Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập I : Đường về xứ Huế

Võ Quang Yến

***

5- ĐEM CON CHÁU VỀ THĂM QUÊ NỘI

Mấy năm nay nhà tôi sức khỏe kém, tôi không thể đưa nàng về thăm quê như trước. Nhưng năm nay đứa con trưởng lại có yêu cầu tôi đưa gia đình nó về gặp gia đình, bà con, viếng nhà thờ họ ở Nam Phổ, nơi tôi sống lên ở Mỹ Cang, mồ mả cụ mạ tôi cùng chú bác trên sườn núi Ngự Bình,... Mặc dầu bệnh cúm gà đang bắt đầu hoành hành, trời hè nắng nóng mà tôi hằng sợ, tôi không thể từ chối một thiện chí, làm thất vọng một gia đình đứa con. Hơn nữa, tôi còn xem đó là một bổn phận, một điều may mắn vì biết bao những đứa con sinh trưởng trên đất lạ không muốn dính líu gì nữa với quê hương cha mình. Rút cuộc, nếu chuyến về nói chung không hoàn toàn đạt kết quả mong muốn, riêng phần tôi đã hết sức hài lòng đã lại có dịp cùng con cháu đi dọc lòng đất nước.

Ở miền Nam, thời gian chỉ cho phép tôi đưa chúng đi một vòng vài ngày về đồng bằng sông Cửu Long, lên Tây Ninh, Củ Chi và viếng quanh Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng phần tôi đã có dịp lại thăm Giáo sư Mai Quốc Liên để bàn về cuốn sách Gởi thương về Huế mà Trung tâm Nghiên cứu Quốc học sẽ xuất bản cho tôi. Tôi còn may mắn được mời lại dự lễ mừng thọ 85 tuổi đúng ngày sinh nhật của anh Giáo sư Trần Văn Khê tại nhà chị thi sĩ Hỷ Khương. Sau đó, chúng tôi thuê một chiếc xe hơi thong thả ra miền Trung. Lần đầu tiên tôi được ghé Mũi Né xem những đồi cát đỏ màu có tiếng nhưng vì quá đông người nên không có nét quyến rũ như ở trong hình ảnh. Đường xe chạy từ Mũi Né ra Nha Trang mới tinh bày ra trước mắt một phong cảnh hùng vĩ, chỉ sợ nay mai khách sạn, nhà nghỉ lại choáng chỗ, che mất tầm mắt. Nha Trang với bờ biển dài tăm tắp, Tháp Bà sừng sững trên đồi cao, chuyến đi tàu thủy quanh các đảo đã để lại một ấn tượng khó quên. Rồi Hội An cổ kính, chùa Non Nước đồ sộ, Đà Nẵng năng động cho thấy một viễn tượng về tương lai đất nước, mang trong lòng một viện Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhắc lại một quá khứ đã vĩnh viễn đi qua. Và sau cùng, xe vượt đèo Hải Vân, theo con đường quanh co dọc sườn núi dẫn đến Huế bấy lâu mong đợi.

Kinh thành, cung điện, lăng tẩm, chùa chiền là những điểm tham quan cổ điển không tránh được. Chuyến ra quê mẹ Mỹ Cang đối với tôi là một cuộc hành hương về lại dĩ vãng, nhưng tôi tự hỏi bọn con cháu đặt vào đấy chút tâm tình ở mức nào. Tôi biết chúng nó cảm động hôm về Nam Phổ vái trước bàn thờ tổ tiên dòng họ Võ Quang, nhất là sau đó thấy tên tuổi của chúng trong cuốn gia phả mà người cháu bà con đã có công ghi chép. Cũng như hôm tôi đưa chúng lên núi Ngự Bình thắp hương trên mồ mả cụ, mạ, anh tôi cùng các chú bác khác. Khó cầm lòng tưởng nhớ tới những người thân đã mất, xa cách nhau hơn một nửa thế kỷ, mắt ướm lệ, tôi đứng lâu lặng nhìn khói hương nhẹ tỏa trong gió. Tôi không chắc con cháu tôi chia sẻ hoàn toàn niềm trắc ẩn của tôi nhưng trước vẻ ngậm ngùi của tôi, thế nào chúng cũng đã bị lây một nỗi luyến tiếc tiềm tàng, thể hiện qua một thời gian im lặng, không những ngay trên sườn núi mà còn cả trên đường về.

Nói về Mỹ Cang, tôi phải nhắc tới một anh bạn mới. Từ Matxcơva, anh Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã có nhắn khi về quê Phong Điền, tôi phải kiếm cách gặp cho được anh đồng hương Nguyễn Thế, làm ở ủy ban huyện, mà anh đã làm quen ở cuộc hội thảo Hán Nôm vừa qua ở Hà Nội. Anh Thế còn trẻ, chỉ là một nhân viên ban văn hóa, nhưng vô cùng hiếu kỳ, năng động. Tuy làm ở Phong Điền, anh luôn đi lại với Huế và chắc còn cả suốt tỉnh Thừa Thiên. Về mặt văn hóa anh là một túi đầy kiến thức. Anh vui vẻ dẫn tôi xem và giải thích tường tận chân bệ Văn Trạc Hòa hiện đang được trưng bày trong viện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên ở Huế mà anh đã đóng góp nhiều trong việc đưa chở về đây. Anh còn đưa tôi về Phong Điền xem một tráng tường Chăm trong sân chùa Ưu Đàm. Hiện ở Paris, phong trào khảo cứu về Champa cổ đang lên cao với những cuộc hội thảo về Champa cổ của hội SACHA, triễn lãm điêu khắc Champa tại viện Bảo tàng Á Đông Guimet, lớp dạy nghệ thuật Champa ở điện Louvre,... nên tôi rất nhạy cảm trước các di tích dính líu đến những đồng bào miền Nam nầy. Tôi tự hỏi một tráng tường quí đẹp như vậy mà để ngoài trời liệu lâu ngày có bị rêu phong lấp phủ, mưa gió làm hư hỏng không, chưa nói đến chuyện dễ bị mất cắp như đã thấy ở nhiều nơi.

Sau đó, anh Thế dành cho tôi một món quà bầt ngờ. Anh đưa tôi một lần nữa về lại làng Mỹ Cang, vào thăm nhà một người láng diềng, chỉ một cái lu Tàu rồi hỏi : "Anh có nhớ cái lu ấy không ?". Tôi lưỡng lự vì hồi trước có thấy nhiều lu ở trong nhà nhưng còn nhỏ nên không để ý đến. "Cái lu nầy lúc trước là của o Mỳ, của mạ anh đó !" Rồi anh tường tận giải thích con đường đi của nó hơn năm chục năm nay từ nhà cụ mạ tôi qua nhà nầy. Chao ôi, cả một thời thơ ấu xa xăm, những cảnh tượng gia đình vui tươi, đầm ấm hay đau thương, khổ cực trong khoảnh khắc hiện ra lại trước mắt. Tôi mân mê thành lu, nặn óc để cố tìm một chi tiết gì còn nhớ. Muốn đem về Pháp một hình ảnh của quá khứ, tôi chụp lia lịa vài tấm hình, rồi nằm sấp xuống đất để chụp gần hai hình vẽ trên thành lu. Nhà văn Nguyễn Xuân Hòa tháp tùng chúng tôi trong chuyến hành hương nầy, cảm xúc phát lên tràng cười, đánh dấu cho một tình bạn mới chớm nở. Tôi thông cảm : một ông tiến sĩ già, vì ngoài bảy mươi là cổ lai hy rồi, về thăm quê nhà sau nhiều năm xa cách, nằm sấp dưới đất chụp hình cái lu lúc trước của gia đình là một cảnh tượng hy hữu tuy dễ phát cười cũng gây động lòng !

Nói đến bạn bè, tôi thật đã đạt được nhiều kết quả tốt trong chuyến về Huế nầy. Tôi đã gặp lại được một số bạn quen lâu hay mới quen những năm sau nầy. Có những bạn đãi ăn ở những quán sang, ngon, có những bạn cho nghe hát dưới đò một đêm trên sông Hương. Biết tôi khó tánh khi nghe những điệu ca hò Huế, tội nghiệp anh bạn đã chịu khó chạy tìm những ca sĩ điêu luyện sành nghề. Một bạn còn chở xe cho tôi lên xem mặt trời lặn trên đồi Vọng Cảnh hiện đang là mục tiêu một cuộc tranh thủ của những người yêu Huế để chống lại một dự án khách sạn đã có giấy phép xây dựng. Một anh bạn học cùng lớp một nửa thế kỷ trước những năm sau nầy có hơi xa lánh vì công ăn việc làm, nay vui vẻ bắt lại liên lạc và quanh một dĩa bánh khoái dân dã ở Gia Hội, chúng tôi đã cùng nhau ôn lại biết bao kỷ niệm ngày xưa. Năm nay đặc biệt tôi được mời dự một đám cưới cổ truyền của hai bạn trẻ sống ở Paris nhưng về đây xây dựng gia đình truớc đông đủ bà con hai họ. Tôi xin thành thực cám ơn các bạn đã xem tôi như là người trong nhà. Và trong bửa tiệc cưới, có những bạn chưa quen lại chào hỏi vì đã đọc những bài của tôi viết những chục năm trước trong các báo Bách khoa, Phổ thông. Lại một dịp để nhớ lại quá khứ xa xăm.

Thấy tôi còn vương vấn nhiều với Huế, các con cháu tôi đề nghị tôi ở lại thêm vài ngày và chúng lấy tàu lửa ra Hà Nội trước. Thấy chúng tháo vát giỏi để có thể tự tổ chức cuộc viếng thăm miền Bắc nên tôi nhận lời ngay. Nhờ vậy tôi có nhiều thì giờ hơn dành cho bạn bè. Hơn nữa, tôi còn được đi viếng động Phong Nha đã từng được cho là kỳ quan thế giới thứ 8 và năm 2003 đã được UNESCO ghép vào vùng Kẻ Bàng để công nhận thành Di tích thế giới. Một điểm lạc quan cần phải nêu ra là con đường thật tốt từ Huế đi Phong Nha, nhất là đoạn đường trên núi ở Đồng Hới, một khúc của con đường mới xuyên Việt. Ngạc nhiên của tôi đã bắt đầu từ hôm đi xe hơi từ thủ đô Nam bộ ra miền Trung. Không chỉ con đường mới từ Mũi Né đi Nha Trang là tốt mà mọi đoạn đường trên quốc lộ 1 đều được tráng nhựa xe chạy bon bon. Tôi nhớ cách đây 5 năm, muốn đi viếng tháp Pô Rômê, xe phải chạy băng qua đồi cát xóc đảo, nay có đường tráng nhựa dẫn thẳng ngay lại chân tháp. Trên mặt du lịch đây là một thắng lợi lớn, một điểm tích cực cần phải nhấn mạnh. Về phát triển đất nước, tôi đã có dịp trình bày với các nhà báo đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh hôm họ theo tôi về Cai Bè quay phim tôi và con cháu.

Rút cuộc, dù bịn rịn, tôi phải đáp tàu lửa rời Huế đi Hà Nội. Anh bạn mới Nguyễn Xuân Hoàng tiễn tôi ra ga, dạt dào tình cảm quyến luyến. Khi chia tay, anh trao tôi bản thảo hai bài văn anh viết về tôi làm tôi rất cảm kích tính nhạy cảm của anh. Bà con, bạn bè ở Hà thành cũng tiếp đón tôi ân cần. Ăn uống, dạo chơi, các bạn đã muốn tôi biết sâu về miền Bắc như tôi đã biết Huế. Năm nay, tôi không đi Hạ Long, Hoa Lư cổ điển, mà chỉ đi viếng các chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Đậu. Đặc biệt, tôi đã thực hiện được một phần mong ước từ lâu : viếng miền Việt Bắc với những phong cảnh núi non, sắc tộc phong phú. Các bạn tôi đã cho tôi đi Lạng Sơn xem núi Tô Thị, động Tam Thanh. Viện Bảo tàng Dân tộc không hướng dẫn được các lối đi khác, tôi đành ghi tên với SinhCafé đi Sapa ba ngày, cọng thêm một ngày đi xe máy lên Lai Châu. Tuy ngắn ngủi và rất có giới hạn, tôi đã mục kích được một số phong cảnh đồng ruộng bậc thang bát ngát, ngắm được đỉnh Fansipan hùng vĩ trong một dãy núi sương mù bao phủ, đi dạo trong các bản đồng quê Lao Chải, Tả Vận, Giang Ta Chải tưởng như quen thuộc của thời thơ ấu. Nhân ngủ ở Bản Hồ, tôi tiếp xúc được một số người miền núi chất phát, hiền lành, học hỏi được cách sống của họ. Bước đầu ngắn ngủi nầy khuyến khích tôi mau kiếm cách trở lại viếng thăm những vùng khác miền Việt Bắc mênh mông, gấp xem những y phục phụ nữ đang chuyển mình từ các vạc áo thêu dệt đặc sắc qua những mảnh vải vô vị nhập cảng Trung Quốc. Tuy tiếc nuối quá khứ, tôi tưởng ta cần phải chấp nhận cuộc hiện đại hóa vì các y phục kia chỉ tồn tại được trong cách tân, như ca nhạc, hội họa, hay mọi nghệ thuật khác, theo những điều kiện của trào lưu đổi mới đang lan tràn trên đất nước.

Nói chung, về phần tôi, như mọi lần về thăm quê khác, tôi luôn phấn khởi gặp lại bạn bè, bà con, làm giàu thêm đuợc ít nhiều kiến thức của mình về xứ sở mà tôi đã xa vắng hơn một nửa thế kỷ. Lần nầy tôi còn hân hoan đem được gia đình đứa con trưởng về thăm quê cũ. Tôi chắc chúng đã vui vẻ sống những ngày ở quê hương ông, cha. Tuy nhiên, sinh ra và sống lên ở đất Pháp, mặc dầu những cố gắng của vợ chồng chúng tôi để chúng không thấy Việt Nam là một nước xa lạ (sách báo, hình ảnh, dĩa nhạc, ăn ưống, phim ảnh, chùa chiền, lễ hội,...), như tuồng chúng không hoàn toàn thoải mái khi tiếp xúc với gia đình trong nước. Ở mỗi thành phố lớn, tôi luôn có tổ chức một cuộc họp mặt, ăn uống giữa các bà con. Bất đồng ngôn ngữ là một trở ngại lớn. Các con cháu tôi phàn nàn không có mấy ai trò chuyện bằng tiếng Pháp với bọn nó. Con tôi lại bực tức khi có ai hỏi tại sao nó không học tiếng Việt để có thể trao đổi với bà con. Bọn nó còn trách móc không mấy gia đình mời mọc về nhà : chúng nó không hình dung được tất cả những phiền phức của một cuộc tiếp đón một nhóm đông người ngoại quốc, dù thuộc cùng gia đình. Nhân đi nghe hát trên sông Hương với những ca sĩ già dặn thuần thục những điệu ca hò Huế, con tôi còn trách tôi đã trình bày một nền văn hóa đã qua ; có lẽ nó chờ đợi những ca sĩ trẻ tuổi nhún nhẩy trong nhạc điệu rầm rập, dưới ánh đèn chớp nhoáng đủ màu. Như vậy thì chẳng thà từ Pháp ghi nó vào một tour dành cho người ngoại quốc !

Có người bạn Pháp bảo tôi về Việt Nam đến bốn, năm lần mới biết thương yêu cái xứ nầy. Và anh tiên đoán thế nào chuyến đi nầy cũng để lại một ấn tượng sâu sắc cho bọn con cháu, ít nhất trong tim các cháu nhỏ, sau nầy lớn lên mới có dịp bộc lộ. Lời nói của anh an ủi tôi một phần nào. Trên máy bay về lại Pháp, tôi cứ nghĩ mặc dầu thái độ thường bị môi trường, xã hội chi phối, khi các con tôi nhìn đất nước Việt Nam với con mắt người ngoại quốc thì nhiệm vụ giáo dục gia đình của mình chưa được trọn vẹn, một nhiệm vụ tề gia mà bên ta trước đây các cụ thường xếp tuần tự sau tu thân và trước trị quốc, bình thiên hạ. Anh bạn Giáo sư Cao Huy Thuần có viết tôi là người đã Việt hóa các nơi tôi ở, ngay cả cô vợ đầm của tôi, nhưng chắc chắn là tôi chưa thành công Việt hóa được tất cả mấy đứa con Tây của tôi. Mea culpa. Hy vọng trong tương lai tôi sẽ Việt hóa được vài đứa cháu Tây !

Xô thành tiết sương giáng 2005
Nhớ Huế 28Huế Xuân 2006
Quê hương 5 2006

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]