17. Mùa xuân thi ca ở Đại học Paris VII
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Độc tiếu thanh ký – Nguyễn Du
Chiều hôm thứ ba 27.03, ban Việt học Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông (UFR LCAO ) trường Đại học Diderot (Paris VII) tổ chức đón xuân trong một bầu không khí thơ văn sôi động và thú vị trên đề tài Printemps des poètes 2015 – Nguyễn Du et son chef d’œuvre, L’histoire de Kiều (1766-1820). Chương trình khá phong phú gồm có ba mục:

- Nghệ sĩ Isabelle Genlis trình bày truyện Kiều qua một bản cải biên tiếng Pháp Kim Van Kieu ou le jeu des dieux trên nền nhạc đệm đàn tranh của nhạc sĩ Phương Oanh.

- Cô Nguyễn Thị Hiệp trình bày phim phóng sự Lịch sử truyện Kiều ở quê hương Nguyễn Du do Bộ Văn Hóa Việt Nam phát hành.

- Các sinh viên trình diễn ba màn kịch Đánh ghen, Đền ân báo oánTái hợp trích từ tác phẩm Kiều do các giáo viên Lê Thị Xuyến, Emmanuelle Paquet và các em sinh viên Cao Siêu Linh, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Lysel Tú Kim ban Việt học biên soạn.

Chương trình kết thúc với một "Pot amical", thật ra là một buổi tiệc thân mật, một bữa ăn nguội đậm đà mùi vị quê hương, do chính các sinh viên nấu và dọn.

Đây là lần đầu tiên truyện thơ Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du được biên soạn thành truyện kể bằng tiếng Pháp. Được biết cô Isabelle Genlis đã đọc hầu hết các bản dịch Kiều trước khi đúc kết lại thành bài viết nhan đề Kim Vân Kiều hay bản kịch của các thiên thần. Nghệ sĩ rất thấu hiểu lời nói và làn điệu thân thiết quyện nhau trong một áng văn có khả năng góp sức xây dựng nền móng cho di sản phi vật thể truyền khẩu không chỉ là của Việt Nam, mà còn là của nhân loại. Di sản nầy là nhân tố kết hợp, trao đổi, thông cảm giữa con người với con người, là cầu nối giữa các dân tộc. Thế hệ trẻ cần phải ý thức vai trò quan trọng của di sản văn hóa đó và tìm mọi cách củng cố, bảo tồn. Sau hai năm kỷ niệm giao lưu văn hóa Pháp Việt 2013 và Việt Pháp 2014, UNESCO công bố 2015 là năm biểu dương Nguyễn Du, Đại thi hào quốc gia tác giả Kim Vân Kiều, nhân dịp 250 kỷ niệm năm sinh của ông. Trước đó, UNESCO đã công nhận truyện Kim Vân Kiểu là di sản văn hóa phi vật thể từ năm 1965, cùng lúc tác giả được tôn vinh Đại thi hào Việt Nam ở trong nước. Isabelle Genlis ở trong số nghệ sĩ có ý định nhân dịp nầy cho vang vọng ra khỏi biên thùy Việt Nam, đặc biệt vào thế giới văn thơ Pháp, những âm thanh, màu sắc, đường nét phong phú, khi dạt dào yêu thương, khi bừng bừng căm giận, tạo lên một sức sống mảnh liệt trong thơ Nguyễn Du. Cô kể chuyện nàng Kiều là trưởng nữ một gia đình nhà Nho, theo luật luân hồi nhân quả, vào đời nầy phải trả nợ tiền duyên : nàng lỡ hẹn với tình nhân, đi lấy chồng trong tinh thần bảo vệ danh dự gia đình, bị phụ bạc rồi rơi vào lầu xanh, sống một đoạn đời bất hạnh, khốn khổ. Nhưng Thượng đế chăm nom, tháo gỡ, luôn nâng đỡ tâm hồn người phụ nữ trầy trụa nhưng không chết xác, biểu trưng một phần nào lòng can đảm, tự do, hoạt lực của người đàn bà. Thử thách là xương tủy của sức mạnh, cuộc sống là bãi chiến trường, những trận đánh dữ dội gây ra thờ ơ và cuối cùng đưa đến hạnh phúc bấp bênh trong giờ phút hiện tại. Để kết thúc, nàng được Trời Phật phù hộ cho được dịp đền ân báo oán và đoàn tụ với gia đình (Tình nhân lại gặp tình nhân, Hoa xưa bướm cũ mười phân chung tình)...

Xin mời các bạn thưởng thức hương vị và phong cách một đoạn văn.

Son allure gracieuse arrachait les larmes du saule, les cordes du Hô Cam s’exaltaient sous ses doigts habiles, sa beauté de légende provoquait le regard des dieux.
Elle s’émerveillait de sa beauté, sa distinction. Il découvrait ses charmes, s’enchantait de son élégance, en un instant leurs cœurs s’étaient reconnus et aimés. "
Le maître des cieux veille aux destins des filles douées comme vous l’êtes. Votre nom figure parmi les nôtres : filles aux entrailles déchirées. Vous ne pourrez pas vous échapper si vous ne payez vos dons aux dieux. Votre barque file sans la pagaie. L’esprit disparaitrait et laisserait Kieu dans la nuit... 

Thuộc lòng từng câu, từng chữ, cô diễn viên tuần tự kể chuyện, không vấp váp, không ấm ứ, lưu loát từ đầu đến cuối. Để đạt đến mức độ nẩy cô Isabelle Genlis đã phải dày công tập luyện và tích cóp kinh nghiệm. Được đào tạo ở trường Đại học Sân khấu Saint-Germain-en-Laye, cô từng được trao tặng giải thưởng diễn tấu trước khi diễn xuất trong nhiều nhóm kịch. Cô đã gặp nhà đạo diễn Alain Knapp trước khi thành lập đoàn của mình mang tên Corps et Âmes (Xác thịt và Linh hồn). Cô cũng là thành viên sáng lập đoàn Théâtre Odyssées (Đoàn hát Du ký) thường hợp tác với một nhóm nhạc Hàn Quốc. Sotigui Kouyaté, một nhạc sĩ hát rong Tây Phi griot khai tâm cô về tầm mức quan trọng của truyền khẩu trong công tác truyền đạt và về nghệ thuật kể chuyện. Từ đây cô lưu tâm đến Việt Nam, nơi đã cống hiến nhựa sống một phần gia đình cô. Cô học thêm với những nhà ngôn ngữ học, sưu tầm những truyện cổ tích trong số bạn bè thân thiết, rồi từ đó sáng tác những câu chuyện mang tính chất truyền thống. Cô kể chuyện ở các viện Bảo tàng Quai Branly, Cernuschi, ở các cuộc liên hoan, nhà văn hóa, trường học, nhà tù. Tôi may mắn được nghe cô kể chuyện bánh chưng bánh dầy vào đêm giao thừa Tết Ất Mùi ở Phật đường Khuông Việt tại Orsay. Trong khuôn khổ xưởng Fahrenheit Trung tâm Văn học Truyền khẩu CLIO, cô cùng với giám đốc Bruno de la Salle soạn truyện kể Kim Vân Kiều. Cái khó là trình bày bằng tiếng Pháp một truyện rất Á Đông, trong tinh thần triết lý Phật Khổng, qua tâm hồn một phụ nữ xa xưa, trước những khán giả ít hay không biết gì về văn minh Á Đông, về văn hóa và văn thơ Việt Nam, những thính giả ít hay không nhạy cảm với loại kể chuyện đặc biệt nầy. Có một điều may mắn là cô Isabelle Genlis, một nghệ sĩ duyên dáng, thành thạo, qua lối phát âm thuần thục, với nghệ thuật diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, đã thành công đưa khán giả vào thế giới Truyện Kiều, tuy uyên bác mà bình dân, tuy có vẻ xa xôi nhưng thật ra rất gần gũi. Nỗi đau thương được miêu tả một cách văn hoa, bóng bẩy, người nghe nhạy cảm có thể không tránh được cảm xúc đau lòng. Và họ cảm thông với nhân vật tuy sống trong quá khứ, khá xa về cả không gian lẫn thời gian, nay qua thôi miên của giọng kể được tái hiện một cách linh hoạt, sống động.


Truyện Kiểu qua Isabelle Genlis kể bằng tiếng Pháp đi sâu vào tâm hồn Việt Nam một phần cũng nhờ nhạc đệm đàn tranh thanh thoát của Phương Oanh. Tôi hân hạnh quen biết cô từ lâu và đã có dịp giới thiệu người nghệ sĩ tài hoa nầy nhân kỷ niệm 40 năm đoàn Phượng ca của cô (*). Sinh ra ở Đà Lạt, tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn năm 1962, cô thành lập trường dạy nhạc Phượng ca Dân ca Quốc nhạc tại Sài Gòn năm 1969. Bắt đầu từ 1976, cô tiếp tục hoạt động ở Âu châu, mở trường, lập hội trong 8 nước, thành công trong việc phổ biến rộng rãi âm nhạc truyền thống Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đoàn Phượng Ca trở thành một tổ chức phi chính phủ : cô luôn theo tôn chỉ bảo tồn, phát triển và chuyển giao sự hiểu biết của mình về âm nhạc truyền thống dân gian Việt Nam đến mọi tầng lớp trong xã hội. Theo cô, nhân âm nhạc giúp con người sáng tạo và phát triển nhân cách con người nên, trong các loại âm nhạc, cô chọn âm nhạc truyền thống vì cô mong muốn giới trẻ Việt Nam biết rõ nguồn cội, văn hóa ông cha, từ đó mạnh bề lưu truyền quanh mình.Định cư ở Tây phương với gia đình, làm giáo sư đàn tranh có bằng tốt nghiệp ở hai Nhạc viện Antony và Sevran, cô tự tạo thêm một trọng trách nhắc nhủ nền nhạc dân tộc cho những kiều bào sống tha hương, một công việc xem như đơn giản, thật ra đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và hy sinh. Cô xem tổ quốc ngày nay không còn chỉ giới hạn trong mảnh đất hình chữ S mà vượt qua mọi đại dương, lan ra khắp bốn phương. Được trao tặng Médaille d’Or (Huy chương Vàng) của viện Hàn lâm Văn hóa Á châu năm 1988, Médaille du Mérite (Huy chương Quốc công) thưởng công trạng về nhạc Nam Á năm 1994, ngày nay nghỉ dạy, cùng với nhạc sĩ Hồ Thụy Trang, cô hết lòng dấn thân vào công tác truyền bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, đúng với nguyện vọng của cô Isabelle Genlis. Đầy tâm huyết, tiếng đàn tranh vừa cao vừa thanh của hai nghệ sĩ chắc không thua kém gì tiếng đàn tỳ bà réo rắt của Thúy Kiều qua thơ Nguyễn Du.

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoang như gió thoảng ngoài
Tiếng mau rầm rập như trời đổ mưa.

Mục thứ hai chương trình là cuốn phim phóng sự Lịch sử truyện Kiều ở quê hương Nguyễn Du do cô Nguyễn Thị Hiệp, Giảng viên ở Ban Việt học, chọn lọc và dịch ra tiếng Pháp. Làng Tiên Điền từ tên Vô Điền, U Điền thời Lê, qua các tên Tân Điền, Phú Điền, Trung Nghĩa, Tiên Uy, Xuân Tiên cho đến năm 1973 trở lại tên cũ Tiên Điền, là một làng khoa giáp nổi trội hơn hẳn, danh thần, hiền phụ đứng hàng đầu, cống hiến dưới hai triều đại Lê - Nguyễn sáu vị Đại khoa. Dân gian có câu: Ló (lúa) Hoa (Xuân) Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống... Hậu duệ tổ tiên nguồn gốc Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội) di cư vào Hà Tĩnh, Nguyễn Du sinh năm 1766, là con Nguyễn Nghiểm đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng), Thượng thư bộ Hộ triều Lê. Mồ côi cha năm lên mười, mồ côi mẹ năm 13 tuổi, ông về ở với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản. Năm 1780, Nguyễn Khản làm Trấn thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn, bãi chức, ông được người thân của cha đem về nuôi ở Sơn Nam Hạ. Năm 1783 thi Hương đậu Tam trường (Tú Tài), ông lấy vợ và được tập ấm chức Chánh thủ hiệu. Năm 1789, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, ông về ở Quỳnh côi (Thái Bình) quê vợ. Chống đối Tây Sơn, năm 1796, ông trốn vào Gia Định theo Nguyễn Ánh. Năm 1802, dưới thời Gia Long, ông được bổ nhiệm tri huyện Phù Dung (nay thuộc Hưng Yên) rồi tri phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Nội). Năm 1820, vua Minh Mạng cử ông làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang vua Gia Long vào lúc ông bị chết bệnh dịch, đúng vào năm 54 tuổi. Năm 1824, di cốt của ông được cải táng về quê làng Tiên Điền. Cụm di tích ngày nay bao gồm khu lưu niệm Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Huệ, mộ và đền thờ Nguyễn Nghiễm, nhà thờ Nguyễn Trọng và khu mộ Nguyễn Du. Cuốn phim đầy đủ chi tiết, giải thích khúc chiết, hơi tiếc là hình ảnh không được rõ ràng (phòng chiếu không đủ tối), màu sắc kém phần linh động chưa thể hiện được toàn vẹn sức sống của các tác phẩm Nguyễn Du.

Mục cuối cùng là một sáng tác của sinh viên ban Việt học, một công tác tập thể đầy nhiệt huyết, cố gắng, đáng khen. Các diễn viên nghiệp dư đã phải dày công tập luyện (**). Trước màn cuối, em sinh viên Lương Thị Thu Huyền bất ngờ trình bày tiết mục lảy Kiều rất lý thú. Về y phục, ai kiếm được áo gì thì mặc áo nấy, chuyện thường tình ở giới sinh viên, nên phần nào thiếu tính đồng nhất. Truyện Kiều được rút lại trong ba màn kịch : Thúy Kiều làm thị tì trong nhà Thúc Sinh - Hoạn Thư, Thúy Kiều được Từ Hải tạo cho điều kiện đền ân báo oán và Thúy Kiều gặp lại Kim Trọng. Là một trường dạy sinh ngữ thì ngoài phong tục, văn hóa, quan trọng nhất là ngôn ngữ. Đây là ban Việt học Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông thì việc cốt yếu là viết, đọc và nói tiếng Việt. Nói chung, các sinh viên, nhất là những em diễn viên chính, đều nói thạo, phát âm chuẩn. Bên cạnh Thúy Kiểu tài sắc vẹn toàn (Làn thu thủy nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh), Kim Trọng nghiêm trang, đứng đắn (Phong tư tài mạo tột vời, Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa), vai Từ Hải (nhân vật thỉ thật đúng Râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tấc rộng, thân mười thước cao) lưỡi đang còn vướng víu ít nhiều giọng mẹ đẻ. Tuy nhiên, chàng sinh viên nầy rất đáng khen vì anh chịu khó về Việt Nam thực tập và trong buổi tiệc giao lưu, theo yêu cầu, anh cho thưởng thức một bài dân ca quan họ nghe đâu về học hát tận Bắc Ninh. Theo kinh nghiệm, tôi biết nhiều sinh viên có cha mẹ người Việt thì nói thành thạo tiếng Việt ở nhà nhưng ít được học viết và đọc. Nhân đây cần phải hoan nghênh PGS.TS Lê Thị Xuyến, chủ nhiệm ban Việt học, người đã đưa chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ Hãy nói tiếng Việt vào ban Việt học từ năm 2012. Cô đã quan tâm nhiều đến vở kịch nầy vì là một trong những phương cách giản dị nhằm thực hành tiếng Việt một cách hữu hiệu. Vở kịch cũng là nơi trình bày thiết thực phong tục, luân lý, tín ngưỡng của một thời nước Việt Nam tuy truyện lấy gốc từ cuốn Đoạn trường tân thanh bên Tàu. Bên cạnh thuyết tài mệnh tương đố (tài và mệnh ghét nhau) được tác giả đem làm luận đề, trong truyện còn có những màn không tưởng Thúy Kiều thăm mộ Đạm Tiên (Trải bao thỏ lặn ác tà, Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm), Thúy Kiều bán mình chuộc cha (Phận sao phận bạc như vôi, Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng), Thúy Kiều được sư Giác Duyên vớt cứu (Khi nàng gieo ngọc trầm châu, Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về),...giải thích phần nào tựa đề truyện kể của Isabelle Genlis: Kim Van Kieu ou le jeu des dieux.

Cụ Nguyễn Du khi viết mấy câu chấm dứt khiêm tốn cuốn truyện chắc không thể dè 250 năm sau sách của cụ được vinh danh trong một trường đại học bên Pháp.

Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Thành Xô tiết Thanh Minh Ất Mùi 

(*) Hành trình 40 năm Phượng Ca, Chim Việt Cành Nam (chimviet.free.fr) 24.08.2009

(**) Các vai chính : Hoa Nô,Thúy Kiều, Trạc Tuyền (Quintie Huỳnh), Hoạn Thư (Sophie Phạm), Thúc Sinh (Johnny Trần), ni sư Giác Duyên (Oirda Amada ) và Từ Hải (Sylvain Pierré)

Phụ chú

Một tờ quảng cáo cho hay truyện Kim Van Kieu ou le jeu des dieux sẽ được tái diễn ngày thứ bảy 30.05.2015 tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam với nhạc sĩ Hồ Thụy Trang, tranh vẽ Cô gái cạnh lồng chim của họa sĩ Đỗ Duy Tuấn.

Cô Thụy Trang xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ Sài Gòn. Học nhạc truyền thống tại Nhạc viện Quốc gia Âm nhạc và Nghệ thuật Sân Khấu Sài Gòn từ năm 6 tuổi, tốt nghiệp hạng Ưu viện Đại học Quốc gia Nhạc truyền thống năm 1986, cô đoạt giải Quốc gia Đàn tranh Tài năng trẻ năm 1992. Vừa giảng dạy, cô vừa biều diễn khắp nơi ở trong nước cũng như ở nước ngoài để phổ biến nền nhạc truyền thống Việt Nam và những dụng cụ phong phú. Nhiều buổi hòa nhạc được tổ chức ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc (Nga, Mỹ, Canađa, Mexico, Pháp) đưa tiếng tăm cô vang khắp thế giới. Từ năm 2003 cô định cư ở Pháp và điều khiển nhóm Tơ Đồng. Giáo sư nhạc có bằng tốt nghiệp, cô dạy ở các nhạc viện Bussy-Saint-Georges, ở Paris, Marseille, Bordeaux, Lausanne. Cô là nhạc sĩ của viện Bảo tàng Cité de la Musique, đã từng cộng tác với Urban Sax trong đồ án năm Pháp-Việt.

Họa sĩ Duy Tuấn sinh năm lịch sử 1954 ở Thừa Thiên Huế. Nhà nghệ sĩ đổng hương tôi chưa từng được gặp nầy tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, được xem là một tài năng bậc nhất trong lĩnh vực nghệ thuật hiện đại và tối tân ở Việt Nam. Những tác phầm của anh khác biệt ở đề tài, phần lớn là những phụ nữ điệu hóa giúp anh tìm màu sắc linh hồn. Những họa phẩm của anh, hầu hết đều mang nét lãng mạn của một tâm hồn Huế. Tuynhiên những phụ nữ trong tranh không hẵn là người Huế mà là những mẫu mộng mơ trong sáng rất hiện đại. Tranh của anh gợi một phong cách hội họa phương Tây tối tân nhưng vẫn tiềm tàng một tâm thức văn hóa phương Đông gốc gác. Anh đã nhận nhiểu giải thưởng ở các cuộc triển lãm tại nước ngoài, đặc biệt hai lần của Philip Morris ASEAN 2001-2002 và gần đây giải triển lãm nghê thuật toàn quốc 2001-2005. Đọc trong một trang báo Pháp: Nghệ thuật của tôi chìm đắm trong không khí luyến tiếc và lãng mạn xứ Huế, trong quá khứ vẻ vang, trong mối liên lạc với Thượng đế và trong mộng mơ giải hòa sắc đẹp với văn minh hiện tại.


[ trang trước ]  /    [ trang sau]