Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập II : Làm gì cho Huế 

Võ Quang Yến

***

9-LÀM GÌ CHO HUẾ 

Lần nầy rời Huế (1989) cũng như mọi bận khác, các bạn bè tiễn đưa đều ân cần nhắn nhủ : gắng làm chút gì cho Huế nhé ! Vâng, thương Huế, nhớ Huế đâu có đủ, mỗi người xa Huế cần thấy phải làm gì cho Huế, cho xứ Huế thân thương, như là một chuyện dĩ nhiên. Cái khó là làm gì hữu ích cho đồng bào xứ sở, cho chính người dân đang nghèo khổ, khó khăn.

Có nhiều bạn bè đã chịu khó chạy xin thuốc men, thu lượm dụng cụ máy móc mới, cũ gởi về, hoặc quyên tiền lập quỹ học bổng, xây dựng nhà trẻ hay dựng trại nuôi dê lấy sữa. Bên nhà nhận được quà biếu thì vui mừng thu lãnh nhưng liệu viện trợ rồi có lâu dài vĩnh viễn không ? Và sống mãi với tinh thần chờ đợi bên ngoài thì biết bao giờ mới bay nhảy được một mình ? Đi xa hơn, điều đình với các cơ quan quốc tế đưa về đắp đập, xây dựng trạm bơm nước, nhà máy thủy điện,... là việc làm có tầm mức lâu dài hơn. Tự lực cánh sinh là một khẩu hiệu rất hay mà tôi thường được nghe nói bên nhà từ lâu. Bạn thương dân thì quý nhất là giúp họ có phương tiện phát triển. Trong quá khứ, người Việt đã chứng minh có đủ thông minh trí tuệ để tháo vát trước các tình thế khó khăn. Giúp họ dụng cụ, kỹ thuật tức là giúp họ làm ăn để tiến tới một cuộc sống độc lập.... Tây Đức, Nhật Bản kiệt quệ biết bao sau thế chiến thứ hai, vậy mà ngày nay đứng vào hạng cường quốc thế giới. Gần ta hơn, Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Singapor, cách đây không lâu còn đang là các nước chậm tiến mà nay đã trở thành những rồng con năng động, nay mai sẽ giữ một chân đứng quan trọng không những quanh Thái Bình Dương, " lỗ rún " tương lai của nhân loại, mà còn có thể trên cả toàn cầu.

Việt Nam đang ở vào một tình trạng lịch sử và chính trị đặc biệt. Có thể nói ta đang có nhiều khó khăn sau mấy chục năm chinh chiến, nhưng chưa chắc đã có nhiều hơn một vài nước khác, vậy mà người ta đã ngấc đầu lên được. Riêng Huế ở vào một địa điểm ít thuận lợi : kỹ nghệ ít ỏi, canh nông không nhiều, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều người còn bảo, mặc dầu cách mạng, chiến tranh, Huế vẫn chưa lột bỏ được hết tinh thần quan lại đã một thời tiêm nhiễm hai bờ sông Hương. Đây lại là một điểm khó khăn khác cần phải khắc phục nếu Huế muốn vùng lên để tự giải thoát cho mình. Mấy năm nay, Huế muốn mở mang du lịch. Ý kiến nầy có căn bản, phát triển được là một lối thoát rất tốt cho Huế. Nhưng du lịch ngày nay đã đạt đến một mức độ rất cao, không thể chỉ biếu cho khách bầu thơ túi rượu như thời ông cha ta ngày xưa là đủ. Ngoài những tiện nghi tối thiểu cần phải cung cấp đầy đủ (khách sạn, quán cơm, giải trí,...) ta còn phải biết cách tổ chức, tiếp đón, lưu khách, tìm kiếm phương tiện cống hiến du khách một kiến thức không rộng lớn cũng vừa phải về văn hóa lịch sử của Huế, vì ta có thể tự hào thành phố của ta là độc nhất ở Việt Nam còn có đủ thành quách lăng tẩm của vua chúa một triều đình bên cạnh những thắng cảnh sông nước hữu tình : Bạch Mã, Túy Vân, Cảnh Dương, Trường Sơn...mấy ai bước qua một lần mà không muốn dừng lại. Có điều du lịch là một vấn đề cần phải giải quyết cho cả toàn quốc vì chuyện giao thông đi lại, đổi chác ngoại tệ, thị thực thông hành,... đâu phải là việc riêng của Huế. Vì vậy dù muốn dù không, du lịch ở Huế phụ thuộc rất nhiều vào chương trình phát triển của cả nước.

Trong chuyến về thăm quê vừa qua, tôi may mắn được đưa đi xem vài cơ sở tiểu công nghệ ở Huế. Nón lá, đồ mây, vải thêu là những sản phẩm có thể bán ra nước ngoài, tuy còn phải hoàn hảo thêm, nhiều khi phải cố gắng theo chiều hướng thẩm mỹ của khách hàng. Có lẽ đồ gốm, chạm cẩn là những món hàng có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới. Khách du lịch ghé qua sân bay Bangkok thấy các cửa hàng trình bày sáng sủa, chói mắt nhưng nhìn kỹ thì các mục đồ gỗ đâu có tinh vi bằng các bàn ghế chạm trổ ở Huế. Trong các loại đồ gỗ Á Đông mà tôi đã gặp đây đó, tôi chỉ thấy đồ của Indonesia là có thể so sánh với đồ gỗ của ta. Đây là một món hàng có thể xuất khẩu nhưng cần được tổ chức. Ngoài các tiệm thủ công nầy, tôi được đưa đi lên Bình Điền thăm Trại chăn nuôi Vùng đồi. Ở đây, 26 chàng trai, cô gái, tuổi mới ra trường hay ở bộ đội về, đang khai khẩn đất hoang, phát triển gò đồi, trồng bạch đàn, hồ tiêu, nuôi bò, nuôi vịt. Với một tinh thần khai thác hăng hái, tràn đầy nhiệt tình, các thanh niên nầy đã bắt đầu khai hoang được hơn 20 hecta đất trong số 100 hecta dự trù, trồng được 800 gốc hồ tiêu để đạt cho được 3000 gốc. Các cô cậu sống rất vui vẻ nhưng tôi thấy họ thiếu giải trí : một cây đàn, một máy vô tuyến điện, vài ba bộ cờ. Họ cũng ít có cơ hội về Huế. Một bạn trai đã tâm sự với tôi : " Cháu muốn lấy vợ mà ở đây chỉ có bốn cô, còn ở Huế thì có cô nào muốn lên đây ?". Ai muốn giúp Huế thì nên hổ trợ các trại chăn nuôi kiểu kibboutz nầy vì họ là đầu mối sản xuất mà một nước muốn mạnh thì phải sản xuất nhiều.

Vùng quanh Huế rừng hoang còn nhiều mà đầm phá cũng không ít. Người ta cho tôi biết hiện nay, diện tích đầm phá quanh Huế là bằng diện tích các đầm phá miền Bắc. Đây là những bể cạn khổng lồ để nuôi tôm cá, trồng rau câu. Vào một lúc mà ta muốn khai thác các tài nguyên đất nước thì chuyện nuôi trồng ở các đầm phá phải được đặt ra gấp rút. Thật ra ở Việt Nam nói chung, Thừa Thiên - Huế nói riêng, đã có chương trình mở mang bờ biển. Nếu nghe nói người Úc đã có ký kết với ta về đề tài nuôi tôm, phía trồng rau câu chưa thấy có bóng dáng đầu tư. Chúng tôi đã có bắt đầu một chương trình hợp tác giữa Huế và vài cơ quan Pháp về chuyện nuôi trồng rau câu và chiết xuất agar từ rau câu ra. Agar không chỉ là một thức ăn mọi nhà nội trợ biết chiết xuất, mà còn là một hóa chất được dùng rất nhiều trong kỹ nghệ, đặc biệt là về thực phẩm. Agar cũng đã được dùng làm keo, giấy, dược phẩm, thuốc men. Trong ngành sinh vật học, agar là một môi trường đặc sắc để nuôi dưỡng vi sinh, thực hiện cấy mô (một phương cách " ươm cây trong ống " đang bắt đầu thịnh hành) làm cho agar trở nên một sản phẩm có giá trị trên thị trường thế giới nếu có phẩm lượng tốt. Từ hơn mười năm nay, nhiều xí nghiệp công, tư bên nước ta, ngay cả nhiều trường đại học, ty thủy sản đua nhau sản xuất agar, nhưng vì thiếu kiến thức căn bản khoa học, chưa đạt mức kỹ thuật cần thiết nên sản phẩm chế tạo ra không có đủ tiêu chuẩn quốc tế, từ đó không xuất khẩu được. Chúng tôi đề nghị xây dựng một đơn vị sản xuất tối tân ở Thừa Thiên-Huế, đào tạo chuyên viên tại Pháp về nuôi trồng rau câu, chiết xuất agar, kiểm soát sản phẩm và, nếu cần, chăm lo cả việc tìm kiếm thị trường. Lẽ tất nhiên mọi sự bắt đầu với tài chánh, và vấn đề nấy cần phải được giải quyết trước nhất bằng cách nầy hay cách nọ : chuyện thông thường cần hiểu là khi một người đầu tư thì mong thu nhập lợi tức, trừ khi mình tự bỏ vốn thì mình có toàn quyền về sản phẩm chế tạo.

Dù sao, bất cứ tiền vốn ở đâu lại, một chuyện dĩ nhiên là phải ra công làm việc. Chúng tôi đề nghị một cuộc hợp tác giữa ngành đại học và xí nghiệp : một bên lo khảo cứu, kiểm tra, bên kia chịu trách nhiệm khâu sản xuất. Tài nguyên chất xám mình hiếm, chỉ có một cuộc hợp tác thật sự, thật tình với nhau mới mong làm nên được việc. Theo chúng tôi thấy thì Trường Đại học Hà Nội và Xí nghiệp Hải Phòng đã hiểu rõ tấm mức quan trọng của một cuộc hợp tác loại nầy nên đã làm việc với nhau. Nuôi trồng rau câu, chiết xuất agar là công việc của Khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Huế. Chúng tôi có tham vọng giúp nâng cao trình độ vài khoa khác. Chúng tôi đã có đề nghị với Khoa Hóa một chương trình hợp tác khảo cứu : đào tạo, đưa thực tập sinh qua Pháp khảo cứu trong một phòng thí nghiệm trên đề tài phân tích nước lợ ở các đầm phá Thừa Thiên - Huế (trong đồ án rộng lớn phát triển miền biển), đồng thời theo dõi phương pháp giáo huấn hóa học các trung tâm chuyên tu. Chúng tôi không quên Khoa Toán - Tin học và cũng có đề nghị một chương trình đào tạo giáo viên, chuyên viên, khảo cứu viên cho khoa nầy ở Pháp. Những người chỉnh lý các chương trình nầy không cần phải là đặc biệt người Huế, người Việt, mà chỉ là những người có dính dấp ít nhiều với Huế và một phần nào có yêu Huế.

Thật vậy, Huế cần có được nhiều người yêu và không chỉ trong số những người đã sinh trưởng hoặc đã sống lên ở Huế. Ở Pháp, số người Việt và Pháp đã từng có liên lạc với Huế rất nhiều. Bây giờ phải tạo điều kiện cho họ luôn biết tình hình, thời sự ở Huế, theo dõi những biến chuyển ở đất Thần Kinh chẳng hạn qua những bài báo, những buổi nói chuyện, những đêm văn nghệ,... Không phải tình cờ mà Hội Người Yêu Huế đã có cho ra tờ thông tin liên lạc (xin cám ơn chị Ngọc Quế đã bỏ công đánh máy mấy số đầu), tổ chức những Đêm Thanh Hải hát Trịnh Công Sơn, Đêm Hè Huế với một đám cưới cổ truyền trên sân khấu,...Trước hè, họa sĩ Bửu Chỉ đã được mời qua Paris triển lãm hai lần ở Nhà Việt Nam và ở trụ sở UNESCO nhờ sự hỗ trợ tài chánh của Cơ quan Công giáo Chống đói và để Phát triển CCFD. Sang năm một họa sĩ khác cùng một văn sĩ sẽ được mời qua trong thời gian Hai tháng với Huế vào khoảng sau xuân. Trong lúc chờ đợi, ngày 9 tháng 12 sắp tới, trong khuôn khổ ngày khảo cứu về Việt Nam do Hội người Pháp bạn Viễn Đông AFAO tổ chức tại viện Bảo tàng Guimet, anh Lê Văn Hảo sẽ thuyết trình về tình hình hiện nay của điện đài lăng tẩm ở Huế. Để thêm phần hào hứng, tôi sẽ cho chiếu hình ảnh đã chụp ở Huế trong mấy kỳ về thăm quê vừa qua. Hơn nữa, nhân dịp nầy,các vị lãnh đạo UNESCO sẽ được mời đến dự vì chúng tôi có tham vọng đặt lại vấn đề trùng tu thành nội.

Đầu tháng 12 sắp tới cũng sẽ nhóm ở Paris Ủy ban Hỗn hợp Khoa học Kỹ thuật Pháp Việt. Trong những buổi làm việc với các nhà khoa học Pháp cũng như ở bộ ngoại giao, tôi đã có dịp trình bày tình hình hiện nay ở Huế. Đến nay, các cuộc hợp tác, quỹ viện trợ thường đến với các thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến lúc quốc tế cần phải biết tới miền Trung đất Việt mà Huế đã là thủ phủ cả một thời. Vẫn biết đội ngũ cán bộ khoa học ở Huế còn cần phải được tu bổ, cải lương nên cuộc phát triển gặp nhiều khó khăn, nhưng phải có bắt đầu mới đếm được những bước tiếp theo, sau đó mới hòng đạt đến mức cao độ. Ở nước ngoài, người yêu Huế có khả năng, thiện chí mà lại vô tư không hiếm, tưởng Huế nên cần tiếp xúc làm việc với họ. Tôi tin tưởng ở tính kiên nhẫn, cần cù của người dân Huế, nhất là hiện nay ở Huế có một anh chủ tịch năng động, biết đặt nặng chuyện phát triển văn hóa, khoa học, kỹ thuật thì với sự cố gắng của mọi người, Huế chắc chắn sẽ thành công vùng lên trở thành một kinh đô trù phú như trước.

Hắc Ký Ni Sơn tháng 11.1989
Đại Đoàn Kết 4-5 1990

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]