Trở Về   ]


 
JEAN JACQUES ROUSSEAU
*
Văn sĩ - Nhạc sĩ - Triết gia
(1712-1778)
*
PHẦN THỨ BA

Từ Vũ biên khảo

NHẠC CỦA ROUSSEAU ĐƯỢC QUẦN CHÚNG ƯA CHUỘNG

Sau một chuyến du lịch dài dẫn Rousseau đến Sion, Nyon, Lyon, Rousseau đến Paris vào ngày 10-10-1744. Sau một thời gian ngưng hoạt động, Rousseau bắt tay vào công việc để hoàn tất " Les Muses Galantes " mà ông đã cho ra mắt tại Pouplinière,  sau đó với công tước De Richelieu và sau cùng tại rạp Opéra. Năm 1745, Rousseau được Voltaire (1) ủy thác việc tu chỉnh lại " La Princesse de Navarre " mà Rameau đã soạn phần âm nhạc để sau đó trở thành " Les Fêtes de Ramire ". Rameau ghen tức ngầm phá hoại cuộc biểu diễn trong sự buồn rầu của Rousseau.
 

ROUSSEAU ĐỊNH CƯ TẠI PARIS

Rousseau tham dự một cách triệt để vào đời sống văn học nghệ thuật của Paris và thường xuyên tham dự vào các cuộc biểu diễn hoặc tại các quán cà phê nơi tập trung giới văn nghệ sĩ. Rousseau tạm cư tại khách sạn St-Quentin. Nơi đây, ông đã giao tiếp với cô Thérèse Lavasseur.  Cô này, rất ân cần chăm sóc cho Rousseau trong một dịp mà Rousseau bị lâm bệnh.Thérèse đã cho chào đời một đứa bé vào mùa đông năm 1746-47, đứa bé này sau đó đã bị giao cho viện mồ côi. Ngay từ tháng 7 năm 1745, Rousseau và Thérèse dọn về ở chung tại một căn hộ tại đường Saint Denis, rất gần nhà hát Opéra. Rousseau thường xuyên gập gỡ Condillac, người đang soạn " Essai sur l'Origine des Connaissance Humaines " - tiểu luận về nguồn gốc những nhận thức của con người -.
 

MỘT VIỆC LÀM MỚI ĐẦY LÝ THÚ

Rousseau nhận lời mời đảm nhận công việc làm thư ký riêng cho bà Dupin. Ông viết rất nhiều theo lời đọc của bà Dupin , đặc biệt trong một tác phẩm nói về đàn bà và một lập luận bác bỏ tư tưởng luật lệ của Montesquieu. Rousseau thân thiện với người con rể của bà Dupin và cùng với anh chàng này, soạn thảo một cuốn sưu tập " Des Institutions Chimiques ". Rousseau thường làm việc tại lâu đài Chenonceaux, tài sản của gia đình Dupin. Ông tạo ra vở hài kịch "L'engagement téméraire ", những triô cho giọng hát đàn ông và một phần bằng thơ "L'allée de Sylvie ".
 

DIDEROT YÊU CẦU ROUSSEAU GIÚP SOẠN THẢO ENCYCLOPEDIE (BÁCH KHOA TOÀN THƯ)

Diderot (2) và D'Alembert thực hiện xuất bản một bộ tự điển bách khoa toàn thư về khoa học và nghệ thuật. Cả hai đã khẩn khoản yêu cầu Rousseau soạn thảo phần âm nhạc. Jean Jacques rất vui được tiếp tay với họ và tích cực soạn thảo một loạt bài chuyên môn mà sau này Rousseau đã rút ra để hoàn thành quyển " Dictionnaire sur la musique " - tự điển về âm nhạc " của ông. Cũng trong thời gian này,Jean Jacques làm quen với bà D'Epinay người sẽ trở nên một nữ ân nhân của Rousseau về sau này tại Montmorency.
 

NỔI TIẾNG BẤT NGỜ

Rousseau bỗng thình lình trở thành nổi tiếng vào năm 1750. Sau khi đọc trong Mercure de France , Viện Hàn Lâm Dijon đề nghị, với đề tài , một câu hỏi để hiểu được rằng sự khôi phục của khoa học và nghệ thuật đã cống hiến vào sự thuần khiết của phong tục. Với sự khích lệ của Diderot, Rousseau đã gởi một khoá luận minh xác rằng con người, khởi nguyên tốt, nhưng đã bị làm hư hỏng bởi xã hội. Viên đá nền tảng của sự nghiệp Rousseau đã được đặt. Sau này, luận cương này đã được khai triển để trở thành "Contrat Social " , vai trò của xã hội và " Emile ", vai trò của giáo dục. Bản khóa luận này đã làm cho người ta tranh cãi, bàn thảo rất nhiều trong giới trí thức paris vào thời đó.
 

VUA VÀ HOÀNG HẬU PHÁP HÂM MỘ "LE DEVIN DU VILLAGE"

Ngay sau những thành quả đầu tiên, Rousseau muốn lui ra ngoài những trọng vọng của mọi người. Ông từ chối chức vụ đảm trách ngân khố cho gia đình Dupin. " Quyết định được độc lập cho dù nghèo nàn trong thời gian ngắn còn lại của tôi...từ việc quản trị tiền bạc tôi trở thành người chép nhạc ". Rousseau làm việc rất vất vả để hoàn tất " Devin du Village " . Vào 2 ngày 18 và 24 tháng 10 năm 1752, trước vua Louis XV và hoàng hậu tại Fontainebleau, ông đã " chiến thắng " Sau đó tại nhà hát lớn Opéra của Paris, tại Bellevue và tại Trianon. Bà nữ hầu tước De Pompadour (3) đã thủ diễn vai Colette trong vở kịch này.

 " Narcisse" không được sự hâm mộ của Comédie Française. Vào thời kỳ này, Rousseau tham dự rất tích cực vào đời sống của Paris, Opéra, Bouffons và Comédie Française. Ngày 1 tháng 7 năm 1753, ông xem " Zaïre " của Voltaire. Vào tháng 11 cùng năm, " Bérénice " của Racine cùng với D'Alembert. Nhờ vào một người bạn, kịch sĩ J.R.Sauvé de Lanoue, Rousseau đã được dịp chính ông dựng lên vở kịch Narcisse tại Théâtre Français vào ngày 28-12 nhưng vở kịch không được thành công như ý ông mong muốn.
 

" THƯ VIẾT VỀ ÂM NHẠC PHÁP "

Một bài viết quan trọng xuất hiện vào tháng 11 năm 1753 và đã cũng cố cho sự nổ tiếng của Rousseau, đó là " Lettre sur la musique française " của ông, với sự dứt khoát của ông trong vị trí bênh vực nền âm nhạc Ý đối chọi lại với nền âm nhạc Pháp. Ông tuyên bố rằng " người Pháp chẳng có một chút nào gọi là âm nhạcvà chẳng thể nào có được...". Bài viết này, được sự ủng hộ cũa giới trí thức, đã làm chia rẽ ý kiến của cả triều đình Pháp, Rousseau bị chỉ trích bởi Vua nhưng lại được hoàng hậu chuẩn y. Thái độ táo bạo và độc lập này của Rousseau đã làm cho họa sĩ Mauric Quentin de la Tour rất vui thích và đã vẽ tặng một bức chân dung của Rousseau, bức chân dung này đã được triển lãm vào năm 1753 ( hình phía trên phần tựa đề bài viết này ) .
Rousseau lại bắt tay vào việc, lần này để trả lời cho câu hỏi của Viện Hàn Lâm Dijon : " Đâu là nguồn gốc của sự bất bình đẳng của con người ? ".
 

(1) VOLTAIRE -Marie-France-Arouet- (1694-1778): Triết Gia , Văn Sĩ Pháp, một nhà nhân bản lớn với chủ trương khoan dung

(2) DIDEROT Denis (1713-1784) : Triết Gia, Văn Sĩ Pháp,lên án chính thể chuyên chế, quân chủ tuyệt đối do trời đặt định, ông lớn tiếng tố cáo những vi phạm tự do làm việc và chiến tranh...

(3) De POMPADOUR (1721-1764) : Nữ Hầu tước, tình nhân cũa vua Louis XV .

TỪ VŨ

( ĐỌC TIẾP PHẦN THỨ 4 )


Trở Về   ]