Những tài liệu mới về 
Cuộc Khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 

Trần Viết Ngạc

Gần đây, qua cuốn "Vua Duy Tân 1916" (Nguyễn Trương Đàn, nxb Văn Học, 2014), chúng ta biết đến một số tư liệu mới, quan trọng về cuộc Khởi nghĩa Duy Tân 1916, từ Trung tâm Lưu trữ hải ngoại ở Aix-en-Provence, Pháp.
Đó là 3 hồ sơ:
- Hồ sơ AOM – GGI 65530 [1] Troubles de l’Annam 1916 (Cuộc dấy loạn ở Trung Kỳ 1916)
-Hồ sơ AOM - GGI - 9588: Cour d’Annam - Complot à Hue - Evasion et Deposition de S.M. Duy Tan (Triều đình Annam - Cuộc mưu phản ở Huế - Sự đào thoát và truất phế Vua Duy Tân)
-Hồ sơ AOM - GGI - 1499: Rapports politiques de M. le Resident Superieur à M. le Gouverneur General  de l’Indochine (Những báo cáo chính trị của Khâm sứ Trung kỳ gởi Toàn quyền Đông Dương).
Những tài liệu trong 3 hồ sơ này rất phong phú, cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về cuộc Khởi nghiã bất thành năm 1916, nhờ đó chúng ta thấy cần kiểm chứng lại những hiểu biết chưa đầy đủ và đôi khi sai lạc trước đây về cuộc khởi nghiã này.

Chưa có được đầy đủ hồ sơ quý già này, chúng tôi chỉ mong nêu lên một vài sự kiện, mà tư liệu mới hé lộ.

1. VỀ HAI TỜ TRÁT CỦA VUA DUY TÂN

1.2 TỜ TRÁT DƯƠNG ĐỨC TUYÊN 

  Phiên âm:
Trung Hưng Nam công ty
Vi trát sự nội ty Dương Đức Tuyên
TRÁT:
tứ nguyệt sơ tam vãng ngũ điểm tùng giá tại Nghi Phụng Môn
Bất tác vô diện
Trung ty đồng ký
Đương diện thụ trát
ấn                ​                  ​​​​​​ấn
Văn ký mật sát            ​​​​​Ngự tiến chi bửu
Khâm sứ tòa phụng sao​​​​​​            Bản sao
​​​​​​​​​Sao y nguyên bản
​​​​​​​​​Q. trưởng phòng
​​​​​​​​​Sogny  đã ký
​​​​​​​Đóng dấu Tòa Khâm sứ Trung kỳ
Dịch nghĩa:


Trung Hưng Nam công ty
​TRÁT:​
Trát đòi Dương Đức Tuyên, làm việc tại nội ty, phải có mặt lúc năm giờ ngày mồng ba tháng tư tại Nghi Phụng Môn để theo hầu.  Không được vắng mặt.
Trung ty đồng ký
Trát này được trao tận tay
ấn​​​​​​​​                            ấn
 

Văn lý mật sát​​          ​​​​Ngự tiền chi bửu
Tòa Khâm sứ phụng sao​​​​​​          Bản sao
Sao y nguyên bản
​​​​​​​​​Q. trưởng phòng
​​​​​​​​​Sogny    đã ký
​​​​​​​Đóng dấu Tòa Khâm sứ Trung kỳ

1.3 TRÁT CHO TÔN THẤT ĐỀ VÀ LÊ ĐÌNH THƯỞNG 

 Phiên âm:
Trung Hưng Nam Quốc công
Vi trát phái nội ty nhị danh
TRÁT: ​​​
Tôn thất Đề Lê đình Thưởng
tứ nguyệt sơ tam nhật vãng ngũ điểm
tựu tại Tây Nam môn sĩ giá, phụng bổng võ phục y quan dữ Văn lý mật sát chi bửu
Bất đắc dự đãi
Trung ty đồng ký
Đương diện thụ trát
ấn                                        ​​​​​​​ấn
Văn ký mật sát                    ​​​​​Ngự tiền chi bửu
Khâm sứ tòa phụng sao​​​              ​​​Bản sao
​​​​​​​​​Sao y nguyên bản
​​​​​​​​​Q. trưởng phòng
​​​​​​​​​Sogny    đã ký
​​​​​​​Đóng dấu Tòa Khâm sứ Trung kỳ
Dịch nghĩa:


Trung Hưng Nam Quốc công
​TRÁT:​
Trát đòi hai người ở nội ty là
Tôn thất Đề và Lê đình Thưởng
ngày mồng ba tháng tư, lúc năm giờ, đến tại cửa Tây Nam phò giá, đem theo võ phục, mũ và ấn Văn lý mật sát.
Không được vắng mặt.
Trung ty đồng ký
Trát này được trao tận tay
ấn​​                                  ​​​​​​​ấn
Văn lý mật sát​​​​​​​          Ngự tiền chi bửu
Tòa Khâm sứ phụng sao​​​​​​​          Bản sao
Sao y nguyên bản
​​​​​​​​​Q. trưởng phòng
​​​​​​​​​Sogny  đã ký
​​​​​​​Đóng dấu Tòa Khâm sứ Trung kỳ

1.4 Hai tờ trát cho chúng ta biết những gì?

- Từ năm 1915, Việt Nam Quang Phục đã liên lạc được với vua Duy Tân và vua Duy Tân đã nhận lời tham gia Việt Nam Quang Phục Hội. Người Pháp đã tìm thấy 1 tờ chế đề ngày 20 tháng 3 năm Duy Tân thứ 9 (5.5.1915) giấu dưới viên gạch lót phòng, mà nội dung là phong chức cho Hoàng Trọng Mậu (Hà Tĩnh),  Nguyễn Bùi Lễ (ở Quãng Nam), Trần Phú (Hà Tĩnh) và Vũ Đình Xán(Nghệ An). Hoàng Trọng Mậu (tức là Nguyễn đức Công) là một nhân vật trọng yếu của Việt Nam Quang Phục hội (thành lập ở Quảng Châu năm 1912).
Đó là người sẽ chỉ huy quân đội trong một cuộc khởi nghĩa…!
Ở tờ chế này có mấy điểm đáng chú ý:
- Vua tự tay viết tờ chế.
- Vua đã có liên lạc với Việt Nam Quang phục hội (kỳ bộ Trung kỳ), có thể là tứ Thái Phiên.
Thời gian này Phan Bội Châu đã bị bắt giam ở ngục Quãng Châu (1913-1917). Nguyễn Thượng Hiền thay Phan Bội Châu lãnh đạo hội, giao thiệp với đại sứ Đức và được giúp đỡ.  Thái Phiên liên lạc với VNQPH qua ngả Hồng Kông và Thái Lan.
Đó cũng là lý do để VNQPH, trong hội nghị ở Huế, tháng 9-1915, có kế hoạch tiếp xúc chính thức với nhà vua và mời vua đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1916.
Danh xưng VNQPH được che giấy dưới mật danh Trung Hưng Nam công ty, một danh xưng có nghĩa tương đồng với Việt Nam Quang Phục. Trong Công ty, vua Duy Tân được gọi với mật danh Trung Hưng Nam Quốc Công.
Do đó, vua Duy Tân trong hai tờ trát đều xưng danh và các thị vệ Tôn Thất Đề, Lê đình Thưởng, Dương Đức Tuyên tiếp nhận sai phái như là các hội viên của Việt Nam Quang Phục Hội với danh xưng mới: nhân viên nội ty!

2. Về Văn thư của Phủ Phụ Chính gửi Khâm sứ Trung kỳ về việc kết án Trần Cao Vân và Thái Phiên cùng những người tham gia cuộc khởi nghĩa. (Ảnh 3).Văn thư của Phủ Phụ chính gửi Khâm sứ về việc kết án Trần Cao Vân và Thái Phiên cùng những người tham gia cuộc khởi nghĩa.
 

2.1 Bản dịch
Phủ Phụ chính kính gửi thư đến Charles đại nhân, quan  Đại Pháp sung Khâm sứ đại thần tại Kinh đô xét rõ.
​Nay nhận được (phúc trình của) Hội đồng (xử án) gồm
​Tham trị bộ Hình Hoàng Quảng Phu,
​Thị lang bộ Binh kiêm Phó sứ Hộ thành binh mã Võ Liêm
​Ngự sử Viên Đô sát Tôn thất Uyển

Trình rằng:

Vào ngày mồng sáu tháng này, vâng sai phái, Hội đồng đã tra xét về khoản phản nghịch của Trần Cao Vân, Thái Phiên, đã lấy đủ lời cung khai, xét rằng:

Trần Cao Vân đã từng can án, được phóng thích nhưng không xét bổn phận của mình, biết được Hoàng thượng nhỏ tuổi, đã dám ngầm bàn bạc việc bên ngoài.  Thái Phiên cùng âm mưu tụ tập bè đảng, ngầm đến Kinh thành, tìm suất đội Siêu và tam đẳng (thị vệ) Đề, ngầm liên lạc tin tức, xúi giục Hoàng thượng, trộm lấy chiếu văn, tự phong quan tước, lại đòi xa giá ra ngoài để tiện hiệu triệu.
Suất  đội Nguyễn Siêu, tam đẳng thị vệ Tôn thất Đề đều là những người chầu hầu trong Nội, lại dám  liên lạc  với người ngoài. Siêu thì nhận chức nguyên soái, trấn giữ hoàng thành.  Đề thì làm người thân cận hộ vệ khi vua đi ra ngoài.

Còn bốn tên Dương Đức Tuyên, ngũ đẳng (thị vệ) Lê đình Thưởng, viên đội khố vàng Hoàng văn Trí, Nguyễn Soạn tức Năm Hựu, Lê Châu Hàn, Phạm Thành Chương, Lê Cảnh Vận, Nguyễn Khoan tức Ấm Vệ, suất đội Lê Viết Kinh, Nguyễn Duy tức Xã Dụng đều là cùng âm mưu.
Thất phẩm đội trưởng Tôn Thất Quyền, bát phẩm đội trưởng Võ Nhàn. cửu phẩm Mai Trí, Võ Ngô và Lại Hà đều biết sự tình.

(Hội đồng) đã phân biệt xem xét xử tội đúng theo điều luật mưu phản đại nghịch có ghi rằng:

"Phàm mưu phản (bất lợi cho nước gọi là mưu làm nguy hại xã tắc) và đại nghịch (bất lợi cho vua, như là mưu hủy phá tôn miếu, lăng tẩm và cung điện) hể người cùng âm mưu không phân biệt thủ xướng hay tòng phạm, và đã thi hành hay chưa, đều bị xử tử lăng trì.Theo đó, bốn tên Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Siêu, Tôn Thất Đề xin chiếu theo luật này, nhưng miễn lăng  trì, mỗi người đều bị chém lập tức, bêu đầu để làm tỏ rõ luật pháp.

Còn ba tên Dương Đức Tuyên, Lê Đình Thưởng, Hoàng Văn Tri tình tội nặng, nhưng so với bốn tên Trần Cao Vân có khác, cần phải xử chém ngay hay xử chém sau, xin do phủ chúng tôi thẩm định.

Đến như các tên Nguyễn Soạn, Lê Châu Hàn, Phạm Thành Chương, Lê Cảnh Vận, Nguyễn Khoan, Lê viết Kinh, Nguyễn Duy, Tôn thất Quyền, Võ Nhàn, Mai Trí, Võ Ngô và Lại Hà xin đợi tra xét tội danh đích xác và chờ lấy đủ cung khai sẽ tiếp tục trình lên xem xét.

Phủ chúng tôi đã bàn chiếu theo bản án của Hội đồng ấy thì đã căn cứ theo tình tội, chiếu luật xét xử phù hợp.  Nhưng các tên phạm Vân, phạm Phiên, phạm Siêu, phạm Đề xin cho xử trảm, nhưng miễn việc bêu đầu.  Còn ba tên Dương Đức Tuyên, Lê đình Thưởng, Hoàng văn Tri xin chờ tiếp tục xét xử, ngoài ra thì theo như hội đồng đã định.

Vì thế, xin viết văn thư mong (Ngài) cho phiếu thẩm định để thi hành và tuân theo với hết lòng kính trọng.
Ngay kính thư.

2.2 Nguyên văn (phiên âm)
Conseil de Régence
Thời hiệu no. 135
Le 17 mai 1916

Phụ chính phủ thiểm liệt kính thư Đại Pháp khâm sung trú kinh Khâm sứ đại thần Sa quý đài đại nhân thanh giám.

​Tư tiếp Hội đồng
​Hình bộ Tham tri Hoàng Quảng Phu
​Binh bộ Thi lang kiêm hộ thành binh mã phó sứ Võ Liêm
​Lãnh Hình bộ Thị lang Ưng Ân
​Đô sát viện Ngự sử Tôn thất uyển, trình tự:

Bổn nguyệt  sơ lục nhật, thừa phái Hội đồng tra cứu Trần Cao Vân, Thái Phiên đẳng phản nghịch chi khoản, nghiệp dĩ cụ thủ cung tiếu tại án phụng thẩm: Trần Cao Vân tiết kinh can án thích hồi, bất sủy bổn phận văn đắc hoàng thượng xung linh, cảm dữ ám thông ngoại sự chi Thái Phiên mưu đồng củ tập đảng Khỏa tiềm vãng Kinh sư, tầm suất đội Siêu, tam đẳng Đề ám thông tin tức túng dũng hoàng thượng, biển thủ chiếu văn, tự phong quan tước, hựu yêu giá xuất ngoại, dĩ tiện hiệu triệu. Suất đội Nguyễn Siêu, tam đẳng thị vệ Tôn Thất Đề quân hệ thị hậu tại Nội, khước cảm thông dữ ngoại nhân.  Siêu tắc thọ nguyên soái chi chức, trấn thủ hoàng thành.  Đề tắc dĩ cấm chi thân  tuỳ giá xuất ngoại.  Kỳ dư tứ đẳng Dương Đức Tuyên, ngũ đẳng Lê Đình Thưởng, hoàng Khổ tân binh Hoàng Văn Tri, Nguyễn Soạn tức Năm Hưu, Lê Châu Hàn, Phạm Thành Chương, Lê Cảnh Vận, Nguyễn Khoan tức Ấm Vệ, đương liệt suất đôi Lê viết Kinh, Nguyễn Duy tức Xã Dụng đẳng quân hệ công mưu.  Thất phẩm đội trưởng Tôn thất Quyền, bát phẩm đội trưởng Võ Nhàn, cửu phẩm Mai Trí,  Võ Ngô, Lại Hà đẳng quân hệ tri tình.  Phân biệt nghĩ xử tội, thành ưng đắc cẩn án mưu phản đại nghịch luật tái nội nhất khoản.

​"phàm mưu phản (bất  lơi ư quốc, vị mưu nguy xã tắc) cập đại nghịch (bất lợi ư quân, vị mưu hủy tôn miếu, sơn lăng cập cung khuyết) đản công mưu giả bất phân thủ tòng. dĩ vị hành) giai lăng trì xử tử đẳng nhơn.  Kỳ Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Siêu, Tôn Thất Đề đẳng tứ danh thỉnh ưng chiếu thử luật miễn kỳ lăng trì, các hướng trảm lập quyết Kiêu thị dĩ chính điển hình.

Tồn Dương Đức Tuyên, Lê Đình Thưởng, Hoàng Văn Tri đẳng tam danh tình tội giảo trọng nhưng thị dữ Trần Cao Vân đảng tứ danh hữu gián, hữu ưng lập quyết hoặc hoãn quyết chi xử, thỉnh do thiểm phủ thẩm định.

Chí như Nguyễn Soạn, Lê Châu Hàn, Phạm Thành Chương, Lê Cảnh Vận, Nguyễn Khoan, Lê Viết Kinh, Nguyễn Duy, Tôn Thất Quyền, Võ Nhàn, Mai Trí, Võ Ngô, Lại Hà đẳng khẩn sỉ tra cứu tội danh xác tạc tính dữ thượng vi đáo cứu đẳng khoản, sỉ duy thủ cung tiếu lánh phụng tục trình tư biện các đẳng nhơn.

Thiểm phủ thương chiếu giá án Kinh cai hội đồng tùy chiếu tình tội chiếu luật nghĩ xử phả hợp.  Kỳ phạm Vân, phạm Phiên, phạm Đề, phạm Siêu thỉnh vấn trảm quyết, miễn kỳ kiêu thị.  Tồn Dương đức Tuyên, Lê Đình Thưởng, Hoàng Văn Trị đẳng tam danh sỉ lánh tục nghĩ, dư hưu hội đồng sở nghĩ.

Triếp  thử kính thư chỉ kỳ thẩm phiếu bằng biện kiêm tuân kính trọng chí ý.

Kim kính thư.[2]

2.3 Nhận xét:

2.3.1 Hội đồng xử án:  Triều đình Huế muốn giảm tính chất quan trọng cua cuộc Khởi nghĩa bất thành.  Hội đồng xét xử, đứng đầu chỉ là một tham tri (tương đương với chức thứ trưởng ngày nay) bộ Hình, hai thị lang bộ Binh và bộ Hình cùng với một ngự sử Đô sát viện.

2.3.2 Xét sử 18 bị can:  gồm có hai lãnh tụ cuộc khổi nghĩa là Trần Cao VÂn và Thái Phiên cùng hai thị vệ là Tôn  thất Đề và Nguyễn Siêu cùng 14 người khác.  Bản án chỉ kết tội Trần Cao Vân tái Phiên vào tội danh mưu phản đại nghịch và hai tòng phạm là Tôn Thất Đề, Nguyễn Siêu.  Hình phạt là chém ngay và bêu đầu.  14 nghi can khác được hoãn nghị án, chờ điều tra thêm.

2.3.3 Vai trò của Vua Duy Tân được giảm nhẹ khi phán rằng "hoàng thượng nhỏ tuổi" bị "xúi giục" và "trộm lấy chiếu văn" "tự phong quan tước" "đòi xa giá ra ngoài".  Vậy là vua Duy Tân thoát khỏi trách nhiệm trong vụ khởi nghĩa.  Bản án không xem vua là một bị can để xét sử dù rằng nhà vua. đã bị bắt và giam tại Trấn bình đài (Mang Cá), một nhượng địa của Pháp.

2.3.4 Điều đáng nói là không có bản án dành cho vua Duy Tân như nhiều sách viết trước đây.  Trong toàn bộ hồ sơ, nhất là hồ sơ mang số hiệu AOM-GGI.9588 về "Triều đình Annam - Cuộc mưu phản ở Huế. Sự đào thoát và truất phế vua Duy Tân, không hề hiện diện bản án mà ông Lê Thanh Cảnh cho rằng đã dịch từ nguyên bản chữ Hán ra chữ Pháp mà ông trích dẫn một đoạn

"Vọng thính sàm ngôn, khuynh nguy xã tắc"…
"Thủy nhi Hậu Hồ thùy điếu, thiện tả chiếu văn, nhi Thương Bạc đình thuyền, yêu nghinh Thánh giá. Hà Trung mạch phạn, Ngũ phong kê thang, thánh thể phong trần giai bỉ bối vi chi tội nghiệt.
​​Nghĩa là:
​" Nghe theo lời bậy bạ khiến xã tắc lâm nguy.  Ban đầu buôn câu ở Hậu Hồ, chuyên quyền tả lời chiếu, kế đến đậu thuyền bến Thương Bạc, đón rước nhà vua.  Thiết vua cơm nếp làng Hà Trung, cháo gà úi Ngữ Phong, mình rồng phải chịu dãi dầu gió bụi, tội nghiệt ấy đều do bọn kia gây ra cả" [3]

Trong tất cả tài liệu hiện nay, kể cả trong Đại Nam thực lục chính biên, không đâu chúng ta có thể tìm thấy bản án mà ông Lê Thanh Cảnh dẫn một đoạn!  Ngược lại, nhiều chứng cứ cho thấy điều ngược lại (!).  Không hề có bản án kết tội vua Duy Tân!
Đại Nam thực lục chính biên – Đệ lục kỷ Phụ biên ghi chép về cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1916 với lời lẽ tương tự "bản án" của ông Lê thanh Cảnh:
​​Mùa Hạ, tháng 4 (Quý Tỵ). Đêm ngày 2 (Canh Tý) vua tự rời ngôi báu.
​​… Lúc đầu giả làm người câu cá sau hồ Tịnh Tâm, mưu xin chiếu văn, kế tới Thương bạc dừng thuyền lừa mời ngự giá.
​​….
​​Kế mời xa giá trở về ở đài Trấn Bình trong thành ngày 3 tháng 6 hộ tống tới Nam kỳ.  Mùa đông, tháng 10 lại đón phế đế Thành Thái từ Cap Saint Jacques, cùng đáp tàu máy tới cư trú ở đảo Réunion thuộc địa của nước Đại Pháp. (trang 642-643)

Một đoạn khác, cũng trong Đại Nam thực lục Đệ thất kỷ, khẳng định rằng Vua Duy Tân không hề bị kết án.

Khi bàn về việc tịch thu tài sản riêng của vua Duy Tân, chính quyền Pháp trước sau bất nhất:
- Ngày 28 tháng 4 năm nay (Bính Thìn ) Quyền Khâm sứ Đại thần Le Marchand de Trigon đã ủy nhiệm quan Hội lý Orband nghĩ định xử trí các khoản… Tiền chi dụng còn thừa của Phế đế Duy tân thì ban ơn cho làm tài sản riệng nhưng do Nam Triều giữ cấp.
…. Đến kỳ hội thương ngày 8 tháng này,… Marchand nói xét lại khoản xử trí tài sản của Phế đế Duy Tân… vĩnh viễn không được có tài sản riêng!
Thượng tư Nguyễn Hữu Bài nói "Phế đế không có bản án kết tội thì không được tịch thu tài sản"

Marchand cho rằng vua Duy Tân đã chống Pháp thì phải thịch thu tài sản còn  Cơ mật viện không muốn dùng chữ "tịch thu" vì không có bản án thì dùng chữ gì thích hợp tùy các đại thần.  Nhất thiết phải sung vào ngân sách Nam triều gồm có 16.931 đồng cùng hai tờ giấy gửi tiền ngân hàng! (trang 100 -101)

Nếu có thể xem là bản án kết tội vua Duy Tân thì đó chính là bức thư của toàn thể quan lại Nam triều gửi cho Toàn quyền Đông Dương ngày 10.5.1916 (tài liệu số 74 hồ sơ AOM-GGI.65530).

Bức thư có những cáo buộc nặng nề và xác quyết rằng nhà vua không còn xứng đáng tại vị:

"Chúng tôi nhận định rằng, đức vua Duy Tân đã phản bội danh dự và lẽ phải vì đã thiếu trách nhiệm đối với tổ tiên cao quý của chính Ngài.

… Hành động của đức vua đã làm cho Ngài từ nay không còn xứng đáng với vai trò là vua của một nước nữa.

… Chúng tôi yêu cầu Ngài [Toàn quyền Đông Dương] quan tâm đến bức tâm thư này và nhanh chóng thông báo về quý chính phủ" [4]

Ngay sáng hôm đó, 10.5.1916, Phủ Phụ chính họp tại toà Khâm sứ với sự có mặt của Toàn quyền Đông Dương Roume. Các thành viên Phủ Phụ chính được yêu cầu phát biểu ý kiến của mình.

- Phụ chính đại thần, Trương như Cương: không một ai trong Phủ Phụ chính có thể làm việc nếu nhà vua được giữ lại ngội vị!
- Thượng thư Bộ Hình Thôn Thất Hân: Phải có một tân vương trong vài ngày tới sau khi truất phế vua Duy Tân.
- Thương thư Bộ Lễ Huỳnh Côn: Truất phế ngay vua Duy Tân và tìm người kế vị
- Thượng thư Bộ công Nguyễn hữu Bài: Cần truất phế ngay nhà vua.
- Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung: Nếu trì hoãn việc truất phế và tôn vua mới tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thượng thư Bộ Hộ Đoàn Đình Nhàn: Việc truất phế vua Duy Tân và tìm người kế vị là cần thiết, để chậm trễ sẽ bất lợi và bọn phiến loạn sẽ có cơ hội nổi dậy.
- An Thành vương Miên Lịch: truất phế vua càng sớm càng tốt.
Vậy là số phận của vua Duy Tân đã được quyết định.  Chẳng những thế Tôn thất Hân còn đề nghị phải đày vua Duy Tân ra khỏi Đông Dương và cuối cùng Phủ Phụ chính cho rằng tốt nhất là nhân dịp này, đưa vua Thành Thái và Duy Tân ra khỏi Đông Dương!

Không có bản án cho vua Duy Tân như từ trước đến nay vẫn nghĩ, không có một ai trong Nam Triều bên vực vua Duy Tân.  Đó là sự thật.

Trần Viết Ngạc
(1) AOM-GGI: viết tăt. của Archives Nationales d’Otre-Mer – Gourverneur General de l’Indochine.
(2) Phiên âm và bản dịch của Trần Đại Vinh
(3) Hoàng Trọng Thược – Hồ sơ vua Duy Tân, nxb Mõ làng, in lần thứ hai, San Francisco, USD, 1993, trang 161-162
(4) Ký tên dưới bức thư là 39 nhân vật đã dự bàn việc truất phế :

- TÔN NHƠN PHỦ : 1.  An thành vương Miên Lịch 2. Tuyên Hóa công Bửu Toàn 3. Hưng Nhơn công Bửu Liêm 4. Phụ chính Tôn thất Hân 5. Tả tôn Khanh Ưng Huy 6. Hữu tôn khanh Ưng Hào 7. Phụng Hộ sứ Ưng Bàn 8. Hộ phó sứ Ưng Trì 9. Thủ hộ sứ Bửu Thạch
- PHỦ PHỤ CHÍNH: 10. Phụ chính Thương thu (TT) Bộ Lại Trương Như Cương 11. Phụ chính, TT Bộ Lễ Hoàng Côn 12. Phụ chính, TT Bộ Công Nguyễn Hữu Bài 13. Phụ chính, TT bộ Học kiêm quản Quốc tử giám Hồ Đắc Trung 14. Phụ chính, TT Bộ Hộ Đoan Đình Nhàn.
- QUAN CHỨC VĂN VÕ NAM TRIỀU:
15. Trung quân Đô Thống HuongThỏa 16. Đô thống Dề đốc hộ thành Võ Văn Bân 17. Tham tri Bộ Binh Nguyễn Kế 18. Tham tri Bộ Hộ Hường Khẳng 19. Tham tri bộ Lễ Cao Xuân Tiểu 20. Thống chế Trương Điềm 21. Thị lang Bộ Lại Hồ Văn Tri 22. Thị lang Bộ Binh, Phó sứ Hộ Thành Võ Liêm 23. Thị lang Bộ Công Hồ Lương 26. Thị lang Bộ Hình Ưng Ân 27. Thị lang Bộ Hộ Tạ Thúc Đĩnh 28. Chưởng vệ Tả Tam Dương Đức Phú 29. Chưởng vệ Hữu Tứ Lê Văn Bá 30. Giảng tập Mai Khắc Đôn 31. Thị lang, thự Tham tri Bộ Hộ, Tham biện Phủ Phụ Chính Đặng Ngọc Oánh 32. Thị lang thủ quỹ Bộ Lại Hồ Văn Tri 33. Hiệu trường trường Hậu Bổ Nguyễn Đình Hòe 34.  Thị lang Bộ Công  Hồ Lương 35. Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Văn Trình 36. Tham viện Nội các Phạm Hoàn 37. Bang biện Phủ Phụ chính Nguyễn Hy 38. Phó đốc giáo Hậu Bổ Lê Văn Miến 39. Thị lang, Thự tham  tri Bộ Công Nguyễn Xuân Tiêu.