi giáo đường Phường Đúc. Toạ lạc ven
đường Bùi Thị Xuân [5],
ngôi nhà đó có chiếc cổng gỗ được GS. dân tộc học Nguyễn
Đức Từ Chi (1925-1995) thừa nhận rằng "xưa và hiếm nhất
ở Huế về mặt kiến trúc".
Bùi Tuân nhớ khá chi tiết:
"Ra Huế, Nguyễn Trọng Trí được một linh mục và một người
đàn bà có họ về phía ngoại, đem đến gởi ăn cơm tại
nhà bà Phan Thiện Tuần mà người ta quen gọi bà nghè Tuần
vì chức phận của chồng bà. Nhà bà nghè Tuần ở lối cầu
Làng Rào [tức cầu Lòn], trên con đường lên Long Thọ. Về
phía ấy, nhà cửa của những vị đại thần của triều đình
Huế được xây cất giữa những thửa vườn xanh tươi mát
mẻ trên mé sông Hương lặng lờ và trong trẻo. Vào những
năm thái bình ấy, cơm tháng chỉ có bốn đồng. Đó là ăn
sang. Trong nhà bà nghè Tuần còn có một cậu học sinh trường
dòng khác [6]
ở trọ nữa, tên là Oanh. Oanh học dưới Trí một lớp. Nhà
bà nghè Tuần có một cái lầu phía trước và một cái gác
nhà sau, ở giữa được nối liền bằng một ngôi nhà trệt.
Nhà ở sát bên đường lên Long Thọ nhưng phía hông bên trái
có một sân rộng, có cây to bóng mát, có rạp thợ mộc góc
sân vì ông nghè tuy là người có văn học nhưng vì rỗi rãi
nên kiêm luôn việc lãnh hàng. Sau nhà còn có vườn có nhiều
bóng mát xanh tươi. Chính cái gác nhà sau là nơi trọ của
Trí và người bạn cùng trường. Trên gác, ở giữa, có một
bàn học chung. Hai bên bàn học, kê sát vào tường là hai cái
giường nhỏ, và phía bên trong cái bàn có kê một cái tủ
vừa làm bàn thờ ở trên và vừa là tủ để áo quần của
hai cậu học trò."
Học trò Nguyễn Trọng Trí
qua ngòi bút đặc tả khá hài hước của Bùi Tuân: "Với cái
thân hình mảnh khảnh trong chiếc áo dài vải dù, cái mặt
nhỏ với đôi má hơi bầu, cặp mắt hí, mớ tóc dài có đuôi
vịt sau ót, Nguyễn Trọng Trí lặng thinh như sống trong một
thế giới vô hình, riêng biệt. Lẽ cố nhiên là Trí đi học
một mình, đi sau hết, đi rất trễ nghĩa là sít giờ vào
lớp và đi chân không. (...) Trong thời gian Trí ở trọ nhà,
bà nghè Tuần không bao giờ thấy chàng quen với một thiếu
nữ hoặc gặp một người đàn bà nào khác. Thời ấy gái
trai vẫn chưa có sự tiếp xúc tự nhiên như ngày nay. Vả
lại trong nhà không có con gái. Mấy đứa con bà chủ còn nhỏ.
Và người đàn bà giúp việc đã ngoại tứ tuần. (...) Bà
nghè Tuần kể chuyện rằng Trí không những ít nói mà cũng
ít cười. Suốt 18 tháng Trí ở trọ trong nhà, bà chỉ thấy
chàng cười có một lần."
SÔNG HƯƠNG
SUÝT NUỐT CHỬNG HÀN!
Bùi Tuân tường thuật sự
kiện kinh dị mà Nguyễn Trọng Trí thuở nọ nếm trải:
"Trong thời kì Hàn học ở
Huế, đã xảy ra một việc quan trọng: chàng bị chết đuối
mà được cứu sống lại.
Hồi ấy, gần đến mùa hè.
Trời Thần kinh bắt đầu trở nên oi bức. Trí và người
bạn ở trọ thường tắm ở nhà. Chiều hôm ấy, đi học
về, thấy trời còn sớm, hai cậu học trò rủ nhau xuống
tắm ở bến ông Đồng Toán, không xa nhà trọ mấy.
Con sông Hương từ cầu Làng
Rào ngược lên Long Thọ càng thấy xanh mát, quyến rũ như
của một cô thôn nữ kín đáo. Dọc theo bờ sông có những
bến nhân tạo nối với vườn của tư gia, trong đó có bến
của ông Đồng Toán là nước trong hơn cả. Trí đương tắm
với Oanh, thình lình bị hỏng chân, đạp nước ít cái rồi
chìm luôn. Oanh liền kêu cứu. Người ta chạy về cho chủ
nhà của hai cậu hay. Ông nghè Tuần đi vắng. Bà nghè Tuần
liền vớ một chai dầu cù là – bà bán dầu cù là – rồi
chạy ra bến ông Đồng Toán. Vừa chạy, bà vừa hoảng hốt
kêu hai người thợ cưa đang làm việc trong rạp mộc chạy
theo.
Ra đến nơi, bà thấy ông Đồng
Toán đương lặn tìm mà không thấy. Khi ấy, một trong hai
người thợ cưa của bà nghè liền lặn xuống và may quá,
đã đưa ngay Trí vào bờ. Chàng đã bất tỉnh, bụng no căng
cả nước. Bà nghè liền đưa Trí về nhà, đem lên gác riêng
của hai cậu. Bà bảo đặt Trí trên giường, đầu ngửa xuống
sàn nhà, rồi xoa bóp cho cậu.
Một người thợ cưa nạm hai
bàn tay lại rồi vừa đi vừa lấy hai nắm tay đánh chung quanh
thành giường theo một tục lệ cứu người chết đuối mà
anh biết. Bỗng bà nghè nghe trong họng người mê một tiếng
ọc dài rồi thình lình nước trong miệng trào ra. Và trào
ra cả đồ ăn lúc ban trưa nữa.
Sau khi mửa nước ra rồi, Trí
mở mắt ra nhìn mọi người. Đáp lại lời hỏi của bà nghè
Tuần, chàng nói đã khoẻ. Bà nghè đương bối rối định
cho người đi mời cha sở xức dầu cho Trí thì bây giờ lại
thôi.
Sáng hôm sau, Trí vẫn đi học
như thường lệ." (Hết trích).
Thủy nạn thập từ nhất sinh
kia, suốt cả đời Hàn chỉ bị một lần tại sông Hương,
thuở chàng là học sinh trường Pellerin ở Huế, chứ chẳng
phải tại bãi biển Quy Nhơn như ông Nguyễn Bá Tín nhớ nhầm
và ghi trong đôi hồi kí đã dẫn.
THÊM BAO
KỶ NIỆM THƯ SINH CỦA HÀN
Nhà thơ Hoàng Diệp, họ tên
Nguyễn Anh (1912-1996), tác giả tập thơ Xác thu (1937),
soạn sách Hàn Mạc Tử đoạt giải thưởng phê bình
văn chương năm 1967 của Trung tâm Văn bút Việt Nam, nhà sách
Sống Mới ở Sài Gòn ấn hành thành sách năm 1968 mà bìa 1
ghi nhan đề Hàn Mạc Tử thi sĩ tiền chiến. Tôi từng
có dịp tiếp chuyện với thi sĩ Hoàng Diệp lúc sinh tiền,
nghe ông kể:
- Mình là bạn cùng học chung
lớp với Hàn tại trường Pellerin. Cùng lớp, còn có Cao Văn
Luận, về sau là linh mục Viện trưởng Viện Đại học Huế.
Nhà giáo Võ Văn Côn tức nhà
văn Châu Hải Kỳ (1920-1993) lưu giữ trong tư thất ở Nha Trang
một tài liệu đáng lưu í: bản sao học bạ của Nguyễn Trọng
Trí do trường Pellerin lập niên khóa 1929-1930. Học bạ viết
bằng chữ Pháp. Đây là nội dung trang nhận xét năm học cuối
gồm 2 học kì (semestre viết tắt thành sem) của Hàn:
Langue frse [7]:
a fait quelque progrès (1ersem); reste stationnaire (2esem).
Mathématiques: très ordinaire
(1ersem); assez bon quoique irrégulier (2esem).
Sciences: élève travailleur,
a fait beaucoup de progrès (1ersem); sérieux et appliquer,
résultats satisfaisants (2esem).
Histoire et géographie: bonne
mémoire, résultats satisfaisants (1ersem); assez bon (2esem).
Dessin et écriture: assez bon
écriture, faible en dessin (1ersem); assez bon dans l’ensemble
(2esem).
Langue annamite: bon pour la
traduction (1ersem); premier en rédaction annamite (2esem).
Appréciations du directeur:
Assez bon ensemble (1ersem); Résultats assez satisfaisants
(2ersem).
Nghĩa, với từ học kì được
viết tắt hk:
Pháp văn: có vài tiến bộ
(hk1); chững lại (hk2).
Toán : rất thường (hk1);
khá nhưng không đều (hk2).
Khoa học: chăm, tấn tới
nhiều (hk1); nghiêm túc, cần mẫn, đạt kết quả mỹ mãn
(hk2).
Sử địa: trí nhớ tốt,
kết quả mỹ mãn (hk1); khá (hk2).
Vẽ và viết: chữ viết
khá, vẽ yếu (hk1); khá cả hai môn (hk2).
Việt văn: dịch giỏi (hk1);
nhất về tập làm văn (hk2).
Hiệu trưởng nhận xét:
nói chung là khá (hk1); kết quả khá mĩ mãn (hk2).
Còn Certificat d’études primaires
franco-idigène / Pháp Việt sơ học văn bằng của Nguyễn
Trọng Trí được em ruột là Nguyễn Bá Tín bảo lưu. Bằng
được cấp tại Huế ngày 26/12/1930 sau khi Nguyễn Trọng Trí
đỗ kì thi tiểu học yếu lược vào tháng 6/1930.
Trong Từ điển văn học
(Bộ mới – NXB Thế Giới, Hà Nội, 2004, trang 574), PGS. NGND.
Nguyễn Hoành Khung viết về Hàn Mạc Tử: "Học ở Trường
dòng Pelơranh (Pellerin) ở Huế chừng hai năm (1828-1930) rồi
học tiếp ở Quy Nhơn." Sách giáo khoa Ngữ văn 11 cứ
in đi in lại rằng Hàn Mạc Tử "có hai năm học trung học
tại Trường Pe-lơ-ranh (Pellerin) ở Huế". Đó là những điều
sai lầm, rất cần chỉnh sửa.
____________
[1].
Các ghi chú ngắn gọn trong cặp ngoặc vuông là của Phanxipăng.
[2].
Cả nước Việt Nam có 3 trường mang tên Quốc Học: trường
Quốc Học ở Huế được thành lập đầu tiên vào năm 1896,
trường Quốc Học ở Vinh được thành lập năm 1920 và trường
Quốc Học ở Quy Nhơn được thành lập năm 1921. Thực tế,
trường Quốc Học ở Quy Nhơn tức Collège de Quinhon khởi thuỷ
gồm cả tiểu và trung học, tên tiếng Việt hồi ấy là Cao
đẳng tiểu học Quy Nhơn, từ năm 1955 đổi tên là trường
Trung học Cường Để, từ năm 1977 đổi tên là trường cấp
III Quang Trung, từ năm 1991 đến nay lại mang tên trường Trung
học phổ thông Quốc Học Quy Nhơn.
[3].
Từ ngày 26/8/2005, theo nghị định số 112/2005/NĐ-CP của Chính
phủ, do Thủ tướng Phan Văn Khải kí, thị xã Quảng Ngãi
được nâng cấp lên thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh cùng
tên.
[4].
Quản Lạc là Chánh quản vệ Nguyễn Hữu Dược. Bồ-ghè do
phiên âm Bogaert - doanh nhân người Pháp giỏi sản xuất và
kinh doanh, nổi tiếng nhất là chủ nhà máy vôi Long Thọ từ
năm 1896.
[5].
Đường này hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, thời
thuộc Pháp mang tên rue des Arènes (đường Hổ Quyền), giai
đoạn 1956-1975 mang tên đường Huyền Trân Công Chúa, từ năm
1976 đến nay mang tên đường Bùi Thị Xuân. Đường Bùi Thị
Xuân hiện dài 5.323m, chạy từ trước ga Huế, đầu đường
Lê Lợi, qua hai phường: Phường Đúc và Thuỷ Biều.
[6].
Nhằm tránh hiểu nhầm, nên diễn đạt: "một cậu học sinh
khác cùng học trường Pellerin".
[7].
Langue frse là viết tắt cụm từ langue française.
_____________
Nguyễn Trọng
Trí / Hàn Mạc Tử ở Huế năm 1928
Trường
Pellerin / Bình Linh nay là Học viện Âm nhạc Huế.
Ảnh: Phanxipăng
Bằng tiểu
học của Nguyễn Trọng Trí tức Hàn Mạc Tử được cấp
tại Huế năm 1930
Các kiều
nữ chơi nhà vườn ở Phường Đúc, Huế, nơi Hàn Mạc Từ
từng trọ học giai đoạn 1928-1930, hiện còn cổng gỗ xinh
xắn.
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng
thăm nhà ông Khuyên hiện nay.
Ảnh: Anna
Ma Thị Hoa
Nhà thờ
giáo xứ Phường Đúc, trước gọi Trường An, là nơi Hàn
Mạc Tử đi lễ hằng tuần giai đoạn 1928-1930.
Ảnh do Phanxipăng
chụp cung thánh nơi đây ngày chúa nhật 11/5/2008, dịp đại
lễ kỉ niệm 350 năm thành lập giáo xứ này.
|