Chim Việt Cành Nam             Trở Về   ]           
TẬP THỨ BA:

THẬP MỤC NGƯU ĐỒ

(HAY MƯỜI BỨC TRANH TRÂU)

Tác giả: Kakuan [Khuếch Am Sư Viễn: Kakuan Shion (J); Kuoan Shiyuan (C), khoảng 1150 - LND])

Trần Trúc Lâm chuyển ra Việt ngữ Từ tập '10 Bulls'; sao lục bởi Nyogen Senzaki và Paul Reps; Tranh do Tomikichiro Tokuriki.

Sự giác ngộ mà Thiền nhắm tới, cũng do đó mà Thiền xuất hiện, tự nó lộ bày. Cũng như tri kiến, chợt có, chợt không. Nhưng con người trần tục bước đi trong yếu tố thời gian cũng như hắn đi trong bùn, kéo lê gót chân và bản lai diện mục của hắn.

Cho nên, ngay cả Thiền cũng phải dung hòa và chấp nhận con đường tiệm ngộ mà dẫn đến đốn ngộ.

Đó là mục đích của cuốn tập này. Trong thế kỷ thứ 12, Thiền sư Trung Hoa Kakuan họa bức tranh mười con trâu, dựa trên hình mười con trâu của Lão giáo, rồi viết lời nhận xét bằng văn xuôi và vần. Bản của Ngài thuần chất Thiền, sâu sắc hơn các bản trước, thường chỉ dừng ở KHÔNG của bức tranh thứ 8. Từ đấy, nó trở thành nguồn cảm hứng sâu xa cho các thiền sinh, và khá nhiều tranh phỏng theo bức họa của Kakuan đã được vẽ ra bao nhiêu thế kỷ.

Bức họa dưới đây là bản mới nhất sáng tác bởi nhà nghệ nhân mộc bản nổi danh Tomikichiro Tokuriki, con cháu của giòng dõi nghệ nhân lâu đời và chủ nhân của trà thất Daruma-do (Daruma là chữ Nhật của Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Thiền tông Trung Hoa thứ Nhất). Tranh chăn trâu của ông đẹp chân phương và ý nghĩa vô hạn chẳng khác gì tranh gốc của Kakuan.

*

Dưới đây là bản tu chính từ lời dẫn nhập của Nyogen Senzaki và Paul Reps trong ấn bản dịch lần thứ nhất.

Con trâu là nguyên khí miên viễn của đời sống, chân lý vận hành. Mười con trâu biểu hiện cho những bước tuần tự trong sự chứng ngộ bản lai diện mục (hay thực tánh, hay phật tánh).

Sự tuần tự này vẫn còn công hiệu như thời Kakuan (1100-1200) khai triễn từ các tác phẩm cổ và vẽ tranh trâu. Ở Hoa Kỳ, tám thế kỷ sau chúng tôi cũng làm cùng một công tác để giử cho trâu sống động. (Ở Tokyo, Tukuriki cũng đã làm như thế.)

Một sự hiểu biết về nguyên tắc sáng tạo vượt qua thời gian và nơi chốn. Thập mục ngưu đồ còn hơn cả thơ, hơn cả tranh. Nó là sự khai thị về giác ngộ tâm linh hàm chứa trong bất kỳ thánh kinh nào của con người. Mong rằng cũng giống như vị Thiền tổ Trung Hoa, đọc giả khám phá ra được vết chân tự tại của ngài, mang cây trượng mục tiêu của ngài và chiếc vò rượu thực đam mê, thường vi hành phố chợ để giác tha.

*

1. ĐI TÌM TRÂU (TẦM NGƯU)

Trong cánh đồng của thế gian này, ta không ngừng vạch cỏ cao đi tìm trâu.
Theo những dòng sông không tên, lạc vào những đường mòn chằng chịt trong những dãy núi xa,
Sức đã kiệt và thân rã rời nhưng ta vẫn chưa tìm thấy trâu đâu cả.
Ta chỉ nghe côn trùng rã rích trong rừng suốt đêm.
Lời bàn: Con trâu chẳng bao giờ thất lạc. Nó vẫn sờ sờ ra đó đâu phải kiếm tìm? Chẳng qua chỉ vì ta rời xa thực tướng cuả mình nên ta không hề thấy nó. Trong sự mê muội của giác quan mà ta mất cả dấu vết của nó. Ở xa căn nhà, ta thấy nhiều ngỏ đan nhau, ta không biết đâu là con đường chính. Lòng tham và sợ hãi, tốt và xấu ràng buộc lấy ta.

2. TÌM ĐƯỢC DẤU CHÂN TRÂU (KIẾN TÍCH)

Dưới những tàn cây dọc theo bờ sông, ta tìm thấy những dấu chân trâu!
Ngay cả dưới làn cỏ thơm ta thấy những dấu chân của nó.
Lần sâu vào những dãy núi xa chúng được tìm thấy.
Những vết này không thể che dấu được như mũi ngước nhìn trời.
Lời bàn: Hiễu được lời dạy, ta thấy dấu chân của trâu. Rồi ta biết rằng, như nhiều dụng cụ được chế từ một kim lọai, muôn vàn thực thể đều do ngã tạo ra. Làm sao ta thấy được thực và ảo nếu ta không phân biệt? Khi chưa vào được cửa, hẳn nhiên ta phải tìm cho ra con đường.

3. THẤY TRÂU (KIẾN NGƯU)

Ta nghe có tiếng hót của chim họa mi.
Nắng ấm, gió êm, lau lách xanh tươi dọc bờ sông,
Ở đây trâu nào trốn được!
Họa sĩ nào có thể vẽ được cái đầu lớn này, cặp sừng to nọ?
Lời bàn: Nếu ai nghe tiếng, có thể cảm nhận được nguồn. Vừa khi lục căn hòa hợp, cửa đã nhập. Bất cứ căn nào vào ta cũng đều nhìn thấy đầu con trâu! Sự hòa hợp này cứ như muối tan trong nước, như sắc màu trong thuốc nhuộm. Vật dù nhỏ bé nhất cũng không rời khỏi bản ngã.

4. BẮT ĐƯỢC TRÂU (ĐẮC NGƯU)

Sau một cuộc đánh vật vất vả ta nắm được nó.
Ý chí và sức lực của nó dữ dội không suy suyển.
Nó vùng chạy lên đồng cao ngàn mây che phủ,
Hoặc đứng sững dưới vực sâu không có nẽo vào.
Lời bàn: Nó sống trong rừng đã lâu, nhưng ta bắt được nó hôm nay! Sự đắm say cảnh sắc đã làm nó lạc đường. Vì ham muốn cỏ ngon hơn, nó lang thang phiêu bạc. Tâm của nó còn bướng bỉnh và không chịu thuần phục. Nếu muốn nó nghe lời, ta phải dùng roi.

5. THUẦN HÓA TRÂU (MỤC NGƯU)

Roi và dây thật là cần,
Không thì nó lại chạy càn xuống con đường đất bụi.
Được huấn luyện tốt thì tự nhiên nó trở nên nhu hòa.
Rồi khi được thả, nó biết nghe lời chủ.
Lời bàn: Một niệm khởi thì niệm khác theo sau. Khi niệm đầu nẫy sinh từ giác ngộ, thì những niệm kế tiếp là chân thực. Do mê muội mà mọi vật trở nên không thực. Ảo tưởng không từ ngoại cảnh mà bởi chủ quan. Hãy nắm chặt dây xỏ mũi và không nên nghi ngại.

6. CỞI TRÂU VỀ NHÀ (KỊ NGƯU QUI GIA)

Cởi trâu, ta thong thả quay về nhà
Tiếng tiêu của ta réo rắc chiều tà
Ngón tay láy nhịp, ta hòa điệu không ngừng.
Ai nghe nhạc khúc du dương này xin tấu cùng ta.
Lời bàn: Cuộc tranh đấu đã qua; được hay thua đều không khác. Ta hát bài ca của tiều phu và thổi điệu đồng giao. Cởi trâu, ta ngắm mây trôi bồng bềnh. Ta đi tới dù ai có gọi giật lại.

7. KHÔNG CÒN TRÂU (VONG NGƯU TỒN NHÂN)

Cởi trâu, tôi về đến nhà
Lòng tôi thanh thản. Cũng thế, trâu yên nghỉ.
Chiều buông xuống an hòa diệu vợi,
Trong căn nhà tranh, tôi cất roi và dây.
Lời bàn: Tất cả đều là Pháp bất nhị. Ta chỉ tạm mượn chuyện trâu. Nó cũng như sự tương quan giửa thỏ và bẩy, giửa cá và lưới, giửa vàng và cặn, hay trăng vừa ló khỏi mây. Một tia sáng xuyên suốt vô thỉ vô chung.

8. CẢ TRÂU VÀ KẺ CHĂN ĐỀU KHÔNG (NHÂN NGƯU CÂU VONG)

Roi, dây, người, và trâu - tất cả tan vào KHÔNG.
Cõi trời bao la nên không điều gì có thể để lại dấu.
Làm thế nào một bông tuyết có thể tồn tại trong lửa hồng?
Đây là vết chân của chư Tổ.
Lời bàn: Nhiễu sự đã qua. Tâm không còn chướng ngại. Ta không mong cầu cõi giác ngộ. (Dịch giả thêm: "... Vô khổ, tập, diệt đạo. Vô trí diệc vô đắc" ..."Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố. Vô hữu khủng bố viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn" Xem Bát Nhã Tâm Kinh - LND). Ta cũng không trú vào nơi không giác ngộ. Vì ta không vướng mắc vào cả hai, mắt không hề nhìn thấy ta. Nếu hàng vạn chim cúng hoa trên đường ta đi, sự tán thán đó cũng chỉ là vô nghĩa.

9. TRỞ VỀ NGUỒN (PHẢN BẢN HOÀN NGUYÊN)

Đã nhọc lắm công mới quay được về nguồn.
Biết thế khởi đầu nên bị mù và điếc!
An trú trong nhà mình, chẳng bận tâm đến sắc đến không,
Con sông mãi trôi êm đềm và hoa vẫn đỏ.
Lời bàn: Ngay từ ban đầu, chân lý đã sáng tõ. Qua thiền định, ta quán đến sắc tướng hợp tan. Nếu ai không chấp vào sắc tướng thì vốn đã tự tại. Nước xanh lóng lánh, núi thẩm đậm màu, và ta thấy cái đang tạo hình và cái đang tan rữa.

10. THÕNG TAY VÀO CHỢ HAY NHẬP THẾ (NHẬP TRIỀN THÙY THỦ)

Ngực trần chân đất, ta chen vai cùng nhân thế.
Áo rách bụi nhơ, nhưng ta thật an hòa.
Ta nào cần ma thuật để được sống lâu;
Ngay lúc này, trước mặt ta, hàng cây khô sống lại.
Lời bàn: Bên trong cánh cổng của ta, chư thánh chẳng biết ta. Vẻ đẹp của mảnh vườn ta không ai thấy được. Tại sao người ta phải đi tìm dấu chân chư Tổ? Ta thõng tay vào chợ với bầu rượu và quay về với gậy trúc. Ta ghé tửu quán và phố chợ, và bất cứ ai ta nhìn cũng thành giác ngộ.



 [  Trở Về   ]