Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]             [ Trang chủ  ]

Điểm sách
(Dân tộc học, Văn hoá học)
Đồ Họa cổ Việt Nam

của Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt và Cung Khắc Lược
nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2000

Các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam đã viết khá nhiều về đồ họa truyền thống Việt Nam, về các dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, tranh thờ Huế, Nam Bộ thịnh hành trong các thế kỷ 16, 17, 18, 19 và đầu thế kỷ 20.

Đóng góp độc đáo của ba tác giả PCT, LQV và CKL là giới thiệu đồ họa truyền thống Việt Nam qua dòng tranh tôn giáo, nhất là đồ họa Phật giáo. Đây là một dòng tranh rất ít được biết đến vì nó đã nằm im rất nhiều thế kỷ trong kho kinh kệ của các ngôi chùa miền Bắc, miền Trung và trong kho lưu trữ của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm tại Hà Nội.

Cuốn sách gồm 4 chương : 1 - Lịch sử đồ họa Việt Nam từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX; 2 - Các loài hình và thể lọai; 3 - Hình mẫu và ý tưởng; 4 - Phần minh họa giới thiệu hơn 300 tác phẩm đồ họa tôn giáo và dân gian từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX.

Đồ Họa Cổ Việt Nam là một công trình độc đáo, mới mẻ và quí báu đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật và lịch sử văn hoá Việt Nam. Bên cạnh một số ít tác phẩm đã được biết đến (tranh dân gian), phần lớn là những tài liệu, chứng liệu mỹ thuật chưa hề được biết (tranh tôn giáo các dân tộc nhất là đồ họa Phật giáo). Phương pháp nghiên cứu vững vàng, thái độ đánh giá khách quan, qua hơn 200 trang sách khổ lớn (27 X 35 cm) in đẹp, ba tác giả PCT, LQV và CKL đã đem lại cho người đọc và các nhà nghiên cứu văn hoá một món quà tinh thần hấp dẫn, mới mẻ, quí hiếm, đánh dấu một bước phát triển mới của việc nghiên cứu lịch sử đồ họa và lịch sử mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Lê Văn Hảo
Nghề Dệt Cổ Truyền Ở Đồng Bằng Bắc Bộ Việt Nam

của Lâm Bá Nam, 
nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999

Việt Nam ta có một nền thủ công nghiệp và mỹ nghệ lâu đời và phong phú với nhiều nghề như gốm, mộc, làm nón, chạm gỗ, đúc đồng trong đó nổi lên nghề dệt, một nghề thủ công gắn bó mật thiết đến đời sống của nhân dân các vùng quê.

Nghiên cứu nền thủ công nghiệp-mỹ nghệ truyền thống là một mảng quan trọng của lịch sử kinh tế-xã hội và lịch sử văn hoá; là một dịp cho ta có thêm niềm tự hào về tài năng sáng tạo của người Việt Nam ở các xóm làng miền xuôi, miền núi, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc bộ.

Công trình của LBN gồm 3 chương : 1 - Tình hình nghiên cứu nghề dệt và đôi nét khái quát về cảnh quan cư dân đồng bằng Bắc bộ; 2 - Nghề dệt cổ truyền (Quá trình phát triển của nghề dệt; Các công đọan của qui trình dệt); 3 - Nghề dệt cổ truyền trong đời sống kinh tế-xã hội. 

Qua các tài liệu khảo cổ học và các tài liệu thư tịch cổ (Trung Hoa, Việt Nam), có thể khẳng định nghề dệt đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ đời Phùng Nguyên cách nay trên dưới 4000 năm. Đến thời Đông Sơn cách nay trên dưới 2500 năm, trên các trống đồng thạp đồng đã thấy xuất hiện hình người Việt cổ đóng khố, mặc áo, váy. Thư tịch cổ Trung Hoa xác nhận vào đầu Công nguyên người Lạc Việt đã trồng dâu nuôi tằm dệt vải (vải cát bá). Từ đó, nghề dệt của người Việt, nhất là ở đồng bằng Bắc bộ đã không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử cho đến ngày nay.

Nghiên cứu nghề dệt cổ truyền tác giả LBN không chỉ miêu tả kỹ thuật và sản phẩm mà còn đặt nó trong mối quan hệ giữa đối tượng và chủ nhân sáng tạo ra nó trong đời sống kinh tế-xã hội và văn hoá truyền thống qua những hình thức biểu hiện như tập quán, tín ngưỡng, phường hội, lễ lạt của các làng nghề.

Trong phần kết luận tác giả nhấn mạnh : nghề dệt cổ truyền có một tiềm năng lớn và những thành tựu tốt đẹp, những tiềm năng đó chưa được khai thác đầy đủ xứng đáng với tầm vóc của nó, cho nên đã đến lúc cần có một chính sách chấn hưng nghề dệt cổ truyền Việt Nam.

Nghề Dệt cổ truyền ở Đồng bằng Bắc bộ là một công trình nghiên cứu có nhiều tư liệu quý, có phương pháp tiếp cận mới, là một đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu thủ công-mỹ nghệ và văn hoá cổ truyền Việt Nam.

Lê Văn Hảo



Trở Về  ]