2. Vượt biên giới 
tìm cô gái tộc Di

Người dân tộc Di (Yi) thiểu số 6,6 triệu dân (!) sống rải rác ở các tỉnh Vân Nam (Yunnan), Quý Châu (Guizhou), Tứ Xuyên (Sichuan), Quảng Tây (Guangxi) (*), tập trung nhiều nhất trong vùng tự trị Lương Sơn (Liangshan) thành nhiều cộng đồng. Ngoài một số tương đối nhỏ sống ở đồng bằng hay trong các thung lũng, phần lớn họ ở trên núi đồi cao, một vùng nhiều tài nguyên thiên nhiên, ngoài than đá còn có nhiều quặng kim loại như vàng, bạc, nhôm, kẽm, mangan, antimon. Rừng rậm cống hiến nhiều thú vật, cây cỏ hiếm có thường dùng trong dược liệu. Vì nhiệt độ thay đổi với cao độ, người ta tin từ đó không những cách sống, phong tục mà lời nói, tánh tình người Di cũng khác nhau từ khu nầy qua vùng khác. Ở Vân Nam, dân tộc thiểu số nói chung thường gặp ở các thành phố cổ như Lệ Giang (Lijiang), Đại Lý (Daily), nhưng tập hợp nhiều ở các ngôi chợ lớn như Nguyên Dương (Yuangyang), Kiến Thủy (Jianshui), Tự Đăng (Sideng), Sinh Tồn (Shengcun), hay những nơi có lễ hội như Lễ Rước Đuốc Hỏa Bá Tiết Huoba ji hoặc có cảnh đẹp như Thạch Lâm ở Lộ Nan (Lunan).




Thạch Lâm Lộ Nan Lunan

Trong rất lâu, người Di sống trong một xã hội nguyên thủy thời đại đồ đá, theo chế độ mẫu hệ, đến khoảng cách đây 2000 năm mới chuyển dần qua phụ hệ. Họ theo đạo nhiều thần, tin tưởng ở thần tiên ma quỷ, dâng lễ hiến sinh, phối hợp lòng thờ cúng tổ tiên với những nghi lễ Phật giáo, Lão giáo. Ông saman có nhiệm vụ liên lạc với thần thánh mang tên Bimaw. Vào khoảng các thế kỷ III-II tCN, họ còn tập trung ở Vân Nam và Tứ Xuyên, sau đó mới dẩn dần bành trướng về các phía đông bắc và nam Vân Nam, tây bắc Quảng Tây. Cũng vào thời đó họ mới bắt đầu tổ chức thành giai cấp. Suốt thời kỳ đô hộ nhà Hán, bộ máy cai trị phong một tù trưỏng người Di làm Điến Trì Vương. Vào khoảng thế kỷ VIII, một nước nô lệ mang tên Nam Chiểu (Nanzhao) được thành lập trong vùng núi Ai Lao (Ailao) và hồ Nhĩ Hải (Erhai), dân tộc Di làm thành phần chính với hai dân tộc Bạch (Bai) và Nạp Tây (Naxi), đứng đầu có một Vân Nam Vương. Qua năm 937, nước Đại Lý (Daily) thay thế nước Nam Chiểu (Nanzhao) nhưng tức khắc bị đổ vỡ vì dân quê nổi dậy, hệ thống nô lệ của người Di từ đó cũng tàn lụi. Đến thế kỷ XIII, nhà Nguyên lại đô hộ Đại Lý, lập các cơ quan dân chính và quân chính trong những vùng người Di ở Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên, tuần tự bổ nhiệm những vị lãnh tụ gia truyền. Qua thời Minh mới thấy những quan chức hành chính bên ngoài hay lẫn lộn với quan chức địa phương. Vào lúc ấy, có rất nhiều người Hán di cư lại đây. Triều Thanh thay đổi hoàn toàn cách cư xử, chỉ sử dụng người Hán, củng cố chính quyền đô hộ để tiến tới một nền kinh tế những lãnh chúa phong kiến. Sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, nhiều khu tự trị được thành lập, những cải cách dân chủ được áp dụng, nhiều đặc quyền từ đó bị bải bỏ, xã hội Di dần ra khỏi vòng nô lệ.




Chợ Nguyên Dương Yuangyang

Những người "Di đen"tổng số 70/000 dân hợp thành 100 thị tộc, lớn hay nhỏ, trong số nầy chỉ có khoảng độ 10 thị tộc lơn hơn 1000 dân. Họ sống riêng rẻ, trong những lãnh thổ nhất định, bao quanh có sông núi và không ai có quyền xâm phạm địa hạt cạnh bên. Thị tộc không có bản sắc hành chánh nhưng đặt dưới quyền nhưng thủ lãnh : Suyi những nhân viên cơ quan hành chánh cũ, Degu những nhân viên mang tên "lưỡi bạc" là những người của lãnh chúa phong kiến. Những vị nầy có một uy tín rất lớn khi bàn bạc những vấn đề quan trọng trong những cuộc họp các thủ lãnh Jierjitie hay những hội nghị toàn thị tộc Mengge. Nói chung, những thị tộc họp lại làm thành một hoạt lưc bảo vệ và đảm nhận những đặc quyền của những người "Di đen". Không có một bản luật viết về những người "Di đen" ở núi Lương Sơn (Liangshan) nhưng luôn tồn tại một pháp luật tập quán phản ánh những cá tính luân lý và những tính chất hệ thống đẳng cấp xã hội. Pháp luật nầy bảo vệ những đặc quyền của đẳng cấp và cương vị lãnh đạo của ngưới "Di đen", phát biểu chế độ nô lệ dựa lên một nguyên tắc chính nghĩa. Mọi vi phạm được xem là một trọng tội phải trừng phạt...
 
 



Chợ Sinh Tồn Shengcun

Tiếng nói của người Di được xếp vào loại các ngôn ngữ Tây Tạng - Miến Điện trong gia đình các ngôn ngữ Tây Tạng - Trung Quốc. Trong thực tế, họ vận dụng đến sáu phương ngữ và những người Di sống ở Vân Nam và Quý Châu đều nói được tiếng Tàu. Từ thế kỷ XIII người Di có một chữ viết có vần, gồm có khoảng 10.000 chữ, trong số ấy 1000 chữ thông dụng. Lúc ban đầu, chữ viết nầy dành cho các vị saman, sau trở thành sách. Ngày nay còn tồn tại nhiều áng văn, sách thuốc, những bảng gia phả gia đình những nhà lãnh đạo. Bài Vân Nam bạch dược hoạt huyết, giảm đau, chữa giập mô mềm, gãy xương kín,...có tiếng khắp nơi là một môn thuốc cổ truyền từ nhiều đời. Hai tác phẩm bách khoa về lịch sử dân tộc Di miền tây nam bàn cả đến triết lý, lịch sử tôn giáo, đã được dịch ra tiếng Trung Quốc. Những cuốn sách phản ánh đời sống ngày nay như Chàng Jinsha vui vẻ hay Daji và người cha cũng được xuất bản. Bên cạnh những sách viết nầy còn có những thơ ca, cách ngôn, truyện hoang đường truyền miệng. Những chuyện Những sự tích anh hùng Ashima, Bài hát Axi và Meige rất được truyền tụng. Thời xưa, họ cũng sử dụng một loại lịch mặt trời ít thấy ngày nay. Còn có lịch xưa chia năm ra làm 10 tháng 36 ngày. Tháng thứ mười chỉ định lễ hội trong năm. Qua thời Hán, họ theo lịch 12 tháng và 12 con thú hoàng đạo để tính năm, tháng, ngày. Cứ hai năm có một năm nhuận. Ngày Tết không nhất định, thường nhằm vào các tháng 11-12 âm lịch. Vào dịp nầy có hy sinh súc vật để cúng tổ tiên. Ngày lễ Rước Đuốc Huoba ji truyền thống ở Lương Sơn (Liangshan) được tổ chức hai ba hôm quanh ngày 24 tháng 6 âm lịch để cầu nguyện lúa mọc tốt mạnh như ngọn lửa đuốc. Ngọn lửa nầy cũng còn có nhiệm vụ xua đuổi quỷ sứ để bảo vệ dân làng và súc vật. Trong những ngày nầy, thanh niên thanh nữ trong làng ăn mặc đẹp đẽ vừa đi vòng quanh các nhà với một bó đuốc cây thông cầm tay vừa cầu nguyện. Ban chiều họ dự những cuộc chọi gà, đấu trâu hay dê, chạy đua ngựa. Tối đến, họ quây quần cạnh đống lửa, hát theo nhịp đàn nguyệt, nhảy múa và cầu nguyện được mùa. Người Di làng Sương Bạch (Shuangbai) ở khu tự trị Sở Hùng (Chuxiong) tổ chức đầu tháng mười lễ truyền thống Nuo xua đuổi tà ma và nguyện cầu hạnh phúc. Các diễn viên ăn mặc giống chúa sơn lâm, các em bé trần truồng đội mũ đầu hổ, được vẽ trên cơ thể những vết đốm giống các con báo và các điệu nhảy tuy khác nhau đều diễn ra theo đúng nghi lễ tổ tiên.



Chợ Sinh Tồn Shengcun

Người Di theo chế độ một vợ một chồng. Đầu thế kỷ XX, thường cha mẹ sắp đặt cưới hỏi cho con. Trong nhiều nơi, cô vợ mới cưới ở lại nhà với cha mẹ cho đến khi đẻ đứa con đầu tiên. Ở vài nơi khác, để mua vui, gia đình nhà trai đem ngựa lại nhà gái làm bộ bắt cóc cô dâu, cô dâu phải giả vờ la lối và nhà gái giả vờ chạy đuổi bọn cướp... Đêm tân hôn, đôi uyên ương theo tập quán cổ truyền phải ẩu đả nhau ! Trong xã hội Di, trai trẻ chỉ có thể lấy nhau trong cùng đẳng cấp. Những gia đình theo chế độ phụ quyền và một vợ một chồng là đơn vị căn bản của thị tộc. Khi cưới vợ, một chàng trai xây dựng gia đình và tiếp nhận một phần tài sản của cha mẹ. Đằng kia, cô vợ không có chút quyền thừa kế. Họ rất tôn trọng quyền hành của các ông dượng và quan hệ dượng-cháu rất chặt chẽ. Nhà cửa người Di rất giản tiện, rường gỗ, vách đất, không có cửa sổ, bên trong thường tối và ẩm ướt. Trang trí đơn giản không có bàn ghế, vỏn vẹn một cái bếp với ba viên đá. Khi chết người Di được thiêu, tro đem cất trong động hay chôn. Họ làm lễ đầu năm vào tháng mười hay mười một, giết nhiều súc vật để cúng ông bà. Sau đám tang, những người chịu tang dùng len trắng bao quanh những mảnh tre để thực hiện những bảng kỷ niệm sau ba năm, đem đốt rồi giữ ở chổ kín.



LễHỏa Bá Tiết Huoba jie

Về tên gọi, trong các thời Đông Hán (25-220), Tam Quốc (220-265), Tấn (265-420), tên Di, có nghĩa là man di, được đặt cho dân cư trong vùng. Qua thời Nam Bắc Triều (bắt đầu từ 420) thị tộc Cuannổi dậy cầm quyền suốt vùng hồ Điền Trì (Dianchi) ở Vân Nam và lưu vực sông Hồng Hà (Honghe). Trải qua các triều đại Đường (618-907), Tống (960-1279), Nguyên (1271-1368), Minh (1368-1644), họ luôn còn giữ quy chế tộc Di nhưng sau đó một phần dân đổi qua lấy tên Lô Lô (Luoluo) cho đến ngày nay. Dựa lên những lý do lịch sử phức tạp, xã hội Di từ lâu được sắp đặt thành bốn nhóm đẳng cấp : Nuohuo, Qunuo, Ajia và Xiaxi. Nuohuo, còn gọi "Di đen", là nhóm cao nhất, thừa kế, liên tục, gồm có 7% tổng số. Nhóm quý phái nầy điều khiển những nhóm khác và là chủ nhân 60-70% đất đai cày cấy được. Đàn ông không có quyền lấy vợ ỏ những nhóm khác. Trái lại người Di ở những nhóm dưới không thể chuyển lên nhóm trên. Qunuo, còn gọi "Di trắng" là nhóm cao nhất trong ba nhóm còn lại. Dưới quyền Nuohuo, họ kiểm soát Ajia và Xiaxi, nhưng không được tự do đi lại không xin phép và hưởng một phần độc lập kinh tế tương đối. Ví dụ họ có đất đai nhưng không có quyền sở hữu và phải trả thuế khi mua bán tài sản. Khi chết không có con thừa tự thì tài sản trở về lại chủ cũ. Họ không có quyền mua bán một ngưòi dân Qunuo nhưng có thể đem biếu hay đổi chác. Người Ajia, một phần ba dân số Di, lệ thuộc hoàn toàn hai nhóm Nuohuo Qunuo. Sau cùng, người Xiaxi ở đẳng cấp thấp nhất, 10% dân số Di, không có tài sản, không có quyền cá nhân, không có chút tự do, được xem như những dụng cụ và phải cáng đáng mọi việc nặng nhọc.



Lễ Hỏa Bả Tiết Huoba jie

Với những cải tổ dân chủ, từ một vùng không có kỹ nghệ, người Di ngày nay đạt đến một hệ thống giáo dục và y tế đứng đắn, thành công xây dựng một xã hội mới với những thiết bị kỷ nghệ máy móc nông cụ, sản xuất xi măng và phân bón, khai thác than đá và mỏ đồng, cải tiến việc chế biến cây thuốc cổ truyền. Người Di trồng bắp, yến mạch, mạch ba góc, khoai tây, tương đối ít ăn cơm, người nghèo ăn chuối, quả sồi, cần tây, cỏ dại. Muối rất hiếm. Ngày lễ, có thịt nấu chín nhung thường chỉ dành cho nhóm quý phái. Nếu ngưòi Di có cách sống khác nhau, áo quần cũng rất khác biệt. Thường họ thích ăn mặc màu đen nhưng cũng sử dụng nhiều màu sắc trong áo quần. Đàn ông mặc áo màu đen, tay chật, gài xéo đàng truớc, quần đen chật có nếp, rộng ở phía dưới. Trên đầu có chỏm tóc ngắn, chít khăn xanh, đầu mút cột lại thành nút lẳc lư trên trán. Tai trái điểm một hột cườm vàng đỏ kèm thêm một dãi lụa đỏ. Lệ thường cho những trai trẻ chưa có râu là đẹp trai. Phụ nữ mặc áo thêu hay có ren, váy có xếp nết, rất dài. Có váy những bà Di đen dài đến tận gót, váy những bà giai cấp khác chỉ ngắn đến đầu gối. Nhiều phụ nữ đầu đội khăn, những bà lớn tuổi thay bằng một mảnh khăn vuông thêu mà mặt trước phủ lên trán như một vành đầu. Họ đều đeo bông tai, lắm lúc có một cánh hoa bằng bạc trên cổ áo. Các cô vùng Hồng Hà (Honghe) thích đội một cái mũ hình mao gà trang trí với những hòn bạc trông như trăng và sao, tượng trưng rạng rỡ và hạnh phúc. Nhiều phụ nữ mang một hay hai tấm khăn hình vuông cài sau lưng. Đi ra ngoài, các ông cũng như các bà thường mang một áo choàng bằng len gọi là chaerwa. Mùa đông áo nầy được lót dạ.

Thạch Lâm Lộ Nan Lunan

Tại nhà họ Chu ở Kiến Thủy Jianshui

Những phụ nữ Trung Quốc nói chung, các cô gái Di ngày nay bắt gặp ở trên đường hay ờ trong chợ, lẫn lộn với các dân tộc khác như Hà Nhi, Dao, Bạch,...Chỉ có những người lớn tuổi mới còn giữ y phục cổ truyền. Các cô gái trẻ, ngoại trừ ỏ thôn quê, phần lớn ăn mặc rất quốc tế, áo cụt quần jean như ở mọi thành phố khác trên thế giới. Tuy nhiên ở các buổi lễ thì các cô mặc sức ăn diện. Mải miết ngắm nghía ở một ngôi chợ mấy cô mặc trang phục Di sạch sẽ đẹp đẽ, khách có thể tự đặt câu hỏi họ là dân quê hay dân thành thị. Nhưng khi thấy dưới chiếc áo dài lộ ra đôi dày cao gót thì chắc chắn không phải là những cô gái làm việc chân tay, suốt ngày lam lũ trên đồng ruộng hay đầu tắt mặt tối trong công xưởng. Nhưng cũng tốt thôi : một bên vui thich ăn mặc bảnh bao, bên kia hưởng được cái thú chiêm ngưỡng người đẹp 

Thành Xô mùa xuân 2014
ảnh chụp năm 2007

(*) Xin cảm ơn Thầy TTN đã phiên giùm những danh từ chữ Hán


[ trang trước ]  /    [ trang sau]