Chim Việt Cành Nam              [  Trở Về  ]             [  Tác giả   ]
 
Nhớ trăng phương ấy
___________

Võ Công Liêm

gởi: Trần Hoài Thư và Phạm văn Nhàn
Biển gầm tiếng sóng từ xa đưa vào, hàng cây dương liễu uốn mình theo gió, đong đưa lả lơi như tóc thề người con gái ở tuổi xuân thì, nghe vi vu, cao vút cung điệu của tiếng dương cầm, trút vào giữa khoảng không một âm thanh mơ hồ lãng mạn, bờ cát trắng nằm im chờ đón con sóng dữ của biển động đưa vào. Biển chết hẳn; nhuộm màu đen thẫm. Những ụ cát lớn chạy dọc theo bờ, bắn tung lên từng cụm mỏng bay theo gió, khó mà nhận ra đây cát mù hay bọt sóng mù. Trên bãi thưa người qua lại, hàng quán đã dẹp gọn, đóng kín. Chủ nhật chiều nay buồn hơn mọi khi, trời biển trở nên hãi hùng.
Trong những lùm cây âm u, rải rác một vài cặp nhân tình cụng đầu vào nhau, mặc cho sóng gió gào thét, họ núp vào sự trở chứng của thời tiết để nhét cuộc tình hoang vào đó. Chắc chắn sẽ không có ai để mắt hay nhìn trộm, họ an tâm và hôn nhau nghe thành tiếng, ú ớ trên môi như tiếng thì thầm của khoái cảm, nào ngờ bóng đêm xâm chiếm, đồng loã, đẩy cả hai vào "du thuyền" tình ái, khó lòng cản lại được, hơi ấm của xác thịt là mùi vị của yêu đương, ngoài trời gió ươm lạnh mà cơ hồ ướt đẫm mồ hôi trộm chảy rì rầm trong người. Tình yêu tha thiết qúa, ngồi nhìn biển, nghe biển gào không chừng kéo họ ra khơi rồi nhận chìm xuống lòng biển. Cả hai tình nhân đứng dậy, nắm tay đi sâu vào cánh rừng hoang. Cảnh trời lúc ấy dịu hơn trước, những đốm sáng rạng ra từng khoảnh trên nền trời, không còn đe dọa họ như buổi xế chiều hôm nay. Đi trong đêm; thì thầm bên nhau, gây nên một cảm giác sung sướng, hạnh phúc hơn bao giờ, họ quên thời gian, quên luôn sự có mặt của mình, hình như ái tình thôi miên để đưa đường dẫn lối họ đến lâu đài tình ái tối nay. 
Ôm nhau bước vào bóng đêm, được một khoảng, cả hai qụi xuống bên bờ cát mịn nhưng không rời đôi môi, nằm soải tay bên nhau, bóng thông là màn buông, che bốn bề tĩnh lặng, chỉ còn lại tiếng ru của mây ngàn trong cảnh tịch liêu. Cả hai háo hức điều gì hay họ muốn khám phá cái lạ trong đêm đen; khác hẳn những lần hò hẹn trước đây, bởi lẽ cuộc hẹn hôm nay là một đánh dấu cho đời họ, cho một cuộc tình dài lâu mà cả hai kiên nhẫn đợi chờ ngày thăng hoa của tình yêu. Nhưng cuộc thế đã biến đổi, biến đổi luôn tình yêu của họ để rồi cả hai nghi ngờ cho chính mình, nghi ngờ là phải; cuộc đời này đâu có gì là chắc, hôm nay nghĩa vụ hôm sau nghĩa trang. Sự thế éo le ngay gia cảnh của họ cũng đã xẩy ra điều đó, cho nên cả hai luôn luôn thấy đời là mong manh. Thời gian lúc nầy khẩn trương, thúc bách làm cho họ sợ. Họ xua đuổi ám ảnh sợ hãi ra khỏi lúc nầy, quay về với luyến ái, xoa dịu niềm đau và cố quên những gì sắp xẩy ra, như rào cản cuộc tình của họ; cả hai ôm vào nhau để chận lại sự tước đoạt qua tay mình, môi kề môi ; giờ đây họ không sợ mà ngược lại tin yêu vào tình yêu của mình hơn bao giờ. 

Cả hai phó mặc cho định mệnh, nhắm mắt, lặng thinh và chỉ còn nghe tiếng hú của con tim. Gió thổi vào đường ngôi, tóc tung bay lờn vờn trước hai gương mặt lờ đờ của kẻ khát tình, tứ chi co rúm, run run, thể xác chạm vào nhau, nóng hực; chưa bao giờ nực đến thế, bàn tay chàng dịu dàng lần mò dưới lớp áo mỏng của nàng, đôi nhủ hoa thức giấc muốn bung ra khỏi nịt vú, chàng vén lên xem,vú xán vào mặt, chàng thấy chới với, đưa tay sờ nhẹ, vo tròn nhủ hoa, đôi nương long cựa mình, thấp thỏm khó chịu, xô chàng ngã xuống tận cuối chân nàng, mắt ngước nhìn lên và đưa tay lần mò trên chiếc quần lĩnh đen, nghe rào rạo tiếng rên của đêm. Cả hai nhập cuộc hồi nào không biết, lý trí mờ ảo, chỉ thoảng tiếng gió đi qua giữa đêm khuya và để lại vài hạt sương rớt xuống trên lớp da mịn... 

- Anh hứa với em đi! Đừng bao giờ quên em anh nhé. Soan nói. 

- Anh hứa! Không bao giờ. Anh muốn cưới em ngay để ngày mai anh đi xa, anh yên lòng và không hối tiếc. Thuần nói.

- Thì ngày anh về rồi hãy tính, sao nóng lòng thế hỡi anh ? Em tin anh và trao hết cho anh. Anh biết không? Với lại cưới hỏi là chuyện trọng cho cả hai ta. Tháng sau anh về phép thì cũng chưa phải muộn. Đơn vị đóng ở đây cũng không xa lắm. Anh bình tâm. Em vẫn chờ anh về. Soan nói.

- Anh sợ đơn vị chuyển đi xa rồi sẽ không thường xuyên gặp em. Thuần nói.

Tháng sau nhận được thư từ tiền tuyến gởi về. Soan từ tốn đọc: "... anh tưởng sẽ không chuyển xa như thế, nay thì xa thật, đơn vị tác chiến của anh bây giờ nằm ở biên giới Lào Việt về hướng tây nam, bốn bề trùng điệp núi rừng, ở đây buồn và cô quạnh chỉ gần gũi với khói súng, bom đạn. Trong anh chỉ còn lại em và hy vọng nơi em. Thế nào rồi cũng phải về để cưới em, xin em đừng lo... yêu em mãi mãi" Soan đọc tới đâu, nhớ tới đó. Nước mắt khô lăn chậm trên gò má.

**

Chiếc cam-nhông màu xanh lá lúa, hiệu Mô-Lô-Tô-Va mang hàng chữ số sơn trắng sau cửa xe và hai hông xe 047- 0269574 chở một số tù nhân, đứng ngồi ngổn ngang trong thùng xe, há hốc mồm, đưa mắt nhìn phố chợ với đôi mắt buồn vời vợi trước cảnh người và vật sau hơn 10 năm xa quê đi học tập cải tạo, nay được trở về nguyên quán. Trong đám cựu quân nhân chế độ cũ đeo mình trong chiếc xe thùng phủ đầy cát bụi, có Thuần ở đó. Nhảy xuống xe, tay ôm gói lương khô và túi xách đựng ba đồ vụn lượm lặt trước ngày nhận giấy quyết định hồi hương. 

Trông Thuần già hẳn ra, tóc hoa râm, người gầy và khỏn lại, đôi mắt không còn nhãn lực thu hút mỗi khi nhìn, chìm sâu trong trũng mắt, mình mặc chiếc áo màu cứt ngựa bốn túi, sờn vai của bộ đội phế thải với cái quần vải bố xanh Trung quốc bạc màu, rộng lưng, chân đi đôi dép nhựa màu bẹ mo cau, mòn gót, đầu đội nón lá dứa ủ màu nắng mưa. 

Nếu được xem một tấm ảnh của 10 năm trước và hơn 10 năm sau, chắc khó hình dung để nhận ra một sĩ quan quân lực thời trước và một tù nhân chiến tranh thời nay, khác hẳn hoàn toàn. Thuần không dám soi mình trong gương. Sợ già chăng? Không; Thuần hổ thẹn với núi sông, hổ thẹn với người tình cũ mà không dám trở về đối diện với thực tế; 10 năm là cả một quãng đời biến động, nhất là ở cái đất nước nầy làm sao mà nguyên vẹn hình hài. Thuần rùng mình, nhắm mắt để cho thời gian trôi vào quên lãng. Cái điều muốn quên chính là điều nhớ mãi, nhớ kỷ hơn bao giờ, ký ức đó luôn nằm trong trí nhớ Thuần. Chờ viết thành văn.

Sau một tháng định thần dưới sự quản lý của điạ phương, đi đứng hay hành xử điều gì phải có phép tắc của thôn đội, xã đội và huyện đội. Thuần như con thú nhốt trong rọ chỉ đưa đôi mắt rụt rè nhìn ra ngoài hoặc mỗi khi có bàn tay rắn khô sờ đến. Thuần nghĩ đến rúng cả người. Nhiều đêm Thuần nằm nghiêng người trên chõng tre khóc một mình. Thà chịu trận nằm ở trại giam còn hơn phải về quê quán làm ăn theo qui cách nhà nước, mà có ai dám nhận cho làm đâu mà qui cách với quản lý. Thời còn ở tù, Thuần sanh hoạt trong trại giam như kẻ bị đì, đi nhặt củi, nuôi heo gà, trồng hoa mầu để có kinh tế nuôi dưỡng cho nhau, thủ phận và tự coi mình là thằng người bất lực với đời. Có đôi lần bị hành xác hay hình phạt thì cứ xem như là trả nợ trần gian. Giờ đây có tung hô, vỗ ngực thì đã quá muộn, thế rồi ôm đùi gối mà thở than. Thuần chỉ tìm nguồn hạnh phúc mỗi khi đi nhặt củi xốc lên vai, dừng chân nhìn mông lung vào cõi xa mờ để được sống lại với hoài niệm, nhớ về những ngọn đồi 204, 309, 861, 881, đồi A 'Mong ở A-shau, A-Lưới, nhớ về Làng Vê trên đường số 9 đến Khe Sanh, gặp gỡ toán lực lượng đặc biệt, nửa khóc nửa cười và ở đó có một vài cụm nhà sàn của người thiểu số, họ hoà mình với quân trú phòng nghe đạn nổ giữa những đêm mưa, nhớ những bạn đồng đội trúng đạn nằm chờ chết, hay nhiều đêm trực canh, bấm đèn viết thư cho Soan trong lô-cốt chất đầy bao cát, vỏ đạn. Sau 30 tháng 4 thì Thuần không còn viết thư cho Soan. Thuần chậm rãi bước xuống đồi về lán với anh em chia xẻ nỗi đau. Xa vắng đã lâu mà Thuần cứ ngỡ như ngày nào. Đau xót cả con tim! Về quê mà vẫn thấy lạc lòi, cô độc, miên man tợ như kẻ trốn nợ, trốn trách nhiệm với người tình; tháo chạy không ngoảnh lại.Thuần đau khổ cho thân phận mình. Hình ảnh Soan đã hơn 10 năm cứ còn lởn vởn trong đầu, không biết sự thế ra sao, nhiều câu hỏi được đặt ra. - khi yêu nàng, mình 35 tuổi, nàng 28 tuổi. Giờ gặp lại liệu có nhận ra không? Thuần tuyệt vọng thường ôm đầu suy tư như cảm thấy hụt hẳn điều gì. Nhớ về cái thuở xa xưa ấy chàng thấy thanh bình thịnh trị làm sao, vững tâm để xây dựng lý tưởng, nhìn lại thực tế cả một đống tro tàn, vùi trong quá khứ. Một đời bể dâu cho một đời người. Thuần nuốt trái đắng hơn mười mấy năm qua trong tư thế nghẹn ngào của phận mình và vận nước.

- Bà có biết cô Soan con gái ông bà Thế trước có cửa hàng bán gạo lẻ hồi đầu giải phóng 75 ? Thuần nói.

Bà già bán nước chè, miệng nhai trầu, tay vấn điếu thuốc rê, ngần ngừ uống từng cụm trí nhớ để hồi tưởng, cảnh vật thay đổi hẳn, hình như cái chỗ bà ngồi bán nước chè, hồi xưa là đầm rau muống; bà ngẩng đầu lên trời như hình dung vị trí. 
Thuần kiên nhẫn đợi chờ. Nhìn bà hớn hở hơn. Nhoẻn nụ cười.

- Nhớ ra rồi cậu ơi! Nhà họ ngày xưa ở cuối chợ, xa chừng cây số từ đây về dưới, mà đâu còn ai ở dưới đó mà cậu tìm. Bà già bán nước nói.

Thuần nghe qua điếng cả người. Như thế là xong, còn mong, còn đợi gì nữa.Tính quay bước trở về. Thuần còn nuôi hy vọng, buột miệng hỏi.

- Bà biết họ đi đâu không? Thuần nói.

- Nghe đâu họ trốn ra nước ngoài. Người nói bị bắt, kẻ nói bị chìm tàu. Nói cho ngay giờ đây tôi quên hết. Khó nhận ra lắm cậu ạ. Bà già bán nước chè nói.

Thuần đứng trước căn nhà của ông Thế, xưa kia Soan thường hay gióng mắt bên liếp cửa nhỏ chờ Thuần đến. Những cây cao, bờ bụi không còn nữa. Vật và người thay đổi, khác hẳn và buồn hơn. Thuần cúi đầu, lặng lẽ bước đi về phố cũ.
 

Từ ngày rời xa những khu rừng Việt Bắc về lại nguyên quán, mọi sự không còn như xưa, Thuần không thể tìm lại những dấu tích nơi một lần dung dưỡng Thuần thuở mới chào đời, bên cạnh những thân thương trìu mến và mãi cho tới bây giờ trong sự ngã quị cuối cùng của cuộc đời; căn nhà hoang phế cha ông để lại trong ngõ cụt, lõm sâu là chứng tích của thời gian kinh qua bao thế hệ, giờ Thuần ngự trị ở đây như kẻ thừa kế, gìn giữ để chận lại những phôi pha và tàn phai...

Thuần đẩy chiếc xích lô vào con hẻm đưa về nhà, lưng thấm mồ hôi, những giọt mồ hôi rơi từ trên trán xuống nền đất nghe rõ âm vang. Thuần thả mình lên chiếc ghế mây èo ọp, thở phào vói tay cầm tờ báo đọc, Thuần đọc báo hằng ngày, chữ nghĩa là nguồn an ủi cuối đời cho Thuần và cũng nhờ có báo Thuần mới hay mình "trúng số trời ban". Chàng nhảy phóc ra khỏi ghế, đứng dậy, đọc liên tục với nỗi mừng vô hạn, rồi tự đặt câu hỏi, có thực là chính sách hay là tin tức "dzổm" của mấy vị làm báo thời nay. Thuần ôm hy vọng mong manh đó. Để xem!

Thật quả như thế; Thuần đứng dậy như lực đẩy, sau ba năm hành nghề phu đạp xe khách trên đất quê mình. Đùng một hôm nghe tin chính thức từ cơ quan nhà nước cho biết về những tổ chức nhân đạo, thoả hiệp với chính quyền để cứu xét những người phải chịu thiệt thòi của cuộc chiến, nay được phép định cư ở phần đất khác, trong đó phái đoàn Việt Mỹ chấp nhận cho những sĩ quan chế độ cũ đã một thời cống hiến cho tự do nay được ra đi. Thuần cho đây là một đổi đời lần thứ hai của đời mình, đổi thay như thế không đem lại cho Thuần một hạnh phúc khác mà Thuần hiểu được ý đồ của sự đổi thay đầy mưu lược; giải cứu để nói lên tình nghĩa cứu nhân độ thế, một hành động thủy chung để làm cái gương cho mai sau, nhưng bên trong có cái lợi khác của kẻ đứng ra nhận lãnh, họ nhận một thứ "phân bón" mới cho những cánh đồng bao la bỏ hoang từ lâu, nay có người đến để trồng cây, trồng lúa, tăng gia sản xuất cho đất nước họ, giá đó quá rẻ cho việc đầu tư "nhân đạo"; người đi hồ hởi mà quên đi sứ mệnh của mình. Phiá khác có cái nhìn tàn nhẫn hơn "đi cho khuất con mắt" nuôi tốn cơm, không chừng lại nuôi ong tay áo, biết đâu được; vì bản chất mình vốn đã hoài nghi để rồi đi tới "dĩ diệt" nhau mà không ai hay biết, bên cạnh đó vẫn duy trì một điều kiện "đầu tiên" như đã cam kết, mà cả hai bên đều có lợi...Thuần hiểu hơn bao giờ từ 10 mấy năm qua. Thuần đâm đơn đăng ký như những người bạn cùng cảnh ngộ, cả một tương lai đầy hứa hẹn, phấn khởi và tự tin. Lòng họ giờ đây như phục sinh, nuôi mộng lớn để phục hồi khí thế. Nhiều người đã bán tháo, bán đổ, bán cả bát nhang bàn thờ hoặc bỏ một khoản tiền lớn để được "nhổ neo" cùng vợ con sớm hơn thứ tự gọi tên chức vụ, quân hàm. Họ đứng khoanh tay, ngoan ngoãn chờ đợi ở hành lang. Thuần chẳng phải háo hức; thu nhập của một thằng đạp xích-lô thì làm sao chen chân với đời, Thuần thả trôi cho định mệnh; kéo dài gần cả năm chả nghe gọi đến tên mình. Nghèo gặp eo. Đời thế đó! 

Thuần mỏi gối đạp xe về nhà của những chiều chạng vạng thiếu ánh đèn đường trong ngõ cụt. Bỗng nhiên Thuần cảm thấy lạc quan yêu đời vì chân lý của lẽ sống quá phũ phàng nhưng đầy tình tiết thương mong. Thuần nghe như ai gọi tên mình, giọng phụ nữ. Thuần ngờ ngợ, tiếng ai như tiếng Soan ? Ngoảnh lui.

- Anh còn nhận ra tôi ? Cúc Hương đây. Người đàn bà nói.

- Không! Thuần nói.

- Cha mẹ em là chỗ thân quen với ông bà cụ nhà anh. Lâu lắm chắc anh quên. Em con út, sau anh cả 10 tuổi. Người đàn bà nói.

Thuần thật sự không nhớ những hình ảnh đã qua, sau hơn 10 năm trở về từ miền đất lạnh ở chốn thâm sơn cùng cốc, trí nhớ nhạt phai. Thuần mặc cảm và sợ hãi mỗi khi nghe ai nhắc đến chuyện xưa; Thuần không tin một ai. Thuần sợ phỉnh phờ, lường gạt cho nên thụ động, thụ động cho chính mình, kể cả đàn bà, con nít; để rồi mắc bệnh trầm cảm mà có ai hay. Giữa hoàn cảnh nầy Cúc Hương có đánh thức chàng trở lại với thời gian hay thời gian là sự vùi dập của hiện tại để biến cả hai cô độc, lẻ loi giữa cuộc đời này. Khó hiểu cái tình thế nhiễu nhương lúc nầy.

Thuần trả lời lấy lệ, đẩy chiếc xe ba bánh tróc sơn, đã qua bao đời sương gió, đi chậm trên lối về nhà, khác gì con ngựa già thiếu ăn, yếu đuối ráng kéo cái thân tàn cho tới ngày chết. Thuần ngoảy lui để xem người đàn bà đó có còn kiên nhẫn đi theo chàng để tìm hiểu tự sự. Không thấy gì cả; chỉ thấy một vũng tối chập chờn trước mặt, trong con hẽm thâm u buồn tẻ thiếu sinh khí.
 

Ngày lại ngày. Thuần kiếm được đồng nào là bồi dưỡng cho cái thân tiều tụy của mình để tránh ốm đau mà bốn bề chẳng có ai nâng đở. Con em gái lấy chồng trước ngày Thuần đi ra Bắc, có đi hay về mấy khi đoái hoài đến thằng anh bạc phước nầy; nhưng trách làm chi, cô chưa trách mình là may lắm rồi. Vợ chồng thị nay ở kinh tế mới, đâu có đủ lực để về thăm. Thuần nghĩ cái sức chịu đựng của người phụ nữ cũng như em gái mình là can đảm, thán phục, can đảm hơn cả chính mình. Nghĩ mà xót thương sự chiến đấu của những người đàn bà hơn sự chiến đấu của mình, họ không bao giờ qui hàng trước cuộc đời này. Thuần cảm thấy trẽn với đứa em gái mình, thì lý gì mà lãnh đạm thờ ơ với Cúc Hương; đem cái gương mặt bán tín, bán nghi ra đối xử với nhau như thế. Hoá ra đốn mạt hay vì lòng tự ái cá nhân hay vì lòng danh dự một đấng nam nhi. Rỗng tuếch!

Thuần ân hận cái lối hành xử của mình và từ đó Cúc Hương cũng treo buồn. Thuần chờ cơ hội để nối lại tình bang giao thuở xưa cũng như bây giờ thì may ra xoa dịu phần nào nỗi tuyệt vọng trong người chàng. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, tuy lời nói nầy nó không phù hợp với hoàn cảnh bấy giờ nhưng vẫn hàm một ý sâu sắc; dù hắn là gì chăng nữa nhưng hắn cùng nằm một lán với mình, cùng ăn độn một lều và cùng ngồi trên một chiếc xe cam-nhông cà gật về đây năm nào, còn qúy hơn thời hắn nằm trong sư đoàn, tiểu đoàn...thì sá gì một người phụ nữ như Cúc Hương, cần phải nâng niu, bảo vệ, che chở những cánh hoa trước gió mới đúng vai trò người hùng thời đại giàu lòng yêu nước, yêu người. Phải gặp Cúc Hương cho bằng được; biết đâu nàng giải phóng cho đời mình ra khỏi vũng lầy tăm tối nầy.

Trên đường đi đón khách, đạp xe một chân thong thả rong chơi, bất chợt thấy Cúc Hương tay xách rổ chợ về nhà, trong dáng nhẹ nhàng, thong dong của một người đàn bà đứng tuổi; cũng chẳng hiểu nàng chồng con gì chưa? Thuần đâm ra suy tư. Đạp xe đến gần, Thuần ho nhẹ để đánh tiếng, Cúc Hương vẫn cúi đầu đi không buồn nhìn. Thuần gọi nhỏ tên nàng, nhưng chẳng mấy ai nghe.

- Cúc Hương! Thuần nói.

Nàng ngước nhìn mừng rỡ, miệng mỉm cười chào hỏi thân mật. Thuần ngạc nhiên thái độ chân tình của Cúc Hương; lẽ ra nàng phải giận chàng hôm gặp gỡ lần đầu. Nhưng không; đàn bà vẫn có mưu mô của họ giống như vạn vật đều có những ngón nghề để phòng thân và để nuôi thân. Cúc Hương sỏi đời ở tuổi 40. Nhưng không phải yếu tố đó; Cúc Hương có cái nhìn thời cuộc, cảm thông tình người và trong con người Cúc Hương có dấu vết đã đi qua trong đời...

- Sao? Hôm nay kiếm được bao nhiêu mối rồi anh? Cúc Hương nói.

- Chả có bao nhiêu. Muốn kiếm gì ăn trưa rồi về nhà nghỉ khoẻ để tối có sức chạy qua đêm.Thế thôi! Thuần nói.

- Làm gì mà đạp qua đêm hỡi anh? Cúc Hương nói.

-  Giờ ở đâu? Chồng con chưa? Thuần nói.

Trong câu hỏi vô tình của Thuần có khác gì một lằn roi quất vào người nàng. Cúc Hương cúi đầu nhìn xuống đất, lòng tự nhủ lòng, có nên nói hoàn cảnh của mình cho chàng nghe hay không. Ngước mắt nhìn Thuần, đoạn nói rất khẽ.

- Nhà gần đây thôi anh. Cúc Hương nói.

Thuần nhận ra câu nói của Cúc Hương không mấy hồ hởi như buổi ban đầu, trong đáy mắt nàng, dường như chứa đựng một tiềm ẩn sâu xa. Thuần hiểu điều đó và đánh trống lảng sang chuyện khác, thỉnh thoảng pha những câu trào phúng để thấy mình vui hơn, Cúc Hương cười rộ mỗi lần nghe giễu đời dí dỏm của Thuần. Hình như những lời đối thoại ngắn ngủi, những câu nói bông đùa vô tư mà làm nên cuộc tình, hóa giải những uẩn khúc mà lâu nay kẹt cứng trong đường ống của giải thoát. Họ giã từ trên đường về nhưng để lại cho nhau một điều gì thầm kín trong tim. Trời lúc ấy giăng đầy mây xám như chuẩn bị mưa.

Cúc Hương cảm thấy rộn ràng hơn. Thuần lặng lẽ chờ đợi chuyến đi sắp tới về vùng đất hứa, để thấy đời mình nhẹ phần trầm thống như những ngày qua. 

***

Một sớm mai nào mà nay Thuần đã hơn 70. Tóc râu bạc phơ, sói đầu phần trước và phất phới đám tóc tiên quanh đầu như tiên ông đạo cốt, da thịt đỏ thắm nhờ biết dinh dưỡng thức ăn, một phần sống gần biển cho nên hít thở không khí trong lành mà làm cho thể xác và tinh thần phấn chấn thêm ra. Thuần nghỉ hưu được 5 năm trong một gia cảnh bình thường, vật chất không phải thiếu, so sánh một xã hội tân tiến ngày nay. Ông cũng chẳng mấy tự mãn về ba cái thứ đó, ông cho rằng cái gì đủ là đủ, đừng quá thừa và cũng đừng quá thiếu; thì đó là hạnh phúc, là lẽ sống; ấy là điều mà ông thường trao đổi với vợ con. Mà thật như thế; 20 năm lập lại cuộc đời ở đất người, gia đình ông ngụ ở một thị trấn vùng ven, dân cư thưa thớt chuyên về đánh cá và sản xuất hải sản, cho nên cũng đủ việc làm ăn cho một cộng đồng năm ngàn cư dân, trong số đó có chừng 500 dân ta định cư trước và sau khi Thuần đến đây, sống lâu bên nhau, cùng cam, cùng khổ, cái tình đồng bào đúng nghĩa hơn những nơi đô thị lớn, hầu như ai cũng xuất thân từ đau khổ mà ra, vì thế dể cảm thông nhau, cũng nhờ sống trong một xã hội có pháp luật, có phúc lợi bao che cho nên lành mạnh hoá đời sống, thì lấy đâu mà tranh chấp. Ông Thuần an tâm về điều này và sống êm đềm bên cạnh Cúc Hương. 

Sau một năm định cư ở đây, Cúc Hương sinh cho Thuần một đứa con trai. Thuần muốn đặt tên cho con mình là Soan. Không ngờ cái tên thường gọi ấy lại thích hợp ở xứ nầy. Cúc Hương hạnh phúc bên cạnh cuộc tình già và Soan là nguồn an ủi cho hai người ở đất khách quê người. Ông Thuần không còn một đòi hỏi nào hơn. Thú còn lại của ông là ngồi tĩnh lặng một mình ngắm trăng vào mỗi tháng trên chiếc ghế mây, đu đưa trước hiên nhà, từ đầu hôm cho tới nửa đêm như thuở nào dừng chân trên đồi để nhớ về một thời quá vãng, nơi đã chất chứa không biết bao nhiêu là máu lệ cuả một đời người...

****

Mùa đông năm 20... Thuần nhắm mắt, lặng lẽ ra đi trong vòng tay âu yếm của người vợ hiền một đời tận tụy thủy chung với ông. Ông chẳng để lại một lời dặn dò nào khác hơn. Bởi ông đã từng nói; tất cả sẽ đi vào cõi không, chẳng có gì đáng giá trên cuộc đời này, chỉ có tấm lòng cao qúi là lưu danh muôn thuở. Cúc Hương và Soan hiểu thấu tâm điạ bao la đầy chất vị tha của chồng và cha; dù nơi đây hay nơi nào ở chốn trần tục này.

Ngoài biển nghe vang tiếng hải âu vỗ cánh, dội cả thinh không, biển vắng người qua lại chỉ thấy gió, cát, mây và sóng nước bềnh bồng giữa không gian vô tận ./.
 

VÕ CÔNG LIÊM 
( Giỗ mẹ Âu Cơ. Đoan Ngọ 5/5 Tân Mão 2011)