Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Sự quan tâm của người Pháp đối với văn hóa Việt Nam

Lê Văn Hảo

. Chín mươi năm phát triển của báo chí, văn học nghệ thuật Việt Nam cận hiện đại do tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Pháp và Âu Tây (1865-1954).
. Thơ mới và tiểu thuyết hiện đại Việt Nam trong những năm 1932-1945
. Trường Mỹ Thuật Đông Dương, cái nôi của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại
. Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và hơn 100 năm Việt Nam học Pháp dành cho Việt Nam
. Các Festivals Huế : những nổ lực giao lưu văn hóa định kì giữa hai dân tộc
. Chú thích và tham khảo 
Người Việt và người Pháp, Việt Nam và nước Pháp đã có những mối quan hệ lịch sử - văn hóa lâu đời. Từ cuối thế kỉ 16, nhiều giáo sĩ và thương nhân người Âu đã đến Đàng Trong và Đàng Ngoài vương quốc Đại Việt. Họ không chỉ làm công việc truyền đạo hay buôn bán, họ còn giúp đỡ, phục vụ hay cố vấn cho chúa Nguyễn, chúa Trịnh với tư cách là bác sĩ, kĩ sư, nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà thực vật học, nhà sử học, nhà văn ... João da Cruz giúp chúa Nguyễn thành lập xưởng đúc súng thần công, mở các trường pháo binh, kị binh, tượng binh. Võ vương sử dụng bác sĩ riêng là Jean Koffler, tác giả của Historica Cochinchinae Descriptio (Mô tả xứ Đàng Trong qua lịch sử) và các cố vấn khoa học là nhà toán học Xavier de Monteiron, nhà vạn vật học Jean de Loureiro, tác giả Flora Cochinchinensis (Thực vật chí xứ Đàng Trong), v.v. Những tác phẩm của Cristoforo Borri, de Rhodes, Chapman, P. Poivre, S. Baron ... đều là những tài liệu quí báu về đất nước, con người, văn hóa Đại Việt thời Trịnh-Nguyễn.

Sự có mặt của các giáo sĩ và thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan,Tây Ban Nha, Ý, Pháp ... thời ấy đã đánh dấu một bước ngoặt của lịch sử Việt Nam : đó là sự tiếp xúc đầu tiên với văn hóa, văn minh, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mại và tôn giáo phương Tây, góp phần làm giảm ít nhiều ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo.

Để truyền đạo dễ dàng hơn, các giáo sĩ phương Tây đã hợp tác với người Việt để sáng chế ra chữ quốc ngữ. Sự ra đời và hoàn thiện dần của chữ quốc ngữ trong các thế kỉ 17, 18 và 19 là thành quả tốt đẹp nhất của sự gặp gỡ giữa văn hóa văn minh Việt Nam với phương Tây, trong đó có sự đóng góp to lớn của người Pháp.

Chữ quốc ngữ, một sáng tạo và tiếp biến văn hóa đẹp đẽ trong lịch sử

Từ cuối thế kỉ 16 - đầu thế kỉ 17, nhiều giáo sĩ châu Âu đã bắt đầu nỗ lực trong sự nghiệp truyền đạo Công giáo. Để làm đẹp lòng giáo dân tân hông, họ ra sức học tiếng Việt và nghĩ cách ghi âm nó bằng chữ cái latinh thay cho chữ Nôm quá khó khăn phức tạp đối với họ.

Có công lớn nhất trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ là các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ như Gaspar do Amaral tác giả Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha (thất truyền) , Antonio Barbosa tác giả Từ điển Bồ Đào Nha - An Nam ( cũng thất truyền), Ornofre Borges tác giả Nhập môn tiếng Đàng Ngoài và nhất là Francisco de Pina, tác giả ưu tú của một loạt công trình tiên phong : Chuyên luận về từ vựng và các thanh tiếng An Nam, Ngữ pháp tiếng An Nam, Tập chuyện cổ tích An Nam, Tuyển tập các bài viết hay ở Đàng Trong. Sau khi ông De Pina mất, giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes đã kế thừa công trình đó của thầy mình và đã vinh danh thầy trong lời nói đầu cuốn Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La tinh như sau : " (...) Ngoài những điều tôi học được ( về tiếng An Nam ) nhờ chính người bản xứ trong suốt gần hai mươi năm tôi lưu trú tại hai xứ Đàng Trong (Cochin) và Đàng Ngoài (Tunkin) thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina (...) là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng An Nam và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng đạo bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn. Tôi cũng đã sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng Dòng Tên, nhất là cha Gaspar do Amaral và cha Antonio Barbosa,cả hai cha đã biên soạn mỗi ông một cuốn tự điển, ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha nhưng cả hai ông đều mất sớm. Sử dụng công khó của hai cha tôi đã thêm tiếng La-tinh (...)" (1).
Qua đoạn văn trên đây chúng ta thấy giáo sĩ De Rhodes (1591-1660) là người có may mắn lợi dụng được công lao của nhiều giáo sĩ tiền bối và sự giúp đỡ hợp tác của người Việt để hoàn thiện thêm một bước việc sáng tạo chữ quốc ngữ trong nửa đầu thế kỉ 17.
 

Trang bìa cuốn Tự điển Việt-Bồ-La nổi tiếng của A. de Rhodes, xb tại Roma 1651
Trang 1 cuốn Tự điển Việt-Bồ-La 
Trang đầu cuốn sách dạy giáo lí (Catéchisme) "Phép giảng tám ngày " của giáo sĩ A. de Rhodes, soạn và xb tại Roma (1651)
2 tác phẩm quan trọng của giáo sĩ Alexandre de Rhodes giữa tk XVIII

Ngày nay chúng ta có cả một kho tàng ngôn ngữ học và từ điển học từ Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa của bà Pháp Tính ở thế kỉ 17 với 3.394 từ, từ điển của Petrus Ký (1884) với 20.000 từ, từ điển của Paulus Của (1895-1896) với 25.000 từ, từ điển của Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Đào Văn Tập. cho đến Đại Từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như YÙ chủ biên (1999) với hơn 120.000 từ và nhóm, chúng ta vẫn không thể quên ơn những người Âu ( trong đó đa số là người Pháp ) đã có những đóng góp to lớn vào kho tàng đó, từ những công trình của Do Amaral, Barbosa, De Pina, Borges (đã thất truyền) , rồi Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha -La tinh của Alexandre de Rhodes (1651) với 8.000 từ, hai Từ điển An Nam - La Tinh, La Tinh -An Nam của Pigneau de Béhaigne và Taberd (1772, 1838), Từ điển Legrand de la Liraye (1868) với 15.000 từ, Từ điển Génibrel (1898) với 30.000 từ, Từ điển Gustave Hue (1937) với 35.000 từ cho đến Từ điển Eugène Gouin (1957) với 50.000 từ (2).

Trang bìa Cuốn Tự điển Việt - La tinh do giáo sĩ P.J. Pigneaux de Béhaine khởi soạn năm 1772; được giáo sĩ  J.L. Taberd chỉnh lý bổ sung, xb tại Ấn Độ năm 1838 Trang đầu Cuốn Tự điển Việt - La tinh

Có một điều rất đáng tiếc là, suốt hơn 250 năm, một công cụ sáng tạo và phổ biến văn hóa đầy hiệu quả như chữ quốc ngữ lại chỉ được duy trì và bảo toàn trong nội bộ cộng đồng Công giáo Việt Nam mà thôi. Oái oăm hơn nữa chữ quốc ngữ, do sự áp đặt có tính toán của người Pháp, đã bắt đầu và dần dần phát triển mạnh ở thời kỳ thuộc địa cuối thế kỉ 19. Có lẽ tục ngữ cách ngôn Pháp nói đúng: " A quelque chose malheur est bon " ( điều không may cũng có cái hay ).

Chín mươi năm phát triển của báo chí, văn học nghệ thuật Việt Nam cận hiện đại 
do tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Pháp và Âu Tây (1865-1954).
Đúng như nhận xét của hai nhà Việt Nam học Maurice Durand và Nguyễn Trần Huân, một trong những biến cố văn hóa lớn, một trong những hiện tượng xã hội - lịch sử lớn đã xảy ra tại Đông Nam Á là sự xuất hiện của chữ quốc ngữ như là phương tiện truyền bá văn hóa tại Việt Nam. Từ bỏ chữ Hán và chữ Nôm, Việt Nam đã thực hiện được nhờ sự phổ biến của chữ quốc ngữ, một "bước nhảy vọt thực sự", do sự thúc giục của phương Tây, để sáng tạo văn hóa trong nhiều lãnh vực : báo chí, phóng sự, nghiên cứu, phê bình, thơ mới, tiểu thuyết hiện thực. (3) bên cạnh kịch nói, tân nhạc, văn chương chính luận, song song với sự ra đời của những hình thức nghệ thuật mới như hội họa, điêu khắc, mỹ nghệ, tân nhạc.

Sự kiện đáng chú ý đầu tiên của giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt Nam - phương Tây là sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của nền báo chí Việt Nam hoàn toàn mới từ 1865 đến giữa thế kỉ 20. Sau khi Gia Định báo, tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, ra đời vào năm 1865 tại Sài Gòn, báo chí Việt Nam xuất hiện phong phú, sôi nổi chưa từng thấy từ Nam ra Bắc vào Trung, với những Nông cổ mín đàm, Đại Việt tân báo, Đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn, Phụ nữ tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Đại Việt tạp chí, Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh tạp chí, An Nam tạp chí, Tiếng Dân, Phụ nữ thời đàm, Văn học tạp chí, Phong hóa, Ngày nay, Khoa học phổ thông, Thanh Nghị, Tri Tân ... gắn liền với tên tuổi của những nhà báo, nhà văn, học giả "Tây học" xuất sắc : Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Ngọc... (4).

Đánh giá Đông Dương tạp chí (1913-1919), Từ điển Bách Khoa Việt Nam (tập I, Hà Nội, 1955) thừa nhận Đông Dương tạp chí đã "góp phần đáng kể vào việc trau dồi ngôn ngữ văn xuôi tiếng Việt đương thời". Nguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm tạp chí và một số dịch giả khác đã dịch ra tiếng Việt nhiều tác phẩm văn học xuất sắc của Pháp : Thơ ngụ ngôn La Fontaine, kịch của Corneille, Molière, Racine, tiểu thuyết của Hugo, Balzac. Đánh giá Nam Phong, Từ điển Bách Khoa Việt Nam (tập III, Hà Nội, 2003) viết : "Tạp chí đã mở rộng khai thác các đề tài lịch sử, xã hội và văn hóa - văn minh của Việt Nam và thế giới ( ... ). Trong xu thế đề cao tinh thần "bảo tồn cổ học", "dung hòa Đông Tây", tạp chí đã có vị trí nhất định và có cống hiến trong đời sống văn hóa và báo chí Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ 20". Nhờ tạp chí Nam Phong mà nhiều nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ Pháp đã đến với trí thức, thanh niên, sinh viên Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ 20. Khi Tự Lực Văn Đoàn ra tờ báo Phong Hóa để phê phán những hủ tục, tệ nạn xã hội, nết hư tật xấu của chế độ thuộc địa ở thành thị và nông thôn qua những hình tượng Bang Bạnh, Lý Toét, Xã Xệ thì Văn Đoàn đã tìm thấy một nguồn cảm hứng, một mẫu mực báo chí châm biếm trào phúng ở tờ Le Canard Enchainé nổi tiếng của Pháp (5).

Thơ mới và tiểu thuyết hiện đại Việt Nam trong những năm 1932-1945
Năm 1932 xuất hiện bài thơ đầu tiên của phong trào Thơ mới : Tình già của Phan Khôi. Liền sau đó là sự nở rộ của những tài năng mà trong chưa đầy hai thập kỉ đã đổi mới và đưa nền thi ca Việt Nam đến những kiệt tác: Thế Lữ, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Tế Hanh, Vũ Đình Liên và nhiều tài thơ khác (6).

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào Thơ mới : Thơ mới đã làm một cuộc tổng hợp lớn những ảnh hưởng của phương Tây và phương Đông để xây dựng nền thi ca hiện đại Việt Nam.

Từ 1932 đến 1945, Thơ mới đã chịu ảnh hưởng của một trăm năm thơ Pháp từ trường phái Lãng mạn đầu thế kỉ 20 (Chateaubriand, Lamartine, Vigny, Hugo) đến nhóm Le Parnasse (Théophile Gautier, Leconte de Lisle) qua Baudelaire đến trường phái Tượng trưng cuối thế kỉ 19 (Verlaine, Rimbaud, Mallarmé, có thể kể thêm nhà thơ Bỉ Maeterlinck).

Người đầu tiên chịu ảnh hưởng thơ Pháp là Thế Lữ trong Mấy Vần Thơ vừa có hơi hướng của thơ ca lãng mạn của những Lamartine, Hugo vừa có ảnh hưởng của tản văn Chateaubriand, Théophile Gautier. Trong thơ Huy Thông vừa có hơi thở của Hugo vừa có màu sắc của Leconte de Lisle, José-Maria de Hérédia. Từ 1936 về sau, các nhà thơ mới Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng thơ Baudelaire, Verlaine, Rimbaud. Lập luận về sự hòa hợp giữa các cảm xúc, về sự tương ứng giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh đã in dấu rất rõ lên những bài thơ tuyệt tác của những Xuân Diệu, Huy Cận, Đoàn Phú Tứ, Bích Khê, Hàn Mạc Tử... Còn ở nhóm Xuân Thu nhã tập ( Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh ... ) ảnh hưởng thơ tượng trưng của những Valéry, Mallarmé ... đã quá rõ ràng. Lê Đình Kỵ gọi "Thơ mới là cả một cuộc cách mạng trong thơ ca". Đỗ Đức Hiểu đã viết về "Thơ mới, cuộc nổi loạn của ngôn từ thơ", Phan Cự Đệ gọi Thơ mới là "một bước tiến mới của thi ca trên con đường hiện đại hóa". Và Hoài Thanh, Hoài Chân, tác giả Thi Nhân Việt Nam, sau khi gọi 15 năm Thơ mới là "một thời đại trong thi ca", đã có một nhận định khái quát táo bạo mà đúng đắn : "Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ(7).

Ảnh hưởng lớn nhất của sự phổ biến chữ quốc ngữ và của văn học Pháp đối với văn hóa Việt Nam là sự ra đời của một nền văn xuôi cận hiện đại Việt Nam từ cuối thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20.

Chữ quốc ngữ thông dụng và phổ biến sớm ở Nam kỳ đã đưa đến sự xuất hiện của những tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam : Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (Sài Gòn, 1887), Hồng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Thiên Trung, Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (1910) của Trương Duy Toản, Hà Hương phong nguyệt (1915) của Lê Hoằng Mưu, Ai làm được (1912), Chúa tàu Kim qui (1925) của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa hiệp kì duyên (1919) của Nguyễn Chánh Sắc , v.v. (8).

Phải đợi đến 1925 tại Hà Nội mới xuất hiện Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Tố Tâm làm sôi nổi dư luận đương thời và mở đầu phong trào lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại. Chuyện tình của Tố Tâm và Đạm Thủy nêu lên vấn đề tự do yêu đương, chống lại sự sắp đặt của cha mẹ theo lễ giáo cũ, sự lên tiếng của chủ nghĩa cá nhân trong tình cảm, tình yêu phản ánh ảnh hưởng tư tưởng, đạo lý phương Tây.

Nhiều tác phẩm văn học Pháp (của Bernardin de Saint-Pierre, Prévost, Victor Hugo, Alain-René Lesage, Alexandre Dumas.) được Nguyễn Văn Vĩnh và nhiều người dịch khác cho ra đời đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà tiểu thuyết Việt Nam từ Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương ... đến các nhà văn trong và ngoài Tự Lực Văn Đoàn : Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân ... Nhiều tác phẩm kịch nghệ của Pháp các thế kỉ 17, 18, 19 (của các tên tuổi lớn từ Molière, Corneille, Racine đến Victor Hugo, Marivaux) đến với Việt Nam nhờ Phạm Quỳnh và nhiều người dịch khác cũng là nguồn cảm hứng dồi dào của nền kịch nói non trẻ mới mẽ của Việt Nam với những kịch tác gia Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, Thế Lữ ... Các nhà văn trên dưới 30, 40 tuổi của hai thập kỉ 30-40 này đã tạo nên cả một thời kỳ phong phú trong cuộc sống tinh thần của nước Việt Nam hiện đại mà không ai có thể phủ nhận phần đóng góp của phương tiện truyền bá văn hóa kì diệu là chữ quốc ngữ và của giao lưu tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam, Pháp và phương Tây.

Trường Mỹ Thuật Đông Dương, cái nôi của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại
Có thể nói không ngoa rằng nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam mới bắt đầu có từ ngày thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1925. Trước đó hầu như Việt Nam chưa có một họa sĩ chuyên nghiệp nào (trừ những người vẽ chân dung truyền thần để kiếm sống) và cũng chưa có một nhà điêu khắc nào sáng tác tượng thế tục, mặc dầu nền điêu khắc truyền thống Việt Nam đã có một bề dày lịch sử nhiều trăm năm và những thành tựu tuyệt vời (tượng Phật) nhưng mới chỉ tập trung ở chùa chiền, lăng tẫm và chưa dứt ra khỏi tôn giáo.

Trường Mỹ Thuật Đông Dương chỉ thọ có 20 năm (1925-1945) nhưng đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài trong ngành hội họa. Victor Tardieu, người sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên của nó là một họa sĩ đầy tài năng và có một tầm nhìn rộng lớn nên đã đề ra được một chiến lược đào tạo sáng suốt : "Phải giúp đỡ các nghệ sĩ và nghệ nhân Việt Nam tìm lại cho được ý nghĩa sâu xa, nguồn cảm hứng cơ bản từ chính truyền thống của họ". Thật là một tư tưởng cao quí.

Cùng với Victor Tardieu - một nghệ sĩ có tấm lòng ái mộ chân thành đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam và một tình yêu sâu sắc đối với đất nước và con người Việt Nam thể hiện qua những sáng tác của ông - còn có Joseph Inguimberty ; khi truyền dạy những kỷ thuật hội họa mới lần đầu tiên du nhập vào Việt Nam cho các học trò, ông đã nói : "sự quay về với quá khứ trở nr-n có hiệu quả khi các em dùng nó làm điểm xuất phát cho những tìm kiếm mới, cho một diễn biến phù hợp với thời đại bây giờ; nói tóm lại để các em thực hiện một diễn biến hiện đại trong sự kéo dài một truyền thống ".

Dưới sự hướng dẫn của Tardieu , Inguimberty và một vài vị thầy người Việt xuất sắc khác như họa sĩ Nam Sơn, những họa sĩ trẻ đầy tài năng đã tiếp thu được ngôn ngữ nghệ thuật mới ấy.

Nhờ Trường Mỹ Thuật Đông Dương mà nghệ thuật Việt Nam hiện đại tiến thêm một bước mới nhờ hai sáng tạo : tranh lụatranh sơn mài. Người sáng tạo ra lối vẽ tranh lụa hoàn toàn Việt Nam ( khác với kỹ thuật tranh lụa đã có từ lâu đời ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên) và đưa nó lên đỉnh cao là sinh viên họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, người đã kết hợp được lối dựng hình và bố cục Âu Tây với cách diễn tả những mảng phẳng kiểu Á Đông tạo nên phong cách Nguyễn Phan Chánh trở thành mẫu mực cho thế hệ Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ... sau này.

Sáng tạo thứ hai của hội họa Việt Nam thời kỳ này là sơn mài. Với sự động viên khuyến khích của Inguimberty, chất liệu truyền thống chung của vùng Đông Á dùng làm đẹp các sản phẩm trang trí và mỹ nghệ này đã biến thành chất liệu độc đáo phục vụ tranh nghệ thuật nhờ tài năng của sinh viên họa sĩ Nguyễn Gia Trí, sau này trở thành bậc thầy dẫn đầu thế hệ những Trần Quang Trân, Lê Phổ, Phạm Hầu, Nguyễn Khang.

Với một chất liệu hoàn toàn xa lạ là sơn dầu, các họa sĩ trẻ ở Trường Mỹ Thuật Đông Dương cũng đã bày tỏ khả năng tiếp thu có sáng tạo. Người thành công nhất là sinh viên họa sĩ Tô Ngọc Vân với những tranh vẽ phụ nữ gây ấn tượng mạnh mẽ. Thời ấy không có họa sĩ nào thể hiện cái chất đằm thắm, nồng nàn và thơ mộng của các cô gái Việt hơn chàng sinh viên này.

Sau 20 năm hoạt động các thầy người Pháp và người Việt của Trường Mỹ Thuật Đông Dương đã có công đào tạo cho nền hội họa Việt Nam hiện đại hai thế hệ họa sĩ tài giỏi: thế hệ những Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn ... những năm 30 và thế hệ những Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên ... năm 40 làm cho hội họa Việt Nam từ ấy được thế giới chú ý và ái mộ (9).

Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và hơn 100 năm Việt Nam học Pháp dành cho Việt Nam
Ra đời vào ngày 20-1-1900, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (TVĐBCP, EFEO-Ecole Francaise d'Extrême-Orient) là một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học nhân văn lớn nhất thế giới chuyên nghiên cứu về Đông Á và Nam Á. Từ 1900 đến 1954, trụ sở TVĐBCP đặt tại Việt Nam, ban đầu ở Sài Gòn sau chuyển ra Hà Nội. Rời Việt Nam chuyển về Paris năm 1958, đến năm 1992 Trường đã mở lại một chi nhánh tại ngoại ô Hà Nội và tiếp tục công bố nhiều công trình Việt Nam học xuất sắc của những nhà nghiên cứu Việt và Pháp nhiệt tình hợp tác với nhau.

Là một cơ quan Đông phương học lớn, trong hơn 100 năm nay, TVĐBCP đã ưu ái dành một vị trí quan trọng cho Việt Nam học bên cạnh Trung Quốc học, Ấn Độ học, Nhật Bản học... trong các xuất bản phẩm của mình và trong tập san nổi tiếng Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême-Orient (BEFEO) cũng như trong sự lựa chọn và bố trí cho một số nhà nghiên cứu Việt Nam giàu năng lực làm việc và đóng góp cho trường. Nhờ những công trình sơ kết, tổng kết mà trường công bố trong những năm gần đây như: 90 năm nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - EFEO, Hà Nội, 1995), Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam : 1900-2000, Nhìn lại một thế kỉ nghiên cứu khoa học (Philippe Le Failler biên soạn, Hà Nội, 2000), Một thế kỉ vì châu Á, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (C. Clémentin-Ojha và PY. Manguin, nhà xuất bản Pacifique-EFEO, Paris, 2000), v.v., người ta thấy những đóng góp có thể nói là to lớn nhất của Pháp vào Việt Nam học từ thế hệ đầu thế kỉ 20 của những L. Cadière, E. Gaspardone, M. Durand. đến thế hệ mới đây nhất của những L. Vanderneersch, J-P. Drège, Ph. Papin. bên cạnh những đóng góp đáng chú ý của những Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Bùi Quang Tung ... là những thành viên người Việt tài giỏi của Trường.

Những khái niệm quan trọng đối với lịch sử văn minh Việt Nam như văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, ... đều được TVĐBCP công bố từ trước 1954. Trường đã xuất bản Thư mục Hán-Nôm quan trọng đầu tiên của E. Gaspardone, công trình nghiên cứu đại qui mô về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam của L. Cadière, những bản vẽ ghi (relevés) đẹp đẽ đầu tiên về kiến trúc cổ Việt Nam của Ch. Batteur và L. Bezacier. Những trống đồng Việt cổ ghi dấu trình độ cao của nền văn minh sông Hồng cách nay hơn 25 thế kỉ lần đầu tiên được giới thiệu một cách trang trọng trên tâïp san TVĐBCP v.v... Trước một một sự nghiệp Việt Nam học lớn lao như thế của đông đảo nhà bác học Pháp trong và ngoài TVĐBCP, các nhà nghiên cứu có tên tuổi của Việt Nam, những Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, ... đã bày tỏ sự biết ơn và nói lên lời ca ngợi thắm thiết (10).

Hơn 100 năm Việt Nam học mà Pháp dành cho Việt Nam cũng tiếp tục phát triển trong nhiều trường đại học lớn, Học viện khoa học nhân văn lớn của Pháp, trong Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (CNRS). Rất nhiều sách báo, tài liệu và hiện vật liên quan đến lịch sử văn hóa văn minh Việt Nam đang được tàng trữ trong các thư viện lớn, các viện lưu trữ, các Viện Bảo tàng Mỹ thuật lớn của Pháp, Nhiều người Việt và người Pháp gốc Việt là nghiên cứu sư , giáo sư, giáo sư danh dự, viện sĩ hàn lâm, viện sĩ thông tấn ... tại Pháp. Bên cạnh những xuất bản phẩm Việt Nam học của TVĐBCP , nhiều nhà xuất bản nhà nước ( Imprimerie Nationale ... ) và tư nhân ở Pháp vẫn tiếp tục công bố nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu liên quan đến Việt Nam. Đó là những nxb. P.U.F. , L' Harmattan, Larousse, Hachette, Gallimar, Les Indes Savantes, Picquier, Aube, Sudestasie ... giúp cho giới Đông phương học thế giới và bạn đọc thạo tiếng Pháp tiếp tục hiểu biết sâu rộng về Việt Nam.

Các Festivals Huế : những nổ lực giao lưu văn hóa định kì giữa hai dân tộc 
Từ nhiều thập niên qua, Bộ ngoại giao Pháp, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn không ngừng tài trợ cho các Trung Tâm Văn Hóa Pháp hoạt động đều đặn tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Nhiều giáo sư, nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ Việt Nam được mời sang Pháp viếng thăm, làm việc. Hàng ngàn học bổng được Pháp dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam.

Từ nay , hai năm một lần, Việt Nam tổ chức một Liên hoan văn hóa tầm cỡ quốc tế: Festivals Huế 2000, 2002, rồi mới đây 2004. Từ năm 2000 đến nay và về sau Pháp là nhà tài trợ lớn nhất cho các liên hoan định kì này. Nhiều nghệ sĩ có tên tuổi của Pháp đã nhiệt tình vào cuộc: đó là những Philippe Decouflé, Guy Alloucherie, Régine Chopinot, Laurent Garnier, Philippe Jamet, Pierrick Sorin, Xavier Rist, Marcia Fiani, Ea Sola...

Ở mỗi Festival Huế, các đoàn nghệ thuật của Pháp đã gặt hái nhiều thành công và thiện cảm của khán giả Việt Nam và quốc tế bên cạnh những thành tựu của các đoàn nghệ thuật Việt Nam, các đoàn đến từ các nước của Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Nga, Achentina ... theo những tin tức theo dõi được trên mạng internet và báo chí xuất bản trong nước (11).

Những kỉ niệm đau buồn của thời thuộc địa, thời chiến tranh đã vĩnh viễn đi vào lãng quên. Việc Pháp đứng ra làm đối tác chính của Việt Nam để cùng tổ chức một sinh hoạt văn hóa quốc tế lớn như Festival Huế cho thấy : Giao lưu tiếp biến văn hóa Việt - Pháp đã và đang đằm thắm nở hoa , những đóa hoa của tình hữu nghị , của lòng chung thủy mà hai dân tộc văn hiến lâu đời dành cho nhau.Lê Văn Hảo (Paris)

Chú thích 
(1) Alexandre de Rhodes, Từ điển Việt-Bồ-La (bản dịch), nhà xuất bản Khoa học Xã hội, TP/HCM, 1991, phần Việt ngữ, tr.3.

(2) Thái Văn Kiểm, Contribution française à la codification de la langue, l'écriture et la lexicographie vietnamiennes (L'oeuvre lexicographique des missionnaires et vietnamisants français et des lettrés vietnamiens), Edition de l'Asie du Sud-Est, Paris, 1996, (2 tập), 700 trang (luận án tiến sĩ).

(3) Maurice Durand, Nguyễn Trần Huân, Introduction à la littérature vietnamienne, Maisonneuve et Larose, Paris, 1969, tr. 110.

(4) Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1930, Sài Gòn, 1973.

(5) M. Durand, Nguyễn Trần Huân, Introduction., sdd, tr. 139-146.

(6) Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, nhà xuất bản Văn Học (tái bản), Hà Nội, 1997.

(7) Vũ Thanh Việt, Thơ mới lãng mạn - Những lời bình, nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, tr. 14-183.

(8) Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình (chủ biên), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập II : "Văn học", nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 199-217.

(9) Nhiều tác giả, Việt Nam XXe siècle, Arts plastiques et visuels de 1925 à nos jours, sách giới thiệu cuộc triển lãm cùng tên tổ chức tại Bỉ (Bruxelles), 9-10/31-12-1998 (tiếng Pháp và tiếng Việt), tr. 46-51.

(10) Philippe Le Failler, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp : 1900-2000, Nhìn lại một thế kỉ nghiên cứu khoa học, Hà Nội, 2000, tr. 9-20 : "Cái nhìn của một số nhà nghiên cứu Việt Nam".

(11) Festival Huế 2004, Chương trình chính thức, 12 tr. Ban Tổ chức Festival Huế xb, bản tiếng Pháp và tiếng Việt, 2004.


 [  Trở Về  ]