Hai lễ hội Paekche 
và Silla ở Nam Hàn

Bài và ảnh (*)  Võ Quang Yến

Nhà tôi và tôi may mắn được dự một chuyến du hành hai tuần ở Nam Hàn. Thường những chuyến đi Viễn Đông từ Âu châu được tổ chức cốt yếu qua Nhật Bản rồi thêm vài ngày ở Nam Hàn. Như vậy thì thật đáng tiếc vì Nam Hàn tuy nhỏ lại là một nước có nhiều cảnh đẹp, nhất là về thu cây lá nhuộm màu vàng đỏ, nhiều chùa xưa cổ kính, nhiều món ăn lạ miệng, tuy quen thuộc như cà pháo kim chi, Udon kim chi...ít ngày thì khó có được một ấn tượng đầy đủ về vương quốc xưa Choson (đất nước ban mai tươi mát, được các giáo sĩ phương Tây dịch sai ban mai yên tĩnh). May mắn hơn (tuy không phải tình cờ, chỉ phải xem trước chương trình) là chúng tôi được sống hai ngày ở hai lễ hội bình dân trên nền lịch sử : Festival Paekche và Festival Silla.



Festival Paekche

Festival Paekche thao diễn ở thị trấn Puyo hay Buyeo, cách xa thành phố Koguryo 35 km, nhỏ hơn nhưng xinh xắn hơn. Trèo lên đỉnh đồi, từ đồn lũy cũ cạnh bờ vách đá, nhìn xuống con sông Kum (Kumyang) lặng lẽ xuôi dòng trong nắng chiều trông thật ngoạn mục. Theo truyền thuyết, thiên thần Hwanung hạ trần ở núi Paektusan, lấy một con gấu biến thành phụ nữ, người con sinh ra mang tên Tangun có nghĩa hoàng thân gỗ hương là thủy tổ người Hàn. Cả hai Nam và Bắc Hàn đều đòi chủ quyền trên ngọn núi kia, trung tâm Hàn Quốc lịch sử trong tương lai là Koguryo (hay Goguryeo), một đất nước lấn vào Mông Cổ, nơi có nhiều người Hàn Quốc ở. Mặt khác, tin tưởng của người địa phương cho Buyeo nguyên là tên một dân tộc nông dân sống trong đồng bằng Mông Cổ, di cư đến đây xây dựng Koguryo, thành lập triều đại Paekche hay Baekje và được xem như là thủy tổ Nam Hàn. Theo cuốn sách lịch sử Samguk Yusa, vua Jumong (có nghĩa tay bắn cung lão luyện) đã có một vợ, Yesoya, và một con, Yuri, bỏ Buyeo chạy đến Jolbon, cưới cô gái tộc trưởng, lên ngôi vua lấy hiệu Dongmyeong. Khi Yuri chạy theo cha đến nơi trở nên hoàng tử thì Onjo và Bỉryu, hai đứa con của bà thứ nhì, bò Koguryo xuống miền nam. Theo lời khuyên, Onjo thành lập Wirye (hay Wiryeseong), ngày nay là Hanam, đặt tên nước Sipje (có nghĩa 10 Chư hầu) còn Biryu thì xuống đến tận biển xây dựng Michuhol, ngày nay là Incheon. Vùng nầy nước mặn lại là đầm lầy độc địa khó sống, Biryu đòi chia ngai với Onjo, không được, đánh nhau với anh, bị thua liền tự vẫn, dân cư lên xin nhập với Wirye và Onjo đổi tên nước Paekche (100 Chư hầu). Tên nầy chỉ xuất hiện trong sử sách Trung Quốc bắt đầu từ năm 345. Nhà vua Geunchogo (346-375) mở mang bờ cõi, lần lượt đánh chiếm Daifeng của Trung Quốc (369), Koguryo ở miền bắc và thôn tính Mahan ở miền nam (371). Vào thời ấy, Paekche hấp thu toàn khối văn hóa kỹ thuật Trung Quốc, trở nên một vương quốc hải dương như từng thấy ở các thời Cổ đại Hy Lạp, Cộng hòa La Mã. Đã là một vương quốc thương mãi, chiếm phân nửa phía tây Hàn Quốc, một phần bán đảo Shandong bên kia Hoàng Hải, còn là một cường quốc hải quân, Paekche giao hảo với các vua Kyushu Nhật Bản. Rất nhiều công dân Paekche qua định cư ở Nhật Bản, góp phần vào việc hình thành văn hóa Phù Tang. Chính những di dân nầy đã có công nhiều trong công cuộc xây dựng thành phố Nara, tượng Đại Phật và đền Horyu-ji. Nhiều nhà quý tộc Paekche kết hôn với những hoàng thân, công nữ Nhật Bản. Nhà vua Akihito Nhật Bản, dòng dõi vua Kammu có mẹ là hậu duệ vua Muryeong vương quốc Paekche. Nhưng triều đại Paekche chỉ tồn tại được một thế kỷ.

Festival Paekche

Vương quốc Paekche phát triển cùng lúc với hai vương quốc Koguryo và Silla (tên trước là Saro) trong một thời kỳ gọi là Tam Quốc (thế kỷ I trước Công nguyên - thế kỷ VII sau Công nguyên). Thật ra trong Tam Quốc quanh ba vương quốc còn có thêm vài tiểu vương bộ lạc : Gaya (hay Kaya), Dongye, Okjeo, Puyo, Usan. Cả ba vương quốc đều bị lệ thuộc Trung Quốc, chịu nhiều ảnh hưởng về mặt hệ thống tư tưởng. Khổng giáo xâm nhập xã hội quyền quý từ thế kỷ I nhưng Phật giáo luôn là tôn giáo thứ nhất. Từ trước Công nguyên những quốc vương lần lượt được giải phóng : Silla (hồi còn mang tên Saro) phía đông nam bán đảo năm -57, Koguryo phía bắc và phía nam sông Amnok năm -37, Paekche phía tây nam bán đảo quanh Seoul ngày nay năm -18. Nhưng chỉ qua đầu thế kỷ III, khi đế quốc Hán sụp đổ, Tam Quốc mới thật tình phát triển. Cuối thế kỷ IV, ở đông nam bán đảo, Paekche và Shilla cạnh tranh uy quyền với Gaya đả trở thành một liên bang (Bon Gaya, Dae Gaya) là những thành quốc công sự ra công phòng thủ. Lúc ban đầu Paekche đóng đô ở Ungjin (ngày nay Cheongju), dời qua Sabi (bây giờ Puyo), là một nước yên tĩnh, nơi nông dân trong vùng lại trốn tránh chiến tranh. Nhưng luôn Koyurgo luôn lại quấy rẩy và năm 475 chiếm đóng Hanseong (tên mới của Wiyeseoing, tức Seoul tương lai). Sau đó, kinh đô được dời về lại Ungiin và Paekche ký một hiệp ước quân sự với Shilla chống Koyurgo. Năm 503, Shilla thôn tính những liên bang Gaya, đặt kinh đô ở Kumsoong (nay là Gyeongiu). Năm 538, vua Seong đóng đô ở Sabi (Buyeo bây giờ), chỉnh đốn hoàng triều, củng cố đất nước thành quốc vương hùng mạnh và đổi tên xứ sở thành Nambuyeo tức là Buyeo miền Nam. Vào thời kỳ Sabi, văn hóa Paekche phục hưng, lâu dài hơn 120 năm thì vương quốc tàn lụi trước cuộc tấn công của liên hiệp Silla-Trung Quốc. Liên minh với triều đại Đường bên Trung Quốc, Silla thôn tính trước Paekche năm 660 rồi Koguryo năm 668, lập nên thời kỳ vương quốc Shilla thống nhất trong 250 năm (668-918) mở đường cho triều đại Koryo trong thời kỳ tiếp theo mang danh Hậu Tam Quốc.



Festival Silla

Các nghệ nhân Paekche chịu nhiều ảnh hưởng nghệ thuật Trung Quốc và những chủ đề Phật giáo tỏ ra phóng khoáng trong các tác phẩm. Nụ cười thanh thản nổi bật trong pho tượng chạm trổ các đức Phật biểu thị tính mặn nồng tiêu biểu Paekche. Một bình xông hương bằng đồng thanh vàng lộng lẫy Baekje Geumdong Daehyeongno phát hiện trong một ngôi chùa cổ ở Neungsan-ri, địa phận Buyeo, vinh danh nghệ thuật Paekche. Lăng mộ vua Murveong (501-523), xem như tượng trưng thời kỳ Ungiin, tuy xây dựng theo phong cách mồ mã bằng gạch Trung Quốc, chứa đựng nhiều vật dụng tang lễ truyền thống Paekche như những đồ trang trí mũ miện bằng vàng, những vòng đai bằng vàng, những khuyên tai bằng vàng,...Tang lễ được cử hành đúng theo truyền thống lâu đời Paekche. Nhiều vật dụng mỹ thuật thời ấy may mắn được lưu trữ trong các viện bảo tàng quốc gia Gongju (hay Konju) và Puyo. Gongju là kinh đô thứ nhì thời đại Paekche nên hai năm một lần, luân phiên với Buyeo, một lễ hội đặc biệt được tổ chức để kỷ niệm di tích 1500 năm ấy, đặc biệt để vinh danh ba vị anh hùng trẻ tuổi cuối cùng của vương triều Paekche : Seongchung, Heungsu và Gyebaek. Ngày 10 tháng 7 năm 660, Paekche phải đương đầu với liên quân Silla - nhà Đường: 5 vạn quân Silla do Kim Yu Shin dẫn đầu từ Icheon vượt dãy núi Sobaek tấn công vào Hwangsanbeol ; 13 vạn quân nhà Đường đổ quân vào cửa sông Geumgang hướng thẳng đến Sabi. Dưới quyền điều khiển của Gyebaek, 5 ngàn quân cảm tử Paekche chống cự lại được quân Silla ở Hwangsanbeol, sau đó bắt đầu chiến thắng các trận ở ba hai thôn Sanjik, Mochon và thành Hwangnyeong nhưng thua kém quá nhiều về quân số, những hiệp sĩ thanh niên chỉ còn biết xã thân lao mình chiến đấu và toàn bộ tử trận. Trước khi ra quân, ý chí quyêt tử chiến đấu của Gyebaek đã khơi dậy lòng can đảm cho quân sĩ : anh giết hết gia đình để sống nhục nhã, làm nô lệ cho kẻ giặc, thì thà chết trước trong tay của mình còn hơn. Ngày nay ở lễ hội, dân chúng, đặc biệt thanh niên thiều nữ, ăn bận như thời xưa ấy, diễn hành, múa lượn trong sân vận động rực trời cờ xí đủ màu trong ý chí nâng cao tinh thần dũng cảm ba chàng hiệp sĩ thời xưa.



Festival Silla

Là kinh đô Silla, Kyongju hay Geongju, được ghi vào danh sách di sản quốc tế nhân loại năm 2000, trình bày nhiều tàn tích, đặc biệt những lăng mộ, những phòng bằng đá dưởi gò mộ. Có 35 lăng mộ vua chúa, 155 gò mộ ngay trung tâm thành phố 421 gò mộ ở ngoại ô. Hai lăng mộ tiểu biểu văn hóa Shilla là lăng mộ có Vòng Đai vàng Geumgwanchong và lăng mộ Thiên mã Cheonmachong. Dân cư rất hâm mộ Phật giáo nên có nhiều chùa, lúc ban đầu bằng gỗ, dần dần được thay bằng đá : Hwangyongsa, Pulguksa Sokkuram là những chùa nổi tiếng nhất. Nhiều tượng Phật được các tu sĩ tạc ngay vào thành đá như ở núi Namsan nên được bảo quản trọn vẹn từ thuở xa xưa. Cái chuông bằng đồng thanh Seongdeok cao 3,75 m, đường kính 2,27 m, nặng 18,9 tấn, đúc xong năm 771 để vinh danh đức vua cùng tên, là chuông cổ xưa nhất được lưu trữ. Tương truyền một đứa trẻ bị hy sinh để chuông vọng tiếng và khi đánh thì vang dội âm thanh em-ê-lé theo tiềng Hàn hiểu là mẹ ơi. Ngoài ra, viện bảo tàng Kyongju chứa đến 16333 di vật cùng kiên trúc xưa các đền đài, có khả năng quyển rũ khách tham quan cùng như lề hội văn hóa hằng triệu khách du lịch. Festival nhắm mục đích ca tụng, xúc tiến Phật giáo đồng thời biểu dương nền văn hóa lâu đời triều đại Shilla. Như ở lễ hội Paekche, giữa rừng cờ xí rực rỡ, cờ hiệu tung bay, người dân áo mũ đủ màu như thời xưa, diễu hành quanh sân vận động, có xe vua, bà chúa, có tu sĩ đánh trống, có đội thanh niên nhảy múa, trong lúc giữa sân nhiều đoàn phụ nữ áo quần sặc sỡ di chuyển thành nhiều hình dạng, trông rất đẹp mắt. Đặc biệt có những quái vật nhăn răng, phun khói nhắc lại nguyên thủy truyền thuyết Shilla. Báo chí đăng năm 2010 có đội Nhã nhạc Cung đình Huế tham dự biểu diễn.



Festival Silla

Như ở Festival Paekche, trông giống và có thái độ người Nam Hàn, tôi xách máy ảnh trà trộn vào đám biểu diễn, nhà báo, phóng viên, thoải mái chụp ảnh, luôn nhận được những nụ cười tươi tắn các cô trẻ đẹp, lắm khi kèm theo những câu bình phẩm có vẻ hấp dẫn mà vì không hiểu tiếng nói, tôi chỉ biết nhoẽn cười chào trả, lẩm bẩm cảm ơn và nuối tiếc rút lui...
 

Thành Xô mùa thu 2016
Mừng Năm Mới 2017 - Ðinh Dậu

(*) ảnh chup năm 1996, sao lại từ dương bản.

Ðọc thêm

- Histoire de la Corée : fr.wikipedia.org ; univ-lemans.fr ; cosmovisions.com

- La Corée du Nord au Sud : franceculture.fr

- La longue histoire de deux Corées : slate.fr/story/70477

- Baekje : fr.wikipedia.org

- Gyeongju : fr.wikipedia.org

- Corée du Sud, Guide Arthaud, Paris 1987

- En Corée, Guides Visa, Paris 1993