Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về 

Lan man chuyện làng tôi
Đỗ Đình Tuân
5. Ao Rồng-Đống Xộp
Trong những ngày đi ngủ ở ngoài đồng như thế, bố tôi cũng thường mang theo một siêu nước chè tươi, một điếu cày và một "nọn rơm" giữ lửa. Những người ngủ cùng một đống vẫn thường lầm rầm chuyện trò và thỉnh thoảng lại thổi lửa hút thuốc. Chính trong những ngày gian khổ và đầy lo âu này hình như mọi người càng nhớ tiếc cái thưở yên hàn vẫn tưởng còn như mới ngày hôm qua. Trong những câu chuyên lầm rầm của họ thấy toàn nói về những hội hè, đình đám; chuyện con trai con gái chim chuột nhau; Chuyện đám cưới đám xin; chuyện sinh cơ lập nghiệp... 

Bố tôi cũng mãi đến năm 27 tuổi mới lấy vợ. Bố tôi còn nhớ rất cụ thể là đám cưới được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 âm lịch (1940). Tiếng là lớn xác nhưng sang nhà vợ thì xấu hổ không cả dám đi đái. Thành thử cứ phải cố nhịn. Chỉ muốn nhanh nhanh chong chóng được "rước dâu" về để "đỡ bí" mà nào có được. Các cụ cứ con cà con kê mãi rồi mới cho rước dâu. Đã thế vừa ra khỏi cổng, mới đi lên đê được một đoạn, thì ông trưởng tộc họ Vũ (bậc đàn anh, con ông bác của mẹ tôi) đã lập một cái án thư chặn lối. Đám cưới lại phải dừng lại để "điều đình" về cái giá để mở lối cho đi. Cuối cùng phải chi đủ một đồng thì "ông anh" mới chấp nhận. Về đến nhà việc đầu tiên là bố tôi chạy ra vườn rồi mới vào làm lễ tơ hồng. Bố tôi bảo đó là lần "nhịn đái" kỷ lục nhất. Nhưng cũng nhờ "tính bức xúc của cái khối nước thải chứa trong bụng" ấy mà quên cả xấu hổ. Bố tôi kể chuyện này ai cũng phì cười. Bác Trương Hương tiếp luôn: "Tôi cũng thế, lên nhà vợ cứ ngồi chết dí ở một góc giường, ai bảo làm gì thì làm theo như cái máy. Chú Hội Mậu (em con ông chú của bố tôi) thì láu táu chen vào: "Các bác lấy vợ khi đã lớn tuổi rồi còn đỡ chán. Em lấy vợ sớm, hãi lắm. Em chỉ sợ đến tối là bố lại bắt vào buồng ngủ chung với vợ. Ban ngày mình còn đi trốn được, chứ ban đêm thì biết trốn đi đâu. Thế là cứ cơm nước xong, ông cụ lại cầm roi gọi về bắt phải vào buồng, rồi ông cụ khóa cửa ngoài lại. Em cứ phải đứng như trời trồng ở trong buồng. Mãi sau rồi cũng phải lần vào giường nằm nín thở sát mép ngoài giường. Cô ấy chừng như cũng sợ cứ nằm nép mình tận sát vách". Mọi người cùng cười ồ và hỏi đùa " Thế sau làm thế nào mà lại gần nhau được mà đẻ lắm con thế?". Chú Hội Mậu lại láu táu trả lời môt cách rất thật thà "Em cũng không biết nữa. Nhưng có lẽ là khi ngủ say thì tự nhiên nó hút vào nhau. Rồi dần dần thấy quen, thấy ấm, thấy thích. Đến lúc ấy mới thành vợ chồng được". 

Nhưng bác Trương Hương và bố tôi thì khác. Cứ lấy vợ là ông tôi cho ra ở riêng ngay. Bởi vì ông tôi, như có lần tôi đã kể, có tới ba bà vợ đồng thê. Mỗi bà đều có một "tư dinh" và nằm gần như song song và cách đều trên bờ con sông Đào. Ông tôi ở với bà "chính thất phu nhân" Lê Thị Áng, người Nam Gián Đông, ở khu trung tâm. Phía bên tả, cách hai nhà là "tư dinh" của bà "trắc thất phu nhân" Vũ Thị Huyền, người Ninh Xá. Phía bên hữu, cũng cách hai nhà là "tư dinh" của bà "thứ thất phu nhân" Đoàn Thị Hương, người Nội Hưng, Nam Sách. Bà nội tôi-Lê Thị Áng, cứ đều đặn bốn năm sinh một lần. Không hiểu là ông bà tôi "xây dựng" với nhau từ năm nào. Nhưng cứ theo "sử sách" còn ghi lại được thì trong khoảng từ năm 1905 đến năm 1921 bà tôi sinh cả thảy năm lần được bốn chàng trai: Vinh, Hương, Đăng, Đặng. Duy nhất có một lần sinh con gái vào năm 1917 thì lại không nuôi được. Có lẽ vì vừa cần người giúp việc nhà nông lại vừa khát con gái nên bà nội tôi nuôi những ba cô con gái nuôi. Sau này có hai cô đi lấy chồng thiên hạ, không thấy đi lại gì nữa nên chúng tôi không biết gì về tình hình các cô ấy cả. Chỉ duy nhất có cô Đỡ lấy ông Trương Hồi người cùng làng, sinh được một trai, một gái thì cũng mất sớm. Nhưng các anh chị ấy vẫn đi lại bình thường như anh em bên ngoại. 

Năm 1925, bác cả Vinh nhà tôi đã sinh cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Khang. Khoảng năm 1930, bác Đỗ Đình Vinh làm lý trưởng làng. Từ đó mới có tên là Lý Khang. Theo luật tục, khuôn đất ông tôi ở tất nhiên phải bàn giao cho con trưởng. Bà hai, bà ba mỗi bà chỉ có một con trai, nên cũng không phải lo gì về khoản "đất ở". Duy chỉ có bà cả, còn những ba cậu con trai nữa là phải lo đến chuyện "san hộ". Thế là ông tôi phải cắt ruộng đổi lấy ba sào đất vừa gò vừa ruộng ở khu Đống Xộp đình làng cũ để "san hộ" cho ba cậu con trai Hương, Đăng, Đặng. 

Khu Đống Xộp này tương truyền có một vị thần đất to lắm. Ngài thường hay xuất hiện vào những đêm mùa xuân mưa phùn gió bấc. Lần thì người này thấy ngài đi từ Đống Xộp ra đồng. Lần thì người kia lại thấy ngài đi từ ngoài đồng trở về Đống Xộp rồi mất hút. Người ta bảo đó là những lần ngài đi "công tác" về. Theo những người "đã từng chứng kiến" kể lại thì ngài to bằng cái nồi gánh nước (nồi hông), sáng xanh, ngài đi đến gần thì trông rõ cả mũ cánh chuồn, xiêm y, hia hài bệ vệ lắm. Tôi được nghe kể nhiều về ngài nhưng chưa từng trông thấy ngài bao giờ. Nhưng chắc mọi người đều tin là "linh nghiệm" nên khi ra ở khu đất này mẹ tôi đã cho xây riêng một ngôi điện thờ vị thần đất này. Ngôi điện này có cái bệ khá cao. Nhưng lòng điện nhỏ thôi: trong cùng là cái bệ thờ có đặt một chiếc mũ ông công, dưới có cái bát hương với vài thứ đồ thờ sơ sài. Tiếp đến là một khoảng không gian chỉ đặt vừa một mâm cỗ. Mái điện không lợp ngói mà cuốn gạch rồi chát kín kiểu như người ta cuốn mui bể nước. Hai góc mái phía sau xây bít đốc lên để bằng. Hai góc mái phía trước có làm những đầu kèo giả uốn cong như những đao đình. Gần đây tôi về xem lại ngôi điện mới để ý thấy trên đỉnh điện có đề ba chữ Hán, nếu đọc xuôi như chúng ta đọc chữ quốc ngữ ngày nay, từ phía tay trái sang phía tay phải, thì trật tự của ba chữ đó là 在如敬 (tại như kính). Nhưng nếu đọc ngược lại "kính như tại" thì cũng chẳng rõ nghĩa là gì. Thế là tôi lại phải đi hỏi thày, hỏi bạn và được biết đó là cách viết tắt của câu: 敬神如神在(kính thần như thần tại). Hiểu nôm na có nghĩa là "kính thần cũng như có thần vậy". Song song hai bên cửa điện cũng thấy ghi một đôi câu đối, mỗi vế năm chữ. Vế bên tay trái là: 土旺人常旺 (thổ vượng nhân thường vượng) và vế phía bên tay phải là:神安宅自安 (thần an trạch tự an). Ngôi điện tuy nhỏ nhưng trông thanh thoát và tôn nghiêm. Có lẽ đây chỉ là ngôi điện thờ riêng của cư dân Đống Xộp. Tôi không thấy người làng vào cúng khấn ở ngôi điện này bao giờ. Nhưng nhà bác Trương Hương, nhà tôi và nhà chú Đặng thì tuần rằm mồng một nào và mỗi khi nhà có việc cúng giỗ đều thấy có mang lễ ra điện thờ để cầu cúng ngài. Khi thì cũng bằng cỗ mặn, cũng có khi thì chỉ cúng bằng hoa nghi và quả phẩm thôi. Những năm tôi đã nhơn nhớn, thường cứ mỗi lần chuẩn bị ra điện làm lễ, bố tôi lại sai tôi ra dọn dẹp trước. Tôi phải lau chùi đồ thờ và quét dọn lòng điện cho sạch sẽ. Đó cũng là lúc bố tôi áo lương khăn xếp chỉnh tề rồi bưng mâm cỗ cúng sang điện. Ông cụ đặt mâm cỗ xuống lòng điện, kiểm kê các thứ... rồi thắp hương, rót rượu xong, thì ra đứng trước cửa điện lầm rầm khấn vái. Tôi chưa bao giờ nghe rõ và biết được nội dung của những lời khấn ấy. Chỉ thấy ông cụ lồng hai bàn tay vào nhau chắp trước ngực, đứng nghiêm trang lầm rầm khấn, một lúc thì lại vái mấy chiếc, rồi lại đứng nghiêm lầm rầm khấn. Trong khi khấn, thỉnh thoảng lại thấy è... è... mấy cái, hình như là để ngắt giọng và lấy hơi... Cũng có thể là để nghĩ những câu khấn tiếp. Độ vài điệp khúc như thế thì kết thúc. Ông cụ về, còn tôi thì phải ở lại để canh mèo. Khoảng độ tàn hương thì ông cụ mới ra xin lễ, bưng về. 

Ngay cạnh Đống xộp, về phía Bắc có một cái ao làng khá to gọi là Ao Rồng. Người làng tôi vẫn giải thích lai lịch cái tên Ao Rồng là vì trước đây có thời kỳ loạn lạc gì ấy, người làng tôi đã phải đem các thứ đồ thờ trong đình ra chôn giấu ở đây. Từ đó mới có tên là Ao Rồng. Nhưng nhiều người làng tôi cho biết chính ngôi đình cũ của làng cũng xây ngay trên cái Đống Xộp này. Người ta còn cho biết rất cụ thể vị trí của nền đình nằm trên khuôn đất mà bác Trương Hương tôi hiện đang ở. Quả có như vậy thật. Bởi vì ngay trước cổng nhà tôi và nhà bác Trương Hương vẫn còn một thửa đất rất vuông vắn, làng giao cho ông Ủn là người làm "mới" trước đây của làng sử dụng. Bà Ủn chuyên cho cấy khoai bông, khoai ngứa để lấy dọc khoai nuôi lợn và dải khoai nấu ốc. Nhưng người làng tôi không ai gọi cái thửa ruộng cấy khoai này là "ruộng khoai" cả, mà vẫn gọi nó là "sân đình". " Ra Sân Đình bảo bà Ủn bán cho mấy bó dọc khoai"; "Ra Sân Đình bảo bà Ủn bán cho mớ dải khoai "... Chính cách gọi tên không chính xác này của người làng tôi lại thành ra rất văn hóa. Nó gọi được cả quá khứ. Nó gợi lên được sự biến thiên của đời... đầy "bãi bể nương dâu"... 

Khu đình mới của làng tôi lại chuyển ra vị trí khác ở phía tây làng cách khu đình cũ chừng trăm mét. Đó là một khu đất cao và tách biệt hắn ra với làng. Tất cả các công trình văn hóa tâm linh tín ngưỡng của làng tôi đều được xây dựng ở trên khu đất này. Chính giữa khuôn viên là ngôi "đình mới", kiến trúc theo lối "chữ đinh ngắn đuôi" gồm một gian cung và ba gian tiền tế. Phía bên hữu và dịch lên phía trước là ba gian chùa, mở cửa dọc phía đầu hồi để có cùng hướng Bắc-Nam với ngôi đình. Cái cửa dọc này quanh năm đóng im ỉm. Trước cửa chùa có một chậu cây cảnh gọi là cây đồi mồi, có lá to như lá vối, lại lốm đốm nhiều mầu trông rất sặc sỡ, không khác gì một chậu hoa vậy. Từ phía sân đình đi lên chỉ thấy mở một cửa nách hẹp để đi vào chùa. Phía bên tả và lùi hẳn về phía sau lại có một gian thờ riêng nữa gọi là Đền Mẫu, nhìn ra phía Ao Rồng là hướng chính đông. Trong đền, trên tường bệ thờ thấy có treo một bức phù điêu sơn son thếp vàng, vẽ một bà công chúa hai bên có bốn tì nữ hầu quạt và hầu nước. Chắc là bà "Công chúa Trần triều" đã mở bến, lập chợ và chiêu dân lập ấp ở vùng tôi đây. Nhưng sao ngoài Chợ Bến (cũng có một tên nữa là Chợ Cống), ngay sát đê, làng tôi còn có hẳn một ngôi đền thờ bà quy mô hơn nhiều ?

Gia đình ông từ trông coi khu này cũng được bố trí ở phía bên tả ngôi đình nhưng dịch lên phía trước và ở thấp hơn. Đó là một khu nhà tranh, một sân vôi khá rộng ngay dưới sân đình, một cái ao tù con con. Trước cửa chùa còn có mấy thước đất để cho gia đình ông từ làm vườn trồng rau, trồng khoai. Phía sau khuôn viên là vườn cây ăn quả, chủ yếu là trồng nhãn. Có tới vài chục cây nhãn. Chỉ đắng sau chùa là có hai cây táo: một cây táo xoan và một cây táo bột. Xung quanh khuôn viên có trồng tre bao bọc, và mọc xen kẽ đây đó là những bụi trà vó, vú bò, rút rế... Khuôn viên đình, chùa và đền làng tôi phải nói là một khuôn viên đẹp. Nhưng đến thời chúng tôi biết thì không thấy có hội hè đình đám gì nữa. Thời kháng chiến chống Pháp, ít năm đầu vẫn còn giữ tục "Đăng cai". Hộ nào đến phiên "Đăng cai" vẫn thấy đóng oản, mua chuối ra làm lễ ở ngoài chùa, ngoài đình. Sau làm lễ thì chia phần, xếp lên hai chiếc mâm thau, cho ông Ủn gánh đi phân phát cho các hộ trong làng theo tiêu chuẩn của từng nhà, nhiều ít khác nhau. Riêng nhà tôi, tuần rằm mồng một nào tôi cũng được nhận một góc oản và nửa quả chuối. Có vậy thôi mà cứ nghe thấy có tiếng chuông chùa thỉnh là đã thấy mong mong thinh thích. Nhưng sau, thì lệ này cũng bỏ. Từ đó khuôn viên này hình như không còn là của làng nữa. Nó chỉ là khuôn viên riêng của gia đình ông Nho Mại. Đến thời "Hợp Tác" thì ngôi đình và ngôi đền cũng bị phá. Còn lại có ba gian chùa, nhưng hoàn toàn hương lạnh khói tàn. Nó trở thành một cái kho để tượng, nhện chăng và ẩm mốc. 

Cư dân đầu tiên ở khu Đống Xộp này là bác Trương Hương. Khi ông anh làm lý trưởng thì ông em làm trương tuần. Khoảng năm 1932, bác Trương Hương đã sinh cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Thư. Ấy vậy mà người làng vẫn cứ gọi bác là "Trương Hương" chứ không gọi là " Trương Thư" theo nguyên tắc "kỵ húy" như với những người khác. Tôi rất thắc mắc về cái "biệt lệ" này. Bởi vì làng tôi có nhiều "ông trương" lắm, nhưng chẳng có "ông trương" nào gọi theo tên tục như thế cả: Ông Trương Chu, ông Trương Giai, ông Trương Tự, ông Trương Thuyết... đều là gọi theo tên con của các vị ấy cả. Cách gọi này quả cũng rất có lợi. Bởi vì nó làm cho bọn trẻ con chúng tôi khi chửi nhau hoặc khi trêu trọc nhau không lấy "tên tục" đâu ra mà réo. Chẳng hạn khi muốn trêu trọc chị Toàn, con gái ông Trương Chu thì chúng tôi hò nhau lại hát: "Ông Trương chu / Mà dù lông đít / Tôi xin một ít / Tôi đánh bẫy cò / Được cốc tôi cho / Được cò tôi lấy". Chị ấy chẳng động lòng. Coi như không có chuyện gì xảy ra. Có thể là vì chị ấy người lớn nên kẻ cả không thèm chấp. Nhưng quan trọng hơn là "Chu" không phải là tên tục của bố chị ấy. Mà đã không chạm đến tên húy, tên tục thì chẳng việc gì phải động lòng. Tương tự khi muốn trêu thằng "Thành chột" con ông Trương Giai, chúng tôi lại hò nhau hát: "Ông Trương Giai / Mà dài lông đít / Tôi xin một ít / Tôi đánh bẫy cò / Được cốc tôi cho / Được cò tôi lấy". Nó cũng chẳng động lòng. Nó bảo: Giai đếch phải là tên bố tao. Giai chỉ là tên anh tao thôi. Chúng bay không câm mồm đi, tao về tao gọi anh tao ra thì chúng bay liệu hồn !"... Nhưng với bác Trương Hương nhà tôi thì tại sao lại không thế ? Rất có thể chỉ là vì cái tên "Trương Hương" có vần có điệu, đọc thì thuận miệng, nghe thì êm tai, đã "mê hoặc" người làng tôi đến quên cả luật tục, nên cứ để nguyên vậy mà gọi chăng?

Có lẽ là ngay từ trước đã có sẵn một con đường của xóm đi vắt ngang qua Đống Xộp ra bờ Ao Rồng để ra đồng. Con đường này chính là cái ranh giới tự nhiên chia tách phần đất của nhà bác Trương Hương với phần đất của nhà tôi và nhà chú Đặng. Con đường này sau cũng là con đường đi chung của ba nhà để ra đồng. Ba nhà cũng làm chung một cái Cổng Đồng. Ngoài Cổng Đồng, một bên là Ao Rồng, một bên là Ao nhà ông Lý Vị. Cái đoạn hai bờ ao giáp nhau này rất hay bị vỡ, lầy lội không đi được. Vì thế ba anh em năm nào cũng thấy bảo nhau bắc một cái cầu tre, dạng "cầu khỉ" có tay vịn để đi lại. Bác Trương Hương chính là người "khai sơn phá thạch" ở cái khu Đống Xộp này. Bác tân tre, bác trồng cây biến khu Đống Xộp này thành một xóm dân cư. 

Phải ngót chục năm sau, đến cuối năm 1940, sau khi cưới vợ bố tôi mới ra đây ở. Mới ở được có vài hôm thì đã bị trộm khoét vách vào lấy hết đồ thờ. Bố tôi tức lắm và nghi ngay cho tên Nấng. Nấng là một tên trộm chuyên nghiệp nổi tiếng ở trong vùng. Ban ngày hắn thường trú ẩn trong Chùa Sùng. Ban đêm hắn mò xuống các làng ăn trộm. Người hắn nhỏ, dáng hắn nhanh và rất có tài lẩn trốn. Có người bị hắn lấy trộm nhiều lần đã lên tận Chùa Sùng tìm bắt hắn. Ấy vậy mà hắn cứ chạy ngách này, rẽ ngách kia chỉ một loáng đã biến đi đâu mất. Bố tôi thì khác. Ông mài một mũi giáo mà quyết tâm rình để đâm hắn. Rình đến đêm thứ ba thì quả nhiên thấy hắn lảng vảng quay lại. Hắn đã ở bên kia bờ Rãnh Rồng, đang nhìn nhìn ngó ngó lấp ló muốn chui vào. Bố tôi thì căng thẳng đến nín thở, chỉ chờ hắn vào gần là đâm. Nhưng hình như có linh tính mách bảo. Hắn cứ định vào rồi chờn chợn lại lùi ra. Hai ba lần như thế và cuối cùng thì hắn bỏ cuộc. Bố tôi cũng lặng lẽ ra về. Sáng hôm sau thì bên nhà bác Trương Hương kêu mất một buồng chuối. Thì ra hắn chẳng hề bỏ cuộc. Hắn chỉ lẻn vào lối khác sang vườn nhà bác Trương Hương cắt gọn một buồng chuối cõng đi mà không ai hay biết gì cả. 

Cũng năm ấy bà nội tôi ốm nặng. Ngày 28 tháng 10 âm lịch năm ấy, giỗ Cụ Chánh (ông nội của bố tôi) cũng chỉ làm "gọn nhẹ". Sau khi đi ăn giỗ về, ông tôi cảm thấy người hâm hiu khó ở. Cụ cho gọi các con đến hội ý. Cụ dặn: "Mẹ các anh đang ốm nặng. Bệnh tình này cũng không lâu nữa đâu. Phiên chợ Nam Sách đến, các anh phải đi tậu ngay một con trâu về, chuẩn bị dần đi là vừa". Ngày hôm sau, bác Lý Khang và Bác Trương Hương đi chợ Nam Sách tậu trâu về. Bước sang ngày 1 tháng 11 thì ông tôi mất đột ngột. Thế là những thứ chuẩn bị cho đám tang mẹ lại dùng lo ma cho đám tang cha. Ông tôi mất năm ấy đang ở tuổi sáu mươi tư. Trong gia đình, không kể gái, ông tôi là thứ hai, lại đang là "Tiên chỉ" nên người làng thường gọi là cụ Tiên Hai. Nhưng tên tục của cụ là Đỗ Đình Đấng. Theo "Đỗ tộc gia phả" thì Cụ Chánh, tức là cụ thân sinh ra ông nội tôi, cũng có đến ba bà. Bà thứ nhất không có con nên các thế hệ sau hầu như quên biến. Bà thứ hai là Phương Thị Noãn, người Nam Gián, sinh được bà Ngoạn, ông Hào. Bà thứ ba là Đỗ Thị Trà (người làng, dòng Đỗ khác) sinh được Thang, Đấng, Trường, An, Điểm. Trong đó Thang và Điểm là gái. Các cô tôi sau này hay nói với chúng tôi "Ông nhà mình hiền lành và dễ chịu nhất nhà". Ông cũng có nghiên cứu sách thuốc nhưng không hành nghề và thường nói với con cái rằng: " Làm nghề thuốc phải giỏi, không giỏi được thì đừng làm". Có lẽ ông tôi không có năng khiếu về nghề y nên không làm "ông lang" mà chỉ chuyên nghề làm ruộng. Nhưng ông là người yêu văn nghệ. Có thời kỳ ông đã thành lập gánh hát chèo và đi "lưu diễn" ở quanh vùng. Ông cũng là người rất quan tâm đên việc dạy dỗ con cháu. Khoảng những năm hai mươi của thế kỷ trước (thế ký XX), khi bố tôi đã chín mười tuổi, ông tôi đã xuống tận Kiến An mời một cụ cử tên là cụ Cử Đoan về nhà ngồi dạy học. Lớp học chỉ có bảy học trò con của cụ Đấng và cụ Trường. Cụ Đấng có: Vinh, Hương, Đăng. Cụ Trường có: Tùng, Bách, Thung, Thụ. Ông tôi dành hẳn ngôi nhà trên làm nơi thày ở và ngồi dạy học. Trước khi đón thày về, căn nhà này đã được tổng vệ sinh một cách cực kỳ cẩn thận. Nó được lau rửa rất kỹ càng đến từng chiếc đòn tay, từng đầu kèo, chân cột. Tất cả vật dụng từ đồ thờ, đến sập gụ, tủ chè, giường thày nằm đều bóng loáng. Thày còn mang theo một cậu con trai tên là Tuân. Rất có thể cái tên tôi cũng là do bố tôi "cóp" cái tên con của thày mà đặt cho tôi ? Ông tôi cung phụng bố con cụ Cử Đoan cực kỳ tươm tất. Một ngày bốn bữa, hai bữa chính và hai bữa phụ. Hai bữa chính cơm rượu, dọn riêng mâm cho bố con thày ăn trên nhà. Hai bữa phụ là bữa sáng sớm và bữa đêm khuya thường ăn nhẹ bằng các món cháo: cháo khoai, chè bí, cháo gà, cháo cá... . 

Chương trình học cũng là Tam tự kinh và Tam thiên tự. Thày Đoan ngồi trên một chiếc sập gụ. Bảy học trò ngồi trên một chiếc chiếu trải dưới nền nhà. Thày Đoan điều hành lớp học bằng một cái roi mây rất dài. Thày Đoan rất dữ đòn nên bọn học trò sợ thày lắm. Sợ nhất là vào ngày chủ nhật. Buổi sáng thày thường cùng gia chủ đi thăm thú và xem xét "địa lý" ở ngoài đồng. Buổi chiều về thì tiến hành "tổng kiểm tra". Thày viết tên các bài đã học vào những thẻ tre bỏ vào một cái ống. Học trò lần lượt lên rút thẻ bốc thăm. Rút phải bài nào thì đọc bài ấy. Không thuộc thì ăn đòn ngay lập tức. Thày bắt nằm sấp xuống. Chân và tay bị kéo căng ra để không giẫy đạp hoặc co cẳng mà chạy được. Thày cầm roi mây quất mạnh vào mông đến lằn lươn, rớm máu. Chẳng có học trò nào không phải nếm đòn của thày Đoan. Nhưng chú Thụ tôi bị ăn đòn nhiều hơn cả. Trận đòn này chưa khỏi thì trận đòn khác đã bồi thêm. Cho nên cái mông thành viêm sưng mưng mủ. Lại không giữ gìn vệ sinh, để ruồi bâu vào thành có bọ. Có lần chú ấy phải nhờ bố tôi khều bọ hộ và rửa ráy cho. Bảy học trò của cái lớp học này, về sau có đến năm người đều trở thành những "ông nọ bà kia" trong làng xã. Chỉ có bố tôi và chú Thụ, hai học trò bé nhất của lớp, chưa kịp thành "ông nọ bà kia" thì cách mạng tháng Tám đã nổ ra và thời thế cũng thay đổi. 

Đúng mười ngày sau khi ông tôi mất thì bà tôi cũng qua đời. Sau khi bố mẹ đã mất cả, chú Đặng tôi tuy chưa có vợ, nhưng cũng đã có nhà riêng ở khu Đống Xộp rồi, nên chú ấy cũng ra ở riêng. Chú ở một mình. Mãi đến năm 1946, chú mới cưới vợ. Vợ chú là người làng Đột Lĩnh bên Nam Sách, hơn chú những bốn tuổi và đã có một đời chồng. chồng trước của thím là một chiến sĩ cộng sản và hy sinh từ những ngày còn trong "bóng tối". Đám cưới của chú Đặng thì tôi cũng đã biên biết rồi. Tôi đã được các anh các chị lớn rủ rê ra phía cống làng đằng Xóm Bến để xem mặt cô dâu và chơi trò căng dây chắn lối. Chúng tôi ngồi chờ ở cổng nhà ông Trương Hồi, hau háu nhìn ra phía ngoài đê. Khi thấy đoàn người lố nhố bước lên đê là chúng tôi đã bắt đầu rục rịch. Chúng tôi theo dõi đoàn người đi vòng vèo uốn lượn theo con đường mòn từ trên đê đi xuống và đi vào làng. Đoàn rước dâu bắt đầu đến bờ ao Ba Sào thì chúng tôi hò nhau ra căng dây chắn lối. Cứ hai đứa một dây. Mỗi đứa cầm một đầu dây căng ngang qua đường làng. Đoàn rước dâu đến dây nào cũng cho tiền để chúng tôi bỏ dây ra. Cũng có những đôi rất láu cá, nhân tiền xong họ lại rủ nhau chạy nhanh ra phía cuối đầu kia, căng dây tiếp. Thế là họ lại được nhận thêm tiền. Còn tôi vốn "ngây ngô chúa tầu" từ nhỏ nên nhận được đồng tiền thì đã hí hửng chạy về khoe mẹ: " Mẹ ơi ! Con có tiền đây này !". 

KHÚC VIẾT THÊM

Khi tôi vừa viết xong phần này thì có điện của chú út mời về dự ăn tết ông Công ông Táo. Nhưng lý do quan trọng hơn mà chú ấy phải mời tôi về là cũng ngày hôm nay, nhân dịp tiễn Táo quân về trời chú ấy muốn chuyển Bàn thờ gia tiên ra nhà mới. Năm ngoái chú ấy đi lao động Hàn Quốc về có xây căn nhà hai tầng ra mặt đường cho thoáng mát hơn. Bà mẹ kế tôi, không hợp với con dâu nên nhất định không chịu ra ở với con trai: "Tao không phải đi đâu hết. Tao cứ nhà tao tao ở". Và bà cụ ở nhà một mình thật. Nhưng trước đây chừng một tháng bà cụ bị ngã gãy xương hông, phải nằm tại vị hàng tháng. Bất dắc dĩ bà cụ phải ra ở với con trai vậy. Vì thế mới có chuyện hôm nay chuyển bàn thờ gia tiên ra nhà mới. Ngôi nhà hương hỏa tổ tiên mà bố mẹ tôi ra ở riêng cuối năm 1940, sau bảy mươi mốt năm và sáu lần xây đi dựng lại, đến bây giờ lại đóng cửa để đấy, chờ có người mua thì chuyển sang chủ khác. 

Lớp người đầu tiên ra xóm Đống Xộp ở chỉ còn lại duy nhất có bà Đặng, tức là bà thím ruột tôi. Thím sinh cả thảy sáu lần và nuôi đủ được cả sáu người: Tân, Tu, Thu, Thịnh, Đông, Quảng. Sáu lần sinh nhưng chỉ được có một mụn con gái. Các con trai thì cũng lần lượt "cơm chín vần ra" cho đi ở riêng cả. Bây giờ thì cụ ở với chú út. Ông trưởng cứ định kéo cụ ra ở với mình nhưng cụ không nghe. Dường như có một thói quen bền vững lắm đã gắn chặt cụ với ngôi nhà cũ. Năm nay bà cụ đã chín mươi nhăm tuổi. Tâm trí đã lẩn thẩn quên quên nhớ nhớ. Chuyện trò cũng chẳng đâu vào với đâu. Câu trước câu sau chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng tội nghiệp nhất là cái lưng của bà cụ, nó cong gập như hình một chữ u, nên dáng đi của bà cụ trông rất quái dị: Cái chân bà cụ ngón cái tõe ra như dạng chân của người Việt cổ từ thời Giao Chỉ. Cái lưng thì còng gập xuống mà cái đầu lại phải cố ngẩng lên cho cái mặt khỏi cong gập lại. . Suốt ngày cụ chỉ lần ăn. Vớ gì cũng ăn và ăn như không biết chua, biết chát... không biết no. Còng thế mà có lần cụ còn bắc ghế leo được lên điện thờ thổ thần lấy chuối và quất xuống ăn hết. Càng ăn nhiều thì đêm đến cụ càng "bĩnh" đẫy ra quần. Con dâu lại lại phải đi thay giặt cho cụ. Cái con người quái dị và lẩn thẩn ấy đang sống rất cô đơn, lủi thủi như riêng mình một thế giới. Đó không còn là thế giới của loài người, nhưng cũng chưa phải là thế giới của những âm hồn. 

Cái Cổng Đồng xưa kia là dìa làng thì nay đã thành giữa làng rồi. Tre làng bây giờ người ta đã phá hết. Nhưng riêng Cổng Đồng thì vẫn còn lại một khóm tre. Vì thế mà nó càng gợi nhớ. Thưở bé, ở chỗ này, chính là nơi mỗi buổi chiều muộn, tôi thường ra đây ngồi ngóng mẹ về. Khi đã mất mẹ, tôi lại ra đây ngồi ngóng bố. Những buổi chiều hanh heo cuối năm, người ta hay đốt cỏ núi cho cỏ già cháy đi, chờ sang xuân cho mầm mới mọc lên. Công việc này ở vùng tôi gọi là "lái núi". Cho nên cứ đến mùa hanh heo là bọn trẻ con chúng tôi lại rủ nhau ra Cổng Đồng, ngó lên phía Chùa Sùng, núi Chóp Chài, núi Ông Sư... để xem người ta "lái núi". Những ngọn lửa cứ cháy ngoằn ngoèo leo dần từ chân núi lên đến ngọn. Chỉ có vậy thôi mà năm nào bọn tôi cũng ngồi ở Cổng Đồng dõi xem không biết chán. Dường như trong những ngọn lửa bập bùng và đang rồng rắn nhau bò lên núi kia có cái gì đầy bí ẩn vừa khơi gợi vừa kích thích trí tò mò của bọn trẻ con chúng tôi vậy. 

6.Trại Hai Tô
Mẹ tôi mất được chừng hơn năm thì làng tôi cùng với làng Dâu, Nam Gián Đông và Nam Gián Đoài bị dồn dân lên trại Hai Tô. Ngày nào bọn sếp Tây và lính Bảo Hoàng cũng xuống các làng để đốc thúc việc dỡ nhà, chặt tre lên lập khu làng mới. Một buổi sáng, tôi thấy một tên sếp tây cao cao gầy gầy, mặc quần soóc, áo cộc tay, súng lục trễ ngang hông dẫn lính xuống làng từ khá sớm. Bọn lính ngụy thì đi lùng sục nhốn nháo khắp nơi. Thỉnh thoảng lại nghe một tiếng súng nổ. Chúng bẻ mía, vặt bưởi... và vừa đi, vừa nhồm nhoàm ăn. Tên sếp tây và viên thông ngôn đi theo thì không. Hắn đi vào từng nhà. Bố tôi thấy hắn vào thì chân tay run run, mặt mày tái mét, đứng khoanh tay , miệng lẩm bẩm "Lạy quan lớn, lạy quan lớn... !". Hắn nói xì xồ một câu gì đó bằng tiếng Pháp, viên thông ngôn dịch ra: " Quan lớn lệnh phải lập tức dỡ nhà ngay!". Thế là bố tôi phải đi dỡ nhà. Hai gian nhà làm từ hồi ở trên ngọn Sông Đào về đến hôm nay lại phải dỡ ra để mang lên trại Hai Tô. Khi quay ra, hắn thấy tôi, hắn vừa xoa đầu tôi vừa nói bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ: " Ê... tí nhau... tí nhau... ". Rồi hắn vẫy mấy tên lính ngụy, ra hiệu bảo "cho tí nhau ăn với". Một tên lính ngụy đưa cho tôi tẫm mía hắn đang tước vỏ ở trên miệng và một tên khác thì đưa cho tôi mấy múi bưởi. Hôm ấy, nhà nào đi vắng mà đóng cửa thì hắn cho quân lính đập phá cửa ra. Hắn còn cho quân lính ra đồng ách mọi việc làm đồng lại để về thực hiện lệnh dỡ nhà, dồn làng. Từ hôm đó, làng tôi và mấy làng lân cận tíu tít việc dỡ nhà, vác cây que, gồng gánh đồ đạc lên làm ở khu làng mới trên trại Hai Tô. 

Hai Tô là tên một điền chủ người làng Dâu (tên chữ là làng Cổ Châu Thượng). Nhưng ông ta không ở làng mà lập một mình một trại ở giữa cánh đồng, cách Phả Lại chừng hai cây số về phía đông nam theo đường chim bay. Thực ra dinh cơ này được xây dựng từ thời bố ông Hai Tô tức là cụ Hai Tiến. Khác hẳn với những điền chủ ở trong vùng như cụ Tổng Liêu (Nam Gián Đoài), Cụ Hậu Thang (Cổ Châu Hạ) thường xây tư dinh kín cổng cao tường ở giữa làng, ông Hai Tiến, dựa vào thế của một ông anh làm quan hai đóng trên đồn Phả Lại, và tiếp thu lối xây dựng điền trang của người Pháp, đã xây dựng trang trại ở giữa cánh đồng. Ông khoanh vùng ruộng đất của mình bằng hệ thống bờ cao, gần giống như kiểu ở đồn điền Hậu Quan của một ông chủ Pháp. Dinh cơ của ông gồm có một tòa nhà gác hai tầng và hàng chục gian nhà ngói vừa làm kho tàng, vừa là nơi ở cho những người làm thuê... Để bảo vệ trang trại, gia đình ông trang bị mấy khẩu súng săn và nuôi một đàn chó rất dữ. Đàn chó này, có thời, đã là một nỗi khiếp sợ của những người nông dân làm ruộng xung quanh. Không ít người đã tìm cách bán lại ruộng đất cho ông để đi mua nơi khác. Nhưng người ta càng muốn lảng xa ông thì trang trại của ông lại càng mở rộng. 

Ông Hai Tô chỉ là người kế thừa thuộc thế hệ thứ hai. Người ông ta cao ráo, trắng trẻo, cũng tầm tuổi bố tôi hoặc hơn chút ít. Ông ta có hai vợ. Bà vợ đầu chỉ sinh được một con trai. Còn bà vợ hai thì vừa mắn đẻ lại đẻ nhiều. Bà sinh hạ cho ông chẵn chục người con cả trai lẫn gái. Trong số đó có hai người Nguyễn Văn Toản và Nguyễn Văn Thao là bạn học cũ của tôi từ thời tiểu học. Nguyễn Văn Toản người thấp bé nhẹ nhàng chắc là giống mẹ. Còn Nguyễn văn Thao dáng cao lớn hao hao như bố nhưng mặt bị rỗ nhằng rỗ nhịt, hậu quả của bệnh dịch đậu mùa năm 1947. Tính Thao láu táu và hơi hiếu thắng. Tranh cãi với hắn điều gì thì hắn vung tay vung chân cãi lại rất hăng. Người con gái lớn-nhưng là đốt thứ tư của bà hai-sau này trở thành em dâu cháu chú cháu bác với tôi. Thím ấy hơn tôi hai tuổi, người nhỏ nhắn, tính dịu dàng nhẫn nhịn, nói năng lại nhỏ nhẹ nên trong họ, ngoài làng ai cũng khen là một nàng dâu thảo. Có điều suốt trong thời chiến tranh chống Mỹ, chồng biền biệt trong chiến trường xa, mình thím ấy ở nhà nuôi mẹ già, con thơ nên kinh tế gia đình lúc nào cũng bần bách. Ngoài theo công điểm với hợp tác xã, thím ấy cứ phải xoay xỏa tìm việc làm thêm. Giữa thời người ta cấm đoán mọi chuyện làm ăn buôn bán tư nhân, thím ấy vẫn tìm ra một nghề cũng khá khôn ngoan: buôn chuối. Cứ mua chuối xanh của người ta về đem dấm chín rồi lại gánh ra chợ bán, xem như là bán của nhà. Dần dà thành quen, thành "phân công lao động động xã hội". Ai có chuối cũng cứ gọi đến thím. Và thím ấy cũng tự nhiên thành một bà "nái chuối" chuyên nghiệp. Tôi là người ít về làng, càng ít có dịp về qua nhà thím, nên lần nào thấy anh, là thím ấy cũng cứ khoắn khỏa mời cho bằng được. Lần nào vào cũng thấy trong một góc nhà lỏng chỏng ngổn ngang bày la liệt những nải chuối, chín có, xanh có. Lần gần đây nhất vẫn thế. Tôi hỏi: "Thế thím vẫn còn làm nghề này hay sao?". Thím ấy trả lời: " Vâng, em vẫn làm đấy bác ạ. Cứ ai gọi bán thì em lại mua". Tôi hỏi thăm về Toản, về Thao, hai người bạn học cũ chưa từng gặp lại và được biết Toản bây giờ lập nghiệp mãi trên Lục Ngạn, còn Thao thì đã hy sinh từ năm 1972. 

Ông Hai Tô là người chơi súng săn và cũng rất hay khoác súng xuống đồng làng tôi săn bắn. Ngày ấy chim chóc còn nhiều. Ở những cánh đồng trũng thỉnh thoảng vẫn có những đàn vịt giời, vịt le... đông đúc xà xuống kiếm ăn. Ông thường tìm cách tiếp cận những đàn chim ấy. Khi đã vừa tầm bắn, ông thường nổ liền hai phát súng. Phát thứ nhất nhằm vào đàn chim đang bơi. Phát thứ hai nhằm vào đàn chim khi vừa cất cánh. Đạn là đạn ghém. Mỗi viên có hàng trăm mảnh chì, mảnh gang nhỏ nhồi ở bên trong. Chùm sát thương của mỗi viên rộng như cái sàng, cái nia ấy. Cho nên chỉ với hai phát đạn, ông đã có một xách nặng "chiến lợi phẩm" đem về. Nhưng người ta thán phục ông hơn cả là về cái việc ông đã bắt sống được chim bồ nông mà người vùng tôi hay gọi là chim lềnh đềnh. Bồ nông là một loài chim to khỏe, thường đi ăn lẻ từng con một, rất ít khi thấy đi ăn đôi. Ở làng Vĩnh Trụ có một cặp vợ chồng nhà nọ khênh đôi lợn sang bán bên chợ Rồng (Nam Sách). Tiền đút cả vào ruột tượng. Non Trưa về đến đồng làng thấy một con bồ nông ai bắn bị thương cứ chập choạng định bay lên mà không bay được, liền chạy ra vồ. Vồ được, nhưng lại không kiếm đâu ra dây trói, bèn lấy luôn cái ruột tượng trói chân nó lại rồi treo lên đầu đòn gánh mếch ở sau lưng. Đi được một quãng thì chim bồ nông bất đồ lại vỗ cánh bay lên, tha luôn cả cái ruột tượng đi theo. Người đàn ông chưng hửng, buột miệng: " Ôi thôi... ! Thế là toi... !". Còn người đàn bà thì tiếc của quá, vừa dậm chân vừa kêu khóc: " Ới làng nước ơi, chim bồ nông nó tha mất đôi lợn của tôi rồi, giời đất ơi... !". Còn có một người làng Chin thấy một con bồ nông ăn rất gan ở gần ruộng nhà mình thì nghĩ bụng "chắc là bắt sống được". Thế là ông ta lội xuống đội bèo, giả vờ làm một đám bèo trôi tiến lại gần chim bồ nông. Con chim bồ nông cũng từ từ bơi lại, đang định đưa cái mỏ to như cổ tay, quăm quắm nhọn như múi giáo bổ xuống đám bèo thì ông ta sợ quá bèn đứng òa lên ù té chạy. Con bồ nông cũng hoảng quá, quay ngoắt ngay lại vừa kêu quang quác vừa chạy xé nước một đoạn dài rồi mới cất cánh lên được. Thế là người sợ chim, chim sợ người, hai bên cùng chạy. Nhưng ông Hai Tô thì không thế. Ông cũng đội bèo tiến lại gần chim bồ nông. Rồi ông túm cẳng chim bồ nông, kéo nó xuống nước, quần nhau với nó ở dưới nước, vặn cổ, bẻ cánh nó cho đến khi bồ nông đuối sức ông mới cầm cẳng xách lên. Lúc ấy thì bồ nông không thể bay, cũng không thể mổ lại ông được nữa. 

Cái trại Hai Tô một mình chơ vơ giữa cánh đồng, vừa ngang tàng vừa thách thức thế, mà lại rất an toàn. Trước cách mạng tháng Tám 1945, hầu hết các nhà giầu kín cổng cao tường ở giữa làng giữa xóm lại rất hay bị bọn giặc cướp đến "hỏi thăm". Riêng trại Hai Tô thì không dám. Đơn giản vì một lẽ giặc cướp không thể tiếp cận được. Đến thời kỳ "Tiêu thổ kháng chiến", cả thị trấn Phả lại đều bị phá, dinh cơ Cụ Hậu làng tôi cũng bị phá. Riêng trại Hai Tô thì vẫn cứ nguyên vẹn. Lý do đơn giản cũng chỉ vì nó chơ vơ trống trải, không có dân, lại gần đồn Phả Lại nên Tây cũng chẳng xuống đó đóng làm gì.  Mà Tây không đóng thì ta cũng chẳng phí công, phí sức mà đi phá. Với lại gần đồn Tây thế, phá bằng cách nào để không lộ được? Mãi đến năm 1949, người Tây mới nẩy ra cái ý tưởng xây dựng nơi đây thành một trại tập trung. Dinh cơ của ông hai Tô cũ nay thành nơi để cho sếp Tây và lính ngụy đóng đồn. Đằng sau đồn để một bãi đất rộng làm nơi tập tành cho nghĩa dũng, nơi tập trung dân chúng mỗi khi có "quan lớn" về hiểu dụ. Chúng tôi có được dự một lần quan Tây về hiểu dụ, sau đó phát thuốc và chủng đậu cho bọn trẻ con chúng tôi. Có đâu hai cái bàn phủ ga trắng. Trên bàn để khay, panh, kéo, kim tiêm, bông băng, thuốc đỏ... Bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng vén ống tay lên đến tận vai, xúm xít xung quanh chờ đến lượt chủng đậu. Đồn binh và khu đất rộng ấy là trung tâm của trại tập trung. Bốn góc đồn là dân của bốn làng bị dồn lên đây ở. Vây kín bốn xung quanh trại tập trung là hai lớp rào chéo mắt cáo bằng tre, bằng nứa. Mỗi làng có một cổng đi riêng. Rào hai lớp nên cổng cũng có hai cổng: cổng trong và cổng ngoài. Cổng cũng là cổng tre, có một cán cổng ở giữa. khi mở thì chống cổng lên, khi đóng thì hạ cổng xuống, kéo cán cổng vào phía trong. Cuối cán cổng đục một lỗ tròn để lùa con sỏ chốt chặt vào với cọc chốt cổng. Bên cạnh cổng trong làng nào cũng có ba gian điếm canh. Làng tôi ở góc phía tây nam đồn. Cổng hướng về phía làng Phao Tân. Nhà tôi ở ngay cạnh điếm canh của làng. Bố tôi làm chỉ có một gian và mở cửa dọc nhìn ra phía nhà thờ Tu Linh. Lý do phải mở cửa dọc chỉ là vì nhà làm tạm bợ, vội vàng, chân tường và bức vách để thấp nên không đủ độ cao mở cửa ngang được. 

Dân sống trong trại tâp trung này gặp rất nhiều phiền toái. Thứ nhất là đi làm đồng rất xa. Từ trại Hai Tô về làng tôi phải đi bộ đến ba cây số. Thời gian đi lại mất nhiều, chưa kể buổi chiều lại phải về sớm để kịp giờ "đóng cổng trại". Đó là lý do nhiều đàn ông làng tôi cứ trốn trại ở lại làng. Có lẽ biết vậy nên đêm nào móoc chiê (đạn cối) trên đồn Phả Lại cũng cầm canh bắn xuống các làng. Ở trong trại Hai Tô tối tối chúng tôi vẫn thường nghe thấy tiếng đạn bay rè rè qua đầu, rồi lâu lâu mới nghe tiếng ình ình ở dưới làng xa. Cũng đôi lần tôi về làng. Cảnh làng hoang vắng và trống trải lắm. Những bụi tre làng bị đạn moóc chiê vặn tơi tướp rũ rượi cả xuống đường làng. Những sân gạch bị trúng đạn vỡ tung tóe lên thành những hố sâu. Hai cây táo sau chùa quả sai lủng liểng mà không có người vặt. Cây táo xoan cao lắm tôi không dám trèo. Chỉ có cây táo bột, thân nó nghiêng nghiêng ngả ngả tôi mới dám trèo lên hái vội mấy chùm thâm thấp quả sai lúc lỉu. Những quả táo tròn to bắng cái chén hạt mít, đã chín trắng, bỏ vào miệng ăn những bột là bột... Xóm tôi, tôi chỉ biết có bác Trương Hương là ở nhà thôi. Bác biến cái ụ tròn tròn, trước đây vẫn để bục thóc lên trên, thành nhà ở kiêm luôn hầm trú ẩn. Bốn xung quanh là tường đất đắp dầy. Bên trong là một "tăng xê" đặt vừa một cái chõng tre và một khoảng trống con con để đồ vặt: đèn, điếu, ấm nước... Có hai cửa tò vò thông nhau để ra vào, lên xuống cho tiện. Bên trên hầm nhà được chát kín bằng bùn rơm. Trên lớp bùn rơm, bác vẫn đội cho nó một "cái nón" to bằng cái nong, khung tre, lợp rạ để tránh thấm nước xuống hầm nhà. Đó là một ngôi nhà tròn duy nhất tôi thấy ở làng tôi. Ngôi nhà tròn này tồn tại khá lâu. Mãi đến năm 1958, nó còn được tu sửa chỉnh trang để làm "phòng hạnh phúc" cho vợ chồng bác Thi. Bác Thi tuy lấy vợ sớm, từ năm 1953, nhưng sau đó "bác giai" đi thanh niên xung phong mở đường vào chiến dịch Điện Biên. Đến năm 1958 thì xin phục viên và hai vợ chồng mới "tái tân hôn" trong cái ngôi nhà tròn độc đáo này. 

Bất tiện thư hai là thiếu nước. Trước đây ở làng chỉ vài bước chân là ra đến cầu ao. Nay lên ở trại chơ vơ giữa cánh đồng khô hanh không kiếm đâu ra nước. Chiều nào bố tôi cũng phải dắt tôi đi hàng cây số ngược lên đến gần làng Phao Tân mới có ao, có ngòi để rửa ráy và gánh nước về ăn. Bố tôi gánh nước bằng hai cái ang sành nhũng nhẵng đi trước. Tôi thất thểu theo sau. Những buổi chiều mùa đông hanh heo và sương giá. Chân tôi mỏi rời mỏi rã mà những vết nẻ răm, nẻ miếng trên mu bàn chân, đằng sau gót chân, thấm lạnh, thấm nước lại càng lốt nhốt đau. Vậy mà nhiều khi tôi vẫn phải chạy gằn theo bố để kịp giờ về trại. Bởi ở trại, chiều nào lính ngụy và nghĩa dũng trong đồn cũng ra điếm canh. Đầu tiên họ dóng một hồi kẻng báo rõ dài. Ý muốn nhắc nhở mọi người ai chưa vào trại thì hãy khẩn trương. Đến giờ thì họ sập cổng xuống. Ở cổng ngoài họ còn gắn thêm một quả mìn muỗi. 

Buổi tối ở trên trại buồn lắm. Trẻ con không có chỗ tập trung để nô đùa như ở dưới làng. Nhà tôi lại làm độc lập ở gần điếm canh và nhìn đi một hướng. Các nhà khác thường làm thành dãy và nhìn cả về khu trung tâm. Hàng xóm gần gũi với nhà tôi chỉ có hai nhà là gia đình bà Ngọc và gia đình ông Trương Tự. Nhà họ làm ngay đằng sau nhà tôi và cùng hướng với nhà tôi. Nhưng hai nhà ấy đều không có trẻ con. Gia đình bà Ngọc chỉ còn bà và hai người con lớn là anh Ngà và cô Khiêm. Cô Khiêm đã đi lấy chồng nhưng chê chồng nên lại về nhà ở. Anh Ngà thì nghe đồn đâu đang "mê" chị Ái, con gái thứ hai bác Lý Tín nhà tôi. Ban ngày, tôi chẳng thấy mặt họ đâu. Nhưng buổi tối thì thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp họ đứng với nhau ở đầu nhà. Hai người đứng đối diện nhau, tay vân vê như đang mân mó một vật gì, miệng lầm rầm nói chuyện và thỉnh thoảng thì lại khúc khích cười. Còn bà Ngọc thì người làng tôi mệnh danh cho bà là Bà Vú, bởi vì bà chuyên đi đỡ đẻ giúp cho mọi người trong làng. Không có ca đẻ nào bình thường ở làng mà lại không phải gọi đến bà. Cho nên cái danh hiệu "Bà Vú" mà người làng tôi phong tặng cho bà gói ghém cả lòng quý mến và biết ơn. Hàng năm, cứ đến tết " Ông thày, bà cốt" (mồng 5 tháng 5 âm lịch) là người làng tôi kẻ ít người nhiều đều có một chút quà nhỏ: cân đường, cân mứt, cân cam, nải quả hoặc con gà... đến biếu Bà Vú. 

Gia đình ông Trương Tự cũng chỉ có ba người: hai ông bà và người con trai út tên là Sơ. Anh Sơ chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng tôi cũng chẳng thấy mặt mũi anh đâu. Ông Trương Tự thì đang đau bệnh nặng. Ông mắc căn bệnh gọi là "Lên đầu gối ông voi". Hai đầu gối cứ sưng to lên và một thời gian sau thì ông mất. Bà Trương Tự người thấp đậm và lặng lẽ như một cái bóng. Tôi không thấy bà ấy cười nói bao giờ. Bà ấy thường mặc một cái váy đụp rất lôi thôi và cũ kỹ, cái áo cánh nâu cũng đã bạc trắng, đội cái nón chóp che gần như kín mặt, quảy đôi quang sọt lên Phả Lại nhặt phân. Ai mua thì bà ấy lại gánh ra tận ruộng vãi cho. Ngày ấy chưa phổ biến dùng phân hóa học như bây giờ. Chỉ dùng phân chuồng (phân trâu, phân lợn trộn với mùn rác độn chuồng lợn) là chính. Phân bắc (phân người) đã được xem là "thức ăn cao cấp" của lúa rồi. Các lão nông làng tôi đánh giá cao phân bắc lắm. Họ bảo: "Dùng cái anh phân bắc này, vụ sau làm đất tuy có nặng tay một chút nhưng tốt bền và chắc hạt". Họ cũng truyền tụng nhau một câu chuyện rằng các ông chủ Pháp ngày trước cũng quý cái món này. Có những thương lái đã đi mua gom từng thuyền đầy phân bắc về để bán lại cho người Pháp. Những ông chủ Pháp thường ăn mặc rất lịch sự: com lê trắng, mũ phớt trắng. Ấy vậy mà sẵn sàng sắn ống tay áo lên, thục ngay xuống thuyền phân bới lộn lên xem có lẫn giấy, lẫn giẻ hay không. Mua về, họ đem trộn thêm với đất thó, cán mỏng ra đem phơi khô rồi mới đóng bao đem về tận bên Pháp để trồng trọt. 

Thời ấy "Nền văn minh toa lét" còn nằm mãi bên Tây. Người Việt Nam còn đang tôn thờ "Chủ nghĩa ỉa đồng": " Thứ nhất quận công, Thứ nhì ỉa đồng" kia mà. Ngồi chuồng do vừa bẩn vừa thối, mũi cứ phải chun lại đến ngạt thở. Còn ngồi ngoài đồng, chao ôi là thoáng mát, chẳng có con ruồi con nhặng nào vo ve quấy nhiễu, bao nhiêu thứ mùi khó chịu lại nhờ gió xua đi cả. Ai cũng nghĩ vậy thôi, chứ thật ra ở những cánh đồng, bãi đất dìa phố chợ hoặc bên trại lính, giấy lộn vứt ngổn ngang, phân người cũng nằm ngồi la liệt. Ruồi nhặng và ròi bọ cũng tởm lợm lắm. Nhưng đó lại là nguồn nguyên liệu cho bà Trương Tự khai thác. Sáng bà đi là trưa về có một gánh. Quá trưa bà đi thì chiều về lại thêm gánh nữa. Tôi thấy ngày nào bà ấy cũng lầm lũi và kiên nhẫn làm như thế. 

Không biết ai loan tin, nhưng có một buổi chiều, người làng tôi nhốn nháo ra cổng trại để xem quân Tầu Tưởng chạy loạn. Chúng tôi cũng theo ra. Nhìn lên đường 17, chỉ thấy lố nhố một đoàn quân đi. Bắt đầu xuất hiện từ Phả Lại rồi cứ kéo dài dần ra. Đường đê thì cao, nền trời thì trắng, từ xa nhìn lên tôi chỉ thấy những bóng người đen đen lầm lũi nối đuôi nhau, dài mãi, dài mãi... Lúc ấy tôi chưa hiểu là họ chạy loạn gì. Chỉ sau này học sử thì mới biết đó là lúc quân Tầu Tưởng thua quân Tầu Mao. Đây là đoàn quân họ rút chạy qua đường Việt Nam. Lại một buổi sáng, chừng nửa buổi, nghe tiếng súng nổ đì đẹt phía quán Hàng Bà Nhất. Lúc sau thì thấy lính ngụy và nghĩa dũng vác súng ra phục kín phía bờ rào nhắm bắn về phía tiếng súng nổ. Người làng tôi cũng lố nhố đứng ra xem. Bọn trẻ con thì chỉ thập thò định chạy ra lấy "cát tút" (vỏ đạn) làm đồ chơi, nhưng người lớn không cho ra. Đó là trận ta đánh độn thổ trên đường 17, lính Hai Tô phải ra bắn yểm trợ. 

Sau đó chỉ vài hôm thì bố tôi đem tôi gửi sang bên ngoại. Giữa buổi trưa một ngày mùa đông nắng đẹp, bố tôi cho tôi cưỡi một con nghé đực, rồi bố tôi dắt nghé đi trước, tôi cưỡi nghé theo sau. Từ cổng trại Hai Tô đi tắt đồng lên đê Lý Dương. Từ Lý Dương theo đường nhựa đến Hàng Bà Nhất. Đến đây bố tôi lại cho đi tắt cánh đồng bãi làng Chí Linh để ra bờ sông Kinh Thày đoạn ngang làng Ninh Xá. Ngày ấy làng Chí Linh còn ở ngoài đê, chưa đắp đê bối khoanh vùng lại như ngày nay. Về mùa lũ cánh đồng bãi làng Chí Linh nước ngập trắng băng. Ngọn nước sông Lục Đầu và ngọn nước sông Đuống đến đây thì bị tòe ra, dòng nước chảy chậm lại. Làng Ninh Xá cũng vì thế mà trở thành một cái túi để hứng phù sa bồi tụ. Cho nên phần ngoài đê làng Ninh Xá còn có một bãi bồi rộng lắm. Người ta còn tân tre, trồng mây, trồng cây ăn quả, trồng rau mầu, có thời kỳ còn làm cả bãi họp chợ nữa. Mỗi nhà cũng thường có một chiếc "cầu sông" để rửa ráy, tắm giặt, và kín nước về ăn. Ở những "cầu sông" ấy cũng thường hay có người. Bố tôi gọi với qua sông nhờ một người đang đi gánh nước về nhắn tin hộ. Một lát sau thì bác Cương tôi đưa thuyền sang đón. Trâu nghé làng tôi bơi nước đã quen nên việc đưa con nghé qua sông cũng rất dễ dàng. Chỉ cần buộc thừng vào thuyền, bơi thuyền đi là nó ngoan ngoãn bơi theo. Sông nước mùa đông cạn dòng nên chỉ một loáng đã sang bờ bên kia. 

Ông ngoại tôi năm ấy đã gần sáu mươi tuổi, dáng người cao cao, lưng hơi còng, mái đầu và bộ râu ba chòm đã bạc trắng như cước. Bà ngoại tôi sinh được bảy người con: bốn trai, ba gái. Bốn trai là Cương, Dũng, Lược và cậu út Mão (vì sinh năm Mão 1927). Ba người con gái là: Chải, Chuốt, Rẽ. Mẹ tôi là Chuốt. Nhưng vì trùng tên với một người làng, người ta đến xin tên, ông tôi mới đổi tên gọi là Nhỡ. Bá Chải lấy chồng người làng Trần Xá tên là Đồng nên tôi gọi là bá Đồng. Bá Đồng sinh được hai con: một trai, một gái rồi cũng mất vì bệnh hậu sản trước mẹ tôi mấy năm. Dì Rẽ lấy chồng làng sinh con trai đầu lòng tên Thiều nên tôi gọi là dì Thiều. Bà ngoại tôi mất từ năm 1930, lúc đó mẹ tôi mới mười một tuổi và cậu Mão mới ở tuổi thứ tư. Ông ngoại tôi sau đó cũng "đi bước nữa", lấy " Bà Trẻ" và sinh thêm được hai người nữa là dì Cún Hai và cậu Mạch. Tôi, Thiều và cậu Mạch bằng tuổi nhau. Bốn gia đình: bác Cương, bác Dũng, bác Lược và Bà Trẻ đều ở liền nhà nhau. Đặc biệt hai nhà bác Cương và gia đình Bà Trẻ còn liền cả sân nhau và nhìn đối diện vào nhau nữa. Nhưng lúc đó thì ông tôi đã ở với gia đình bác Cương và mọi công việc cúng giỗ tổ tiên ông bà... đã giao cả cho con trai trưởng. Nhà ông ngoại tôi lúc đó có hai người đi kháng chiến không có mặt ở nhà là cậu Mão và anh Đoàn ( tên bố mẹ đặt là Chắc) con giai trưởng của bác Cương. 

Hai chú cháu cũng tầm bằng tuổi nhau. Chú đi bộ đội được một thời gian thì lở ghẻ đầy người, liệt vào hạng bệnh binh cho thoái ngũ. Nhờ có trình độ văn hóa lớp 5 thời ấy nên được tuyển đi dạy học mãi trên Dương Hưu, Vĩ Loại, Sơn Động, Bắc Giang. Cháu đi bộ đội, bị thương, trở về hoạt động cơ sở ngay trong xã. Thời mất đất phải vượt sông Kinh Thày sang trọ ở làng tôi hoạt động. Run rủi thế nào lại lấy cô em gái con ông chú tôi làm vợ. Đó là cô Hải con gái cả chú Hội Mậu nhà tôi. Ông này gan như cóc tía. Nhà ngay cạnh đồn địch thế mà đôi lần vào buổi tối, cũng lần về thăm nhà. Ông tôi biết là lại hốt hoảng vội đi nhắc các con lo cảnh giới. Còn mẹ anh thì vội kéo anh vào trong buồng, rì rầm vài câu, dúi cho con ít tiền, rồi vội tống đi ngay: " Lần sau, cấm chỉ về con nhé! Mày về, tao lo lắm!". Ông chú, ngược lại nhát như cáy ngày. Sau lần chúng cho quây nhà tôi, cuôc hầm bắt hụt, cứ ở tịt trong vùng tự do, không dám bén mảng về nữa. Lần ấy, bố tôi cũng rầy rà lây. Chúng bắt bố tôi ra tra hỏi: " Mày dấu hai tên Kham -Mão ở đâu thì phải thành thật khai ra. Nếu không thì rũ tù!". (Kham là một người anh khác của tôi cũng người làng Ninh Xá) Bố tôi người run như cầy sấy cứ sự thật mà khai: "Bẩm quan lớn, mấy hôm trước hai tên ấy có qua đây thăm nhà tôi thật. Nhưng không gặp chị, gặp cô chúng nó lại đi ngay. Hiện giờ thì tôi không biết chúng ở đâu cả. Quan lớn không tin thì cứ việc đi khám xét. Chúng cho quân lính đi sục hầm và đào cuốc linh tinh cả. Nhưng cũng không tìm được hai tên Kham-Mão thật. Vậy mà chúng vẫn bắt bố tôi sang đồn Ninh Xá. Bố tôi cõng tôi ở trên lưng theo bọn lính áp tải sang đồn Ninh Xá. Đến đồn chúng giữ bố tôi lại còn giả tôi về nhà ngoại. Mẹ tôi đang chơi bên nhà ngoại, thấy chồng bị bắt thì chỉ ôm tôi mếu máo khóc. Còn ông tôi thì lo quýnh lên, vội họp các bác tôi lại hội ý, bàn cách chạy chọt lo lót để "gỡ" bố tôi ra. Ông tôi bảo mẹ tôi và các bác phải lo nhanh lên, nếu để nó giải xuống huyện là rắc rối đấy. Không hiểu mẹ tôi và các bác lo lót thế nào mà chỉ vài hôm sau là bố tôi được thả ra ngay. 

Ở bên ngoại ban ngày thì rất vui, vì tôi sẵn bạn chơi. Nhất là ba cậu cháu tôi bằng tuổi nhau lại gần nhà nên rất hay đàn đúm rủ nhau đi chơi. Ở bờ đê làng Ninh Xá lúc đó còn có một thứ cây gọi là cây bọ mò có hoa nở đỏ rất đẹp. Chúng tôi thường lấy hoa làm đồ chơi, lấy lá làm đồ vày nghịch: đem làm các loại bánh hoặc trộn với bột đất, bột gạch non để chế biến các loại thuốc... Nhưng ông tôi thấy thì ông tôi dẹp ngay vì sợ bọ mò rúc vào người sinh lở ghẻ. Ông tôi cũng lại sợ chúng tôi lên bờ đê không may bị xe cộ kẹp, sợ chúng tôi ra bờ sông chơi không may chết đuối... Vì thế cứ thấy vắng bóng chúng tôi là ông tôi lại vội đi tìm. Ông tôi thường lững thứng lên đê, tay cầm cái quạt giấy che đầu, mắt dò tìm các hướng. Hễ thấy chúng tôi đâu là ông tôi lại lập tức gọi về ngay. Làng Ninh Xá gần chợ Nành. Chợ Nành trước đây họp ở vị trí giữa làng Ngô Đồng và làng Ninh Xá. Nhưng thời tạm chiếm, để ngăn quân du kích lợi dụng chợ làm địa bàn hoạt động, nên quan Tây kéo chợ về họp ngay ở bãi bồi ngoài đê làng Ninh Xá. Bãi bồi này khá rộng. Hai đầu chợ còn có hai cây thị to lắm. Họp chợ ở đây vừa gần đồn lính lại vừa gần sông, nhu cầu mua bán trao đổi nhiều, ngoài các phiên chính như trước, còn đẻ thêm những phiên sép, nên chợ Nành gần như có thường xuyên. Cũng nhờ lộc chợ Nành mà tôi hay được các bác, các dì, các mợ, các chị... . mua quà về cho ăn nên hầu như lúc nào cũng ướt mép. 

Nhưng tối đến là tôi lại nhớ nhà. Từ ngày mất mẹ tôi đã quen quấn bố. Đi đâu cũng bố, trừ có việc đi làm. Khi thì bám quần bố, lúc thì trên lưng bố. Bây giờ xa bố, tôi thành bâng khuâng. Tối nào tôi cũng khóc đòi về. Mà hồi ấy tự nhiên tôi lại rất thèm hơi ấm phụ nữ. Tôi chỉ đòi ngủ với các chị, các cô gái trẻ, chứ không chịu ngủ với ông, với bác. Có một lần, tôi đang ngủ với mấy chị thì bác Dũng thức tôi dậy bảo sang giường ngủ với bác. Thế là tôi hờn. Tôi cứ ngồi trên cái phản giữa nhà khóc gào bố, gào mẹ: "Ới bố ơi, bố sang đón con! Ới mẹ ơi, mẹ về bế con!". Tiếng khóc ấy của tôi hình như cứa vào lòng thương em, thương cháu của bác Dũng. Mặt mày bác Dũng tự nhiên méo sệch đi, run rẩy rồi dàn dụa nước mắt. Bác khóc nức nở và phải dùng cả cánh tay áo đưa lên gạt nước mắt. Thế là tôi lại được ngủ với các chị như cũ. Tôi nắm giữa các chị, Tuy chỉ đắp chiếu thôi mà tôi thấy một hơi ấm nóng bao trùm lên khắp người tôi. Tôi thổn thức thêm một lúc rồi ngủ đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau, tôi vẫn thấy mình nằm trên giường bác Dũng. 

Vài tháng sau thì nghe tin ta phá trại Hai tô rồi. Vào một đêm sương mù dày đặc. Ta gài được tay trong mở cổng đồn cho quân du kích vào đánh úp. Bọn nghĩa dũng thì đầu hàng ngay. Còn mấy tên sếp ngụy cố thủ trên nhà gác cũng bị quân ta đột nhập tiêu diệt. Dân các làng được dịp, chỉ vơ vội những thứ cần thiết, dắt cưỡi trâu bò chạy vội về làng. Trại Hai Tô lại thành một trại trống không. Giữa thời loạn lạc đạn bom cũng không ai lên đấy làm gì. Nó cứ phơi mưa, phơi nắng và tự lụi tàn. Riêng khu nhà xây, tư dinh cũ của nhà Hai Tô thì mãi đến những năm cải cách, nông dân nàng Dâu mới lên phá phách và đào bới đến viên gạch cuối cùng. 

 27/3/2011