Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa Việt Nam

Năm 2003, Việt Nam hai lần được vinh danh : 
Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng 
và Nhã Nhạc Cung Đình Huế, 
di sản của nhân loại.

Lê Văn Hảo

Đầu tháng 7 - 2003, UNESCO công nhận Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) di sản thiên nhiên thế giới.

Đầu tháng 11 cùng năm, Tổ chức Văn hóa của LHQ lại ghi Nhã Nhạc Cung Đình triều Nguyễn (Huế) vào danh lục các kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Như vậy là Quần thể di tích lịch sử và văn hóa Huế (Thừa Thiên - Huế ) (1993), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) (1994), Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) (1999) và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) (1999), Việt Nam lại thêm hai lần được thế giới vinh danh vì cái đẹp của một góc thiên nhiên và một sáng tạo văn hóa dám nói là tuyệt vời.

Trong niềm vui tự hào chính đáng, chắc cũng cần chú ý lời tuyên bố của tổng giám đốc UNESCO Kiochiro Matsuura. Sau khi UNESCO đã ghi tên nhã nhạc Huế là một trong 28 kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (đợt 2), ông đã nhấn mạnh : "Mục đích của việc công bố này không đơn thuần chỉ là thừa nhận giá trị của di sản phi vật thể mà còn đòi hỏi các quốc gia phải cam kết thực hiện các kế hoạch nhằm phát huy và bảo vệ các kiệt tác được ghi vào danh lục " (1).

***

I - Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng , Tặng phẩm của 400 triệu năm tiến hóa địa sinh học

Con số này, do các nhà địa lý học, địa chất học có thẩm quyền đưa ra làm cho chúng ta phải phóng một cái nhìn chiêm ngưỡng về Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB).

Nó đáng cho ta ngưỡng mộ bởi vì di sản thiên nhiên thế giới thứ hai này của Việt Nam - bên cạnh Vinh Hạ Long - là ngôi VQG già tuổi, đẹp đẽ và kì vĩ nhất trong hệ thống VQG của ta: Ba Bể, Bạch Mã, Bến Én, Bình Châu, Cát Bà, Cát Tiên, Cúc Phương, Tam Đảo, Ba Vì, Côn Đảo, Tràm Chim ...

Nằm ở phía bắc dãy Trường Sơn thuộc phần đất hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa (Quảng Bình), VQG PN-KB được xem là một trong hai vùng đá vôi rộng nhất thế giới, với tuổi địa chất suýt soát 400 triệu năm, trên một diện tích hơn 20 vạn ha,

VQG PN-KB gồm :

- Một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh rộng hơn 4 vạn ha, với độ che phủ trên 95 o/o, với tính đa dạng sinh học cao: có khoảng 568 loài thực vật, 876 loài động vật (162 loài cá nước ngọt, nổi tiếng nhất là cá ton (2), quê hương của các loại gỗ quí trai, nghiến, táu, gụ, sến và cả những cây chò ngàn năm tỏa bóng mát che cho những cô chú rùa vàng, chép tím, khỉ vàng, vượn bạc má, voọc vá chân âu ...

- Một quần thể khoảng 300 hang động độc đáo, kì vĩ, đầy bí ẩn, nào là hang Én, động Tiên Sơn dài 1000 m, động Phong Nha dài ngót 10 km, hang Vòm dài đến 28 km, một kỉ lục đáng đưa vào sách Guiness.

Khối núi đá vôi Kẻ Bàng và khu rừng nhiệt đới nguyên sinh Phong Nha được tắm tưới bởi một phụ lưu của sông Gianh gọi là sông Chài hay sông Troóc, có đoạn chảy ngầm trong lòng núi đá vôi để tặng cho VQG PN-KB một thắng cảnh tuyệt vời: quần thể hang động Phong Nha. Đoạn sông Chài đưa khách du thẳng đến Phong Nha gọi là sông Son xanh ngắt và trong suốt, có nơi thấy rõ cả đáy sông và các chị cá tung tăng.

Trước mắt ta một dãy núi đá vôi sừng sững. Đến gần hơn nữa thấy lấp lánh trên vách núi một bức hoành phi sơn mài đen thẫm: cửa động. Gió từ Phong Nha thổi ra lúc ào ào như giông bão, lúc reo lên như tiếng phì hơi của một chú quái vật khổng lồ. Vào động phải đi bằng thuyền do người địa phương chuyên nghiệp chèo lái, phải mang theo đuốc, đèn pin. Vào sâu khoảng 100 m, động bỗng thắt hẹp lại và tối om, tối mò. Phải thắp nhiều đuốc lên mới thậy nẻo mà chèo, đôi lúc lẫn với tiếng bơi chèo nghe như có tiếng trống, tiếng chiêng " bi li ... tùng ... bi li " từ đáy nước vang lên. Người địa phương mê tín một cách nên thơ bảo rằng đó là âm nhạc trong tiệc rượu của thần núi vọng ra. Sự thật thì Phong Nha của chúng ta là một loại " động âm nhạc " hiếm hoi, như động Fingal của xứ Scotland nước Anh: hang chạy dài thông thống như ngĩ ống, trần đá cong như mui thuyến, vách đá gồ ghề lồi lõm hất ngược các âm thanh ( tiếng bơi chèo, tiếng cười nói bình phẩm tán thán râm ran ) trở lại, nước trên trần nhỏ giọt thánh thót, tiếng sóng vỗ vào những mô đá, vách động khấp khểnh, tất cả tạo nên bản hợp xướng Phong Nha, lúc ầm u như tiếng chiêng, lúc bập bùng như tiếng trống, lúc lanh lảnh như chuônf ngân, nghe kỳ thú đến ... rợn người.

Phong Nha ( động chính ) có trên 20 buồng với hành lang dài tới 1500 m. Từ buồng thứ 14 , có thể theo những hành lang hẹp khác đi sâu hơn nữa đến những buồng to rộng như 14 buồng đã vượt qua, nhưng hình như ít có mấy ai dám tiếp tục cuộc mạo hiểm phiêu lưu tranh tối tranh sáng dưới mặt đất trên mặt nước sông ngầm để đến những ngóc ngách đầy hiểm nguy bất chợt khó lường trong lòng núi đá vôi. Nhà địa lý học Lê Bá Thảo cho biết vào tháng 4 - 1990 một tốp nhà hang động học thuộc Viện Hàn Lâm Hoàng gia Anh cùng một số nhà hang động học Việt Nam thuộc trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội đã đi sâu vào được ngót 5 km trong lòng núi Kẻ Bàng, nhưng chưa hết hang ngầm và đã quay lại (3). Nhiều tác giả Việt Nam và nước ngoài, sớm nhất có lẽ là các sử quan tham gia viết Đại Nam Thực Lục giữa tk XIX, cho đến các nhà hang động học người Anh hôm qua, đã nói đến cái đẹp của Phong Nha: những buồng và hành lang phủ đầy vú đá, măng đá diễm lệ mà kỳ ảo; dòng sông ngầm dù được tráng một lớp sáng mỏng nhờ đèn đuốc vẫn không đủ làù mờ màu đen ngòm của vực sâu đáy nước; những hình thù đá vôi bọc rêu mà trí tưởng tượng của khách du, của nhà thám hiểm tha hồ thẹu dệt thành những hình tượng, sự tích kỳ lạ, từ tám vị Tiên vượt biển đến tráng sĩ Na Tra giao tranh với quỷ yêu, từ đầu trâu, bờm ngựa, cọp chầu, voi phục, đến sư tử vuốt râu, hạc đậu lưng rùa ... Phong Nha quả là bức tranh vân cẩu kỳ vĩ, viện bảo tàng điêu khắc vô vàn qua Động Nước, Động Khô, Hang Ngoài, Hang Trong, Hang Nước Cạn ... Trong số hàng trăm hang động đã biết và chưa biết ấy, đoàn thám hiểm thuộc Hội Hang động Hoàng gia Anh đã khám phá ra một kỷ lục. Năm 1992, họ xác nhận : đến giờ này có lẽ Hang Vòm là hang kỳ vĩ và có độ dài lớn nhất 28 km (động Phong Nha chỉ dài khoảng 10 km).

Hình như tạo hóa sinh ra Kẻ Bàng - Phong Nha để nó được hưởng nhiều cái cực độ, cực điểm (superlatif). Ví dụ :

Năm 1994 tiến sĩ Haward Limber, trưởng đoàn thám hiểm Phong Nha - Kẻ Bàng đã tuyên bố : " Với kinh nghiệm của 16 năm thám hiểm hang động ở Tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của Hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới " '4). Sau đó, nhiều người cảm thấy có lẽ nhà hang động học người Anh phát biểu quá cô đọng, vừa chưa đủ cụ thể vừa chưa đạt khái quát.

Mà quả thật, năm 1997 tại Đồng Hới một cuộc hội thảo khoa học lớn về di tích danh thắng Phong Nha và núi rừng Kẻ Bàng dựa trên kết quả thám hiểm khảo sát, nghiên cứu và hợp tác quốc tế nhiầu năm đã đúc kết:

1 - Vùng đá vôi có tuổi địa chất già nhất : 400 triệu năm,

2 - Công viên quốc gia - rừng nguyên sinh rộng nhất : hơn 20 vạn ha,

3 - Cửa hang cao và rộng nhất,

4 - Dòng sông ngầm xuyên núi dài nhất: 14 km,

5 - bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất,

6 - Hồ nước ngầm đẹp nhất,

7 - Hang Khô rộng và đẹp nhất: Hang Én,

8 - Hang Nước dài nhất: Hang Vòm, 28 km,

9 - Hệ thống thạch nhũ (vú đá, măng đá) tráng lệ, kỳ ảo nhất.

Đó là đánh giá chung của gs Nguyễn Quang Mỹ, chủ tịch Hội Hang động Việt Nam, của ts Haward Limber, trưởng đoàn thám hiểm Phong Nha thuộc Hội Hang động Hoàng Gia nh và những người tham gia cuộc hội thảo 1997 (5).

Với tư cách một người đã tham gia thám hiểm Phong Nha cách đây hai mươi năm, tôi thấy có thể chấp nhận những kết luận ban đấu này của Hội thảo 1997. Hai mươi năm đã qua mà vẫn khó quên cái cảm giác vừa say sưa hưng phấn vừa sớ sợ hoang mang khi mình đang ở sâu trong lòng đất mà bềnh bồng trên mặt nước, giữa đỉnh cao đá vôi 9,9 trăm mét và vực thẳm sông ngầm bao nhiêu chục mét, rồi bâng khuâng tự hỏi: nơi đây sao lại có dòng sông kì lạ chảy xuyên qua Trường Sơn mà chưa ai biết đến ngọn nguồn ?

Cũng như các hang động nổi tiếng thế giới Padirax, Chuồn Chuồn (Grotte des Demoiselles) của Pháp, Hans-Sur-Lesse của Bỉ, Fingal của Anh, Waitomo của Tân Tây Lan ... Phong Nha là một kỳ quangiữa những kỳ quan hang động khác của nước ta vừa qua đã được các nhà hang động học Việt Nam và nước Anh kiểm kê bước đầu (6).

Mười tám năm đã qua kể từ ngày Bộ Văn hóa ra quyết định (12.12.1986) công nhận Phong NhâKẻ Bàng là di tích văn hóa và khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia. Rồi giữa năm 2003 Tổ chức Văn hóa của Liên Hiệp Quốc lại công nhận VQG PN-KB là di sản thiên nhiên thế giới. Từ nay Việt Nam có trách nhiệm gìn giữ nó cho dân tộc và nhân loại, tránh ô nhiễm môi sinh, xúc phạm thiên nhiên, lạm phát du lịch và mọi sử dụng khai thác quá đáng khác, được như thế PN-KB với tính đa dạng sinh học cao, với các quần thể động vật, thực vật, khoáng sản phong phú sẽ bảo tồn được nguồn gen và sinh cảnh đẹp đẽ quý hiếm.

Một lễ hội lớn đã diễn ra giữa tháng 2-2004 trên một số địa bàn trọng điểm: thị xã Đồng Hới, huyện Bố Trạch và ngay tại VQG PN-KB, với lễ đón tiếp Bằng Di sản thiên nhiên thế giới, hội chợ du lịch - thương mại, hoạt động " Hành trình về nguồn ", hội đua thuyền độc mộc và diễu hành thuyền du lịch, trò chơi dân gian và thể thao quần chúng, hội hoa đăng, hội thảo khoa học, triển lãm tranảnh Nghệ thuật ... (7).

Mong sao quý hồ tinh bất quý hồ đa, và thiên nhiên PN-KB nhất định phải được bảo vệ như viên ngọc quý của nhân loại giữa lòng Việt Nam.

***

Tham khảo và chú thích

(1) Mầu tin : Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, tập san Diễn Đàn, Paris, số 132, tháng 9-2003, tr. 6.

(2) Vũ Toàn, Người tìm cá ở Phong Nha - Kẻ Bàng, http://www.tuoitre.com.vn

(3) Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 164.

(4) Vũ Oanh, Phong Nha động đẹp nhất thế giới, tạp chí Toàn Cảnh, Sự Kiện và Dư Luận, Hà Nội, số 48, tháng 7 - 1944, tr. 35.

(5) Tổng Cục Du Lịch, Trung Tâm Công Nghệ Thông tin Du Lịch, Non nước Việt Nam, sách hướng dẫn du lịch, Hà Nội, 1998: "Động Phong Nhả, tr. 411 - 412.

- Phạm Bá Nhiễu, Phong Nha, mốc mở đầu tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, tạp chí Xưa và Nay, Hà Nội , số 124, tháng 9-2002, tr.39.

- Trần Thị Cúc Phương, Một năm thêm hai di sản thế giới: Cả đất nước và con người được tôn vinh, báo Thanh Niên, Hà Nội, số Xuân Giáp Thân, 2004, tr. 28.

Trần Quốc Chấn và tác giả khác, Du lịch Bắc miền Trung, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, 2001: "Động Phong Nha" , tr. 168-170.

(6) Lê Văn Hảo, Huế giữa chúng ta, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1984: "Phong Nha", tr. 12-14.

- Lê Văn Hảo và Trịnh Cao Tưởng, Huế, nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội, 1983: "Phong Nha", tr. 6-7.

- Lê Văn Hảo, Trần Hợp, Nguyễn Hồng Đang, Việt Nam non nước thần tiên - Vietnam a Country of Fairland, nhà xuất bản Khoa Học Kỹ Thuật Lâm Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh hợp tác xuất bản. Phần tóm lược bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, 150 trang, 57 ảnh: "Phong Nha ", tr. 56-58.

- Lê Văn Hảo, Động Phong Nha giữa những kỳ quan hang động của Việt Nam, tạp chí điện tử Chim Việt Cành Nam, http://chimviet.free.fr, 1 trang, 3 ảnh.

- Nguyển Quang Mỹ và Harward Limbert (đồng chủ biên), Kỳ quan Hang động Việt Nam - The Wondres of Vietnamese Caves, với sự hợp tác của 55 tác giả Việt Nam và Anh. Lời mở đầu của Nguyễn Văn Mậu, lời bình của Nguyễn Quang Mỹ, Introduction của H. Limbert giới thiệu Phong Nha và khoảng 100 hang động khác ở 15 tỉnh của Việt Nam. Phụ lục: Di sản văn hóa Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, 245 trang (tiếng Việt - tiếng Anh), 217 ảnh màu, nhiều bản đồ. "Phong Nha"; tr. 25-83, 54 ảnh, 3 bản đồ.

- Uyên Ly, Các nhà khoa học Việt Nam và Anh quốc: Chinh phục trong lòng trái đất, Báo Tuổi trẻ Chủ nhật (15-2-04).

(7) - Lam Giang, Quảng Bình đón nhận Bằng Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Một lễ hội qui mô và hoành tráng, báo Tuổi Trẻ số 27 (7-2-2004).

- Nguyễn Thúy, Phong Nha, chuyến tiếp thị di sản, tập san Sài Gòn Tiếp thị, số của tuần lễ 19-2 đến 26-2/2004.
 

Phụ lục 1 : Người tìm cá ở Phong Nha - Kẻ Bàng ( Vũ Toàn )
Phụ lục 2 : Tản mạn Phong Nha ( Hồ Trung Tú )

 
Phong Nha - Kẻ Bàng
( Bấm bào ảnh để phóng lớn )
   
   
   
   
 


Trở Về  ]