Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]             [ Tác giả ]

Từ Hà Tiên, nghĩ về tinh thần dung hợp văn hóa 
của dân tộc trên con đường xuôi Nam.
Trần Viết Ngạc
Xin đừng ai hào hứng gọi cuộc xuôi về Nam của dân tộc là "mang gươm đi mở nước!" Nói như thế chẳng những không đúng với lịch sử và không giải trình được những sự kiện in dấu trên con đường Xuôi Nam".

- Thuận Hoá "trở về với Đại Việt" (chữ của Lê Quý Đôn) như món quà sính lễ của chàng rể Chiêm Vương Chế Mân (1306).

- Công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu của Chey Chetta II mở đầu cho sở dinh điền cuả người Việt ở Mô Xoài (1620) và khi trở thành Hoàng thái hậu đã nhờ ảnh hưởng của bà mà Campuchia chấp nhận cho chúa Nguyễn được thiết lập sở thu thuế ở Sài Gòn (Prey Nokor).

- Nhờ sự giới thiệu của Chúa Hiền mà Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên đã vào khai phá vùng Mỹ Tho, Biên Hoà (1679).

- Sau cùng, như một tưởng thưởng cho quá trình bền bĩ xuôi Nam, Mạc Cửu đã đem giang sơn dày công gây dựng về cho chúa Nguyễn và được phong chức Tổng binh Hà Tiên (1708)

Những đóng góp của Huyền Trân, Ngọc Vạn, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cữu ... phải chăng đáng xưng tụng hàng vạn lần hơn là các cuộc xung đột binh đao giữa các dân tộc láng giềng?

Gọi cuộc mở đất tiệm tiến về phương Nam là Xuôi Nam là phù hợp với tinh thần hòa hiếu và dung hợp văn hoá của nhân dân Đại Việt.

Trong một luận văn cao học viết về giao thoa văn hoá Chăm Việt (bảo vệ năm 1974 tại Đại học Văn khoa Sài Gòn), tác giả đã cho rằng trong ngôn ngữ Chăm không có vần V. Phải chăng trong lúc giao tiếp ChămViệt, những người lưu dân Xuôi Nam để làm vui lòng người láng giềng đã dần dần đánh mất vần V để phát âm đi dzề thay vì đi về, dzui dzẻ thay vì vui vẻ

Tiến sĩ Phú Văn Hẳn không đồng ý với ý kiến không có vần V trong ngôn ngữ Chăm. Tuy nhiên, qua khảo sát cuốn Từ điển Chăm Việt (nxb Khoa học xã hội, 1995) mà tiến sĩ Hẳn là một người tham gia biên soạn, tôi chỉ đếm được vỏn vẹn 71 từ vần V trong một cuốn từ điển dày hơn 900 trang. Các vần khác, như vần T có đến hơn 900 từ.

Trong khi đó, người Việt xuôi Nam lại tiếp nhận vần R (rung) vốn không thể phát âm chuẩn đối với cư dân đồng bằng sông Hồng.

Ô Châu cận lục cho thấy ảnh hưởng văn hoá Chăm khá rõ nét trong buổi đầu của đất Thuận Hoá.

" Nói tiếng Chiêm thì có thổ dân làng La Giang, mặc áo Chiêm thì có con gái làng Thuỷ Bạn".

Tiếng Huế (pha nhiều tiếng Chiêm) được cho là không tao nhã, mặc quần như người Chăm thay vì mặc váy cũng bị phê phán (có nơi tiếng Huế, quần Chiêm thói càng bỉ ổi !).

Tiếng Huế có nhiều tiếng Chăm như ni, tê, loi (thụi), mụ ...(muk để chỉ người phụ nữ lớn tuổi đáng trọng). Cuộc sống hoà đồng Chăm Việt ở vùng Thuận Hoá đã được ghi lại khá sống động như trong áng văn Thỉ thiên tự" do vị khai canh làng Câu Lãm (nay là Câu Nhi, Hải Lăng, Quảng Trị) là Bùi Trành viết năm 1429:

"Một ngày kia bèn đi Nam. Lần đi ấy, giả thác là đi buôn, kỳ thực là để chọn đất. Gia nhân đi theo không ai biết được. Rồi nhân truyền điønh loan báo : "Đất Châu Ô, người Chiêm đã bỏ đi hết, nhân dân ta, ai không có nhà cửa điền sản, mà mộ được nhiều người đến xứ này canh phá, lập thành làng mạc thì được khởi trưng." Tôi bèn nhanh chóng hưởng ứng, đi kêu gọi được hơn 20 người ứng mộ bèn thôi ...() "Lúc đó, bèn đi viếng mộ tổ tiên, xin bốc đem quy trí, hẹn thượng tuần tháng sau, Giáp Tý lên đường. Sau đó tới Châu Ô. Do ngày trước đã bàn bạc với dân Chiêm xứ ấy xin cư trú rồi, nên đến Châu Ô chẳng cần phải nhiều lời. Nhân đó, mua cày bừa, dựng nhà ở, ít lâu xong xuôi. Bèn dựng một cái rạp tại nơi ở, sắm sửa heo xôi, cỗ bàn, sắp đặt dâng tế một lễ mời khách đến dự, rồi an tán kim cốt ra tay canh khẩn. Từ đó yên việc ăn ở, người Chiêm lũ lượt tới lui, tôi đã chân thành khoản đãi. Gặp lúc họ có biến cố gì, tôi đều tới lui giúp đỡ. Những lúc đó người Chiêm phần nhiều đem thổ cẩm biếu cho tôi. Tôi chẳng tiêu dùng. Lâu ngày thành cả gánh, đem gánh lên quan trình nạp. Quan trên cho tôi làm "đại đề" [1].

Luôn luôn đi khai phá vùng đất mới, người lưu dân Việt đều tâm niệm rằng đây là đất ruộng của "điền chủ" (chủ trước) chứ không phải là vùng đất hoang vu chưa được bàn tay con người khai phá !

Nguyễn Hoàng trong sắc lệnh sai Lương Văn Chánh từ huyện Tuy Viễn (Bình Định) đem lưu dân vào khai phá vùng đất tỉnh Phú Yên bây giờ (1597) cũng gọi là khai phá, "hoang điền, nhàn thổ" nghĩa là ruộng của cư dân Chăm đã bỏ hoang, nương vườn cũ không ai canh tác. Đó là thái độ tôn trọng người chủ cũ đã có công khai phá mà người đến sau được thừa hưởng. Ở Thừa Thiên Huế, trước đây có rất nhiều am thờ tiền chủ tức là người chủ Chăm. Lễ thuê đất (tá thổ) còn lưu giữ một vài nơi ở Phú Yên cũng nói lên tinh thần ấy [2].

Người lưu dân trên đất nước cũng lấy tín ngưỡng của tiền chủ làm tín ngưỡng của mình. Po Nagar, người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm được thờ ở Điện Hòn Chén (Hải Cát, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) dưới danh hiệu Y_Na hay Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi, Tháp Bà ở Nha Trang, Bà Chúa Xứ, Bà Đen là những thần bản địa được người Việt tôn thờ. Ở Thừa Thiên Huế rất nhiều nơi thờ Bà Dàng (Thai Dương phu nhân). Tập tục cúng bà Dàng vào cuối năm âm lịch ở Huế đã đi vào ca dao tục ngữ

Hai mươi làm tốt
Hăm mốt xỏ tai
Hăm hai đeo hoa
Hăm ba tế Dàng [3]

Chẳng những tiếp nhận tín ngưỡng của chủ cũ, người Việt cũ bao dung, dung hợp tín ngưỡng của người Hoa nhập cư. Chùa Bà, Chùa Ông ở khắp nơi. Ở Hội An trong các chùa Hoa (người Việt gọi là Chùa Tàu) đến khi còn thờ cả Phục Ba Tướng quân Mã Viện ! (Vì danh xưng Phục Ba (Hàng Sóng), Mã Viện được xem là vị thần bảo hộ mậu dịch trên biển).

Ảnh hưởng âm nhạc Chăm cũng có thể nhận ra trong điệu tán, tụng của các nhà sư ở Huế. Chúng tôi đã có dịp thu âm một bản nhạc lễ của người Chăm để minh chứng cho nhận xét này.

Trong các bài văn tế tìm thấy ở Phú Yên, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần thường được tôn lên hàng đầu, trước cả tôn danh của vị thành hoàng tỉnh Phú Yên là Phù Nghĩa hầu Lương Quý Phủ (Lương Văn Chánh) thượng đẳng thần.

Tinh thần dung hợp văn hoá là nền tảng cho sự hoà hợp và đoàn kết các dân tộc anh em. Người Việt không đề cao dân tộc mà xem lãnh thổ, địa bàn chung sống của các dân tộc là mẫu số chung, là yếu tố quan trọng nhất để đoàn kết.

Người trong một nước phải thương nhau cùng !

Trong tinh thần đó, những lưu dân từ xa đến hay những cộng đồng dân cư bản địa đều đoàn kết để xây dựng quê hương. Châu Thượng Văn ở Hội An, Trần Tiễn Thành, Lâm Mậu, La Hối... và bao nhiêu người nữa đã xem đất nước này là quê hương chính của mình. Họ Mạc ở Hà Tiên cũng sống và còn sống mãi trong tinh thần dung hợp về văn hoá và đoàn kết dân tộc. Đó cũng chính là tinh thần cùng cách ứng xử nhân văn của dân tộc trên con đường Xuôi Nam.

Trần Viết Ngạc
[1] - Trần Đại Vinh _ Tín ngưỡng dân gian Huế, nxb Thuận Hoá Huế, 1995, trang 19

[2] - Người Kinh đem một mâm cơm cau trầu rượu và cua trứng, thịt heo luộc cùng một ít vàng mã để cúng vị tiền chủ ngay tại đám ruộng miønh đang canh tác. Trên mâm lễ còn có 4 hòn cuội, được sơn vôi một đầu. Sau lễ, hoá vàng bạc, đem 4 "ông mốc" cắm ở bốn góc ruộng.

[3] - Trần Đại Vinh, klđd, trang 45



Trở Về   ]