Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập I : Đường về xứ Huế

Võ Quang Yến

***

3- LẠI MỘT LẦN VỀ THĂM HUẾ

Từ mười hai năm nay, nghĩa là từ ngày về Huế lần đầu tiên nhân lễ 90 năm Quốc Học và 5 năm Sông Hương, tôi đã nhiều lần trở qua Huế nhưng thường đi công tác với bạn nước ngoài, không ở được lâu, có khi chỉ lướt qua một, hai hôm. Có bạn đã trách tôi về thăm Huế như gió thoảng, mây bay làm như mình là con người vô tình với nơi chôn nhau cắt rốn. Lần nầy, tôi muốn đánh dấu 50 năm xa Huế. Thêm nữa, nhà tôi lại có yêu cầu ở lại lâu lâu để có dịp đi sâu hơn vào đời sống, văn hóa của xứ sở ông chồng. Thật vậy, hơn mấy chục năm chung sống với một người gốc Huế, ngày ngày nghe nói chuyện Huế, xem hình ảnh Huế, thưởng thức nhạc Huế, nàng ước mong tận mắt thấy, tận tai nghe, tận mũi ngửi hương vị của chốn cố đô cổ kính mà tập san Đô Thành Hiếu Cổ trong hơn 30 năm đã không ngớt miêu tả, ca ngợi.

Như mọi lần, chúng tôi được ân cần tiếp đón, từ các anh chị trong các ủy ban, Trường Đại học Mỹ thuật, sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, qua những bạn bè xa xưa, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi chắc phải chạy theo đời sống mới, các bạn hết còn thì giờ cùng chúng tôi chén thù chén tạc như những lần trước, ngồi ôn lại những kỷ niệm vui buồn của thời non trẻ. Trái lại có bạn mới quen lại rất sốt sắng, chịu khó chạy tìm sách báo, tài liệu, một lần biếu ngay cả tập sách quý của mình khi thấy chúng tôi gặp khó khăn làm thủ tục gởi về Pháp mấy pho sách sao chụp. Xin thành thật đa tạ. Thấy ra mấy bài báo tôi viết trước đây đã để lại một chút dư vang. Có người hỏi han về những thông tin mới, cũng có bạn nhắc tới những bài viết thuở xưa trong các báo Phổ Thông, Bách Khoa, Đại Học làm tôi tưởng nhớ lại cả một thời sinh viên đầy nhiệt tình, nhiệt huyết.

Nói đến đời sống mới thì dễ thấy nó đang lên ở chốn kinh kỳ. Chỉ bước tới đường Lê Lợi, từ đầu cầu Trường Tiền xuống đến Đập Đá là thấy ngay tốc độ của cuộc chạy đua rầm rộ vào không gian du lịch, khách sạn cao lớn (mới nhất là Saigon-Morin, ngay ở chỗ nhà hàng Morin Frères cũ), cửa hàng la liệt, quầy quán đầy đường. Nhiều phòng du lịch mở cửa cả buổi tối, trình bày đủ những chuyến tham quan quanh vùng. Nhiều cửa hàng hình ảnh mở cửa suốt đêm, phục vụ lanh chóng hơn cả Sài Gòn, Hà Nội, mà chất lượng chẳng kém gì những nơi khác. Xe taxi, tuy mới có, chạy đủ theo yêu cầu, gọi thì có ngay, giá cả phải chăng, nghĩa là chẳng đắt hơn ở Sài Gòn và thấy còn rẻ hơn ở Đà Nẵng. Hơn nữa, các anh tài xế mà chúng tôi gặp đều trẻ tuổi, lại lễ phép, có phần dễ thương là điều cần yếu trong ngành dịch vụ. Đáng buồn là cho mấy cậu xích lô, xe thồ, cạnh tranh khó khăn với xe taxi. Vì hiếm khách, các cậu phải năn nỉ, kỳ kèo, làm phiền lòng những du khách chỉ muốn thong dong bách bộ. Với vài chục ngàn đồng mỗi ngày, chắc nghề nầy chẳng còn sống sót được lâu.

Lẽ tất nhiên, như nhiều nước khác đang tìm một lối ra sau nhiều năm chiến tranh hay một thời kỳ ngoại bang đô hộ, du lịch là ngành tương đối dễ xây dựng trong bước đầu để làm nền tảng cho kinh tế. Tuy nhiên, nó không dễ như mới thấy đâu ! Tiếp khách du lịch không phải chỉ có khách sạn, quán ăn, phương tiện di chuyển từ máy bay, xe hơi, qua tàu bè, đường sá, mà còn phải lo mặt sách báo, người hướng dẫn, thú tiêu khiển, quà lưu niệm,... Ở Huế, chúng tôi thấy các đội ngũ ca nhạc truyền thống cùng thuyền bè chuyên chở phát triển rất lớn. Đây là một điều đáng mừng vì bên lề khía cạnh thu nhập, ta cống hiến những màn văn nghệ xứ sở, món ăn tinh thần cần yếu nhất là cho những du khách trí thức muốn tích trữ trong đầu óc thêm vài kiến thức văn hóa ngoài lĩnh vực vật chất quà cáp lưu niệm. Nhưng phải coi chừng, người ngoại quốc càng ngày càng đòi hỏi, cần phải luôn trau dồi chất lượng, không thể đàn hát bất cứ bài gì. Chẳng hạn, đi một buổi hát đò mà không nghe được một điệu hò hay một bàn Nam ai, Nam bằng là một thiếu sót. Khi một du khách đặt câu hỏi : "hò mái nhì và hò mái đẩy khác nhau thế nào ?", hướng dẫn viên không thể ứng khẩu đặt bày một câu trả lời. Một hôm đi ngang một khách sạn lớn, chúng tôi nghe kèn trống inh ỏi. Nếu tổ chức một đám cưới vương tôn giả thì không sao. Nếu là một cuộc lễ cung đình thì khác : đây là truyền thống của đất nước ta, có nên đem ra làm trò mua vui không ? Hôm ở trong Đại Nội cũng vậy. Nhiều bộ y phục vua chúa đang được sửa soạn để cho khách mặc trước khi lên ngai vàng chụp ảnh. Nếu làm ở một căn nhà nào đó thì không có vấn đề, nhưng thực hiện ở điện Thái Hòa thì là một chuyện vô lễ không tha thứ được. Vua chúa dù sao là những bậc đáng được thờ kính, ta không thể đưa ra làm trò. Cũng trong vòng lễ nghĩa, tưởng nên cấm tiệt du khách ở trần hay mặc quần đùi đi vào các nhà thờ, nhà chùa, điện đài nghiêm chỉnh. Cần nên biết chăng mình phải biết tự trọng mới mong người ta trọng mình và càng nghiêm khắc người ta lại càng quý mình hơn.

Vẫn trong lĩnh vực du lịch, nghề làm hướng dẫn viên đang thu hút nhiều thanh niên thiếu nữ, kể cả những sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm. Đồng lương giáo viên không bao lăm, lẽ tất nhiên các cô cậu có học sinh ngữ tìm được một lối ra dễ thở trong ngành nầy. Cái khó mà chắc là họ sẽ thấy ngay khi vào nghề là vốn liếng lịch sử, văn hóa. Ngày nay, khách du lịch sành sõi lắm : nếu có người như trước kia đi cho biết mà thôi, nhiều vị bây giờ sửa soạn kỹ càng, tài liệu đầy túi trước khi viếng thăm một địa điểm. Như vậy nghĩa là hướng dẫn viên không thể giải thích bất cứ thế nào : đỉnh đồng trong Đại Nội không phải để thắp hương, Quan Âm không phải là Madame Bouddha. Một hôm ở chùa Thiên Mụ, chúng tôi lặng người sửng sốt nghe một thanh niên giải thích bằng tiếng Pháp đức Di Lặc chỉ là một ông Thần Tài và ngạc nhiên không thấy bầy trẻ quấn quít ông. Giỏi ngoại ngữ chưa đủ, hướng dẫn viên trong trường hợp nầy, nếu không thông thạo Phật giáo, ít nhất cũng cần phải am hiểu chút ít Tam thế, phân biệt các vị Phật quá khứ, hiện tại, vị lai...Nếu du khách chỉ biết đạo giáo nước ta qua lời giảng ngắn ngủi thiếu thốn nầy thì e rằng họ sẽ không những có một ý niệm sai lầm mà còn phán xét không tốt về tín ngưỡng của ta. Tôi còn nhớ có đọc đâu đây, cũng ở chùa Thiên Mụ, một hướng dẫn viên dịch "canh gà" là "chicken soup " trong câu thơ bất hủ "Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương". Thế mới biết trình độ văn hóa quan trọng đến bực nào ! Trong ý thức nầy, tôi mừng thấy một nhà văn đã được bổ nhiệm làm Giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Qua CODEV Việt Pháp, chúng tôi biết tiểu công nghệ đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, hôm đi dạo dọc theo bờ sông An Cựu, ghé thăm xóm Phủ Cam, chúng tôi ngạc nhiên không tìm ra các nhà chằm nón đầy dẫy những năm trước. Xuống Vỹ Dạ, qua Cồn Hến, thấy ngành làm mũ có vẻ phát đạt, tuy vậy cũng nghe có người phàn nàn không có việc làm mặc dầu ở trong nghề đã nhiều năm. Lên Kim Long, tiệm hàng gỗ sơn mài tôi có ghé lại trước đây không còn nữa. Trái lại ở Nam Phổ quê tôi, chúng tôi được đưa vào xem một xưởng chạm trổ với một nghệ nhân tỏ vẻ yêu nghề. Tôi sực nhớ những đầu rồng trên các thuyền du lịch sao thiếu mỹ thuật quá, tương tự như ở các xưởng phim nghèo làm lâu đài bằng giấy các tông để làm phông các màn phim chiếu hay vật liệu trang hoàng trong nhà nhiều người mới giàu lên. Tại sao không cậy những thợ chạm trổ dư sức thực hiện những đầu rồng có chất lượng của một vùng chuyên môn ? Huế có truyền thống về chạm trổ, cũng như sơn mài, thêu dệt, thấy như những khả năng nầy chưa được khai thác hoàn toàn. Tôi muốn đề cập đến mức xuất khẩu chứ không chỉ giới hạn ở những món hàng bày bán trong các cửa hàng du lịch.

Ăn uống như thuở nào vẫn phát đạt, không khác gì những thành phố khác. Tuy vậy, như tuồng quán cơm, tiệm nước mọc ra có phần nhiều hơn. Có lẽ lần nầy ở lại lâu, có thì giờ lặn lội đi tìm nên chúng tôi có cảm tưởng như vậy. Dù sao, mấy tuần ở Huế đã hiến chúng tôi cơ hội để thưởng thức các quán bèo-nậm-lọc cạnh cung An Định, bánh khoái ở Bến Ngự, Đông Ba, chè đủ loại khắp nơi, là những món thành phố nào cũng có nhưng không ngon bằng, đặc biệt rất hiếm ở Paris mà hương vị cũng lại khác. Cái thích thú nữa là ở các quán nầy ăn uống vào giờ giấc nào cũng được, đặc biệt món chè, không nhất thiết phải dọn như món tráng miệng sau bữa cơm mà để ăn vặt suốt ngày ! Kỳ về lần nầy, đặc biệt chúng tôi được bà con ở Nam Phổ cho ăn cháo bánh canh. Cháo bánh canh mà ăn ở Nam Phổ thì không đâu sánh bằng. Hôm đi tản mạn trong thành nội, chúng tôi lại may mắn gặp được một quán bán bánh su sê, một cái bánh độc đáo của quê tôi mà ngày nay hầu như mai một. Trong các thứ trái cây, ngoài chuối, thơm, cam, quýt, những trái khá hiếm ở phương trời Tây là nhãn, vẫn ngon tuy hột có hơi lớn, và xoài, loại xoài cát ngọt lịm mặc dầu dẹp và không to bằng xoài tượng ở trong Nam.

Tuy chưa hoàn toàn phổ biến, ta có lệ kêu nước uống trong bữa cơm thay cho tô canh, mặc dầu canh chua nấu ngon có thể là thành phần chính trong thực đơn. Nếu nước khoáng thường dành cho người ngoại quốc, bia là một thức uống được nhiều người ưa chuộng. Chưa được gởi ra nước ngoài như Halida của Hà Nội hay Tsing Tsao của Trung Hoa, Huda của Huế chất lượng cũng không kém gì (chú thích : tôi không có cổ phần trong hiệu bia nầy !) và đi đâu cũng tìm thấy chứ không phải như bia Sông Hàn ở Đà Nẵng hỏi mãi không ra. Nhưng uống nước thì thường người ta thường uống trong các tiệm nước, rất may ít có karaôkê như nhiều nơi khác. Tôi đã có đọc những bài tường thuật về cách thức quảng cáo Pepsi, Cola ngay từ hôm Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận, nay mới được mục kích rõ ràng. Tuy rất rẻ, quá rẻ so với giá bán ở Âu Mỹ, tôi vẫn tự hỏi làm sao người quen với những đọi nước chè xanh nóng đậm đà, mát cổ lại bỏ quên đi để chấp nhận một thức uống ngoại lai có khi lại độc hại cho cơ thể. Khó khăn của hãng Cola hiện nay có thể giải đáp một phần nào câu hỏi của tôi.

Bên lề nước uống, những quán nước tình cờ lại hiến cho tôi một thích thú bất ngờ. Lúc đầu chỉ là một chuyện ngẫu nhiên, nhưng khi đã nếm mùi thì lại bỏ công đi tìm. Đó là tên các quán nước. Môt hôm tôi được thấy tên quán Giọt đắng, kể đã là lạ, rồi Chiều nhớ cũng thật hay hay. Một chiều trời tốt, cần đợi xem và luôn tiện chụp hình mặt trời lặn trên sông Hương, chúng tôi tìm một chỗ trên bờ sông, rơi vào quán Lộng gió, thể hiện nơi mình đang ngồi. Nhưng thơ mộng hơn là quán Thì thầm trên đường lên lăng, về Pháp lâu rồi mà còn mãi văng vẳng bên tai tiếng gió rì rào trong mấy vườn thông rậm. Sau cùng, như tiếng thở dài của một thiếu phụ có phần trách móc, đấy là tên quán Đã đành trong một ngõ hẻm ở Phú Hiệp nhân hôm đi dạo dọc sông Đông Ba một buổi chiều vàng, nắng ấm, xuống đến Bao Vinh rồi quay về Gia Hội. Ai dám bảo Huế hết còn thơ mộng ? Hôm ấy, một anh bạn tò mò chạy xe theo hỏi bọn tôi đi đâu. Anh không dè chúng tôi đi tìm tâm hồn đất nước sau bức hàng rào bông kiểng, trên mấy đọt tre xanh cao, trong tiếng hò ru con văng vẳng từ túp lều tranh tĩnh mịch đồng quê,...

Nếu ở làng xóm chất thơ còn sống động, điện đài lăng tẩm còn vẫn giữ phong cách cổ kính ngày xưa. Nhân lại làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, chúng tôi được hướng dẫn đi xem những miếu điện đang được trùng tu, một dịp để quan sát nhũng sườn kèo mở tung ra ánh sáng, những gian phòng trống rỗng không có bàn kệ trang hoàng. Tuy vậy, chúng tôi cũng lợi dụng cơ hội đi viếng lại cửa Ngọ Môn mà mấy chục năm trước, lúc còn là học sinh tiểu học, tôi đã diễn hành phía trước, phất cờ tung hô khẩu hiệu "Hoàng đế vạn tuế" nhân ngày lễ sinh nhật của vua Bảo Đại, điện Thái Hòa mà năm trường Trung học Khải Định tạm dọn qua đây, học sinh chúng tôi vô phép chen nhau ngồi lên ngai vàng làm vua trong vài ba phút,... Hôm gặp Cựu hoàng đi vác thánh giá nhân tuần lễ thánh ở Paris, tôi có dịp kể lại với Ngài chuyện nầy, cũng như tôi đã có dịp chiêm ngưỡng dung nhan Ngài trên đường lên Nam Giao, Cựu hoàng không có phản ứng như người đã quên bỏ hoàn toàn quá khứ, một dĩ vãng quả đúng là vàng son.

Các anh bên trường Đại học Mỹ thuật có nhã ý thuê đò đi viếng các lăng Gia Long, Minh Mạng và ghé điện Hòn Chén trên đường về. Chúng tôi lần nầy được các giáo sư trong trường hướng dẫn nên cuộc du hành thật là bổ ích. Chúng tôi vui mừng thấy lăng Gia Long xa xôi từ lâu bỏ quên, nay trên đường được sửa sang lại, điện thờ được dựng đứng, mái lại lợp ngói như xưa. Hôm du ngoạn nầy, trời lại đổ mưa, thành thử suốt thời gian đò chạy, ví chi ngồi ngoài ướt át xem phong cảnh, chúng tôi ngồi quây quần trong sàn đò, quanh mấy ly rượu Minh Mạng Thang của công ty Dược phẩm Thừa Thiên. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức loại rượu mới được ra đời gần đây. Rượu uống được nhất trong bình của anh bạn đã có thêm vào mật ong, nhân sâm,...Nghe nói nhiều tỉnh muốn sản xuất loại rượu nầy. Tôi không tin là rượu bán ra trong thương trường giống hệt rượu các vị vua chúa đã dùng ngày xưa, nhưng vấn đề là thang thuốc thực sự gồm có những cây gì. Nhiều báo chí đã đề cập đến đề tài nầy và ngay ở Huế đã có một hội đồng xét xử. Đứng về mặt khoa học, tuởng cũng nên kê bản các cây đã dùng trong thang thuốc và tìm biết hoạt chất của chúng từ đấy mới mong chỉ định được phân minh thành phần một đơn thuốc bổ ích.

Nói chung, cốt yếu chuyến về Huế lần nầy của chúng tôi là để viếng các chùa. Vì vậy một phần lớn thì giờ đã để dành cho chùa chiền. Nhưng chùa Huế quá nhiều, chúng tôi lại muốn quan sát tường tận nên phải giới hạn lại một số ít, những chùa xưa cổ, có sự tích rõ ràng, có tầm mức quan trọng, có ảnh hưởng lớn lao lên cộng đồng Phật giáo nói chung, lên quần chúng Huế nói riêng. Ngôi chùa được nói đến nhiều nhất ở ngoại quốc là chùa Thiên Mụ. Riêng tập san Đô Thành Hiếu Cổ đã dành nhiều trang miêu tả tường tận. Gần đây chùa lại được UNESCO kê liệt vào Di tích Lịch sử Thế giới đồng thời với thành phố Huế. Có ai đi ngang qua đất Thần Kinh mà không viếng thăm chùa Thiên Mụ ? Vì vậy, chúng tôi chú trọng trước tiên đến ngôi chùa nầy, nhưng nhờ các cháu chở xe máy đưa đi, chúng tôi cũng đã viếng thêm các chùa Diệu Đế, Quốc Ân, Bảo Quang, Từ Hiếu, Hồng Ân, Đông Thuyền,... Đâu đâu chúng tôi cũng được tiếp đón niềm nở như những đứa con đi xa về. Các tu sĩ cũng như các cư sĩ không ngần ngại dẫn chúng tôi đi xem các điện và giải thích tường tận mỗi khi có câu hỏi. Ở chùa Báo Quốc, chúng tôi được viếng thăm trường Phật giáo mới thành lập : chưa bao giờ chúng tôi gặp gỡ một số sư thầy, sư cô trẻ và đông như vậy. Ở chùa Trúc Lâm, chúng tôi được xem cả bộ kinh Kim Cang do Tì kheo ni Diệu Tâm (Nguyễn Thị Nhu) thêu trên lụa thời Tây Sơn. Ở chùa Kim Tiên, chúng tôi được dự kiến một buổi tán tụng khi các vị sư hiệu chính trước khi lên đường qua Pháp biểu diễn. Ở chùa Từ Đàm, chúng tôi quỳ dự suốt sáng chủ nhật một buổi tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sau khi nghe một vị sư thuyết pháp cần phải đoàn kết hòa giải trong cộng đồng Phật giáo. Đấy là chưa nói đến những cuộc gặp gỡ thân mật với các gia đình Phật tử... thành thử chuyến về quê nầy giúp chúng tôi hiểu biết thêm nhiều về đời sống ở quê hương.

Kể chuyện về thăm cố đô còn thiếu sót nếu tôi không nhắc đến hôm đi viếng cơ sở Nuôi dạy Trẻ mồ côi ở chùa Đức Sơn và nhà trẻ mầm non Hoa Mai ở khu Đống Đa. Ở chùa Đức Sơn, các sư cô đã bỏ công tốn sức biết bao để tự túc xây dựng một nhà trẻ sạch sẽ, đàng hoàng mặc dầu đã gặp đủ thứ khó khăn. Ở nhà trẻ Hoa Mai, ngay ở cửa vào, hai bảng dạy vệ sinh và lễ phép thường thức. Nếu chúng tôi hiểu đúng chị Hiệu trưởng thì các bài dạy nầy không phải chỉ để cho con trẻ mà thôi. Đi quanh một vòng thì thấy mọi phòng đều được tổ chức chu đáo, trẻ em tươm tất, dụng cụ đầy đủ . Vẫn biết đây là công trình mũi nhọn của tỉnh, được UNICEF tài trợ nên mới đầy đủ tiện nghi như vậy và chắc không phải ai cũng có thể gởi con vào đây, nhưng trước mắt những người ngoại quốc lại tham quan, cứu giúp, luôn gặp những cảnh nghèo khổ, lầm than, có nên chăng cần cho họ biết người Việt Nam khi có điều kiện cũng đủ khả năng thực hiện những tác phẩm hoàn hảo, không kém gì bên Âu Mỹ.

Sau cùng, nhân ngắm những đứa bé bụ bẫm, dễ thương ở các nhà trẻ, tôi tưởng cũng cần nêu lên một vấn đề cần được giải quyết nay mai. Từ Pháp tôi nghe nói phong phanh Huế không cho con nuôi nữa. Về đây tôi không có cảm tưởng như vậy. Có người đã biện luận nên cho một đứa bé mồ côi hay bị cha mẹ ruồng bỏ một dịp may tìm được hạnh phúc trong một gia đình xa lạ nhưng tràn đầy tình thương. Suy nghĩ nầy đúng quá. Nhưng những năm sau nầy, chuyện tìm kiếm con nuôi đang vượt quá khuôn khổ nhân đạo để bước qua lĩnh vực kinh tế. Tình cờ làm thông ngôn, tôi biết một bà nọ được cậy giữ một đứa trẻ trong vòng một tháng trong khi chờ đợi cha mẹ nuôi từ Pháp về đón : bà ta đòi tiền công hai triệu đồng ! Khi biết một giáo viên mới ra trường ăn lương mỗi tháng hai trăm ngàn, một vị phục vụ nhà khách ba trăm ngàn thì số tiền kia phải chăng là quá đáng ? Tôi sợ đây chỉ là cái chỏm của phiến núi băng trôi. Những tay trung gian khác còn đòi bao nhiêu ?

Đây chỉ là chuyện nhỏ trong thời kỳ chạy theo đời sống mới, thời buổi kinh tế thị trường, mọi người đều tìm cách kiếm ăn, làm tiền, cũng dễ hiểu thôi. Tôi hy vọng đấy chỉ là chuyện nhất thời, ít lâu nữa rồi cũng biến mất. Ở Huế hiện có những dự kiến lớn lao trên đường thực hiện mà được bàn tán nhất là đồ án hải cảng Chân Mây đã được dự thảo từ thời chiến. Với một chiều dài 10km, một cái đập 700m, một độ sâu từ 6 đến 14m, cảng vùng biển nước sâu nầy có khả năng cho ra vào những tàu bè 50-70 ngàn tấn. Vùng kinh tế mới sẽ khuếch trương một khu vực dân cư 100-150 ngàn người. Theo dự án, cảng sẽ chuyên chở 2 triệu tấn hàng năm 2005 và qua 2010, số lượng nầy sẽ tăng lên 4 triệu. Nếu thực hiện được như vậy, cảng sẽ phát triển không những Huế - Thừa Thiên mà cả các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, sẽ có ảnh hưởng lớn lên hoạt động của Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày nào đường dây xuất nhập khẩu cảng nối liền miền Trung nước ta với miền Bắc Thái Lan xuyên qua Lào thì ngay cả nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ xáo động không ít trong một tương lai tốt đẹp. Những người có trách nhiệm đã tỏ ra thấy xa, nhìn rộng. Phải đợi vài năm nữa mới bắt đầu thấy kết quả và nhân đó nghiêm chỉnh đánh giá nền tảng dự án hiện đang làm nhiều người phân vân. Chúng tôi mong muốn có dịp về lại thăm Huế để theo dõi tiến triển những loại đồ án loại nầy vô cùng hấp dẫn. Một chuyến đi vui vẻ, thành công như vừa qua thúc dục, khuyến khích chúng tôi mau tổ chức một chuyến về khác.

Hắc Ký Ni Sơn xuân 1998
Huế Xưa và Nay 28 1998

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]