Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

Thế giới quan khoa học
 

2.Thời tiền sử (2)

Hàn Thuỷ


Tiếp cận Thời Tiền Sử (1) Thời Tiền Sử (2) Thời Tiền Sử (3)
Thời Sơ Sử (1) Thời Sơ Sử (2)
 Người Sapiens Sapiens
Bài trước ( Diễn Đàn 133) đã điểm qua quá trình hình thành giống người từ ít nhất là hai triệu rưởi năm trước, cho tới sự tịch diệt của giống Neandertal cách đây 35 000 năm, sau một thời kỳ sống chung với giống người (Sapiens) Sapiens, xuất hiện tại Phi châu cách đây hơn 100 000 năm ; để rồi từ đó chỉ còn lại giống Sapiens, lan truyền và độc chiếm toàn thế giới, là chúng ta ngày nay.

Người Neandertal và người Sapiens có trình độ tương đương : biết làm rìu đá hai mặt một cách hữu hiệu, biết chế ngự lửa ( thừa hưởng từ người erectus có từ 400 000 năm trước), đã chôn người chết, và bước đầu có nghệ thuật vẽ trên vách đá các hang động, tuy còn rất sơ sài. Tuy thế những bước tiến vượt bực trong tư duy còn là công việc của người sapiens từ 35 000 năm trước tới nay. Bài này sẽ giới hạn trong thời chưa có chữ viết, và cũng không đề cập tới những kết quả của việc tư duy phản tỉnh của con người về chính mình, dù được ghi lại bằng chữ viết hay không.

Vậy cụ thể là trải qua những thời thượng kỳ đồ đá cũ (-35 000 đến -10 000) , đồ đá giữa ( -10 000 đến -6000 ), và đồ đá mới ( -6000 đến - 4000) , trong sinh hoạt và tư duy người sapiens đã có những biến chuyển gì quan trọng ? Về đời sống cụ thể có thể kể đến :

  • Cuộc cách mạng từ săn bắn hái lượm tiến tới nông nghiệp và chăn nuôi,
  • Về mặt công cụ và dụng cụ sinh hoạt thì đi từ đồ đá thuần tuý đến các công cụ bằng " vật liệu hỗn hợp " như rìu có cán gỗ, cung tên có mũi nhọn bằng mảnh đá hay bằng xương, việc may mặc bằng da với " kim chỉ " bằng xương và gân... đồ trang sức làm bằng xương hay vỏ sò.
  • Việc sáng chế đồ gốm (trong thuật ngữ khảo cổ chữ gốm chỉ chung các hiện vật bằng đất nung, chứ không đối lập đất nung, sành và gốm tuỳ theo chất lượng như ngôn ngữ thông dụng hiện nay).
  • Song song với những thay đổi mạnh mẽ về sinh hoạt vật chất này (mạnh mẽ so với thời kỳ mấy trăm ngàn năm trước, và kể từ đó những thay đổi luôn luôn tăng tốc cho tới nay) là những sinh hoạt tinh thần hay/và xã hội như :
  • Việc hình thành một nền nghệ thuật đích thực, thấy được trên những hình vẽ màu và hoành tráng, và có thể ngoại suy thêm là đã có những loại hình nghệ thuật như âm nhạc, nhảy múa...
  • Tổ chức xã hội theo ít nhất là hai cấp đơn vị : gia điønh và bộ lạc.
  • Có phân chia lao động : có sản xuất chuyên ngành và có trao đổi.
  • Hình thành những hình thái tư duy " xoay sở mò mẫm" (bricolage) ; ma thuật (magie) và nghi lễ (rituel) ; tuy rằng chúng trộn lẫn với nhau, cùng với cả cảm quan nghệ thuật, trong những sinh hoạt cụ thể. Việc chia ra những hình thái như trên chỉ có thể có khi con người đã đạt đến một ý thức phản tỉnh cao độ, điều không thể nảy sinh nếu không có chữ viết. Vì những suy luận quá phức tạp như thế chỉ có thể được truyền bá một cách chính xác và được hoàn thiện qua nhiều thế hệ , tức là phải dựa trên văn tự.
  • Và dĩ nhiên điều rất quan trọng nữa là sự hình thành một ngôn ngữ " hai tầng cấu âm " (à double articulations)
  • Ngôn ngữ hai tầng cấu âm

    Cấu âm là thuật ngữ của ngành ngôn ngữ học, có lẽ tạo ra từ " cơ cấu của âm thanh ". Mọi ngôn ngữ của con người (ở đây ta chưa nói tới chữ viết, mà cách phân tích sẽ tương tự nhưng phức tạp hơn) luôn luôn có ít nhất hai tầng cấu âm, trong khi ngôn ngữ loài vật dù thông minh nhất cũng chỉ có một tầng cấu âm. Tầng cấu âm thứ nhất, và duy nhất đối với loài vật, là những tiếng nói rời rạc, mỗi tiếng được ánh xạ vào một cái gì hay một việc gì cụ thể. Thí dụ : chuối, ăn, hổ, cây... Ánh xạ từ tiếng nói đến cái mà nó tượng trưng là tuỳ tiện (tuy rằng việc ánh xạ này có thể có lý do lịch sử như sự bắt chiếc âm thanh trong các từ tượng thanh), được thành hình qua một quá trình tiếp nối và đổi thay lâu dài. Do đặc tính tuỳ tiện ấy mà ngay ở tầng thứ nhất này ta đã thấy cần truyền dạy tiếng nói từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và cũng do đó người ta có thể dạy cho khỉ (hay cho chó) một thứ ngôn ngữ đơn giản để trao đổi với chúng. Về tầng cấu âm thứ nhất này thì giải phẫu học cho thấy khả năng phát âm của người sapiens là rất giàu có từ mấy vạn năm trước.

    Tầng cấu âm thứ hai của ngôn ngữ là gì ? Có thể thấy qua một thí dụ cụ thể : ở tầng thứ nhất nếu đổi tiếng " hổ " thành tiếng " chuối " thì hai thứ được gợi ra hoàn toàn không dính dáng gì đến nhau, chính vì sự ánh xạ giữa tiếng nói và sự vật là tuỳ tiện. Nhưng khi đã đồng thuận với nhau về tập hợp tiếng nói của tầng thứ nhất thì khi đổi một tiếng của tầng thứ hai trong một chuỗi tiếng ; thí dụ như đổi " tôi đi " thành " tôi ăn ", hay " tôi ngồi " hoặc thành " anh đi ", hay " nó đi " ; ta thấy ý nghĩa của những lần đổi sẽ không hoàn toàn khác hẳn với nhau hoặc với cụm từ nguồn, mà chúng khác đi một cách có hệ thống, có nghĩa là chúng cũng còn giống nhau một cách có hệ thống : sự vật hay hành động có thể đổi, nhưng những quan hệ vẫn được giữ lại.

    Cho đến nay mọi cố gắng dạy tầng thứ hai của ngôn ngữ cho thú vật đều thất bại. Và đa số các nhà nghiên cứu đều đồng ý là trong gien của con người có hàm chứa một tiềm năng sáng tạo và hiểu ngôn ngữ ở tầng cấu âm thứ hai, duy nhất, và phổ quát, của giống người. Mặc dù chưa thể mô tả được cụ thể cái quá trình hình thành và hiểu biết đó, chưa biết rõ phần nào là bẩm sinh và phần nào là cần nuôi dưỡng qua các thế hệ.

    Chính khả năng cấu âm ở tầng thứ hai này cho phép con người tư duy một cách trừu tượng hơn, tư duy về những quan hệ, và rồi về các quan hệ của các quan hệ... do đó khi phân tích sâu hơn thiø thực ra có nhiều tầng ở trên tầng thứ nhất, được người ta gộp lại thành một " tầng thứ hai " cho dễ nói. Ở đây dùng chữ " hệ thống " làm cho có cảm tưởng các tầng trên của ngôn ngữ được xây dựng chặt chẽ như một ngôi nhà chọc trời. Hiện thực dĩ nhiên không như thế : các quan hệ, và quan hệ của quan hệ... đuợc xây dựng tuỳ theo nghiệm sinh của các nhóm người vừa thay đổi, tan hợp, vừa không đồng nhất ; cho nên ngôn ngữ càng trừu tượng càng dễ hiểu khác nhau và hiểu lầm nhau. Ngôn ngữ không phải một toà nhà chọc trời duy nhất ai cũng nhìn thấy như nhau, mà là những cái tháp Babel, hẳn rồi, và nếu dù cho mọi người đều nói một thứ quốc tế ngữ thì cũng sẽ vẫn thế thôi, chỉ có thể có đồng thuận rộng rãi ở tầng cấu âm thứ nhất. Vinh quang và khổ ải của kiếp người.

    Đến đây ta đã hiểu tại sao có câu hỏi rất lý thú và rất hắc búa mà các nhà khảo cổ nhân chủng học đã đặt ra : từ bao giờ giống người đã làm chủ được những ngôn ngữ có hai tầng cấu âm hoàn chỉnh ? Hắc búa, bởi vì chắc chắn là tới khi người ta phát minh ra chữ viết thì giai đoạn hình thành hết sức cơ bản này của văn hoá loài người đã đi qua lâu rồi. Vì vậy không thể có được những dấu vết trực tiếp, người ta chỉ có thể thông qua những hiểu biết về sinh hoạt của con người tiền sử (những hiểu biết này cũng đã là gián tiếp, suy ra từ việc khảo sát những hiện vật khảo cổ) để suy đoán về giai đoạn hiønh thành ấy. Có thể hy vọng, trong tương lai, các khoa học về bộ não và về di truyền sẽ rọi những ánh sáng mới trên quá trình hình thành ngôn ngữ.

    Trái đất nóng dần lên...

    Những chuyển biến về sinh hoạt và tư duy của người sapiens được đặt trong một khung cảnh thay đổi sinh thái có áp lực lớn. Đó là thời cuối của giai đoạn băng giá cuối cùng (cho đến nay) của lịch sử trái đất ( -120 000 đến -11 000, lạnh nhất là giai đoạn - 21 000, xem đồ thị), khí hậu thay đổi nhiều theo đường răng cưa. Áp lực sinh thái ấy đưa đến những thay đổi trong sinh hoạt để thích nghi, những thay đổi này lại tương tác với nhau và tương tác với các khả năng và hình thức tư duy, chuẩn bị những bước nhảy vọt còn kỳ diệu hơn trong thời cổ đại.

    Đồ thị đi kèm [3, tr. 17] cho thấy biến đổi về mật độ cây cối trên trái đất, cũng có thể coi là biến đổi về nhiệt độ, viø chúng có liên hệ trực tiếp. Khi nhìn biểu đồ này chúng ta thấy là người sapiens đã phải tự thích nghi mạnh mẽ nhiều lần, trải qua những giai đoạn nóng lạnh đổi thay nhiều, qua những chu kỳ trên dưới nghìn năm. Vì khi khí hậu nóng lên hay lạnh đi thì môi trường thú rừng và thảo mộc thay đổi khiến cho môi trường sinh sống và tập tục ăn uống bị đảo lộn.

    Người, thú và gia súc

    Quan hệ giữa nguời và thú chịu ảnh hưởng của khí hậu dưới nhiều khía cạnh : dưới khí hậu lạnh nguồn thịt chủ yếu của người sapiens là con voi cổ mamút (mammouth), con bò cổ (auroch) và con tuần lộc (rennes). Đó là những con thú lớn, để giết được chúng cần tổ chức đi săn chung, xua đuổi chúng vào bẫy, phóng lao (cán gỗ, mũi đá) để giết ; sau đó là chia phần thịt. Những công việc này cần đến ngôn ngữ, tuy nhiên người ta nghĩ rằng có thể chưa cần đến ngôn ngữ hai tầng cấu âm. Ngôn ngữ đơn giản nhưng tổ chức xã hội đã cần đến phân hoá ở mức cần một người thủ lĩnh ra lệnh. Từ đó nảy sinh ma lực của lời, có thể đây là nguồn gốc sâu xa của niềm tin : khởi thuỷ là lời.

    Nói là tổ chức xã hội, nhưng đó là tổ chức cho bao nhiêu người ? Thực ra các nhóm sống và săn bắn chung chỉ khoảng vài chục người, và nhóm đó biết nhau trong một bộ lạc vài trăm người. Biết, chủ yếu là để trao đổi trai gái trong hôn phối, viø các tabu (tabou) chống giao phối cùng máu đã có rất sớm trong giống người, do kinh nghiệm về hậu quả di truyền xấu của nó (hiện nay người ta thấy một số loài khỉ vượn cũng đã có tabu này). Người ta ước lượng vào khoảng 20 000 năm trước trong cả một vùng hiện nay là nước Pháp chỉ có độ vài chục ngàn người sapiens sinh sống, và mật độ dân số tăng rất chậm cho tới thời " cách mạng đồ đá mới " cách đây 6000 năm [3, tr. 61] .

    Khi khí hậu nóng lên thì các con thú lớn thiên di lên miền bắc rồi dần dần bị diệt chủng hoặc trở nên rất khan hiếm, cây và rừng xuất hiện, sống trong rừng chỉ còn nhưng con thú nhỏ, chạy nhanh. Lúc này không cần tổ chức đi săn chung nữa, săn bẫy trở thành săn bắn bằng cung tên ( xuất hiện trong thời đồ đá giữa) và do cá nhân thực hiện [4, tr. 176]. Bên cạnh việc săn bắn thú rừng dĩ nhiên con người còn ăn rau củ hái lượm được, và còn bắt cá. Con người chỉ bắt đầu ăn cá sông và hải sản vào cuối thượng kỳ đồ đá cũ.

    Nhưng không phải chỉ có việc người tìm đến thú để giết thịt, mà còn có hiện tượng thú tìm đến người để cộng sinh, từ đó với thời gian nảy ra những giống thú mới được thuần hoá thành gia súc. Khoảng 10 000 năm trước đây, do khí hậu khắc nghiệt, thú vật cũng phải tiøm cách thích nghi để mà sống. Loài chó sói và loài ngựa khi ấy khám phá ra rằng có thể sống gần những bộ lạc người để " ăn theo " [5]. Kẻ thì cướp miếng thịt thừa, kẻ thì trộm trong kho rau cỏ ngũ cốc. Con người khi ấy, với thời gian, nảy ra ý nghĩ bắt chúng cột lại để mà nuôi dùng, thay vì giết chúng. Và chó sói trở thành chó nhà.

    Những quan hệ người - thú - gia súc đem lại thu hoạch gì cho tư duy ? Ngoài việc thúc đẩy sự sáng tạo ra những dụng cụ săn bắn, những quan hệ đó còn là một nguồn cảm hứng lớn về nghệ thuật và ma thuật, mà ta sẽ xem đến trong một số sau.

    Định canh định cư

    Công việc hái lượm dẫn đến việc phát hiện ra những vùng có nhiều ngũ cốc tự nhiên và việc hái thừa để tồn kho qua mùa lạnh. Từ đó phát hiện ra có thể gieo trồng và như thế cuộc sống định cư tại những nơi đất phiø nhiêu là có lợi thế lớn về lương thực.

    Làng đầu tiên mà người ta tìm thấy di tích có niên đại 12000 năm tại Trung Đông, với những dấu vết canh tác ngũ cốc. Và một nghìn năm sau thì người ta đã tìm thấy trong cả vùng từ Soudan đến Thổ Nhĩ Kỳ và từ Israel đến Pakistan những thẻ nhỏ (jeton) bằng đất nung có hiønh dạng khác nhau : dấu vết đầu tiên của biểu tượng vật chất dùng để tính toán tồn kho... [1, tr.193]. Điều này chứng tỏ tại nơi ấy mật độ dân số đã bùng nổ, và có thể nói một nền kinh tế - xã hội nông nghiệp đã bắt đầu, với hai hoạt động chính là trồng trọt và chăn nuôi.

    Nghiên cứu về sinh thái, cũng như những dữ kiện thực tế về các bộ lạc bán khai hiện nay, cho biết mật độ dân số trước khi có nông nghiệp chỉ có thể từ 2 đến 30 người/100 km2; và những nhóm người như thế chỉ vào khoảng 35 người mỗi đơn vị sống chung (campement) và 500 người mỗi quần thể (bộ lạc). So sánh với mật độ hiện nay của Ấn Độ là 90 người/km2 ( 300 lần hơn). [2] Vậy hậu quả lớn của định canh định cư là cho phép bùng nổ dân số, ít đất mà nuôi được đông người. Từ đó các hiønh thái tổ chức xã hội phải trở nên phức tạp hơn, và chắc chắn cần đến một ngôn ngữ có hai tầng cấu âm. Chẳng hạn để làm một cái nhà lớn cần quan niệm và thực hiện bằng những phối hợp phức tạp.

    Việc lao động trên đất, cộng với việc dùng lửa, dẫn đến việc khám phá ra đất sét và đồ gốm vào đầu thời đại đồ đá mới [4, tr. 194]. Khởi thuỷ người ta trét đất sét vào những cái giỏ đan chứ chưa biết nặn đất sét trong bàn quay. Dấu vết đan lát trên đất sét được tiøm thấy trên các đồ gốm đầu tiên, và sau này người ta vẫn còn dùng những môtíp đan lát để làm hoa văn trang trí trên đồ gốm. Cái đẹp có khi cũng là một khám phá tình cờ.

    Hàn Thuỷ

    Diễn Đàn số 135, 12. 2003

    Tham khảo

    [1] Pré-ambules, les premiers pas de l'homme ; Yves Coppens ; nxb Odile Jacob, Paris 1999.

    [2] L'anthropologie démographique ; Daniel Bley & Gilles Boëtsch ; coll. Que sais-je n°3441, nxb PUF Paris 1999.

    [3] La vie des hommes de la préhistoire ; Brigitte & Gilles Delluc ; nxb Ouest-France, Rennes 2003.

    [4] L'homme premier, préhistoire, évolution, culture ; Henry de Lumley ; coll. poches Odile Jacob ; Paris 2000.

    [5] La fabuleuse aventure des hommes et des animaux ; Borris Cyrulnik & al ; coll. Pluriel, nxb Hachette, Paris 2003.


    Tiếp cận
    Thời Tiền Sử (1)
    Thời Tiền Sử (2)
    Thời Tiền Sử (3)
     Trở Về