30 năm trước 
Một đám cưới cổ truyền Huế
trên sân khấu Paris
ký ức một thời Hội Người Yêu Huế

 
Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau
Ca dao

Đầu thập niên 80, Hội Người Yêu Huế ra đời ở thủ đô Paris, tên gọi ban đầu hơi khó nghe nhưng không biết dịch những chữ Les Amis de Hué làm sao cho ổn. Điều lệ và nội dung của Hội rất dễ dàng được đặt ra :

- bảo dưỡng và tăng cường tình bạn giữa những người yêu Huế ;

- góp phần vào cuộc mở mang du lịch và văn hóa ở Huế trong tinh thần lời kêu gọi của ông Giám đốc UNESCO ngày 25.11.1981 mong muốn Huế bảo tồn một môi trường đô thị biết bao tràn đầy lịch sử trong một dấu ấn hài hòa sâu đậm và bảo vệ sự phong phú sinh động một linh hồn tập thể, đem lại hạnh phúc cho người ở Huế cũng như đem lại thú vị cho người đến viếng. Từ đấy, những mục tiêu đã được nêu ra :

- động viên tất cả bạn bè yêu Huế, không phân biệt Nam Bắc Trung, không phân biệt chính kiến, để góp phần làm cho Huế trở thành một trung tâm văn hóa và du lịch của cả nước và của Á châu ;

- chứng tỏ người Việt Nam ở xa vẫn khắng khít với quê hương và do đó phá vỡ sự phân biệt giữa người Việt ở trong và ngoài nước : Huế là một bằng chứng cụ thể cho tinh thần đó.


Tất cả bạn bè đều đồng ý trên hai hoạt động chính : xã hội và văn hóa. Giúp người Huế nghèo gấp rút là xây nhà trẻ, xây trường, giúp con mồ côi, cấp học bổng,.. hội viên có khả năng làm. Việc lớn hơn cho thành phố như mở mang du lịch, kỹ nghệ thì có phần khó, còn phải suy tính, bàn cải. Trái lại, giới thiệu Huế cho bạn Pháp thì chuyện nằm trong tầm tay. Về trình diễn nghệ thuật văn hóa Huế, để bắt đầu, Hội tổ một đêm văn nghệ và phim ảnh (24.03.1984), hai đêm (30.11.1985 và 20.06.1987) Thanh Hải hát Trịnh Công Sơn tại Nhà Sinh viên Đông Nam Á ở Cư xá Đại học Paris. Giữa hai đêm nầy, một Đêm Hè Huế được dựng lên tối hôm 28.06.1986 (cách đây 30 năm rồi !) tại phòng khánh tiết toà thị sảnh Paris quận XIX. Tiết mục chính của dạ hội là một đám cưới cổ truyền Huế. Lẽ tất nhiên chúng tôi chỉ có thể trình bày đoạn cuối cùng là thân nghinh hay lễ cưới trong số sáu lễ nghi theo tục lệ : nạp thái xem như là nhà trai đến xem mặt cô dâu tương lai ; vấn danh để biết tuổi tác, thân thế, giáo dục cô gái ; nạp cát tức là nhà trai đồng ý hỏi cô gái ; thỉnh kỳ để bàn bạc ngày lễ ; nạp tế là ngày nhà trai đưa sính lễ lại chính thức xin cưới ; sau cùng thân nghinh là lễ đón dâu về nhà trai. Thật ra, ngày nay đám cưới thu gọn lại còn ba nghi lễ : chạm ngõ hay lễ dạm là ngày hai nhà trai nhà gái thỏa thuận với nhau quanh khay trẩu mâm rượu nên còn gọi là lễ bỏ trầu ; đính hôn hay lễ hỏi là ngày hai gia đình cùng bạn bè thân hữu gặp nhau, đôi trai trẻ trao nhau nhẫn cưới sau khi chú rễ tương lai làm lễ cáo gia tiên bên nhà gái với lễ vật như trầu rượu, bánh trái, đồ trang sức,..và kết thúc bằng một bửa tiệc nhỏ ; lễ cưới được định vào ngày lành tháng tốt, sính lễ nhà trai đem đến nhà gái gồm có mâm cau trầu, rượu chè, bánh trái, đặc biệt bánh phu thê-vợ chồng (gọi chệch là suxê, đóng khuôn trong những chiếc hộp lá dừa xinh xắn, trang nhã)tiền bạc, quan trọng là cặp đèn sáp lớn thắp trên bàn thờ hôn lễ, nhà gái cũng tặng quà tiền bạc, đồ trang sức cho cô dâu, dâu rễ lạy bàn thờ, cha mẹ, xong nhà gái mời nhà trai tham dự tiệc Vu Quy trước khi đưa dâu về nhà trai.

Theo tục lệ, lễ cưới trên nguyên tắc được tiến hành thành ba giai đoạn ngày nay đang mất dần : lễ tơ hồng, lễ giao duyên-hợp cẩn (động phòng), lễ lại mặt. Lễ tơ hồng dựa lên tích xưa tin việc vợ chồng là có ông Nguyệt Lão xe duyên, cho nên phải tạ ơn ông ấy, và cầu ông ấy phù hộ cho ăn ở được trăm năm với nhau. Lễ diễn ở nhà gái, trước bàn giá thú (giá là gã chồng, thú là cưới vợ) bày ở giữa sân. Vị chủ hôn nhà trai cùng một người phù rể bưng khay nhỏ đựng một hộp trầu, một một chai rượu trắng nhỏ và hai cái ly vào nhà gái nạp lễ, dùng dao bửa trái cau làm hai, lấy một lá trầu quệt vôi rồi dâng dĩa lên bàn thờ, đứng vào chiếu lạy, đôi khi có đọc văn tế. Lần lượt tứ thân phụ mẫu rổi đôi trai trẻ vái lạy gia tiên trước khi rước dâu về nhà trai. Lễ giao duyên-hợp cẩn ở nhà trai vào giờ nhập trách. Cô dâu chủ rễ bái lạy trước bàn thờ gia tiên, nhận quà, nghe những lời chúc tụng hạnh phúc, nhiều con của hai gia đình trước khi tham dự bửa tiệc Tân Hôn.Sau đó, vợ ông chủ hôn đưa cặp vợ chồng mới cưới vào phòng hoa chúc, chú rể đi trước thắp hai cây đèn sáp, cô dâu đi sau bưng quả hộp đụng kim, chỉ ngủ sắc và muối gừng, phủ khăn đỏ từ đó có câu hát Tay bưng dĩa muối chấm gừng, Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau. Chủ rể không để cô dâu dậm chân lên bóng để sau nẩy khỏi bị ăn hiếp ! Theo lệ xưa bà mẹ cô đâu không đi theo tiễn đưa con về nhà chổng nên cuối ngày tiệc cưới xong, có khi nhiều ngày sau, vợ chồng tân lang cùng đại diện sui gia nhà trai trở lại nhà gái đem theo cau trầu rượu, một vài dĩa xôi, thịt, nem, chả, bánh trái... trình lên bà mẹ, gọi là lại mặt. Sau khi thưa trình, hai bên có thể cùng ngồi ăn trầu, uống chút rượu vui vẻ. Chuyện làm dâu có nhiều trắc ẩn, tình duyên lắm khi không mặn mà vì do cha mẹ sắp đặt theo môn đăng hậu đối hay vì hiếu thảo cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, cho nên cô gái ở nhà chồng lắm khi Chiều chiều ra đứng vườn sau, Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.


Mọi người đều phấn khởi vì ngoài mục đích giới thiệu với các bạn Pháp một tục lệ huy hoàng của quê hương, một nét văn hóa phi vật thể quý giá của Phú Xuân-Huế, đây là một dịp để cùng nhau công tác. Thế là mặc sức bàn cải để thành lập một chương trình hấp dẫn. Nhà một anh chị trong ban chấp hành có vườn rộng tha hồ tập dược nhất là phần lớn diễn viên thuộc thành phần con cháu. Mặc dù có nhiểu cô, bà đã mang từ Huế qua những bộ áo quần xưa, cũng cần phải sao lục để ăn mặc cho đúng cách và nhất là nới rộng vì cơ thể coe phần nở nang hơn.. Các chị quen làm việc ở thư viện tìm kiếm những chi tiết của áo mệnh phụ được xem là cái đinh của buổi biểu diễn. Đây là chiếc áo tiêu biểu của thời Nguyễn dành cho các công chúa, quận chúa trong triều hay được nhà vua ban cho phu nhân các quan được truy nhận là đức hạnh. Kiểu áo rộng tay dài là dấu hiệu của sự quý phái, của nhà quý tộc. Áo hai lớp, hai bên xẻ từ hông, gồm hai vạt bốn thân, vạt trước xẻ giữa, vạt sau nối sống. Cổ áo nhật bình viền lụa satin trắng thêu nổi hoa văn loan phụng, lai áo viền lụa satin đỏ thêu hoa văn tinh xảo, đầu hai tay áo rộng viền lụa satin ngũ sắc đỏ, vàng, vàng gạch, xanh dương, xanh lục. Áo mênh phụ công nương cũng hai lớp, màu sắc rực rỡ nhưng tiết chế hài hòa, trang nhã, không phô trương lòe loẹt trên nền vải lưới màu đà kết hợp với đường viền màu vàng nhạt cùng với họa tiết làm tôn lên vẻ sang trọng. Những họa tiết lối phong thủy bát bửu gồm tám món bửu bối, thêu bằng chỉ ngũ sắc trên toàn thân vải, tạo nên một phẩm vật sang quý độc nhất vô nhị và là một cổ vật hiếm quý còn được giữ lại. Bát bửu tượng trưng cho sự may mắn, kết hợp với phụng bay mềm mại, uyển chuyển, biểu hiện của hạnh phúc gia đình.


Trước hôm biểu diễn, tất cả các hội viên đều điều động con cháu đông đúc, hoặc dọn dẹp trong phòng, chuẩn bị thức ăn, hoặc đón chào khách khứa hay làm diễn viên trên sân khấu. Cái may là các anh chị đã có sẵn áo quần thời xưa, khỏi phải may, chỉ phải nới rộng ít nhiều. Thành thử hơn 200 người đến dự được mục kích, ngoài những bản đàn, bài hát, một đám cưới cổ truyền Huế với cô dâu mặc áo mệnh phụ, chú rể bận áo thụng xanh, ông gia bài ngà khăn đóng, bà gia áo gấm thêu hoa, đám rước có đủ cau trầu, heo quay, quạt lọng, phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ rước đèn đi trước. Ðoàn cúng vái trước bàn thờ, tiên chỉ dẫn đầu. Trong vai nầy, một anh bạn lớn tuổi (nay đã về nơi chín suối) rất oai nghi bệ vệ với bộ râu bạc dài. Trịnh trọng nhất là cụ bà thân mẫu một chị trong Hội, tóc bạc chít khăn vàng, cổ đeo chuỗi ngọc, khoan thai với chiếc áo dài màu lục thêu hoa đã mặc thời xưa, nhỏ nhẹ thủ thỉ đặc giọng Huế : tôi không khi nào lên sân khấu, nhưng lần nầy thì chỉ vì Hội Người Yêu Huế ! Ôi, cảm động quá...Cần chăng nên thêm là các diễn viên, vai chính hay vai phụ, nhất là các cô, các cháu trẻ đẹp, đặc biệt các cô giới thiệu chương trình hoạt bát, trình bày lưu loát.Trước màn đám cưới, các em trình diễn vài vở kịch ngắn đươc nhiệt liệt hoan hô. Hội trưởng không quên có vài lời giải thích Hội, trình bày dạ hội và cảm ơn quan khách. Tiền vé bán thu nhập khá nhiều, thêm vào những món tiền biếu tặng khá lớn của những nhà hảo tâm. Chúng tôi may mắn có chị thủ quỷ tinh thông lo liệu mọi tiền bạc, chịu trách nhiệm ngay cả chữ ký các giấy tờ thu tiêu, chủ tịch, thư ký khỏi phải bận tâm mệt óc. Sau nầy, các họa sĩ Bửu Chỉ (1987), Hoàng Đăng Nhuận (1990), rồi chính ngay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1989) có dịp qua Pháp. Nếu chúng tôi lo chuyện triễn lãm cho các họa sĩ, Hội chỉ góp sức với Nhà Việt Nam trong những buổi biểu diễn của nhạc sĩ. Ngoài dịch vụ ở Huế, nhiệm vụ văn hóa của Hội tại Paris mạnh mẽ diễn tiến được tám năm, thời gian nhiệm kỳ của ban chấp hành đầu tiên. Huế cần được yêu và chừng nào còn người yêu Huế thì Huế luôn mãi được yêu




 
 
 
 
 
 
 
 
Thành Xô mùa xuân 2016
(*) Ảnh chụp năm 1986

Đọc thêm

- thaonguyen, Lễ vật ăn hỏi trong đám cưới của người miền Trung, Ngôi sao (ngoisao.net) 16.06.2013

- Ðinh Khắc Thiện, Tục lệ cưới hỏi của người Huế, Họ Ðinh Việt Nam (hodinhvietnam.com)24.06.2014

- Ngân Hà, Áo dài cung đình xưavietnam (vnanet) 13.02.2015

- Thái Kim Lan, Bộ sưu tập áo dài xưa, Diễn Ðàn Forum (diendan.org) 12.04.2016

- Dạ Minh, Trưng bày áo dài cung đình Huế (khamphahue.com.vn) 12.05.2016

- Thanh Hương, Phong tục cưới của người Huế, Cẩm nang Cưới hỏi (camnangcuoihoi.com)


[ trang trước ]  /    [ trang sau]