Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam
*
Xứ Nam Trung Bộ của đại vùng văn hóa ven biển miền Trung

Lê Văn Hảo

Trong cuộc hành trình xuyên Việt, sau hai vùng văn hóa xứ Quảng và xứ Tây Sơn là vùng văn hóa xứ Nam Trung Bộ, cũng là vùng đất cực nam của vương quốc Champa xưa.

Dõi theo bước chân của người Việt mải miết tiến về Nam, ta thấy : năm 1611 chúa Nguyễn lấy đất Phú Yên, 1653 làm chủ Khánh Hòa, 1692 Ninh Thuận và Bình Thuận thuộc về Đàng Trong của Đại Việt. Đại vùng văn hóa ven biển miền Trung đã định hình từ ấy.

Nam Trung Bộ có thể tự hào về một số chùa miếu cổ kính vài ba trăm tuổi (Đá Trắng, Chùa Hang, Trà Kú...) và một số lễ hội đông vui (Đầm Ô Loan, Dinh Thầy, lễ hội Cá Voi...), nhưng đáng nói nhất là các thắng cảnh biển, các thành tựu ẩm thực và vốn dân ca phong phú.

Tiểu vùng văn hóa Phú Yên đã ngót 400 tuổi
Phú Yên có diện tích 5.300 km2 và dân số 800.000 người ; phía tây là vùng núi và bán sơn địa Trường Sơn Nam mà đỉnh cao nhất là Hòn Vọng Phu (2.064 m), phía đông là những cánh đồng bầu bạn với ba dòng sông Đà Rằng, Kỳ Lô và Bàn Thạnh.

Phú Yên nằm giữa Đèo Cù Mông phía bắc và Đèo Cả phía nam. Quốc lộ 1, đoạn qua Phú Yên là đoạn đẹp nhất với những vùng biển thơ mộng:

"Vũng Đông, Vũng Lấm, Vũng Chào
Vũng La, Vũng Sứ, vũng nào cũng thương".

Quả thật Phú Yên có những thắng cảnh khó quên.

Đầm Ô Loan (huyện Tuy An) là một đầm nước lợ rộng 1.200 hecta, với cảnh trí xinh xắn và nhiều đặc sản ngon lành : hàu, sò huyết, cua Huỳnh Đế, tôm rằn, tôm bạc... với lễ hội đua thuyền tưng bừng vào dịp Tết xuân.

Ghềnh Đá Đĩa (huyện Tuy An) ở ngay bờ biển có cấu tạo kỳ lạ : vô số trụ đá hình ngũ giác đều đặn xếp chồng lên nhau, xa trông như một tổ ong, lại gần giống như những chồng dĩa chén, đá có màu sắc đen tuyền nửa chìm nửa nổi bên biển.

Bãi biển Mỹ Á (huyện Tuy An) là một trong những bãi tắm đẹp trải dài dưới bóng dừa xanh.

Khu bảo tồn thiên nhiên Krong Trai (huyện Sơn Hòa) rộng hơn 22.000 hecta, còn khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Đèo Cả tuy chỉ có 8.800 hecta rừng nhưng lại có một quần thể thực vật và động vật phong phú : 191 loài cây, 55 loài chim, 22 loài thú quí (trĩ sao, khỉ mặt đỏ, têtê, báo hoa, gấu ngựa...).

Người Phú Yên tự hào về những đóng góp vào kho tàng ẩm thực Việt Nam : chả giông (một loài bò sát sống ở vùng đất cát), sò huyết Đầm Ô Loan, ghẹ Đầm Cù Mông (hấp, rang muối, rim me đều rất ngon), gỏi cá ngừ Đại Dương, gỏi sứa biển Tuy Hòa, tôm hấp nước dừa, mắm cá mòi, mắm cá thu, bánh ít lá gai, v.v.

Tiểu vùng văn hóa Khánh Hòa – Nha Trang nay đã hơn 350 tuổi
Khánh Hòa, với 5.300 km2 và dân số hơn một triệu người, là một tỉnh lớn của Việt Nam vì có thành phố Nha Trang, Vịnh Cam ranh nổi tiếng và huyện Trường Sa ngoài khơi Biển Đông.

Bờ biển Khánh Hòa dài 200 km với trên 200 đảo lớn nhỏ. Hải sản đặc biệt quí là yến sào, sản lượng hàng năm trên 2,5 tấn. Cam Ranh là một cảng biển vào loại tốt nhất thế giới.

Nhưng viên ngọc quí ở đây trước hết là thành phố biển Nha Trang, với bãi tắm trải dài 7 km dọc theo đại lộ Trần Phú (Độc Lập cũ). Những đêm đẹp trời, bãi biển trở thành nơi hẹn hò lý tưởng của những người yêu nhau. Nhờ kinh tế thị trường, các dịch vụ thể thao biển phát triển mạnh : lướt ván buồm, dù bay trên biển, thuyền máy cao tốc kéo người lướt sóng...

Không xa bãi biển thành phố có trung tâm suối khoáng nóng Tháp Bà, là chỗ tắm bùn rất tốt cho sức khỏe.

Ở ngay Nha Trang mà thích vừa leo núi vừa ngắm cảnh biển và nghỉ ngơi thì nên đi thăm thắng cảnh Hòn Chồng, một khu vực nửa nằm trên bờ nửa dưới biển, dân gian quen gọi là Hòn Chồng, Hòn Vợ, một quần thể những khối đá lớn nhỏ, nhiều tầng, nhiều lớp, với những hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển.

Viện Hải Dương Học và Bảo Tàng Hải Dương Học Nha Trang, thành lập từ 1923, có hơn 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và nước ngọt, bên cạnh thủy cung của những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể gương lớn.

Hấp dẫn kỳ thú nhất là đi quanh một vòng các đảo biển. Nếu chỉ có quãng thời gian từ sáng đến chiều thì đi theo lộ trình : Thủy Cung Trí Nguyên, Hòn Mun, Hòn Tằm (ăn trưa), Làng Chài trên Hòn Miễu (thưởng thức hải sản).

Hòn Miễu (Đảo Bồng Nguyên) là nơi có Thủy Cung Trí Nguyên được xây dựng từ 1971 : đó là một vùng hồ trên biển được ngăn lại bằng hệ thống kè đá, trong đó được nuôi thả hàng trăm loài sinh vật biển quí hiếm và đẹp mắt.

Phía bên kia đảo là Làng Chài với nhiều lồng nuôi hải sản nổi. Đặc sản nổi tiếng là món tiết canh tôm pha rượu và có một trò rất vui là chèo thuyền thúng trên biển.

Hòn Tằm không có dân ở nhưng nhờ có bãi cát đẹp lại khuất gió nên đã trở thành điểm dừng chính của cuộc du lịch.

Hòn Mun có vách đá cheo leo dựng đứng đen tuyền như mun, là nơi yến thích làm tổ và đang được khai thác. Hơn những nơi khác, nước biển chung quanh Hòn Mun trong vô cùng, tầm nhìn vươn tới độ sâu 30 m, đáy biển ánh lên một màu tím biếc huyền ảo.

Hòn Nội (Đảo Yến) là hòn đảo chính của nghề khai thác yến, nơi đây có tổ đình nghề yến.

Hòn Lớn (Hòn Tre) là đảo lớn nhất. Tuy nó không nằm trong lộ trình du lịch thông thường nhưng có Bãi Trũ với cát trắng mịn và nước đặc biệt trong xanh nên đã được xem là bãi cát đẹp nhất của vùng biển Khánh Hòa với hai khu du lịch : Con Sẻ Tre và Hòn Ngọc Việt.

Còn nhiều địa điểm khác đáng thưởng ngoạn : suối Ba Hồ, dốc Lết, đầm Nha Phu, vịnh Văn Phong, bãi biển Đại Lãnh...

Khánh Hòa - Nha Trang còn là địa điểm của văn hóa ẩm thực sang trọng và bình dân.

Món sang trọng ở đây là yến sào (tổ kết bằng nước miếng chim én biển) với giá trị dinh dưỡng cao. Hấp dẫn nhất là các món : yến xào thịt gà mái tơ, yến chưng cách thủy với gà giò, yến tần với chim câu ra ràng, yến hấp đường phèn và nhân sâm, yến nấu với hột sen thành chè yến.

Nem chua Ninh Hòa chế biến từ thịt heo Đất Đỏ, xứng đáng cạnh tranh với nem Huế, nem Thủ Đức, nem Lai Vung (Đồng Tháp).

Mắm cá thu Nha Trang, nhất là mắm Bà Tô, được xếp vào hàng quí tộc của các loại mắm. Nước mắm cốt Nha Trang đủ sức cạnh tranh với nước mắm Cát Hải, Phan Thiết, Phú Quốc.

Các thành tựu khác của ẩm thực Khánh Hòa - Nha Trang là bún lá cá dầm, bún cá Chợ Đầm, gỏi cá cầu Hà Ra, thịt vịt Ninh Hòa...

Tiểu vùng văn hóa Ninh Thuận – Phan Rang
Với 3.500 km2 diện tích và dân số chưa đến nửa triệu người, Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ của miền Trung. Năm 1998, thiên tai lại ập tới : đầu năm hạn hán trầm trọng, cuối năm 6 cơn bão lũ liên tiếp đi qua làm cho các nhà nghiên cứu kinh tế đã đánh giá Ninh Thuận là một trong 6 tỉnh nghèo nhất, với tỷ lệ đói nghèo là 17% và tốc độ tăng trưởng chỉ có 2,5%, thấp hơn bình quân cả nước, lại nằm trong khu vực có vùng khô hạn nhất nước, nhiệt độ trung bình 27°C, lượng mưa trung bình 705 mm (vùng miền núi 1.100 mm).

Bất chấp thiên nhiên khắc nghiệt ấy, Ninh Thuận vẫn luôn phấn đấu để trở thành một trong những ngư trường lớn, một vùng sản xuất chuyên canh khá thành công về nho, mía, bông, hành, tỏi, và nuôi trồng thủy sản. Cái đáng nói nhất là Ninh Thuận nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt-Nha Trang-Phan Rang Tháp Chàm và xuất hiện như một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả. Các tháp Chăm ở đây hầu như còn nguyên vẹn và một số thắng cảnh Ninh Thuận đã được du khách quốc tế đánh giá cao : đèøo Ngoạn Mục, bãi biển Ninh Chữ, bãi biển Cà Ná, vịnh Vĩnh Hy, núi Đá Trắng...

Gọi là núi Đá Trắng (huyện Ninh Phước) bởi vì núi chỉ toàn đá trắng phau với những bụi cây nhỏ lúp xúp, phong cảng trầm lặng hùng vĩ, phía trước cánh đồng lúa nhấp nhô lượn sóng, xa xa phía bắc đỉnh Po Klong vươn cao, phía nam tháp Po Romé đứng trầm tư mặc tưởng trước nắng gió, phía tây núi Đá Trắng là một góc nam Trường Sơn trùng điệp để cho Ninh Thuận dựa lưng vào mà nhìn ra Biển Đông.

Cách Phan Rang 5 km, bãi biển Ninh Chữ (huyện Ninh Hải) là một trong những bãi tắm đẹp, với một bờ biển hình vòng cung bằng phẳng dài 10 km, chung quanh là rừng dương và những núi Đá Chồng, Tân An, Cà Đú.

Cách đó không xa về phía nam, ngay bên quốc lộ 1, là bãi biển Cà Ná nổi tiếng đẹp, yên tĩnh, xa dân cư. Một làng du lịch đầy đủ tiện nghi vừa được thành lập, du khách có thể tắm lặn, đi chơi rừng và thăm các thắng cảnh hấp dẫn : hang Ông Phật, Ghềnh Ông Nồng, Giếng Đục, Núi Bạc…

Xa hơn một chút, vịnh Vĩnh Hy bắt đầu thu hút nhiều du khách, vì đây là một vùng vịnh thiên nhiên, còn nhiều nét hoang sơ.

Tiểu vùng văn hóa Bình Thuận - Phan Thiết
Khác với Ninh Thuận, Bình Thuận là một trong những tỉnh lớn. Với 8.000 km2 và hơn một triệu dân, Bình Thuận là ngư trường lớn nhất miền Trung, với một bờ biển dài 200 km. Nhiều nhánh Trường Sơn Nam đâm thẳng ra biển tạo nên các mũi : La Gàn, Mũi Nhỏ, Mũi Rơm, Mũi Né, Kê Gà, chia bờ biển thành những đoạn lõm tạo ra những vùng cửa biển tốt.

Bãi tắm Phan Thiết sạch đẹp, chỉ cách trung tâm thành phố một cây số với nhiều khách sạn, quán ăn đặc sản trông thẳng ra biển. Cạnh bãi tắm là Vạn Thủy Tú, một vạn chài độc đáo. Các vạn chài ven biển miền Trung thường xây dinh để thờ cá voi. Dinh Vạn Thủy Tú trải hơn 200 năm tôn tạo đang bảo quản hơn một trăm bộ xương (cốt ông, cốt bà, cốt cậu). Giữa sân trước dinh có trưng bày một bộ xương cá voi khổng lồ dài hơn 20 m.

Ở vùng ngoại ô thành phố Phan Thiết, trên đường đi Mũi Né có thắng cảnh Suối Tiên : một con suối đẹp từ độ cao hơn 6 m lướt qua những rặng dừa êm ả, những đồi cát đỏ cao vút rồi chảy xuống. Dưới lòng suối là những lớp đất sét vàng pha cát.

Từ Suối Tiên tiếp tục đi trên con đường ngoạn mục chạy dọc bờ biển, du khách sẽ đến Mũi Né, một trung tâm du lịch biển điển hình. Mười năm trước đây Mũi Né còn hoang sơ lắm, nhưng rồi dân Sài Gòn và cả nước đổ xô tới xem nhật thực toàn phần (mùa thu 1995). Xem nhật thực thì không vừa ý lắm vì trời có mây mù nhưng cảnh quan quá đẹp mà tắm biển thì tuyệt vời, từ đó khu du lịch Mũi Né ra đời, cung cấp những thú vui của thể thao biển, câu cá, du thuyền, chơi cù (golf) giữa môi trường thiên nhiên trong lành, cảnh quan hùng vĩ : Bãi Ông Địa, Bãi Trước, Bãi Sau, Đồi Cát đã trở thành những đề tài sáng tác của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Gần huyện lỵ Hàm Tân là bãi biển Đồi Dương, một bãi tắm lý tưởng dài hàng chục km, với những bãi cát trắng xen lẫn với những đồi đất thấp thoải dần ra biển.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hảo - Tuy Phong đã được xây dựng chung quanh suối nước khoáng Vĩnh Hảo nổi tiếng, từng được so sánh với Vichy của Pháp. Tuy Phong, huyện phía bắc của Bình Thuận có bờ biển dài hơn 50 km, với các khu nghỉ dưỡng Hòn Lao Câu, Ghềnh Son và các di tích Việt, Chăm như Chùa Hang, tháp Po Dam.

Một thắng cảnh khác của Bình Thuận rất hấp dẫn là Núi Trà Kú, lưng chừng núi có Chùa Linh Sơn Trường Thọ, với tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam dài 49 m, được dựng năm 1962, thu hút nhiều khách hành hương. Vào những ngày lễ lớn, có trên 10.000 tín đồ. Vài ngàn người qua đêm trong khuôn viên chùa. Tham quan núi Trà Kú nên đi vào những ngày không có lễ hội và những đêm trăng : giữa rừng tre, rừng bằng lăng rậm rạp, không có chỗ cho bụi trần, chỉ có tiếng tụng kinh sáng sớm, tiếng chuông thu không xế chiều, rồi trăng lên, gió hát, sương rơi, côn trùng rỉ rả đưa ta vào giấc mơ thoát tục.

Văn hóa ẩm thực Ninh Thuận - Bình Thuận đã để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp cho du khách. Ở thành phố Phan Thiết, nhà hàng Nam Thanh Lầu có món cơm cháy ngon độc đáo được giới thiệu là món gia truyền bốn đời.

Hấp dẫn nhất ở Ninh Thuận - Bình Thuận là gỏi cá mai, cá suốt dọn lên mâm trông huy hoàng rực rỡ như bức tranh lụa đầy đủ sắc màu. Cá cơm sông Vu Gia được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như cá cơm rút xương rán vàng, cá cơm kho khô, cá cơm làm mắm nêm và ngon hơn cả là canh cá cơm nấu me đất.

Nếu Khánh Hòa Nha Trang có yến sào thì Bình Thuận có hải sâm. Hải sâm (đỉa biển) được khai thác tại đảo Phú Quí, con nhỏ nhất bằng ngón tay cái, lớn nhất nặng tới 2 kg. Hai loại hải sâm quí nhất là huyền sâm (loại đen) và hoàng sâm (loại vàng). Bắt được đem về moi ruột, luộc rồi xắt lát mỏng, ướp ngũ vị hương và hành tỏi xào chín, cuốn với bánh tráng rau thơm, khế, chuối chát, chỉ có thế mà ngon nhớ đời.

Giông, một loài cắc kè đã thấy ở Phú Yên, là một con vật nhỏ mà giới ẩm thực Bình Thuận rất trọng nể qua những bữa tiệc nhậu có giông nướng hay giông xào sả ớt, giông làm chả hay giông nấu lẩu. Nổi tiếng là mực tươi nướng Mũi Né, cần được xử lý bằng than hoa, xé từng sợi mực tươi trắng ngà chấm với tương ớt vừa dòn lại vừa mềm dẻo với cái vị ngọt đậm, cay nồng cùng mùi thơm đặc biệt khó quên.

Nói về văn hóa ẩm thực mà không đề cập đến nghệ thuật âm thanh là một thiếu sót, huống chi dân ca Nam Trung Bộ là một đóng góp tốt đẹp vào kho tàng folklor Việt Nam.

Có những điệu hò lao động chung cho cả vùng như hò giã gạo, hò xay lúa, hò đi cấy, hò đạp xe nước... Hô bài chòi thì còn phổ biến rộng hơn : từ xứ Huế đến tận Bà Rịa. Nhưng cũng có những điệu hò đặc biệt của một vùng như hò mài dừa, hò đẩy xe mía, hò khiêng xe nước… của Bình Định, hò leo dốc, hò giã đậu, hò khoan… của Phú Yên. Lại có những làn điệu cùng tên hay gần cùng tên nhưng giai điệu và nhịp điệu lại khác nhau từ tiểu vùng này sang tiểu vùng kia : hò chèo thuyền Quảng Nam, hò chèo đò Quảng Ngãi, hò đò Bình Định, hò đò Phú Yên, hò đò Ninh Thuận hay các điệu hát huê tình đối đáp khác nhau từ tỉnh này sang tỉnh khác, mặc dù chúng cũng bao gồm những hát chào, hát hỏi, hát đố, hát nhân ngãi, hát kết, hát nhắn, hát chờ, hát trách, hát tạ từ:

"Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên" .
"Anh tới đây đất nước lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng".
"Anh ra về em cũng muốn về theo
Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm".
"Giã chàng cho thiếp hồi hương
Kẻo cha mẹ thiếp trăm đường chờ trông"...

Hai điệu dân ca mà người dân Nam Trung Bộ ưa thích nhất có lẽ là hai điệu hát hội hè : hô bài chòi và hát bả trạo. Hô bài chòi gắn với trò chơi đánh bài chòi rất bình dân và hào hứng trong các dịp Tết xuân. Còn hát bả trạo là điệu hát không thể thiếu trong các lễ hội thờ cúng cá ông ở những vạn chài ven biển.

Nhiều nhà biên soạn tuyển tập văn học dân gian đã phê phán nội dung hát bả trạo là lạc hậu, nặng tính chất mê tín nên không đưa vào các tuyển tập, đó là điều đáng tiếc vì trong thực tế đông đảo ngư dân Việt vẫn tha thiết với tín ngưỡng thờ cá ông, vẫn hoan nghênh nhiệt liệt các đoàn nghệ nhân bả trạo dưới sự điều khiển của các tổng lái, tổng mũi, tổng khoang, vừa cầm chèo vừa hát múa thật là uyển chuyển và trịnh trọng:

"Bớ chú Tổng, chú Tổng,
Trước mũi kia có chú, sau lái nọ có tui
Giữ thuyền lan đừng có sụt sùi
Lặng gió sẽ lần qua bể ải"...
"Làm người quân tử lao tâm
Tiểu nhân lao lực trong lòng vô lo
Bây giờ trời đã im rồi
Chúng ta cất bước nhổ thời neo lên"...
 

Lê Văn Hảo (Paris)


 [  Trở Về  ]