1. Son phấn nàng Geisha 
đất Phù Tang

Geisha hay geiko ở Kyoto là một cô gái Nhật Bản tinh tế cung hiến đời mình cho một ngành nghề ưu việt nghệ thuật truyền thống. Geisha (gei  : nghệ thuật, sha  : con người) là một bộ mặt trọng yếu của nền văn hóa Nhật Bản đồng hàng với samourai hay thầy tu. Cùng chung chia sẻ khối óc thẩm mỹ, chiều hướng hình thức, giá trị tinh thần, danh từ có thể dùng để chỉ định một nhân vật nghệ thuật. Họ sống trong một không gian nghê thuật hoàn toàn kiềm chế, rất ngược đời là phương Tây thường ghép họ vào vòng gái điếm, trụy lạc. Thậm chí nhiều khách hàng còn đòi hỏi ở cô geisha một nghệ thuật có nguyên gốc đạo giáo như kỹ thuật cắm hoa ikebana, hay pha trà chanoyu. Từ thời khai trương thế kỷ XVII đến bây giờ cô geísha là người gây sinh động những buổi họp các nhà lãnh tụ ngân hàng, những nhà kinh tế, chính trị hay quân sự ưu tú. Làm bà tùy tùng, geísha trình bày vẻ thanh lịch, tính khoái lạc trong khăn mũ, kiểu tóc, hóa trang, y phục,...Rất đông vào các thế kỷ XVIII, XIX, chỉ còn ước chừng 17.000 năm 1980, ngày nay họ còn ít hơn nữa, sinh sống cốt yếu ở Kyoto, trong các xóm Gion và Ponto-Cho và Tokyo. Vì vậy, hôm viếng Kyoto gặp được nhiều cô đi dạo phố một buổi chiều thật là may mắn cho tôi. Người ta bảo nhờ nhiều sách báo, những chương trình truyền hình tường thuật, thông báo tài liệu, những blog, web geisha phổ biến, số các cô gái trẻ học nghề đang bắt đẩu tăng gia, được gọi maiko hay, ít nghe hơn, hangyoku, , hangyokuoshakusan. Năm 1965, Hội Phát triển Nghệ thuật và Âm nhạc Kyoto kiểm kê 65 maiko ở Kyoto, mười năm sau sụt xuống 28, qua những năm thập niên 90 thì giữ mức trung bình 60. Năm 2008 lần đầu tiên số maiko vượt quá 100  ! Thường các nàng geisha được liệt vào giới hoa và liễu, nghĩa là các cô phải tinh tế như chiếc hoa nhưng đồng thời bền chặt và mềm dẻo như cây liễu.

Quán trà ochaya mở ra năm 1712 ở các xóm ăn chơi đánh dấu bước đầu nghề geisha. Phát triển từ biến hóa chuyên ngành biểu diễn khôi hài giễu cợt taikomochi hay hokan, vai hề trước tiên chỉ là đàn ông có nhiệm vụ dùng nhạc, hát tiêu khiển những khách phòng trà. Cũng có những cô có học thức, văn hóa, họ đóng vai trò qua trong các triều. Mặc đồ đàn ông, họ được gọi shirabyoshi hay là bạch tạng tương đương với hóa trang đi đôi với một điệu múa chậm cung hiến thượng đế. Họ đội một cái mũ tate-eboshi, mang một thanh kiếm tashi, một cái quạt kawahori, một y phục hoàn toàn nam nhi  (áo hakama đỏ, một suikan trắng, một đỏ). Họ hát những bài phỏng theo những kinh Phật, có trống tsuzumi và sáo fue đệm. Có nhiều shirabyoshi nổi tiếng như cô Shizuka Gozen trở thành vai tuồng nhiều truyện.  Sau một cuộc sống đầy sóng gió, cô kết thúc cuộc đời trong áo nữ tu sĩ bhikhuni. Vào khoảng 1750, một số phụ nữ nhảy vào ngành nghề, được gọi là onna geisha (đàn bà geisha) để phân biệt với phái nam nhi mang tên otoko geisha (đàn ông geisha), dần dần chiếm đa số và qua 1800 thì chỉ còn các cô nàng geisha độc nhất. Năm 1779, chính phủ Nhật Bản chính thức hóa nghề geisha, mở phòng kenban lập bản kiểm kê các cô và kiểm soát luật lệ  : những cô geisha phải giới hạn hoạt động trong phạm vi nghệ thuật, chỉ những cô gái điếm có môn bài mới có quyền phục vụ khách hàng trong phạm vi rộng hơn. Để kiểm soát chặt chẽ các geisha, chính phủ còn thiết lập năm 1886 giá cả phân minh. Đến đầu thế kỷ XX, geisha được xem như là đứng hàng đầu thời trang đến nỗi vào khoảng những thập niên 20-30, nhiều geisha ăn bận theo lối Tây phương goi là dansu geisha, nhưng phong trào sớm bị dập tắc. Trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, những xóm ăn chơi bị đóng cửa, các geisha phải đi làm công nhân trong các xưởng máy, đến 1945 mới được phép mở lại. Năm 1957, các hộp điếm hoàn toàn bị cấm, như vậy dân chúng phân biệt rỏ ràng geisha vẫn còn có phép tiếp tục hoạt động. Cùng lúc, nhiều đạo luật mới về trẻ con và giáo dục bắt buộc cấm các cô gái ghi tên thành maiko trước mười lăm tuổi.

Y phục các cô geisha cốt yếu là một cái áo kimono lụa cổ hở xuống tận lưng gọi là obebe theo thổ ngữ Kyoto. Màu sắc áo thay đổi tùy mùa nhưng cũng dựa theo tuổi tác  : sặc sỡ khi geisha còn trẻ, lớn lên thì các cô thường chọn màu sắc kín đáo hơn. Kimono dày mỏng thay đổi tùy theo thời tiết  : mùa hạ một chiếc áo ro the lụa, mùa thu áo hitoe lụa không lót, mùa đông áo awase lót lụa kếp. Sau lưng, trên chiếc thắt lưng lụa rộng, một cái nút obi hình thể thay đổi tùy tuổi tác geisha  : những cô đứng tuổi thắt một cái "nút trống" taiko musubi, còn những cô maiko mang một cái "nút đuôi dài" darari obi nhiều thước, trên cao đến bả vai, dưới thòng xuống tận đất. Chiếc nút trên lưng nầy phân biệt geisha với những gái mại dâm thượng hạng oiran và các loại gái điếm khác thường mang nút đằng trước để dễ tháo ra thắt lại nhiều lần trong ngày. Mặc một cái kimono rất phức tạp vì tất cả các kimono đều dài giống nhau, mỗi một cô phải biết xếp vạt áo cho vừa thân mình. Vì vậy có nhiều cô cậy một người trang phục chuyên môn giúp. Những kimono được may và vẽ bằng tay nên giá rất đắc, một cái đẹp giữa 5000 và 6000 euro. Ngoài những kimono mặc hằng ngày, các nàng geisha còn có một y phục ngày lễ kurotomesode toàn một màu đen với năm huy hiệu kamon. Dưới kimono, các cô mặc một áo lót "phủ háng" koshimaki, thật ra là một mảnh vải quấn quanh háng nhuốm một phối hợp màu sắc hài hòa với kimono phô ra ở hai điểm  : ở mắt cá khi các cô vén kimono tiến bước và ở cổ áo, màu đỏ cho maiko và trắng cho geisha, khâu mỗi sáng và tháo mỗi tối để giặt cho sạch. Các cô mang tất tabi và guốc gỗ geta.

Geisha và nhất là maiko rất chú trọng về mặt trang điểm. Khuôn mặt phủ phấn trắng trên một lớp dầu bintsuke-abura  : nàng dùng một bàn chải tre để thoa và một miếng bọt biển để lau phấn thừa. Trước kia, phấn có chứa chì nên nhiều geisha lớn tuổi thường hay ta thán về những chứng trên da. Ngày nay phấn được chế tạo bằng bột gạo. Đặc biệt phía sau cũng có thoa phấn và áo hở rộng cho thấy cổ trắng tận lưng, tiết lộ một hứng dục tinh vi, một nổi vui cho kẻ am hiểu nghệ thuật ăn chơi. Xem như một điểm gợi tình, gáy là một cổ trắng bột, nổi trội ở trên là màu đỏ áo lót kimono, bảo đảm mức thành thục của nàng geisha. Má, mắt, môi thì tô son hồng, đỏ. Lông mày và xung quanh mắt có đường kẻ đen với một thỏi than khôl. Hóa trang là một kỹ thuật tế nhị nên các maiko thường cậy bà chủ "mẹ" okasan hay người chuyên nghiệp giúp sức, nhưng dần dần họ phải tập tự làm lấy. Các cô geisha quá tam tuần hết cỏn hóa trang, trừ khi có cơ hội đặc biệt. Tóc các nàng được quấn thành búi truyền thống Nhật Bản. Thực hiện ở tiệm hớt tóc chuyên nghiệp, các búi nầy thường được giữ một tuần lễ. Ban đêm, để búi tóc khỏi bị dẹp, khi nằm ngủ các cô phải đặt đầu lên một cái gối sành takamakura. Khi thực hiện các búi, trước kia người thợ phải kéo mạnh những sợi tóc nên về già các cô thường hay bị sói. Hiện tượng nầy ngày nay đang mất dần vì các maiko vào nghề trể và nhất là các geisha mang bộ tóc giả. Búi tóc các maiko được gọi là "đào chẻ" momoware vì là cắt đôi, ở giữa có gắn vào một mẫu lụa đỏ. Búi tóc marumage các geisha thường được cài vào những chiếc lược có hoa văn cùng những kẹp tóc kanzashi. Các nàng sống trong những xóm riêng biệt gọi là "thành hoa" hanamachi. Có tiếng nhất ờ Kyoto là những xóm Gion và Ponto-Cho. Geisha phải trực thuộc một "nhà" okiya nhưng không phải bắt buộc cư trú ở đấy. "Nhà" okiya được cấu tạo như một gia đình, đàn ông ít có quyền vào, gia chủ là một bà "mẹ" okasan, những cô lớn tuổi xem như là "chị" oneesan các em trẻ. "Nhà" okiya truyền chuyển theo luật thừa kế  : một cô hoặc là con đẻ "mẹ" okasan hoặc là một geisha rành nghề được chỉ định làm người thừa kế atotori, lương bổng khá hơn và có khả năng trở thành "mẹ" okasan trong tương lai.

Ngày nay, geisha có quyền chọn lựa  : trú ngụ ngay trong "nhà" okiya thì có phòng ngủ và phát áo kimono nhưng lương bị khấu đi một phần  ; ở riêng ngoài thì giữ toàn lương tuy phải tự thanh toán mọi chi phí phòng ở, áo quần, nhưng vẫn luôn trực thuộc "nhà" okiya, làm việc ở đấy và đóng góp một số tiền. Dù chọn lựa cách nào, cô geisha cũng sống chung trong cộng đồng "thành hoa" hanamachi và tuân theo tục lệ  : khi có cơ hội quan trọng mizuage ví như khi nhập maiko, khi từ maiko trở thành geisha,.. cô phải đi quanh "thành hoa" thông báo tin vui cho các chủ nhân các "nhà" okiya cùng biếu tặng quà cáp. Thường lệ "nhà" okiya của geisha cũng tổ chức một buổi lễ nhân dịp đó. geisha liên hệ với nhau như trong một dòng dõi  : một maiko phải có một geisha lớn hơn làm "chị" oneesan, cô nẩy có phận sự dìu dắt, tìm giùm khách hàng nhưng cũng chia sẻ phần nào thù lao của cô em. Hai chị em kết nghĩa với nhau qua một buổi lễ san san ku do cùng nhau uống ba cốc rượu sake. Lễ nẩy cũng thường thấy trong các đám cưới truyền thống. Sau đó cô em có quyền chọn một tên geisha qua sự chỉ dẫn của "chị" oneesan, thường lấy tên cùng gốc, ví dụ tên cô chị Ichiume thì ra tên cô em Ichigiku. Khi geisha muốn ra khỏi "nhà" okiya hay muốn kiếm nhiểu tiền hơn, cô cần có người bảo trợ danna, thường là một người nhiều quyền thế, giàu có, biếu nhiều quà tuy phải trả tiền thù lao như mọi người. Hai người liên hệ với nhau sau một buổi lễ san san ku do. Thường chính "nhà" okiya chọn danna cho geisha trên căn bản uy thế và giàu sang. Trước kia, tuy không chính thức, geishadanna có thể có quan hệ tình ái với nhau. Nếu geisha có quan hệ với người khác thì phải kín đáo vì thanh danh của "nhà" okiya rất phụ thuộc thái độ của các geisha. Trên nguyên tắc geisha sống độc thân, cô nào lấy chổng thì bỏ nghề geisha. Nhân đấy cô phải tổ chức một lễ chia tay hiki-iwai, biếu tặng cháo kanji cho ‘chị" oneesan và "mẹ" okasan.

Thường geisha được luyện tập từ thuở nhỏ. Lớn lên, em gái nhà nghèo được bán vào các "nhà" okiya để được tiếp tục huấn luyện. Trong suốt thời gian tuổi trẻ, cô làm người giúp việc rồi phụ tá để bồi thường chi phí đào tạo. Sống chung trong "nhà" okiya, cô phụng sự các gheisa, chăm lo y phục cho họ, đưa đón khi cần, nhưng đồng thời cũng xem xét cử chỉ, học hỏi điệu bộ. Thời gian tập sự nầy kéo dài nhiều năm. Theo truyền thống cô gái vào nghề từ "ngày thứ sáu, tháng thứ sáu, năm thứ sáu" nhưng có nhiều em bắt đầu sớm hơn. Ngoài cách thức cư xử, nghi lễ xã giao, các cô phải học sử dụng một loạt đàn. Shamisen là chiếc đàn ba giây tiêu biểu geisha như ống sáo. Trống thì có ba loại  truyền thống  : tsutsumi mang trên vai, okawa đặt trên đùi, taiko lớn nhất để bên cạnh, dùng dùi để gõ. Nhạc các đàn không có ghi thành bản đàn bè và cô geisha phải học thuộc lòng. Những nghi lễ chế trà chanovu, cắm hoa ikebana cũng nằm trong chương trình tập luyện. Trong cuộc biểu diễn của geisha, các điệu múa truyền thống đặc biệt buộc các cô geisha phải có tư thế duyên dáng, yêu kiều, điệu bộ dẻo dang, mềm mại, dáng dấp lịch sự, thanh nhã và nhất là có khả năng lôi cuốn, hấp dẫn. Kỹ thuật các điệu múa quan trong rất khó đạt được nên thường chỉ những cô trẻ đẹp, phú bẩm, có khiếu nhất mới được hướng vào chuyên ngành nghệ thuật nầy. Thời gian học nghề khá dài, ít nhất cũng một năm. Còn nhỏ, các em ngày đi học ở trường, tối theo các "chị" oneesan dự các buổi lễ, chăm chú nhìn học theo lối minarai, nghĩa là "học bằng quan sát". Những em học trò trẻ măng nầy mang tên shikomiko có nghĩa là "geisha tập sự" trước khi trở thành maiko. Các em học cách bận kimono kitsuke, chơi nhiều trò (như uống rượu nhiểu  !), kỹ thuật trò chuyện, nói chung nghệ thuật tiêu khiển khách hàng, từ đấy kiến thức văn hóa cũng rất cần thiết.

Hết thời gian tập sự, khi trở thành maiko, các cô mới bắt đầu đi theo geisha trong những buổi tiếp tân hay tiệc tùng. Các "chị"  oneesan tiếp tục khuyên bảo, hướng dẫn và chia một phần thù lao của cô em nhưng thời gian nầy ngày nay rút ngắn lại vì maiko sớm trở thành geisha khi bước qua tuổi thiếu nữ. Vào lúc nầy một buổi lễ chính thức "đổi cổ áo" erikae được long trọng tổ chức  : cổ đỏ maiko được thay thế bằng một cổ trắng geisha kiên tín. Theo truyền thống, sau đó cô tân geisha được đưa ra đấu giá. Thường giá rất cao nên chỉ có những nhà kỹ nghệ giàu mới đoạt được. Nên biết là vào thời đại Edo, trinh tiết được bán vào tuổi 14  ! Qua những năm thập niên 50, tục lệ vẫn còn thịnh hành nhưng tuổi geisha nâng lên 18. Ông bảo trợ danna không chỉ "mua" geisha đêm đầu tiên mà còn có thể nhiểu đêm trong luôn một năm chẳng hạn. Cũng có ông đã có gia đình thì "mua" vì cảm phục chứ không vì tình ái. Ngày nay, các cô gái ít vào "nhà" okiya khi còn trẻ. Họ nhập nghề geisha muộn hơn, vào tuổi 17-18, nhất là ở Tokyo. Thời gian học tập vẫn lâu như xưa. Trên nguyên tắc từ trước không thay đổi, geisha không phải gái điếm mà là một cô phục vụ, một cô tùy tùng tinh tế, không buộc có quan hệ tình ái với khách hàng. Công việc chính của cô là tiếp khách trong những đám tiệc zashiki ở quán trà ochaya hay ở quán ăn truyền thống ryotei. Để tiêu khiển, tùy khách và tùy trường hợp, các cô vũ nữ tachikata hay odoriko nhảy múa, các cô nhạc công jikata đánh đàn hay chỉ trò chuyện, các cô geisha phục vụ trong những trò chơi đông người,...Không phải ai cũng có thể lại dự zashiki  : ngoài túi tiền cẩn thiết, khách còn phải thành thạo thuật geisha-azobi, vui chơi với các geisha. Sau tiệc, ngoài tiền trả cho quán, khách phải trả tiền cho cô kenban để phân phát cho các geisha. Trong trường hợp khách không chịu trả thù lao thì quán phải ứng ra trả thế, vì vậy thường quán chỉ mở cho những khách quen hay được những khách được tin cẩn giới thiệu. Tiền thù lao mang một tên thơ mộng "bạc-hoa" o-hana hay hanadai tương ứng với thời gian tiệc zashiki. Cô maiko chỉ nhận được một phân nửa hanadai.

Một hoạt động khác của những geisha là biểu diễn ở các đại hội liên hoan nhảy múa. Những đại hội có tiếng nhất Kyoto là Kamogawa Odori (Điệu múa sông Kamo) ở Ponto-Cho và Miyako Odori (Điệu múa Kinh đô) ở Gion. Điệu thứ nhất bắt đầu từ năm 1871 ở cuộc Triển lãm Quốc tế Kyoto, điệu thứ nhì năm 1872 và ngày nay còn tiếp tục mỗi năm hai lần vào tháng 5 và tháng 10, chỉ ngưng trong thời gian chiến tranh vào lúc các "nhà" okiya đóng cửa. Trong các đại hội nầy, các geisha không chỉ trình bày những điệu nhảy truyền thống mà còn tuồng hát kabuki, đặc biệt cùng điệu Kamogawa Odori. Họ không được trả tiền thù lao mà còn bỏ nhiều tiền, lắm khi vay mượn, để cấp kinh phí đại hội vì đối với một cô geisha vũ nữ odoriko, dự một đại hội liên hoan là  một dịp gây thêm uy thế cho mình. Dễ hiểu là cô nầy không còn trẻ, ít nhất cũng vào tuổi tam tuần. Về số lượng geisha, Tokyo đứng thứ nhì ở Nhật Bản. Tokyo cũng có nhiều "thành hoa" hanamachi. Những "thành hoa" có tiếng nhất là Shinbashi, Shinbashi, Asakusa, Mukôjima, Kagurazaka, Akasaka. Akasaka là một hanamachi rất nổi tiếng nhưng cũng rất đắc và, cũng như Kyoto, có đại hội liên hoan nhảy múa gọi là Azuma Odori.

Ở Tokyo, chữ geisha thường được ghép với gyoku (nữ trang) hơn là hana (hoa), thù lao được gọi "đồng tiền-nữ trang" gyokudai. Những cô học nghề thì mang tên "phân nửa nữ trang" hangyoku vì các em chỉ được trả phân nửa tiền thù lao. Trái với ở Kyoto, các geisha ở Tokyo phần lớn trú ngụ ngoài "thành hoa" hanamachi tuy theo luật lệ vẫn phải thuộc một "nhà" okiya. Trong thực tế, "nhà" okiya chỉ là nơi tiếp xúc hẹn hò, nơi gởi gắm đồ đạt như chẳng hạn kimono. Cô geísha có tiếng nhất là Kiharu Nakamura, con của .một ông bác sĩ, không chịu ở trong thành hoa, quán trà. Giỏi Anh ngữ, thi hứng của Jean Cocteau, Charlie Chaplin, cô là tác giả một chục cuốn sách, cuốn hay nhất, Ký ức của một geísha ở Tokyo được dịch ra 8 sinh ngữ. Cô là người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên có bằng lái máy bay. Năm 1956, cô qua Hoa Kỳ dạy nhạc và các điệu múa truyền thống. Cô cũng làm thẩm vấn cho nhiều vở hát opẻra như Bà Butterfly của Puccini, thuật lại cuộc sống và tự tử của cô geísha yêu tha thiết một người Mỹ.
 

Kiharu Nakamura
Fiona Graham – Sayuki

Một cô người nước Úc tên Fiona Graham đến Nhật Bản trong một chương trình trao đổi đại học năm 15 tuổi. Sau vài năm học tâm lý học ở Viện đại học Keio tại Tokyo, cô đậu bằng tiến sĩ nhân loại học văn hóa ở Viện đại học Oxford. Giám đốc nhiều chương trình truyền hình ở các đài NHK, National Geographic, Channal 4, BBC, thành thạo văn hóa Nhật Bản, cô giảng dạy ở Viện đại học Keio, giảng viên ở Viện đại học Waseda tại Tokyo. Năm 2007, chỉ sau một năm tập sự, cô chính thức trở nên geisha đẩu tiên phương Tây mang tên Sayuki ở "thành hoa" Asakusa. Năm 2010, cô nhận một học bổng The Endeavour của bộ Giáo dục Úc để khảo cứu vể geisha nhưng không thầy công bố kết quả. Thiểu thời gian đào tạo, không theo đúng luật lệ geisha, năm 2011 cô ra khỏi "thành hoa" Asakusa nhưng vẫn tiếp tục biểu diễn trong vài buổi tiệc và mở hàng bán kimono. Cô dược xét xử là một phụ nữ không có thái độ đứng đắn của một geisha. Còn vể nghệ thuật thì các nhà thiện nghệ đánh giá cô nghệ sĩ ngoại lai, trí thức, hết còn trẻ nầy. Dù sao sự kiện cô geisha ngoại quốc chứng minh ngành nghề geisha mất độc quyền một nghệ thuật độc đáo đến nay dành cho phụ nữ Phù Tang, một việc tốt hay một điều đáng tiếc? Khi xem trong phim ảnh các cô gái Nhật Bản nhảy điệu french cancan, tôi cảm thấy thiểu thẩm mỹ không so được với mấy cô vũ nữ chân dài dằng dặc ở các rạp Folies Bergère hay Moulin Rouge tại Paris. Cũng như ở bên ta, khi các cô không phải người địa phương đứng ra ngâm sa mạc, hát vọng cổ, nhất là hò Huế quê tôi thì tôi thường thấy thiếu bản chất chân thật trong giọng nói dù biểu diễn khéo léo, tài tình...

(*) ảnh chụp một buổi chiểu sương mù ở Kyoto năm 1998
 

Thành Xô  2018

Đọc thêm (trên internet)

-Geish- Wikipédia, https://fr.wikipedia.org/wiki/Geisha

-Qu'est-ce qu'être geisha ? | Vivre le Japon.com https://www.vivrelejapon.com/ a-savoir/comprendre-le-japon/metier-geisha 15.3.2017

-12 choses que vous ignorez sur les geishas www.nipponconnection.fr / 12-choses-que-vous-ignorez-sur-les-geishas 30.04. 2015

-Les geishas - Ici-Japon

www.ici-japon.com / Découverte du Japon - Culture et traditions japonaises

-La Geisha - Fémina, mythes de la Femme feminaweb.free.fr/geisha.htm

-Le rôle confus des Geisha - Kanpai

https://www.kanpai.fr / Culture japonaise / Arts japonais et Histoire

-Savez-vous reconnaître une geisha, d'une maiko, d'une geiko? Geisha, une vie de renoncements au nom de la culture japonaise fascinant-japon.com/geisha-maiko-geiko-difference/ 27.01.2018


Cô geisha chơi đàn shamisen (trường phái ukiyo-e 1800)
tranh Vikipedia

[ trang trước ]  /    [ trang sau]