Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập V : Huế qua trang sử 

Võ Quang Yến

***

36- HAI DI TICH CHĂM Ở THỪA THIÊN - HUẾ

Bóng tà dừng ngựa đứng
Man mác nổi hưng vong.
Ngô Thế Lân
Ai về Việt Nam đi xe hơi từ Nam ra Bắc chắc thế nào trên đường cũng đã dừng chân xem những tháp Chăm đẹp Pô Klaung Garai-Đồi Trầu ở Phan Rang, Pô Nagar-Tháp Bà ở Nha Trang, Bánh Ít-Tháp Bạc, Hưng Thạnh-Tháp Đôi ở Qui Nhơn không xa bao lăm quốc lộ 1. Nếu chịu khó đi xa thì có thể viếng những tháp ít được biết hơn : Pô Dam - Pô Tầm, Pô Sanư - Phú Hài ở Bình Thuận ; Hòa Lai - Tháp Khơ me, Pô Rômê ở Ninh Thuận ; Tháp Nhạn - Con Gái ở Phú Yên ; Cánh Tiên - Đồ Bàn, Bình Lâm - Thị Nại, Dương Long - Tháp Ngà, Phước Lộc - Tháp Vàng, Thốc Lốc - Tháp Cao Mên, Thủ Thiện - Tháp Đồng ở Bình Định,... Ra đến Quảng Nam thì không thể bỏ qua thánh địa Mỹ Sơn, điêu tàn nhưng còn giữ nét hùng vĩ của một thời xưa rực rỡ, cùng những tháp Bằng An độc nhất tám cạnh, Chiên Đàn, Khương Mỹ theo kiểu ba ngôi tháp song hành lập nên một phức thể. Rồi xe vượt đèo Hải Vân tiến vào địa phận Thừa Thiên - Huế.

Vùng đất Thuận và Hóa nầy được nhập vào Đại Việt sau lễ cưới công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân năm 1306. Trước đó người Chăm đã sống ở đây và để lại nhiều di tích. Từ đầu thế kỷ 20, những người Pháp đầu tiên đã chịu khó đi tìm và kê khai một số hình tượng ngay ở Huế và ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền. Bên cạnh những mảnh tượng, mảnh bia bằng đá, những khám thờ bằng gạch,... đáng để ý nhất là những di tích tìm ra ở làng Mỹ Xuyên : một trán cửa mang danh Đản sinh Brahma từ rốn Visnu nằm trên con rắn Ananta bảy đầu (2) tương tự như phù điêu của viện Bào tàng Chăm ở Đà Nẵng hiện được trưng bày ở viện Bảo tàng Á đông Guimet trong khuôn khổ cuộc Triển lãm Điêu khắc Champa ; một tượng gọi là Bà Lồi hình dung một phụ nữ có tám tay mà hai tay dưới nắm một cái vỏ ốc biển shanka và một cái vòng mặt trời cakra (1), có thể là Visnu dưới hình thể Mohini. Những di tích nầy đã được lấy đem vào các viện bảo tàng. Năm nay, nhân chuyến về thăm quê, tôi may mắn được dẫn đi xem một di tích còn được thờ cúng tại chỗ ở chùa Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, nói trạnh từ danh từ Ưu Đàm, có lẽ từ tên hoa Ưu đàm bát la Udumbara mà ra. Tục truyền hoa nấy rất quý, mấy ngàn năm mới xuất hiện một lần, mà Dương Văn An trong Ô Châu Cận Lục đã có nhắc tới : Am Ưu Đàm nở nhiều hoa Bát la. Chùa còn mang tên Chùa Bà Lồi vì bên hông chùa có thờ một tượng bằng sa thạch thếp vàng gọi là Bà Lồi hay Bà Phật Lồi, có liên quan gì với bức tượng đã được phát hiện trước đây một thế kỷ (1) ?

Từ Huế, muốn đi Ưu Điềm, phải lấy quốc lộ số 1 ra hướng bắc. Khoảng bốn mươi cây số, ngang làng Mỹ Chánh, giữa Phò Thạch và Quảng Trị, trước khi gặp chiếc cầu bắc qua sông Ô Lâu làm biên giới cho hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, lấy một con đuờng nhỏ nhưng tráng nhựa tốt bên tay mặt. Quá làng Mỹ Chánh, xe vượt qua làng Phước Tích trước đây có tiếng về đồ gốm, nay còn được lưu truyền nhờ những nhà rường cổ truyền, rồi cái làng nhỏ Phú Xuân. Xe chạy tiếp dọc theo sông Ô Lâu được đề cao qua những trận đánh trong cuộc chiến vừa qua, băng qua làng Mỹ Xuyên chuyên chạm đồ gỗ và cũng là nơi những năm gần đây đã có khai quật nhiều di tích Chăm. Đối với tôi, Mỹ Xuyên, làng cạnh Mỹ Cang là nơi tôi được sinh ra và sống cả một thời tuổi trẻ nên khi nhìn lại cảnh cũ đường xưa không sao tránh được chút bùi ngùi, thương nhớ... Rồi xe đáp vào địa phận làng Ưu Điềm nhắc tôi lại những năm cách mạng, tuy còn ít tuổi, đầu óc trẻ dại, quần đùi áo cụt, đầu trần chân không, tay mang dao ngắn, cũng hung hăng cùng dân làng đi cướp chính quyền ở huyện lỵ, hân hoan sống những ngày lịch sử hào hùng mà sau nầy kể lại, biết bao bạn bè, nhất là ngoại quốc, thèm thuồng vì mấy ai được trực tiếp dự kiến mà chỉ biết sự kiện qua sách vở, báo chí.

Trán cửa được thờ bên cạnh chùa Ưu Đàm, trong một khuôn viên nhỏ, đủ để vài người vào được gần, không biết được dựng lên từ bao giờ. Bao quanh hai bên bệ thờ là một linga và những mãnh cột hình tròn hay tám cạnh. Trên bệ có một bình đựng hoa, một dĩa đựng hoa quả và một lư hương chứng minh vẫn luôn còn sự thờ cúng. Trán cửa nầy đã được Henri Parmentier kê khai từ đầu thế kỷ 20 (2). Đây là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết trong nền điêu khắc Champa thể hiện đề tài lễ rước cưới Siva - Parvati về ngọn núi thiêng Kailasa, theo giải thích của nhà khảo cứu Trần Kỳ Phương (5). Hình chữ U lật ngược, rộng hơn 1m, bề cao ngắn hơn chút ít, trán cửa đang còn tốt, không sứt nẻ, chỉ có ít nhiều rêu phong đóng lên nền sơn xanh đã phai màu. Đứng giữa và choáng phần lớn bề mặt trán cửa là con bò thần trắng Nandin tiêu biểu cho quyền lực thế gian và cho sự đẻ con, đặc biệt không đeo vòng kiền của những vật cưỡi vahana như thường thấy. Trên lưng bò thần, ngồi ngay sau bướu, hai chân hai bên, một chân duỗi thẳng, chân kia co lại là thần sáng tạo Siva chỉ có hai tay ; ngồi sau hai chân một bên là shakti phu nhân, thần Uma, một tên khác của thần Parvati, nét mặt dịu dàng, có vẻ e thẹn của nàng dâu. Siva mặc một cái áo sampot, đội trên đầu một cái mủ che tóc jatamukuta, mang những khuyên tai khá lớn, ba vòng kiền trên cổ, nhiều vòng trên cánh tay và trên mắt cá, tay trái đặt trên đùi, tay mặt cầm một cái vòng có thể là một tràng hạt. Bên phần Uma thì đội mũ tương tự, mặc áo sarong kép, có hai thắt lưng, cũng đeo những khuyên tai lớn, một vòng kiền trên cổ, nhiều vòng trên cánh tay và mắt cá, tay trái dài duỗi xuống dưới như ở những vũ nữ Trà Kiệu, tay mặt co lên dưới vú. Trong đạo Bà la môn ở Champa, nhánh thờ Siva luôn có ưu thế thì Siva và Uma chiếm phần chính trán cửa là chuyện dễ hiểu, tuy cũng có những di tích như ở Thủy Triệu thì Visnu lại là nhân vật chính (2).

Quanh Siva và Uma còn có bốn nhân vật. Ở trên, bên trái là thần Brahma, vị chủ hôn (5), chỉ thấy ba mặt, đầu đội mủ mukuta, mang khuyên tai, nhiều vòng trên cổ tay và mắt cá, mặc áo sampot có thắt lưng lớn,hai tay chắp trên ngực, ngồi xếp bàn theo tư thế virasana trên một tòa sen có cành dài như trong hình tượng đản sinh Brahma từ rốn Visnu. Cũng ở trên, bên mặt là thần cứu nhân độ thế Visnu đầu đội mủ mukuta, mang khuyên tai, vòng ngọc, thắt lưng lớn, hai tay trước chắp trước ngực, hai tay sau giơ cao lên, tay trái cầm một cái vỏ ốc biển shanka, tay mặt một vật khó xác định trong số chín biểu hiệu của Ngài. Ngài ngồi trên vai thần điểu Garuda, hai cánh dan rộng, hai tay nắm quanh hai chân Ngài. Ở dưới, bên trái, dưới thần Brahma đứng một đạo sư không râu, miệng rộng như cười, đội mủ mukuta, mặc áo sampot, tay trái buông thỏng, tay mặt cầm một cái trượng dài (risi Bhrigu, người hầu cận Siva ?). Cũng ở dưới, bên mặt,dưới thần Visnu là thần chiến tranh Skanda trẻ tuổi, con của Siva, sức mạnh vô song, đầu đội mủ mukuta khác các mủ kia, cũng có mang khuyên tai, vòng ngọc, cưỡi một con công Paravani có mào lông, tay mặt ôm chim, tay trái cầm một lưỡi tầm sét vajra hay vũ khí bumerang. Tất cả các nhân vật quan trọng của đạo Bà la môn nầy được sắp đặt rất cân đối trên trán cửa. Những đặc điểm nghệ thuật như y phục với kiểu thức sampot có vạt hình tam giác, các kiểu đồ trang sức, thủ pháp tạo hình nhân vật,... là những đặc trưng của giai đoạn muộn hay giai đoạn kéo dài trong phong cách Mỹ Sơn E1, khoảng cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ10 (5).Rất có thể trán cửa nầy trang điểm một tháp Chăm trước đây đã được xây ngay tại chỗ chùa Ưu Đàm như chùa Thiên Mụ đã được xây trên nền móng một ngôi chùa cũ và ngôi chùa cũ nầy cũng đã chiếm chỗ một ngôi tháp Chăm. Giả thuyết nầy dựa lên những trán cửa khác nhỏ hơn và bị bẻ gãy cùng những đố dọc cửa tháp hình tròn hay tám cạnh và những mảnh gạch rải rác quanh chùa (2).

Những ai không có phương tiện đi xa, ngay tại Huế cũng xem được một di tích rất đẹp ở viện Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên trong Thành nội. Người ta chưa biết rõ niên đại bệ thờ Văn Trạch Hòa hiện được trưng bày ở đấy. Câu hỏi đã được đặt ra là bệ thờ ấy có dính dáng gì đến văn khắc Nham Biều được xác đựng vào thế kỷ 10 (3) vì bệ thờ đã được tình cờ khám phá năm 1991 ở làng Phong Thu chỉ cách Phong Điền có 28 km, sau đó được chở về Phòng Văn hóa huyện trước khi đưa vào Huế năm 1998. Có một cấu trúc đặc thù, bệ thờ nầy lại mang một số hình tượng thờ cúng biểu đạt truyền thống balipitha Ấn Độ, nơi dâng cúng thức ăn cho các vị thần dikpala. Bên Ấn Độ, thường những bệ thờ loại nầy gồm có nhiều tầng và các thần dikpala được sắp vào ở tầng dưới. Bệ Văn Trạch Hòa cũng gồm có hai tầng vuông vắn, các dikpala cũng được sắp ở tầng dưới và ở các góc bệ, ngồi trên hoa sen theo tư thế padmasana, dễ nhận diện qua những biểu hiệu trên mình và vật mình cưỡi vahana. Giữa các bậc, trong những hóc nhỏ được đặt nhiều hình tượng nữ giới không cá biệt loại yaksi hay dvarapalika xen lẫn với những con ngỗng hamsa chống đở thế giới các thần. Ở các góc bệ còn có những tượng người hộ vệ, người cầu kinh. Quan trọng hơn là hình tượng những con sư tử, dựa vào các vahana, không đối xứng, những con vật thường gặp ở các bệ tháp Chăm như ở Mỹ Sơn hay Tháp Mắm. Dù sao, những nhân vật trên bệ thờ đã được đem so sánh với những hình tượng các tháp Chăm khác, nhờ đó đã được xác nhận và trái lại những hiện vật ở các tháp Chăm khác như ở Mỹ Sơn cũng đã nhờ những nhân vật ở đây để được biết rõ.

Những nhân vật chính phần dưới bệ thờ là tám vị Hộ thế Bát phương thiên astadikpala. Ở mặt đông là thần Sấm sét - Lôi thiên Indra ngồi theo tư thế rajalilasana trên con voi Airavata đang đi, tay mặt cầm kim cương trượng vajra. Đằng sau ngồi đối xứng trên hoa sen hai nhân vật tay chấp trước ngực, một đầu gối gập lên. Ở mặt tây, Thủy thiên Varuna, thần sông biển, tay nắm một cái giây pasha, cũng một đầu gối gập lên, ngồi trên lưng con ngỗng hamsa dan hai cánh như cùng chở cả hai người cầu kinh. Ở mặt nam bệ thờ, cạnh một người cầu kinh là thần Diêm vương Yama, ngồi trên lưng một con trâu, phía trên bị hư nhiều, tay cầm gậy danda các quan tòa. Ở mặt bắc, cách xếp đặt thành hai tầng có phần khác ba mặt kia. Phần trên, ngồi trên hoa sen, giữa hai người cầu kinh, là Thần tài lộc Kuvera, thủ lĩnh bọn quỷ sứ raksasa, cũng có một đầu gối gập lên, tay cầm một cái gì tương tự như một búp sen, đặc biệt không có vahana. Phần dưới, nơi dành cho vahana ở các mặt khác, lại có thêm một Kuvera ngồi trên mặt một con kala dữ tợn giống như ở Đồng Dương, giữa hai nhà tu khổ hạnh risi đang cầu khấn tương tự những người cầu kinh các mặt kia. Ở góc đông-nam, thần Hỏa thiên Agni ngồi trên lưng một con tê ngưu đặc thù của Cham Pa và Campuchia. Ở gốc đông bắc, thần Đại tự tại thiên Isana, một dạng tối cao của Siva, ngồi theo thế rajalilasana trên một con bò, tay cầm một cái đinh ba trisula, cạnh một người cầu kinh. Ở góc tây-nam, chỉ còn một nhân vật quì gối, hai tay giơ lên, có thể là thần La sát thiên Nirriti, chiếm chỗ vahana là một á thần yaksa. Ở góc tây-bắc, thần Phong gió Vayu cũng ngồi trên lưng một con ngựa, thay vì một con linh dương, tay cầm một một cây cờ dhvaja, trước hai người cầu kinh chen nhau trong một không gian tương đối chật hẹp.

Khảo sát phần trên bệ thờ, ở bốn mặt có bốn vị đại thần đạo Hindu ngồi trong bốn hốc tường, xung quanh có hình hoa nội tiếp trong một khung vuông. Ở mặt đông là thần Siva có búi tóc những nhà tu hành khổ hạnh, một tay cầm một cái đinh ba trisula, tay kia một cái đuổi ruồi. Ở mặt tây là một vị thần có vẻ giận dữ , một tay cầm một cái gì giống như một đầu lâu, tay kia một cái trống con, có thể là thần Đại thiên Mahadeva, cũng có thể là một dạng kinh khủng của thần Siva là Rudra hay Bhaivara. Ở mặt nam, thần Brahma dễ nhận diện với bốn đầu nhưng chỉ thấy có ba. Ở mặt bắc, thần Visnu có bốn tay cầm một cái chùy gada, một cái vỏ sò shanka, một trái đất bhami và một cái dĩa cakra. Nhờ những biểu hiệu trên mình hay mang trong tay, nhờ các vật cưỡi vahana, các nhà khảo cứu đã xác định được cá tính ít nhất của ba trong tám các dikpala trên bệ thờ. Tuy nhiên, họ chưa biết được tường tận bản chất và vị trí ít nhất của hai vị thần phía đông và phía tây trong công trình. Khảo sát những hình tượng tương tự ở Java, họ thấy khó gắn liền chúng với một truyền thống nầy hay một truyền thống khác. Một điều chắc chắn là phong cách và vị trí của chúng đã chứng minh rõ ràng ảnh hưởng hàm súc nghệ thuật Java lên nghệ thuật Champa thế kỷ 10 (6). Mặt khác, dựa lên phong cách thể hiện như thân hình mập mạp, mặt người thô nặng, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi môi dày, râu mép ngắn, mái tóc xoắn, đôi mắt mở lớn có con ngươi, hàng lông mày rậm nối liền nhau, đằng kia kiểu thức văn hoa xoắn xít, thủ pháp điêu khắc hình khối mạnh mẽ, tả thực,...là những đặc điểm một tác phẩm có niên đại đầu thế kỷ 10, thuộc giai đoạn muộn phong cách Đồng Dương (5).

Như vậy, bệ thờ Văn Trạch Hòa đã góp công vào việc học hỏi những dikpala, trở nên một yếu tố chủ yếu khảo cứu về những thiết bị thờ cúng. Trong cuộc Triển lãm Điêu khắc Champa ở Paris, một góc lớn đã dành cho những dikpala mà ban tổ chức đã chịu khó đi lượm lặt khắp nơi ở Việt Nam để trưng bày vào một chỗ. Thành thử, dù gián tiếp và chỉ trong tinh thần, bệ thờ Văn Trạch Hòa, xuất phát từ Phong Điền, đã hiện diện ở kinh đô ánh sáng, góp phần làm lan tỏa nghệ thuật Chăm và trở thành đề tài khảo cứu cho những thế hệ mới. Cách đây năm năm, tôi và nhà tôi đi khắp miền Nam, từ Quảng Nam đến Bình Thuận, viếng thăm hầu hết những di tích Champa đã được kê khai. Gần đây, theo học ở Paris những lớp dạy về nghệ thuật Chăm do Hội Những người Bạn Viễn Đông AFAO tổ chức, theo dõi cuôc hội thảo "10 năm thành lập hội SACHA" khảo cứu về Champa cổ (14-15.10.2005) ở Viện Bảo tàng Cernuschi, tham dự ngày Văn minh Chăm nhân 100 năm phát hiện và nghiên cứu (07.12.2005) cùng cuôc triển lãm "Điêu khắc Champa" (10.10.2005 - 09.01.2006) tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Á Đông Guimet, vốn nhạy cảm với văn hóa Việt Nam, tôi thấy cần phải tìm hiểu sâu rộng hơn về nghệ thuật Champa. Sinh và sống cả thời tuổi trẻ ở làng Mỹ Cang, huyện Phong Điền, tôi không khi nào để ý đến các di tích Chăm hiếm quý đầy dẫy trong vùng đã và đang được khai quật. May mắn thường hay đến với những ai khích động nó : về thăm quê năm nay, tôi được gặp anh Nguyễn Thế, nhà nghiên cứu văn hóa huyện Phong Điền. Anh đưa tôi đi xem và giải thích tường tận bệ thờ Văn Trạch Hòa hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên ở Huế. Hơn nữa, anh chịu khó đưa tôi về Phong Điền xem bức trán cửa dựng trong sân chùa Ưu Đàm. Tôi tưởng hai di tích nầy cần được giới thiệu mặc dầu tôi không chuyên khảo cứu về điêu khắc Chăm.

Xô thành mùa xuân 2008
Nghiên cứu Huê 6 2008
Chim Việt Cành Nam 33 2008
Tham khảo

1- Léopold Cadière, Monuments et souvenirs chams du Quảng Trị et du Thừa Thiên, BEFEO V(1905) 192

2- Henri Parmentier, Inventaire archéologique de l'Indochine. Monuments cams de l'Annam, PEFEO XII (1909) 429 ; (1918) 517-9

3- Tran Thuy Diem, Le piédestal de Van Trach Hoa. La découverte, Lettre de SACHA10 (2003) 3

4- Jean Baptiste, Le piédestal de Van Trach Hoa. Présentation générale, Lettre de SACHA10 (2003) 4-6 ; Le piedestal de Van Trach Hoa : un bali-pitha d'un type inédit. Notes sur l'iconographie des dikpala au Champa,Arts Asiatiques58 (2003) 168-76

5- Trần Kỳ Phương, Di tích mỹ thuật Champa ở Thừa Thiên Huế, Nghiên cứu và Phát triển (3) 41 (2003) 51-60

6- Jean Baptiste, Gardiens de l'espace (dikpala) trong La sculpture du Champa, Musée national des Arts asiatiques Guimet, Paris 10.10.2005-09.01.2006, 276-81


  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]