6. Duyên dáng 
cô gái xứ Lan Xang

Đêm baci ở Luang Prabang

Hương hoa chămpa lan tỏa rất xa, nhất là dưới ánh trăng huyền ảo một đêm khí trời ấm áp. Phụ nữ Lào thích trang trí với một hay nhiều hoa chămpa trên mái tóc, người đã đẹp lại càng thêm hấp dẫn. Làm sao không rung động được hôm tiếp tân ở Luang Prabang, dưới ánh trăng vằng vặt, trong bầu nhạc chămpa dịu dàng du dương, một cô gái Lào, má hồng môi thắm, đẹp như tiên nữ, mái tóc ngào ngạt hương thơm chămpa ngồi xếp bằng sít trước mặt, miệng nhoẻn một nụ cười duyên dáng. Nàng nắm tay mình, nhẹ nhàng cẩn thận cho cuốn vào cổ tay những sợi bông trắng để chào mừng khách quý đồng thời cầu mong phúc lành với lời dặn dò giữ gìn sợi bông thật lâu cho phúc lành kéo dài ! Bay bổng lên chín tầng mây, khách chỉ biết thả hồn theo khói hương, tận hưởng những phút thần tiên ít có trong đời. Phong tục baci còn gọi soukhouane nguyên là một buổi lễ dân tộc nhắm mục đích "gọi về lại" những linh hồn (khouane) đã rời thể xác. Người Lào tin mỗi một trong 32 phần thể xác chúng ta có một linh hồn thường hay phân tán khắp nơi, chẳng hạn sau một cơn bệnh hay sau một xúc động tinh thần. Khi những linh hồn nầy đã trở về thì phải dùng sợi bông buộc chúng lại để khỏi bị thần phi ám ảnh. Ngày nay, baci trở thành một buổi lễ thân mật đánh dấu mọi chuyện vui trong gia đình : đám cưới, sinh con, tiếp đón bạn bè,…



Những cô gái đất nước Lan Xang ở Paris

Hoa chămpa tế nhị, thơm tho trên mái tóc cô gái Lào dịu hiền, thôn dã, phản ảnh một nét đẹp giản dị, đồng quê. Dân Lào không được biết là người hiếu chiến, có người cho năm cánh của hoa thể hiện sự đoàn kết với năm nước láng giềng. Những hôm viếng thăm đất nước Triệu Voi, dạo chơi ở Luang Prabang, lững thững trong sân chùa Vat Xieng Thong yên tĩnh trên bờ Me Kong, ngào ngạt hương thơm hoa chămpa, ngắm nhìn các chú tiểu hồn nhiên nắm tay nhau tươi cười trong bóng mát, khách cảm thấy đắm mình trong một bầu hòa bình, hạnh phúc. Cũng như hôm ăn trưa trong một tiệm trên bờ sông Nam Khan êm đềm nước chảy, bà chủ tiệm cùng bạn bè tự động hiến khách những điệu tình ca dân dã, tuy không hiểu lời, khách cũng sẵn sàng chia sẻ lối sống bình dân vui tươi của người dân đất nước hoa chămpa. Ở xứ Lào, điệu nhạc là một ngôn ngữ tình ái, tiếng hát là một phương thức sinh hoạt. Cách đây không lâu, các ông các bà đứng tuổi còn trao nhau những câu hát tình tứ qua các lời văn kiểu cách thơ mộng. Ngày nay chỉ còn dự được phong cách nầy thỉnh thoảng trong những dịp lễ như như Tết Pi mai (Pee may), nhưng những bài hát bình dân thì luôn vẫn dạt dào náo nhiệt. Người Lào hát khi vui, khi buồn, khi làm việc, gặt hái, giặt giạ, khi chòng ghẹo cô gái láng giềng theo bài bản, có khi tự mình ứng khẩu. Loại hát ứng khẩu văn thơ lắm khi kết hợp với giai thoại xã hội, ám chỉ chính trị và có nhiều nữ ca sĩ chuyên nghiệp lợi dụng lời lẽ tự do thi vị để trình bày với nhà chức trách một vài sự thật sỗ sàng.



Một điệu múa Lào

Bài hát giữa trai và gái trở thành những câu hát đối đáp phong cách lam/khap lắm khi khó hiểu và kéo dài nhiều giờ trước thịnh tình của khán giả. Người Mông gọi lối hát nầy lu tza. Dựa lên những truyện hoang tưởng, những nghi lễ phong nhã, nhất là những cạnh tranh giữa các ông các bà, phong cách gồm có nhiều lối họp chung lại thành mor lam. Nam ca sĩ mo lam, nữ ca sĩ mo top hát theo điệu sáo, tiếng đàn cò saw, đàn luýt phin, đàn phiến gỗ ra nat, chiêng khong vong, trống khong sen, đặc biệt tiếng ống khèn sậymor khaen mờ ảo. Gồm có bảy đôi sậy, có khi dài đến hai met, khèn có một âm sắc đặc thù, có thể dùng hợp âm, được sử dụng một mình hay đệm theo các đàn khác. Khèn thật là nhạc cụ dân tộc Lan Xang nên đã có câu nói : ai ở nhà sàn, ăn xôi khao niao và chơi khèn là người Lào chính cống. Xưa kia, mor lam là một phong cách khó vận dụng, bây giờ trở thành lam saravane thương mại cũng rất bình dân với nhiều lối biểu diễn : lam phi fa (lễ nghi trừ tà ma) phái sinh từ lam tang yao ; lam phuen (truyện cổ địa phương) ; lam tat hay lam jot (cạnh tranh tính giới) ; lam tang san hay lam tang yao (phong cách lịch sự) ; mor lam phern (truyện hoang đường lễ bái) ; mor lam mu (nhạc kịch dân dã),… Nói chung, khi hát lam, ca sĩ dựa lên một giai điệu rồi khai triển theo âm cung trong bài qua nhịp độ tiếng khèn, ngày nay bài hát được soạn kèm theo tiếng đàn điện tử. Nhạc điệu những bản truyền thống thường chậm rãi, bây giờ bị lôi cuốn vào một nhịp điệu lanh chóng, lời nhạc đứt khúc như trong nhạc rap Tây phương. Dù sao, trong cộng đồng ở phương xa, những bài hát nầy nhắc nhở dân di tản văn hóa đất nước của họ. Người Lào hát nhiều thì cũng thich nhảy múa.



Những ngón tay mềm dẻo

Khác với bên Việt Nam láng giềng, các cô gái Lào xã hội thượng lưu được huấn luyện từ nhỏ những vũ điệu cổ điển. Hỗn hợp hài hòa kịch câm và điệu múa, vũ điệu nầy là một nghệ thuật truyền thống đòi hỏi nhiều kiên trì, nhẫn nại. Một trong những chủ đề chính là điệu múa Phật giáo Nak-khala do 22 vũ nữ biểu diễn. Nhiều chủ đề lấy trong thiên nhiên như điệu múa dok champa tán tụng hoa chămpa. Trong các trường học, các nữ sinh má phấn, môi hồng, mi đen, qua tiếng khèn đều đều không ngớt, suốt ngày dang tay, uốn mỉnh, mềm mại yêu kiều gập giở 68 tư thế vũ điệu. Những cử động của vũ nữ liên kết, chồng chéo qua các hình múa tinh tế. Trong các đường lượn, các ngỏn tay thao diễn như những ngọn lửa, những dây leo. Nghệ thuật trong triều vua trước kia phải theo đúng nghi thức xác định qua nhiều thế kỷ, không có chỗ cho một diễn tấu tự do. Nghệ sĩ ăn mặc lộng lẫy y phục vua chúa phài trẻ đẹp khi trình diễn trước các đức vua bà chúa hay trước các vị tổ tiên Pou NgeuNga Ngeu. Ngày nay vũ điệu được cung hiến cho những thần phi trong các điệu nhảy đồng bóng, ma ám, cầu mưa, cầu tài, cầu cho đất đai màu mỡ qua các điệu múa rắn, múa đá. Điệu múa bình dân nhất tỏ rõ đặc tính cổ truyền xứ Lào là lam vong hay là điệu nhảy vòng quanh. Các ông các bà đứng đối diện nhau thành vòng tròn, chỉ có tay múa, chân bước theo nhịp. Vào dịp Tết Pi mai, điệu múa được thưởng thức nhiều nhất là điệu tích Ramayana mang tên Pha Lak Pha Lam rất có tiếng trong nền văn học Lào. Còn có điệu nhảyhữu nghị hay điệu nhảy ba bộ lạc nối liền Lao Theung, Lao Soung và Lao Loum. Người nhảy không nhất thiết phải có y phục ngày lễ.



Vài thái độ biểu cảm

Ngày nay, ở thời đại mới, nếu thanh niên bỏ quên y phục cổ truyền, chỉ giữ một băng chéo lớn pha biang, các phụ nữ Lào tuy quen thuộc với quần jean, vẫn còn giữ một chiếc váy hình ống gọi là pha nung hay sinh. Đường kính ống rộng hơn thắt lưng nên người mặc xếp phần thừa ra trước, từ trái qua mặt hay ngược lại. Một chiếc sinh gồm có ba phần : hoa sinh ngang thắt lưng, pheun sinh là phần giữa mang họa tiết chính và tdin sinh là đường viền bên dưới cũng có trang trí. Để dệt sinh, người ta dùng vải, lụa hay lẫn lộn hai thứ, tuy kiểu dệt, màu sắc và họa tiết khác nhau tùy nhóm tộc. Những chi tiết nầy phản ảnh giá trị vật chất và tinh thần, quan hệ xã hội giữa các nhóm tộc và các vùng. Chỉ trong các trường hợp đặc biệt như thể thao hoặc ngành nghề bắt buộc đồng phục, chiếc sinh hầu như phải mặc hằng ngày, nhất là khi các cô, các bà phải đi vào các công sở, cơ quan. Có những loại sinh chỉ được mặc trong một cơ hội đặc biệt. Một phụ nữ Lào thường học dệt sinh từ nhỏ, bắt đầu với đường viền, khi lớn lên mới bắt qua những phần khác lớn và phức tạp hơn. Pheun sinh là phần lớn nhất ở giữa. Có nhiều kỹ thuật để dệt pheun sinh : họa tiết liên tục và gián đoạn thêm sợi khổ, họa tiết biến dạng bổ sung, thảm thêu và cấu tạo sợi xe cong queo. Có hai cách sắp đặt họa tiết trên pheun sinh : thẳng đứng hay nằm ngang. Trong cách thứ nhất, họa tiết thẳng đứng được sắp đặt để sinh thành ống với một đường khâu. Trong cách thứ hai, họa tiết nằm ngang được lắp ghép với hai đường khâu. Tuy nhiên, cũng có họa tiết nằm ngang trong sinh chỉ với một đường khâu. Những chi tiết nầy lệ thuộc cách sắp đặt đã chọn lựa hay cách may dệt, từ đấy có những tên gọi khác nhau : mii sinh (dệt theo kiểu ikat) - ikat là một kỹ thuật phức tạp nhuộm sợi, khổ trước khi dệt nhắm thực hiện một tiết họa - , sinh muk (dệt theo kỹ thuật sợi bổ sung), sinh chok (dệt theo kỹ thuật sợi khổ bổ sung gián đoạn), sinh mai kom (dệt theo kỹ thuật nhiều sợi lụa xoắn), sinh khan (họa tiết sọc đứng), sinh kaan (họa tiết sọc ngang).



Những đêm ca nhạc ởLuang Prabang

Dạo chơi trên đường phố xứ Lào, khách rất vui mắt nhận thấy vô số loại sinh qua những pheun sinh, tdin sinh lắm vẻ với những độ dài khác nhau. Ở mỗi ngôi chợ là những dảy hàng dài bán sinh. Có nhiều sinh bán không có tdin, khách phải lựa chọn mua tdin theo nhãn quan của mình đã dành mà tdin cũng còn phải tương hợp với sinh. Nhìn chung, sinh là cả một nền văn hóa y phục. Cái váy cổ truyền nầy biểu thị phụ nữ của mỗi nhóm tộc, nói lên nét duyên dáng, làm tăng sắc đẹp của người mặc. Đi đôi với chiếc váy là môn khâu may, một kỹ thuật mà mỗi cô gái phải thông thạo để thành công thực hiện nếu không một kiệt tác thì cũng là một mẫu vừa ý, vừa lòng mình. Được mẹ hiền dỉu dắt từ thuở ấu thơ, cô gái Lào, qua những chiếc váy sinh sặc sỡ nhưng lịch sự, trình bày không những tính đa dạng, sự phong phú của tài nguyên tự nhiên đất nước mà kết hợp với một thái độ khoang dung, một cách cư xử ôn hòa, còn biểu lộ tâm tình, tinh thần nội tâm của cả nhóm tộc. Người có kiến thức có thể phân biệt những nhóm tộc và tín ngưỡng của họ qua họa tiết các chiếc sinh. Nhóm Lao Lum ớ Luang Prabang dùng cây mía làm họa tiết. Một trong những họa tiết thông dụng giản dị là hoa. Đấy là trường hợp các nhóm tộc Tai Phuan ớ Xieng Khouane, Kha Mu ở Oudomxai. Nhóm tộc Tai Moi ở Houaphanh dùng hoa hướng dương làm họa tiết. Nhóm tộc Tai Deng ở Houaphanh theo thuyết vật linh nhưng cũng tin tưởng Phật giáo : họa tiết trên sinh là con rắn naga che chở mái đền. Con rắn naga đặc biệt Nak Pasat (Naga Cung điện) cũng thấy trên sinh nhóm tộc Tai Phuan ớ Xieng Khouane nhưng dành cho các bà qúy phái. Trên sinh nhóm tộc Tai Muay ớ Khamane cũng có rắn naga nhưng có đến bốn đầu, gọi là Nak Si Hua, có nhiệm vụ canh giữ chiếc Hoa sen như thường thấy trong các truyền thuyết Lào. Trên sinh nầy gọi là Sinh Hong Mee có khi còn thấy đuôi rắn naga và gà. Con rắn naga nhiều đầu có nhiệm vụ canh giữ đền miếu thường thấy trên sinh các nhóm tộc Tai Dam và Tai Deng ở Houaphanh, thêm vào đuổi rắn naga và hoa. Nhóm tộc Tai Muay ở Houaphanh, ngoài hoa, sử dụng con cua làm họa tiết. Cua biểu thị tất cả hy vọng một vụ gió mùa từ đấy bảo đảm thu hoạch cao nên cua được thấy trên sinh dùng trong các buổi lễ.
 

Menang Lao
Phewa Hao

Ngày văn hóa Lào 2014 ở INALCO Paris

Mang trong lòng một tâm hồn chất phát, thật thà, chắc chắn họ là những người vời vợi tình cảm, dạt dào tình thương. Trong bầu nhạc sống nồng nhiệt, một người bạn đồng hành người Pháp thỏ thẻ cùng tôi : về Pháp, mình phải xét lại lối sống bên phương trời Tây ! Riêng phần tôi luôn còn chạy tìm xem những chiếc váy sinh thổ lộ cả một nền văn hóa xứ Lào. May mắn, tôi còn được mục kích hai lần nữa sau chuyến qua Lào năm 1997 : năm 2011, Hảng Hàng không Việt Nam tổ chức ngày Passion Indochine ba nước tại Parc floral ở Vincennes và năm 2014, ban Lào học tổ chức ngày Văn hóa Lào tại trường INALCO Paris. Trong khoảng một buổi chiều mỗi lần tôi lại được sống những giờ thích thú, luyến tiếc trong bầu không khí náo nhiệt tuy êm đềm đất nước hoa chămpa tuy biết ít mà thấy như quen nhiều.


Khèn (Mông) Sa Pa Khèn (Pháp) Paris

Thành Xô Xuân 2015

(*) ảnh chụp ở Luang Prabang năm 1997, ở Vincennes năm 2011 (Parc floral), ở Paris năm 2014 (Paris VII-INALCO).


[ trang trước ]  /    [ trang sau