Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập II : Làm gì cho Huế 

Võ Quang Yến

***

13-GỞI THƯƠNG VỀ HUẾ 

(Bên lề Hai tháng với Huế ở Paris)
Chưa bao giờ Paris đã nghe, nói, nhìn nhiều về Huế như hai tháng 5 và 6.1990 vừa qua. Cũng dễ hiểu thôi : sau những cuộc triển lãm các họa sĩ Hà Nội, Sài Gòn mấy năm trước, Huế rất đáng được đưa ra trình bày giữa kinh đô ánh sáng. Hơn thế nữa, Hai tháng với Huế đã rất phong phú với nhiều tiết mục đặc sắc mà những người chịu khó theo dõi không thể nào quên được.

Ngay từ ngày mở đầu, Huế đã đi sâu vào lòng người đến dự. Trong gian phòng ấm cúng của Nhà Việt Nam, một cuộc triển lãm hình ảnh đã được khánh thành hôm 5 tháng 6. Hai nhà nhiếp ảnh Marc-Antoine Montclos và Võ Quang Yến trưng bày 20 bức ảnh màu chụp từ Đại Nội lên Khiêm Lăng, từ Bao Vinh qua An Cựu, từ cửa Thượng Tứ xuống cầu ngói Thanh Toàn, từ gánh hàng rong đường Lê Lợi đến những người đãi vàng thượng lưu sông Hương,...Người xem đã để ý đến những hình chụp lăng Thiệu Trị hoang vắng với đàn bò lủi ăn trong sân điện, đền Văn Thánh điêu tàn sau vườn sắn che lấp mấy hàng bia,...

Chính trong bầu không khí gợi nhớ thương Huế đó, tối hôm ấy bắt đầu đợt hát Hơi thở sông Hương do Thúy Vân và Ngọc Diệp trình bày. Tại Nhà Việt Nam, hai cô trình diễn ba đêm 5, 26 và 23 tháng 6. Tiếng hát Thúy Vân đầm ấm, chân tình, suốt buổi tối đã đưa thính giả về lại chốn cố đô lưu luyến. Đệm vào những điệu hát địa phương của xứ Hương Bình là tiếng đàn tranh của Ngọc Diệp thánh thót, vấn vương lại càng làm cho người nghe xúc cảm, mơ màng. Một vài giọt lệ thấm mi mắt chỉ rõ nỗi nhớ thương thấm thía mà hai cô đã thành công gây ra. Những lời giới thiệu lưu loát, dí dỏm của anh Cao Huy Thuần càng nâng cao tài nghệ của hai nghệ sĩ. Rút cuộc, câu nói, tiếng đàn, điệu hát đã hòa âm trong một gian phòng thắm đậm hình ảnh quê hương, một cuộc trùng hợp toàn vẹn dễ làm rung cảm tim gan người tham dự.

Để cho bạn bè Pháp và ngoại quốc cũng thưởng thức được những điệu hò, câu hát miền sông Hương núi Ngự, hai cô Thúy Vân và Ngọc Diệp còn trình diễn một tối ở viện Bảo tàng Guimet do Hội người Pháp bạn Viễn Đông tổ chức. Lần nầy người giới thiệu là nhạc sư Trần Văn Khê, có tiếng không những ở Việt Nam mà còn rất nhiều ở ngoài nước. Những lời giải thích của giáo sư rất rõ ràng, uyên bác và giúp nhiều người nước ngoài hiểu thêm cái tinh túy nhạc điệu, dân ca miền Trung. Tuy nhiên anh Khê tâm tư với tôi đêm nhạc hôm nay là của hai cô, anh không muốn diễn đạt dài dòng. Anh chỉ họa thêm với cây đàn tỳ bà mà anh đã học cách chơi kiểu Huế cách đây năm, sáu mươi năm với bà cô !

Tiếp theo sau cuộc trưng bày hình ảnh ở Nhà Việt Nam là cuộc triển lãm cùng chỗ tranh vẽ của Hoàng Đăng Nhuận từ 16 đến 30. Đây là cuộc triển lãm thứ hai, lần thứ nhất ở trụ sở UNESCO từ 5 đến 15. Tranh đem từ Việt Nam sang, anh Nhuận đã trưng bày cho khán giả quốc tế một lối vẽ mới, sâu sắc, tinh vi mà đậm đà, dễ gây thương nhớ. Nhiều bạn ngoại quốc lại xem đã ngạc nhiên thích thú tìm ra trong các tranh nầy những nét độc đáo tuy không cổ điển như thường thấy ở các tranh của các tác giả Á Đông. Một số lớn tranh được giữ mua đã đánh giá phần nào lòng hưởng mộ tranh của anh.

Để cho Hai tháng với Huế được đầy đủ, Nhà Việt Nam tổ chức thêm hai buổi nói chuyện : Nhạc cung đình Huế hôm 9 tháng 6 giáo sư Trần Văn Khê đảm nhận và Chúa cổ và Phật giáo ở Huế hôm 16 tháng 6 qua thuyết trình của hòa thượng Thích Thiện Châu. Nhà Việt Nam cũng còn chọn lựa trưng bày và bán một số sách về Huế trong thời gian hai tháng vừa qua. Tối hôm Hơi thở sông Hương cuối cùng ngày 23 tháng 6, hãng Médiapoly cho phát hành băng nhạc Huế tên của nỗi nhớ của Thúy Vân và Ngọc Diệp. Như vậy, những ai còn muốn tiếp tục mơ màng với Huế còn có thể kéo dài thời gian nầy.

Hôm bế mạc cuộc triển lãm Hoàng Đăng Nhuận cũng là hôm kết thúc chương trình Hai tháng với Huế ở Paris. Kiểm điểm số người đến dự triển lãm , đi nghe ca nhạc, số người mua tranh, mua băng hát, số người ký vào sổ vàng, có thể nói Hai tháng với Huế đã là một thành công. Những người tổ chức, Nhà Việt Nam, các bạn Huế có thể tự hào đã góp phần vào cuộc gây ra được trong dư luận kiều bào cũng như trong nhiều giới ngoại quốc ở Paris một lối nhìn đầy cảm tình về xứ Huế muôn thuở.. Một bà bạn tôi từ bên Đức qua thăm, luôn tiện để xem hình, xem tranh, nghe hát, rất tiếc là không đem được đứa con nuôi của bà, một cậu bé quê gốc Huế vì bà tin chắc nó cũng sẽ rung động như bà trước những gì đã nghe, đã thấy.

Cái mộng bây giờ là làm sao phát huy lại được phong trào trùng tu thành nội vì ngay sau Hai tháng với Huế này, bạn bè đã rất nhạy cảm với tình hình ở thành phố thân thương của ta. Trong tương lai gần và xa, công việc sẽ không thiếu, thiếu chăng chỉ là nhiệt tình, thiện chí của những người vô tư, thật tình yêu Huế.

Hác Ký Ni Sơn tháng 7.1990
Đại Đoàn Kết 34 1990

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]