Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
MỘT SỐ DẤU TÍCH GIAO LƯU VĂN HOÁ NHẬT-VIỆT Ở HỘI AN

Trần Văn An

Vào thế kỷ XVII, người Nhật đã được các chúa Nguyễn cho phép lập một khu cư trú ở Hội An. Khu cư trú này tài liêu của Nhật ghi là Nhật Bản dinh (1). Chữ Dinh theo tiếng Nhật có nghĩa là phố xá. Năm 1640, trong bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật (2) xuất hiện từ Nhật Bản dinh, Tùng Bản dinh. Dù tổ chức hành chính của khu cư trú này như thế nào, thì đây cũng là sự xuất hiện của một thiết chế mới. Vào thời điểm bấy giờ, dưới tác động của mạng lưới mậu dịch hàng hải quốc tế đang diễn ra nhộn nhịp ở khu vực Đông Nam Á, một số tụ điểm mậu dịch của người Bồ, Hà Lan đã mọc lên ở các nước bản địa bằng nhiều con đường, trong đó có con đường áp đặt hoặc chiếm cứ. Khu cư trú của Nhật kiều ở Hội An với vai trò là một tụ điểm trung chuyển mậu dịch không ra đời bằng các con đường trên. Trước hết, nó là sản phẩm do sự nỗ lực hợp tác trên lĩnh vực mậu dịch giữa hai nước. Các bức thư trao đổi bang giao với những lời lẽ rất chân tình, hữu nghị giữa các chúa Nguyễn và chính quyền Nhật Bản đã thể hiện rõ nỗ lực này. Vì vậy, có thể nói rằng, quá trình giao lưu văn hóa Nhật - Việt tại Hội An được khởi đầu một cách chủ động và thiện chí, xét từ cả hai phía. Chính đặc điểm này đã đem lại cho quá trình giao lưu văn hoá Nhật - Việt tại Hội An những sắc thái riêng, độc đáo.

Mặt khác, sự hình thành khu phố Nhật đã tạo nên những chuyển biến trong đời sống văn hoá tại địa phương. Đối với Đàng Trong nói chung, Hội An nói riêng, đây là sự ra đời - gia nhập của một tổ chức và quản lý hành chính mới, có những nét khác biệt so với cách thức quản lý truyền thống của các chúa Nguyễn. Những phác thảo trong bức " Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ " cho thấy ở khu phố Nhật không có hàng rào bao bọc, lính canh và súng thần công như ở khu dinh trấn. Một dãy phố với những ngôi nhà gỗ nằm tiếp giáp với các vùng làng mạc cho thấy không gian của khu phố là không gian mở và không có các hình thức ngăn cách với các khu vực xung quanh. Trong khu vực này, các chúa Nguyễn cho phép " có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng " (3). Với cách tổ chức và quản lý ưu đãi như vậy, có lẽ đây là kiểu một đặc khu kinh tế mở hình thành từ nhu cầu phát triển kinh tế thương nghiệp - ngoại thương tại chỗ của các chúa Nguyễn trước đây.

Sự tồn tại của khu phố Nhật với kiểu quản lý mang tính tự trị như đã đề cập là một hiện tượng xã hội mới mẻ và nó đã có tác động nhất định đến đời sống hàng ngày của cư dân địa phương. Tác động dễ thấy nhất diễn ra ở quan hệ hôn nhân - gia đình. Những cuộc hôn nhân Việt - Nhật đã được tác hợp . Những bà vợ Việt đã về chung sống với chồng trong khu phố Nhật và những bà vợ này đã giúp các ông chồng Nhật một cách đắc lực trong hoạt động mậu dịch. Việc họ đường hoàng đứng tên cùng các ông chồng Nhật giống như những gia đình Việt, Hoa khác trong bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật cho thấy từ thế kỷ XVII, quan hệ hôn nhân khác quốc tịch đã diễn ra khá tự nhiên ở phố Hội An. Tấm bia này cũng cho thấy những cuộc hôn nhân Nhật - Việt diễn ra phổ biến hơn các cuộc hôn nhân Nhật - Hoa, dù vào thời điểm bấy giờ khu phố của Hoa kiều cũng đã hình thành tại Hội An. Có thể xác định gốc Việt của các bà vợ thương nhân Nhật trong bia với các tên nôm đặc trưng như Nước, Nụ, Mặn, Nở. Có những bà vợ Việt vẫn tiếp tục giữ liên lạc và làm tròn các việc hiếu hỉ đối với gia đình nhà chồng tại Nhật sau khi chồng mất, đến nỗi một nhà nghiên cứu Nhật Bản khi phát hiện việc này đã phải thốt lên : " thực là một phụ nữ hết sức chu đáo " (4). Rất tiếc, cho đến nay, chúng ta chưa đủ điều kiện để xác định hậu duệ của các cuộc hôn nhân Nhật - Việt này, mặc dù chúng ta biết chắc rằng đã có những đứa con được ra đời dưới mái những gia đình Nhật - Việt tại phố Hội An. Trường hợp ông Ngô Thuận (quan), con của ông Kadoya Shichirobei và bà Nguyễn Thị Diệu Thái là ví dụ.

Ngoài ra, ba bia mộ thương gia Nhật tại Hội An cũng cung cấp một số thông tin cần thiết về vấn đề này. Nội dung bia cho biết chúng do các người con đứng lập cho cha với các từ xưng hô đối với người quá cố là " Khảo ", " Hiển khảo ". Mặt khác, kiểu thức trình bày nội dung các bia mộ này không có gì khác so với các bia mộ Việt, trừ phần ghi nguyên quán ở phía trên bia. Bia mộ ông Banjiro (chữ Hán là Phan Nhị Lang có dòng chữ nhỏ bên trái ghi : " Hiếu nam Văn Công đồng phụng tự " Có thể hiểu đây là những bia mộ do những người con trai tên là Văn, Công lập nên để thờ tự cha. Kết hợp nhiều nguồn tư liệu chúng ta không loại trừ khả năng những người con này là của một bà mẹ Việt lấy chồng Nhật. Ông này mất tại Hội An và những người con đã đứng ra làm mộ cho cha. Do tên của người này được ghi âm bằng chữ Hán là Phan Nhị Lang nên rất có thể những người con có tên trong bia sẽ lấy họ Phan. Hiện tượng dùng họ Phan, Ngô, Nguyễn ở một số hậu duệ Nhật - Việt là một thực tế cần lưu ý khi nghiên cứu quan hệ hôn nhân - gia đình tại Hội An.

Giao lưu văn hoá Nhật - Việt, Việt - Nhật cũng diễn ra khá sâu sắc ở lĩnh vực tôn giáo - tín ngưỡng. Tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật cho thấy một số Nhật kiều ở Hội An theo đạo Phật với các đạo hiệu bắt đầu bằng chữ Đạo, Viên giống như người Việt. Kiểu đạo hiïệu giống nhau như thế chứng tỏ họ cùng chung một đạo phái. Còn lại, những người khác ở Nhật Bản dinh (Hội An) hoặc ở Nhật Bản có tên trong bia Phổ Đà cho thấy họ là những người sùng mộ đạo Phật và rất tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì vậy, họ đã góp tiền của để xây dựng cảnh Phật Phổ Đà ở động Hoa Nghiêm - Non Nước. Phổ Đà chính là nơi tu đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm, vị bồ tát chuyên cứu khổ cứu nạn, nhất là đối với những tai nạn trên biển. Nét tín ngưỡng này rất gần gũi với cộng đồng người Việt tại Hội An, những người tiếp xúc nhiều với biển.

Việc phát triển đạo Thiên chúa cũng được thực hiện thông qua quan hệ hôn nhân - gia đình ở khu phố Nhật tại Hội An. Bên cạnh những thương nhân Nhật theo đạo Phật còn có một bộ phận khác theo đạo Thiên chúa. Tư liệu của linh mục Alexandre de Rhodes cho biết, tại khu phố Nhật (Hội An) có một số thương nhân Nhật theo đạo Thiên chúa lấy những bà vợ bản xứ không có đạo. Việc thuyết phục các bà này từ bỏ tín ngưỡng của mình để theo đạo là một việc làm không phải dễ dàng. Các ông chồng Nhật đã phải nhờ vào các giáo sĩ. De Rhodes ghi : " Tàu Tây (Tây Ban Nha - ND) đã trẩy đi rồi thì mừng lễ phục sinh trong tỉnh Quảng Nam, có rất đông giáo dân đến làm nhiệm vụ trong những ngày thánh. Từ đó tôi trở lại thành phố người Nhật gọi là Hội An (nguyên bản ghi Faifo). Ở đây Inhaxu rất thành công trong việc làm cho mấy người lương dân lấy chồng người Nhật có đạo. Những ông chồng này không sao làm cho các bà bỏ dị đoan được. Trong ít ngày Inhaxu đã thành công " (5). Dù chưa đủ tư liệu để tìm hiểu kỹ quá trình giao lưu Nhật- Việt ở lĩnh vực tôn giáo - tín ngưỡng tại Hội An vào thế kỷ XVII, nhưng qua một số thông tin ít ỏi ở trên chúng ta có thể hình dung được phần nào mức độ và qui mô của quá trình này. Sự ảnh hưởng qua lại hai chiều về tôn giáo - tín ngưỡng trong các gia đình Nhật - Việt là một thực tế lịch sử . Một số thương nhân Nhật đã chịu ảnh hưởng của các bà vợ bản xứ về tôn giáo - tín ngưỡng và ngược lại. Tư liệu cũng cho thấy quá trình này diễn ra một cách êm thấm, tự nhiên, không cưỡng ép.

Do trải qua thời gian hơn 300 năm, kể từ khi phố Nhật ở Hội An ngưng hoạt động,các bằng chứng về quan hệ giao lưu - trao đổi kinh nghiệm, công nghệ Nhật - Việt tại Hội An đã chìm sâu vào ký ức của cư dân địa phương. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng đã may mắn tìm thấy một ít vết tích vật thể, phi vật thể về chúng.

Trên phương diện vật thể, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trong lòng đất Hội An nhiều mảnh gốm sứ Hizen (Nhật Bản) có niên đại thế kỷ XVII. Một số đồ sứ Hizen sản xuất ở Nhật Bản vào thế kỷ XVII hiện vẫn được bảo quản trong một số gia đình ở Hội An. Cùng với đồ gốm sứ, tại Hội An cũng đã phát hiện một lượng lớn tiền đồng Nhật Bản có khung niên đại thế kỷ XVII trùng với thời đại phát triển thịnh vượng của khu phố Nhật trước đây.

Thích Đại Sán đến Hội An vào năm 1695, là lúc phố Nhật đã suy tàn, nhưng theo như ghi chép, vẫn có người đem đến biếu ông " một ít rau cải Nhật Bản " (6). Chúng tôi chưa xác định được đó là loại rau gì, nhưng chắc chắn nó có nguồn gốc Nhật Bản và được gieo trồng ở Hội An.

Tư liệu dân gian tại địa phương còn cho biết sự có mặt của loại " tương Nhật Bản ". Đó là một loại tương phân biệt với tương Tàu (Trung Hoa), tương Ta (Việt). Các nhân chứng cao tuổi cho biết, loại tương này cũng làm bằng đậu nành, nếp, muối. Mỗi lần làm khoảng hai lít nước, không làm thành từng vại lớn. Khi ăn tương có mùi thơm, các hạt đậu cong, không nát.

Kết quả điều tra tư liệu dân gian cũng đã cho thấy hiện nay tại địa phương vẫn còn dùng tên gọi " trính Nhựt " để chỉ một kết cấu kiến trúc trong các ngôi nhà cổ Hội An. Tên gọi này do Nguyễn Bạt Tuỵ ghi lại đầu tiên trong bài khảo cứu " Những ngôi nhà xưa ở Quảng Nam " năm 1961 (7). Kiểm tra tính xác thực thông tin trên, chúng tôi đã dùng phiếu điều tra để phỏng vấn các thợ mộc cao tuổi tại địa phương. Chín trên mười người làm nhân chứng đã dùng tên gọi " trính Nhựt " hoặc " trính Nhựt Bổn " để chỉ cho cùng một kết cấu kiến trúc do chúng tôi đưa ra. Dù đó có phải là kết cấu mang đặc trưng phong cách kiến trúc Nhật hay không thì cách gọi như vậy cũng rất có ý nghĩa về giao lưu văn hoá, giao lưu công nghệ - kỹ thuật. Có thể đó là một kết cấu kiến trúc được người Nhật sử dụng rộng rãi tại Hội An trước đây và cư dân Hội An đã tiếp thu nó trực tiếp từ người Nhật.

Về phương diện phi vật thể, một bài vè dùng để hát ru con hoặc để trẻ em địa phương hát trong lúc vui chơi còn lưu giữ một đoạn phản ánh thực tế về sự có mặt của các mặt hàng Nhật Bản tại Hội An trước đây :

Hàng trầu hàng cau, là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái, là hàng bà già
Hàng bông hàng hoa, là hàng Nhựt Bổn ...

Di tích chùa Cầu (cầu Nhật Bản) và truyền thuyết khá phổ biến tại Hội An nói về việc trấn yểm quái vật có đầu ở Ấn Độ, đuôi ở Nhật Bản đã nói lên thực tế về sự giao lưu văn hoá giữa Hội An và Nhật Bản trước đây.

Phủi lớp bụi thời gian hơn 300 năm, chúng tôi may mắn tìm thấy một số dấu tích, di tích vật thể, phi vật thể liên quan đến việc cư trú của người Nhật và quan hệ giao lưu Nhật - Việt, Việt - Nhật hiện đang được bảo lưu tại địa phương. Cùng với các nguồn tư liệu khác, các dấu tích, di tích này góp phần minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thương cảng Hội An trong quá khứ, đặc biệt là hoạt động giao lưu - hội nhập văn hoá. Chúng đồng thời cũng cho thấy rằng, do được xây dựng trên nền tảng hữu nghị và thiện chí, nên quan hệ giao lưu - hội nhập văn hoá Nhật - Việt đã thực sự trở thành một động lực thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội tại chỗ phát triển, đã để lại những dấu ấn đậm nét, góp phần làm phong phú diện mạo và định hình tính độc đáo về văn hoá của vùng đất Hội An.

Trần Văn An

Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An.


(1) Theo bức " Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ " hiện lưu trữ ở đền Jomyo thành phố Nagoyo, Nhật Bản.
(2) Bia này hiện ở Động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn, nay thuộc thành phố Đà Nẵng.
(3) Critoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, tr 92.
(4) Ogura Sadao, Người Nhật thời Châu Ấn thuyền, Tokyo, 1985, tr. 97.
(5) - Alexandre de Rhodes, Hành trình và Truyền giáo, Ủy ban đoàn kết công giáo TPHCM xuất bản 1994, tr. 183.
(6) - Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự. Viện Đại học Huế xuất bản, 1963, tr. 169.
(7) - Tạp chí Văn hoá nguyệt san số 60, Sài Gòn xuất bản, tháng 5-1961.
 
 
 

 



Trở Về  ]