18. Chiếc áo dài 
linh hồn dân tộc 
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Hàn Mặc Tử

Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong – Huy Cận

Hình ảnh tà áo dài những năm gần đây ở Việt Nam bộc khởi khắp thế giới. Không người nước ngoài nào đi viếng nước ta về mà không khen ngợi chiếc áo dài tha thướt trên các nẻo đường đầy hoa thắm. Nếu không thì là khoe khoang những tấm ảnh linh động các cô gái áo trắng cùng nhau chuyện trò huyên náo trong sân trường hay rộn rịp đạp xe rời cổng cơ sở làm việc những ngày nắng ấm. Có khách du lịch tặng thành phố Huế danh hiệu thành phố áo trắng. Thật vậy, màu áo trắng phủ khắp các lối đi giữa các đường cây xanh um tùm, hay nổi bật trên nền đỏ hoa phượng các đại lộ mùa hạ tưng bừng. Song song, sau Huế, thành phố Sài gòn cùng tranh đua nhuộm màu áo trắng trên xe đạp giờ tan trường. Hiện tượng chỉ chớm nở gần đây. Năm 1986, kỳ về thăm quê lần đầu tiên, muốn mục kích những hình ảnh năm xưa, tôi phải hứa chụp ảnh nhưng cháu nào chịu tìm mặc áo dài! Cùng năm ấy, ra Hà Nội, hồi ấy tôi ít thấy áo dài, nếu có thì là vài áo màu thêu hình và dành cho các bà hết còn tuổi thiếu niên. Câu nói ăn kinh mặc bắc cần phải xét lại nếu không là đổi ngược. Có người giải thích không phải vì thiếu vải mà áo dài một thời được xem như là lối ăn mặc suy đồi, hậu quả những năm thuộc địa. Những nhà chức trách như tuồng không theo kịp thời trang thế giới, không muốn biết ngày nay khắp nơi áo dài đươc hoan nghênh nhiệt liêt. Tôi còn nhớ trong cuộc diều hành các lực sĩ dự thế vận hội Rio-Brazil năm ngoái, tôi và nhiều bạn trước máy truyền bình mỏi mắt chờ xem một tà áo dài. Một chiếc thôi cũng đủ. Tiếp theo phụ nữ nhiều đoàn hân hoan trong y phục xứ họ, vận động viên nữ đoàn người Việt hòa lẫn giữa trong những đồng phục thể thao thiếu hồn giống nhau. Rất đáng tiếc là chúng ta may mắn hưởng đươc bộ y phục biểu tượng phụ nữ có một không hai ngày nay tiếng tăm trên thế giới mà không sử dụng, một danh từ áo dài người nước ngoài nào cũng hiểu không cần phiên dịch như phở hay nước mắm.



Áo trắng trong chiều áo trắng bay – Minh Trường

Chiếc áo dài duyên dáng ngày nay đã ra đời trên đất nước ta hơn hai thế kỷ, tục truyền vào thời Nguyền Phúc Khoát (1714-1765). Trong thời gian Trịnh Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn ở miền Nam tuy bề ngoài thuần phục nhà Lê trị vì miền Bắc cùng chúa Trinh, thực chất đóng đô ở Phú Xuân làm thủ phủ, củng cố địa vị vạn đại dung thân ở chốn Hoành Sơn nhất đái. Theo truyền thuyết, câu sấm nầy là lời chỉ dẫn Nguyễn Hoàng của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi vị chúa đầu tiên nhà Nguyễn được phái vào trấn thủ miền Nam. Câu dặn nầy được một câu sấm nối tiếp, vào khoảng 1747, giải thích tùy ý muốn: bát thế hoàn Trung Đô có thể hiểu là sau tám đời trở lại kinh đô tức Thăng Long. Nguyễn Phúc Khoát, kể từ Nguyễn Hoàng (1525-1613) là vị chúa thứ tám nhà Nguyễn, nghĩa là theo câu sấm, nếu ông sẽ rời bỏ bờ cõi miền Nam sau 150 năm ông cha gian lao khai thác, để về nạp mình cho quân Trịnh thì thật đau lòng chấm dứt công cuộc gây dựng của tổ tiên. Nhưng, như một nhà tâm lý học bẩm sinh tiên kiến, lấy tín ngường chống tín ngưỡng, ông cho đổi phủ thành điện, chỉ định Trung Đô là Phú Xuân - Huế, (sau khi các chúa lang bang đóng đô khắp vùng 1- Ái Tử, Tà Bát (Nguyễn Hoàng), 2- Phúc An (chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), 3- Kim Long (chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan), 4- Nguyễn Phúc Tấn, 5- Phú Xuân Nguyễn Phúc Trăn, 6- Nguyễn Phúc Chu, 7- Nguyễn Phúc Chú cho đến 8- Nguyễn Phúc Khoát) và quyết định lấy Phú Xuân làm kinh đô. Như vậy, ông vừa thỏa thích ý muốn muôn dân, vừa không cần phải dời đô mất uy tín, quyền lợi.


Thuyền anh ngược thác lên đây - Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền 
Ca dao

Lập kinh đô mới, dựng tân đô, vua phải xưng chúa, xưng vương đồng thời phải cải cách hành chánh trong triều, thay đổi phong tục ngoài dân. Võ Vương cho đúc Quốc vương chi ấn, đổi Tam ty thành Lục bộ, đổi chức tước Xá sự ty, Lệnh sự ty thành Thượng thư, Hàn lâm, Ngự lâm, chỉnh đốn phép thi, xây lập phủ mới, phong chức cho những thần dân có công,...Võ Vương cũng thống nhất cách ăn mặc. "Từ nay y phục đổi theo quốc tục thì áo quần nên may bằng vải lụa thông thường, chỉ những quan chức mới được dùng pha những hàng sa la trừu đoạn mà thôi. Còn những hàng gấm vóc cùng những hàng màu có thêu rồng vẽ phượng thì nhất luật không được quen thói tiếm dụng mặc thường như trước nữa. Đàn ông và đàn bà chỉ được mặc thứ áo ngắn tay và cổ đứng, còn cửa ống tay áo rộng hay hẹp thì được tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống cần phải khâu liền vào cho kín, không được để hở hang. Duy đàn ông muốn mặc thứ áo cổ tròn và cửa ống tay hẹp để làm việc cho thuận tiện thì cũng được phép. Còn áo làm lễ thì phải dùng thứ áo cổ đứng và dài ống tay, hoặc dùng thứ vải màu xanh hay màu đen hoặc màu trắng thì tùy tiện..." Cách thức ăn mặc mới nầy không có sự đồng tình của toàn dân. Đặc biệt là các cô gái quê quen mặc yếm bên trên, váy bên dưới, rất tiện lợi để làm việc, ở trong nhà cũng như ngoài đồng án, hai tay hai chân không bị tay áo, ống quần vương vấn. Cái yếm tồn tại ít lâu, được xem như cái áo lót ngày nay. Hơn nữa, yếm còn được thời trang cải cách để các cô tân thời trình bày cái cổ dài thon hay đôi vai tròn trĩnh của mình là những yếu tố sắc đẹp lúc trước không để lộ ra ngoài vì một vấn đề tiết hạnh. Đổi cái quần thay chiếc váy quen thuộc là một chuyện khác tuy chiếc váy cũng được thời trang cải cách nhưng ít thấy hơn. Võ Vương không ngờ đã gây một cuộc khủng khoảng trong giới phụ nữ vì tập quán bị xâm phạm ngoài vấn đề tiện lợi. Nhưng phép vua là quyền hạng cao nhất, biểu hiện tinh phần luật pháp quốc gia, nhất là ở một nước quân chủ, thì người dân chỉ còn biết nén lòng trong câu ca hài hước:
Lệnh từ trong Huế ban ra
Cấm quần không đáy đàn bà phải tuân.
Đi chợ mượn đở cái quần,
Chồng đành mặc váy che thân ngồi nhà.
Bổng nghe mõ gọi đàng xa,
Vội vàng đóng khố chạy ra ngoài đình.
Tháng tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Ra đi lột lấy quần chồng sao đang?
Có quần ngồi bán quán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan



Thân em như tấm lụa đào – Ca dao

Tuy nhiên Võ Vương và triều thần, và chắc cả thần dân không được tham khảo cùng trình bày ý kiến, đều cảm thấy y phục quần dài hai ống dưới cái áo cụt tay hay cái yếm hở vai không ổn, thiếu yếu tố mềm mại, uyển chuyển của một phụ nữ. Nhìn quanh, những chiếc áo dài Tàu Thượng Hải (không xẻ đến đầu gối), áo người Cham Pa (không xẻ nách) cùng chung sống, có thể gợi ý cho một chiếc áo Việt mới hòa hơp Nam Bắc với lẽ tất nhiên ít nhiều thay dổi. Tuy chống lại ý chí toàn dân, quyết định độc tài thay áo quần của Võ Vương không cố ý lại là một nét cách mạng trong y phục phụ nữ nói riêng, trong nền văn hóa Việt Nam nói chung mà ngày nay ta không hổ thẹn. Các cô các bà thời buổi mới rất hảnh diện khi được các áo dài tăng thêm vẻ đẹp, tạo thêm nét duyên dáng trong lớp phụ nữ được xếp vào hạng người đẹp. Nhưng từ những chiếc áo dài thời Võ Vương đến y phục bây giờ, chiếc áo dài đã phải trải qua biết bao biến chuyển theo thời trang thường đi cùng nhịp sống. Chiếc áo dài thiết kế đơn giản lúc ban đầu luôn còn trọng lao công nên phải may rộng để dễ vận động hai tay và thân mình không bị gò bó. Dần dần, đời sống người phụ nữ tiến bộ, các cô các bà không phải chỉ nấu ăn, nuôi con, sắp đặt nhà cửa mà còn theo hay thế ông chồng ra ngoài, dạy học, làm việc ở công sở, bệnh viện hay dự họp ở các ủy ban, nội các, điều khiển các tòa, bộ, có khi đại diện chính phủ ở các sứ quán, tòa lãnh sự. Không còn thật sự làm việc tay chân, các cô, các bà trái lại phải biết nói năng dễ nghe, trau chuốt, ăn mặc chỉnh tề, đứng đắn nếu không là duyên dáng, hấp dẫn. Áo quần từ đấy thay đổi, không theo một định luật nào những tùy theo phương thức, thị hiếu đương thời. Áo dài từ cổ đến chân, khi mặc thì hai cổ gia nhau nên gọi áo giao lãnh, nếu bốn vạt tượng trưng bốn cha mẹ thì gọi áo tứ thân, có khi năm vạt ngũ thân. Cổ áo tròn ôm khít cổ, thân áo sát người gồm, thân trước bó ngực, thân sau từ bả vai đổ xuống mắc cá, hai bên hông có đường xè từ eo đến cuối tà áo. Những vạt khép nhờ năm chiếc khuy tượng trưng ngũ thường theo quan điêm Nho giáo, ngũ hành theo triết học Đông phương.
 

Thập niên 1930-1940
Ngày Nay-Phong Hóa 1934
Luật sư Nguyễn Thi Hậu
Bà Nhu
(Trần Lệ Xuân) 
eo áo hình tam giác
Marguerite Donnadieu
(Marguerite Duras)

Nói cho đúng, chiếc áo phụ nữ lúc ban đầu đã có dáng dấp chiếc áo ngay nay tuy chưa gây ấn tượng như chiếc áo tân thời. Nếu Nguyễn Phúc Khoát có hân hạnh sáng tạo chiếc áo đầu tiên, người góp công chế biến nó thành kiệt tác thời trang là họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946), bút danh Lemur Cát Tường, xuất thân trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội đầu thập niên 1930. Ông cùng với nhóm Tự Lực văn đoàn khởi xướng phong trào cách tân áo dài truyền thống trong phương châm: Quần áo tuy dùng để che thân, song nó là tấm gương ngoài phản chiếu ra cái trình độ, trí thức của một đất nước. Kiểu áo dài đầu tiên tung ra gợi nhiều chiếc váy Tây phương với ráp vai, tay phồng, cổ bồng hay cổ hở,...những màu thâm, đen,.. chưa được vừa ý, bị chê là lai căng. Cô luật sư Nguyễn Thị Hậu là một trong những người đẹp đầu tiên được chụp ảnh (1935). Hơn nữa, áo dài có khi còn bị lên án là đỉ thỏa với áo xa tanh, dày cao gót, tay cắp dù tay cầm bóp đầm như được phản ảnh trong truyện Số đỏ (phim quay sau đó) của Vũ Trọng Phụng (1936-1938). Vài năm sau thịnh hành, áo được họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) xuất thân cùng trường, mang danh sinh viên tinh hoa, sau đó sang học tiếp ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, có công lớn cải tiến theo cách dung hòa vảy Tây phương và áo tứ thân truyền thống rút lại còn hai thân. Qua Pháp định cư từ 1937, ông để lại tiếng tăm trên một đất nước đã ảnh hưởng nhiều lên các tác phẩm của ông. Chiếc áo của cô Marguerite Donnadieu (sau nầy trở thành nhà văn Marguerire Duras nổi tiếng) lúc thiếu thời phải chăng đã làm mê mẫn anh chàng Huỳnh Thủy Lê ? Tuy vẫn còn giữ vạt áo trước tăng thêm vẻ uyển chuyển trong bước đi, thân áo may ôm sát những đường cong cơ thể tạo nên vẻ yêu kiều, gợi cảm, chiếc áo mới để hai vạt tự do bay lượn, hai bên hông có đường xẻ từ eo xuống hết tà áo. Vai áo không còn vuông vức mà xuôi xuống gọi là kiểu raglen, theo cách may của Trần Kim (Thiết Lập Taylors) và Dũng (Dũng Taylors) ở Sài Gòn, thải bỏ những nếp nhăn áo Lơ Muya hay Lê Phổ, bó chặt và nêu rõ hơn cơ thể, đem lại nét trẻ trung cho người mặc. Có những eo áo cao hơn lưng quần một chút, để lộ ra một hình tam giác da bụng mà lắm thanh niên cho là khêu gợi. Đến nay chưa thấy có quyết định chính thức kích thước hình tam giác, may theo tùy hứng và mặc thợ may tự do định liệu.
 

một chùm áo Raglan
Nguyễn Cát Tường
Tranh Mẹ và Con
Cát Tường Lê Phổ

Thời mới, đàn ông mặc áo dài là quê mùa, hình ảnh bác Lý Toét thông qua các báo Phong Hóa (1932-1936), Ngày Nay (1930-1940), phụ nữ mặc áo dài là công nhận văn minh hiện đại. Nhận định khá lạ lùng là các bà khẳng định văn minh nầy với chiếc áo truyền thống! Tuy nhiên trong Nam suốt thời kỳ chiến tranh, các cụ bệ vệ trong chiếc áo dài đen (như sau nầy ở Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội 2010, các cụ quốc trưởng xúng xính trong một chiếc áo dài xanh phủ lên bô complet), khăn đóng cùng màu, trông rất nghiêm chỉnh, đối lập với những y phục Tây phương có phần vay mượn, có lúc trà trộn với những binh phục quân đội oanh liệt như những sĩ quan Tây phương nhưng thiếu tinh thần truyền thống Việt Nam. Cùng lúc ấy, mấy bà khoan thai trong những tà áo dài muôn màu sặc sỡ, mấy cô thiếu nữ tha thướt trong những kiểu áo tân thời, mới lạ. Những bà quý phái còn dựa theo áo Mông Cổ cho cao cổ áo lên, khó vận động nhưng tăng vẻ đài cát, nay ít thấy. Bà Nhu, phu nhân ông cố vấn Ngô Đình Nhu, trái lại có một ý hay và thiết thực là cắt cụt cổ áo dài, giải phóng cái cổ các cô các bà. Ở một nơi có khí hậu tương đối nóng như ở nước ta, phát minh này là một sáng kiến bổ ích. Không biết có phải vì tên áo bà Nhu hay áo Trần Lệ Xuân (1914-2011) hay bị phê bình là chiếc áo quý phái, suy đồi mà không còn được khai triển và, sau chiến tranh ít lâu, áo ít còn thấy trên mình các cô tiếp tục dấu kín cổ ngực trắng trẻo nõn nà của mình. Có nhà báo nước ngoài đã từng phê chiếc áo dài Việt Nam che mà không dấu. Thật vậy nhìn mấy cô là như thấy toàn cơ thể, nhất là khi áo quần bị mưa ướt hay khi may bằng lụa là và các cô bay lượn trong gió. Từ đấy áo dài có tên áo gió. Áo dài cũng còn biểu dương tinh thần dân tộc, có khi biểu trưng hệ thống Nam Bắc, nhưng cốt yếu là cộng đồng dù không cùng chung sống với nhau cần phải thể hiện thống nhất trong thái độ dân chủ.
 

Phim Ba mùa
Phim Bỉ Vỏ
Phim Giữa Trời và Đất


Đôi tà áo lụa bay trong nắng - Bàng Bá Lân

Có hai cuốn phim đẹp trình bày hai tà áo trắng thể hiện hai phụ nữ Trung Bắc, định cư xa đất nước, trong hai tác phẩm Giữa Trời và Đất (1993) của Oliver Stone và Ba Mùa (1999) của Tony Bùi, nói lên nổi buồn số phận và xa xứ của kẻ tha hương. Không phải tình cờ mà cô hoa hậu Trương Quỳnh Mai năm 1995 được trao tặng giải Bộ Quốc Phục đẹp nhất, diễu hành với một chiếc áo dài xanh quần trắng trước một triệu khán giả thế giới. Được quốc tế công nhận, chiếc áo dài trở nên náo động trên thi trường, đạt mức linh hồn đất nước. Biết bao báo chí ra đời trình bày thời trang áo dài Việt Nam đồng thời các y phục phụ nữ quốc tế Paris, New York, Tokyo, luôn tiện giới thiệu các cô mẫu cao gầy có cách đi óng ả, hai chân bước trên một đường thẳng khi diễu hành. Áo dài không chỉ thấy trên người mẫu. Sinh viên, nhân viên công sở, các cô chiêu đãi hàng không, nhà báo truyền hình,... mặc y phục áo dài qua khắp các thời kỳ đô hộ, không hề nào núng, lúc nào cũng giữ vẻ hào hoa phong hóa, hòa hợp truyền thống và hiện đại. Áo dài phản ảnh tinh thần đặc biệt Việt Nam nhưng lúc cần cũng biết giản tiện hòa giải với nhu cầu mỹ học thời trang. Áo dài tượng trưng vừa cho sức bền bỉ vừa cho tính khéo léo của người Việt nên biết hỗn nhập những quan niệm bên ngoài mà không mất bản sắc của mình. Vì vậy sau chiến tranh, một lúc áo dài bị bỏ quên nay trở lại được yêu chuộng, duyên dáng, gợi cảm, kiêu hảnh của người Việt. Dành cho mọi lứa tuổi, áo dài có mặt trong những ngày lễ, ngày cưới, Tết nhất, những buổi hội nghị, tiếp tân, gặp gỡ. Khi có diễu hành, mọi khán giả, người Việt hay nước ngoài, háo hức chờ đợi xem chiếc áo dài, nhất là áo dài trắng, nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Những cuộc biểu diễn thời trang gần đây (*), nhất là ở Paris, mang tiếng áo dài thật ra là áo ngoại quốc may theo lối Việt Nam, từ màu sắc qua kích thước, trang bị, ngoại lai ngay cả người mẫu! Còn áo dài mặc không quần thì sắp vào hạng y phục nào đây ?
 

- ảnh chụp những năm 1989, 1999 và lấy trên intenet

(*) xem Võ Quang Yến, Biểu diễn thời trang phụ nữ Việt Nam ở Paris, Diễn Đàn Forum (diendan.org) 10.02.2015

Thành Xô 2018
những ngày lễ Tết

Đọc thêm

- Huy,Quang, Des stylistes magnifient l’áo dài, Le Courrier du Vietnam, 11.01.2015

- Hoang Minh, L’áo dài, un symbole de la culture vietnamienne, Le Courrier du Vietnam, 25.08.2017

- Vo Trung Dung, Les principales évolutions de style de " Ao Dài ", la tunique traditionnelle vietnamienne, trungdungvo.blog.lemonde 12.03.2007

- Sylvie Ruel, |Viêtnam: entre tradition et modernité, lapresse.ca 26.06. 2009

- VOV Áo dài, un symbole de la culture vietnamienne, vovworld.vn/fr-07.04. 2012

- Hà Thu, Le Ao dai, un symbole de la culture vietnamienne 360 Degrés blog.amica-travel.com› 30.06.2017

- Cảm ơn anh ÐTH đă cung cấp vừa thông tin vừa chiếc ảnh.


Áo dài không quần

Biểu diễn thời trang Paris 2014

[ trang trước ]  /    [ trang sau]