Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]


 
Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam
*
Xứ Huế - Thuận Hóa - Phú Xuân giữa đại vùng văn hóa ven biển miền Trung
 

Lê Văn Hảo

Rời hai vùng văn hóa xứ Thanh xứ Nghệ đi về hướng Nam của đất nước, ta sẽ gặp vùng văn hóa xứ Huế giữa đại vùng văn hóa ven biển miền Trung.

Xứ Huế , theo nghĩa rộng, bao gồm một vùng đất cổ từ Bố Chính Địa Lý, Ma Linh đến Ô và Ri, vốn thuộc vương quốc Lam Ấp - Chăm pa từ cuối thế kỷ 2 (sau Công Nguyên), và chỉ từ thời Lý-Trần (tk 11 - 14 ) nó mới thuộc về vương quốc Đại Việt. Nói cách khác, xứ Huế xa xưa chính là vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế ngày nay. Do đó nói vùng văn hóa xứ Huế là nói tới ba tiểu vùng văn hóa Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và nhất là vùng văn hóa Phú Xuân - Huế.

Tiểu vùng văn hóa Quảng Bình của xứ Huế truyền thống
Có thời là một phần đất của tỉnh Bình Trị Thiên cũ (sau 1975) nhập rồi lại tách (1988), tỉnh Quảng Bình ngày nay với 8.000 km2 và 850.000 dân có một tính cách văn hóa-tinh thần đặc sắc xứng đáng với tên gọi tiểu vùng văn hóa Quảng Bình, với những thắng cảnh, địa danh nổi tiếng : đèo Ngang, sông Gianh, sông Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Bàu Tró, Bàu Sen, Lũy Thầy, núi Chùa Non, núi Đâu Mâu, tám làng văn vật : Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngõa, Văn La, Võ Xá, Cổ Đạm, Kim Mai ( " Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim " ), chợ Ba Đồn, hai vựa thóc trù phú Lệ Thủy, Quảng Ninh ( " Nhất Đồng Nai, nhì Hai huyện " ) . Nhờ vậy mà Quảng Bình đã nhiều lần đi vào tục ngữ, ca dao, dân ca, thơ Lê Thánh Tông, Bà Thanh Quan, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm,  ... :
- "Lũy Thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu"
- " Sông Nhật Lệ dòng sâu biết mấy
Núi Đâu Mâu cao bấy nhiêu tầng "
- " Ai về Đồng Hới, Lý Hòa
Buồm giong đôi ngọn thương đà nên thương "
- " Ba Đồn là đất châu Ô
Một đoàn con gái chạy vô thăm chồng "
-"Dừng chân đứng lại trời non nước...".v.v.
Hai đỉnh cao của tiểu vùng văn hóa Quảng Bình chắc chắn là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bànghệ thống Hò khoan Lệ Thủy.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO tuyên dương là một di sản thiên nhiên của nhân loại ( tháng 7 - 2003 ) vì nhiều cái "nhất" : nằm trong vùng đá vôi già nhất (hàng trăm triệu năm) , có rừng nguyên sinh rộng nhất (200.000 ha) ; có dòng sông ngầm xuyên núi dài nhất (14 km) , có những thạch nhũ tráng lệ kỳ ảo nhất, v.v., theo đánh giá của Hội Hang Động Việt Nam và Hội Hang Động Hoàng Gia Anh sau 12 năm thám hiểm, nghiên cứu (1990-2001).

Còn hệ thống Hò khoan Lệ Thủy ở Quảng Bình cũng có vài cái "nhất" khi vang lên trên những cánh đồng phì nhiêu, những dòng sông hữu tình, hay trong những hội hò khoan thâu đêm suốt sáng được đông đảo người nghe yêu cầu nghệ nhân phải hò trong hơn một chục đêm hội liên tiếp cho hết hàng trăm câu của một tổ khúc sáu điệu trữ tình làm cho người nghe quên ăn quên ngủ vì quá ngon, quá no với những hò mái chè, hò mái nện, hò mái ba, hò mái nhì, hò mái duỗi, hò mái xắp.
Khi cần đằm thắm thì hò khoan Lệ Thủy vô cùng tha thiết :

"Nước cạn em xuống sông mò cua bắt cá
Nước nậy (lớn) em lên rừng hái rau má rau mưng
Anh ơi chua cay mặn ngọt đã từng
Dẫu chàng ăn đi mà thiếp nhịn
Một hai ba bốn xin đừng theo ai...".
Nhưng khi cần phản đối thì ý tình cũng quyết liệt :
"...Ai nói với anh em đã có chồng ?
Tức mình em đổ cá xuống sông em về"
với ngụ ý là sau khi "đổ cá" có thể "đá cổ" luôn đó ai ơi !

Cần nói thêm rằng, bên cạnh tổ khúc Hò khoan Lệ Thủy nổi tiếng này, nghệ nhân Quảng Bình xưa đã sáng tác hơn 20 điệu hò khác : hò vân, hò là, hò hí la, hò phơi xăm, hò nậu xăm, ò mái đò, hò lĩa trâu, hò ý gia, hò mái dài, ho hoi lên, v.v., như đã được thống kê trong những năm gần đây ( Lê Văn Hảo, Hò Bình Trị thiên, 1979, Tôn Thất Bình, Dân ca Bình Trị Thiên, 1997, ... ).

Tiểu vùng văn hóa Quảng Trị
Tên tỉnh Quảng Trị chỉ mới xuất hiện từ đầu thời Gia Long nhưng mảnh đất này đã từng thuộc quận Nhật Nam thời Bắc thuộc, rồi thuộc châu Ma Linh và châu Ô của Chăm pa. Quảng Trị có núi thiêng Tá Linh Sơn và động Voi Mẹp, núi Mai Lĩnh, sông Thạch Hãn, sông Hiền Lương ; ở thời cận hiện đại, Mai Lĩnh và Thạch Hãn đã trở thành biểu tượng của tỉnh Quảng Trị vì tính chất kỳ vĩ, hữu tình của "non Mai, sông Hãn" 
Chẳng thơm cũng thể hương đàn, 
Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra.
Bất chấp gió Lào khắc nghiệt, Quảng Trị vẫn có một mảng Trường Sơn uy nghi ở phía Tây và một dải Đại Trường Sa dằng dặc ven Biển Đông, với hàng chục bãi tắm tươi đẹp mà nổi tiếng nhất là bãi biển Cửa Tùng thời Pháp thuộc từng được mệnh danh là "nữ hoàng của các bãi tắm", " Hòn ngọc của các bãi biển thừa lương " ( từ ngữ cổ : thú thừa lương là thú hóng mát ).

Quảng Trị còn có danh thắng Đắc Krông hùng vĩ ; Nguyễn Hoàng, một kiện tướng của sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã để lại dấu vết ở Đình Cát, Ái Tử, Trà Bát. Ở Trà Bát nay còn ngôi chùa Liễu Ba với pho tượng đồng quí báu mang phong cách thời Mạc (tk 16 ), khu Chợ Thuận với nhiều di tích Chăm cổ : giếng, mộ, đồ gốm. Cảm động nhất là di tích miếu thờ Huyền Trân, người con gái Việt đã đem về cho tổ quốc một dải đất dài rộng từ nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam (1306) : sau 700 năm hương khói, miếu Huyền Trân nay vẫn còn ở Xóm Chùa, huyện Cam Lộ. 

" Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi " ...
Nếu thành Tân Sở ở vùng Đèo Cùa (Cam Lộ) ghi dấu lòngn yêu nước của vua Hàm Nghi ngày nay ít ai lui tới thì trái lại Nhà thờ La Vang, nơi tương truyền Đức Mẹ đã hiện ra cuối đời Tây Sơn và vùng danh thắng Suối nước nóng Tân Lâm (trên 40°C và  chữa được nhiều bệnh ) lại là nơi thu hút hàng ngàn du khách và hàng vạn tín đồ hành hương, từ thời Pháp thuộc đến tận ngày nay.

Cách cố đô Phú Xuân - Huế khoảng 60 km, Quảng Trị là nơi lưu giữ một di sản văn nghệ dân gian đặc sắc, đây là quê hương của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhạc sư, danh ca : Châu Loan, Duy Khánh, Nguyễn Hữu Ba... Nếu nhiều điệu lý, điệu hò là di sản chung của Quảng Trị - Thừa Thiên thì Quảng Trị cũng có những điệu dân ca riêng biệt của mình : hòđập bắp, hò dô hậy (hô giang hậy), hò Hải Thanh (hò Như Lệ), hò mái nhì Triệu Hải (một điệu hò trên cạn) ...

Nhiều vùng văn hóa ở miền Bắc có hát trống quân rất bình dân thì nghệ nhân Quảng Trị đã sáng tạo ra nhạc trống quân, một loại hình khí nhạc nửa dân gian nửa cổ điển : ra đời gần 200 năm nay tại hai làng Điếu Ngao và Bích Khê (phủ Triệu Phong). Nhạc trống quân Quản Trị đã trở thành một diễn xướng sân khấu bề thế với một dàn nhạc gồm nhiều trống con, kèn bóp và một xập xõa, biểu diễn bảy khúc nhạc ( bảy " giá " ) độc đáo từ chậm rãi, dõng dạc, trang nghiêm đến rất nhanh, sôi nổi, hào hùng, với những tên " giá " độc đáo giàu tính thượng võ : Quân tiểu, Quân đại, Mở cờ ( Lê Quang Nghệ, Đi tìm điệu Trống quân Quảng Trị, 1996 ).

Tiểu vùng văn hóa Thuận Hóa – Thừa Thiên
Thuận Hóa - Thừa Thiên là một vùng thiên nhiên kỳ thú bao quanh cố đô Phú Xuân - Kẻ Huế và thành phố Huế hiện đại. Từ tây sang đông, Thuận Hóa - Thừa Thiên có dải Trường Sơn, đèo Hải Vân, Vườn Quốc Gia Bạch Mã, sông Hương, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, hệ thống bãi biển Thuận An - Cảnh Dương, hệ thống các làng nghề, làng chài, làng nông cổ kính ... đủ để biến Thừa Thiên thành một vùng du lịch lý tưởng ( du lịch thám hiểm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa ... ). Không xa Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hội An - Mỹ Sơn là những di sản thiên nhiên , di sản văn hóa của nhân loại.

Nếu Phú Xuân - Huế là nơi đặc biệt giàu có về nhã nhạc cung đình thì Thuận Hóa - Thừa Thiên lại nổi tiếng về nhiều điệu hát hò : hò ô (hò mái  ô), hò giã gạo ( hò khoan ), hò lơ, hò xay lúa, hò nện (hò hụi), hò quét vôi, hò kéo thác, hò dẩy nôốc, hò nghé ngọ (hò gọi nghé), hò khau đay, hò khau song, hò giả điệp, hò đưa linh, hò bài chòi, hò bài thai, hò bài tiệm, hò nàng Vung, hát ru em (ru con), hát hầu văn, ... tóm lại chỉ có hò hát ở Nam Bộ mới cạnh tranh được với hò hát xứ Huế về số lượng và chất lượng.

Thuận Hóa - Thừa Thiên còn là một tiểu vùng phong phú về di sản lễ hội dân gian và tôn giáo : hội vật làng Sình, lễ cầu ngư Thai Dương Hạ, lễ hội điện Hòn Chén, lễ cúng âm hồn ( từ 23 đến cuối tháng Năm â.l. kỷ niệm sự biến " thất thủ kinh đô " mùa hè 1885 ), lễ thu tế ở các đình làng và các nhà thờ họ ghi ơn các vị khai canh, khai khẩn, tổ nghề ..., chưa kể các Tết Nguyên Đán, Đoan Ngọ, Trung Thu, các lễ Phật Đản, Vu Lan, Giáng Sinh ...

Vùng văn hóa Phú Xuân - Huế : nơi tiếp biến văn minh Mường - Việt - Chăm, 
chốn giao hòa văn hóa dân gian - cổ điển - cung đình
Nói văn hóa là nói thiên nhiên, nhân văn và sáng tạo. Huế được thương, được nhớ trước hết nhờ cái duyên thầm của cảnh vật và con người, cái duyên kín đáo tỏa ra từ dáng đi, giọng nói, nụ cười, tà áo, chiếc nón..., cái duyên trầm lắng đó cũng bao trùm nước non, man mác trong đất trời, thâm nhập vào cỏ cây, nhè nhẹ như mây bay gió thoảng, êm ả chiều tà  Văn Lâu, Vọng Cảnh, bâng khuâng trăng thu Kim Long, Vĩ Dạ, dìu dặt chiều xuân Thiên Mụ, Nam Giao, nồng nàng trưa hè Tam Giang, Cửa Thuận, dạt dào nắng sớm Kim Phụng, Ngự Bình ...

Đến Huế dù chỉ một ngày là sáng lên Trường Sơn, chiều xuống Biển Đông, hoặc sáng dạo thuyền trên sông ngắm vườn, thăm chùa, viếng lăng tẩm, tắm biển rồi ăn trưa dưới bóng phi lao Cửa Thuận, nghỉ đêm giữa sóng êm gió nhẹ phá Tam Giang, được ru ngủ bằng tiếng dế núi, thức giấc vì tiếng chim rừng Bạch Mã.

Núi Ngự Bình, đồi Thiên An đã đẹp, núi Kim Phụng còn xinh tươi hơn : một ngày đẹp trời nào đó từ trên đỉnh Kim Phụng tầm mắt quán xuyến núi rừng Trường Sơn xanh thẳm sau lưng, ruộng đồng xứ Huế mênh mông trước mặt, dải lụa biếc Hương Giang uốn lượn đi tìm cho được dải cát xa mờ Cửa Thuận, nơi màu biển chan hòa màu trời, ngoảnh mặt lại bỗng thấy núi với mây tím một màu thăm thẳm như muốn đánh ghen với màu tím Huế thủy chung.

Muốn ngợi ca thiên nhiên Huế chỉ cần vài ba câu về một dòng sông tên Hương. Xưa gọi là sông Lô Dung, Linh Giang, hay sông Dinh, nay là dòng xanh mang tên Hương do mùi thơm tinh khiết của những sâm rừng, xương bồ mọc khắp vùng. Hương có hai ngọn nguồn xuất phát từ sâu thẳm Trường Sơn : nguồn Tả Trạch từ núi Trường Động chảy về hướng tây bắc lao mình qua 55 ngọn thác hùng vĩ rồi chầm chậm đi qua ngã ba Bằng Lảng ; nguồn Hữu Trạch ngắn hơn, sau khi vượt qua 14 ngọn thác hiểm trở và qua khỏi bền đò Tuần, cũng tới ngã ba sông hợp dòng với Tả Trạch, và thế là Hương vừa mới ra đời đã nhè nhẹ lặng lờ xuôi về Biển Đông. Từ Bằng Lảng đến Cửa Thuận, Hương chuyển dời thật chậm, uốn éo quanh co làm duyên làm dáng giữa núi rừng từ thác Thủ cuộn sóng về bến Tuần. Hương làm nhà thơ xúc động thốt lên :

" Cỏ thơm có dống thạch xương bồ
Sinh ở hai nguồn Tả , Hữu trạch
Hơi thơm đềm nước, nước trong veo
Hợp thành sông thơm chảy róc rách ... "
(Tôn Thất Lương, Hương Giang hành)
Rồi Hương chầm chậm lướt qua những xóm thôn, vườn tược Nguyệt Biều, Kim Long, Đập Đá, Vĩ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo vô vàn mùi thơm bông Huế : quỳnh huyền vi, cau ngan ngát, sen thanh cao, ngọc lan thoang thoảng, dạ lý nồng nàn, phù dung quyến rũ... Hương tấu lên một bản giao hưởng xanh xanh với những hợp âm là sắc độ tế nhị của nước trời cây cỏ, điểm xuyết bằng mảng đỏ rạo rực nồng thắm phượng vĩ mùa thi, mảng trắng ngây thơ dịu nhẹ tà áo với nón bài thơ nữ sinh dập dìu "hoa thơm bướm lượn" trên nẻo về mái trường, công viên hay trên cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân lộng gió. 

Cảnh quan đôi bờ cố đô, nào thành quách phố xá, dinh thự, chùa tháp, vườn hoa... bóng lồng mặt nước lấp lánh lung linh, làm cho Hương vốn yêu kiều càng nên thơ nên mộng : ngày là dải lụa biếc hong ánh nắng trời, đêm là tấm thảm nhung ghi dáng trăng sao, Hương làm cho khúc Nam ai, Quả phụ thêm nỉ non, ngậm ngùi, ai oán, cho tiếng Mái nhì, Mái đẩy thêm dìu dặt, diệu vợi, mênh mang.
Nhà thơ Nguyễn Du đã từng thở than : 
Sông Hương một mảnh trăng
Gợi niềm sầu vĩnh cữu. 
Và một nhà văn hóa châu Phi, tổng giám đốc UNESCO một thời, đã từng thốt ra lời ngợi ca bất hũ : "Huế là bài thơ đô thị tuyệt tác, [...] là thành phố đượm nét hài hòa trọn vẹn" (A.M. M’Bow, 1981).

Sáng tạo thứ nhất của văn hóa Phú Xuân - Huế : nghệ thuật kiến trúc
Cuối năm 1993, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO đã long trọng tuyên bố đã ghi tên quần thể di tích Huế vào danh mục di sản thế giới.

Trong gần bốn thế kỷ (1558-1945), xứ Huế - Thuận Hóa - Phú Xuân từng là trung tâm chính trị - văn hóa của nửa nước (Đàng Trong của vương quốc Đại Việt) thời các chúa Nguyễn, rồi kinh đô của cả nước (Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam) thời các vua Tây Sơn và Nguyễn : người dân, thợ giỏi và nghệ nhân xứ Huế cùng với dân, thợ và nghệ nhân các xứ khác đã dựng nên bao kỳ công kiến trúc, từ thành Hóa Châu thế kỷ 14, chùa Thiên Mụ đầu thế kỷ 17, đàn tế trời xưng vương trên đỉnh núi Tam Tầng cuối tk. 18, thành quách và cung điện Phú Xuân đầu tk. 19 cho đến những công trình cuối mùa nhưng vẫn đẹp xinh như lăng Khải Định, cung An Định, điện Kiên Trung nửa đầu tk. 20, chưa kể những nhà rường nhà rội, nha vườn xứ Huế xứng đáng cạnh tranh với những ngôi nhà cổ kính của Hội An xứ Quảng. 

Trải bao vật đổi sao dời, phần lớn di sản kiến trúc Phú Xuân - Huế đã trở về với cát bụi (lỗi tại chiến tranh, khí hậu, hận thù hay dốt nát ... ), nhưng may mắn thay " mười phần mất bảy còn ba, mất hai còn một " nghĩa là di tích Huế vẫn còn sót lại khá đủ để được tuyên dương là một di sản văn hóa của nhân loại.

Chỉ trong thời khoảng 27 năm dưới hai triều Gia Long - Minh Mạng (1802-1828), hàng triệu nhân công và nghệ nhân của xứ Huế và nhiều miền của vương quốc Việt Nam - Đại Nam, đã xây dựng nên quần thể kinh thành, hoàng thành và tử cấm thành, với hơn 100 công trình kiến trúc và mỹ thuật, kể cả một Ngọ Môn hoành tráng mà xinh xắn và hàng chục cung điện, lầu gác lộng lẫy son vàng ở bờ bắc sông Hương ; ở bờ nam là hệ thống bảy công viên - lăng tẩm rất khác nhau từ Gia Long tới Khải Định. Giữa hai khu vực ấy rải rác gần xa là Đàn Nam Giao, đấu trường Hổ Quyền, Văn Thánh miếu tàng trữ 32 bia tiến sĩ, chùa Thiên Mụ cổ kính nhất xứ Huế (1601), điện Hòn Chén thờ vị mẫu Chăm-Việt Thiên Y A Na, cầu ngói Thanh Toàn (1776) được công nhận là di tích quốc gia  v.v. 
Nghiên cứu "Kiến trúc cố đô Huể, nhà Huế học Phan Thuận An đã nhận xét : " Khác với những hệ thống hoàng cung của các triều đại trước trong lịch sử Việt Nam không bao giờ xây miếu thờ các vua , chú tiền nhiệm ở bên trong, Đại Nội Huế có đến 5 ngôi miếu thờ lớn ( Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu, điện Phụng Tiên ) như vậy, chứng tỏ nhà Nguyễn rất trọng vọng tổ tiên mình ". Cách nay gần một thế kỷ nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã nói ra những lời hay nhất về vẻ đẹp lăng tẩm của Huế: "Lăng đây là gồm cả màu trời sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá... Lăng đây là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, ghép thêm một bối cảnh nhân tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân công tô điểm cho sơn thủy... Không viết lấy lời gì mà tả được cái cảm lạ, cái êm đềm vô cùng".

Lăng tẩm Huế là nơi nhà thơ đã thấy "tang tóc mỉm cười, niềm vui thổn thức", đây không phải là cõi chết mà là cõi thơ, cõi mộng, nơi tình thiên nhiên quyện lấy tình nghệ thuật cho hương vị yêu đời thêm say đắm, dạt dào.

Sáng tạo thứ hai của văn hóa xứ Huế : nghệ thuật âm thanh
Có thể lấy đám cưới Huyền Trân - Chế Mân và sự chuyển hóa hai châu Ô Ri thành châu Thuận, châu Hóa, làm cái mốc sinh thành của âm nhạc xứ Huế, đứa con đứa cháu của âm nhạc Đại Việt, Thăng Long, âm nhạc xứ Thanh xứ Nghệ theo những đợt di dân của người Việt trên dòng chảy Nam tiến thế kỷ này sang thế kỷ khác, và dĩ nhiên khi họ vào đây chung sống với người Chăm của quê hương cũ Indrapura, âm nhạc xứ Huế đã trở thành đứa em sinh sau đẻ muôn của âm nhạc Champa. Nhà dân tộc học đã nói bóng bẩy nhưng có cơ sở : trải qua một quá trình giao lưu văn hóa lâu dài trong lịch sử, "nhạc Việt đã nhuộm màu Chàm" (Trần Văn Khê, Âm nhạc Việt Nam truyền thống, 1962). Trong các thang âm của âm nhạc Chăm, có một thang âm ngũ cung chia ra thành nhiều quảng nhỏ hơn một cung : do - ré (già) - fa (già) - sol - la (non), làm cho nhạc Chăm đượm vẻ u hoài và nỗi buồn man mác, rất gần với thang âm ngũ cung dân gian của các điệu lý, điệu hò Huế, mà cũng gần với thang âm cổ điển của các điệu ca Huế (Lê Văn Hảo, Tìm hiểu quan hệ giao lưu văn hóa Việt - Chăm, 1979). 

Giao lưu văn hóa Việt - Chăm đã cung cấp cho chúng ta nhiều bằng chứng đầy thuyết phục, cho phép đi đến kết luận : âm nhạc xứ Huế là hậu quả của giao lưu và tiếp biến âm nhạc Việt - Chăm mà cũng là nơi giao thoa hoàn hảo giữa nhạc dân gian - nhạc cổ điển - nhạc cung đình. Và lịch sử còn cho biết có nhiều vua chúa xứ Huế tâm hồn rất bình dân và tha thiết mến yêu mến nhạc dân gian.

Điệu Bắc của nhạc Huế chắc chắn là kế thừa từ điệu Bắc của nhạc Đàng Ngoài, nhưng rõ ràng là điệu Nam của nó với những hơi xuân, hơi thương, hơi dựng, hơi ai, hơi oán của ca Huế, và những câu hò điệu lý buồn thương nhất của xứ Huế (hò mái nhì, lý hoài nam, lý tương tư...) đã thấm đượm hồn vía nghệ thuật âm nhạc vương quốc Champa vang bóng một thời.

Sáng tạo thứ ba của văn hóa xứ Huế : nghệ thuật ăn uống
Nhân dịp Tết Con Gà đầu năm nay 2005, Công Ty Quảng cáo Triển lãm Hội chợ Việt Nam và Hội Doanh nghiệp Trẻ Thừa Thiên-Huế đã tổ chức một sinh hoạt văn hoá kinh tế lớn là Hội Chợ Huế Xuân 2005, mà đáng chú ý là Chương trình văn hóa ẩm thực Huế của Hội Chợ với nhiều hoạt động đáng chú ý :
- Hội thảo " Văn hóa Ẩm thực Huế, Truyền thống và hiện đạỉ do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ăn uống (Hà Nội) phụ trách (15, 16, 17-1-2005) tại Khách sạn Nguyễn Huệ;
- Hội thi "Sinh viên làm bánh Huế " do Ban tổ chức Hội Chợ Huế Xuân 2005 và tạp chí văn hóa , Nghệ thuật ăn uống phối hợp tổ chức tại công viên Thương bạc với sự tham dự của 100 sv (90 nữ, 10 nam)
- Cuộc Trình diễn nấu các món ăn theo lối Huế do các nghệ nhân nấu ăn của Công Ty Du lịch Hương Giang trổ tài thực hiện ngay tại trung tâm Hội chợ Huế Xuân 2005 bên bờ Sông Hương.
Chưa bao giờ nghệ thuật ăn uống Huế được vinh danh trong trong một sinh hoạt văn hóa lớn như thế với hàng vạn người Việt và nước ngoài chứng kiến. Tham gia Văn hóa Ẩm thực Huế xuân này, ngoài các long trọng viên có nhiều nhà Huế học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nhà văn, doanh nhân, giám đốc các công ty du lịch, khách sạn, các chủ nhà hàng tư nhân nổi tiếng ở Huế.
Hội thảo này là một bước tiến trong công cuộc tìm hiểu, nghiên cứu đánh giá sáng tạo ẩm thực của văn hóa xứ Huế.
Nó cho thấy món ngon xứ Huế là một kết hợp hài hòa món ngon Chăm cổ với món ngon Việt cổ, món ngon Mường cổ, món ngon dân gian Huế lâu đời và nhiều món ngon nhất cả nước, được đưa về Phú Xuân Huế dâng chúa, tiến vua, cùng các món ăn Tàu, Pháp, Mỹ, Nga v.v... do giao lưu và tiếp biến văn hóa từ nhiều thế kỷ.

Theo những thống kê mới nhất, cả nước có khoảng 1.700 món ăn thì xứ Huế có tới 1.300 món : món ăn dân gian, món ăn cung đình và món ăn chay.  Nếu danh y Lê Hữu Trác (1720-1790) trong Nữ công thắng lãm đã thống kê (tất nhiên là chưa đầy đủ) ở vương quốc Đại Việt cuối thế kỷ 18 có 144 món : 21 món cơm, cháo, bún, 16 món xôi, 61 loại bánh, 28 loại mứt, 9 món ăn chay, 9 loại tương ngon thì ở Huế đầu thế kỷ 20 Trương Đặng Thị Bích đã chọn lọc được 100 món dân gian và cung đình Huế để đưa vào cuốn sách dạy nấu ăn bằng thơ tứ tuyệt Thực phổ bách thiện và giữa thế kỷ 20, Hoàng Thị Kim Cúc, bước đầu đã giới thiệu được 600 món ăn Huế trong đó có 125 món chay, 34 loại canh, 50 món tráng miệng, 47 loại bánh, 70 loại mứt, 30 loại gia vị, v.v. đặc biệt là vị giáo sư gia chánh xuất sắc nhất của trường Đồng Khánh (cũng là người trong mộng của Hàn Mặc Tử) liệt kê được 60 thực đơn hoàn chỉnh của bốn mùa xuân hạ thu đông Huế đã trở thành mẫu mực cho các thế hệ nội trợ Việt Nam. Đến đầu thế kỷ 21 này, sách về món ăn Huế đã vượt quá con số 50.

Ăn uống đối với xứ Huế, người Huế hình như từ lâu đã trở thành một nghệ thuật, một văn hóa, một triết lý sống. Phong cách ăn của Huế chắc chắn đã làm vừa lòng nghệ sĩ và nhà triết học ẩm thực Tản Đà với những nguyên tắc hợp tình hợp lý như : ăn nóng (trừ cơm hến), ăn theo mùa (mùa nào thức ấy), ăn bổ dưỡng (thức ăn cũng là liều thuốc bổ), ăn giản dị và thanh đạm nhưng vẫn ăn tinh tế, phức hợp, đa dạng, hài hòa âm dương, ăn thơm ngon và đẹp mắt (mâm cơm đẹp như bức tranh đan thanh), ăn giữa khung cảnh thiên nhiên dễ chịu.

Bữa ăn Huế dù giản dị đến mấy đi nữa vẫn luôn luôn là bữa tiệc của hoa tay nội trợ, của tình cảm, ân nghĩa, tình người : người phụ nữ Huế nấu ăn bằng tất cả tâm hồn mình để làm vui lòng mẹ cha, chồng con và bạn bè. Trước khi ăn, con cái trân trọng mời mẹ cha, vợ mời chồng, bạn bè ân cần mời nhau, nhường miếng ngon cho nhau.

Nghệ thuật ẩm thực Huế diễn ra ở bất kỳ nơi đâu : ăn trong nhà, ăn ngoài vườn, ăn trên đò, ăn trên đầm, trên phá, ăn ngoài biển, ăn trong chùa, ăn giữa lăng... Nghệ thuật ăn cũng là nghệ thuật sống, khi tình người chan hòa với tình non xanh nước biếc ; một dĩa sò huyết Lăng Cô, một chén cơm hến, một chén chè bắp bên Cồn... đơn sơ lắm, mà sao nó vương vấn cái dịu ngọt đất trời, cái nồng nàn nắng gió, cái dìu dặt trăng sao. Hình như món ăn Huế dù giản dị, tinh tế hay cầu kỳ vẫn luôn luôn có một cái duyên hài hòa, thâm trầm của tâm hồn xứ Huế. 

Cái duyên thầm ấy cứ đeo đẳng mãi một vài biểu tượng đơn sơ của xứ Huế : một dòng sông, một ngọn núi, một ngôi nhà vườn, một đóa quỳnh khuya, một tà áo tím, một chiếc nón bài thơ, một nụ cười e ấp, một tiếng dạ nhỏ nhẹ, bằng lòng cũng dạ, không bằng lòng cũng dạ. Ôi, tiếng dạ Huế như có một phép mầu làm mê hoặc lòng người ! Nó ngắn trong một giây mà sao cứ vang vọng ray rứt suốt một đời. Tiếng dạ ấy đầm đẹ, bổi hổi bồi hồi như cái vẫy nón, ngoắc tay, hay như lời năn nỉ ỉ ôi nghe rất tội :

"Ra về đã tới giữa đồng
Nón che tay ngoắc động lòng bước lui !".
hay :
"Có thương thì thương cho chắc, cho chắn, cho xoắn, cho vó, cho có lòng thương,
Đừng như con thỏ đầu truông
Khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng".
Lê Văn Hảo (Paris)
[ Hò mái nhì - Nam Bình / Biểu diễn: Khánh Vân (trích đoạn) ]


 [  Trở Về  ]