CHAMPA MỘT THUỞ
Mở đầu
Võ Quang Yến
Ngút ngàn ở giữa rừng xanh
Hiện lên ngọn tháp một mình cô đơn
Người xưa đã chọn mặt tường
Để lưu giữ lấy tâm hồn thiêng liêng

Văn Lê

Tổ tiên gia đình Võ tộc làng Nam Phổ ngoài Bắc nối gót Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong theo phong trào Nam tiến đầu thế kỷ XVII. Cách đây hơn mười thế hệ, họ sớm tách rời ra thành Cánh nhỏ lập gia phả riêng để dễ gần gũi, thân mật nhau hơn trong những ngày tảo mộ, hiệp kỵ. Chỉ ghi chép sơ lược để nhớ ngày mất, ít người được ghi rõ tên họ vợ, ngày giờ sinh và quê quán. Trong số các Cánh ấy có họ Võ Quang. Như trai trẻ thời ấy, họ là hai anh em còn trẻ cùng nhau đi phiêu lưu, lúc đầu làm nhà nông-binh sĩ khai phá đất hoang, tự lực bảo vệ cho đến lúc khai khẩn đủ đất đai để thiết lập thôn xã và được gia nhập vào lãnh thổ chúa Nguyễn. Năm 1949 đến lượt tôi có dịp đi du học ở Pháp. Trong gia đình tôi ở mỗi thế hệ thường có một người đi hoang, tôi tưởng tôi là người thế hệ ấy. Không ngở chính biến bùng nổ, vào khỏang 1975, gia đình nào cũng có người ra đi, đua nhau chạy tán loạn...Không gia đình, không vợ con, tôi thông cảm hai vị tổ tiên của tôi tìm ngưởi bạn đường bản xứ, lập gia thất với phụ nữ địa phương, chắc chắn không cùng văn hóa, ngôn ngữ, ở một môi trường phong tục, thủy thổ, tập quán, dù sao khác hơn thời buổi bây giờ. Hồi ấy, miền Trung Việt Nam là nơi định cư của nhiều nhóm Đông Nam Á, đặc biệt Môn Khơ Me, trong ấy có Chăm, Bru Van Kiêu, Cô Tu, Ê Đê...và Ta Oi. Gần đây, về Huế tôi được đưa viếng những trại trồng cây ở A Lưới và gặp được dân làng Van Kieu, Ta Oi, ít người Kinh. Nghe nói họ vừa mới bị buộc định cư, nhà cửa sạch sẽ, con cái đông đúc ...Tôi tưởng tượng trong cơ thể tôi cũng như biết bao đồng bào miền Trung, có thể có máu Chăm, Van Kiều hay máu Ta Oi, Ê Đê ...từ dạo ấy đã hoà lẫn mà không biết, có người cũng không muốn biết nữa.

Về làng, xem gia phả dòng họ, tôi nhận thấy không có tên con gái các cụ bà trong số những cặp ông bà đẩu tiên: phải chăng các cụ không phải là người Kinh? Như vậy thì như nhiểu đồng bào khác, máu người dân tộc trong cơ thể người Việt có đã từ lâu, sau mấy trăm năm đã bị loãng dần đến nỗi người dân không xác định đươc mình là ai. Hôm ở phòng thí nghiệm tại Paris, tôi có dịp tiếp một cô sinh viên tuổi đôi mươi, người Pháp, dong dỏng cao, tóc vàng, mắt xanh, xưng tên Huon. Tôi đánh bạo hỏi như một người rành biết dân cư Pháp: Cô là người vùng Bretagne? Cô cau mặt nhìn thẳng tôi, trả lời bằng tiếng Pháp trôi chảy như người Pháp, lẽ tất nhiên cô là công dân Pháp đã mấy đời: Dạ không, thưa ông, tôi là nguời Việt Nam! Tôi ngã người, sửng sốt, không dè mình đến tuổi nầy chưa phân biệt được người đồng hương, đồng xứ. Hỏi thêm cặn kẻ thì tôi mới biêt và giải thích cho cô hay ông cố của cô, dân Breton tùng chinh qua Việt Nam trước thế chiến, có con với một bà tên Hường, con gái một ông Chánh tổng, nhưng không cưới, có lẽ đã có vợ ở Pháp. Tuy vậy tôi có biết chuyện thân phụ ông Harter, giáo sư toán của tôi ở trường Trung học Khải Định, có bà mẹ cưới hỏi đàng hoàng, có tên ghi trong sổ bạ. Như nhiều người thời ấy (và ngay cả bây giờ) vì chỗ đứng trước sau, lầm lần tên với họ và khi làm giấy tờ, ông không muốn (hay không thể) để họ Pháp của mình và, trong trường hợp nầy, khai Hường là họ của vợ. Sau nầy về Pháp, họ Hường dần dần mất chữ g, dấu huyền, râu ư ơ vốn gốc Bồ, và còn lại Huon trần trụi. Sau bốn đời, tóc đen, răng nhuộm, nhường chỗ cho tóc vàng mắt xanh, thường được xem là không phải gen trội, thấy rõ trong một cô gái chỉ còn một phần tám máu dân tộc Kinh. Cô không nói tiếng Việt nhưng tự hào là người Việt! Cô Dominique Rolland, nhà dân tộc học, cháu ngoại ông Harter mấy đời, vẫn còn nhạy cảm với những vấn đề người Việt, chú ý đến thời sự ở Việt Nam.

Giờ đây, các cháu tôi, bà và mẹ người Pháp, đều có tóc vàng, mắt xanh, ít nhất khi mới sinh. Tôi có đứa cháu nội dáng dấp hoàn toàn người Âu, lúc còn nhỏ ở trường tiểu học, trước mặt bạn bè trong lớp ngạc nhiên, bảo một cậu bạn cùng lớp họ hoàng phái: gia đình mày có nợ với gia đình tao, nhân nói đến chuyện cụ Hồ Oai bị Đoàn Trung chém đứt lỗ tai khi đóng cửa thành nội để cứu sống vua Tự Đức! Ngay sau đó, vua Tự Đức ban cho ông cố ngoại tôi một chiếc tai vàng để tạ ơn và trong sử triều Nguyễn có sự tích Lỗ Tai Vàng. Tôi không biết người Chăm hay người Ta Oi có những đặc tính gì nên tôi không biết tôi có gì giống họ. Dù sao, tôi có dáng đấp người Đông Nam Á, thân thấp, tóc đen như bao bạn bè, thành thử khi qua Nam Dương tôi không lấy làm lạ khi anh bạn hướng dẫn Bali gọi đùa tôi cậu bà con phương xa. Một hôm, từ Katmandou, chúng tôi được đem xem mặt trời mọc ở chân Hy Mã Lạp Sơn. Thấy ông sĩ quan biên giới Nepal chăm chăm nhìn tôi, tôi nhờ anh hướng dẫn hỏi thì được giải thích: tôi giống người bản xứ Newa, những nghệ nhân chạm trổ đồ gỗ trong vùng, mà suốt buổi sáng chẳng nghe tôi nói một tiếng Newa! Thật vậy rất hiếm người Newa biết nói tiếng nước ngoài. Thành thử, khi về Việt Nam, đi viếng các tháp Chăm, bọn cháu khó hiểu khi tôi giảng máu chúng có thể hòa tan, tuy một phần nhỏ, máu Chăm của các nghệ sĩ đã xây dựng lên những kiệt tác nầy và những bà răng nhuộm đen, hút thuốc lá là hậu duệ tổ tiên bên ngoại. Định cư trên đất Pháp hơn một nửa thế kỷ, vào lúc gần đất xa trời, tôi cảm thấy đất nước Việt xa xăm mà sao lại gần gũi trái tim mình thế! Và di tích đền đài Cham Pa là di sản đang còn tồn tại trong lòng người miền Trung...


Phụ nữ, trẻ em Van Kiêu, Ta Oi


Thành Xô mùa thu 2017
kẻ tha hương Võ Quang Yến

    [ trang trước ]  /    [ trang sau]