Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]             [ Tác giả ]

NGUYỄN HỮU TUỆ (1871 - 1938)
giữa đám than tro vàng mới quý ... 
***

Thái Vĩnh Trân & Trần viết Ngạc 


Tấm ảnh của ông Nguyễn Hữu Tuệ
Ngày nay, đến đền Tiên Nga - một di tích lịch sử văn hóa [1] ở Quận Ngô Quyền, Hải Phòng, khách viếng thăm có thể chứng kiến một vị trí trang trọng trong đền có thờ các vị: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lý Tuệ, Nguyễn Thượng Hiền, Trịnh Văn Cấn, Lương Văn Can... Đó là những tên tuổi gắn bó với phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Chúng ta biết đến Phan Bội Châu là người sáng lập Duy Tân Hội và khởi xướng phong trào Đông Du. Tên tuổi Phan Châu Trinh gắn liền với xu hướng cải cách và phong trào Duy Tân. Nguyễn Thượng Hiền, một chí sĩ yêu nước nhiệt tâm. Lương Văn Can - đồng sáng lập ngôi trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trịnh Văn Cấn hay Đội Cấn, cùng Lương Ngọc Quyến đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên năm 1917...

Trong số các bậc tiên hiền trung liệt đó, Lý Tuệ ít được biết và nhắc đến. Xuất thân không phải là một sĩ phu Nho học, và cũng không phải là người lãnh đạo một phong trào, người con của đất Hải Phòng Lý Tuệ đã ghi dấu ấn trong lịch sử bằng những đóng góp hết sức thầm lặng mà lớn lao: là người nhiệt tâm yêu nước, tranh thủ làm công dưới tàu ông đã che chở, giúp đỡ các nhà cách mạng và sinh viên xuất ngoại. Chính vì lẽ đó mà người viết muốn tái hiện lại hình tượng nhân vật lịch sử này, qua nguồn tư liệu rất hạn chế về ông.

Lý Tuệ tên thật Nguyễn Hữu Tuệ (1871-1938) [2], sinh tại làng Gia Viên [3], trong một gia đình nhà nho. Ông mua chức lý trưởng nên thường được gọi là Lý Tuệ [4].

Khi trưởng thành, gia đình gặp vận hạn, Lý Tuệ phải đi làm thợ nề để kiếm sống [5]. Sau đó, ông xin làm nghề nấu bếp trên tàu biển[6].

Cũng như Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Châu Trinh (1872-1926), hay Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925)..., Lý Tuệ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đặt nền thống trị. Dưới tác động của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu xã hội Việt Nam đã có những biến đổi, các giai cấp xã hội bắt đầu có sự phân hóa. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta và đế quốc ngày càng trở nên sâu sắc.

Cùng với ảnh hưởng của sự xâm nhập phương Tây, các trào lưu tư tưởng mới - tư tưởng dân chủ tư sản, từ bên ngoài tràn vào được bộ phận sĩ phu yêu nước có xu hướng tiến bộ tiếp nhận. Trên cơ sở nhận thức đổi mới, các vị hiểu rằng có thể giành "độc lập dân tộc" bằng nhiều con đường khác nhau. Nổi bật là việc thành lập Duy Tân Hội (1904), phát động phong trào Đông Du vào năm 1905 do Phan Bội Châu khởi xướng.

Là một đầu bếp, nhưng xuất thân trong một gia đình nhà nho, ở một làng khoa bảng ông sớm nhận thức và chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng mới. Ông đã chủ động hòa nhập vào làn sóng đó bằng việc tham gia góp sức cho phong trào Đông Du.

Trong Tự phán[7], hình ảnh Lý Tuệ xuất hiện khi cụ Phan đề cập đến lần xuất dương đầu tiên cùng Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính vào năm Ất Tị (1905), tháng giêng:

"Đến ngày 15 tháng ấy, hai người mang tới nơi, ông Trần Văn Bỉnh[8] trở về Nam, tôi với ông Tăng, ông Đặng lên xe lửa từ Hà Nội xuống Hải Phòng, đầu sẵn có bạn quen của ông Tăng nên tới đâu trơn lọt cả.

Ngày 20 tháng ấy[9], xuống tàu buôn Tây ở Hải Phòng. Chiếc tàu đi từ Hải Phòng đến Mang Cai.

Từ đây sắp xuống bắt đầu vào lịch sử đầu đuôi tôi xuất dương[10].

"Buổi sớm ngày 22 tháng Giêng lên bờ, vào trú nhà một người thuyền hộ ở chợ Trúc Sơn, tên là Tiễn Lùng. Nhà này cũng là bạn quen của ông Tăng. Sắp đặt hành trang xong, tôi mừng quýnh, muốn phát cuồng, nghĩ rằng chim hồng ra khỏi lồng, ngày nay là ngày thứ nhất"...

"Lúc đó, chủ thuyền toan đi Hương Cảng buôn, chúng tôi bèn đi thuyền của chủ ấy, ngồi tàu buồm đến Bắc Hải, trót sáu ngày, đổi sang ngồi tàu lửa Tây đến Hương Cảng. Chiếc tàu ấy là Ái Vu. Trong lúc vô ý được một người bạn rất tốt tên là Lý Tuệ.

Ông nầy làm đầu bếp ở trong tàu, coi những việc cung cấp ăn uống cho hành khách, đi qua đi lại chăm liếc dòm ba người chúng tôi, có ý nghi không phải là khách tầm thường. Lúc tàu rảnh việc thì xoay lại nói chuyện với chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa giám nói tình thật, chỉ tỏ ý ân cần, hẹn ông gặp nhau ở nhà trú Hương Cảng.

Thượng tuần tháng hai, tàu tới Hương Cảng, có người khách sạn xuống bán vé. Chúng tôi mua vé Thái Yên khách sạn, mới hẹn với ông Lý Tuệ đến đây nói chuyện.

Chúng tôi lên khách sạn nghỉ một đêm ngày. Ông Tăng lưu chúng tôi ở lại đây, còn một mình ông qua Thiều Quan, hỏi thăm cụ Tôn Thất Thuyết, cụ Trần Soạn[11]. Lại một ngày sau thì ông Lý Tuệ lên tìm chúng tôi ở khách sạn. Trong lúc nói chuyện ông rất hiểu đại nghĩarất chán nghề làm bồi dưới tàu. Chúng tôi mới đem chân tình việc đi này cáo với ông. Ông cảm động một cách lạ thường, xin hết sức giúp tân đảng, như đưa ngầm tiền bạc, gửi ngầm học sinh, cho đến thư tín ở trong ra, ở ngoài vào, rành một tay ông đảm nhận, trót mấy năm trời không sai suyển tý gì, mà lại tuyệt không nói đến trả ơn trả công. Tấm lòng trung thành càng lâu càng bền chặt. Em ông là ông Lý Tư cũng không kém gì ông. Nay tôi nghe 2 ông ấy bị đồ chung thân".

Về cuộc gặp gỡ, Phan Bội Châu đã viết: "Than ôi! Áo vóc đai vàng, ở trong nước biết bao món ấy mà nhiệt thành nghĩa khí lại ở trong bọn nấu bếp làm bồi, cũng là việc đáng truyền vậy![12]

Ngục trung thư[13] viết về Lý Tuệ:

"Thượng tuần tháng Chín[14], tôi với Nguyễn quân Thức Canh từ bến đò Chế Giang ra đi. Cuối tháng ấy chúng tôi tới Hải Phòng, gặp được một người làm bồi dưới chiếc tàu Tây, tên là Lý Tuệ, tính giùm cho tôi cái kế thoát hiểm.

Lý Tuệ là người có gan dạ, mưu mô, thâm hiểu nghĩa lớn. Về sau, ông ta ngầm giúp công việc kia khác cho đảng chúng tôi được nhiều lắm. Lúc này tìm cách đưa tôi xuất dương, ấy là bước đường thứ nhất của ông ta dấn mình vào quốc sự vậy. Thật là một người hăm hở làm việc nghĩa, gặp nạn coi chết như không. Tôi không ngờ lúc mình gió bụi xông pha lại được gặp người như thế. Nghe nói bây giờ ông ta đã bị đày, còn sống hay chết rồi không rõ[15]

Chỉ qua một đoạn ngắn, hình ảnh Lý Tuệ đã hiện lên rõ nét với những phẩm chất cao đẹp. Đó là người mưu mô, gan dạ, "gặp nạn coi chết như không", lại thâm hiểu nghĩa lớn và hăm hở làm việc nghĩa. Dường như, bên trong lớp vỏ bọc của một "bồi tàu Tây", Lý Tuệ sinh ra là để làm việc lớn, sẵn sàng phụng sự và hy sinh cho "đại nghĩa".

Lý Tuệ không phải là một tên tuổi gắn liền với những yếu nhân của Duy Tân Hội, cũng không là người sáng lập, hay vận động cho phong trào Đông Du. Tuy nhiên, qua Tự phán, ông để lại dấu ấn của mình trong phong trào bằng những việc làm thầm lặng, nhưng đóng vai trò hết sức lớn lao. Ông đã đảm nhận việc liên lạc, bảo vệ cho số thanh niên trong nước ra nước ngoài du học với những việc "bí mật" mà cũng hết sức nguy hiểm nếu bị chính quyền thuộc địa và mật thám phát hiện: chuyển tiền bạc, giấu du học sinh, chuyển thư tín: "...thư in vài trăm bản, cậy ông Lý Tuệ lén đưa vào trong nước, tôi cũng ủy Đặng Tử Kính vào trong nước hiệp đồng với ông Tăng chia đường chạy khắp Nam Bắc, tuyên bố các món văn thư như trên kia đã kể..."[16]

Ông đã trở thành "liên lạc viên" đáng tin cậy của phong trào Đông Du: "...Lương Văn Can còn gom góp tiền nhà được 250 đồng, giao cho liên lạc viên Đông du ở Hải Phòng là Lý Tuệ chuyên sang Quảng Đông để giúp Phan Bội Châu và các đồng chí qua cơn khốn cùng..."[17]

Không chỉ Phan Bội Châu [18], nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng khi xuất dương cũng đã tìm đến Lý Tuệ như là một chỗ nhờ vả đáng tin cậy vì trong hoàn cảnh lúc bấy giờ "chính phủ Pháp không cho người Việt Nam mình có quyền tự do lai vãng. Phàm ai muốn ra xứ ngoài du lịch hay là buôn bán, nếu không được bảo hộ cho phép thì tất bị buộc tội ngầm thông với nước ngoài, mưu chuyện làm loạn"[19].

Nhà nghiên cứu Huỳnh Lý cho biết: "Phan Châu Trinh đến Hải Phòng tìm những người đã giúp cho Phan Bội Châu xuất dương là Lý Tuệ và Lý Tư và nói thật cho họ. Sau đó ông ăn vận quần áo như công nhân làm dưới tàu và được Lý Tuệ đưa xuống tàu. Đến Quảng Châu Loan, ông suýt bị lộ, phải lên bờ, sau đó lại nhờ Lý Tuệ cải trang thành thương nhân Trung Hoa, xuống tàu tiếp tục đi..." [20]

Đến Hương Cảng rồi, Lý Tuệ lại đưa Phan Châu Trinh đến Quảng Đông, vào nhà Lưu Vĩnh Phúc thì gặp Phan Bội Châu và Cường Để ở đó.

Trong bài Cảm tưởng nhân ngày kỷ niệm cụ Tây Hồ năm thứ mười một[21] có đoạn do chính Phan Châu Trinh kể về hành trình xuất dương với sự giúp đỡ của Lý Tuệ:

"May nhờ lão Lý Tuệ làm đầu bếp chiếc hỏa thuyền Ái Vu nhận tôi làm tên bếp phụ. Lão nhốt chặt trong khoang bếp tàu, khách và chủ trong thuyền chả ai biết mặt tôi. Hễ có ai đi gần, thời ngoảnh mặt vào trong bếp than đá một mực đốt than. Trót 12 ngày thuyền mạn về Hải Nam, Quảng Châu Loan, Bắc Hải, lão chẳng cho tôi ló cổ ra ngoài một phút, vì những nơi ấy có quân lính Pháp, mà cũng có thông ký, bồi bếp ta. Tôi đến thấu Hương Cảng thỏi thăm anh em, biết được anh mới về đây, nên vội đi cho gấp nên chẳng kịp thay đồ ăn mặc".

Lời kể chân tình của Phan Châu Trinh đã cho thấy tinh thần xin "hết sức hiệu laocho tân đảng" và cả phong trào yêu nước của Lý Tuệ. Cái tâm và cái tình, sự cẩn trọng đầy trách nhiệm của Lý Tuệ trong hoạt động đã được ghi nhận qua lời kể của các chí sĩ. Dường như, Lý Tuệ đã đảm nhận một vị trí không thể thiếu trong hoạt động xuất dương: "Tôi lại chung thuyền với cụ về tới Hương Cảng, chờ thuyền Lý Tuệ sang"[22].

Bên cạnh Lý Tuệ, em trai ông là Lý Tư, cũng đóng góp hết sức tích cực cho phong trào. Cũng chính vì những hành động yêu nước tích cực của mình mà hai ông đã bị chính quyền thực dân bắt tội, đến lúc bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn dã man, cũng không hề cung khai [23].

Cảm kích trước nghĩa cử của ông, Phan Bội Châu đã đề tặng những dòng chữ trong ảnh chân dung của Lý Tuệ như sau [24]:

"Nguyễn Hữu Tuệ quân chi chiếu tướng.
Quân xu nghĩa nhược khát. Cấp nạn vong tử. Đầu thân quốc sự phàm thập niên. Phan Châu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Thượng Hiền dĩ cập Đông Độ chi thiếu niên giai quân mật tống. Sự tiết bị tù. Kỷ tử nhưng bất cải".

Dịch nghĩa:

Ông đến với việc nghĩa như người khát nước, gấp rút cứu nạn quên cả cái chết. Dấn thân vào việc nước trong mười năm. Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Phan Châu Trinh, Cường Để, Nguyễn Thượng Hiền cho đến các thiếu niên Đông Độ đều do ông đưa đón. Việc bại lộ, ông bị tù. Nhiều phen tưởng chết nhưng chí không thay đổi.

Nếu tính thời điểm Lý Tuệ bắt đầu dấn thân vào việc nước năm 1905, với khoảng thời gian suốt "mười năm" theo những dòng trên của Phan Bội Châu, thì có lẽ, ông bị chính quyền thực dân bắt giam cùng thời điểm với Phan Bội Châu (khoảng năm 1913-1914) [25]. Khi Phan Bội Châu viết Ngục trung thư, có ghi "Nghe nói bây giờ ông ta đã bị đày, còn sống hay chết rồi không rõ". Đến Tự phán, viết năm 1929, cụ Phan nhắc lại chi tiết Lý Tuệ và Lý Tư vẫn bị án chung thân. Một nguồn tư liệu cho biết mãi đến năm 1938 ông mới được mãn hạn tù, sau đó ông có vào Huế thăm Phan Bội Châu [26].

Do hậu quả của những trận đòn tra tấn và chế độ khắc nghiệt trong nhà tù, thêm tuổi già sức yếu,Lý Tuệ từ trần tại Hải Phòng ngày 26-10-1938 (4-9 Mậu Dần ) Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo Hội Ái hữu thương thuyền Hải Phòng [27] đứng ra tổ chức lễ tang cụ một cách trọng thể. Lê Quốc Trọng (Nguyễn Khắc Khang) [28] được phân công đọc điếu văn ca ngợi cuộc đời nhà yêu nước, kêu gọi mọi người noi gương cụ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Đám tang trở thành một cuộc diễu hành của quần chúng, gây tiếng vang lớn.

Phan Bội Châu có gởi ra câu đối viếng cụ :

"Sống với giang san, chết với giang san, giữa đám than tro vàng mới quý,
Buồn vì chủng tộc, vui vì chủng tộc, trước hồn thần thánh phách càng linh".
Hiện nay, mộ của Lý Tuệ nằm ở nghĩa trang Phi Liệt, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Tên của ông (Nguyễn Hữu Tuệ), được đặt cho một con phố ở Hải Phòng. Ông cũng được thờ trong đền Tiên Nga - nơi đã in dấu ấn hoạt động vì nghĩa cứu quốc của ông. Nguyễn Hữu Tuệ hiện nay chỉ còn có cháu ngoại là bà Ngô Thị Yên, 77 tuổi, nhà số 6, ngõ 94, phố Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, tuổi đã cao [29].

Công lao và sự hy sinh, lòng nhiệt thành của Lý Tuệ đã được ghi nhận. Phan Bội Châu từng có quan niệm "bình thường hóa anh hùng". Ngoài những bậc anh hùng phi thường xuất chúng, thì con người, trước hết cần phải "lấy nhiệt thành làm chính" [30], rồi mới đến "kiến thức" và "nhân cách". Xét theo quan điểm này, thì Lý

Tuệ cũng là một bậc anh hùng vậy! Một người anh hùng thầm lặng đã đóng góp không ngừng mệt mỏi cho hoạt động của Duy Tân Hội và phong trào Đông Du.

Thế nhưng, một điều khiến chúng ta phải suy ngẫm là, tuy công trạng của ông đã được ghi nhận, nhưng sự biểu hiện vẫn còn chưa xứng đáng với một bậc anh hùng như Lý Tuệ. Mộ phần của ông hãy còn đơn sơ, nằm lặng lẽ trong nghĩa trang chung [31]. Thiết nghĩ, chúng ta cần có những tấm lòng, những hành động thiết thực hơn nữa để ghi khắc công lao của người xưa...

Trời gió mưa xao xác canh gà,
Vừa mới đến Bến Ngự, Sông Hương in dấu mới.
Đất thần thánh, quê hương bóng hạc,
Biết bao phen Hải Phòng, Hương Cảng tạc ngày xưa. (Phan Bội Châu)

Tháng 6/2010

THÁI VĨNH TRÂN &TRẦN VIẾT NGẠC
với sự đóng góp tư liệu điền dã của Lệ Cúc

 

[1] -  Ngày 9 tháng 2 năm 2007 đền Tiên Nga được UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định số 242/QĐ-UBND xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Đền nằm ở địa chỉ số 53, phố Lê Lợi, Phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ngoài ra, đền Tiên Nga còn phụng thờ đức Vũ Quận Quyến Hoa Công Chúa. Bà là nữ tướng lo việc quân lương giúp đỡ Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch đằng năm 938. Cũng ở ngôi đền này, nhân dân còn phối thờ đức Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa, Đức Thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và một số vị thần khác. – Tư liệu do Lê Thị Lệ Cúc điền dã.

[2] -  Sở văn hóa thông tin Hải Phòng – Thư viện Thành phố, Nhân vật lịch sử Hải Phòng, NXB Hải Phòng, 1998, tr.193 ghi ông sinh năm 1870 mất năm 1937.

[3] -  Gia Viên còn có tên là làng Cấm, huyện Hải An, tỉnh Kiến An, nay thuộc TP. Hải Phòng. Đây là một làng khoa bảng, nhiều người học hành đỗ đạt, là cơ sở yêu nước, cách mạng.

[4] -  Xem thêm Phan Thị Hán – Đặng Đoàn Bằng, Việt Nam nghĩa liệt sĩ, NXB Văn học, tr.73.

[5] -  công nhân của bến Sáu Kho – nay là cảng Hải Phòng.

[6] -  Sở văn hóa thông tin Hải Phòng – Thư viện Thành phố, Nhân vật lịch sử Hải Phòng, NXB Hải Phòng, 1998, tr.193.

[7] -  Cuốn hồi ký của Phan Bội Châu, hoàn thành khoảng năm 1929, là tập tự truyện có giá trị lịch sử hết sức quan trọng đối với việc tìm hiểu về con người, cuộc đời hoạt động cách mạng và tư tưởng của ông, cũng như đối với việc nghiên cứu lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Là người đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm này, Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định: “Tập tự phán này, chính là cụ Phan tự viết chuyện cụ, đáng là tấm họa truyền thần chiếu ra cái phản ánh từng giai đoạn lịch sử nước nhà trong khoảng sau, bảy mươi năm qua…Cụ chép những việc làm, từ điều sở trường có thể tự tín và điều sở đoản có chỗ tự hối, chân tướng thế nào kể ra thế ấy, tuyệt nhiên không hề phô điều tốt mà che điều xấu tí nào`` (Xem Bài tựa của Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Tự phán, NXB Anh Minh, 1956, tr.X)

[8] -  Một giáo dân ủng hộ phong trào.

[9] -  Tức ngày 23/2/1905.

[10] -  Tự phán, sđd, tr.45.

[11] - Trần Xuân Soạn.

[12] - Tự phán, sđd, tr.48,49.

[13] - Phan Bội Châu viết tập sách này tại nhà ngục Quảng Châu (Trung Quốc) sau khi vào ngục ba ngày. Ông nghĩ là không thể thoát chết nên viết sách nhắc lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình từ năm 17 tuổi. Nguyên văn chữ Hán của tác phẩm này hoàn thành vào 25 tháng Chạp năm Quý Sửu (1913) tức 20/1/1914.

[14] - Trong tác phẩm này, Phan Bội Châu có đề cập đến lần xuất dương đầu tiên cùng với Tăng Bạt Hổ: "mồng hai tháng Giêng năm Ất Tị (1905), chúng tôi ra Hải Phòng để xuất dương". Như vậy, theo Ngục trung thư thì lần xuất dương thứ hai vào khoảng 9/1905 (năm Ất Tỵ), ông đã gặp gỡ và tiếp xúc với Lý Tuệ. Xem Ngục trung thư, trong Phan Bội Châu toàn tập,T.2, NXB Thuận Hóa, 1990.

[15] - Ngục trung thư, sđd, tr 38.

[16] - Tự phán, trong Phan Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những sử liệu mới, NXB Đà Nẵng, 2001, tr.91.

[17] - Xem thêm Lý Tùng Hiếu, Lương Văn Can và phong trào Duy Tân, Đông Du, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2005, tr.114.

[18] - Theo Nhân vật lịch sử Hải Phòng, sđd, tr.193, Lý Tuệ đã che giấu Phan Bội Châu ở đền Tiên Nga Hải Phòng và giúp ông sang Trung Quốc an toàn. Sự kiện này có lẽ diễn ra trong lần xuất dương thứ 2 của cụ Phan.

[19] - Ngục trung thư, tr.30.

[20] - Huỳnh Lý, Phan Châu Trinh, thân thế và sự nghiệp, NXB Trẻ, 2002, tr.5.

[21] - 24.3.1936 -- trích bài của Phan Bội Châu đăng trên báo Tiếng Dân ngày 3.4.1937, trong Phan Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những sử liệu mới, NXB Đà Nẵng, 2001, tr. 97.

[22] - trích bài Cảm tưởng nhân ngày kỷ niệm cụ Tây Hồ năm thứ mười một của Phan Bội Châu đăng trên báo Tiếng Dân ngày 3.4.1937 trong Phan Thị Kinh, sđd, tr 97.

[23] - Xem thêm Nhân vật lịch sử Hải Phòng, sđd, tr.193.

[24] - Ảnh này được thờ trong đền Tiên Nga.

[25] - Theo Nhân vật lịch sử Hải Phòng, sđd, tr.193, ông bị bắt giam năm 1908, bị kết án 12 năm tù, hết hạn tù bị quản thúc.

[26] - Tự phán, NXB Anh Minh, 1956, tr.49.

[27] - Thuộc Công đoàn của Đảng?

[28] - Lê Quốc Trọng (Nguyễn Khắc Khang) cũng là người làng Cấm (Gia Viên), tham gia các phong trào yêu nước cùng Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang, Lưu Bá Kỳ, Vũ Văn Hiếu đấu tranh đòi Pháp thả Phan Bội Châu, để tang Phan Châu Trinh, chấn hưng nội hóa.

[29] - Tư liệu do Lê Thị Lệ Cúc điền dã.

[30] - Trong Hóa lệ công ngôn, xem Nguyễn Đổng Chi, Về quan niệm anh hùng của Phan Bội Châu, trong Nhiều tác giả, Phan Bội Châu -Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2007, tr 185.

[31] - Xem ảnh mộ Nguyễn Hữu Tuệ.