Huyền ảo Hạ Long

Phanxipăng


Hạ Long vàng. Tranh sơn dầu: Lê Đại Chúc
Tôi lần đầu thăm vịnh Hạ Long vào năm 1995, sau khi ghé Bình Thuận quan sát nhật thực toàn phần, nhờ tham gia chuyến xuyên Việt cùng với đoàn 2e Rencontres du Vietnam(1). Ấy là thứ hai 6-11-1995. Mọi người trong đoàn thảy đều háo hức bởi lắm nguyên nhân, mà lý do nổi bật là cách đó gần tròn năm, ngày 17-12-1994, vịnh Hạ Long được UNESCO(2) đưa vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về thẩm mĩ. Sau, ngày 2-12-2000, UNESCO tiếp tục công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về giá trị địa chất địa mạo.

Nhớ lại chuyến dạo chơi vịnh Hạ Long suốt ngày 6-11-1995 bằng tàu buồm. Thời tiết quá xấu, bởi nhật điểm nọ sau cơn bão số 11 và trước cơn bão số 12. Chẳng những thiếu nắng, mà sương mù dày đặc, không gian cực kỳ u ám, quá ư bất tiện đối với việc chụp ảnh lẫn quay phim phong cảnh. Thế nhưng, tôi cùng cả đoàn vẫn cảm thấy thú vị lúc ngắm nghía hòn Lư Hương, hòn Trống Mái, hòn Gà Chọi, hòn Con Cóc, hòn Rồng, hòn Đũa, v.v., lại được dạo gót vào hang Đầu Gỗ và động Thiên Cung.

Vịnh Hạ Long rộng 1.553km2 gồm 1.969 đảo, hầu hết là đảo đá, trong đó có 100% đảo có tên, nhưng chỉ 40 đảo đất có dân sinh sống. Vịnh Hạ Long còn có hệ thống hang động được kiến tạo vào thế địa chất Cánh Tân(3), đẹp nhất là hang Đầu Gỗ gồm nhiều thạch trụ (cột đá), thạch duẩn (măng đá), thạch nhũ (vú đá). Có người cho rằng tên của hang này phải là Dấu Gỗ, vì thuở chống quân Nguyên - Mông xâm lược, Trần Hưng Đạo cho quân sĩ chặt gỗ đưa vào đây rồi vót nhọn trước khi cắm xuống sông Bạch Đằng tháng 4-1288; tuy nhiên các cuộc khảo sát thực địa của ngành sử học và khảo cổ học bấy lâu chẳng tìm thấy bằng chứng ủng hộ ý kiến kia. Vua Khải Định gọi hang Đầu Gỗ là Ngũ Thể Tường Vân. Sách Merveille de Monde(4) do Pháp xuất bản năm 1938 mệnh danh hang Đầu Gỗ bằng cụm từ Grotte des Merveilles có nghĩa "động Các Kỳ Quan". Thư tịch cổ, chẳng hạn Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quan triều Nguyễn, gọi hang Đầu Gỗ bằng tên 耕讀. Đôi chữ nọ phát âm Hán-Việt thành Canh Độc (5), nghĩa đen là cày ruộng và đọc sách, nghĩa bóng là ở ẩn.

Cách hang Đầu Gỗ chỉ 120m về phía tây có động Thiên Cung được phát hiện vào năm 1995. Kỳ thực, động này bị cây cối rậm rạp che phủ thời gian dài, chứ trước kia, đó là động mang tên Nôm diễn tả hình ảnh thực tế của thạch khối được tạo thành do kết tủa carbonat calci (CaCO3): động Vú Chị Vú Em.

Địa danh với văn thơ
Ngay cả tên Hạ Long cũng mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, trên bản đồ hàng hải của Pháp. Địa danh này ra đời bởi tờ Tin tức Hải Phòng ấn hành bằng tiếng Pháp, cho rằng viên thiếu úy người Pháp tên Legderin, thuyền trưởng tàu Avalence, cùng các thủy thủ bắt gặp một đôi rắn biển khổng lồ ba lần, vào các năm 1898, 1100% và 1902 (6). Rắn biển phải chăng là biến thể của rồng? Còn truyện Rồng mẹ - Rồng con thì thực chất, theo thiển ý tôi, được sáng tác vào thời hiện đại nhưng khoác vỏ "truyền thuyết" hoặc "cổ tích".

Từ tin tức rắn - rồng, địa danh xuất hiện ban sơ là Hải Long. Sách Hải Long du ký với phụ đề tiếng Pháp Le tourisme à la baie d'Along của Trần Hữu Tư, một điền chủ ở Giá Rai (Bạc Liêu), in năm 1941, dùng cả Hải Long lẫn Hà Long. Nguyên văn bài thơ Hà Long phong cảnh của tác giả sách nọ:

Gối đầu Bắc địa giáp ranh Tàu,
Phong cảnh Hà Long đẹp biết bao.
Một giải trong ngần mây nhận sắc,
Mấy hòn sáng rỡ đá phơi màu.
Chơn trời thâm thẫm rồng đi vắng,
Mặt biển minh mông cá nhảy nhào.
Nam quốc san hà ai đại định?
Thi đề vách đá chứng tài cao!

Hải Long biến thành Hà Long rồi hoá ra Hạ Long chăng? Tên Hạ Long, ghi theo tiếng Pháp thuở nọ thì Along và ngày nay thì Halong, ghi chữ Hán phồn thể thì 下龍 và giản thể thì 下龙, có nghĩa "rồng xuống", ắt khiến muôn người liên hệ tên toà thành Thăng Long 昇龍 / 昇龙   có nghĩa "rồng lên".

Xem lại sử sách, chúng ta biết rằng trải qua thời gian, vịnh xinh đẹp này thay đổi bao tên gọi. Giai đoạn Bắc thuộc, khu vực này mang tên Lục Châu, Lục Hải. Các triều đại Lý, Trần, Lê, nơi đây lại mang các tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang / Yên Bang, Yên Quảng, Vân Đồn, Ngọc Sơn, Lục Thủy. Thời Nguyễn, đến đời vua Thiệu Trị, kiêng chữ Hoa, nên đổi Hoa Phong thành Nghiêu Phong.

Biết địa danh cũ, bạn đọc ngày nay mới có thể hiểu và cảm và văn thơ của người xưa. Chẳng hạn bài tuyệt cú 幸安邦府 / Hạnh An Bang phủ / Dạo chơi phủ An Bang của vua Trần Thánh Tông (1240 - 1290):

朝遊浮雲嶠,
暮宿明月灣。
忽然得佳趣,
萬象生毫端。

Phiên âm:

Triêu du phù vân kiệu,
Mộ túc minh nguyệt loan.
Hốt nhiên đắc giai thú,
Vạn tương sinh hào đoan.

Phan Võ dịch:

Sớm chơi núi mây nổi,
Đêm nghỉ bến trăng thanh.
Bỗng dưng được thú lạ,
Ngọn bút nẩy muôn hình.

Nhiều người cho rằng Trần Thánh Tông là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta thăm Hạ Long, và Hạnh An Bang phủ là áng thơ đầu tiên đề cập đến địa phương tuyệt đẹp này. Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá kiêm thi hào Nguyễn Trãi (1380 - 1442) từng sáng tác bài thất ngôn bát cú Vân Đồn đặc tả phong cảnh Hạ Long:

路入雲屯山復山,
天恢地設付奇觀。
一盤藍碧澄明鏡,
萬斛鴉青鬌翠鬟。
宇宙頓清塵海岳,
風波不動鐵心肝。
望中岸草萋萋綠,
道是藩人駐舶灣。

Phiên âm:

Lộ nhập Vân Đồn sơn phục sơn,
Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan.
Nhất bàn lam bích trừng minh kính,
Vạn hộc nha thanh đỏa thúy hoàn.
Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc,
Phong ba bất động thiết tâm can.
Vọng trung ngạn thảo thê thê lục,
Đạo thị Phiên nhân trú bạc loan.

Lê Cao Phan dịch:

Đường tới Vân Đồn lắm núi non,
Trời cao đất rộng, đúng kỳ quan.
Một màu xanh phẳng, ngờ gương chiếu,
Vạn mảnh đen huyền, tưởng tóc buông.
Sơn thủy rõ cùng tô vũ trụ,
Phong ba nào dễ chuyển tâm can.
Nhìn ra bờ cỏ dờn xanh thẳm ,
Xưa khách neo thuyền đây bán buôn.

Hoặc bài thơ do vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) ngự đề vào mùa xuân Mậu Tý 1468, đoạn khắc lên vách núi Truyền Đăng tức núi Bài Thơ, nhắc Hải Đông tức Hạ Long:

巨浸汪洋潮百川,
亂山碁布碧連天。
壯心初感咸三股,
信手遙提巽二權。
宸北摳機森虎旅,
海東烽燧息狼煙。
南天萬古山河在,
正是修文偃武年。

Phiên âm:

Cự tẩm uông dương triều bách xuyên,
Ngoạn sơn kỳ bố bích liên thiên.
Tráng tâm sơ cảm Hàm tam tổ,
Tín thủ dao đề Tốn nhị quyền.
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ,
Hải Đông phong toại tức lang yên.
Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại,
Chính thị tu văn yển vũ niên.

Trần Nhuận Minh dịch:

Nhận nước trăm năm sóng cuộn đầy
Núi bày cờ thế, biếc liền mây
Xưa theo người khác luôn bền chí
Giờ đã tung hoành một chớp tay
Đế chủ điệp trùng quân hổ mạnh
Hải Đông(7) đã tắt khói lang bay
Trời Nam muôn thuở non sông vững
Yển vũ tu văn(8) dựng nước này.

Bài thơ ấy được chúa Trịnh Cương (1686 - 1729) hoạ vận, cho khắc vào vách núi Bài Thơ.

Các bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán Độ Hoa PhongNhập An Bang của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đề cập vịnh Hạ Long. Bài thơ đầu:

片帆無急渡華封,
峭壁丹崖出水中。
水勢每隨山面轉,
山形斜靠水門通。
魚龍雜處秋煙薄,
鷗鷺齊飛日照紅。
玉洞雲房三百六,
不知誰是水晶宮。

Phiên âm:

Phiến hàm vô cấp độ Hoa Phong,
Tiễu bích đan nhai xuất thuỷ trung.
Thuỷ thế mỗi tuỳ sơn diện chuyển,
Sơn hình tà kháo thuỷ môn thông.
Ngư long tạp xử thu yên bạc,
Âu lộ tề phi nhật chiếu hồng.
Ngọc động vân phòng tam bích lục,
Bất tri thuỳ thị Thuỷ Tinh cung.

Hoàng Xuân Hãn dịch:

Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong,
Đá dựng bờ son mọc giữa dòng.
Dòng nước lần theo chân núi chuyển,
Mình lèn nghiêng để lối duềnh thông.
Cá rồng lẩn nấp hơi thu nhạt,
Âu lộ cùng bay bóng xế hồng.
Băm sáu phòng mây cùng động ngọc,
Đâu nào là cái Thuỷ Tinh cung?

Hiểu và cảm văn chương xưa là nền tảng cần thiết giúp mọi người hiểu và cảm văn chương nay, như các bài thơ Chào Hạ Long của Xuân Diệu, Thu Hạ Long của Lưu Trọng Lư, Qua Hạ Long của Chế Lan Viên, Đi thuyền câu trên Hạ Long đêm trăng của Gia Ninh, Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Hạ Long của Trần Đăng Khoa, Hạ Long của Vương Trọng, Hạ Long nhìn mới của Hải Như, Một thoáng Hạ Long của Nguyễn Lãm Thắng, Hang Sửng Sốt ở Hạ Long của Nguyễn Việt Chiến, v.v.

Một số môn nghệ thuật khác
Nhắc thơ, thiên hạ thường chẳng quên nhạc. Thi ca liền kề mà. Hạ Long sở đắc lắm bài hát. Tạm kể: Tôi về đây nghe sóngHò biển của Nguyễn Cường, Cung đàn Hạ Long Giữ mãi Hạ Long xanh của Lê Nguyên Thêm, Hòn Gai đất mỏ mến yêu Hạ Long của Lê Chí Phúc, Quảng Ninh ngày mới của Trọng Đài, Đất lành chim đậu của Trần Tiến, Bình minh Hạ Long của Xuân Giao, Hạ Long biển nhớ của Đỗ Hoà Long, Hạ Long những giây phút thần tiên của Đoàn Bông, Hạ Long chiều vắng em của Vũ Việt Hồng, Đêm trăng Hạ Long của Lê Đăng Vệ, Chiều trên vịnh Hạ Long của Võ Tá Hân, Cảm xúc Hạ Long do Nguyễn Ái Nghĩa phổ thơ Hồng Hà, v.v.

Cảnh sắc tuyệt đẹp của Hạ Long chắc chắn được giới hoạ sĩ thích thú thể hiện thành tranh. Tranh sơn dầu Thuyền Hạ Long do Trần Bình Lộc vẽ năm 1935 khiến khá đông người yêu thích nghệ thuật thị giác say mê. Đến nay, dư luận vẫn ca ngợi tranh sơn mài Vịnh Hạ Long do Nguyễn Văn Tỵ thực hiện năm 1941. Đó là một trong ba hoạ phẩm giúp Nguyễn Văn Tỵ (1917 - 1992) tốt nghiệp hạng ưu khoá 11 trường Mỹ thuật Đông Dương. Về sau, năm 1988, Nguyễn Văn Tỵ tung bức tranh Hạ Long bằng chất liệu sơn mài. Vẽ vịnh Hạ Long, Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) còn lưu những ký hoạ rất chi tiết về các hải thuyền, cùng các tranh bột màu và tranh sơn dầu với bút pháp đặc trưng vào giai đoạn 1968 - 1987. Lê Đại Chúc những năm 2005 - 2006 khua khoắng sơn dầu nên đôi bức Vịnh Hạ Long vàngVịnh Hạ Long đỏ. Chẳng rõ hai hoạ phẩm này có tác động gì đến Lê Anh Vân lúc phác thảo tranh sơn mài Hạ Long vàngHạ Long đỏ vào năm 2008 chăng? Với khuôn khổ mỗi bức dài 33m, rộng 4,2m, Hạ Long vàngHạ Long đỏ của Lê Anh Vân hiện là hai tranh sơn mài to lớn nhất thế giới, được treo trong phòng khánh tiết thuộc Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội.

Hạ Long càng sinh động hơn khi xuất hiện trên phim nhựa lẫn video. Các bộ phim tài liệu Nơi đầu sóng ngọn gió Đất Hạ Long do Việt Nam sản xuất đã đoạt huy chương vàng và bạc tại Liên hoan phim quốc tế. Với Cuba, nhà làm phim Santiago Álvarez Román (1919 - 1998) đã cùng nữ phóng viên Martas Rojas làm bộ phim tài liệu Những con rồng Hạ Long. Với Pháp, phim truyện Indochine / Đông Dương do Régis Wargnier đạo diễn, dàn diễn viên có Catherine Deneuve, Phạm Linh Đan, Vincent Perez, Như Quỳnh, Jean Yanne, v.v., công chiếu từ năm 1992, đã khiến đông đảo khán thính giả trầm trồ khen cảnh trời - biển - đảo Hạ Long.

Nhiếp ảnh thì quá nhiều tác phẩm đen trắng và màu của bao tay máy trong lẫn ngoài nước đã, đang, sẽ cho thấy Hạ Long liên tục "thiên biến vạn hoá" quá ngoạn mục.

Fair play: rất cần!
Tháng 6-2003, vịnh Hạ Long được Câu lạc bộ những vịnh biển đẹp nhất thế giới (9) chính thức công nhận. Với Việt Nam, Câu lạc bộ kia cũng đã công nhận vịnh Nha Trang (ở tỉnh Khánh Hoà) vào tháng 6-2003 và vịnh Lăng Cô (ở tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào tháng 5-2009 là vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Tháng 10-2011, sau khi dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được các bạn cùng hệ Đặc biệt của khoa Ngữ Văn giúp phương tiện giao thông nhằm dạo thăm tỉnh Quảng Ninh, chủ yếu là núi Yên Tử và vịnh Hạ Long.

Đó là thời gian không chỉ "đất mỏ, vùng than" mà nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên toàn quốc dồn sức "nước rút" vận động mọi người trong lẫn ngoài nước bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do Tổ chức Thế Giới Mở Mới (10) chủ trì. 18 giờ chiều thứ sáu 11-11-2011, giờ GMT, tức 2 giờ sáng thứ bảy 12-11-2011, giờ Việt Nam, kết quả sơ bộ là vịnh Hạ Long lọt vào danh sách New7Wonders of Nature.

Kỳ thực, Câu lạc bộ những vịnh biển đẹp nhất thế giới và Tổ chức Thế Giới Mở Mới là những hiệp hội tư nhân. UNESCO chẳng ủng hộ các cuộc bầu bán, bình chọn do mấy hiệp hội kia phát động. Dẫu sao, được các hiệp hội kia xếp hạng "đầu bảng" thì càng lợi cho vịnh Hạ Long về nhiều phương diện, nhất là quảng cáo, tiếp thị du lịch. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia liên quan nên bình tĩnh xem cuộc bầu chọn là trò chơi; nếu chơi thì cần chơi đẹp, khôn ngoan, đàng hoàng, trung thực và công bằng với tinh thần fair play. Có thể vận động đội ngũ văn nghệ sĩ, vận động viên các môn thể thao, hoa khôi lẫn hoa hậu, sinh viên và học sinh, du khách, v.v., bầu chọn vịnh Hạ Long thông qua Internet hoặc điện thoại di động theo quy định. Tuy nhiên, tuyên truyền rằng "mỗi lá phiếu bầu chọn cho vịnh Hạ Long là một lá phiếu của lòng yêu nước, của niềm tự hào dân tộc" e quá đáng. Nói viết kiểu đó, hỏi làm sao giải thích ổn thoả hành động thắm tình hữu nghị là bầu chọn Hạ Long qua hệ thống tin nhắn 147 từ ngài Andrus Ansip - Thủ tướng nước Cộng hoà Estonia - cùng mỹ nữ Nga là Ksenia Vladimirovna Sukhinova (11) - Hoa hậu thế giới / Miss World 2008 - và nhiều bạn bè ngoại quốc khác? Thậm chí, xuất hiện những trường hợp cực đoan đến mức khó chấp nhận, như tập đoàn Tuần Châu công khai ra lệnh, nguyên văn thế này: "Trong ngày 11 tháng 11, trước 17 giờ, mỗi một cán bộ công nhân viên tập đoàn Tuần Châu tối thiểu 100 tin nhắn trở lên để bình chọn cho vịnh Hạ Long (tập đoàn Tuần Châu trả tiền). Ai dưới 100 tin nhắn nghỉ việc".

Ô hô! Hỡi Hạ Long! Chuyện lạ có thật ư?

(1) - Nghĩa: Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhì. Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài Một vòng Rencontres du Vietnam của Phanxipăng đăng trên tạp chí Thế Giới Mới 165 (25-12-1995) & 166 (1-1-1996).
(2) - United Nations Educational Scientific and Cultural Organization: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc.
(3) - Thế Cánh Tân còn gọi thế Pleistocen, kéo dài từ khoảng 1.806.000 tới 11.550 năm trước ngày nay. Pleistocen là tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp πλεῖστος  (pleistos nghĩa là "nhất, hơn cả") và καινός (kainos nghĩa là "mới").
(4) - Kỳ quan thế giới.
(5) - Tập IV Đại Nam nhất thống chí (Bản dịch của Phạm Trọng Điềm - NXB Thuận Hoá, Huế, 1992, trang 32) đã in Canh Độc nhầm thành Cánh Độc.
(6) - Theo một số sách do Thi Sảnh biên soạn như Văn hoá nghệ thuật Quảng Ninh - từ một góc nhìn (Sở Văn hoá Thông tin Quảng Ninh, 2001), Non nước Hạ Long (Hội Khoa học lịch sử Quảng Ninh, 2003). Nhưng các thư tịch đó chẳng ghi tờ Tin tức Hải Phòng số mấy, phát hành ngày nào.
(7) - Hải Đông được Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2002) ghi nhận: "Tên phủ ở tỉnh Quảng Yên về đời Lê, năm Minh Mạng thứ XVII (1836) đổi làm phủ Hải Ninh gồm châu Vạn Ninh do phủ kiêm lí và châu Tiên Yên. Thành phủ Hải Ninh đắp ở xã Vạn Xuân năm 1861 đời Tự Đức. Năm Thành Thái thứ XVIII (1906), đặt thành tỉnh Hải Ninh, tỉnh lị là Móng Cái." Với dòng thơ Hải Đông phong toại tức lang yên, Hoàng Xuân Hãn cũng cho thấy đây là tên đất khi dịch: Khói lang bặt dấu, Hải Đông an nhàn. Thế nhưng, có người lại ngộ nhận Hải Đông là biển Đông, chẳng hạn trong sách Thơ văn Lê Thánh Tông (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1986), Mai Xuân Hải dịch dòng thơ nọ: Khói báo loạn ly tắt biển Đông.
(8) - Yển vũ tu văn: Tạm dẹp việc võ, sửa sang việc văn.
(9) - Tiếng Pháp: Club des plus belles baies du monde. Tiếng Anh: Club of the Most Beautiful Bays of the World / World-bays.
(10) - Tiếng Anh: NewOpenWorld.
(11) - Tiếng Nga: Ксения Владимировна Сухинова.
Đã đăng Kiến Thức Ngày Nay 768 (10-12-2011)

Grotte des Merveilles - có nghĩa động Các Kỳ Quan - chính là hang Đầu Gỗ trong vịnh Hạ Long qua bưu ảnh của Pháp
Hạ Long vàng. Tranh sơn dầu: Lê Đại Chúc
Bìa sách Hải Long du ký (1941)
Hoa hậu hoàn vũ 2008 Dayana Mendoza (Venezuela) 
thích thú thăm vịnh Hạ Long

 
Chuyện lạ có thật ư?