Dấu tích
công chúa Huyền Trân

Phanxipăng

Lần theo dấu tích công chúa Trần Huyền Trân (1288 - 1340), Phanxipăng đã đến các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, 
Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Định. 
Hy vọng bài viết cùng chùm ảnh này đóng góp thêm 
những góc nhìn thú vị đầy bổ ích.
Tại xã Thái Đường, hương Đa Cương, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (1), Trần Huyền Trân chào đời năm Mậu Tý 1288 (2) - niên điểm mà quân dân Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba. Đó là công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Khâm Từ. Năm Quý Tị 1293, nàng mới lên 6 (3), chẳng may mẹ mất, tuy nhiên được dì ruột là hoàng hậu Tuyên Từ chăm sóc. Chị em Khâm Từ và Tuyên Từ đều là ái nữ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cũng năm ấy, vua Trần Nhân Tông thoái vị, cho thái tử Trần Thuyên - anh ruột của Huyền Trân - nối ngôi và trở thành vua Trần Anh Tông. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đến chùa Võ Lâm ở Ninh Bình tu tập, sau chuyển lên núi Yên Tử (4).

Năm Tân Sửu 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông ngoạn lãm vương quốc Chiêm Thành (5)gần 9 tháng, được vua Chế Mân tức Jaya Sinhavarman III tiếp đãi nồng hậu. Trước lúc hồi hương, Trần Nhân Tông hứa gả con gái cưng là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù bấy giờ Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi (người Java - nay thuộc Indonesia). Thuở nọ, công chúa Huyền Trân mới 14 tuổi, tất nhiên muốn làm lễ vấn danh phải đợi nàng trưởng thành.

Hoàng thành Thăng Long (6) chắc chắn tạo bao ấn tượng sâu đậm đối với công chúa Huyền Trân, nhất là thời thiếu nữ. Nàng được dạy dỗ rất đặc biệt với yêu cầu: vừa thấm nhuần văn hoá bản địa, vừa tiếp cận ngôn ngữ lẫn tập quán Chiêm. Một trong những thầy dạy thi thư cho nàng là Văn Túc Vương Trần Đạo Tái - con của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Thầy dạy nàng thêu thùa là đại quan Trần Khắc Chung (7).

Năm Ất Tị 1305, theo Đại Việt sử ký toàn thư(8), đã diễn ra sự kiện quan trọng với công chúa Huyền Trân nói riêng, vương quốc Đại Việt nói chung: "Tháng 2, Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ cầu hôn. Các quan trong triều đều cho là không nên, duy có Văn Túc Vương Đạo Tái chủ trương bàn việc đó, Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết."

Cũng theo bộ chính sử này, năm sau, Bính Ngọ 1306, thì: "Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân."

Trong các quà sính lễ mà vua Chế Mân dâng vương triều Trần, có món vô giá quá đặc biệt: một phần lãnh thổ của Chiêm Thành là hai châu Ô , Ri / Rí / Lý (9). Dân gian lưu truyền câu hát nghẹn ngào:

Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.

Thêm bài thơ thất ngôn bát cú tương truyền của Hoàng Cao Khải:

Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
Vốn đà không mất, lại thêm lời.
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi.
Lòng đỏ khá khen lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời.
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngơ ngẩn nhẩn nhau mấy đứa Hời.

Bằng đường bộ, công chúa Huyền Trân sang Chiêm quốc, có Trần Khắc Chung đưa tiễn. Kinh đô Vijaya còn gọi Đồ Bàn (10) hân hoan tiếp đón giai nhân lẫy lừng cõi Việt, long trọng tổ chức hôn lễ. Huyền Trân trở thành hoàng hậu Paramecvari.


Tháp Cánh Tiên nhìn từ di tích thành Đồ Bàn ở An Nhơn, Bình Định. 
Ảnh: Phanxipăng

Éo le thay, tháng 5 năm Đinh Mùi 1307, vua Chế Mân đột tử. Tháng 7 cùng năm, tại kinh đô Đồ Bàn, Paramecvari Huyền Trân sinh hoàng tử Dayada, phiên âm là Chế Đa Da. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận loạt vụ việc năm đó: "Mùa đông, tháng 10, sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về. Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với [người Chiêm]: 'Nếu công chúa hoả táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu.' Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô."

Đoạn vừa trích chứa những chi tiết đáng hồ nghi. Thứ nhất, vua Chế Mân băng tháng 5 tại Đồ Bàn, mà tháng 10 phái đoàn của Đại Việt rời Thăng Long, ví thử hoả táng Huyền Trân há lẽ vương quốc Chiêm Thành kéo dài thời gian chờ đợi cả nửa năm ròng? Thứ nhì, biên soạn bài Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa (11), tiến sĩ Po Dharma khẳng quyết: "Nếu theo truyền thống Champa, chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép để huỷ thân trên giàn hỏa với chồng của mình." Cần thêm rằng tục lệ Chăm theo xu hướng Bà La Môn thì không hoả thiêu sản phụ, trẻ sơ sinh, người vị thành niên. Thứ ba, đưa được Huyền Trân về Đại Việt nhờ Trần Khắc Chung và Đặng Văn thuyết phục ổn thoả với triều đình Chiêm Thành, dĩ nhiên phải để hoàng tử Chế Đa Da lại. Bằng không, cuộc hải trình suốt 10 tháng ròng của Huyền Trân chắc chắn bất thành bởi thuyền Chăm thời ấy nổi tiếng nhanh chóng và thiện chiến, ấy chưa kể việc đất liền tiếp tế thức ăn lẫn nước ngọt cho hải đoàn của Đại Việt.

Bập bềnh trên sóng biển Đông phía ngoài đèo Hải Vân, vụt gặp mưa bão, hải đoàn Đại Việt tấp vào đảo nhỏ nhằm tránh thiên tai. Đảo nọ từ ấy mang tên Huyền Trân (12), từng khiến Ngô Thì Nhậm sáng tác áng thơ thất ngôn bát cú 積雨玄珍 / Tích vũ Huyền Trân / Đêm mưa trên đảo Huyền Trân mà đây là đôi dòng đề:

玄珍灑盡幽愁淚,
化作春梅夜雨聲。

Phiên âm:

Huyền Trân sái tận u sầu lệ,
Hoá tác xuân mai dạ vũ thanh.

Vũ Đình Liên dịch:

Nước mắt Huyền Trân khóc phận mình,
Đêm xuân, mai đọng lệ trên cành.

Kế tiếp, Huyền Trân vào cửa Tư Dung, nay gọi cửa Tư Hiền (13), lên núi Linh Thái và núi Thuý Vân / Tuý Vân, thưởng thức đặc sản địa phương và ngắm cảnh đầm Cầu Hai - một phần của phá Tam Giang.


Từ núi Thuý Vân / Tuý Vân, 
ngắm đầm Cầu Hai ở Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. 
Ảnh: Phanxipăng
Mùng 10 tháng 8 năm Mậu Thân (1308), sau 10 tháng hải hành, Trần Huyền Trân về tới kinh đô Thăng Long. Ngày 13 tháng 11 cùng năm âm lịch, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập thiền phái Trúc Lâm (14)- viên tịch trong am Ngoạ Vân trên núi Yên Tử. Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1309), thực hiện di huấn của phụ thân, Huyền Trân đến trấn Kinh Bắc, vào chùa Vũ Ninh trên núi Trâu (15). Nơi đấy, dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phác, nàng xuống tóc, khoác nâu sồng, trở thành Thích Nữ Hương Tràng.
 
Tượng đá Thích Nữ Hương Tràng được dựng tại đền thờ công chúa Huyền Trân ở núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế. 
Ảnh: Phanxipăng
Kỵ giỗ ni sư Thích Nữ Hương Tràng tức công chúa Trần Huyền Trân tại đền Huyền Trân ở Huế mùng 9 Tết Đinh Dậu nhằm chủ nhật 5-2-2017. 
Ảnh: Phanxipăng

Nhập chúng, chuyên chú học tập Phật pháp, rồi nữ tu Hương Tràng được quốc sư Bảo Phác uỷ đến trụ trì chùa nào?

Sách Bí ẩn các nhà ngoại cảm Việt Nam do Lê Mai Dung biên soạn (NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2007) đề cập Phan Thị Bích Hằng: "Làng chị có ngôi chùa bà Huyền Trân công chúa đã tu. Ở Chiêm Thành về, bà không lấy chồng nữa mà về tu ở đấy. (...) Trong thời gian cộng tác với Trung tâm (16) được khoảng 6 tháng, chị Hằng mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương nên xin các bác các chú cho người về khảo sát lại di tích lịch sử chùa Dầu từ đời nhà Trần, 700 năm nay. Sau khi về khám phá, kiểm nghiệm thông tin, nói chuyện, tiếp xúc với những nhân vật đã xây dựng chùa, tất nhiên là chết cách đây 700 năm rồi, trong đó có cả bà Phan Thị Vinh, nhũ mẫu của Huyền Trân công chúa, họ nhiều đời của nhà chị Hằng. Chùa bị giặc Pháp đốt, phá tan tành, những bát hương đã bị vùi xuống đất. Người xưa cho biết toà sen như thế nào, bát hương ra sao, có bao nhiêu sắc phong chứng chỉ từ các đời vua. Những gì thu thập được xác nhận hoàn toàn đúng bởi ban văn hoá. Huyện trình lên tỉnh, tỉnh trình lên Bộ. Chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá."

Phanxipăng ghé sinh quán của Bích Hằng là xã Khánh Hoà (17), huyện Yên Khánh (18), tỉnh Ninh Bình, viếng chùa Dầu, công trình được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào ngày 24-3-1993. Chùa có tên chữ 靈衙寺 / 灵衙寺 / Linh Nha tự. Đôi câu đối trên tam quan cho hay chùa Dầu xuất hiện từ đời nhà Lý (1009 - 1225) chứ chẳng phải đời nhà Trần (1225 - 1400):

李朝而起陳朝而興萬古名藍
天柱已維地軸已立天年勝跡

Phiên âm:

Lý triều nhi khởi, Trần triều nhi hưng, vạn cổ danh lam;
Thiên trụ dĩ duy, địa trục dĩ lập, thiên niên thắng tích.

Tạm dịch:

Triều Lý khởi lập, triều Trần hưng thịnh, muôn thuở danh lam;
Cột trời vững chãi, trục đất chắc bền, nghìn năm thắng tích.

Phanxipăng muốn kiểm chứng tin đồn: hậu cung của chùa là dãy nhà 5 gian, phải chăng một gian đầu hồi thờ công chúa Huyền Trân?

Đại đức Thích Minh Đức - trụ trì chùa Dầu - cười:

- Gian đầu hồi được gọi cung cấm, thường xuyên khoá kín cửa. Tăng ni, Phật tử muốn thắp nhang, xông trầm, khấn vái, hãy dùng hương án bên ngoài. Tuy nhiên, hôm nay đặc biệt, nhà chùa xin chiều ý anh Phanxipăng.

Cửa cung cấm bật mở. Giữa hai thanh đoản kiếm và hai thanh trường kiếm, nổi bật cỗ long ngai đỡ bài vị đã khoác áo dài màu vàng. Mạnh dạn cởi cúc áo, tôi thấy bài vị bày mấy chữ Hán sơn son thếp vàng: 玄姿公主陳... Phanxipăng reo lên:

- Huyền Tư công chúa Trần... Không phải công chúa Huyền Trân.

Sự thật ấy được khẳng định qua loạt sách báo, chẳng hạn đôi cuốn của Lã Đăng Bật: Chùa Ninh Bình (NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2007), Di tích, danh thắng Hoa Lư - Ninh Bình (NXB Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội, 2007). Cần thêm: Trần Huyền Trân chẳng hề tu ở chùa Dầu.

Đại đức Minh Đức thắc mắc:

- Thế công chúa Huyền Trân trụ trì chùa nào, anh Phanxipăng nhỉ?

Quyển XVI Tỉnh Nam Định trong bộ Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn(19) cho biết: "Chùa Nộn Sơn: ở xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản. Triều Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua nước Chiêm Thành, sau công chúa lại trở về nước, trụ trì ở đây, nhân đấy, dân sở tại phụng thờ."

Chùa Nộn Sơn còn được gọi chùa Hổ Sơn (20), hiện ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (21), tỉnh Nam Định, đã được công nhận di tích cấp tỉnh vào ngày 27-8-2006. Tôi đến đây, được đại đức trụ trì Thích Thanh Quang đưa lên sườn non, viếng đền thờ. Nơi đó, đôi pho tượng gỗ tạc nhị vị công chúa triều Trần là Thuỵ Bảo và Huyền Trân an vị trong tủ kính.

Đại đức Thanh Quang nói:

- Hai tượng này có khả năng ra đời từ thời Lê. Chùa trước kia được triều đình ban một số sắc phong, đầu tiên vào niên hiệu Cảnh Hưng (22). Một đạo sắc phong thời Nguyễn ghi: "Sắc Nam Định tỉnh, Vụ Bản huyện, Hổ Sơn xã, phụng sự Trần triều Huyền Trân công chúa chi thần, Trần triều Thuỵ Bảo công chúa chi thần, hộ quốc, tý dân."

Thuỵ Bảo là con của Thái Tông - vua đầu tiên của nhà Trần - và là chị ruột của công chúa An Tư (23). Trải hai đời chồng - trước là Uy Văn Vương Trần Toại, sau là Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng - đều mất sớm, Thuỵ Bảo đành xuất gia, dựng chùa phía tây núi Hổ. Gọi Thuỵ Bảo bằng bà cô, Huyền Trân trụ trì chùa phía đông núi Hổ từ cuối năm Tân Hợi (1311) (24).

Tương truyền nhị vị sư nữ này cùng an tịch tại đây một ngày, được nhân dân địa phương kính cẩn thờ chung. Nhưng ngày nào? Mùng 9 tháng giêng hay tháng tư năm Canh Thìn (1340)? Xưa nay, chùa Nộn Sơn mở hội mùng 9 tháng tư âm lịch thường niên nhằm tưởng nhớ ngày mất công chúa Huyền Trân. Còn đền thờ công chúa Huyền Trân ở phường An Tây, thành phố Huế, tổ chức lễ hội Huyền Trân kỷ niệm ngày nàng ly trần vào mùng 9 tháng giêng âm lịch. ♥


Tượng gỗ nhị vị công chúa triều Trần là Thuỵ Bảo & Huyền Trân 
được thờ trong chùa Nộn Sơn ở Vụ Bản, Nam Định. 
Ảnh: Phanxipăng

____________

(1) Nay thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

(2) Một số tài liệu cho rằng năm sinh của Huyền Trân lại là Đinh Hợi 1287 và Kỷ Sửu 1289.

(3) Bài này tính theo tuổi ta, còn gọi tuổi mụ.

(4) Núi Yên Tử còn mang tên Bạch Vân, cao 1.068m, hiện thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

(5) Chiêm Thành / Chiêm, còn gọi Chămpa / Champa / Chăm.

(6) Với vai trò kinh đô của quốc gia Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê Mạc, Lê Trung Hưng, từ năm 1010 đến năm 1778, Thăng Long nay là một phần Hà Nội.

(7) Trần Khắc Chung gốc họ Đỗ. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhì, Khắc Chung tình nguyện làm sứ giả khôn khéo thương thuyết với Ô Mã Nhi. Nhờ công đó, Khắc Chung được vua ban quốc tính.

(8) Bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ XVIII (1697). Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích. Tập II. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998.

(9) Hai châu này, người Chăm gọi Uli, từ năm Đinh Mùi 1307 được triều Trần chuyển thành châu Thuận và châu Hoá.

(10) Tên khác là Chà Bàn. Thời Tây Sơn, Nguyễn Nhạc gọi thành Hoàng Đế. Năm Kỷ Mùi 1799, Nguyễn Ánh chiếm, đổi tên là thành Bình Định. Hiện thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

(11) Champakara 4-6-2007 http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?72&lichsu

(12) Đảo Huyền Trân còn gọi đảo Ngọc, hòn Chảo, cù lao Hàn, rộng 1,6km2, hiện thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

(13) Bài Một thoáng Tư Hiền của Quốc Lễ đăng báo Phụ Nữ 20-7-2009 http://www.phunuonline.com.vn/dulich/2009/Pages/Mot-thoang-Tu-Hien.aspx sau đó được đưa vào Dư địa chí Thừa Thiên - Huế http://www3.thuathienhue.gov.vn/GeographyBook/Default.aspx?sel=3&id=1534 đã ghi nhận: "Cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình, nơi thông đầm Cầu Hai với biển Đông. Các bô lão vùng này kể rằng: cửa biển này trước đây gọi là cửa Tư Dung, do sự tích công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông trước khi xuất giá sang Chiêm Thành đã ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó, cửa có tên Tư Dung, cái tên do lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân công chúa mà thành. Theo sách xưa, cửa biển này thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông (1306) gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, đưa công chúa tới đây, nên đổi tên thành Tư Dung (Tư là nghĩ đến, tưởng nhớ đến, Dung là nét mặt, dung nhan, ý nghĩa cũng gần như chữ tư dung là vẻ mặt, là dáng dấp của người đàn bà đẹp). Dùng hai chữ Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này, ý hẳn người Việt lúc bấy giờ một đàng muốn ghi lại cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, nhưng đàng khác, cũng nhằm tưởng nhớ công ơn khách má hồng đã hy sinh hạnh phúc riêng tư cho việc mở mang bờ cõi." Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (Bản dịch của Phạm Trọng Điềm - Tập I, NXB Thuận Hoá, Huế, 1992; trang 176) thì năm Tân Sửu 1841, Thiệu Trị nguyên niên, triều Nguyễn đổi tên Tư Dung thành Tư Hiền. Trải quá trình lấp, bồi, dịch chuyển thì thực tế hiện nay tại huyện Phú Lộc có 2 cửa biển: cửa Tư Hiền giữa 2 xã Lộc Bình và Vinh Hiền, cửa Tư Dung ở xã Lộc Bình đang bị lấp cạn.

(14) Là dòng thiền Việt Nam, Trúc Lâm Yên Tử hợp nhất 3 thiền phái Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Diệt Hỉ / Tì Ni Đa Lưu Chi / Vinitaruci. Trần Nhân Tông - tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử - có đạo hiệu Điều Ngự Giác Hoàng, được tôn vinh Phật Hoàng.

(15) Núi Trâu / Trâu sơn cũng được gọi núi Vũ Ninh / Võ Ninh, trước thuộc huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

(16) Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người được thành lập tại Hà Nội ngày 19-6-1996, gồm 3 bộ môn: Năng lượng sinh học, Thông tin dự báo, Cận tâm lý.

(17) Sau Cách mạng tháng 8-1945, hai xã Phương Du và Yên Khang hợp thành một xã Khang Du. Năm 1946, sau tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá đầu tiên, xã Khang Du đổi tên nên xã Khánh Hoà.

(18) Tên huyện Yên Khánh xuất hiện từ năm Quý Hợi 1803, niên hiệu Gia Long thứ nhì. Ngày 27-4-1977, Hội đồng Chính phủ ra quyết định 125/CP. Theo đó, lấy sông Khang Thượng làm mốc thì cắt 9 xã phía nam sáp nhập vào huyện Kim Sơn, cắt 9 xã phía bắc sông Khang Thượng (có xã Khánh Hoà) sáp nhập với huyện Yên Mô và thị trấn Tam Điệp nhằm thành lập huyện Tam Điệp. Ngày 7-4-1994, Chính phủ ban hành quyết định số 49-NĐ/CP tái lập huyện Yên Khánh.

(19) Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Tập III. NXB Thuận Hoá, Huế, 1992.

(20) Bia ký đền công chúa Huyền Trân ở Huế http://denhuyentran.com/?cat_id=27&topic_id=46 ghi "chùa Nộn Sơn, tên chữ Quảng Nghiêm tự" là thiếu chính xác. Thật ra, ngôi già lam này có tên chữ 虎山寺 / Hổ Sơn tự.

(21) Đời Lý, huyện Thiên Bản nằm trong phủ Ứng Phong. Đời Trần, huyện Thiên Bản thuộc phủ Kiến Hưng. Năm Đinh Hợi 1407, nhà Minh đổi làm huyện Yên Bản thuộc phủ Kiến Bình. Năm Ất Mùi 1415, giặc Minh đổi huyện Độc Lập thành Bình Lập cho sáp nhập vào huyện Yên Bản. Đến đời Lê Thánh Tông lại phục hồi tên huyện Thiên Bản, thuộc phủ Nghĩa Hưng. Đến thời Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ XIV nhằm năm Tân Dậu 1861, đổi tên thành huyện Vụ Bản.

(22) Cảnh Hưng là niên hiệu của Lê Hiển Tông, vị hoàng đế áp chót của nhà Hậu Lê, từ năm 1740 đến năm 1786.

(23) Năm Ất Dậu 1285, quân Nguyên Mông tấn công nước ta lần thứ nhì, vây hãm Thăng Long. Để tạm cầu hoà, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông sai người dâng em gái út của mình là công chúa An Tư cho tướng giặc Thoát Hoan.

(24) Trong sách Am mây ngủ (NXB Lá Bối, Paris, 1982; NXB Thuận Hoá, Huế, 2007), Nhất Hạnh viết về Trần Huyền Trân / Thích Nữ Hương Tràng: "Công chúa xuất gia và thọ Bồ Tát giới vào ngày Tết Nguyên đán năm Kỷ Dậu (...). Tháng 10 năm Kỷ Dậu, bà được quốc sư uỷ về trú trì chùa Hổ Sơn ở huyện Thiên Bản." Thiết nghĩ chưa đầy năm, nàng làm sao thụ giáo kinh, luật, luận đạt mức độ cần thiết? Ngay cả 3 năm (1309 - 1311) cũng quá ngắn, song Hương Tràng là trường hợp ngoại lệ nên được rời bổn sư đến chùa Hổ Sơn để hoằng dương đạo pháp.
 

Đã đăng:
Thế Giới Mới 935 (23-5-2011) & 936 (20-5-2011)
Kiến Thức Ngày Nay 774 (10-2-2012)

Lầu Công Chúa còn gọi Tĩnh Bắc lâu / Hậu lâu / Hậu điện / Hậu cung toạ lạc trong quần thể kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long. 
Ảnh: Phanxipăng

Tháp Cánh Tiên nhìn từ di tích thành Đồ Bàn ở An Nhơn, Bình Định. 
Ảnh: Phanxipăng

Phanxipăng thăm đảo Huyền Trân / đảo Ngọc / hòn Chảo. 
Ảnh: Phan Văn Trinh

Từ núi Thuý Vân / Tuý Vân, 
ngắm đầm Cầu Hai ở Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. 
Ảnh: Phanxipăng

Phanxipăng viếng tháp Tổ trên núi Yên Tử ở Uông Bí, Quảng Ninh. 
Ảnh: Lê Hồng Sinh

Phanxipăng bên bài vị "Huyền Tư công chúa Trần..." tại chùa Dầu ở Yên Khánh, Ninh Bình. 
Ảnh: Trần Quốc Đỉnh

Tượng gỗ nhị vị công chúa triều Trần là Thuỵ Bảo & Huyền Trân được thờ trong chùa Nộn Sơn ở Vụ Bản, Nam Định. 
Ảnh: Phanxipăng

Tượng đá Thích Nữ Hương Tràng được dựng tại đền thờ công chúa Huyền Trân ở núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế. 
Ảnh: Phanxipăng

Kỵ giỗ ni sư Thích Nữ Hương Tràng tức công chúa Trần Huyền Trân tại đền Huyền Trân ở Huế mùng 9 Tết Đinh Dậu nhằm chủ nhật 5-2-2017. 
Ảnh: Phanxipăng