Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]

Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội
Phần II  Chữ nôm và chữ quốc ngữ : thời cộng cư
GS Nguyễn Phú Phong

Khi nói đến chữ nôm chữ quốc ngữ là ta nói đến chữ viết và hai thứ chữ viết này cũng là để ghi tiếng Việt. Nhưng sự việc này đôi lúc và đối với một số người không được rõ ràng như thế. Lý do vì sao ? Thử lấy hai câu đầu của Chinh phụ ngâm làm ví dụ :

Thưở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Nếu viết bằng chữ quốc ngữ thì không có vấn đề gì đặt ra : đấy là hai câu thơ tiếng Việt. Nhưng nếu ghi bằng chữ khối vuông thì thử hỏi các chữ in đậm, khách, hồng, truân chuyên còn có thể cho là chữ nôm/tiếng Việt đuợc không ? Hay là phải xem chúng là chữ Hán/tiếng Trung Quốc ? Nếu xét thêm phương diện ngữ âm thì các từ này phát theo âm Việt, nhưng là một thứ âm Việt đặc biệt, nghĩa là âm Việt xuất phát từ âm tiếng Hán đời Đường đã được Việt hoá theo một số qui tắc chuyển đổi ngữ âm nhất định (xem Nguyễn Tài Cẩn, 1979).

Phần trình bày trên cho thấy rõ một điều quan trọng : cùng một văn bản tiếng Việt mà nếu viết bằng chữ nôm thì ảnh hưởng của chữ Hán/tiếng Trung Quốc và theo đó là văn hoá Trung Quốc thật rõ đậm nét. Chữ quốc ngữ một phần nào che lấp ảnh hưởng này. Bởi vậy khi chính quyền Pháp ở Nam Kỳ quyết định lấy chữ quốc ngữ thay thế chữ nôm để viết tiếng Việt, ngoài việc chữ viết kiểu La Tinh dễ học dễ nhớ hơn chữ viết kiểu tượng hình, họ còn có dụng ý là đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Hoa ra khỏi Việt Nam.

Như vậy việc thay thế chữ viết vào giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam là một hành động chính trị có tác động đến văn học, đến giáo dục, đến xã hội. Chúng ta sẽ lần lượt xét qua những lĩnh vực chịu sự tác động mạnh qua sự thay đổi chữ viết bằng cách triển khai những điểm sau đây :

[ Trang trước ] / [ Trang sau]


Trở Về   ]