Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

Thế giới quan khoa học
 

1. Tiếp cận

Hàn Thuỷ


Tiếp cận Thời Tiền Sử (1) Thời Tiền Sử (2) Thời Tiền Sử (3)
Thời Sơ Sử (1) Thời Sơ Sử (2)
Khoa học luận, tại sao ?
Với số này tác giả bắt đầu một loạt bài có tựa chung là " thế giới quan khoa học ", và hy vọng sẽ không với tay quá trán để có thể kết thúc một ngày không xa. Ý đồ của người viết là khảo sát và trình bày sự hình thành của tinh thần khoa học hiện đại. Tại sao không chỉ nói đến tinh thần khoa học hiện đại như nó đang là, mà lại đứng trên quan điểm lịch sử mà bàn về sự hình thành của nó ? Hiển nhiên một đặc điểm của khoa học là tính phi thời gian. Cái gì đúng cho ngày hôm nay thì cũng vẫn đúng ba trăm nghìn năm ( hay nói ba trăm triệu năm cũng được) trước đây : trái đất đã và vẫn tròn ; định lý Pythagore và nguyên lý Archimède đúng trước khi con người phát hiện ra chúng, và ngày nay vẫn còn hữu ích. Vậy lịch sử khoa học phải chăng chỉ có ích cho những nhà viết sử... khoa học ?

Bộc trực như vậy có hơi ngớ ngẩn, rõ ràng là các thành quả khoa học có tính phi thời gian ; còn tinh thần khoa học là điều được hình thành trong tư duy con người, và nó có tính lịch sử. Thế nhưng hình như sự nhầm lẫn này vẫn lẩn quất ở đâu đó trong các chương trình giáo dục : cho đến một thời gian gần đây trên cả thế giới người ta vẫn chỉ dạy và học những thành quả của khoa học, dạy cái (được coi) là đúng, chứ không dạy cách làm thế nào để tìm ra cái đúng, và nhất là làm gì để tìm ra những cái đúng cần thiết. Sự truyền bá về cách tư duy, về phương pháp, và về tay nghề này hình như chỉ được làm một cách gián tiếp, qua kinh nghiệm của thầy, qua môi trường sống và làm việc... theo đúng câu châm ngôn Pháp " cứ rèn đi thì sẽ thành thợ rèn ".

Tại sao vậy ? lý do hiển nhiên là thời gian eo hẹp. Cho dù đã chia ra nhiều bộ môn và cho dù quãng đời đi học của người thanh niên cứ dài mãi ra, thế cũng chỉ đủ cho hắn học hỏi những kết quả thiết yếu của mấy trăm năm tiến bộ trong mỗi ngành. Trong vòng trên dưới một chục năm phải học hỏi về thành quả của một quá trình mấy trăm năm (nếu không muốn nói là mấy nghìn năm) thì làm sao có thì giờ học về những mày mò của tiền nhân ? làm sao biết họ đã sai ra sao ? cho dùcâu hỏi này hiển nhiên rất có ích về mặt phương pháp luận, vì cũng hiển nhiên là trong những mày mò của con người thì "vạn nhất" có một lần đúng. Một lý do nữa là cái phương thức giáo dục này cho đến nay vẫn tỏ ra hiệu quả, ít nhất trong những bộ môn trừu tượng ít gắn liền với thực tế : " cứ làm toán đi thì sẽ giỏi toán " vẫn đúng với những người có khiếu. Còn không thì nên tự biết mà chọn nghề khác, cũng may là phần lớn người ta chỉ thích làm những việc người ta làm được.

Tuy nhiên có thể có vài nhận xét về phương cách giáo dục cổ điển này : một là các nước đang phát triển bị thiệt thòi : quả vậy, sinh viên các đại học tại Âu Mỹ đắm chìm trong một môi trường khoa học thực sự, với truyền thống, với quá khứ nghiên cứu khoa học lâu đời, và với cả những bậc thầy cũ và mới đã là các bác học nổi danh và có thể vẫn còn đang nghiên cứu tại trường... vì thế cái truyền bá "không chính quy" về tinh thần khoa học và về phương pháp luận được đảm bảo. Trong khi điều này rất hiếm có tại các nước đang phát triển, và nếu có thì cũng do các bậc thầy đã du học ở nước ngoài về cố gắng làm việc ấy với rất nhiều khó khăn, vì nó "ngoài chương trình". Trong điều kiện ấy có lẽ tiøm hiểu về lịch sử và phương pháp luận khoa học như một môn học chính quy có lẽ có ích, dù không thể bằng sự truyền bá không chính quy nhưng lại trực tiếp hơn. Nhưng có còn hơn không.

Nhận xét thứ hai : trong các nước đã phát triển ngày càng rõ ràng là cái học về phương pháp ít ra cũng quan trọng ngang cái học về kết quả, và thật sự hai khía cạnh này bổ sung cho nhau trong một thời đại mà kiến thức tích tụ càng ngày càng nhiều. Do đó phải học suốt đời, và do đó tự học là chính, sau khi đã được đào tạo về căn bản và về phương pháp luận.

Một nhận xét nữa : trong thời đại ngày nay các vấn đề ngày càng phức tạp và đòi hỏi nghiên cứu liên ngành. Như thế những người cùng nghiên cứu phải nắm bắt ít ra là cái cơ bản trong lĩnh vực của các cộng sự trong ngành khác mình ; và họ phải có được đồng thuận tối thiểu về những chuẩn mực khoa học.

Ý thức về sự cần thiết của một văn hoá khoa học hoàn chỉnh hơn cho người công dân thế giới tương lai đã khiến cho bộ môn khoa học luận, hay triết lý khoa học, (épistémologie, philosophie des sciences) ; mà các nội dung chính có liên hệ chặt chẽ với nhau là lịch sử khoa học, tinh thần khoa học, và phương pháp luận khoa học ; trở nên có tầm quan trọng đặc biệt. Bộ môn này đang được khuyến cáo đưa vào chương trình đại học của cả các ngành khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, và điều này đã được nhiều đại học trên thế giới thực hiện.

Đi ngược lịch sử

Nhưng khi suy nghĩ cặn kẽ thế nào là tinh thần khoa học thì hình như vấn đề không đơn giản. Tinh thần phải được cụ thể hoá thành những nguyên lý - được chấp nhận như sự thực đầu tiên - và thành những nguyên tắc hành xử - được coi như những dẫn dắt hiệu quả nhất trong công việc cụ thể của con người... Thế mà những nguyên lý và nguyên tắc này phải đâu đã rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Ngay cả hiện nay, khi mà từ hơn một thế kỷ hoạt động khoa học đã trở thành đối tượng của học thuật, vẫn còn những trường phái khoa học luận hiểu khác nhau và bàn cãi về hoạt động khoa học.

Thực ra thì : trước khi có các khủng hoảng về nền tảng của toán học và vật lý học, và trước những Hiroshima, những hiệu ứng nhà kính, v.v. đã khiến cho các nhà khoa học cũng như các triết gia đặt lại câu hỏi : thế nào là khoa học ? khoa học kỹ thuật có thể giải quyết mọi chuyện hay không ?; trong thời hoàng kim của khoa học cổ điển từ cuối thế kỷ 17 ( với nguyên lý vạn vật hấp dẫn của Newton) đến giữa thế kỷ 19, đã có một sự đồng thuận về thế nào là khoa học, cùng với niềm tin sắt đá vào khả năng to lớn của nó cho hạnh phúc loài người.

Thời hoàng kim này thoát thai và lớn mạnh trong một giai đoạn kéo dài cả một thế kỷ ( từ đầu thế kỷ 17 nếu lấy năm 1600, năm Bruno bị hoả thiêu làm mốc ), trong đó tư duy thuần lý đã phải tranh đấu để thoát ra khỏi những quan niệm giáo điều thời Trung cổ đã xa rời thực tế khá xa tuy vẫn còn quyền lực.

Vậy có phải trước thế kỷ 17 thế giới chưa có khoa học ? Câu trả lời tuỳ theo hiểu thế nào là khoa học. Nếu coi khoa học như một nỗ lực để hiểu biết một cách hoàn chỉnh, có hệ thống và có hiệu quả về thế giới, với những phương pháp nghiên cứu và đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp như hiện nay, thì đúng là như thế. Nhưng thế kỷ ánh sáng, cũng như thời đại phục hưng của Âu châu, không phải từ trên trời rơi xuống. Nó là kết quả của cả một quá trình tích luỹ, khám phá và du nhập những tiến bộ kinh tế, kỹ thuật, tổ chức xã hội... tiệm tiến trong nhiều thế kỷ trước ... trong đó những nỗ lực để hiểu biết và cải tạo thế giới tự nhiên cũng như xã hội, có thể không tự giác và không có hệ thống hoàn chỉnh, nhưng không bao giờ vắng mặt. Vậy có cái gì được gọi là " khoa học " hay chăng trước đó tại Âu châu, tại Trung Quốc và Ấn Độ trước thời hiện đại ; tại Hy Lạp...

Và như thế cứ đi ngược thời gian người ta sẽ thấy có những giai đoạn tiến bộ đột phát, và ở khoảng giữa là những giai đoạn tiến triển chậm chạp và kéo dài. Những giai đoạn lịch sử đột phát đó cũng bao gồm những thay đổi sâu rộng về mọi mặt trong đời sống xã hội ; trong đó cái nhìn của con người trước xã hội và thế giới tự nhiên để trở nên khoa học hơn chỉ là một khiá cạnh. Không đi vào cuộc cãi vã duy tâm - duy vật " khi phân tích đến tận cùng " câu hỏi : " cái phần nhận thức đó, là nguyên nhân, hay là hậu quả của những thay đổi về kinh tế xã hội ? " Ai cũng có thể chấp nhận được ảnh hưởng qua lại giữa nhận thức con người và môi trường tự nhiên và xã hội trong đó hắn sinh sống. Vì vậy giáo dục về tinh thần khoa học là một việc rất có ích cho tiến bộ xã hội, có ích đến đâu và có những việc gì khác cần hơn không là điều ở đây không bàn.

Đột phát, thì chỉ khởi đi từ một chỗ, không thể tự nhiên đột phát cùng khắp trên toàn thế giới. Nhưng dù sao, nhất là đối với những vùng văn minh ngoài châu Âu, câu hỏi cũng cần đặt ra là : " tại sao cách mạng khoa học kỹ thuật đã bùng nổ tại châu Âu mà không ở những nơi khác ? "Quan trọng cũng như câu hỏi " tại sao Hy Lạp ", một đột phát khác. Và quan trọng, vì nếu vẫn còn những rào cản về văn hoá, trong tâm thức, hay trong tổ chức xã hội ... làm cản trở sự bùng nổ đó, thì cũng nên nhận diện, trong chừng mực những rào cản đó vẫn còn.

Những nhận định rất tổng quan và sơ sài trên đây cho thấy cần chấp nhận tinh thần khoa học là điều thay đổi theo dòng thời gian và không gian, mặc dù có một hạt nhân bất biến ngày càng hiển lộ. Và như thế hiểu biết về lịch sử khoa học đã diễn ra trên cả thế giới sẽ soi sáng cho những hiểu biết cần thiết cho tinh thần khoa học hiện đại. Cả vấn đề là làm sao trả lời câu hỏi : " thế nào là tinh thần khoa học " cho quá khứ, khi nhà làm khoa học không hề thấy cần thiết phải nhìn lại mình, cũng không hề bị quan sát dưới con mắt phân tích của các triết gia ; và trong quá khứ xa hơn nữa, không hề tự nhận thức như một "nhà khoa học" ?

Thế giới quan khoa học

Tuy nhiên, thái độ "duy khoa học" của một Voltaire, một Diderot... coi rằng có thể thiết lập một nền đạo đức dựa trên khoa học... dưới cái nhìn phê phán hiện đại còn có phải là một thái độ... khoa học hay chăng ? Và ngược lại, không thể không thấy có một cái gì rất khoa học tiềm ẩn trong những thử nghiệm và những phát minh kỹ thuật của một Leonard de Vinci (1452 - 1519) chẳng hạn ; hay trong phát minh máy in đúc chữ rời năm 1440 của Gutenberg, mà ảnh hưởng trên văn minh thế giới là không thể lường được. Mặc dầu thực ra người Hàn Quốc đã phát minh phương pháp in sắp chữ đúc rời bằng đồng trước đó rất lâu (một trong những bản in cũ nhất là một bộ kinh Phật có niên đại 1377 hiện đang được giữ tại Thư viện quốc gia Pháp) ...

Vậy trong chữ "lịch sử khoa học" ta cần hiểu "khoa học" trong nghĩa rộng nhất của nó, thay đổi theo và gắn liền với lịch sử. Như thế nó bao gồm cả mặt thực dụng, như một cố gắng duy lý không tự phản tỉnh, nằm đằng sau những phát minh kỹ thuật " tự phát " ; và nó bao gồm cả mặt tư tưởng, trong những suy tư triết học bao quát. Vì trước thời hiện đại thì không có sự chuyên môn hoá và khu biệt hoá giữa những người làm khoa học và những triết gia. Tư tưởng nào thuộc phạm vi khoa học và tư tưởng nào nằm ngoài phạm vi ấy... cũng là điều khó rạch ròi.

Nhưng nói như thế thì với thời trước thế kỷ 17 chỉ có thể tìm hiểu lịch sử tư tưởng loài người nói chung thôi sao ? Đó là một cách tiếp cận quá mông lung không thực tế... vì vậy vẫn phải giới hạn việc tìm hiểu này trong những sự kiện, những tư tưởng gần với những cái ngày nay chúng ta gọi là khoa học nhất, gần với cái lõi bất biến nhất. Chấp nhận những thiếu sót, méo mó, và sai lệch tương đối nhỏ gây ra do ảnh hưởng của những cách tư duy, xử thế và cảm quan khác. Và cũng phải chấp nhận cái tinh tuý của tinh thần khoa học chỉ hiện hữu dưới dạng tiềm ẩn và cộng sinh với những cách tư duy khác.

Cái tinh tuý, cái cốt lõi tối thiểu được mọi nhà khoa học chia sẻ ấy, có lẽ có thể được phát biểu như sau : có một thế giới khách quan hiện hữu độc lập với con người, thế giới đó biến chuyển theo những quy luật nhân quả mà con người có tiềm năng hiểu được (có tiềm năng không có nghĩa là đã hiểu hết). Tóm lại, đó là một thế giới quan khoa học. Thế giới quan đó không trực tiếp hay gián tiếp nằm trong tất cả tư duy, cảm quan và xử thế của con người. Và nó có thể nằm ngay trong tư duy của bản thân những người phủ định nó, nếu đào sâu một chút người ta có thể thấy nó ở những chỗ bất ngờ nhất. Một thí dụ : người phù thuỷ lên đàn cầu đảo, khấn bái thần linh để cho mưa xuống có gì là khoa học không ? không... mà có đấy. Tại sao cầu mưa, nếu không biết rằng mưa là nhân, mà mùa màng tốt tươi là quả ?

Tư duy, xử thế và cảm quan ở hai đầu lịch sử

Ở trên đã đề cập đến những giai đoạn lịch sử tiệm tiến và những cái mốc đột biến chia cắt chúng ; sau lại nói đến thế giới quan khoa học, và sự cần thiết liên hệ nó với những hình thức sinh hoạt khác của con người. Đến đây đã có thể trình bày cụ thể hơn cách tiếp cận của tác giả để trình bày về " thế giới quan khoa học " trên quan điểm lịch sử :

Có thể chia lịch sử loài người nói chung thành một số thời đại, và có lý do để tin tưởng rằng lịch sử khoa học cũng đi sát với sự phân chia ấy :

1) Thời tiền sử : từ khi hình thành con người sinh lý hiện đại (homo sapiens) đến khi có chữ viết. Thời kỳ này được coi như bắt đầu cách đây khoảng 100 nghìn năm, cho đến cách đây khoảng 5000 năm, với nền văn minh Sumer, lần đầu tiên có chữ viết mà ta được biết. (Xem Diễn Đàn số 130 ; Văn Ngọc, Sumer 5000 năm sau).

2) Thời tiền cổ đại : Các nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà... từ - 3000 ( 3000 năm trước công nguyên) trước khi nảy sinh các hệ tư tưởng lớn (Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc ), cho đến khoảng -600, bắt đầu đỉnh cao của văn minh Hy Lạp.

3) Thời cổ đại : Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ : từ - 600 đến thế kỷ thứ 5 ( tàn lụi của đế quốc La Mã).

4) Thời tiền cách mạng khoa học : Trung cổ, văn minh Ả Rập ; từ thế kỷ thứ 5 đến thời Phục Hưng.

5) Thời Phục Hưng và cách mạng khoa học : thế kỷ 15, 16, 17.

6) Thời hoàng kim của khoa học cổ điển : thế kỷ 18, 19.

7) Thời hiện đại : thế kỷ 20.

Nếu chúng ta đi từ những bước đầu tiên của con người tiền sử, trong sinh hoạt và cảm quan của họ có gì là mầm mống của thế giới quan khoa học ? Không có chữ viết thì khó có thể nói gì quyết đoán về mặt tư duy. Tuy nhiên người ta vẫn có thể dựa trên hiện vật khảo cổ : các rìu đá, xương thú, phấn hoa, và nhất là các hình vẽ tuyệt vời trong động đá... cộng với những nghiên cứu nhân chủng học trên những bộ lạc còn bán khai để đưa ra những ức đoán ít hay nhiều có hệ thống và tương thích với những gì biết được. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề lý thú này trong một bài sau.

Ở đây chúng ta có thể dựa trên những hình thức tư duy, cảm nhận và sinh hoạt hiện tại để làm chỗ dựa cho khảo sát quá khứ : trong quá khứ những hình thức đó có không, và nếu có thì có thể giống hay khác cách hiểu và cảm nhận hiện tại của chúng ta như thế nào. Ngược lại thì dấu vết của những hình thức tư duy quá khứ có thể vẫn còn ngự trị hay ảnh hưởng tới con người như thế nào ? và đây chính là câu hỏi có tầm quan trọng đặc biệt, vì chính nó sẽ giúp ích cho công việc "gạn đục khơi trong" của tinh thần khoa học : những yếu tố không thuần lý nào vẫn đang còn tiềm ẩn, và tại sao ?

Để cụ thể hoá những dòng trên ta có thể nhìn về hai đầu của lịch sử tư tưởng con người :

Ở một đầu là hiện nay có những miền tư duy nào đã nảy sinh trong quá khứ, có liên hệ đến khoa học, và vẫn còn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác ? có thể liệt kê như sau :

- tư duy khoa học

- tư duy về tổ chức xã hội và kinh tế

- những hoạt động công nghệ và kỹ thuật

- tư duy triết học

- tư duy về nghệ thuật

- tình cảm tôn giáo

- sáng tạo, ghi nhớ và truyền bá các huyền thoại

- sáng tạo và cảm nhận về nghệ thuật

- tư duy ma thuật, thần bí

- những hoạt động thủ công

Trở lại những bước đi ban đầu của con người. Trong danh sách kể trên thì người tổ tiên xa nhất của chúng ta ( tổ tiên thực sự trong nghĩa sinh lý, tức là có cùng các phân tử ADN với chúng ta) không làm gì có tất cả. Nhưng ít ra là đã có ba dòng cuối. Không cần nói dài về mặt nghệ thuật, chỉ cần nhìn những bức tranh tuyệt đẹp trong động đá. Và các nhà nghiên cứu đã nói nhiều về ảnh hưởng hỗ tương của việc sáng tạo những công cụ như rìu đá, cái lao v. v. trên văn hoá con người. Ở đây chỉ có vài dòng về cái tư duy ma thuật : đó là một khái niệm phức tạp, nảy sinh sớm nhất trong tư duy con người, và sống dai dẳng, mãnh liệt nữa, với loài người cho tới nay. Nếu hình thức tư duy này hoàn toàn vô hiệu quả và vô ích thì đã bị đào thải từ lâu. Không phải chỉ có việc phù thuỷ cầu mưa, chiêm tinh học, luyện đan (alchimie) đã đẻ ra thiên văn học và hoá học.
 

Hàn Thuỷ
Diễn Đàn số 132, 9.2003

Tiếp cận
Thời Tiền Sử (1)
Thời Tiền Sử (2)
Thời Tiền Sử (3)
 Trở Về