Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về 
Xin lộc các chùa
- Phóng sự 22/01/2004 -
22h: Chúng tôi có mặt tại chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở - Hà Nội) để tham dự khoá lễ đêm giao thừa. Đây là khóa lễ "Mừng Xuân mới" do Đại Đức Thích Thanh Quyết chủ trì với sự tham gia của gần 500 tăng ni, Phật tử  thân tín. Khóa lễ không đông nhưng trang nghiêm và linh thiêng. Những ngọn đèn trong gian thờ Phật và bàn thờ Tổ sáng hết lên. Sư trụ trì dâng hương. Mùi hương trầm ngào ngạt. Không gian như ngưng lại chỉ có tiếng gõ mõ, xướng kinh của sư trụ trì âm vang và tiếng tụng kinh của các bà, các cô rì rầm, rì rầm.
Nguyện thử hương hoa yên
Biến mãn thập phương giới
(Nguyện cho nén nhang này thấu suốt cõi mười phương)
 
Lời khấn nguyện bật ra những cõi lòng thành kính, từ những đức tin gửi tới cõi xa xăm nào đó của hư vô và của lòng mình. Ngoài kia, dòng người đang đổ về các điểm trung tâm như Bờ Hồ, Hồ Tây. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ nữa, thời khắc linh thiêng nhất của một năm mới sẽ tới. Khói nhang lan toả vào không gian, khiến màn đêm se lạnh của Hà Nội như huyền bí hơn…
22h30: Người dân Sài Gòn trên mọi ngả đường đã nô nức kéo về những ngôi chùa để cúng giao thừa và xin lộc. Chính điện chùa Vĩnh Nghiêm, 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, ngôi chùa lớn nhất thành phố, được nêm kín. Ánh đèn trong điện ngoài sân mờ ảo giữa khói hương đặc quánh. Người đi lễ phần lớn là nam nữ thanh niên. Với họ, đi lễ cũng là để dạo chơi, hò hẹn. ''Còn sáng mồng một cũng rất đông nhưng chủ yếu là người già" - Đại đức Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, nói.
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất, một trong những nơi tập trung nhiều người gốc Hà Nội nhất. Đêm Sài Gòn se lạnh trong sương như đẩy cái nắng nồng xa mấy ngàn cây số, kéo một mảng trời Hà Nội về với Vĩnh Nghiêm. Người Hà Nội ở phương Nam đi giữa những chậu hoa đào, những chậu hoa mà Đại đức Thích Thanh Phong cho chuyển vào bằng máy bay từ mấy hôm trước, và phả nước lạnh - cái lạnh Ngọc Hà - để cánh hồng chỉ e ấp hé lộ. Hàng chục đôi trai gái thủ thỉ giọng Bắc, khoác áo len, áo dạ. Chắc hơi nóng. Nhưng vẫn mặc.
 
23h:Chúng tôi đến chùa Giác Huyền, 58 Huỳnh Tấn Phát, Q.7 - TP.HCM thu hút khá nhiều người đi lễ từ Q.7, Q.8. Chùa Giác Huyền không lớn như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Thiên Hậu. Nhưng, "với người đi lễ, chùa nào gần thì đi. Phật ở đâu cũng là Phật. Có thành tâm thì có Phật" – anh Phạm Văn Thịnh, một người dân Q.7, nói. Quanh cổng chùa không nhiều ô tô, xe máy đắt tiền như nơi khác, có lẽ vì quanh đây có nhiều khu dân cư lao động nghèo. Tiếng người át tiếng xe gào rú ngoài đường. Vài em nhỏ cầm giỏ đựng tiền chạy lăng xăng, quần áo nhăn nhúm, miệng cười.
Ông Đồng Ngọc Tuyến (82 tuổi) sống ở Q.7 cho biết: "Giao thừa năm nào tôi cũng đến đây hái lộc. So với những năm trước giải phóng, người đến chùa bây giờ đông hơn, chen vào khó hơn. Dầu vậy, vẫn vui".
23h20:Chùa Thiên Mụ, 710 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM là điểm đến của người Việt gốc Hoa. Chúng tôi hỏi một thanh niên: "Anh còn họ hàng bên Trung Quốc không?". Anh nói: "Tôi là người gốc Việt. Nhưng muốn vào đây xin lộc. Ở trên đất Việt, ngôi chùa nào mà chẳng là chùa".
23h30:Con đường Nguyễn Văn Trỗi (Đà Lạt) vốn im ắng từ chiều bỗng vén màn sương choàng tỉnh lúc giờ trừ tịch sắp đến. Ngoài trời gió khá mạnh, nhiệt độ khoảng 10-12oC. Thế nhưng từ 23h30, các Phật tử và những người dân sùng đạo Phật bắt đầu leo lên ngọn đồi nơi toạ lạc chùa Linh Sơn. Từ trên chùa nhìn xuống đường, những ngọn đèn pha của những chiếc xe gắn máy xuyên thủng sương đêm giá lạnh từ hai đầu đường tụ về trông như những chiếc lồng đèn vàng rực của một đám rước. Những cụ bà nhà đâu đó gần chùa, đầu choàng kín khăn len, tay mang găng dày, ôm hương hoa đi lần từng bước qua những hàng thông dẫn tới về chính điện.  Không mang không khí nô nức, hội hè như Hà Nội hay TP.HCM, đêm giao thừa ở chùa Linh Sơn (Đà Lạt) mang không khí trầm mặc, u tịch. Với cái lạnh cao nguyên, người dân nơi đây không có thói quen ra đường vào buổi tối sau 21h. Giao thừa là thời khắc hiếm hoi trong năm một số người dân Đà Lạt từ bỏ tập quán vốn có để ra đường lên chùa đón mừng năm mới. Và chỉ có chùa Linh Sơn là có truyền thống làm lễ đón giao thừa đúng 24h đêm 30 Tết.
23h35: Ngoài cổng chùa Lâm Tế, 212C Nguyễn Trãi, Q.1 (T.P H.C.M) mấy người ngó đồng hồ liên tục như đeo vật gì nóng lắm. Lác đác vài người châu Âu ngoài cổng.
Cuối cùng chúng tôi quay về chùa Vĩnh Nghiêm. Không thể len vào chính điện, đành cố chen một chỗ bên ngoài. Đại đức Thích Thanh Phong dẫn đầu đoàn chư tăng rước lễ từ nhà thờ tổ lên chính điện. Từng hồi chuông ngân dài. Đám đông chợt lắng xuống. Năm mới tới. Chư tăng răm rắp quỳ trước bàn thờ Phật trong tiếng trống, tiếng mõ vừa rộn vừa trầm. Sân chùa chứa nổi vạn người giờ không còn chỗ trống. Từng người tiến đến bàn thờ Phật, xin lửa đốt cây nhang to trong tay. Ấy là xin lộc nhà chùa, để cả năm được may mắn. Màu lửa hồng phớt trên những gương mặt bóng mồ hôi. Bóng cây tháp đá bảy tầng thờ cố đại lão hòa thượng Thích Thanh Kiểm vừa được xây hằn vào khói nhang.
Thỉnh thoảng có vài người đội khăn maom, mặc xaron - trang phục đạo Hồi - lướt qua. Thoáng thấy một đàn ông mặc áo phông để hờ cúc cổ lộ dây truyền gắn hình thánh giá, chúng tôi hỏi: "Anh cũng đến chùa sao?". "Đến chứ, để lấy không khí ngày xuân. Cũng giống vào đêm  Nô – en, người theo tôn giáo khác thăm nhà thờ, chúc mừng chúng tôi".
0h15:Dòng người du xuân từ Bờ Hồ, Hồ Tây (Hà Nội) bắt đầu rẽ vào những ngôi chùa lớn như Quán Sứ, Trấn Quốc, Láng... Khách xin lộc tại chùa Quán Sứ đa số đều là nam thanh, nữ tú. Họ cầm trên tay những cành lộc hồng và nén nhanh. Họ thắp hương lên bàn thờ Phật và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới.
Chùa Quán Sứ phía trong đã có 400-500 người thắp hương xin lộc. Họ lầm rầm khấn vái, cầu chúc cho một năm mới yên bình và hạnh phúc. Chùa Láng, một ngôi chùa lớn nằm vùng ven Hà Nội cũng nêm kín bởi khách thập phương đến xin lộc.
Chúng tôi trở lại chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở - Hà Nội). Đây không phải là một ngôi chùa lớn về mặt di tích lịch sử hoặc danh lam, thắng cảnh nhưng các tăng ni, Phật tử đến chùa vào ngày rằm, mồng 1 (ta) hàng tháng rất đông. Giao thừa nào cũng vậy, phải có tới 3 - 4 trăm ngàn lượt người đến xin lộc ở chùa kể từ 24h đêm cho tới gần trưa ngày 1 Tết. Năm nào chùa này cũng không đóng được cửa đêm giao thừa bởi dòng người đến thắp hương xin lộc đông như trẩy hội.
Đại đức Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Phúc Khánh đang đàm đạo về năm mới với những Phật tử thân tín của ông tại chùa. Ông nói: ''Vào giờ khắc này tôi chỉ tâm niệm cầu nguyện một năm mới tốt lành cho tất cả mọi người, cầu những điều tốt lành đến cho đất nước. Cầu  cho quốc thái dân an, cầu sự huy hoàng cho đạo Phật''.
Nghe "đồn" đại đức Thích Thanh Quyết "linh cảm" về mọi sự rất giỏi, chúng tôi xin ông một lời "đoán" về năm Giáp Thân. Ông cười, rồi trịnh trọng:  " Các cụ thường gọi năm Giáp Thân là năm khỉ vàng – vua khỉ là biểu tượng thông minh nhất trong 12 con vật. Tôi có cảm giác năm Giáp Thân là năm đất nước hưng thịnh, là năm vận nước tiếp tục mở. Trong đó Đạo pháp và dân tộc sẽ là hai vấn đề song hành…"
Trở lại chùa Linh Sơn (Đà Lạt). Bây giờ đã là 0h27 ngày mùng 1 Tết Giáp Thân. Như mọi năm, lễ đón giao thừa tại ngôi chùa này chỉ diễn ra ngắn gọn trong vòng 15 phút với những nghi thức đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm. Sau mấy hồi chuông trống báo hiệu thời khắc giao hoà giữa năm cũ và năm mới, hệ thống loa phóng thanh của nhà chùa vang lên lời chúc mừng năm mới, và kế tiếp là một lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an và hạnh phúc cho bá tánh. Chủ trì buổi lễ là thầy Thích Tánh Hải, phó trụ trì. Từ nhiều năm nay, thầy trụ trì Thích Từ Mãn do tuổi cao sức yếu đã không còn đứng ra làm chánh chủ lễ nữa.

Ước tính phân nửa trong số 200 ngàn dân của thành phố Đà Lạt là người theo đạo Phật nhưng số Phật tử có thói quen viếng chùa Linh Sơn ngay thời khắc giao thừa chỉ có khoảng 100 - 200 người do thời tiết nơi đây rất lạnh.

Tiếng mõ, tiếng kệ khẽ khàng nhưng lại vang vang trong đêm Đà Lạt tĩnh mịch. Trong đêm lạnh, mùi hương trầm như quyện lấy những lời kinh cầu, giữ chặt lấy không cho tan biến mà cứ bồng bềnh trôi, bàng bạc toả. Những tiếng chuông mõ đệm theo vút cao níu kéo những lời nguyện cầu tốt đẹp cho năm mới đọng mãi trong không gian. Kết thúc buổi lễ, các nhà sư và Phật tử chúc tết lẫn nhau. Ai cũng hồ hởi khi một năm mới nữa lại về. Mấy thanh niên tụm lại hẹn nhau Tết này sẽ đi chơi đâu. Một cụ già Việt kiều về quê ăn Tết đứng ngắm nghía mãi hai câu đối khảm xà cừ trước tiền đường : Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện / Tùng thanh tĩnh thính khách đàm thiền. Lư hương đường kính cả thước trước thềm chánh điện đã đầy ắp hương khói làm đêm sương thêm mịt mờ.

Chùa Linh Sơn những năm gần đây không khuyến khích Phật tử hái lộc đầu năm nữa để gìn giữ môi trường. "Đó là một phong tục đẹp nhưng thái quá thì không còn đẹp nữa," thầy Viên Như nói. "Những năm trước đây, sau đêm giao thừa thì vườn nhà chùa giống chưa vừa có cơn bão tràn qua. Những người không ý thức thay vì hái lộc lại vặt trụi cả cành, cả ngọn". Người dân Đà Lạt viếng chùa đêm 30 Tết cũng dần quen với ý thức này. Họ không mang những nhàn non về nhà mà mang theo cùng họ những niềm hy vọng mơi. Những "ngọn đèn lồng" xe gắn máy bắt đầu kéo xuống đồi, rẻ về hai hướng, xa dần và chìm khuất trong sương. Bây giờ đã là gần 1h sáng của năm mới.

Lúc này, dòng người đi xin lộc ở các chùa TP.HCM cũng bắt đầu ra về. Mấy cụ già tay cầm cây lộc, miệng lẩm nhẩm: "Nam Mô A Di Đà Phật".

Đi chùa Huế sáng mùng 1

Như thường năm, sáng Mồng một tết năm nay, dân Huế dù lương hay Phật tử cũng thích đi chùa dù năm nay trời hơi lạnh và mưa. Huế có hàng trăm ngôi chùa, chùa nào cũng đáng viếng cả. Chùa Thuyền Tôn ở vùng núi Tam Thai, chùa Từ Đàm ở ngay trên đỉnh dốc Nam Giao, chùa Báo Quốc nằm ngay trên ngọn đồi Lịch Đợi trước ga Huế, và đặc biệt đi chùa Thiên Mụ uy nghi trên đồi Hà Khê ở thượng nguồn Sông Hương.

Sáng Mồng một đi chùa để tránh phải "đạp đất" nhà người quen. Người ta đi chùa Thiên Mụ đông còn vì nhiều lẽ khác. Quanh năm làm việc buôn bán học hành tất bật, ngày tết đi chùa để được hưởng cái không khí trong lành của vùng núi Ngự sông Hương. Đi chùa trước tiên tâm hồn con người được gần gũi với thiên nhiên vốn có trong mỗi người. Năm Qúy mùi, lần đầu tiên bờ sông Hương từ cầu Bạch Hổ lên đến chợ Kim Long được giải toả, theo nhau đi trên con đường khoáng đãng như đi bên một giải lụa mịn màng xanh mát, thư thái khác thường.

Những ai bước chân lên chùa Thiên Mụ cũng đều muồn chụp một kiểu ảnh trước tháp Phược Duyên 7 tầng, mắt nhìn về phía Tây núi Kim Phụng, dãy Trường Sơn trùng điệp ẩn hiện trong mây. Nước sông Hương bao quanh dưới chân đồi Hà Khê. Bổng dưng khách thấy mình như lạc vào cảnh một bức tranh thủy mặc. Tuy nhiên cảnh quan chùa Thiên Mụ  năm nay đang trong thời kỳ đại trùng tu với trên 15 tỷ đồng nên nhiều bức tường vừa được tô trát lại chưa có lớp áo vôi, nhiều mảng sân cỏ còn héo úa, nhiều nơi che chắn bằng nhựa bạt diêm dúa làm cho các thợ ảnh phải tránh né mới giữ được nét cổ kính cho tấm ảnh chụp ở chùa cổ.

Đi chùa để bố thí, để cúng dường, cầu phúc cho năm mới, cho mọi  sự được như ý. Biết thế, cứ đến tết hành khất các nơi kéo về chùa Thiên Mụ khá đông. Riêng năm nay thì để bảo vệ cho khách du lịch, chính quyền Thừa Thiên Huế cấm hành khất đến các điểm du lịch. Nhờ thế nạn hành khất làm rầy rà khách ở chùa Thiên Mụ có thể nói là đã được giải quyết. Chỉ lẻ tẻ một vài người già không nơi nương tựa đến chùa nếu không được khách thập phương bố thí thì vào chùa nương nhờ cơm Phật.

Tham quan vùng tháp Phước Duyên xong, khách bước qua Nghi môn bằng hai cửa Đại từ biĐại trí huệ. Dòng người hướng vào điện Đại hùng nguy nga - kiến trúc trung tâm của chùa Thiên Mụ. Người ta bao quanh pho tượng Di Lặc bằng đồng thau có nụ cười hỉ xã, sung mãn,  gần gũi, không hề vướng bận một chút ưu phiền. Có người nói pho tượng Di Lặc là ông "thần tài" vĩ đại nhất của đất Huế xưa và nay. Khách mong sao năm Giáp thân mọi sự được như nụ cười Phật Di Lặc.

Từng tốp khách bỏ giày dép bên ngoài, lần lược vào điện thờ sực nức mùi trầm hương để bái Phật và bỏ tiền vào thùng phước sương. Thầy Trí Tựu - đệ tử của Hoà thượng Đôn Hậu, chủ tự chùa Thiên Mụ hiện nay, xuất hiện từ phía hậu liêu, từ tốn chắp tay chào khách và đánh ba tiếng chuông hướng dẫn cho khách lễ Phật.

Khách du lịch nước ngoài tham quan Huế trong ba ngày tết, hoà mình vào niềm vui của dân địa phương đi viếng cảnh chùa. Các khách Nhật Bản đông nhất và họ rất quan tâm đến chiếc xe Austin và tấm ảnh chụp ngọn lửa vô ưu bao quanh xác thân Hoà thượng Thích Quảng Đức tư thiêu chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo cách đây hơn bốn mươi năm. Những đệ tử của chùa Thiên Mụ mang hương hoa ra bái lạy hương hồn Hoà thượng Thích Đôn Hậu đang yên nghỉ trong tháp dựng ở cuối cái sân rộng sau chùa. Con đường dẫn ra tháp vừa đư ợc lát gạch tinh tươm. Một dãy hoa đào ven đường nở rất đúng dịp tết gợi cho những người thân cận của Hoà thượng Thích Đôn Hậu nhớ lại có một thời Hoà thượng sống ở miền Bắc khi tham gia Mặt trận Liên Minh các Lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam trước năm 1975.

Tiễn một đoàn khách ở cửa bên trái chùa, một nhà sư chắp tay trước ngực:
- A-di-đà Phật ! Năm nay chùa đang trùng tu nên khách viếng chùa không được như ý. Xin Phật gia hộ cho quý vị năm mới được an khang thịnh vượng để mùa Xuân tới chùa trùng tu xong lại đến viếng chùa.
Khách chắp tay đáp lại: - A-di-đà Phật !


Trở Về   ]