Hồi giáo trong lòng người Chăm 

Bài và ảnh Võ Quang Yến (*)

Ðây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh. Đây,
Chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành
                      Chế Lan Viên (Trên đường về)

Cham Pa ở Ðông Nam Á vào khoảng năm 1000

Ngưởi Chăm, còn gọi người Chàm, người Chiêm, người Hời là người dân tộc (400.000) cư ngụ chủ yếu tại miền nam Việt Nam, nhất là ở Cam Pu Chia (Khơ Me Islam), một số ít ở Thái Lan, Mã Lai, ngoài một số tản cư qua Hoa Kỳ. Người Chăm thuộc nhóm chủng tộc Austronesia tức Nam Đảo. Tiếng Chăm nằm trong ngữ tộc Malay-Polynesia của hệ ngôn ngữ Nam Đảo cùng với những dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai, Chu Ru sống ở miền trung và miền núi nước ta. Với một dân số trên 160.000 người, dân tộc Chăm xếp thứ 14 về số lượng trong cộng đồng 54 chủng tộc Việt Nam, cư trú tại 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố : Ninh Thuận (67.274, 41,6% tổng số người Chăm tại Việt Nam), Bình Thuận (34.690 người, 21,4%), Phú Yên (19.945), An Giang (14.209 người), thành phố Hồ Chí Minh (7.819), Bình Định (5.336), Ðồng Nai (3.887), Tây Ninh (3.250), theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

Trong thời kỳ đổ sắt (thế kỷ VIII trước-thế kỷ VI sau CN), Việt Nam có ba nôi cổ xưa, tạo hình tam giác nền văn minh : văn hóa Đông Sơn ngoài bắc, văn hóa Óc Eo trong nam, văn hóa Sa Huỳnh miền trung. Từ Sa Huỳnh nảy sinh hậu duệ là một phần người Chăm. Lúc ban đầu, vào khoảng 192-605, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam, dựng lên một vương quốc mang tên Lâm Ấp, xem như là giai đoạn khởi đầu lịch sử Chăm Pa. Lâm Ấp là phiên âm Hán-Việt tiếng quan thoại Lin yi quo, tên một dân tộc bản địa thuộc nhóm Bách Việt, phát âm tiếng Việt thuật ngữ Bai yue bao hàm các dân tộc Việt cổ không bị Hán hóa. Lâm Ấp có thể là lãnh thổ Indrapura từ mũi Hoành Sơn đến đèo Hải Vân, do vương triều Gangaraja, tức những người Ấn Độ đến từ sông Gange, dựng lên. Lâm Ấp độc lập là một biến cố lịch sử trọng đại, mở đầu cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ tại bán đảo Đông Dương. Thời cuối Lâm Ấp tức là thời đầu Chăm Pa, vào khoảng thế kỷ IV, văn hóa Ấn Độ bắt nguồn từ nước láng diềng Phù Nam, ở phía tây và nam, trở thành văn hóa chính của vương quốc. Ấn Độ giáo và Phật giáo bắt đầu được truyền bá. Đây chính là giai đoạn mà người Chăm đã bắt đầu có các văn bản mô tả trên đá bằng chữ Phạn và bằng chữ Chăm, và họ đã có bộ chữ cái hoàn chỉnh để ghi lại tiếng nói của người Chăm. Về chính trị các vị vua thời cuối Lâm Ấp đều ghép tên mình với một thần linh, thường là với Shiva (còn gọi là Isvara) để độc quyền cai trị. Vị vua đầu tiên được mô tả trong văn bia là Bhadravarman, cai trị từ năm 349 đến 361. Ở thánh địa Mỹ Sơn, vua Bhadravarman đã xây dựng lên ngôi đền thờ thần có tên là Bhadresvara, kết hợp giữa tên của nhà vua và tên của thần Shiva, vị thần của các thần trong Ấn Độ giáo. Việc thờ vua như thờ thần, chẳng hạn như thờ với tên thần Bhadresvara hay các tên khác vẫn tiếp diễn trong các thế kỷ sau đó.

Năm 605, nhà Tùy chinh phục Lâm Ấp. Thủ đô thất thủ, quốc gia Lâm Ấp diệt vong, vua Sambhuvarman (Phạm Phạn Chi) lưu vong về phía nam và dựng quốc gia riêng, xây thành Sinhapura thành phố Sư Tử (nay là Trà Kiệu, cạnh sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Thời vua Sambhuvarman là thời kỳ quá độ giữa Lâm Ấp và Chăm Pa tức Chiêm Thành bởi vì quốc hiệu Ấp Chăm Pa Campapura đã chính thức xuất hiện. Sambhuvarman lên ngôi vua năm 529, cho xây dựng lại ngôi đền Bhadresvara bằng gạch ở Mỹ Sơn, ngôi đền thời vua trước bằng gỗ đã bị cháy. Sambhuvarman cũng cử sứ thần sang cống lễ Trung Quốc, đồng thời đánh chiếm miền bắc Việt Nam nhưng không thành. Năm 605, tướng Lưu Phương nhà Tùy xâm lược Lâm Ấp và đã chiến thắng sau khi lập mưu tiêu diệt tượng binh địch thủ. Vào khoảng những năm 620, các vua Lâm Ấp đã cử nhiều sứ thần sang nhà Đường và xin được làm nước phiên thuộc của Trung Quốc. Tài liệu Trung Quốc ghi nhận vị vua cuối cùng của Lâm Ấp chết vào khoảng năm 756. Năm 757, một tiểu vương ở phía nam Lâm Ấp nổi lên hạ bệ Bhadravarman II - nhà vua trẻ của Lâm Ấp vừa lên ngôi - rồi tự xưng vương, hiệu Prithi Indravarman, chấm dứt dòng Gangaraja phía bắc. Theo sử liệu cổ, Trung Hoa đặt tên lãnh thổ mới của người Chăm trong thời kỳ này là Hoàn Vương quốc (tức vương quyền trở về quê cũ), kinh đô Virapura (Hùng Tráng thành). Địa phận Hoàn Vương có thể giới hạn trong khu vực tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Hoàn Vương độc lập cho đến năm 859 thì thống nhất với bốn tiểu quốc khác để thành hình quốc gia Cham Pa hay Campapura, Campanagara, Nagara Campa, Nagar Cam tuy vẫn giữ tính tự trị. Nước này được xem là tiền thân của Panduranga với một số biến đổi về cương vực và dân số. Tài liệu Trung Quốc sớm nhất sử dụng tên có dạng Cham Pa vào năm 877, tuy nhiên, tên được người Chăm sử dụng muộn nhất là từ năm 629, và người Khơ Me từ năm 657..

Việc làm đầu tiên của Prithi Indravarman là dời kinh đô Sinhapura về Virapura. Dưới thời Prithi Indravarman, văn minh và văn hóa Ấn Độ từ phía nam lên lấn át toàn bộ sinh hoạt của người Chăm phía bắc, tiếng Phạn được phổ biến rộng rãi trong giới vương quyền và các nơi thờ phụng. Đạo Bàlamôn được đông đảo người theo. Đạo Phật nguyên thủy Thượng toạ bộ Theravada phát triển mạnh trong dân gian; đền đài, dinh thự và chùa tháp được xây dựng lên khắp nơi, nhiều nhất là tại Khu Lật (Huế), Amavarati (Mỹ Sơn), Sinhapura (Trà Kiệu)... để tạ ơn thần linh. Tuy vậy nguyên tắc tự trị của các tiểu vương quốc phía bắc vẫn được tôn trọng, vì không thấy di ảnh hay hình tượng nữ thần Bhagavati - vị thần bảo hộ Panduranga được Prithi Indravarman chọn làm Bà Mẹ xứ sở để dân chúng thờ phụng - trong các di tích khảo cổ trên lãnh thổ phía bắc. Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tra (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Tháp này sau mang tên tên Po Nagar tức Tháp Bà. Prithi Indravarman là một quân vương tài giỏi, đất nước thái bình. Hoàn Vương quốc giàu có, phồn vinh hấp dẫn các vương quốc lân bang, đặc biệt là Srivijaya (Palembang), Malayu (Mã Lai), Javadvipa (Java), Nagara Phatom (Thái Lan), Sriksetra (Miến Điện), Angkor (Chân Lạp) đến để trao đổi hoặc chờ dịp cướp phá. Năm 774, quân Nam Đảo (người Java và Mã Lai) từ ngoài khơi đổ bộ vào Kauthara và Panduranga, chiếm Virapura. Vua Prithi Indravarman đã chống trả lại mãnh liệt nhưng bị chết trong đám loạn quân (sau này được dân chúng tôn thờ dưới pháp danh Rudraloka). Bọn người này đi mành đến lấy cắp tượng linga của thần Sri Sambhu, đốt phá đền thờ Po Nagar. Sau cuộc tấn công này quân Nam Đảo cướp đi rất nhiều báu vật, trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng.

Sau khi quân đội nhà Minh rút về, vương quốc Cham Pa được phục hồi nhưng chia thành hai tiểu vương quốc: Tiểu vương quốc Vijaya (Đồ Bàn 1428-1471) và Tiểu vương quốc Panduranga (Phan Rang: 1433-1832). Tiểu vương quốc Vijaya bị quân đội Ðại Việt tiêu diệt vào thời vua Lê Thánh Tông để thôn tính đất đai vào năm Hồng Ðức thứ 2 nhà Lê (1471). Năm đó, tiểu vương quốc Panduranga cũng trở thành chư hầu của Ðại Việt. Năm Hiển Tông thứ 2 chúa Nguyễn (năm Chính Hòa thứ 14 nhà Lê -1693), Nguyễn Hữu Cảnh đã một lần chinh phục Tiểu vương quốc Panduranga, đổi tên Chiêm Thành quốc thành Thuận Thành trấn, rồi đổi Thuận Thành trấn thành Bình Thuận phủ. Nhưng qua năm 1694, trong khi Nguyễn Hữu Cảnh tây chinh đánh Cam Pu Chia, tướng người Chăm tên Ốc Nha Đạt và tướng người Thanh tên A Ban đã tập hợp được đông đảo lực lượng người Cham Pa, nổi dậy và tiêu diệt toàn bộ lực lượng chúa Nguyễn tại đây. Chúa Nguyễn Hiển Tông tức Nguyễn Phúc Chu đã bất đắc dĩ cầu hòa với người Chăm và cho phép họ phục hồi Thuận Thành trấn (Khu Tự trị Cham Pa). Hòa ước giữa chúa Nguyễn và chúa Cham Pa được ghi rõ trong Nghị Định Ngũ Ðiều vào năm Hiển Tông thứ 21 tức năm Vĩnh Thạnh thứ 8 nhà Lê (1712) và được duy trì cho đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Sau cải thổ quy lưu (giải thể khu tự trị) vào năm 1832, một số người Chăm liên minh với Lê Văn Khôi, nổi dậy để phục hồi Thuận Thành trấn nhưng kết thúc thất bại. Hậu duệ của chúa Cham Pa có ông Dụng Gạch (Bo Gait, Bộ Gạch), một vị hoàng tử anh hùng, phó chủ tịch ủy ban hành chính lâm thời huyện Hòa Đa (Bắc Bình ngày nay) phụ trách miền núi sau Cách mạng tháng Tám. Lãnh thổ của Chăm Pa ngày nay thuộc thành phố Đà Nẵng, các tỉnh từ Quảng Bình vào Bình Thuận và một số vùng Tây Nguyên. Theo văn bia tiếng Phạn tại Mỹ Sơn, vua Cham Pa và vua Cam Pu Chia đều là hậu duệ của hoàng tử Asvattaman, một anh hùng lưu vong bạc mệnh trong sử thi Ấn Độ Mahabarata thuộc nhà Kuru. Riêng các chúa Panduranga thì thuộc dõng Pandu nên Cham Pa (Vijaya, thuộc nhà Kuru) và Panduranga (thuộc nhà Pandu) vốn là hai quốc gia thù địch với nhau. Sử sách Trung Quốc luôn ghi rõ hai nước Chiêm Thành (Cham Pa) và Tân Đồng Long (Panduranga) là hai quốc gia riêng biệt.

Lịch sử của vương quốc Cham Pa là các cuộc xung đột với Trung Quốc, Ðại Việt, Khơ Me và Mông Cổ, cũng như xung đột nội bộ. Chính do các cuộc xung đột này mà Cham Pa mất dần lãnh thổ vào tay Đại Việt, một quốc gia có tổ chức chính quyền và quân sự tốt hơn. Cham Pa trong quá khứ là một nước chư hầu của các triều đại phong kiến Trung Quốc và Đại Việt nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và sự toàn vẹn lãnh thổ. Người Cham Pa là những chiến binh giỏi đã sử dụng địa hình đồi núi để chiếm ưu thế. Năm Hồng Ðức thứ 2 nhà Lê (1471), Tiểu vương quốc Vijaya chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Ðại Việt dưới triều đại vua Lê Thánh Tông. Khoảng 60.000 quân Cham Pa bị giết và 30.000 bị bắt làm tù binh. Ngược lại, Tiểu vương quốc Panduranga tiếp tục phát triển dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn và vua Gia Long (Nguyễn Thế Tổ) trong bốn đạo: Ðạo Panrang (Ðạo Phan Rang tức Tỉnh Ninh Thuận), Ðạo Kraong (Ðạo Long Hương / Liên Hương tức Huyện Tuy Phong Tỉnh Bình Thuận), Ðạo Parik (Ðạo Phan Rí tức Huyện Bắc Bình Tỉnh Bình Thuận) và Đạo Pajai (Ðạo Phố Hài, Huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Thành phố Phan Thiết). Đến vua Minh Mạng, Khu Tự trị Thuận Thành đã bị xóa sổ và trở thành Phủ Ninh Thuận.


Trên lãnh thổ Việt Nam người Chăm sinh sống, sống rải rác ở các tỉnh phía Nam từ Bình Định vào miền đồng bằng sông Cửu Long. Do đặc điểm cư trú, tính chất tôn giáo và sắc thái văn hóa mang tính vùng miền, họ được chia thành 3 nhóm cộng đồng chính là: Chăm H'roi, Chăm Bàlamôn-Chăm BàniChăm Nam Bộ.

-Chăm H'roi bao gồm những người Chăm sống rải rác ở miền núi các tỉnh Phú Yên, Bình Định; tổng số khoảng 20.500 người. Người Chăm Hroi có nguồn gốc từ những người Chăm cổ, theo tín ngưỡng dân gian chịu ảnh hưởng từ đạo Bàlamôn.

-Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni hay Ðông Chăm gồm những người Chăm cư trú ở Ninh Thuận, Bình Thuận, có tên gọi là Campaduraga. Với một tổng số khoảng 98.000 người (Ninh Thuận 66.000, Bình Thuận 32.000), nhóm cộng đồng Chăm lớn nhất nầy chiếm khoảng 67,60% tổng số người Chăm ở Việt Nam. Hai nhóm Chăm Bàlamôn (Chăm Ahiar) và Chăm Bàni (Chăm Awal) là hai nhóm chính, còn có một nhóm nhỏ người Chăm Bàni đã cải sang theo Hồi giáo chính thống vào thập niên 1960 do tiếp xúc với người Chăm Nam Bộ.

-Chăm Nam Bộ hay Tây Chăm bao gồm những người Chăm sinh sống chủ yếu ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh. Tổng số khoảng 26.700 người, cộng đồng này đến từ Cam Pu Chia và có nguồn gốc từ Nam Trung Bộ.

Nhóm Chăm Nam Bộ ở Tây Ninh khởi đầu từ năm 1755 khi tướng Nguyễn Cư Trinh chiêu dụ người Chăm bị hà hiếp trên đất Chân Lạp về định cư ở núi Bà Đen. Tới thời Minh Mạng, từ năm 1834, người Chăm từ Chân Lạp tiếp tục về định cư ở 2 huyện Tân Ninh và Quang Hoá. Thời Tự Đức, người Chăm lại tiếp tục tới Quang Hóa định cư vào các năm 1849, 1857. Tại Châu Ðốc, từ năm 1818, vua Gia Long đã cho tu sửa Châu Đốc và chiêu dụ người Việt, Hoa, Chăm, Khơ Mer đến định cư. Nhóm này gọi là Chăm Châu Ðốc. Tới năm 1841, nhà Nguyễn rút quân khỏi Chân Lạp, nhiều người Chăm cũng theo về định cư ở An Giang. Tới năm 1859, người Chăm ở Cam Pu Chia nổi dậy chống vua Ang Duong. Bị đàn áp, hàng nghìn người Chăm sang Châu Ðốc tị nạn. Tới giai đoạn Khơ Me Ðỏ, từ 1975, nhiều người Chăm từ Cam Pu Chia tiếp tục sang Châu Ðốc lánh nạn. Nhóm Chăm Nam Bộ gồm có nhiều thành phần. Có người gốc từ quần đảo Mã Lai và Indonesia, gọi là Chăm Chà-và (Cham Chvea, Cham Java, Cham Jva), tên gọi này có thể bắt nguồn từ người Jawa Kur, người Hồi giáo (dòng Sunni) nói tiếng Khơ Me. Họ hiện còn sống tại nhiều vùng Cam Pu Chia và vùng Châu Đốc. Do có sự tương đồng về nguồn gốc Nam Ðảo, người Chăm gốc Việt Nam và người Jawa Kur đã sống cùng nhau ở Cam Pu Chia, tạo thành một cộng đồng và có chung tín ngưỡng Islam Sunni. Nhóm người Chăm gốc Nam Trung Bộ đã sống hòa đồng với người Jawa nói trên và theo Hồi giáo Sunni, tự xưng là người Islam dòng Sunni. Nhóm người Chăm gốc Nam Trung Bộ nhưng không theo đạo Hồi mới của người Jawa Kur mà vẫn giữ lại đạo Hồi có từ lúc ở miền Trung Việt Nam bị 2 nhóm trên gọi là Chăm Jahed (Chăm xấu, cũ). Có thể xem họ giống với người Chăm Bàni ở Bình Thuận.


Tôn giáo đầu tiên của người Chăm là Ấn giáo hay đạo Hindu, phái Shiva gọi là Shaivite, gốc Ấn Độ. Shiva, hiện thân của sự tiêu diệt, hợp chung với Brahma, người sáng tạo, và Vishnu, đấng bảo hộ, thành bộ tam thần Trimurti. Ấn giáo được các thương gia Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư trên đường biển đến Trung Quốc, ghé chân ở miền duyên hải Trung Bộ và để lại. Hồi giáo tức Islam (ta còn viết Ixlam) không rõ tới Cham Pa hồi nào, di chỉ các ngôi mộ phát hiện ghi niên đại thế lỷ XI. Trong một luận văn cao học trên đề tài Islam và sự yêu sách bản sắc của người Chăm ở Trường Cao học Thực hành, cô Agnès De Féo đã tường trình một cuộc du nhập Hồi giáo vào Cham Pa. Một thời lâu đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cứu dựa lên hai bản khuôn rập những tấm bia in chữ cufic (Ả Rập), cho đã có một cộng đồng người đạo Hồi trên bờ biển Cham Pa thế kỷ XI. Tin chắc hơn là một văn bản của những người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha năm 1595 chứng nhận triều đình cho phép Hồi giáo du nhập còn nhà vua thì qua thế kỷ XVII mới chịu theo đạo. Nhưng Hồi giáo không chỉ vào Chăm Pa qua các thương gia Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư mà còn do một cuộc tham gia tích cực các nhà hàng hải Chăm vào hệ thống mậu dịch đường biển Đông Nam Á. Đầu thế kỷ XVI, thuyền bè Chăm đã có mặt không những ở Malacca (Mã Lai), Banten, Makassar (Nam Dương), Pattani (Thái Lan) mà còn dọc các bờ Biển Đông ỏ Xiêm La, Trung Quốc. Người Chăm không chỉ len lỏi vào hệ thống Mã Lai mà còn giao dịch với những người Hòa Lan ở Malacca, những thương gia Bồ Đào Nha định cư ở Macau (1555). Dần dần Cham Pa vượt ra khỏi tên một nước đang bị Đại Việt lấn ấp sau những trận đánh thua liên tiếp, mở mang không gian kinh tế xã hội thành một hệ thống nối liền nhũng nơi trao đổi quan trọng Đông Nam Á, những điểm giao tiếp của một triển vọng Hồi giáo. Lối nhìn nẩy giải thích tại sao những dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai, Chu Ru sống chung đụng với Cham Pa nhưng không chú trọng đến hàng hải thì không tiếp xúc với Hồi giáo.

Có thuyết khác cho Hồi giáo là du nhập từ Mã Lai, dễ hiểu qua các thương gia và các nhà truyền giáo hay đi lại. Tuy nhiên có chuyện một công chúa xứ Kelantan (thế kỷ XVIII) cũng từ Mã Lai qua Cham Pa không phải để quy nhà vua theo đạo mà là để đưa vua về lại chính giáo, nghĩa là nhà vua đã theo đạo. Còn có thuyết cho Hồi giáo trước nhập vào Trung Quốc thời nhà Đường (618-707), sau có các nhà buôn Ả Rập, Ba Tư tiếp xúc với người Chăm mới chuyển tiếp Hồi giáo. Trước đây, vào khoảng thế kỷ VIII, Phật giáo Đại thừa từ Trung Á qua Trung Quốc cũng đã được chuyển qua Cham Pa (Đồng Dương) và Căm Pu Chia (vua Jayavarman VII). Vào khoảng 878, tại Trung Quốc nổi lên phong trào bài ngoại của đảng Huang Chao (Hoảng Chảo) thực hiện chính sách khủng bố sát hại người ngoại quốc. Những người Hồi Giáo Ả Rập và Ba Tư phải bỏ Trung Quốc, dời việc buôn bán và giảng đạo đến các nước phía Nam Trung Quốc : Cham Pa, Mã Lai, quần đảo Nam Dương. Năm 1039, một đoàn thương gia Ả Rập đã đến buôn bán tại Cham Pa và tăng cường công cuộc truyền bá đạo Hồi. Họ đã lập nên tại Cham Pa những cộng đồng Hồi Giáo đông đảo. Trong khi đó, những hạm đội hải quân của Hồi Giáo Ả Rập đã chiếm giữ Malacca để bảo vệ quyền giao thương trên trục lộ giao thông với Trung Quốc và Nhật Bản. Hồi Giáo làm chủ toàn vùng bán đảo Mã Lai và quần đảo Nam Dương trong những thế kỷ XI-XV và đã biến hai nước này thành hai nước Hồi Giáo. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đánh phá Chiêm Thành, bắt vua Chiêm là Chế Củ. Vua Chiêm sợ chết nên phải chuộc mạng bằng cách dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính cho vua Lý. Nhà vua sáp nhập ba châu này vào lãnh thổ Việt Nam và đổi tên thành Quảng Trị, Thừa Thiên. Năm 1402, vua Chiêm Thành dâng thêm hai châu nữa là Chiêm Động và Cổ Lũy cho Hồ Quí Ly. Hai châu này trở thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi của Việt Nam ngày nay. Như vậy, thực tế lịch sử chứng minh Hồi Giáo là đạo đầu tiên đã xâm nhập hòa bình giải đất mang hình chữ S trước Công Giáo 500 năm qua tay các thương gia và các giáo sĩ.. Tuy nhiên, đạo Hồi không có cơ duyên xâm nhập vào xã hội người Việt (dân tộc Kinh) và đã trở nên một thứ tôn giáo hoàn toàn xa lạ.

Người Chăm có tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú. Tín ngưỡng của họ có từ xa xưa và mang dấu ấn của thời nguyên thủy : sự tin tưởng vào sự tồn tại của một thế giới siêu nhân, nơi các thần linh ngự trị và cũng chính là nơi tồn tại của ma quỷ và linh hồn của những vật thể ở thế giới trần tục sau khi chết. Người Chăm luôn tin tất cả các vật thể cũng như mọi người đều có linh hồn và linh hồn thì tồn tại vĩnh viễn dù con người có chết đi và các vật thể đã bị hư hại. Những linh hồn cùng với ma quỷ và thần linh luôn có những tác động chi phối thế giới hiện hữu, đến đời sống của cộng đồng cũng như đến từng thành viên trong cộng đồng. Người Chăm thờ rất nhiều vị thần linh như Thần cây, Thần đá, Thần nước, thờ Linh hồn tổ tiên. Họ sống trong một cộng đồng đa tôn giáo, niềm tin tôn giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm lý của họ, ảnh hưởng lên hoạt động nhận thức, tình cảm, ý chí của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Người Chăm có niềm tin tôn giáo rất sâu sắc, tuân theo tôn giáo truyền thống ràng buộc chặt chẽ. Tuy một lúc tôn giáo chính thời vương Cham Pa cổ là Ấn Độ giáo và văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ, ngày nay, hầu hết người Chăm theo Hồi giáo. Nói chung, từ thế kỷ X, tín ngưỡng Hồi giáo đã du nhập Vương quốc Cham Pa thông qua các thương nhân gây ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh người Cham Pa. Nhưng Hồi giáo không phát triển, có lẽ vì lòng sùng tín thần thánh Bàlamôn giáo, tập tục, lễ nghi cùng chế độ mẫu hệ đã bén rễ ăn sâu, trở thành truyền thống trong xã hội Cham Pa, trải qua hơn nghìn năm không dễ gì thay đổi. Dù sao, vào cưối thế kỷ XVII, quân nhà Nguyễn đồng thời đánh chiếm những hải cảng, ngăn chặn mọi giao thông đường biển và thuyền bè Cham Pa ngày càng ít thấy ở các thương cảng Biển Đông. Ngày nay, sau những cuộc di cư liên tiếp qua Mã Lai, Hoa Kỳ, Pháp quốc sau biến cố Khơ Me Đỏ, một phần lón người Chăm định cư ở Cap Pu Chia, số còn lại khoảng 100 .000 người, giới hạn trong xứ Panduranga xưa, tương đương với các thành phố Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiêt (hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Rút cuộc, Cham Pa có thể xem như là một dân tộc phân tán, phần lớn dân cư sống ngoài biên cương tổ quốc, đem theo Hồi giáo là tôn giáo dần dần thay chổ Ấn giáo nguyên thủy.
 
Thành Xô mùa đông 2016

(*) Ảnh số chụp năm 2005 và mượn trên internet.

Đọc thêm

-Agnès De Féo, Les Chams, l'Islam et la revendication identitaire - Des origines de l'islamisation au radicalisme islamique actuel, Mémoire de DEA 2004, sous la direction de Pierre-Yves Manguin.

- Agnès De Féo, Transgressions de l'islam au Vietnam, Les Cahiers de l'Orient n°83 - 3e trimestre 2006, chamstudies.free.fr

- Nguyễn Thị Thanh Vân, Hồi giáo của người Chăm ở Việt Nam – Những yếu tố bản địa, Tạp chí Nghiên cứu Văn hỏa số 3 huc.edu.vn

-Trần Thị Minh Thu, Khái quát về Hồi giáo và Hồi giáo ở Việt Nam, Ban tôn giáo chính phủ, btgcp.gov.vn

-Nguyễn Ðức Hiệp, Lâm Ấp, Champa và di sản, Văn hóa học, vanhoahoc.vn03.11.2008

-Lê Nhẩm, Cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam hiện nay, Halal Vietnam, halal-vietnam.vn

-Albert Nollet, Avec l'Islam, le Vietnam applique le principe de précaution, Riposte laique,ripostelaique.com 20.10.2015

-Hélène Le, Vietnam : l'Islam des Chams Bani, Buddhachannel buddhachannel.tv
27.07.2015 -