7. Áo tứ thân, khăn mỏ quạ
Trai xứ Huế thường ngẩn ngơ ngắm các nàng thong dong trong tà áo dài phấp phới trữ tình, dân miền Nam thích chòng ghẹo các cô vui tươi, rắn rỏi sau chiếc áo ngắn bà ba, người miền Bắc một thời không ngớt ca ngợi các liền chị liến thoắng, nhí nhảnh qua bộ áo tứ thân ngày nay chỉ còn thấy ở các lề hội truyên thống hay trong các đoàn biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu. Áo tứ thân đi đôi với khăn mỏ qụa, nón quai thao dải yếm đào, dây lưng xanh, quần nái đen, tóc đuôi gà ,,. Không biết xuất hiện từ bao giờ, áo bắt đầu được thấy nhiều vào những năm thập niên 20-30 thế kỷ XX. Chiếc áo dài nầy thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh gián, mặc trên một cái áo cánh mỏng màu trắng, vàng, ngà, có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà. Áo gồm có bốn tà hợp lại với nhau thành hai vạt, một vạt trước, một vạt sau, buông xuống gót chân. Hai vạt trước tách rời, vắt chéo, có chiếc thắt lưng giữ lại, có khi buộc lại với nhau thả trước bụng, trên để hở một phần ngực phập phồng dưới dải yếm. Hai vạt sau khâu lại với nhau trên một đường dài gọi là sống áo. Có lúc một tà kép được thêm vào nhưng áo không được gọi áo năm thân. Trái lại, có liền chị mặc thêm bên trong hai cái áo tứ thân mỏng khác màu nữa hợp thành cặp áo mớ ba mớ bảy nổi tiếng. Nhưng dù cái tiến thế nào, danh từ tứ thân song song với cụm từ ‘‘tứ thân phụ mẫu’’ luôn được giữ. Áo tứ thân lúc đầu không có khuy mà có hai tay áo để xỏ vào khi mặc. Sau nầy để cho tiện, khuy nhỏ mới được đơm vào, cài bên nách, đính khuy bấm (nút bóp) vào tay áo, khiến cho Nguyễn Bính có câu thơ thổn thức :
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng,
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi !
2009

Trang phục nội y, yếm nguyên là một tấm vải hình thoi (ngoài Bắc) hay tam giác (trong Nam, miền Trung), có một dây quàng vào cổ và một dây buộc sau lưng. Bắt đầu thịnh hành từ thời nhà Lý thế kỷ XI-XII, người ta thường tin yếm được tạo ra để tôn vẻ đẹp cái lưng ong eo thắt của người phụ nữ, thể hiện đức hạnh một người vợ ngoan, một bà mẹ hiền.

Ðàn bà thắt đáy lưng ong
Ðã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
Về sau, vào khoảng các thế kỷ XVIII-XIX, yếm được cải tân thành hình vuông (ngoài Bắc) đặt chéo trên ngực, trên khoét làm cổ, hai góc trên đính dây quàng sau gảy, hai góc dưới vẫn có dây buộc sau lưng. Cổ khoét tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn hình chữ V mang tên yếm cỗ xẻ. Bên phần các liền chị quan họ, trung niên mặc yếm cổ xẻ, thanh nữ mặc yếm cổ viền. Phụ nữ lao động thường mặc yếm vải thô màu nâu, đen, gỗ mun. Con gái nhà giàu, phu nhân tiểu thư mặc yếm vóc, yếm nhiễu hay dùng lụa mỏng nhuộm màu đỏ (xưa gọi là yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển)…, nhiều màu nhưng vẫn giữ nét trang nhả. Người lớn tuồi mặc yếm màu xẩm kín đáo. Nghe nói bắt đầu là các nghệ nhân thợ may người Trạch Xá - Vân Đình (Hà Tây) cải tiến vào khoảng 1935. Yếm thường may bằng lụa trắng hay giữ màu ngà của sợi tơ cho các cô trẻ, nhưng cũng có khi nhuộm màu đỏ thắm cho các cô dỏm dáng đến nổi có câu ca dao thất lễ
Một cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
2011

Yếm cỗ xe còn được gọi yếm cổ nhạn nếu hình nhọn sẻ sâu xuống. Loại yếm nầy may với vải lụa màu sắc sặc sỡ thì các cô gái thật tân tiến mới dám dùng, mô tả trong câu ca dao ởm ờ ám chỉ Thị Mầu lên chùa

Gió xuân tốc dải yếm đào
Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương.
Những cô gái Thăng Long ngày xưa đến mùa lễ hội thường đi mua yếm, những cô khéo tay thì ra chợ chọn tơ tằm về tự may lẩy. Những cô gái ngoại thành quanh năm cần mẫn trồng dâu nuôi tằm, nay có dịp trưng bày những sản phầm tuyệt hảo của mình, hân hoan chào mời những phụ nữ thành thị ướm thử. Ngày xưa Thăng Long - Kẻ Chợ có cả một ngôi chợ Ðồng Lạc bán yếm lụa bên cạnh một phường nghề dệt nhuộm truyền thống phục vụ nhu cầu ăn mặc, ngày nay còn lại tầm biển khắc chữ ‘‘Đồng Lạc quyến yếm thị’’. Sau yếm còn phải lo dải yếm to buông ngoài lưng áo và dải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Bao của các cô gái quan họ xưa thường sử dụng chất liệu sồi se, màu đen, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, có thể đựng túi tiền mỏng ở trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt múi to để che phía trước bụng. Thắt lưng thường là loại bao nhỏ bằng chừng một phần ba bao, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo. Tương tự yếm, thắt lưng cũng làm bằng lụa nhuộm các màu tươi sáng như màu hoa lựu, màu hoa đào, màu hoa hiên tươi, màu hồ thủy. Thắt lưng cũng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao, múi dải yếm tạo nên những múi hoa màu sắc phía trước.
Hỡi cô thắt bao lưng xanh
Có về kẻ Bưởi với anh thì về
2012

Nhìn lại quá khứ, dải yếm tuy nhỏ nhưng sâu kín, mật thiết, đã trải qua biết bao biến đổi. Vào thời kỳ Hồng Bàng, có lẽ các cô các bà chỉ mặc một cải yếm đơn sơ trên một cái váy trong lúc các ông còn mang khố.

Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh
Qua thời kỳ "tiền Thăng Long" yếm chắc cũng còn đơn giản theo khiếu thẩm mỹ hồi đó, hình tròn khoét sát cổ, màu sắc giới hạn trong số các chất nhuộm nguồn gốc tự nhiên. Đến thời kỳ Đại Việt, tình hình chính trị, xã hội, kinh tế ổn dịnh, Thăng Long trở thành kinh đô, cuộc bang giao với nước ngoài phát triển, thị trường vải vóc, hàng dệt ngày càng phong phú. Xã hội đồng thời phân biệt đẳng cấp, trên có vua quan, dưới có sĩ nông công thương, có người giàu, có kẻ nghèo,...Yếm từ đấy cùng biến chuyển ra nhiểu loại tùy theo chất liệu, màu sắc, họa tiết. Màu vàng vẫn bị cấm, dành cho hoàng triều và áo khoác tượng Phật, màu đỏ tức đại hồng dành cho con cái quan lại, màu hoa đào dành cho ca kỹ, người đứng đắn mặc vào bị xem là lẳng lơ. Người phụ nữ còn biết làm duyên làm điệu, chẳng hạn mặc yếm 5 khuy thì chỉ cài 4 : để hở khuy là để khoe yếm cổ xây, khoa trương cổ trắng nỏn nà. Có khi cắt hẹp yếm để hở hai bên sườn thì lại càng hấp dẫn. Thời trang chỉ thật sự bùng nổ khi nước ta bắt đầu tiếp xúc Tây phương. Đồng thời với các bà cạo răng trắng, các ông cắt búi tóc, các cô thay đổi kiểu mẫu, màu sắc dải yếm. Dựa theo nịt vú (xu chiêng) Âu Mỹ, dây không quàng vào cổ nữa mà chỉ buộc sau lưng. Nhưng nếu dải yếm ép nẹp vú để dễ làm việc, nịt vú phô trương cặp vú nở nang mà vẫn không tạo khó khăn cho vận động, từ đó khó bể so sánh. Tuy nhiên có phần hơn là các cô có thể chỉ mặc yếm khi trời nóng, mặc thế áo cánh đi ra ngoài, còn xu chiêng chỉ để dùng trong nhà không có ai lạ. Dù sao, trong một thòi gian khá lâu, dải yếm đã là một chủ đề quen thuộc, đầm ấm, tạo ra tính lãng mạn trong văn chương thơ ca và ngày nay cách tân trong hình ảnh mỹ thuật
Hỡi cô mặc áo yếm hồng
Ði trong đám hội có chồng hay chưa?...
Cô kia yếm trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh.
Bao giờ cà chín cà xanh
Anh cho một quả để dành mớm con.
2013
Phụ nữ thường để tóc dài, khi làm việc phải quấn lại cho gọn gàng. Những người đứng tuồi quấn thành búi tóc, những cô trè tuổi ngoài Bắc quấn trọn mái tóc trong một miếng vải đen cuộn thành ống, bằng nhiễu hay nhung gọi là khăn vấn.
Cái vành khăn em vấn đã tròn
Câu cười, tiếng nói đã giòn, em lại ngoan
Tóc quấn vào khăn vấn vài vòng thì rất chắc, khó tuột, chỉ chừa ra chừng một gang tay, hay khúc tóc độn nếu mái tóc không đủ dài, gọi là đuôi gà đong đưa theo bước chân của cô gái.
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Phủ ngoài khăn vấn là một khăn khác chít lại thành khăn vấn ngang, hai đầu cũng buộc ra sau gáy, gọi là khăn đồng tiền mùa nóng, khăn mỏ quạ mùa lạnh.
Thương ai mặc áo nâu sồng
Chít khăn mỏ quạ lạnh lùng sớm trưa
Khăn mỏ quạ là một kiểu trang sức tế tựa nhị, phải chít làm sao cho hợp với gương mặt cô gái. Khăn phải bao gọn khuôn mặt nhằm mục đich làm nổi bật khuôn mặt trắng hồng trên nền đen chiếc khăn tựa búp sen trên mặt nước hồ.
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
Kỹ thuật chít khăn không phức tạp lắm nhưng phải chải chuốt : khăn vuông gấp chéo thành hình tam giác, đặt lên vòng khăn vấn, bẻ hình mỏ quạ chính giữa đường rẽ ngôi tóc, bắt hai góc khăn về phía hai tai rồi thắt múi lại. Khăn đặt ngay ngắn trên đầu nhưng hơi xệ thành hình bầu dục về phía gáy và ghim lại. Một cô gái muốn thành người đẹp phải biết chít khăn vì là thời trang cả một thời, có thể quan trọng hơn cả các đồ nữ trang : khăn mỏ quạ, theo tục thờ chim, là một công trình cá nhân nói lên bản ngã của mình. Chiếc khăn mỏ quạ chính là chiếc mũ hình đầu chim, được làm bằng mỏ chim thật hay bằng vải, tre nứa, hiện còn thấy trên những hình người và tượng người của văn hóa Đông Sơn cũng như của các nền văn hóa gốc Đông Sơn khác
Nhìn em khăn vuông mỏ quạ
Ðể anh trong dạ tơ vương
2014
Hai bộ phận quan trọng nhất trong di sản văn hoá y phục quan họ Kinh Bắc là áo tứ thân và nón quai thao (còn gọi nón ba tầm, nón dẹt, nón thúng, nón chủng, nón Nghệ ,..) (**). Nếu chiếc áo tứ thân nửa kín nửa hở làm xao xuyến đấng nam nhi, nón quai thao sang, đẹp được xem như mang nặng câu hát trữ tình.
Ai làm chiếc nón quai thao,
Để anh thương nhớ ra vào không nguôi.
Không biết ra đời lúc nào, ai là người sáng tạo, nón giống như một bánh xe lớn cở 70-80cm, lợp lá gồi hoặc lá cọ. Lá nầy cần phải chọn lựa kỹ càng: lá mỏng, sống nhỏ, không già vì màu vàng đậm, không đẹp, chỉ dùng đề làm nón làm việc. Quanh nón là thành nón cao khoảng 10-12cm. Thành nón giúp che khuôn mặt người đội tuy vẫn giữ thoáng, mát. Giữa nón là khua nón, một vành tròn cao khoảng 8cm, ráp đúng vào đầu để đội cho chắc. Tuy nhỏ, khua nón đòi hỏi nhiều công phu để làm. Phải chuốt bóng sợi tre nhỏ trước khi lấy chỉ móc trắng và săn như giây cước may kỹ lại với nhau. Khua cần phải cứng để chịu đựng được nón nặng. Mặt trong nón được lợp giấy vàng hay bạc, ghép lại thành hình hoa lá, chim bướm, trang hoàng chiếc nón, gọi là hoa nón. Thường ba loại nón được phân biệt: vành rộng, sườn cao hơn hết là nón ba tầm, còn gọi nón Mười là nón lớn hơn nón Nhỡ hay nón Ngang và còn lớn hơn nữa nón Đấu. Mặc dù làng Chuồng (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Hà Nội hiện nay) có tiếng làm nón, khua nón khó làm nên vẫn có làng chuyên làm khua :
Nón này chính ở làng Chuồng.
Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khua
Hà Nội thì kết quai tua
Có hai con bướm đậu vừa chung quanh.
2015

Trong nón quai thao, nếu chiếc nón là quan trọng, quai thao cũng không kém phần cần thiết vì về mặt vật chất nó giữ thăng bằng, vững chắc, bên phía thẩm mỹ nó làm tăng nét duyên dáng, dịu dàng.

Chưa chồng nón thúng quai thao,
Chồng rồi, nón rách, quai nào thì quai.
Ðể quai thao có vẻ mềm mại, người làm đi mua những sợi tơ sần có cục gọi là mốt cục đem về nhuộm màu hay để nguyên : các cô gái thích dùng quai màu trắng ngà là màu gốc tơ tằm, các bà già cũng như những phụ nữ có gia đình thường dùng màu đen. Bện hai hay ba sợi dài 1,5-2m lại với nhau thì thành quai kép, giống như tim đèn, ngoài bọc tơ dệt, thả lỏng đến thắt lưng Nhiều đoạn quai được thắt lại, tết nút vừa làm chắc quai vừa đẹp mắt Có khi hai trái cù (quả găng), to bằng ngón tay cái, được đan thắt công phu ở hai đầu quai thao. Quai rủ xuống bờ vai thành tua dài từ 20 - 25 cm và có chừng chục túm tua nho nhỏ, trông rất ngoạn mục. Khi đội nón, các bà các cô phải đi từ từ, tạo nên vẻ chậm rãi, dịu dàng, lấy tay giữ quai truớc ngực để tránh nón đong đưa, đồng thời giữ vững nón nhất là khi có gió hay khi nghiêng nón che nắng. Thời trước, khi nón quai thao đang còn giữ vị trí quan trọng trong trang phục lễ hội, ở Hà Nội, những "cô ả" mười lăm mười sáu, cái tuổi bắt đầu làm duyên, thường đi mua quai thao ở chợ phiên hàng tơ Trìều Khúc, nôm na gọi làng Đơ Thao để phân biệt với các làng Đơ Ðông, Ðơ Bùi chuyên làm ruộng. Cũng còn được giải thích vì làng Triều Khúc, tổng Thanh Oai (nay là huyện Thanh Oai, Hà Nội) ở trên đường Hà Nội - Hà Đông, mà tên cũ của Hà Đông là Cầu Đơ nên có câu "Nón Chuồng, khua lụa, quai thao làng Đơ"
Làng tôi công nghệ đâu bằng
Là làng Triều Khúc ở gần Thanh Xuân
Quai thao dệt khéo vô ngần
Là nghề của Vũ sứ thần truyền cho.
2016
Áo tứ thân, dải yếm đào, dây lưng đũi, nón quai thao, khăn mỏ quạ,…đã đi sâu vào tâm hồn biết bao thế hệ nam nhi. Hình ảnh các cô gái mộc mạc, giản dị, cũng như phong lưu, thanh lịch hồn nhiên nhập mình vào thi ca, hội họa. Một nhà thơ lãng mạn như Nguyễn Bính, từng là tác giả nhiều bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc, không thể dửng dưng trước những cô gái kín đáo mà duyên dáng, đã để lại hậu thế những câu thơ đằm thắm, thiết tha, đậm đà tâm hồn dân tộc, hấp thụ tinh hoa ca dao như trong bài Chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?


tranh Lâm Lê

tranh Thái Tuấn

(*) ảnh chụp các đoàn nghệ thuật qua biểu diễn ở Unesco Paris : Tết 2009, Tết 2011, Tết 2012, Tết 2013, Tết 2014, Tết 2015, Tết 2016, Ðêm Hà Nội Xưa và Nay 2015

(**) Võ Quang Yến, Chiếc nón quai thao Kinh Bắc, Chim Việt Cành Nam (chimviet.free.fr) 58, 18.02.2015
 
 
 

Thành Xô
Mừng Tết Kỷ Hợi 2019

Ðọc thêm

- Ðặng Tiến, Dải yếm trong thơ, luanhoan.net 12.2006

- Lữ Thị Mai, Yếm đào : Cốt cách người phụ nữ xưa, Bản tin Ðại học Quốc gia Hà Nội số 2236 (2010)

- Hồ Sĩ Anh, Ðộc đáo nghề nón làng Chuông, thanglong.chinhphu.vn 21.09.2012

- Ðào Ðức Nhuận, Phất phơ hai dải yếm đào, hatocquangnam.vnblogspot.com 24252/355728

- Hữu Giới, Chiếc nón quai thao, mevietnam.org


[ trang trước ]  /    [ trang sau