Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]


Tản mạn Phong Nha
Hồ Trung Tú

(trích Thời báo Kinh tế Sài Gòn 26-2-2004)

1. Toàn khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng rộng 50.000 héc ta, trong đó 94 o/o là rừng nguyên sinh với số lượng động thực vật phong phú và quý hiếm nhiều hơn bất cứ khu bảo tồn nào khác ở Việt Nam như Cát Tiên, Bạch Mã, Pù Mát, Yok Đôn, Kôn Ka Kinh, lưu vực sông Đà ... Nói như vậy cũng khó hình dung . Theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Mỹ, 400 triệu năm trước, những biến động địa chất đã đẩy lớp trầm tích đá vôi nằm dưới đáy biển sâu trồi lên thành một hoang mạc với một khối đá vôi dày đến 1.500 mét. Khối đá ấy không cỏ cây, bị nứt rạn và nước mưa đã len vào các khe nứt ấy, phản ứng với vôi tan chảy rồi kết tủa, mỗi năm một giọt, mỗi ngàn năm một gang tay thạch nhũ. Cứ như vậy, 400 triệu năm qua đã tạo nên một Phong Nha - Kẻ Bàng hiện nay với sông ngầm và hang động dài đến 90 cây số. Trải qua bốn thời kỳ địa chất, có thời kỳ thị xã Đồng Hới ngày nay nằm dưới mực nước biển đến 200 mét, nên các hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng rải ra trên bốn độ cao khác nhau. Cái nào cũng đẹp, cũng hùng vĩ tráng lệ như cung điện, chỉ tiếc là lối vào không dễ nên hiện du khách chỉ vào được vài động ở dưới thấp và gần cửa hang Phong Nha.

2. Tại sao hang động lại lôi cuốn con người đến thế ? Đó là nơi ẩm thấp và tối tăm nhưng không hiểu sao trong ý nghĩ của chúng ta, nó vẫn hiện ra như một thế giới kỳ ảo, ẩn chứa nhiều bất ngờ; ở đó trí tưởng tượng của con ngưòi thả sức bay bổng.

Nhiều người bảo rằng hang động cuốn hút con người là vì suốt trong quãng thời gian dài đằng đẵng ba triệu năm, con người đã sống trong các hang động. Con người mới chỉ bước ra khỏi các hang động từ mưới ngàn năm trở lại đây để tạo nên nền văn minh ngày nay. Và khi có dịp, có điều kiện thì những ký ức xa xưa về cái nơi từng chở che cho loài người lại thức dậy. Mà cũng không cần đến ký ức, đến Quảng Bình, cách động Phong Nha không xa, chúng ta sẽ gặp những bản làng người Arem, người Rục thuộc cộng đồng người Chứt, theo ngôn ngữ của họ có nghĩa là vách đá, rèm đá . Suốt chiều dài lịch sử, họ chưa ra khỏi hang và không biết đến chuyện làm nhà cửa. Phong Nha - Kẻ Bàng lưu giữ trong những cánh rừng rậm rạp của mình không chỉ một hệ động thực vật phong phú mà còn lưu giữ cả ký ức của loài người.

3. Đến Phong Nha, gần như ai cũng thừa nhận rằng, hang động Phong Nha không hề giống với bất cứ sự hình dung nào. Mỗi lần đến Phong Nha, ta lại có một cảm giác hoàn toàn khác. Sự to rộng và tráng lệ của ánh nước hắt lên các thạch nhũ không lần nào giống lần nào. Nó choáng ngợp và kích thích trí tưởng tượng của con người bay bổng, không giới hạn. Đây là Phật Bà, đây là con rồng, kia là cá sấu, đó là cô tiên ... Cuộc sống hiện đại không phải lúc nào cũng cho phép con người thả trí tưởng tượng của mình như thế. Phong Nha như một thoáng chốc giúp con người quên đi thực tại với rất nhiều duy lý để trở về với thời nguyên thủy, hoang sơ. Ở đó, hình như con người có thể tìm thấy sự yên tĩnh cho lòng mình. Lắng nghe từng tiếng nước rơi từ các thạch nhũ, ta như nghe thấy tiếng bước đi của dòng thời gian đằng đẵng 400 triệu năm, 400 triệu năm là chừng nào ? Trong sự yên tĩnh và kỳ ảo của hang động, Phong Nha như đánh thức cảm xúc trong ta khi đối diện với cái mênh mông vô tận, tạo điều kiện cho con người tìm về cái gốc của mình.

4. Giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói Phong Nha - Kẻ Bàng vì nằm trên tầng đá vôi, ít lớp đất mùn khi bị rửa trôi nên là một hệ sinh thái vô cùng mong manh, khó có thể tự phục hồi một khi bị tàn phá. Ở đây có quá nhiều cây gỗ, cây dược liệu, cây cho quả vả hoa quý, hiếm. Động vật cũng vậy, con sao la, con mang Trường Sơn chỉ là bề nổi, những cánh rừng nguyên sinh ở đây còn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn. Hãy một lần treo võng nằm giữa cánh rừng nguyên sinh toàn những cây cổ thụ, sẽ hiểu cuộc sống đô thị mà chúng ta đang sống thực sự thiếu điều gì ?

H.T.T.


Trở Về  ]