Trở Về
Chèo thuộc loại sân khấu ước lệ - cách điệu

Tách bạch ra thì ước lệ chỉ số quy phạm nghệ thuật do các thế hệ nhà nghề đúc kết trong quá trình diễn tả, đã được đông đảo người xem chấp thuận, nhưng không gian, thời gian, sự cố trong bản trò hoặc các khía cạnh tâm trạng của mỗi tính cách nhân vật, cô đọng và xúc tích xét cả mặt hiệu quả sân khấu và ý nghĩa thẩm mỹ. Cũng như (diễn xuất) cách điệu là sự chọn lọc, khoa trương, tô phóng động tác biểu tả, làm nổi hơn và đẹp hơn những góc cạnh của sự việc hoặc tâm trạng nhân vật, tương hợp với đặc tính của số thủ pháp cùng nằm trong ngôn ngữ kịch chủng (là hát, múa, nhạc, thơ), nhằm tạo dựng phong cách nghệ thuật một vở diễn hay một lớp trò.

Với chèo sàn diễn không đơn thuần chỉ là đôi chiếu trải, mà tùy thuộc vào hình thái miêu tả của nghệ nhân, nó có thể là đường đi, cảnh nhà hoặc đò giang, rừng núi; là liền kề gang tấc hay xa xôi cách trở. Nó kết hợp sát sao với thời gian để cùng mang tính giả định co giãn không chừng, giúp ích chèo bao quát nhiều nhiều loại vai, từ nhân vật chủ đề đến nhân vật tình tiết, theo sát câu chuyện mở dần từ đầu đến cuối. Trong đó, nhân vật được thể hiện bằng hành động bên trong và bên ngoài, bằng suy tư tâm trạng với ước vọng cuộc sống hạnh phúc, theo bản năng sinh tồn hoặc ngưỡng tín về một quyền phép siêu giới huyền hoặc mà còn rất chú trọng các mặt cấu thành môi trường sống của mỗi con người.

Vì thế chèo hết sức quan tâm đến tính nhất lưỡng của mỗi sự vật, mỗi con người, để thành quả đưa ra được toàn diện chân thật. Nó đòi nghệ nhân khi đóng vai phải tùy lúc tùy nơi mà khi thì thoát, đem thân mình làm công cụ thể hiện với thái độ phẩm bình, định giá trở lại nhân vật; khi thì nhập, vươn lên đóng "giống như lột", gia tăng sức truyền cảm để khán giả ngấm trò mà tiêu nhuyễn nhẹ nhàng chủ đề câu chuyện. Nó vừa phải yêu cầu diễn xuất phải ước lệ thoả đáng để có thể kết hợp tốt với múa hát, vừa chấp nhận những động tác cách điệu ở dạng gần gũi đời thường. Nó không khép kín những quy tắc ước lệ cứng nhắc mà cho phép mở ra những đoạn diễn gắn bó máu thịt với hiện thực trước mắt. Nói "nhại" kịch phương "Tây", thì diễn xuất chèo là từng chuỗi hành động bên trong bên ngoài nối tiếp, cả những tâm tư mơ ước, để đủ chứng minh những con người đạo đức hay không đạo đức khi thì biểu hiện (thoát, giả) khi thì thể nghiệm (nhập, thật) làm sao cho người xem trò biết là giả, song phải gây nổi cảm giác chân thật, để ngay lúc vui cười thoải mái vẫn thấy nảy ra ẩn ý khuyến cáo cảnh báo.

Trên thực tế diễn xuất chèo (cổ), ở hàng loạt mảng, lớp thấy bên cạnh nhiều nhân vật hành động và lời trò mang tính ước lệ biểu trưng không ai chối cãi, hay còn vô số nhân vật hành động và nói năng khoa trương khuyếch đại gợi nhắc hay đến hiện thực đời thường. Như khuôn diễn Lão say với dáng đi nghiêng ngả, chân nam đá chân siêu, dọng lè nhè, rất "gần gũi" với điệu bộ của không ít lão say rượu ngày hội làng nơi thôn ổ, khó có thể coi đấy thuộc loại nhân vật ước lệ. Từ khuôn diễn "lõi" ấy, nghệ nhân vừa vận dụng chuyển hoá thành những ông Mãng, ông Trinh, Lão Mộc,... khá sinh sắc, cũng chưa thể xếp vào loại ước lệ. Thế nhưng những Hương "câm", Ðồ "điếc", Thày "mù" mang sức gợi tả liên tưởng cao, do tính khái quát của hình "ảnh" lớn, thì đúng là mấy nhân vật ước lệ. Hoặc hành động của vợ Mõ bóc mồm Xã trưởng đùm vào thắt lưng, rồi ...hạ xuống, hoặc Phú ông cầm dùi thử trống chiêng vào đầu, vào lưng "thằng" Nô,...cũng có tính ước lệ nhất định. Bên cạnh đấy, vô số nhân vật, đoạn diễn khác đã có những hành động và lời trò còn ở mức cách điệu chưa cao, thậm chí, có người gọi là cách điệu cấp thấp khi xem mấy anh Hề diễn lại những biểu hiện cảnh vật của đời sống một dung tục, thô thiển.

Vì thế chúng tôi dùng thuật ngữ ước lệ - cách điệu, là có ý với tất cả diễn xuất vốn cổ truyền thống. Cũng là để nhắc lại mục đích không đi tìm "cái giống" bên ngoài của sự việc hoặc nhân vật mà phải làm bật lên "cái thần" bên trong của bản chất nhân vật. Câu khen "giống như lột" của khán giả khi được xem những lớp chèo hay là nhằm vào cái chân thật của thần thái nhân vật qua diễn xuất chính xác tinh tế của nghệ nhân. Bởi khi thể hiện những đoạn tâm trạng dạt dào xúc cảm của nhân vật, mà nghệ nhân "hoà nhập làm một" với vai đóng, thì sẽ khó giữ nổi bình tĩnh mà khách quan xử lý diễn kỹ cho tinh xảo, để làm khán giả mụ mị mà rơi vào cảnh ngồi xem sân khấu ảo giác (đừng quên sự giống nhau bên ngoài của nhân vật với đời thường rất "tiện " cho khán giả hoà mình đồng cảm với vai đóng), là điều trái ngược với phương pháp sân khấu của chèo cổ.

Trở Về