Huế của khách du xưa

Thu Tứ

Huế từng là nơi tá túc thơ mộng của nhiều văn nghệ sĩ tiền chiến.

Trong số nhà văn Bắc vào thăm Huế sớm bậc nhất có Vũ Bằng. Năm 1924, 25 gì đó, ông Vũ đã thuê một cái gác trong một căn nhà ở Bến Tượng ngó ra sông Hương. Vũ Bằng nằm dài ở Huế trong một cơn thất chí. Ông lại đang nghiện thuốc phiện. Người nghiện chẳng những thường ngủ muộn mà hình như còn hay ngủ "thức", tức ngủ mà giác quan và óc vẫn chập chờn hoạt      động. Chính trong những giờ đêm đã về sáng và trong cái trạng thái say thuốc lơ mơ, mà Vũ Bằng đã được nghe hò Huế cách thấm thía nhất. Ông kể: "Tôi còn nhớ như in (...) vừa mới thiu thiu thì ở xa xa đưa lại một tiếng gì như tiếng chuông (...) âm ba nhè nhẹ trên mặt nước (...) vọng lên căn gác nhỏ (...) vỗ về mình, đu đưa mình (...) Ủa, sao lại có tiếng hát lẫn vào tiếng chuông? Tại sao cứ sau một tiếng ngân của chuông thì lại có kèm câu hát?".(1)

Chuông rồi hát, chuông rồi hát, quái lạ. Hóa ra tiếng chuông không phải tiếng chuông, mà là tiếng hò (hò trước hát sau)! Hóa ra "người chưa vĩnh biệt Phù Dung" (2) đã bị nàng tiên nâu ru cho say la đà đến nỗi nghe gái Huế chèo thuyền đi chợ hò mái đẩy mà tưởng mình đang thưởng thức tiếng chuông Thiên Mụ! (3)

*
Trong cái giờ khắc khí âm còn thịnh, nằm nghe cùng một điệu hò, có người khách xa tưởng tiếng chuông chùa, rồi có người khách xa khác lại tưởng "tiếng ma đưa".

Sau Vũ Bằng có lẽ mười lăm năm, Tô Hoài cũng vào Huế nằm ngủ. "Dế Mèn Phiêu Lưu Ký" ngủ đò, nhưng không phải thứ đò ngủ kỹ nữ nổi tiếng đâu, mà là "đò nhà trọ, giường chiếu tềnh toàng như cái lều trên mặt nước", là "chỗ ngả lưng cho người nhỡ độ đường nhẹ túi".

Tô Hoài không nghiện thuốc phiện như Vũ Bằng nhưng ngủ có lẽ cũng không "kỹ", vì túi nhẹ ngày chỉ hai bữa cơm hến, ăn có no đâu. Nhờ ngủ ngay trên mặt nước, lại ngủ nhẹ nhàng, tỉnh táo, ông được nghe những âm thanh khó quên: "Nhớ nhất nửa đêm về sáng, những câu mái đẩy cất lên như tiếng ma đưa trong những thuyền chở cau, chở củi mạn ngược về chợ, tiếng nỉ non lạnh ngắt dài theo tiếng chèo thơm nước mùi cỏ thạch sương bồ từ đầu nguồn đưa xuống." (4)

*
Trước sau Tô Hoài một đôi năm, Nguyễn Bính cũng ghé Huế.

Nhà văn hẳn vào Huế dịp xuân hạ hay chớm thu nên được đêm đêm "gác cả hai chân lên mạn thuyền" nghe tiếng ma đưa và hít mùi nước cỏ bồ. Nhà thơ vào hơi muộn trong năm nên chỉ được "nằm mốc" trên bờ ngày nọ qua ngày kia nghe "mưa tong tả" mà "sầu nghiêng mái quán", mà than thở "Trời mưa ở Huế sao buồn thế" đến bốn lần trong một bài thơ!(5)

Thu mới hơi già mà Huế đã buồn:

"Suốt trời không một điểm sao
Suốt trời mực ở nơi nào loang ra
Lửa đò chong cái giăng hoa
Mõ sông đục đục, canh gà te te
Chừ đây bên nớ bên tê
Sương thu xuống gió thu về bồng bênh
Ðàn ai chừng đứt dây tình
Nổi lên một tiếng buồn tênh rồi chìm" (6),

nên đông tới thì trên trời ngày đêm lúc nào cũng "ngao ngán một loài mây", mặt trời mặt trăng "điểm sao" đông miên đâu hết, thì dưới đất sông Hương thiếu điều tràn bờ, đò nọ đò kia lên cạn nằm la liệt như bát úp.

Quả thực, nếu không "nón lá áo tơi ra quán chợ" để uống cho xỉn thì thi nhân "đi đày" Nguyễn Bính chịu đời sao thấu! (7)

*
Huế bây giờ, du khách dầu có chịu khó thức tới... trắng tóc trong khách sạn Hương Giang cũng không sao nghe được một câu hò mái đẩy, vì đò đã "mọc" đuôi tôm cả rồi, có cô gái Huế nào phải chèo đẩy gì nữa đâu mà nửa đêm về sáng cất tiếng vang như chuông hay nỉ non như giọng ma đưa?

Huế đêm đã thôi hò. Huế đông cũng không còn mưa buồn ra thơ. Ðọc ghi chép, tâm sự của khách du xưa, rồi thấy bâng khuâng...

(Viết năm 2008)
____________

(1) Vũ Bằng, "Thương về câu hò tiếng hát của xứ Huế xanh xanh", Tạp văn Vũ Bằng, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2003, tr. 209-210.

(2) Vũ Bằng có tác phẩm tên Phù dung ơi, vĩnh biệt (tên khác là Cai).

(3) Ca dao: "Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Thiên Mụ..."

(4) Tô Hoài, Bút ký, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2000, tr. 287.

(5) Bài "Trời mưa ở Huế".

(6) Bài "Lửa đò" của Nguyễn Bính.

(7) Bài "Trời mưa ở Huế": "Không hiểu vì sao hai đứa lại / Chung lưng làm một chuyến đi đày".