Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
ĐÔI ĐIỀU VỀ CHÙA CẦU HỘI AN

Nguyễn Phước Tương

Cây cầu cổ ở Hội An ra đời vào thời kỳ nào, cho đến nay niên đại xây dựng cầu còn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên trong thư tịch cổ của nước ta, tên gọi của cây cầu cổ đó là Nhật Bản kiều được tìm thấy vào năm 1617, có nghĩa cầu có thể ra đời trước niên đại đó. Tác giả Vũ Đức Tân trong bài viết có tựa đề Hội An đăng trên tạp chí Việt Nam đã viết rằng cầu Nhật Bản (tức Nhật Bản Kiều) đã ra đời vào năm 1593. Một tác giả nước ngoài đã viết trên báo The Asian Wall Street Journal như sau :"Cầu Nhật Bản với những cột vuông, mái cong là công trình của giới kiến trúc mà Nhật Bản quyết định xây dựng năm 1953 để thông thương buôn bán của người Hoa ".

Như vậy, cầu Nhật Bản được xây dựng ở cảng thị Hội An chậm nhất là 1617 như đã được phát hiện trong thư tịch cổ của nước ta.

Ai là người đứng ra xây dựng cây cầu cổ đó ? Người Nhật Bản, người Việt Nam hay người Minh Hương ? Chắc chắn người chủ cây cầu đó không phải là người Việt vì vào thời kỳ đó và các sử quan triều Nguyễn dưới thời Tự Đức (1847 1883) cũng chỉ được nghe các thế hệ tiền bối truyền đạt lại, nên mới viết trong Đại Nam nhất thống chí rằng : " Cầu ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói " (1).

Nhà nghiên cứu Pháp Albert Sallet đã cho biết thêm rằng : " Các truyền thuyết còn kể lại rằng một người Nhật Bản tên là Thanh đã xây dựng cây cầu này trên những cột bằng đá với bộ sườn siêu cấu trúc và một mái bằng ngói " (2).

Nếu câu cầu đó của người Việt Nam chúng ta xây dựng trên lãnh thổ của mình thì chắc chắn sử quan triều Nguyễn đã viết về vấn đề này với nội dung khác đi.

Vậy người Minh Hương ở Hội An vào các thế kỷ XVI - XVII có phải là chủ nhân của chiếc cầu mái ngói cổ đó không ?

Theo Quảng Nam Minh Hương Tam Bảo Vụ viết về "Sơ lược lịch sử Minh Hương " ở Hội An thì năm 1644 ở Trung Hoa xảy ra cuộc chiến tranh nhà Thanh bắt đầu lật đổ nhà Minh và những người Hoa trung thành với chế độ cũ đã di tản đến Đàng Trong Đại Việt, tự nguyện gia nhập quốc tịch Việt Nam và xin chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) thành lập làng Minh Hương tại cảng thị Hội An vào năm 1644 cho đến năm 1653 mới ổn định (3). Như vậy, làng Minh Hương ở Hội An đã ra đời sau sự có mặt của Nhật Bản Kiều trước đó ít nhất hơn một phần tư thế kỷ, cho thấy người Minh Hương không thể là chủ nhân của Nhật Bản Kiều được.

Chúng ta nhớ lại rằng vào năm 1633, Mạc Phủ Nhật Bản đã ban bố lệnh đóng cửa không quan hệ giao thương với nước ngoài, Nhật kiều đang sống và buôn bán ở nước ngoài phải hồi hương và chuyến tàu Nhật Bản cuối cùng đã rời bến cảng Hội An vào năm 1637, phố Nhật Bản bắt đầu rơi vào cảnh suy tàn và cầu Nhật Bản được người Việt ở Hội An quản lý. Sau khi làng Minh Hương ra đời và cầu Nhật Bản nằm trên địa phận làng này, nên chúa Nguyễn đã giao cho người Minh Hương nhiệm vụ quản lý và sửa chữa cầu.

Cho mãi đến 1653, Trung Lương Hầu Khổng Thiên Như, là một trong mười vị tiền hiền đầu tiên thành lập làng Minh Hương ở Hội An, đồng thời quan phụ trách Ty Tàu vụ tại đây của chúa Nguyễn mới cùng một số tiền hiền khác bỏ tiền ra xây dựng ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu Nhật Bản ở phía Tây để thờ Bắc Đế Chân Võ Tổ Sư (hay Huyền Thiên Đại Đế) cùng Trừng Hán Cung thờ Quan Công và Minh Hương Phật tự thờ Phật Quan Âm. Sau khi ra đời phức hợp kiến trúc cầu Nhật Bản - chùa Bắc Đế hay Cầu Chùa, danh xưng cầu Nhật Bản dần bị quên lãng và được thay vào đó bằng tên gọi quen thuộc Chùa Cầu. Chùa ra đời sau cầu ít nhất 35 năm. Danh xưng Chùa Cầu đã ra đời ở Hội An sớm nhất là vào năm 1653.

Còn tục ngữ "Thượng Chùa Cầu, hạ Ông Bổn " thì ra đời ở Cảng thị Hội An từ năm nào ? Như chúng ta biết Hội quán Triều Châu của người Hoa thường được gọi với cái tên dân dã là Chùa Ông Bổn, thờ Bổn Đầu Công Mã Viện, đã ra đời muộn vào năm 1845. Vậy thì tục ngữ đó phải xuất hiện trong cộng đồng Hội An sau niên đại đó, sau sự hiện diện của Nhật Bản Kiều - Cầu Nhật Bản gần 230 năm, khi mà danh xưng cầu Nhật Bản đã bị thay thế bởi danh xưng Chùa Cầu từ trên 30 năm, nên không thể có tục ngữ " Thượng cầu Nhật Bản hạ chùa Ông Bổn " được !

Sau khi quản lý cầu Nhật Bản và dựng thêm ngôi chùa nhỏ bên cạnh, làng Minh Hương đã có công bốn lần trùng tu cây cầu : năm 1763 dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, năm 1817 dưới thời vua Gia Long, năm 1875 dưới thời vua Tự Đức và năm 1917 dưới thời vua Khải Định. Từ lần trùng tu cầu thứ hai trở đi, sự việc đó đều được ghi bằng chữ Hán trên thượng lương và các xà dọc trên mái của cầu mà nay vẫn còn. Trên thượng lương ở đỉnh nóc cầu còn các dòng chữ Hán có nghĩa như sau : " Niên hiệu Gia Long thứ 16 năm Đinh Sửu (1817), tháng Ất Tỵ, ngày Ất Dậu, giờ Kỷ Mão, lý trưởng làng Minh Hương Trương Hoằng Cơ cùng cả làng đã xây dựng lại công trình ".

Cũng chính vào tháng 8 năm Đinh Sửu này (1817), làng Minh Hương đã dựng " Bi ký trùng tu Chùa Cầu " mà đến nay còn gắn trên cầu. Những dòng chữ Hán trên bi ký có đoạn : " Tại phường Minh Hương đô thị Hội An, phân giới với Cẩm Phô có con sông nhỏ, có cầu cổ. Tương truyền do người Nhật Bản làm. Trải từ triều đại trước ban sắc cho tên Lai Viễn Kiều... " (4).

Một câu hỏi đặt ra là tại sao nếu cây cầu cổ đó là do người Minh Hương làm ra thì họ lại không viết rõ điều đó trên bi ký mà cũng viết là " tương truyền do người Nhật Bản làm ra " ? Điều này cho phép khẳng định rằng các sử quan triều Nguyễn đã viết đúng sự thật lịch sử : cây cầu cổ đó do người Nhật Bản làm ra như tên gọi ban đầu của nó là " Nhật Bản Kiều " như đã được ghi lại trong thư tịch cổ nước ta.

Vì sao Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu trong chuyến thị sát cảng thị Hội An năm 1719 nghĩa là sau khi cây cầu ra đời trên một thế kỷ, lại ban cho cầu cái tên Lai Viên Kiều, vì cây cầu vốn đã có tên là Nhật Bản Kiều. Ngoài ra Chúa Nguyễn đã có một tư duy tuyệt vời mới ban cho cây cầu cổ cái tên mang một ý nghĩa hết sức sâu xa là " cây cầu của những người từ phương xa tới " hàm ẩn ý nghĩa những nhà buôn từ các nước đến buôn bán ở Hội An được người Đại Việt Đàng Trong xem như bạn bè và được đón tiếp ân cần với một đường lối mở cửa, giao thương cởi mở.

Nhât Bản Kiều trong kết cấu kiến trúc và trang trí nội thất đã chứa đựng dấu ấn của nền văn hóa Phù Tang ; mái ngói mềm mại với độ dốc thấp, những cột vuông , nền cầu lát vát hình vòng cung ; các hoa văn trang trí hình mặt trời, chiếc quạt xòe... nay không còn nữa ; những Thần Khỉ và Thần Chó thờ ở hai đầu cầu.

Ở cảng thị Hội An ngày xưa cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là Con Cù, người Nhật gọi là Mamazu, người Hoa gọi là Câu Long, đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà Cầu Nhật Bản bắc qua. Mỗi khi con thuỷ quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán.

Để khống chế con Mamazu, người Nhật đã thờ các Thần Khỉ và các Thần Chó trên hai đầu cầu để " yểm " con thuỷ quái đó.

Những học giả củaTrường Đại học Showa (Chiêu Hoà) đã đến nghiên cứu ở Hội An tháng 9-1992, tháng 3-1993 và tháng 9-1993 đã trao đổi với Ban Quản lý Di tích Hội An rằng những con thú thờ trên cầu không phải là những con thú bất kỳ mà là những vật linh theo tín ngưỡng vật tổ của người Nhật.

Người ta cũng thấy rằng người Minh Hương lập ngôi chùa nhỏ nằm sát cây cầu cổ để thờ Bắc Đế Chân Võ (hay Huyền Thiên Đại Đế) cũng với mục đích khống chế con Câu Long không gây ra động đất.

Chúng tôi cần nói thêm rằng ở hai bên tường của cổng ra vào ở phía tây và phía đông cầu Nhật Bản ban đầu có hai câu đối chữ Hán đắp nổi, nhưng qua năm tháng bị mờ dần để sau cùng bị mất hẳn và người Minh Hương đã thay vào đó bằng hoa văn đắp nổi hình quả phật thủ lớn.

Khi còn bình sinh nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên (1911-1996) và chúng tôi đã tìm lại được những câu đối chữ Hán này chứa đựng nội dung thâm thuý :

Đôi câu đối chữ Hán ở phía cửa đông của cầu như sau :

Thiên cẩu song tinh an cấn thổ,
Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân.

Đôi câu đối chữ Hán ở cửa phía tây của cầu có nội dung :

Ngoạn nguyệt khách du châu vĩ điện,
Khán hoa nhân đáo mã đề lôi (5)

Chúng tôi xin tạm dịch :

Hai sao thiên cẩu ở yên nơi đất cấn
Hai tướng tử vi định được chốn quẻ khôn

Khách ngắm trăng thuyền nhanh như chớp
Người xem hoa vó ngựa sấm vang

Các câu đối chữ Hán này đã được phục hồi và chúng tôi đã đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam và thị xã Hội An cho khôi phục lại trong lần trùng tu lớn cầu Nhật Bản - cầu Nihon Bashi.

(1) - Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, 1992, tr.379
(2) - Albert Sallet. Le vieux Faifo. Bulletin des Amis du Vieux Hue n°10-12,1919 ; p. 501-506
(3) - Trương Đình Hoanh, Quảng Nam Minh Hương Tam Bảo Vụ, Minh Hương lịch sử sơ lược, 1972 (Tài liệu nội bộ)
(4) - Dương Đức Nhự. Việc trùng tu Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) ở Hội An, Kỷ yếu kỷ niệm 47 năm thành lập Trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An, 1999 ; tr. 16-22.
(5) - Nguyễn Phước Tương, Cầu Nhật Bản, Hội An, Di sản Thế giới, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2003
 



Trở Về  ]