Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả

Vài tâm đắc về làng mạc Việt Nam

Nguyễn Tùng
 
LTS: Bài diễn từ này đã được đọc hôm  27/9 trong lễ trao giải sách hay 2020 ở Sài Gòn

Thưa quý vị,

Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng Xét giải đã nhất trí bình chọn Giải Sách Hay 2020, Hạng mục "Nghiên cứu", thể loại " Sách Viết " cho cuốn Làng mạc ở châu thổ sông Hồng của Nelly Krowolski và tôi là Nguyễn Tùng. Đây là kết quả mà Nelly Krowolski và tôi (Nguyễn Tùng) đã đạt được thông qua hai chương trình hợp tác nghiên cứu Pháp-Việt được thực hiện trong những năm 1990: về làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và về " các làng ở vùng châu thổ sông Hồng ". Sau đây tôi xin chia sẻ cùng quý vị vài tâm đắc về làng mạc Việt Nam.

Vấn đề thiếu tư liệu

Ðúng như như Hà Văn Tấn đã nhận định, cái khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu làng mạc Việt Nam là sự thiếu nghiêm trọng về tư liệu, trước hết là do, từ xưa đến nay, người Việt ta vốn trước tác không nhiều. Chẳng những thế thư tịch của nước ta lại bị nhiều cuộc chiến tranh thiêu hủy. Nhưng lý do quan trọng nhất là, đúng như Lê Quý Đôn nhận định, dưới các triều đại Việt Nam trước đây " việc " tổ chức chứa sách [...] rất sơ sài, không đặt hẳn các cục riêng coi về sách vở giấy tờ ; không đặt riêng các quan chuyên trách việc thu tàng, coi giữ các sách ". Vào thời xưa quả thực nước ta không có truyền thống lưu trữ tư liệu của ngay chính triều đình, chứ chưa nói đến của các cá nhân, gia đình, tộc họ, làng xã, huyện, tỉnh...  Điều này thực khác xa các nước phương Tây : ở Pháp chẳng hạn, chỉ riêng cơ quan Lưu trữ quốc gia, được lập ra năm 1790 trong Cách mạng Pháp, đã có được đến 350 km tuyến tư liệu về lịch sử Pháp từ thế kỷ 7 đến hiện nay. Ngoài ra còn có các cơ quan lưu trữ riêng của ba bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Tài chính, của các " xã " (commune), các tỉnh, các vùng... Để nghiên cứu lịch sử, xã hội Việt Nam trong thời Pháp thuộc, ta có thể tìm tư liệu ở Trung tâm lưu trữ hải ngoại ở Aix-en-Provence. 

Chẳng những các trước tác còn lưu lại của ông bà ta đã không nhiều, chúng lại đề cập rất ít đến làng mạc : nếu chép lại tất cả những gì mà bộ Ðại Việt sử ký toàn thư viết về làng xã, chắc cũng chưa đầy một trang giấy học trò !

Ðể tìm hiểu làng mạc trong thời Pháp thuộc, tôi đã từng được phép làm việc nhiều tháng ở Trung tâm lưu trữ quốc gia I lúc đó còn ở số 31 phố Tràng Thi. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trong phòng đọc, chỉ thấy toàn những sinh viên và nhà nghiên cứu người nước ngoài, chắc có lẽ vì vào những năm 1990 cuộc sống ở nước ta vẫn còn khó khăn cho các sinh viên và các đồng nghiệp trong nước. Ở Sài Gòn, tôi cũng được phép làm việc vài tuần ở trung tâm lưu trữ đường Lê Duẫn, nhưng chẳng thu được kết quả đáng kể nào, vì dường như mỗi tư liệu mà tôi xin đọc đều phải được sự cho phép từ Hà Nội, nên phải đợi cả ngày !

Làng xã và độc lập dân tộc

Nhiều người (trong đó có tôi) thường băn khoăn không hiểu tại sao người Việt (dù quá ít so với Trung Quốc và dù chỉ sống trên một lãnh thổ chỉ khoảng 20 000 km2 !) không những đã không bị Trung Quốc đồng hoá trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, mà còn giành lại được độc lập dân tộc. Phải chăng một phần không nhỏ là do từ xa xưa làng Việt đã được tổ chức rất vững chắc ? Có lẽ cũng chính vì thế, mà người Việt đã bám trụ được, nên đã thành công trong cuộc Nam tiến kéo dài trong nhiều thế kỷ. Theo tôi nghĩ, bản thân làng xã không phải là nguồn gốc của mọi sự trì trệ của xã hội Việt Nam trong cả ngàn năm qua, mà chính là sự thiếu óc sáng tạo, thiếu tinh thần độc lập đối với văn hoá và học thuật Trung Quốc, đặc biệt trong tầng lớp nho sĩ và tập đoàn lãnh đạo.

Nhìn chung, theo tôi, việc chính quyền cách mạng lập ra, sau năm 1945, xã (mới) hiện nay (tương đương với tổng thời xưa) là một chính sách đúng đắn : như là đơn vị địa vực và hành chính cơ sở gồm nhiều thôn làng, xã mới có số dân đủ đông (khoảng 10 000 người) để chính quyền trung ương có thể dựa vào nhằm kiểm soát cư dân, thu thuế, động viên thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự, thực hiện các dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, bưu điện,... Nhưng ta có thể lấy làm tiếc là trong nhiều năm, chính quyền cách mạng đã cho rằng cần phải xoá bỏ, lắm khi không phân biệt, các cơ cấu của làng mạc truyền thống bị xem là nguồn gốc của sự bảo thủ và của các trở lực cho các biến đổi chính trị, kinh tế và xã hội. Ðể củng cố xã mới, phải chăng cần phá bỏ thôn làng, theo Pierre Gourou, "đã tạo được cho người nông dân một sự thăng bằng về tinh thần và xã hội", cũng như đã tạo được cho làng một bản sắc rất rõ nét thông qua niềm tự hào về quá khứ, sự gắn bó với tộc họ, đình, chùa, đền, miếu,... cũng như một số tập tục riêng biệt của làng? Phải chăng, trái lại, cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết thôn làng vốn đã góp phần to lớn vào việc làm cho người Việt bám rễ rất sâu vào đất nước và, trong hơn 2.000 năm, đã biến các làng Việt thành những thành trì kiên cố để bảo vệ tiếng nói, bản sắc dân tộc cũng như để giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc? Phải chăng cần dựa trên việc phát triển một mạng lưới, ngày càng dày hơn, các đô thị vừa và nhỏ, một mạng lưới đường sá và giao thông tiện lợi, chính quyền trung ương mới hoà nhập được một cách hiệu quả các thôn làng vào đời sống quốc gia và vào quá trình phát triển chính trị, kinh tế cũng như xã hội và văn hoá ?

Phải chăng nên dựa vào các tộc họ, các quan hệ láng giềng, các hiệp hội, các sinh hoạt văn hoá-xã hội như giỗ tết, cưới hỏi, tiệc tùng, hội họp thảo luận ... để tạo cho người dân ở nông thôn một cuộc sống lành mạnh, khởi sắc và đầy thân tình ? Phải chăng nên khuyến khích dân làng tự do bầu ra người trưởng thôn để đại diện dân làng trước chính quyền xã và ngay cả cộng tác với nó trong công việc thực hiện các chính sách của xã ?

Vấn đề đô thị hoá

Thời xưa, chẳng những so với các nước  phương Tây mà ngay cả so với vài nước phương Đông như Nhật, Việt Nam thua họ rất xa trong việc đô thị hoá. Thực vậy, do nội thương và các nghề thủ công truyền thống của Nhật (gốm, sứ, vải, lua, luyện kim, đồ gỗ...) khá phát triển trong thời đại Tokugawa (1603-1868), Nhật đã đô thị hoá sớm đến mức làm ta kinh ngạc : vào thế kỷ 18, dân số của Edo (tức Tokyo hiện nay) lên đến một triệu, tức ngang với London thường được xem là thành phố đông dân nhất thế giới vào thời đó ; Trong khi vào năm 1772, dân số Sài Gòn chỉ khoảng 20.000–30.000 người. Và khi Pháp chiếm Hà Nội vào năm 1884, dân số của Thăng Long " 36 phố phường có lẽ cũng chỉ khoảng đó thôi! Vào năm 1921, tức là gần 40 năm sau khi bị Pháp chiếm đóng, dù là thủ phủ của cả Ðông Dương, Hà Nội chỉ có khoảng 4.000 người Âu và 100.000 người Việt.  Trong hai mươi năm qua dân số Hà Nội tăng vọt : nếu tính cả những người cư trú không đăng ký, thì lên đến gần 10 triệu dân vào năm 2019, trong số đó khoảng 45% sống ở nông thôn, tức gần một nửa cư dân: thực lạ lùng !

Xin nêu thêm một thí dụ khác mà tôi biết khá rõ vì nó liên quan đến chính quê tôi là huyện Điện Bàn (Quảng Nam): qua Internet, tôi vừa được biết là từ ngày 11 tháng 3 năm 2015, huyện này được Quốc hội chuyển thành thị xã Điện Bàn (226.564 người trên 214,28 km²) gồm thị trấn Vĩnh Điện cũ và 13 xã trong số đó có 6 xã được đột nhiên biến thành phường. Theo quy hoạch, thị xã Điện Bàn sẽ có thêm 5 xã được chuyển thành phường. Thế mà, theo chỗ tôi biết phần lớn các xã thuộc huyện Ðiện Bàn trước đây đều gồm những làng chủ yếu sống bằng nghề nông !

Ðể kết luận, tôi xin tâm sự với quý vị điều này: từ nhỏ tôi đã có nhiều duyên nợ với các làng quê. Trong suốt thời kháng chiến chống Pháp, tôi đã theo gia đình tản cư lên ở vùng trung du của tỉnh Quảng Nam. Sau hiệp định Genève (1954) vài tháng, gia đình tôi về sống gần hai năm ở quê xưa là làng Bảo An thuộc vùng Gò Nổi (cũng là quê của nhà báo Phan Khôi). Và ngay cả trong thời gian học trung học ở Hội An, rồi Đà Nẵng, hè nào tôi vẫn thường về quê sống lắm khi cả tháng. Sau khi chính thức vào làm ở CNRS, tứcTrung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp từ đầu thập niên 1980, chính nhờ biết khá rõ làng Bảo An, bị san bằng trong chiến tranh chống Mỹ (đúng như câu " nhất Củ Chi, nhì Gò Nổỉ " đã phản ảnh) và được xây dựng lại rất nhanh sau khi hoà bình được vãn hồi, tôi đã viết được một bài nghiên cứu khá dài và khá nghiêm túc về nó. Chính nhờ bài này, tôi đã được CNRS chỉ định và, sau đó, được Trường Viễn Ðông bác cổ mời tham gia hai chương trình nghiên cứu về làng nói trên mà thành tựu là xuất bản được hai cuốn sách tương đối đàng hoàng. Nói theo nhà Phật, thực đúng là " trùng trùng duyên khởi " !