CHAMPA MỘT THUỞ

Cổ vật Cham Pa 
ở viện bảo tàng Guimet

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Trong rất lâu, dưới thời Pháp thuộc, trừ những người hâm mộ văn hóa Huế - Phú Xuân, các nhà khảo cứu về Đông Dương hồi ấy thường chỉ biết có văn hóa Cham Pa, và vì thiếu kiến thức, cho nghệ thuật Việt Nam chỉ là một sản phẩm phụ của văn minh Trung Quốc. Tôi đã được nghe nói như vậy trong một bài diễn thuyết ở thính đường viện Bảo tàng Guimet một hôm vào đầu thập niên 50. Rủi là vào lúc các nhà khảo cổ muốn đi sâu vào văn hóa Cham Pa thì khu Angkor được phát hiện, theo Trường Viễn Đông Pháp hướng dẫn, họ không tiếp tục khai quật nữa và rời Cham Pa qua Cao Mên. Tuy vậy, các nhà chức trách Pháp cũng bỏ công thu lượm các cổ vật đưa vào các viện bảo tàng Việt Nam như Sài Gòn, Hà Nội, Huế và nhất là Đà Nẵng. Họ cũng không quên đưa về Pháp một số hiện vật. Lịch sử chạm trổ Cham Pa kéo dài gần mười thế kỷ và đã bị nghệ thuật Ấn Độ xưa ảnh hưởng mạnh. Nhưng thiên tài của người Chăm dần dần đã giúp họ sáng tác một văn phong đặc sắc nhiều mặt, biến chuyển qua thời gian và không gian, đưa đến một di sản độc đáo mà những nhà khảo cổ viện Guimet đã ý thức. Từ đó một cuộc triển lãm "Kho tàng nghệ thuật Việt Nam : điêu khắc Cham Pa" đã được tổ chức ở viện cuối năm 2005 với một số cổ vật mượn ở các viện Bảo tàng Việt Nam (Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh), Lyon (Pháp), Rietberg (Thụy Sĩ), tập hợp với những hiện vật của viện mà ta thấy ngày nay ở phòng Cham Pa.

Khi khách bước vào phòng, đập vào mắt tức khắc là hình tượng thần Shiva đồ sộ kê ngay giữa phòng. Một tượng bằng sa thạch (154x105x56cm), trình bày người ngồi, hai chân xếp lại theo lối sattvaparyankasana, lưng dựa vào một tấm bia. Có mười tay nhưng phần lớn bị gảy, hai tay trước đặt lên đầu gối, những tay kia xòe ra trên tấm bia. Shiva mặc một cái sampot trang trí với những cành lá và những hột ngọc khéo chạm trổ như một tấm thêu, vạc trước phủ lên chân. Trên đầu một cái búi tóc người tu khổ hạnh quấn tròn jatamukuta mang ở giữa một hình trăng khuyết thường là phù hiệu của Shiva. Trên vầng trán một con mắt thứ ba. Vắt chéo ngang trên ngực là một con rắn naga-yajnopavita thay thế chiếc dây thầy cả brahman. Không rõ ràng nhưng có thể cũng là hình đầu một con rắn trên bông tai. Hình hoa trang trí các băng tay keyura, angada, vòng tay kankara, hình lá bốn cạnh trang hoàng thắt lưng undarabandha. Lịch sự và thanh nhã nhất là cái vòng kiềng hara và cái vành tròn kirita có những hàng ngọc nhiều cở khác nhau tô điểm. Đáng tiếc là pho tượng nầy không nguyên vẹn, chỉ được xác định nhờ một dấu hiệu độc nhất. Những chuyên gia sắp tượng nầy vào nhóm các hiện vật phong cách Chánh Lộ, rất gần với tượng Shiva Tháp Mẫm. Chính Eugène Navelle, công sứ ở Quy Nhơn, năm 1885 đã để ý đến ở tháp Bánh Ít và cho đem về viện Bảo tàng Louvre, rút cuộc được trưng bày trong viện Bảo tàng Đông Dương ở Trocadéro trước khi chuyển qua Viện Bảo tàng Guimet (tượng 1). Còn có một pho tượng cũng bằng sa thạch hình dung Shiva ngồi, khá bị xói mòn, ba vạc trước sampot phủ xuống đùi và chân, tay mặt cầm kiếm khadga, tay trái cầm một cán có lẽ cái đinh ba trisula. Đầu đội mũ jata, lông mày hình dấu ngoặc, râu mép rậm quặp xuống, râu cằm cắt nhọn đúng theo phong cách Yang Mum, bông tai và vòng có hoa trang trí rất lịch sự. Mang một dây thầy cả hình con rắn, cũng có một con mắt thứ ba, tượng tìm ra ở Kontum, tương tự tuợng Drang Lai (Phú Yên) có đánh dấu 1409, được sắp vào phong cách Yang Mum, các thế kỷ 14-15, vào lúc Cham Pa đang còn hùng mạnh (tượng 2).
 

tượng 1 : Shiva Bánh Ít
tượng 2 : Shiva Kontum

Một pho tượng khác nhỏ hơn (58x39x22cm) nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, đối diện với tượng Shiva, hình dung cặp Vishnu-Garuda : thần Vishnu cởi trên cổ Garuda, chim thần có hai mắt mở tròn, miệng như mỉm cười, hai cánh xoè rộng, một chân quỳ xuống, hai tay nắm hai chân của Vishnu. Thần mặc một cái quần dài xuống tận đầu gối, đầu đội một cái mũ lễ tám cạnh, trên vầng trán một vòng hoa. Hai tai có chọc lỗ như để đeo bông tai không còn nữa, cũng như thân trần trụi vì thiếu vòng kiềng, vòng tay, thắt lưng. Trong số bốn tay, chỉ còn hai cái : tay trái sau nắm cái vỏ sò sankha, tay mặt trước một quả đất bhumi. Hai tay kia theo nguyên tắc phải nắm tay mặt sau cái dĩa cakra và tay trái trước cái chùy gada nay đã mất, chỉ còn thấy phần dưới dọc theo chân trái. Bằng sa thạch, pho tượng nầy được tạc khoảng đầu thế kỷ IX, màu sắc được thêm sau, vào thế kỷ XX. Các chuyên gia nghĩ tượng nầy thuộc phong cách Mỹ Sơn E1, có thể nhận thấy sau nầy trong phong cách Đồng Sơn cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X. Pho tượng đã được tìm ra trong dãy Ngũ Hành Sơn, tỉnh Quảng Nam (tượng 3). Cặp Vishnu-Garuda nầy còn còn được trình bày trong một trán tường (69x69x18cm), bằng sa thạch, bị gảy nhiều, bố cục tương tự như trong pho tượng kia tuy có phần phong phú hơn, những lông trong cánh mặt thần điểu được thực hiện rất tinh tế. Trong số bốn tay của Vishnu chỉ còn hai tay nắm quả đất bhumi và dĩa cakra. Đồ trang trí khá bị xói mòn gồm có vòng chân nupura, vòng tay kankana, valaya, băng tay keyura, vòng kiềng hara, bông tai kundala, vành tròn kirita. Garuda được trang trí sang trọng, hai tay nắm cái đuôi con rắn naga mà ta có thể đoán đầu vươn lên đằng sau. Mặt Vishnu với đôi môi dày, râu mép sít, lông mày rậm, tóc đổ xuống thái dương, còn giữ những đặc tính của phong cách Bình Dương. Những chuyên gia sắp tượng nầy, tìm ra ở Qui Nhơn, vào phong cách Khương Mỹ, nằm vào giữa hai phong cách Đồng Dương sum sê và Trà Kiệu diễn cảm (tượng 4).
 

tượng 3 : Vishnu-Garuda
Ngũ Hành Sơn
tượng 4 : Vishnu-Garuda
Qui Nhơn 

Đức Quan Âm có mặt ở phòng Cham Pa qua dạng thức Avalokitesvara hay Lokesvara. Pho tượng Avalokitesvara là một cái đầu bằng đồng đen (23x18x18cm), mũi rắn rỏi, đôi môi dày, giữa trán một con mắt thứ ba, vòng trán trang trí với những hình hoa, trên đầu búi tóc người tu khổ hạnh quấn tròn jatamukuta. Đôi lông mày dài, rộng, gần nối liền với nhau ở giữa trán biểu lộ đặc tính Chăm. Giữa những bím tóc có hình tượng đức A Di Đà thiền định tương tự như ở tượng Đại Hữu (viện Bảo tàng Tp Hồ Chí Minh). Nhiều vết đục máng lưu lại ở mái tóc trình bày những chi tiết chứng minh người Chăm sử dụng kỹ thuật dùng sáp nóng chảy (cire perdue) gần giống kỹ thuật sáng tác tượng Tara Đồng Dương. Pho tượng kiệt tác của nghệ thuật Cham Pa nầy, niên đại các thế kỷ VIII-IX, được Georges Halphen phát hiện và đưa về Pháp. Vào lúc ảnh hưởng Phật giáo rất mạnh lên nghệ thuật ở Đông Nam Á ở thời kỳ ấy, công lao của ông là xác định được phong cách của hiện vật (tượng 5). Bên phần pho tượng Lokesvara bằng sa thạch (60x17x10cm) được xác định nhờ hình tượng đức A Di Đà trong búi tóc jatamukuta. Những lỗ hổng ở tai cho đoán biết có đồ trang sức nay đã mất cũng như ở trên mình. Pho tượng nầy được Cha H.de Pïrey tìm ra nhân khái quật ở Mỹ Đức (Quảng Bình) những năm 1921-1922, cùng với một pho khác giống hệt một thời được trưng bày ở viện Bảo tàng Đà Nẵng cho đến lúc bị mất cái đầu. Nét mặt dịu hiền của nhân vật cho phép sắp tượng vào môt thời kỳ chuyển tiếp giữa hai phong cách Đồng Dương và Khương Mỹ. Vào thời ấy, ngoài chùa Đồng Dương thờ Laksmindra-Lokesvara, một loạt nhiều chùa khác đã được xây dựng ở miền bắc Cham Pa (Quảng Bình hiện nay) : Mỹ Đức, Đại Hữu (tượng 6).
 

tượng 5 : Avalokitesvara
tượng 6 : Lokesvara

Bên cạnh Shiva, Vishnu, Avalokitesvara, Lokesvara, còn có nhiều nhân vật ít được biết hơn. Một cái đầu bằng sa thạch (68x41x46cm) chưa chạm xong, được cho là tượng đức Vairocana : đôi môi dày, râu mép rộng, cằm chẻ đôi, đôi má lồi, bộ mặt tươi cười và trẻ trung cho thoát ra một trạng thái trọn vẹn, nhân từ. Đôi mắt khép kín như để ngài tách lìa chốn trần thế khuấy động. Đứng về mặt mỹ học, chỉ có phần trên đầu theo phong cách Đồng Dương có thể xem như là xong : mớ tóc điệu hóa thành những ngọn lửa xoay tròn phải chăng là một trong những đặc tính của đức Phật ? Được Henri Parmentier và Charles Carpeaux để ý lúc khai quật ở Đồng Dương năm 1902, tượng đem về Sài Gòn trước khi Philippe Stern cho chuyển qua Pháp. Tại chỗ, khảo sát những phần cơ thể bị gảy, những chuyên gia nhận ra ấn quyết bodhyagrimudra hay bodhyangimudra đặc trưng của Vairocana, một trong ba kỳ na (jina, thắng) của bộ ba Phật Sakyamuni, Amitabha, Vairocana, hay một trong năm kỳ na gia đình năm họ Thắng Tây Tạng, chiếm năm hướng của mandala, Vairocana ngồi ở giữa (tượng 7). Một trán tường bằng sa thạch (56x43x19cm) trình bày một người ngồi, có bộ râu dài, hai chân xếp lại, hai tay chắp với nhau, trông như một người tu khổ hạnh thờ Shiva rsi trong nghệ thuật Khơ me, nhưng y phục tươm tất với vạt trước đắp lên chân, những bông tai, vòng tay, băng tay, một mũ lễ có những hàng ngọc trang trí biện minh cho một thánh nhân Chăm nào đó. Hơn nữa, nơi tìm ra được, Thủ Thiên (Bình Định), là một vùng Phật giáo thì khó lòng có mặt Shiva. Tấm bảng trong phòng thận trọng đề : Người tôn thờ bà la môn, phong cách nối tiếp Tháp Mẫm, thế kỷ XIII-XIV (tượng 8).
 
 

tượng 7 : Vairocana
tượng 8 : Người tôn thờ bà la môn

Một nhân vật quen thuộc hơn tuy mỗi nơi một khác : vị hộ pháp dvarapala (67x30x38cm) ở Đồng Dương. Thần nầy thuộc phương bắc, có vẻ dữ tợn hơn những thần miền nam : mặt bừng bừng sát khí, má phồng trướng phẫn nộ, đôi mắt lồi trừng trừng, đầu nghiêng một bên như con thú sẵn sàng xông vào mồi. Tuy vậy, đầu có nhiều trang trí, ở trên mũ kirita có kết một cái hoa, ở dưới ba hàng tóc tết phủ toàn gáy. Đáng để ý là con mắt thứ ba trên vầng trán ít thấy ở sáu pho tượng tìm ra cùng nơi : ba hiện ở viện Bảo tàng Đà Nẵng, một trong một bộ sưu tầm tư nhân bên Mỹ, hai còn chôn dưới đất cho đến ngày một tượng được đào ra và chở về viện Bảo tàng Guimet (tượng 9). Trái với vị hộ pháp, pho tượng sa thạch (45x21x25cm), tìm ra ở Đa Nghi (Quảng Trị), trình bày một vị thần hạng thứ được gắn vào tầng trên tháp, mặt mày hiền dịu, mắt hình quả hạnh, lông mày tinh vi, đôi môi khá dày kín đáo mĩm cười, cùng với đồ trang trí, bông tai nhiều vòng, mũ miện đầy hoa, chứng nhận phong cách Trà Kiệu. Tay nắm một hoa sen chớm nở với những cánh hoa gấp xuống dưới che mất hai bàn tay chắp lên ngang ngực, tượng cho thoát ra một cử chỉ kính cẩn của người đang cầu nguyện mà bảng ghi tên Devata (tượng 10).
 

tượng 9 : Hộ pháp
tượng 10 : Devata 

Những pho tượng vũ nữ với dải băng (trung bình 75x28x25cm), thế kỷ X, tìm ra ở Trà Kiệu thuộc hệ thống loại tượng hiếm có trong nghệ thuật Chăm. Trước kia ít có, tượng chỉ được dùng bên trong các tháp, làm cột tượng điện thờ linga chẳng hạn. Bây giờ, tượng được đưa ra ngoài, thường thấy ở các chân nền, xen lẫn với những tượng voi, sư tử. Cử chỉ những vũ nữ nầy cho bay lượn quanh mình dãy vải dài và mỏng chưa được giải thích, nếu không là tương tự những hình trong giới thiên thần chạm trên đá như ở Orissa bên Ấn Độ thế kỷ VII, hay giống những băng vải được các quý tộc và quyền chức dùng trong triều nhà Đường những thế kỷ VII-X bên Trung Quốc. Tuy mềm dẻo và đầy sức sống ở tư thế tribhanga, tượng những vũ nữ nầy trình bày những điểm vẹo méo trong vũ điệu như cánh tay quá dài, khuỷu tay cưỡng cong, hông háng núng nính. Đằng khác, mặt mày vui vẻ, nét mặt dịu dàng, đôi mắt quả hạnh đánh dấu một phong cách Trà Kiệu muộn. Các vũ nữ cũng có vài trang trí, bông tai nhiều vòng, vành đầu đầy hoa, quanh mình một khố nhỏ có thắt lưng kéo dài xuống giữa hai chân. Thường các tượng được trình bày mặt hướng ra trước, chân nhìn nghiên đang nhấc lên trong thế đang nhảy múa trong một điệu vòng ở cung điện các thiên thần (tượng 11, 12).
 

tượng 11,12 : Vũ nữ

Trong số những vị thần hạng dưới, ngoài vị thần mang đồ cúng đã thấy là một, còn có những thiên thần khác : nhạc công gandharva, chim thần kimnara (nửa người nửa chim) cùng phu quân kimnari, thiên nữ apsaras,…và quái vật makara. Một hiện vật bằng sa thạch (60x122x44cm) hình dung một nữ thiên hiền lành nhả ra từ lỗ miệng quái vật, mắt lồi, sừng hình cuộn, bờm uốn quanh, răng nanh nhọn. Makara là một thủy quái sống dưới biển, nửa cá nửa voi, tương truyền có trong bụng một hòn ngọc quí cống hiến quyền lực, đặc biệt về tình yêu. Hiện vật nầy là thành phần bên trái của lưng ngai đức Phật, thường được dùng để trang trí các công trình Ấn giáo và Phật giáo. Đồng thời với sự phát triển Phật giáo, hiện vật trang trí ngai đức Phật, tuy đã thấy từ thế kỷ V, phát huy mạnh mẽ vào các thế kỷ VIII-IX, đặc biệt ở vùng Đông Nam Á, nhất là trong nghệ thuật đồ đồng. Quái vật quay mặt về đức Phật trong một cử chỉ linh hoạt đặc sắc của những vị thần hạng dưới. Đồ trang trí tinh vi thêm vào những nét điệu hóa trên bộ mặt hướng cổ vật, được Henri Parmentier nhận ra năm 1902 ở Đồng Dương, vào phong cách Đồng Dương (tượng 13). Một hiện vật khác cũng bằng sa thạch (92x45x122cm), hình dung makara miệng mở to, môi sề rộng, lưỡi dày cộm, ranh nanh nhọn, nhả ra một cặp nữ thiên mithuna vui cười quyện vào nhau như một cặp tình nhân, cũng được dùng trong trang trí kiến trúc, mút đầu những mái ngói. Măt quái vật, mặc dầu chưa xong hoàn toàn, được chạm trổ rất tinh vi : những mắt, tai, sừng, vòi cùng với lá sen qua những đường cong, đường cong ngược, chồng chéo liên hệ mật thiết với nhau, tương hợp thành một lối diễn xuất rất tế nhị. Suy qua bộ mặt và những đồ trang trí, cổ vật có thể thuộc phong cách Chánh Lộ (tượng 14).
 

tượng 13
Makara Chánh Lộ
tượng 14
Makara Đồng Dương

Còn có một hình tượng makara bằng sa thạch, dưới hình thức đầu rồng hay sư tử, mắt lồi, miệng há, răng nhọn, trang trí vòng cổ, tìm ra ở Tháp Mẫm, được liệt vào phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ XII-XIII. Thật ra, rất khó sắp tượng nầy vào một niên đại. Đặc biệt của nó là có những điểm tương đồng với những hình tượng Việt-Trung thấy ở các chùa miền bắc, có lẽ bắt nguồn từ những cuộc tiếp xúc các nghệ nhân Chăm với nghệ thuật Việt Nam. Người ta để ý thú vật hiện ra khá trể trong điêu khắc Chăm, chỉ vào thế kỷ XII, như vậy đây không phải là một sáng tác địa phương. Vẫn biết trong cổ vật Champa đã thấy có những đầu quái vật vào thế kỷ VII nhưng những đầu nầy có thể có nguồn gốc Ấn Độ. Tượng nầy có một mẫu gần tương tự cùng nhiều tượng lạ lùng gọi là rồng trưng bày ở viện Bảo tàng Đà Nẵng, một hình tượng đã được đặc biệt phát triển trong ngành chạm trổ Chăm từ một mẫu bên ngoài đem lại (tượng 15). Đem so sánh pho tượng makara nầy với pho tượng rồng hay sư tử Trà Kiệu bằng sa thạch thế kỷ X thì cũng thấy chẳng có khác nhau bao lăm. Mắt lồi, miệng há, răng nhọn, không có sừng, chỉ khác nhau ở vòng đeo cổ và cái vành tròn kirita (tượng 16).
 

tượng 15
Makara rồng Tháp Mẫm
tượng 16 :
Makara rồng Trà Kiệu

Sư tử còn được trưng bày dưới hai dạng vểnh lên hay gồng mình. Những con thú nầy cũng như voi, chim hay vũ nữ thường được tìm thấy ở chân đền, sắp thành đôi hay bô ba, bộ bốn, lắm lúc bị chôn dưới đất ở độ sâu khác nhau. Một pho tượng bằng sa thạch (31x30x36cm) ở Trà Kiệu, thế kỷ X, trình bày một con sư tử đứng thẳng, chân trái co lên, hai tay dang ngang mặt, miệng há rộng, nanh nhọn hoắt, mắt lồi ra trông rất dễ sợ. Trên thân, một tấm ngực phủ từ vai xuống đùi gối, được chạm trổ bên trên toàn tấm, phía dưới chỉ ở viềng. Đây là một đặc điểm vì trên tượng những sư tử khác loại đứng nầy, chẳng hạn ở Đà Nẵng, tấm ngực được để trống như chưa xong (tượng 17). Một pho tượng khác cũng bằng sa thạch (145x140x40cm) ở Trà Kiệu, thế kỷ X, trình bày một con sư tử hung hăng, bờm phủ lên đầu thành vòng, dưới cổ thành tấm ngực. Miệng há rộng, môi sề vểnh lên để lộ ra những chiếc răng sắc nhọn, nó có những nét tương tự với những quái vật kirtimukha hay kala, một mẫu lành tính, bảo vệ, ngừa bệnh rất được sử dụng ở Trà Kiệu. Đặc biệt nó mang trên lưng một người ngồi trên một tấm thảm, đấu gảy mất, chân mặt xếp lại. Trà Kiệu cũng như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm là nơi cung cấp nhiều cổ vật nhất cho các viện bảo tàng Đà Nẵng, Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và, ở Pháp, Toulouse, Guimet (tượng 18). Hai pho tượng sư tử nầy thuộc bộ sưu tầm ấy.
 

tượng 17 : Sư tử đứng
tượng 18 : Sư tử nằm 

Vùng Trà Kiệu còn cống hiến những tượng voi. Trong văn hóa Chăm, nếu sư tử tượng trưng cho chủ quyền, voi đại diện cho quả đất, hai nhân vật xen kẻ nhau, từ vùng nam Ấn Độ mà lại. Từ những thế kỷ VII-VIII, chúng đã có mặt ở Mahabalipuram (Tamilnadu), Pattadakal (Karnataka),…Khi qua Trà Kiệu, trang hoàng những chân đèn, tương phản với sư tử luôn hung hăng, dễ sợ, voi có một bộ mặt giản dị, bình thảng. Những mẫu voi khổng lồ mà dịu dàng, với một thái độ hồn nhiên gần như ngây thơ, đi đúng với bản chất hiền lành của voi Á Đông. Hai tai mở rộng hai bên cái vòi cong lại đằng trước như để giữ thăng bằng với một cái đuôi quá dài đằng sau, những mắt cá quá nhỏ biến những bàn chân thành những ống giác bám voi vào đất. Tuy vậy, tài năng của nghệ nhân là thành công gợi lên như thật động tác đu đưa cái vòi và dáng đi chậm chạp của con voi (tượng 19). Có một pho tượng bằng sa thạch (phong cách Mỹ Sơn A1, thế kỷ X) hình dung một người ngồi nhưng lại có một đầu voi : Ganesa. Nhiều sự tích về nguồn gốc, thường kể là được Parvati, phu nhân Siva, thần chế tạo, nhân ngăn không cho Shiva vào nhà, bị thần nầy chặt đầu và trước cơn giận của Parvati đã lấy đầu voi thế vào. Là một vị thần rất bình dân, Ganesa được bổ dụng vào đẳng cấp các nhà nông sudra, nhờ biểu hiện một quyền lực tinh thần, là người làm trung gian giữa con người và thần thánh (tượng 20).
 

tượng 19 : Voi
tượng 20 : Ganesa 

Viếng phòng Champ Pa không thể bỏ qua những cổ vật trình bày trong tủ kính, có thể xem là quý. Trước hết phải nói đến hai cái bao linga kosa bằng vàng và bạc. Chữ tiếng sankscrit kosa thấy trong các bài viết, liên hợp với những đồ cúng giàu sang của vua chúa trong lễ nghi Shiva, rất lâu đã đặt câu hỏi cho các nhà nghiên cứu. Trong sách xưa có nói đến một vật bằng bạc mà ánh kim trông tựa mặt trăng. Sau đó, ở nhiều địa điểm khá xa nhau, những văn khắc khoảng các thế kỷ VIII-IX kết hợp kosa với "mặt" chúa tể, thời đó Shiva đang còn được thờ dưới dạng linga. Qua năm 1008 mới thấy có văn bản tả rành mạch hơn : kosa bằng vàng, có nhiều trang trí rất đẹp, lộng lẫy, huy hoàng hơn cả mặt trời, ngày đêm có bức xạ của những viên ngọc chói lọi chiếu sáng, do vua Harivarman thành kính dâng cúng Sricanabhadresvara. Năm 1904 Louis Finot bắt đầu ý thức kosa là một cái bao linga. Nhưng phải đợi qua 1920 cổ vật đầu tiên được ngành khảo cổ phát hiện ra ở Hương Đình, vùng Phan Thiết (Bình Thuận). Trong rất lâu cái bao nầy là độc nhất, được trưng bày ở viện Bảo tàng Hà Nội, như tuồng nay đã bị mất. Sau nầy, nhiều kosa khác được tìm ra, từ Quảng Nam đến Bình Định. Hai cái ở viện Bảo tàng Guimet, gần giống cái bao đã mất. Một cái thứ nhất (14x15x13cm) ekamukhalinga bị hư nhiều, luôn còn là một mẫu chạm trổ tinh vi. Một đầu người cổ rất dài và cong như phọt ra trên mặt bao bằng bạc. Siva hoan hỉ trong hào quang sắc đẹp thiếu niên dưới nguyệt ánh, với con mắt thứ ba trên vầng trán, mang một búi tóc của người tu khổ hạnh. Mọi chi tiết của nét mặt chứng minh nghệ thuật truyền thống Chăm và hướng cổ vật vào phong cách Mỹ Sơn E1, thế kỷ VII (vật thể 21). Cái thứ hai (25x19x25cm), niên đại các thế kỷ VIII-IX, cũng là một ekamukhalinga, nguyên vẹn hơn. Đầu Siva được chạm trổ tinh vi, từ đôi môi, đôi mắt, mí mắt qua râu mép, mớ tóc cái búi những tu sĩ khổ hạnh kết vòng jatamukuta, mọi chi tiết đều được khắc rõ. Búi tóc nầy cuốn thành hình chóp trên đỉnh đầu hiếm thấy có. Cổ vật còn quý ở chỗ nó còn giữ những đồ trang trí : đôi bông tai kundala, vòng tay kirita có hoa trên tai, vòng ngực với viên ngọc đỏ rubi (vật thể 22).
 

vật thề  21 : kosa Hương Đình 
vật thể 22 : kosa

Trong nghệ thuật Chăm, ngành kim hoàn chiếm một địa vị quan trọng, đặc biệt trong những đồ cúng dâng hiến vào điện thờ. Sinh thục khí nam linga là thể dạng thiêng liêng nhất của Shiva thờ dưới hình thức trừu tượng nguyên gốc dương vật. Cái jatalinga (nếu có khắc họa khuôn mặt Shiva thì gọi mukhalinga) bằng kim loại nầy được thực hiện theo kỹ thuật cổ truyền rập nổi thành chín mảnh riêng biệt rồi cho ráp lại với nhau. Trang trí dưới đế là lá cây điệu hóa, cánh hoa sen ở lớp bọc dưới và lớp bọc trên, trái cây hình cầu ở vòng giữa. Phần trên có chậu rửa tròn quanh (thay vì yoni hình vuông), bên cạnh là rảnh nước chảy, chính giữa vươn lên cột linga phần dưới tám cạnh astara tượng trưng Vishnu, phần trên nắp trùm hình tròn rudrabhaga hay pujamsa biểu hiện Shiva, hình dáng một cái mũ tu sĩ khổ hạnh điệu hóa.Tất cả đều bằng bạc, chỉ có nắp trùm là một hỗn hợp bạc và vàng (vật thể 23). Trong tủ kính cón có một cái bình nước bằng đồng thanh (24x20x17cm), niên đại thế kỷ IX-XI, tìm ra ở Trường Xá (Quảng Trị) trong một vùng đã cống hiến nhiều cổ vật Chăm. Bình nầy, được gọi là kundika bên Ấn Độ, gồm có một cái bụng phình tròn trên một cái đế hình thân nón, cổ loe ra thành miệng để đổ nước vào, bên phía bên có hai miệng nhỏ để đổ nước ra. Bình nước nầy thường được dùng để tẩy uế người chủ lễ trong Hồi giáo cũng như trong Phật giáo (vật thể 24). Nếu cổ bình đã được thấy trong nghệ thuật Khơ me, câu hỏi đã được đặt về hai miệng để đổ nước ra tuy đã thấy có nhiều mẫu tương tự bằng đất nung, sành sứ hay kim loại như hiện vật nầy.
 

vật thể 23 : Linga
vật thể 24 : Bình nước 

Tuy không nhiều bằng cổ vật các nước Á Đông khác, những hiện vật Việt Nam nói chung, Cham Pa nói riêng, ở viện Bảo tàng Guimet như đã thấy là những tác phẩm tiêu biểu một kho tàng văn hóa phong phú của nước ta. Tuy sống lâu năm ở Pháp, tôi luôn theo dõi hoạt động văn hóa bên nước nhà và hân hạnh được nêu tên trong hai cuốn Le Musée de Sculpture Cam de Đà Nẵng (AFAO-EFEO-1997) và Trésors d’art du Vietnam - la sulpture du Champa (Guimet – 2005), xem như là được giới khảo cứu về Cham Pa thừa nhận.
  

Xô thành thu đông 2016
Đọc thêm

-Emmanuel Guillon, Art et archéologie du Champa, une ancienne civilisation du Vietnam, Picard, Paris 2011

-Pierre Baptiste et Thierry Zéphir, Trésors d’art du Vietnam - la sculpture du Champa Ve-XVe siècles, Guimet, Paris 2005-2006

-Nguyễn Văn Kự – Ngô Văn Doanh, Du khảo văn hóa Chăm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Nxb Thế giới Hà Nội 2005

-Léon Vandermeersch et Jean-Pierre Ducrest, Le Musée de Sculpture Cam de Đà Nẵng, AFAO Paris 1997

Chim Việt Cành Nam 67 10.07.2017

[ trang trước ]  /    [ trang sau]